Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-23)
Người đàn bà trong ‘Ngày trở về’ của Nguyễn Thị Minh Thìn
15:06 | 13/10/2023


LÊ THANH NGA

Quả thật là tôi không biết Nguyễn Thị Minh Thìn cho đến khi đọc Trở lại cánh rừng thuở ấy.

Người đàn bà trong ‘Ngày trở về’ của Nguyễn Thị Minh Thìn

Không thể không nói là tôi đã khá ấn tượng với Con gà mái hoa mơ - một truyện ngắn khiến người ta nghĩ đến một người đàn bà đi tìm vẻ đẹp của sinh sôi trong hoàn cảnh chiến tranh, nơi mà tiếng đạn bom, tiếng khóc thét đã trở nên một phần không thể thiếu, thậm chí là phần quan trọng nhất, ám ảnh nhất của đời sống. Cũng từ tập truyện này, tôi có cảm giác tác giả là một nhà văn đàn bà có thể bền bỉ theo đuổi đề tài chiến tranh, với những góc nhìn nhiều khi không hẳn mới mẻ nhưng lại biết cách tạo những nét riêng dẫu đôi khi mơ hồ.

Tôi đã nghĩ gì khi đọc Ngày trở về? Tôi nghĩ về đàn bà. Không phải về tác giả của tập truyện mà là về những con người trong thế giới ấy. Mặc dù vẫn có truyện mà nhân vật chính, nhân vật trung tâm là đàn ông, nhưng Ngày trở về là chuyện kể về đàn bà. Chỉ có một truyện duy nhất kể về đàn ông, thì cốt truyện của nó, những bi kịch mà người đàn ông - nhân vật trung tâm ấy -phải chịu đựng, cũng khởi từ đàn bà. Bảy truyện còn lại đều bằng những cách khác nhau, kể về những người đàn bà, một truyện kể về một bé gái trong những hoàn cảnh cụ thể của chính họ.

Nhìn một cách toàn cảnh, Nguyễn Thị Minh Thìn trong Ngày trở về nhìn người đàn bà trước hết từ góc nhìn thân phận. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng khi ta thấy tất cả những nhân vật nữ trong tập truyện đều xuất hiện với những bất hạnh của họ, dẫu, một cách rất thông thường, trước hết họ đẹp. Vẻ đẹp ấy nhiều khi có thể chỉ là thoáng qua, có khi lại còn ẩn giấu phía sau đó một cái gì dữ dội, tàn ác. Cô vợ của Bảy trong Bố ơi, con biết lỗi rồi là một người đàn bà như thế, hoặc vừa mang vẻ đẹp khó cưỡng lại vừa tỏ dấu hiệu của những bất trắc khó lường: “Anh bước vào sân nhìn thấy cô vợ trẻ đang gội đầu bên cạnh bể nước. Cô đứng lom khom, mái tóc dài xõa tung che lấp toàn bộ khuôn mặt, anh chỉ nhìn thấy cái cổ trắng ngần và đôi vai tròn trịa qua làn áo mỏng (…). Cô nhoẻn miệng cười, cái miệng có những chiếc răng to không đều, lúc cười trông rất sợ.” (Bố ơi, con biết lỗi rồi, tr.164)1.

Nhưng chính vẻ đẹp của những người đàn bà trong Ny trở về lại khiến người ta buốt nhói khi tất cả họ đều là những số phận đắng cay. Họ phải hứng chịu những bi kịch của tình yêu, của gia đình. Đó là những người đàn bà bất hạnh bởi chiến tranh trong Ngày trở về Em không trở lại. Tâm (Em không trở lại) và Thủy (Ngày trở về) là những người đàn bà đã bị chiến tranh cướp đi tất cả: tình yêu, tương lai. Thậm chí chính cái đời thường mà chúng ta đang sống cũng góp phần không hề nhỏ trong việc đọa đày, chà đạp thân phận của họ. Nếu Thủy đã bị Bảo - người đàn ông mà cô đã bao nhiêu năm kiếm tìm trong tuyệt vọng - từ chối, xua đuổi trong ngày gặp mặt chỉ bởi anh mang trong mình di chứng khốc liệt của chiến tranh, thì Tâm thậm chí còn phải chịu đựng một nỗi đau triền miên hơn, dai dẳng hơn, khủng khiếp hơn. Tâm phải trốn khỏi đơn vị sau khi có thai với một người đàn ông đã có vợ, về nhà, bị bố xua đuổi và cô đã phải chịu bao nhiêu đau đớn trên hành trình tự tìm cho mình một lối thoát. Bất hạnh chồng bất hạnh và mọi chuyện kết thúc ở đỉnh điểm khi mà giọt máu cô mang trong mình không thể sinh sôi, không thể mang hình hài của một con người, cũng bởi di chứng chiến tranh. Giá tác giả để Bảo và Thủy tái hợp, dẫu họ đều tật nguyền, để sống nốt những ngày lay lắt bên nhau; giá tác giả để Tâm sinh ra một đứa con, dù dị dạng, để cô có vài ngày thôi, nuôi nấng nó, hoặc chỉ một phút thôi, được nhìn mặt nó, hẳn dư âm của bi kịch đã phần nào vơi bớt. Nhưng những người đàn bà ấy đã tuyệt vọng một cách không thể tuyệt vọng hơn. Cần nói thêm là ngoài nỗi đau vì chiến tranh, người đàn bà trong Ngày trở về còn chịu nỗi đau bởi quan niệm phẩm giá lỗi thời và tinh thần gia trưởng “tục tĩu”2.

Cùng với nỗi đau do chiến tranh, những người đàn bà trong tập truyện này còn hứng chịu những nỗi đau của đời thường. Cảm giác ban đầu khi đọc tập truyện là những nỗi đau ấy hoàn toàn có thể gặp trong đời sống hôm nay, nơi các giá trị của tình yêu, hạnh phúc, hôn nhân thường mong manh, rất dễ đổ vỡ, cũng như thân xác con người rất dễ đối diện với tai nạn, bệnh tật, ốm đau. Các nhân vật, hoặc đàn ông, hoặc đàn bà, hoặc cả hai sẽ phải chịu đựng rủi ro nhưng người phải chịu nỗi đau dai dẳng nhất vẫn là đàn bà. Đó là sự chồng nối những bi kịch của Phương: lần thứ nhất chồng bỏ đi theo tiếng gọi bên ngoài, lần thứ hai phát hiện mình bị bệnh máu không đông, lần thứ ba đứng giữa hai bờ lựa chọn: quay trở về với Quang hay theo tiếng gọi của Phong? (Phương). Đó là bi kịch của Thơm, chồng bị tai nạn chết, rồi đứa con cũng không thể sống cùng cô bởi căn bệnh tim nghiệt ngã, và cái kết là Thơm có thể đứng trước một lựa chọn mới, xây dựng cuộc sống mới cũng không thể xóa hết, mà chỉ phần nào làm vơi bớt những day dứt thân phận (Phận người). Đó là bi kịch của Lung, chồng đi bộ đội và ốm chết ở chiến trường, chính cô đã vào thăm và tự tay chôn cất chồng, nhưng mấy năm sau, đưa xương cốt về thì em chồng tuyên bố rằng đấy không phải là xương cốt anh trai. Không còn cách nào khác, Lung phải dùng máu con trai để chứng minh, và con trai vì thế cũng đi về thế giới bên kia để cô sống nốt phần đời còn lại trong ác mộng (Người đàn bà và cơn ác mộng). Đó là bi kịch của Thảo, một người đàn bà luống tuổi, bởi thân phận mà bây giờ ta quen gọi ô sin, và tuổi tác, mà phải chịu bi kịch của xung động sóng tình: “Gió và sóng biển vẫn rì rầm kể chuyện. Những câu chuyện muôn thuở về tình yêu. Lại thêm một câu chuyện kỳ lạ nữa mối tình giữa chị và Tuấn, một mối tình hoàn toàn câm lặng. Bởi không được cất tiếng nói nên nó rất đớn đau.” (Dư âm của sóng, tr.153).

Về cơ bản, người đàn bà trong tập truyện này của Nguyễn Thị Minh Thìn vẫn là người đàn bà truyền thống, vậy nên họ yếu đuối và cam chịu. Nếu có một người nào đó tỏ dấu hiệu phản kháng một cách mạnh mẽ, thì lại là phản kháng theo cái cách mà người Việt chúng ta gọi là trắc nết, lăng loàn (trường hợp người vợ trong Bố ơi con biết lỗi rồi). Không phải là người kể chuyện không có những sẻ chia với nhân vật, khi để cho người chồng bộc lộ những suy tư về vợ, về hành xử của mình trong những ngày sau song sắt nhà tù, nhưng chừng ấy là chưa đủ. Ám ảnh đối với người đọc hẳn vẫn sẽ là chê trách người vợ. Mà cũng cần chê trách lắm, bởi thà rằng có thể thông cảm cho những khát thèm của tấm thân thanh xuân phơi phới, nhưng thật khó để tha thứ cho hành động bỏ đói bố chồng trong một nhà kho hoang vắng. Ở đây có một dấu hỏi về, không chỉ là tình cha con, mà còn là tình người!

Nhưng phần lớn người đàn bà trong thế giới nghệ thuật này là những người dám dấn thân trong tình yêu, họ yêu một cách mạnh mẽ, chung thủy và vì thế nên bi kịch. Thủy (Ngày trở về) đã dành hết tuổi thanh xuân của mình cho tình yêu nơi chiến trường, cho sự khắc khoải đợi chờ dù chỉ một hy vọng nhỏ nhoi cho ngày gặp lại, nhưng đã bị Bảo cự tuyệt; sự dấn thân trong tình yêu, sự chung thủy và mãnh liệt trong tình yêu cũng đưa Tâm đến bi kịch dai dẳng, chồng chất (Em không trở lại). Phương trong Phương “đập phá và tiêu hủy hết những gì thuộc về anh (chồng Phương - chú thích của người viết). Riêng cây đàn guitar treo trên vách là cô không dám đả động đến, bởi những tiếng bập bùng của nó trong đêm khuya hòa cùng tiếng hát của anh đã chiếm một vị trí quan trọng nhất trong tâm hồn cô. Nó ngự trị ở đó và tỏa sáng lộng lẫy như một vương quốc thần tiên mà sự khổ đau, lòng thù hận như một kẻ xâm lăng muốn phá nát, muốn hủy diệt mà không được. Bởi nó được che chắn, được bảo vệ bằng bức tường thành kiên cố xây dựng trong suốt năm năm trời. Nó được liên kết, xâu chuỗi với nhau bằng những ký ức thơ mộng, rực rỡ nhất. Nó phát sáng lung linh mà trong đêm dài dằng dặc của khổ đau cô vẫn nhìn thấy con đường anh đi và bóng anh vật vờ ở phía cuối con đường” (Phương, tr.46). Dấn thân, mãnh liệt và chung thủy, những người đàn bà ấy nhận lấy thứ bi kịch tự làm tự chịu. Dấn thân, mãnh liệt và chung thủy, nên một cách rất đàn bà, họ nhẹ dạ, họ cả tin. Nhẹ dạ, họ cố xây dựng cho mình một hình ảnh lý tưởng để đau khổ vì hình mẫu lý tưởng ấy. Tâm trong Em không trở lại, Thủy trong Ngày trở về chính là những người như thế. Phương trong Phương gặp anh chàng nguyên là lính lái xe, qua thái độ ân cần, sự chăm sóc tận tụy, liền tin ngay và nuôi nấng hy vọng về một niềm vui, hạnh phúc mới (cho dù sau đó, cô đã tự dừng lại trước ngưỡng cửa của sự bội phản Quang mà đi theo tiếng gọi của Phong). Đành rằng Phong hoàn toàn có thể là một người tốt, nhưng niềm tin chóng vánh của cô thể hiện rất rõ cái cả tin đàn bà. Tất nhiên trong trường hợp của Phương, sự cả tin đến từ nỗi khao khát một hạnh phúc sau những bất hạnh mà cô đã trải. Đây là những tâm sự cay đắng của cô:

“Anh ngồi yên bất động. Anh đang nghĩ gì vậy? Còn Phương, cô không thể nào trấn tĩnh lại được. Cô đặt tay lên ngực để kìm bớt sự hồi hộp nhưng con tim vẫn đập nhanh quá, mạnh quá, đến mức muốn vỡ lồng ngực.

Mình là ai? Một người đàn bà khổ hạnh, lại đang đau ốm, bệnh tật. Mình chẳng tốt đẹp gì, sao lại có một người đàn ông hào hoa, phong nhã thế kia quan tâm lo lắng cho mình… Phương tự nghĩ và trấn tĩnh lại. Chắc ông trời thương mình bệnh tật nên đã ban anh cho mình. Hạnh phúc đối với mình như một thứ trái cấm chín mọng, vàng óng treo lơ lửng trên cành cao, chỉ cho mình ngắm mà thèm khát chứ chẳng bao giờ được thưởng thức”. (Phương, tr.65).

Những người đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Thìn, vì thế, u buồn và đau khổ. Và với tâm trạng đó, họ thường chìm vào những suy tư nội tâm, thường tự vấn và tự mình tìm kiếm câu trả lời, mặc dù rốt cuộc họ vẫn không thể hiểu những gì đang xảy ra, đang đổ xuống số phận mình thực chất bắt nguồn từ đâu. Khác với đàn ông, họ không hoặc ít khi đặt ra những câu hỏi, những suy tư về thế sự, về cuộc đời rộng lớn và các mối quan hệ xã hội. Trái tim, tấm lòng họ dường như chỉ đủ chỗ cho những câu chuyện về tình yêu, hạnh phúc cánhân và những cơm áo đời thường. Ngày trở về là một truyện kể bắt đầu từ chiến tranh, nhưng nó không phải là một truyện viết về chiến tranh. Nó là truyện viết về bi kịch tình yêu trong chiến tranh. Đành rằng tác giả rất có ý thức hướng người đọc đến những suy tư về hậu quả, về di chứng chiến tranh, và thậm chí đã có lúc khắc họa được một cách khá ám ảnh những chấn thương của người trong cuộc, nhưng sự lạc lối trong tình yêu khiến điều ám ảnh người đọc hơn vẫn là câu chuyện tình yêu hạnh phúc cá nhân, nhất là khi tác phẩm kết thúc bằng dòng suy tư của Thủy hướng về phía Bảo: “Bảo ơi! Anh nói ở bên em, em sẽ không có giây phút bình yên, nói gì đến hạnh phúc. Và em, em cũng không thể mang lại hạnh phúc cho anh khi dòng máu trong em đã nhiễm chất độc. Em đã mất đi khả năng sinh nở để sinh cho anh những đứa con bụ bẫm, xinh xắn. Nhưng chúng ta hãy sống, sống bằng những ký ức thơ mộng, rực rỡ mà chúng ta đã có trong những năm tháng tuổi xuân nghe anh” (Ngày trở về, tr.43). Tôi không nghĩ tác giả không thể xoáy sâu hơn, viết da diết hơn về chiến tranh với số phận con người do giới hạn của dung lượng, như truyện này viết đến 43 trang in. Dĩ nhiên không thể so sánh với tiểu thuyết của Bảo Ninh, nhưng hãy nhìn vào truyện ngắn. Các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Võ Thị Hảo… rõ ràng làm được nhiều hơn thế.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là phẩm cách đàn bà trong tập truyện thể hiện khá rõ trong cái cách họ nhạy cảm với thiên nhiên, bởi đàn bà thường nhạy cảm với cái đẹp. Và người viết luôn có cách thiên nhiên hóa tâm trạng, nội tâm của nhân vật (đây thực ra là một thủ pháp truyền thống, nhưng không lỗi thời). Nhất thể hóa thiên nhiên với tâm trạng, qua cái nhìn nghệ thuật mang tính nữ, Nguyễn Thị Minh Thìn, vì thế, để cho nhân vật có sự quan sát hết sức tinh tế các biểu hiện nhiều khi rất tế vi của tự nhiên. Họ sẵn sàng nắm bắt từng khoảnh khắc chuyển động của một cơn gió, một giọt sương, một áng mây, một tán rừng hay những bão giông… Đây làthiên nhiên qua cái nhìn của Thủy trong Ngày trở về:

“Thủy nhớ lại, hôm đó là một ngày cuối thu. Những cơn mưa rừng ào ạt, xối xả đã tạm lui từ tối hôm qua. Bầu trời trong xanh không một gợn mây, thăm thẳm tưởng chừng như được nâng cao hơn trên khoảnh rừng ngút ngàn cây lá. Mặt trời đãlên cao, ánh nắng vàng tươi rực rỡ lọc qua chạc cây, thân cây, đùa giỡn theo làn gió lung linh, huyền ảo như những đóahoathần kỳ. Thủy hít hà mùi hương của các loài hoa và lắng nghe tiếng chim lảnh lót trên cành cao. Cô tưởng tượng như toàn bộ khu rừng vừa được khoác thêm một bộ áo mới đầy màu sắc sặc sỡ” (tr.8)

Đoạn văn miêu tả thiên nhiên, và dù trong hồi ức của nhân vật, nó vẫn thể hiện được vẻ đẹp phong phú, sinh động và dễ tạo lây lan cảm xúc. Đấy là thứ thiên nhiên của ngày xưa, khi Thủy gặp Bảo sau một thời gian chàng xa đơn vị. Thiên nhiên trước đó vốn là những cơn mưa rừng xối xả, ào ạt đã khép lại, để mở ra một khung cảnh chan hòa nắng và gió, của mùi hương của các loài hoa, tức là mở ra một không gian tươi sáng, yên bình, vui tươi cho cuộc gặp giữa hai con người phơi phới tuổi xuân, phơi phới khát vọng. Không hẳn trang miêu tả thiên nhiên nào cũng gây được nhiều ấn tượng thẩm mỹ, nhưng Nguyễn Thị Minh Thìn rõ ràng có ý thức sử dụng miêu tả thiên nhiên như một thủ pháp để diễn tả nội tâm nhân vật. Hiện tượng này khá phổ biến trong tác phẩm của chị.

Nguyễn Thị Minh Thìn là một nhà văn nữ. Như nhiều nhà văn nữ khác, tác phẩm của chị giàu tính nữ, dù viết về đề tài chiến tranh hay cuộc sống thường nhật, đặc điểm này vẫn in dấu trong truyện ngắn của chị nói chung và Ngày trở về nói riêng. Tính nữ ấy thể hiện ở tình yêu và sự cam chịu, hy sinh; ở sự cả tin, nhẹ dạ và những suy tư nội tâm về tình yêu, hạnh phúc cá nhân, về những điều thiết cốt trong cuộc sống đời thường, đặc biệt liên quan đến thân phận đàn bà. Ngày trở về như một tiếng thở dài u buồn trong một buổi hoàng hôn chảy xuống.

L.T.N
(TCSH50SDB/09-2023)

--------------------------
1 Tất cả trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ tập truyện ngắn Ngày trở về, Nguyễn Thị Minh Thìn, Nxb. Nghệ An, 2022.
2 Mượn cách nói của Nguyễn Huy Thiệp trong Con gái Thủy thần.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)