Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-23)
Những chiến binh thầm lặng
14:52 | 13/10/2023

TRẦN BẠCH DIỆP

          Ghi chép

Những chiến binh thầm lặng
Các chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị cho cuộc hành trình tìm kiếm 13 cán bộ sĩ quan (sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3) - Ảnh: baothuathienhue

Tôi có nỗi ám ảnh khiếp sợ với những đám cháy. Năm lên 13 tuổi tôi đã chứng kiến vụ hỏa hoạn xảy ra thiêu trụi ngôi nhà gỗ công sức bao năm gom góp xây dựng của ba mẹ tôi. Giữa cái nắng tháng Sáu với những ngọn gió phơn cuồn cuộn bóc từng mảng tranh mái lá rường cột quay tít lên trời. Bà con hàng xóm lao vào nhưng vội dạt ra vì ngọn lửa như con quái vật lè ra đến đâu thiêu trụi tới đó. Con bé đã quỳ xuống và cầu xin Trời Phật trên cao có phép màu nào ngăn được sự cuồng nộ của lửa. Trong khoảnh khắc mọi người đành buông tay nhìn ngôi nhà với bao vật dụng thóc lúa hoa màu tan thành tro bụi. Làng tôi ở dưới chân một ngọn đồi thấp. Đường đi lại quanh co cách trở. Thời đó ở thôn quê nhà tranh vách đất. Mỗi khi nghe tiếng kẻng báo động ba tiếng một gấp gáp là tôi như co người vì khiếp hãi. Đó là tiếng báo động chữa cháy, dập lửa của bà con trong làng làm hiệu lệnh cùng nhau. Những vụ hỏa hoạn xảy ra liên miên gây bao mất mát, tổn thất cho người dân. Từ trong ký ức thơ bé, hình ảnh người lính cứu hỏa là những nhân vật đẹp như huyền thoại. Họ là những người lính có sức mạnh và tình yêu thương, lòng quả cảm. Những con người bình dị nhưng xuất hiện giữa ngọn lửa hung hãn như những vị thần cứu hộ. Đứa bé từng ao ước giá như có phép màu, các chú lính cứu hỏa xuất hiện nơi ngôi làng nhỏ xa xôi này... Nỗi khiếp sợ về đám cháy và tro tàn của nó mãi ám ảnh tôi. Sống ở thành phố bao năm tôi vẫn thấy tim thót lại mỗi khi nghe tiếng còi xe chữa cháy lao nhanh qua phố nhà. Giao thông trên đường như chững lại dạt lối nhường xe cứu hỏaqua. Đây đó làtiếng chép miệng thở dài với những ánh mắt lo lắng. Byron Pulsifer từng viết: Không gì gợi lên được lòng trắc ẩn, sự lo lắng và sự nguy hiểm bằng một chiếc xe cứu hỏa gào thét, bằng việc chở những người lính cứu hỏa sẵn sàng chiến đấu mà không hề nao núng trước bất kỳ yêu cầu nào.

Chúng ta từng gặp họ từ trên những bài tập đọc của các bé học sinh lớp một. “Lính cứu hỏa được coi là người hùng thầm lặng trong bão lửa, luôn dũng cảm, gan dạ, không sợ hiểm nguy, góp phần vào việc giữ gìn bình yên cho cuộc sống.”

Chúng ta đọc báo, xem những thước phim xúc động về sự hy sinh dũng cảm của những người rất giản dị bình thường giữa đời sống. Nhưng khi tiếng còi cứu hỏa vang lên, họ chính là những chiến binh, những thiên thần nâng đỡ chúng ta vượt qua thảm kịch.

Đó là những con người bình thường dám làm những điều phi thường dám vượt lên mọi giới hạn, sẵn sàng hy sinh và cống hiến.

*

Tôi đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) cùng đoàn văn nghệ sĩ trong chương trình đi thực tế vào một ngày hè nắng gần 400C. Khu nhà sơn màu vàng đất với hai dãy nhà xe hai bên. Những chiếc xe hiệu Hyundai, Man, Nissan, xe thang lớn bằng cả một gian nhà. Tất cả được xếp ngay ngắn thành một hàng ngang như những chiến binh sẵn sàng ra trận. Đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH -Thượng tá Phan Thanh Phong, đồng chí Trung tá Phó phòng Lê Văn Thứ, Đội trưởng Trần Trọng Bằng cùng một số cán bộ đơn vị tiếp đoàn trong bầu không khí thân mật vui vẻ.

- Mọi người quen nhìn chúng tôi là những người lính cứu hỏa cầm vòi phun lao vào đám cháy. Nhưng trên thực tế, PC07 chúng tôi còn là đơn vị làm công tác tham mưu, nghiên cứu đề xuất các văn bản quy phạm về PCCC và CNCH. Cùng với nhiệm vụ PCCC và CNCH, chúng tôi làm công tác tuyên truyền kiến thức và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH gắn với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hiện đang là mùa cao điểm, ẩn họa cháy nổ ngày càng tăng. Đơn vị sẵn sàng làm nhiệm vụ 24/24 giờ. Chúng tôi sẵn sàng đầy đủ tốt nhất các phương tiện để có lệnh là lên đường.

Tôi nhìn ra phía có tiếng động cơ đang vào cổng cơ quan.

- Tối qua anh em vừa về chợ Nọ cứu vụ đuối nước, hôm nay có chiếc xe khách bốc cháy trên đường lên phía tây thành phố. Những diễn biến bất thường của thời tiết, đô thị ngày càng phát triển hiện đại, đồng nghĩa với sự tiềm ẩn những nguy cơ về cháy nổ, về những tai nạn có xu hướng gia tăng và khó lường. Đứng trước một vụ cháy, hay thực thi nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, không ai có thể nói trước điều gì. Luôn là những thách thức, chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần để giữ lấy tính mạng, tài sản của dân.

Tôi như bị cuốn hút ngay khi đập vào mắt dòng chữ trên báo cáo tổng quát quá trình hoạt động công tác PCCC và CNCH trong năm năm qua. “...Năm tháng đầu năm 2023 địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy dân sự nào gây thiệt hại về người”. Tôi thấy niềm vui và tự hào khi được tìm hiểu và viết về các anh. Những nhân vật mang lại nhiều cảm xúc cho tất cả chúng ta. Những chú lính “siêu nhân” như cách bọn trẻ từng thốt lên cảm phục.

Với dân số khoảng 1.136.550 người trên diện tích 5.033 km2, Thừa Thiên Huế có khoảng 12.310 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Khí hậu khắc nghiệt, địa bàn cách trở, nhu cầu sử dụng nguyên liệu cháy nổ ngày càng tăng, số lượng cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ ngày càng nhiều, tốc độ đô thị hóa nhanh với những khu nhà cao tầng quá cao; nhu cầu vận tải và du lịch đường thủy, đường hàng không gia tăng cùng nguy cơ cháy nổ và các hình thái thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp khó lường. Những yếu tố trên đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ mới rất nặng nề cho công tác PCCC và CNCH. Theo báo cáo sơ bộ của đơn vị màtôi được đọc, trong thời gian năm năm qua đã xảy ra 102 vụ cháy dân sự diện thống kê, 210 vụ cháy nhỏ. Đã xảy ra khoảng 125 vụ tai nạn, sự cố như đuối nước tai nạn giao thông, hậu quả thiên tai. Đứng trong căn phòng chừng 20m2 có hai sĩ quan đang trực trước điện thoại màn hình, tôi thật sự xúc động khi biết rằng đây là Trung tâm 114. Căn phòng nhỏ ở tầng ba, cửa sổ mở thẳng ra sân trước dưới bóng lá cờ đỏ sao vàng tung bay là nơi tiếp nhận điều hành thông tin về các đám cháy và các vụ cứu hộ cứu nạn. Từ đây lệnh được phát ra với tiếng chuông báo động. Hàng ngàn lượt phương tiện chữa cháy, xe chỉ huy, xe chuyên dụng, cano, xe bồn, máy bơm, xe bán tải; hàng chục ngàn lượt chỉ huy, cán bộ chiến sĩ nhận lệnh xuất phát. Những chuyến xe lao nhanh lúc nửa đêm, giữa trưa đổ lửa, trong mưa bão giá rét, khi nước lũ xé rừng, ngập sông suối đổ về.

- Lính chúng tôi hai ngày trực tại chỗ, một ngày nghỉ (nghỉ sau giờ làm việc). Nhưng tất cả anh em cán bộ chiến sĩ đều phải mở điện thoại chế độ chuông. Có báo động là lập tức xuất xe ra cổng trong vòng 90 giây. Cũng phụ thuộc nhiều về sự di chuyển trên đường, nhưng chúng tôi luôn cố gắng nhanh nhất có thể. Anh Phong giải thích khi tôi hỏi thêm.

- Vậy ngày nghỉ của anh em cũng khó trọn vẹn?

- Vâng, nếu cháy lớn hoặc có trường hợp nguy cấp cần CNCH phải huy động lực lượng là anh em đang nghỉ cũng phải có mặt ngay để bổ sung lực lượng ứng cứu.

Tôi vui vui khi chợt nhớ đã đọc trên mạng dòng caption cùng với một bức ảnh chàng lính cứu hỏa đang cười tươi rói. Đoạn status vừa được đăng tải đã nhận được rất nhiều like. Chàng trai viết: “Lính cứu hỏa thì cũng là công an đấy chứ em. Đợt trước bọn anh ra chợ có người còn hỏi làm nghề công nhân môi trường à hay sao lại mặc quần áo thế kia. Thực ra nghề này cũng vui lắm. Hết phòng trực là ra xe chữa cháy. Em đã bao giờ nhìn lính cứu hỏa mặc quần đùi đi chữa cháy chưa? Đêm hôm nào mà có chuông phát là bật dậy luôn, vơ bừa quần áo rồi lên xe, có lần tối quá vơ nhầm 2 cái áo thế là không có quần dài mặc.”

Bạn ấy còn viết khi được hỏi về việc các anh có sợ chết không, anh chàng cứu hỏa thật thà: “Không! Lính cứu hỏa bọn anh thì không sợ chết, chỉ có mấy cậu lính mới vào thời gian đầu thì còn hơi sợ thôi, chứ giờ đứng trước đám cháy thì chả suy nghĩ gì, cứ thế xông vào lo dập lửa thôi!”

Tôi nhớ đã cười mà mắt cay cay.

*

Chia sẻ về tình hình PCCC của địa phương, Trung tá Lê Văn Thứ - Phó Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nói:

- Thời gian qua chúng tôi đã chủ động đề xuất Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn.

Trong PCCC và CNCH, nguyên tắc 4 tại chỗ trong việc phát hiện và xử lý 5 phút đầu tiên có tính chất quyết định.

Nắm bắt được điều này, đơn vị đã kết hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo xây dựng những mô hình sáng tạo đảm bảo an toàn cho dân trước “giặc lửa”. Đặc thù của địa phương là tồn tại nhiều hẻm nhỏ và sâu, xe chữa cháy chuyên dụng rất khó tiếp cận. Nên mô hình “Tổ liên gia PCCC” lấy dânlàm trung tâm trong công tác phòng ngừa đã được triển khai, nhân rộng. Hiện tại địa phương đã hoàn thành 100% mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng; vận động 213.755 nhà trang bị bình chữa cháy xách tay, 100% nhà ở kết hợp kinh doanh mở lối thoát nạn thứ hai; tuyên truyền tập huấn kỹ năng kiến thức về PCCC và CNCH cho 156.000 người, tổ chức thực tập 61 Tổ liên gia an toàn PCCC. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Áp dụng phương châm này triển khai phát động phong trào: “Mỗi gia đình tự trang bị bình chữa cháy”; “Tháo dỡ lồng sắt, chuồng cọp, tạo lối thoát nạn thứ hai”... Tôi hiểu kết quả này đã nói lên sự quyết tâm của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH trong việc tuyên truyền xây dựng phong trào nâng cao ý thức trách nhiệm và kiến thức phòng chống cháy nổ sâu rộng trong toàn dân, đây là việc làm rất quan trọng góp phần làm giảm thiểu các vụ cháy nổ thời gian vừa qua.

- Thưa anh, tôi vừa gặp các anh lính trẻ đang xếp hàng trong buổi huấn luyện ngoài kia. Lính cứu hỏa đẹp trai và hiền thế, nhưng tác phong thì rất nhanh nhẹn hoạt bát. Thật bất ngờ vì đó cũng chính là những người lính kiên cường lao vào đám cháy cứu người. Các anh có một đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ?

Thượng tá Phan Thanh Phong cười rất vui:

- Những năm qua công tác PCCC & CNCH được các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới địa phương hết sức quan tâm và ban hành nhiều văn bản, các quy định nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân cho hiệu quả công tác PCCC được nâng lên, phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển sâu rộng. Chúng tôi đã được đầu tư mua sắm thiết bị bảo hộ, phương tiện hiện đại để làm nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ chỉ huy phát huy tốt năng lực, sở trường, kinh nghiệm, làm vai trò tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành. Việc đào tạo trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho anh em luôn được quan tâm đúng mức. Có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ lực lượng đặc thù này phải hết sức bài bản, khoa học, sát với yêu cầu thực tiễn, thậm chí phải dự báo và đi trước thực tiễn để làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ cơ sở. Ngoài số cán bộ chiến sĩ được đào tạo cơ bản và chuyên ngành, chúng tôi có thêm lực lượng anh em tham gia nghĩa vụ. Họ là những người trẻ nhưng đầy đam mê nhiệt huyết. Chúng tôi có chương trình huấn luyện nghiệp vụ mỗi năm hai kỳ và phong trào thường xuyên học tập thi đua thấm nhuần bốn lời Bác Hồ dạy trong công tác PCCC và sáu điều Bác dạy Công an Nhân dân. Dù vẫn còn một số khó khăn như tổng thể biên chế đơn vị đang thiếu rất nhiều so với chức năng và nhu cầu công tác thực tế; điều kiện công tác ngày càng phức tạp, nguy hiểm nhưng anh em vẫn luôn đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc diễn tập quy mô lớn với sự kết hợp các cơ quan ban ngành liên quan về công tác PCCC và CNCH trên sông Hương.

Anh có lời mời anh chị em văn nghệ sĩ đến xem diễn tập và còn nói thêm hy vọng sẽ có những bức ảnh đoạn phim rất ấn tượng và đẹp về hình ảnh người lính PCCC & CNCH trên dòng sông quê hương thơ mộng bình yên.

- Ngoài công tác huấn luyện chuyên môn, chúng tôi muốn nhân dịp này cuộc diễn tập sẽ có thông điệp đến đông đảo nhân dân về việc mỗi người dân phải có kỹ năng và trách nhiệm về việc phòng cháy, cứu nạn để bảo vệ mình và cộng đồng.

- Thời gian qua chúng tôi đã tổ chức diễn tập Cấp Công an tỉnh (hồ Tả Trạch), cấp Quốc gia do Bộ Công an tổ chức. Đã phối hợp với các địa phương tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, ứng phó cháy rừng, tổ chức diễn tập cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn để bồi dưỡng huấn luyện lại kiến thức PCCC và CNCH cho người lao động và thực hành các phương tiện chữa cháy linh hoạt.

*

Theo lời mời của lãnh đạo đơn vị, chúng tôi tham quan một vòng quanh trụ sở. Ở đây tất cả các phòng ban khu sinh hoạt nhà ăn nhà xe sân bãi được xây dựng và bố trí một cách rất khoa học hợp lý. Điều này làm tôi chợt nghĩ đến những sơ đồ tối ưu trong Rise of Kingdoms - là một game chiến thuật lấy bối cảnh quân sự thời Trung cổ. Tất cả mọi thứ từ các nhân vật cho đến các tòa nhà đều được thiết kế rất chi tiết. Tôi cũng đã nói vui điều này với hai bạn trẻ khi đi ngang qua một căn phòng cửa mở. Hai chiến sĩ trẻ Tín và Huy đang ngồi đọc sách trong giờ nghỉ.

- Trời nóng thế này, bận quân phục chữa cháy có nóng lắm không? Các bạn phải trực tại cơ quan hay có thể về nhà?

Tín cười:

- Chúng tôi trực hai ngày nghỉ một ngày. Ăn ở tại cơ quan. Công việc của chúng tôi là đối phó với giặc lửa nên luôn phải chủ động trong mọi lúc. Tiếng chuông báo cháy vang lên, 90 giây sau là đội hình đã xuất phát. Vì thế các trang thiết bị luôn được bảo dưỡng kiểm tra mỗi buổi sáng. Sắp xếp hợp lý phương tiện chiến đấu giúp chiến sĩ thao tác nhanh hơn. Vì cháy nổ, cứu nạn luôn là những trường hợp nguy cấp mà. Áo quần và ủng bảo hộ cũng có nhiều loại phù hợp để sử dụng trong đám cháy có nhiệt lượng lớn, có loại chống hóa chất xâm nhập, v.v.

- Công việc vất vả và nguy hiểm, sao các em chọn nghề này? Huy tiếp lời và tôi ngạc nhiên về giọng nói mạch lạc đầy nhiệt tình hăm hở trên khuôn mặt một anh lính trẻ măng:

- Chúng tôi yêu nghề và chọn nghề với lòng tự hào mặc bộ quân phục cứu hỏa dù biết đây là một công việc đầy những hiểm nguy đòi hỏi sự quả cảm và hy sinh. Đã được học đầy đủ về công tác PCCC và CNCH nhưng trên thực tế mới thật sự rõ ràng nhất bởi vì chẳng có đám cháy nào giống nhau cả. Không chỉ đơn giản cầm vòi phun mà chữa cháy cần có chiến thuật mới dập được lửa. Chúng tôi luôn học tập và rèn luyện một tâm lý thật vững vàng, một sức khỏe tốt để đối mặt với những hiểm nguy trong các tình huống nguy cấp. Nhiều niềm vui cũng nhiều câu chuyện xúc động với nghề này. “Cứu cái còn trong cái mất” mà chị.

Dưới bóng mát của gara xe và bức tường thành có vài ba bạn trẻ ngồi uống trà, góc kia có xà đơn xà kép và cả sân chơi bóng chuyền, cầu lông. Trung tá Lê Văn Thứ chia sẻ:

- Bếp ăn tập thể do hai chị nuôi Phượng và Thu đảm trách. Các đồng chí luôn chuẩn bị đầy đủ các bữa ăn chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho anh em. Chúng tôi ở đây sinh hoạt như một ngôi nhà chung, yêu thương, chăm sóc và chia sẻ những khó khăn trong công việc, trong sinh hoạt cùng nhau. Rất ít khi anh em gặp nhau đầy đủ trong bữa cơm. Khẩu phần ăn có sẵn nhưng có lệnh là lập tức lên đường. Nhiều hôm đến nửa khuya mới về đến đơn vị. Tay chân đầy vết xước, vết bỏng, mặt mày lấm lem. Uống một ly nước hay một ổ bánh mì với lời cảm ơn chân thành từ người dân là chúng tôi đã vui lắm rồi.

*

Đọc trên báo cáo tổng kết công tác PCCC và CNCH trong năm năm qua tôi thật sự xúc động trước những vất vả, hy sinh thầm lặng mà các anh đã đóng góp để bảo vệ cho sự bình yên của cuộc sống người dân. Từ những con số thống kê trên giấy, trước mắt tôi là những đám khói mù mịt, tiếng kêu thét sặc sụa khói, những trận lũ nước ngập làng mạc, phố xá, cây cổ thụ đổ gãy cành, bật gốc, nhà dân lật mái, vợ khóc tìm chồng vô vọng giữa dòng lũ hung dữ; dòng sông thường ngày thơ mộng bỗng hôm nào đó biến thành dòng nước đen ngòm cuốn trôi mất dấu những đứa trẻ, những người dân khốn khó; những giọt nước mắt bất lực những bàn tay chới với... Người bị nạn vui mừng nghe tiếng còi cứu hộ, chờ đợi sự xuất hiện của các anh. Những chiến sĩ mặt mũi đen kịt vì bám khói, bàn tay tuột da vì bỏng, vì sức nóng, xông vào chốn hiểm nguy bất chấp nỗi sợ cho bản thân. Họ mò mẫm trên những hành lang tối om, đầy khói, gõ cửa từng nhà để tìm người. Họ cõng trên lưng những nạn nhân mệt lả, ngất xỉu, họ leo lên những tầng nhà, dùng dây, dùng xe thang đưa người xuống đất… Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là cái cảm giác bất lực khi dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu được người mắc kẹt bên trong. Nhân dân cảm phục và ghi nhớ những hình ảnh xúc động đó, những biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ cảnh sát PCCC vàCNCH. Năm năm qua đơn vị đã xuất tổng cộng hơn một ngàn lượt xe chữa cháy, cứu hộ; gần mười ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ xuất quân, kịp thời ngăn chặn các đám cháy và cứu hộ cứu nạn. Đại úy Lê Khắc Đăng Ánh là một trong những cán bộ tiêu biểu được ghi sổ vàng lập công năm 2018 trong vụ dũng cảm cùng đồng đội lao vào làn khói khí độc với những bình khí axetilen sắp phát nổ, phá cửa cuốn, triển khai đội hình xe thang kịp thời cứu 5 người an toàn trong vụ cháy nhà dân tại 43A An Dương Vương. Anh cũng là người được Giám đốc cảnh sát PCCC tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng vì thành tích chữa cháy và Huy chương vàng bơi lội trong Hội thao ngành Công an hai năm liền 2017 - 2018. Ngày 15/10/2018, sau 2 giờ 30 phút, với toàn bộ phương tiện của đơn vị và hàng chục cán bộ chiến sĩ dũng cảm, đám cháy lớn với diện tích 1500m2 với những cột khói cao 5m mịt mù khí độc và những bình khí chực phát nổ giữa khu xưởng nguyên liệu mây, nhựa của Công ty Liên Minh đã được dập tắt.

Năm 2019, đơn vị đã chữa cháy thành công ba vụ cháy rừng lớn bảo vệ hàng trăm ha rừng, đường dây điện cao thế 500kv; Bảo vệ khối lượng tài sản trên 700 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Sợi Phú Nam trong vụ cháy ngày 23/7 với thời gian hơn 60 giờ dập lửa và cứu nạn; Phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn Hương Thủy suốt 7 giờ chống chọi với giặc lửa, bảo vệ được khối lượng lớn máy móc sản phẩm cho nhà máy giấy thuộc Công ty TNHH Trọng Vương; Dập tắt đám cháy ở tầng 5 khách sạn Duy Tân bảo vệ an toàn cho 60 khách đang lưu trú. Người dân và cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Sợi Phú Nam (Khu CN Phú Bài) vẫn còn xúc động khi nhớ lại hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện cứu hỏa triển khai khoanh vùng cô lập đám cháy, đào xới kho bông, phun nước dập lửa suốt 58 giờ đồng hồ không ngưng nghỉ. Trắng đêm chữa cháy, nhiều cán bộ chiến sĩ kiệt sức, nôn mửa vẫn giữ vững vị trí chiến đấu cho đến khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Vụ cứu nạn ở đỉnh Bạch Mã là câu chuyện cảm động mà các du khách trong đêm mưa bão năm đó sẽ còn nhớ mãi. Khi được tin đoàn du khách trên đèo đang bị chia cắt bởi dòng nước lũ cuồn cuộn. Trong mưa bão, địa hình hiểm trở, xe cứu nạn không thể vào được, các chiến sĩ đã leo núi với hàng chục kilogam phương tiện, triển khai đội hình cứu nạn, cứu hộ đưa các nạn nhân và hành lý vượt lũ an toàn… Vụ cháy Công ty Scavi Huế được khống chế sau hơn 5 giờ với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và phương tiện cứu hỏa phối hợp với các đơn vị bạn.

Sạt lở Rào Trăng là sự cố gây đau thương mất mát rất lớn. Hơn 20 ngày đêm, Thiếu tá Trần Trọng Bằng và Thượng úy Lê Văn Kỳ cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong bùn lầy mưa lũ, giữa những nguy hiểm sạt lở bất ngờ với hàng chục phương tiện cứu hộ, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm các thi thể của người bị nạn và đưa 19 công nhân bị mắc kẹt đến nơi an toàn. Vụ tiến hành tìm kiếm một du khách người Mỹ và đã kịp thời cứu nạn nhân trong tình trạng hoảng loạn kiệt sức. Vụ giải cứu tài xế trong tai nạn giao thông ở Hương Hồ, các anh phải cắt cả đầu xe, sử dụng kích thủy lực đẩy những khối sắt để kịp cứu tài xế và đưa thi thể hành khách ra. Những trận lũ lớn mỗi năm xảy ra vài ba lần luôn có các anh kịp thời ứng cứu. Ngâm mình trong dòng nước dữ hàng giờ, các anh đến từng nhà từng ngõ cứu và di chuyển hàng trăm lượt dân đến nơi an toàn. Không thể kể hết những khó khăn nguy hiểm mà các anh đã dũng cảm vượt qua. Thương tâm nhất là những vụ CHCN mà nạn nhân mất tích đa phần đã tử vong. Anh em lao đến hiện trường giữa mưa bão, lúc nửa đêm, bất chấp mọi trở ngại. Nỗi đau của những gia đình nạn nhân quá lớn. “Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để tìm kiếm. Có những đợt lặn tìm hai ba ngày mới tìm thấy xác nạn nhân. Anh em gần như đuối sức nhưng vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Đại úy Lê Văn Kỳ là một tấm gương tuổi trẻ tiêu biểu xuất sắc của Phòng cảnh sát PCCC & CHCN được nhân dân và anh em trong đơn vị yêu mến. “Dũng cảm, bản lĩnh, nhiệt tình, say mê với công việc, năng động xung kích trong hoạt động Đoàn. Hơn 10 năm thâm niên trong nghề, đồng chí đã cùng đồng đội tham gia chữa cháy, giải cứu nhiều nạn nhân mắc kẹt trong hầm khí, nhà cháy, cống thoát nước, xe ô tô bị tai nạn, lặn tìm kiếm thi thể nhiều nạn nhân trong các vụ đuối nước... trên 100 vụ ở địa bàn tỉnh. Tôi đã có đề nghị muốn được gặp Kỳ nhưng anh bận suốt cả tuần vẫn chưa sắp xếp thời gian được. Cho đến buổi sáng hôm ấy biết tin anh đang có mặt trong buổi luyện tập trên sông Hương, 11 giờ trưa đoán chừng xong buổi tập tôi chạy xe đến. Một số anh em sắp xếp chuẩn bị lên xe về đơn vị. Kỳ mới lái cano áp bờ, trên sông nắng hạ chói chang, vài ba chiến sĩ áo phao đỏ đang đánh sóng ì oạp.

- Xin lỗi chị, tôi bận quá. Kỳ chào với nụ cười hiền khô, làn da ngăm đen nắng gió. Chúng tôi đang luyện tập và hướng dẫn cho các anh em mới vào nghề.

- Hôm qua trong điện thoại, mình có nghe tiếng anh em chúc mừng tân Thượng úy. Vậy Kỳ là lính chuyên nghiệp được đào tạo về PCCC & CNCH?

- Tôi là lính nghĩa vụ, vì yêu nghề và được cấp trên quan tâm cho đào tạo nghiệp vụ Cảnh sát khu vực...

Kỳ cười. Nắng chấp chới mặt sông, làn da sạm và cánh tay chắc nịch trông anh thật sự là một chàng trai mạnh mẽ như chiếc ca nô băng băng lướt sóng cập bờ.

- Tôi học võ thuật, thích thể thao. Lúc đầu thấy các bạn cùng lứa làm cảnh sát hình sự, giao thông trông oách lắm, lính cứu hỏa hơi chạnh lòng. Nhưng tiếp xúc hàng ngày, hiểu rõ hơn về công việc cấp thiết đòi hỏi sự quyết tâm linh hoạt và nhất là sự dũng cảm của người lính cứu hỏa, cứu nạn, bây giờ tôi càng yêu hơn nghề này.

Tôi đề nghị Kỳ kể về một số vụ việc anh đã tham gia như trong báo cáo thành tích đơn vị đã nêu. Kỳ trầm giọng:

- Không nhớ nổi đã từng làm bao nhiêu vụ. Vì địa bàn Thừa Thiên Huế rộng và địa hình phức tạp. Lính PCCC và CNCH phải đa năng nhuần nhuyễn các kỹ năng. Không chỉ biết chữa cháy, mà cả biết bơi, lặn, leo trèo, khuân vác, cõng cáng các cách sơ cứu, cách trấn an và cả công tác tuyên truyền. Chúng tôi được đào tạo nghiệp vụ, được sự quan tâm tin tưởng của chỉ huy, nên anh em phát huy hết năng lực cùng nhau cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi có đội trưởng Trần Trọng Bằng là một cán bộ gương mẫu có mặt trong đa số những vụ lớn. Anh em luôn quý mến sự tháo vát nhiệt tình đầy trách nhiệm của anh. Chúng tôi luôn hiểu và tin tưởng nhau, cùng nhau có thể làm tốt nhất những công việc khó khăn trong thời gian nguy cấp. Với niềm tin có đồng đội sát cánh, một người vì mọi người, cứu dân vì dân, đó cũng là động lực để người lính lao vào dòng nước lũ hay biển lửa. Đôi khi chúng tôi thật sự không còn nghĩ đến những nguy hiểm cho bản thân. Chỉ ước có thêm sức mạnh để giúp người bị nạn. Có những mối nguy hiểm chết người nhưng đến lúc ngồi kể lại các anh pha trò như những mẫu chuyện vui. Tôi hỏi Kỳ về vụ thoát nạn của anh và đội trưởng Bằng như đã thành giai thoại. Khi được tin báo từ Nam Đông nạn nhân đã tử vong nằm trên vách đá dựng đứng nơi vùng núi hiểm trở. Chỉ có cách tìm đường leo lên. Đội trưởng Bằng và Kỳ lần từng bước qua vách núi cheo leo. Chỉ sơ sẩy trượt tay là khó thể níu lại được. Tìm thấy xác nạn nhân rồi tìm cách đưa xuống cũng nguy hiểm không kém. Phối hợp với đồng đội đưa được nạn nhân xuống hai người dường như kiệt sức. Định nằm thở vài phút ngờ đâu vù vù lao tới, bầy ong đen đặc cả bầu trời. Vách đá cheo leo không thể chạy không chỗ ẩn nấp. Kỳ cười như kể chuyện vui.

- Nhắm mắt làm mồi cho lũ ong điên cuồng đốt mặt mày tay chân sưng vù phát sốt, hai anh em gắng sức lần từng bước trở lại. Biết nguy hiểm khi leo lên đó nhưng bằng mọi cách chúng tôi phải đưa được nạn nhân về với gia đình họ.

Trong câu chuyện của Kỳ, tôi như được gặp những gương mặt lấm lem khói bụi, băng mình trong biển lửa đang hoành hành, ngâm mình dưới sông sâu buốt lạnh để cứu người bị nạn, cứu tài sản Nhà nước và của dân. “Các vết bỏng, thương tích như trầy da, đứt, xước tay, chân xảy ra thường xuyên nên hầu như chẳng ai nhớ đến. Các vết thương cứ thế chồng nhau trên thân thể người lính cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ”, như một đồng nghiệp của anh từng chia sẻ.

- 19 tuổi lần đầu Kỳ tham gia cứu một cô gái trẻ trong vụ cháy ở phía bắc thành phố. - Kỳ nhắc lại với ánh mắt rất buồn. - Lửa lan rừng rực bốn phía, ba tầng lầu đầy lửa. Bật tung các cửa phòng tìm kiếm ra là cô bé trốn ở phòng vệ sinh cầu thang. Lao qua ngọn lửa như táp vào người tôi bế cô bé chạy ra. Dù được cấp cứu ngay nhưng thật đáng tiếc em không qua khỏi.

Tôi nhìn đôi bàn tay Kỳ, đôi bàn tay vẫn còn những vết sẹo. Tôi nghĩ đến bộ đồ cứu hộ và sức nóng khủng khiếp các anh phải chịu đựng. Dù được quan tâm đến những trang thiết bị nhưng sự hung hãn và những nguy cơ đứng trước giặc lửa thật khôn lường. Ánh mắt hướng vào hai đồng nghiệp trẻ đang sải tay bơi giữa sông, Kỳ tiếp:

- Khi lao vào biển lửa hay lặn xuống lòng sông, trèo lên vách đá, chúng tôi luôn cố gắng giữ vững tinh thần. Mình sẽ làm được, nhất định sẽ làm được. Và tìm mọi cách, nhanh nhất có thể để kịp thời cứu nạn nhân. Chúng tôi đã từng thực hiện hàng trăm vụ mò tìm thi thể dưới dòng nước lạnh buốt tối đen mù mịt, lần mò trong áp lực kinh khủng của dòng nước làm tai đau buốt. Có lần thuyền gặp nạn tận thượng nguồn sông Tả Trạch. Dòng xoáy qua thân cây, cọc tre gây hư hại thiết bị lặn. Suốt 5 giờ đồng hồ tìm kiếm được ba thi thể, trục vớt một chiếc thuyền bị nạn, anh em dường như mệt lả. Những khuôn mặt tái mét run lên vì lạnh, vì đói nhưng mọi người đều hài lòng vì đã cố gắng làm hết sức mình góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân.

- Các bạn được đào tạo kỹ thuật lặn thời gian lâu không? - Tôi hỏi Kỳ và chợt nghĩ mình có thể làm gì khi nước biển mới ngang ngực đã thấy khó thở và chới với.

- Phải tự rèn luyện là chính chị ạ. Nhận bộ đồ lặn với một mớ tiếng Anh rối rắm, chúng tôi phải nghiên cứu mày mò. Mang bộ đồ nặng mấy chục ki lô thả mình xuống nước đâu phải dễ. Phải tập từng ngày từng mùa từ 3m đến 5m, 7m đến cả chục mét. Đôi khi kiệt sức và mất phương hướng dưới dòng nước chỉ có lòng tin hướng đến anh em đang nắm sợi dây điều khiển trên bờ, nghĩ đến nỗi đau của gia đình nạn nhân và lại cố chút nữa. Và bây giờ lại đến lượt chúng tôi tập luyện cho các bạn mới vào nghề. Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho các đồng nghiệp trẻ là công việc rất được quan tâm. - Kỳ vừa nói vừa vẫy tay ra hiệu mấy chàng lính mới. - Tập thêm vài vòng nữa rồi mình cùng về nhé!

Có quá nhiều những bất ngờ khi được tiếp xúc với các anh từ Ban Chỉ huy đơn vị đến những anh lính trẻ. Họ dễ thương, cuốn hút bởi sự mạnh mẽ thông minh hài hước và ấm áp chân tình. Họ là một tập thể gắn kết giữa những con người có ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ của bản thân và những công việc của cá nhân đều được xây dựng từ những cố gắng của cả tập thể. Họ từng rơi nước mắt khi lặn cấp tốc cứu được năm đứa trẻ đưa lên bờ. Thở phào vì một em kịp thời đi cấp cứu đã tỉnh lại. Bỗng phát hiện còn một chiếc xe đạp, lại lao xuống. Kiệt sức mà vẫn cố nương theo luồng nước để tìm. Em còn ấm nhưng không thể tỉnh lại nữa.

- Tối hôm đó anh em buồn đến mức không thiết ăn cơm. Tôi phải gọi mấy thùng bia và mấy món để anh em ngồi cùng nhau lấy lại tinh thần. Tôi nói chúng ta đã cố hết sức có thể. Bà con nhân dân luôn yêu thương và xúc động trước sự vất vả của các anh. Có cô bé học sinh tiểu học thấy các chú cảnh sát lặn tìm suốt mấy giờ đồng hồ đến mệt xỉu, em về đập đồng binh được hơn 300 ngàn đồng, nhất định đòi ba tặng các chú uống nước. Chúng ta hạnh phúc vì được dân tin yêu và càng phải cố gắng. - Trưởng phòng Phan Thanh Phong kể lại.

- Cũng như trong trận lũ năm trước anh em đã vài chục giờ liên tục lặn mò tìm kiếm giữa dòng nước lũ để vớt lên xác thai phụ đi sinh con bị đắm thuyền. Có lần sau mấy ngày lặn tìm đến kiệt sức, các anh phải năn nỉ người vợ trẻ hãy về nhà đi cùng một nén nhang cầu nguyện và thật kì lạ khi người vợ rời đi, xác anh chồng bị đuối đã hiện ra ngay nơi suốt mấy ngày anh em tìm kiếm. Thật sự chúng tôi không mê tín dị đoan, nhưng trước những câu chuyện thương tâm mà người lính phải đối diện, xót thương gia đình nạn nhân, chúng tôi cố gắng làm hết sức mình để phần nào xoa dịu nỗi đau cho bà con. Có những cảnh tượng đau buồn không cầm được nước mắt.

Kỳ ngưng lời vẻ mặt đăm chiêu.

- Công việc vất vả, nguy hiểm bất ngờ thường trực, các bạn có thời gian chăm sóc gia đình không?

- Chúng tôi không có nhiều thời gian để cùng vợ con vui chơi những dịp lễ, Tết. Lính cứu hỏa trong tư thế phải sẵn sàng làm nhiệm vụ mọi nơi mọi lúc. Đôi khi nửa đêm, đôi khi giữa cơn bão đang đổ bộ hoành hành, khi mọi người yên giấc ngủ hay tìm nơi trú ẩn, có lệnh là chúng tôi lao đi. Chúng tôi làm nhiệm vụ, chưa bao giờ nhận một sự cảm ơn vật chất của người dân. Theo mức lương quy định chúng tôi phải có kế hoạch và sắp xếp khá ổn cho sinh hoạt gia đình. Vì trách nhiệm và lòng yêu thương nên vợ lính luôn thông cảm và chia sẻ để chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi ngồi lặng trước những chia sẻ giản dị chân thành của người chiến sĩ trẻ, lòng ấm áp niềm vui và hy vọng. Chúng ta thật sự tin tưởng về sự đổi thay của đất nước, về sự bình yên và hạnh phúc cho mọi người khi có những người lính nhiệt tình, quả cảm như thế. Họ thật sự là những người bảo vệ sự bình yên cho hạnh phúc của nhân dân.

*

- Dù luôn đối mặt với nhiều khó khăn, mất mát nhưng lính cứu hỏa CNCH chúng tôi cũng có bao chuyện vui chị ạ. Tôi ngồi xuống bên bàn nước cùng ba chàng lính trẻ sau buổi gặp mặt của Ban Chỉ huy đơn vị với anh chị em văn nghệ sĩ.

- Đơn vị đóng ngay trung tâm thành phố. Nhiều lần chúng tôi phì cười vì các em giờ mê các chú lính cứu hỏa quá trời. Nhiều phụ huynh kể lại mỗi ngày con đi học về đều xin mẹ chở ngang qua đây. Đứng ngoài cổng ngắm các chú luyện tập, ngắm đoàn xe xếp hàng đều tăm tắp, những xe bồn, xe thang oách như trong “phim Poly và các bạn” sau đó về nhà các bé mới chịu ăn cơm. Nhiều cậu bé mới mẫu giáo hay tiểu học cũng ra oai trước mặt các bạn nữ.

- Lớn lên mình sẽ làm lính cứu hỏa. Mình sẽ bảo vệ và cứu giúp mọi người!

Thật hạnh phúc khi nghe những câu chuyện như thế. Ngoài công việc chuyên môn bận rộn anh em đa phần đều là lính trẻ nên phong trào văn hóa văn nghệ thể thao, sinh hoạt kết nghĩa với các chi Đoàn bạn trong khu vực, các hội diễn văn nghệ quần chúng, hội diễn “Tết Đoàn viên”; tham gia giải bóng đá, bóng chuyền, xây dựng trụ sở “đơn vị mùa hoa”, “Bao lì xì cứu hỏa”... do Đoàn Thanh niên tổ chức được anh em tham gia nhiệt tình. Tất cả góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết xây dựng đơn vị, tuyên truyền cho công tác PCCC và CNCH, kết nối lan tỏa hình ảnh đẹp “vì nước quên thân vì dân phục vụ” của người chiến sĩ Công an nhân dân. Tôi tò mò khi nghe anh em kể về Bí thư Chi đoàn Lê Viết Quốc Vũ - người có công gây dựng nhiều phong trào sinh hoạt bổ ích cho Đoàn Thanh niên của đơn vị vừa có status gây bão trên mạng. Chàng lính cứu hỏa vừa cưới một cô giáo trung học tháng vừa rồi. Họ có những bộ ảnh thật dễ thương “đốn tim” bao chàng trai cô gái trẻ. Tìm trên facebook tôi đã ấn tượng ngay với bức hình đại diện. Anh chàng đẹp trai mặc quân phục lính cứu hỏa đang trao nụ hôn ngọt ngào cho cô dâu. Rồi là chú rể trong bộ đồ quân phục chữa cháy quỳ gối cầu hôn, các chàng lính trẻ đang ngồi trên xe chữa cháy vỗ tay rần rần. Đôi bạn hạnh phúc cầm tay nhau bước lên xe thang dưới ánh mặt trời rực rỡ. Bó hoa hồng được trao tay cô dâu qua cửa xe thang. Những vòi rồng phun nước làm nền, váy cô dâu bay lên dưới nền trời xanh thấp thoáng những chiếc xe cứu hỏa màu đỏ. Nụ cười của nàng như muốn nói: Hạnh phúc biết bao khi được làm vợ của lính cứu hỏa! Dù biết rằng mai này nàng phải gánh vác bao công việc gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Những đêm không ngủ thao thức nghe mưa lũ ập về. Trong bữa cơm cuối tuần tiếng chuông điện thoại báo cháy khẩn cấp vang lên... Hình ảnh của những người lính thật đẹp đã khơi dậy một niềm tự hào và động lực cho mọi thế hệ trong cuộc sống hôm nay.

Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát PCCC và CNCH, Vũ được phân công về đơn vị. Hăng hái nhiệt tình, hoạt bát và rất có duyên ăn nói, ngoài việc tham gia làm công tác PCCC và CNCH, chàng Bí thư Đoàn còn năng nổ đề xuất kế hoạch cùng anh em xúc tiến mở hàng trăm lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC & CNCH, phát hàng chục ngàn tờ rơi, tham mưu xây dựng video tuyên truyền, viết tin bài về hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; đảm nhận, triển khai công trình thanh niên hoạt động trải nghiệm “Em làm lính cứu hỏa” cho 19.350 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên tham gia. Mô hình trải nghiệm mới mẻ này nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh và hàng ngàn thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Thật khó để hẹn gặp các anh trong những ngày này. Gần như mọi người đều đang trong thời gian rất bận rộn. Vũ cũng vậy. Trực đơn vị sẵn sàng khi có vụ việc, tập luyện thường xuyên và tham gia những cuộc diễn tập lớn cùng các lực lượng ban ngành trong địa phương. Với cương vị Bí thư Chi Đoàn, từ 2018 đến nay Vũ cùng Đoàn Thanh niên đã đóng góp rất nhiều thành tích cho đơn vị trong việc tổ chứcvà tham gia hơn 220 buổi tuyên truyền về PCCC và CNCH cho hơn 36.277 người, đóng góp hàng trăm chuyên mục, phóng sự tin bài trên các phương tiện truyền thông báo chí, hướng dẫn hơn 1.200 mô hình PCCC - CNCH, 650 lớp huấn luyện nghiệp vụ với sự tham gia 39.342 người… Thật vui được gặp Vũ khi anh có vài giờ rảnh. Chàng trai có khuôn mặt điển trai ấm áp, làn da rám nâu và nụ cười rất lành. Tham dự một buổi hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn các kỹ năng PCCC cho trẻ em được tổ chức vào lúc 16 giờ - 17 giờ Chủ nhật hàng tuần tại 27 Nguyễn Văn Linh, Hương Sơ, thành phố Huế mới hiểu tại sao khi Vũ xuất hiện đâu đó đều được mọi người “chào thầy ạ” một cách quý mến như thần tượng.

- Đoàn Thanh niên đảm trách phần việc này. Chúng tôi kết hợp với nhà trường, phụ huynh tổ chức hoạt động ngoại khóa cho các cháu. Các em tiếp thu nghiêm túc và rất phấn khích khi được mặc trang phục, xếp hàng chào hỏi theo quân lệnh như những chiến sĩ cứu hỏa tí hon. Những gương mặt bé thơ sáng lên khi nghe các chú giới thiệu các thiết bị trên xe và công việc thường ngày của lính cứu hỏa. Các bé được học để biết cách bảo vệ mình khi gặp sự cố hỏa hoạn và tập cách giúp đỡ người khác cùng vượt qua. Hiện tại nhu cầu các trường và phụ huynh đăng ký tham gia rất cao. Chúng tôi vui mừng vì phong trào tuyên truyền kỹ năng PCCC và CNCH được nâng cao và lan tỏa.

- Nhiều bé còn nhắc ba mẹ mua bình cứu hỏa và tham gia mô hình “Tuyến phố an toàn” “Tổ liên gia an toàn” “PCCC bốn tại chỗ”... Các bé và phụ huynh đã có ý thức bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và tích cực hơn trong công tác PCCC. Công việc tuy vất vả nhưng với nhiệt tình và sức trẻ chúng tôi luôn phấn đấu để góp phần cho cuộc sống bình yên và tốt đẹp hơn.

Vũ cười rạng rỡ.

- Phối hợp với Hội Phụ nữ, Công đoàn cơ sở tham mưu lãnh đạo Phòng tổ chức từ năm 2019 - 2022, chúng tôi đã thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi ở địa bàn đóng quân, địa bàn vùng sâu, vùng xa với số tiền 384.960.000 đồng. Hơn 250 cán bộ đoàn viên tham gia hiến máu, triển khai chương trình gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo đến trường và chung tay bảo vệ môi trường. Đã có 06 em học sinh được làm “Em nuôi của Đoàn” trong chương trình “Cùng em đến trường” với mức hỗ trợ mỗi em là 1.000.000 đồng/quý. Vũ còn là Trưởng Ban điều phối của Dự án nuôi em Thừa Thiên Huế. Dự án triển khai có hiệu quả mang lại kết quả năm học 2021 - 2022, 1.200 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận nuôi.

- Mẹ kìa! Chú lính cứu hỏa con đã thấy trên ti vi.

- Con chăm ngoan học giỏi mau lớn, sau này làm lính cứu hỏa nhé!

Chúng tôi vẫn thường nghe những câu nói đó hàng ngày mỗi khi ra phố. Một ly nước mát, một ổ bánh mì của người dân mang đến, những vòng ôm xúc động của người được thoát nạn, ánh mắt và nụ cười rạng rỡ bé thơ, mâm cơm trưa dành riêng mời các chú lính cứu hỏa của bà chủ nhà hàng Cồn Tộc khi nhóm chúng tôi đi làm nhiệm vụ...

Chúng tôi có thêm động lực vượt qua nguy hiểm thử thách cũng từ tình yêu thương tin cậy của người dân.

Vũ kể về những niềm vui hạnh phúc đơn giản của người lính khi được cùng dân và vì dân.

- Sau một ngày luyện tập, bảo dưỡng phương tiện, anh em chơi cờ, chơi thể thao không nghe tiếng còi báo cháy, một đêm ngủ yên với gia đình không bị tiếng chuông báo động hối thúc. Những điều này cũng là niềm vui của chúng tôi.

Vũ chia sẻ với giọng xúc động.

- Và dù, chỉ có thể “cứu cái còn trong cái mất” nhưng sự xuất hiện của những người lính cứu hỏa luôn là niềm hy vọng trong những tình thế tuyệt vọng. Và chúng tôi dặn mình cố gắng, luôn luôn cố gắng!

Giữa cái nắng gay gắt trên sông Hương, cuộc diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông đường thủy nội địa với hơn 800 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia cùng với số lượng lớn phương tiện, trang bị đã diễn ra. Nhờ sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp, sát với tình hình yêu cầu đặt ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và trang bị. Người dân tham quan rất đông khu vực hai bên bờ sông. Giữa cảnh tượng những chiếc cano lướt sóng, những vòi rồng phun nước dập tắt đám cháy, những chiếc phao bơi lấp loáng lao đi cứu nạn, hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH trông oai hùng như những chiến binh dũng cảm trong lòng người dân thành phố.

*

Những con đường dọc bờ sông Hương giữa mùa hè vẫn xanh mát bóng cây, những khu vườn Huế thơm tho mùa trái chín. Ngó sang bên bờ kia là Kinh thành vàng son, là khu chợ trăm năm, là những ngôi nhà duyên dáng hiền hòa. Một giọng chuông với hoàng hôn muộn với màu mây núi in xuống lòng sông, bầy chim đập cánh bay ngang hiên nhà... Chúng ta cầu mong được thở trong một bầu không gian không tiếng còi xe cứu hỏa, xe cấp cứu. Chúng ta có giấc ngủ sâu trong mùi hương hoa cỏ mùa thu, trong nệm ấm mùa đông để đón những ngày mới an lành.

Xin cảm ơn các anh! Những chàng trai giản dị bình thường, những hiệp sĩ của ý chí và tình yêu cao thượng!

Đêm từng đêm trong những căn phòng ấm áp bình yên sẽ có những mơ ước lớn dần lên trong giấc ngủ thơ bé:

“Mình đỏ như lửa
Bụng chứa nước đầy
Tôi chạy như bay
Hét vang đường phố
Nhà nào bốc lửa
Tôi dập liền tay
Ai gọi chữa cháy
“Có… ngay! Có… ngay”

- Mai này con sẽ làm lính cứu hỏa mẹ nhé!

Những đứa trẻ thì thầm bên tai mẹ.

Huế, 15/6/2023
T.B.D
Trại sáng tác “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống”.
(TCSH50SDB/09-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)