Tạp chí Sông Hương - Số 416 (T.10-23)
Đồng vọng yêu thương cho những đứa trẻ trong chiến tranh
08:21 | 10/11/2023

HẠNH NGUYÊN

Hình tượng người chiến sĩ nhỏ tuổi Ga-vơ-rốt ngoài chiến lũy với sự dũng cảm kiên cường đến phi thường, với lời hát cất lên thật say sưa và cái chết không khó dự đoán đã trở thành một tượng đài phê phán chiến tranh trong lòng độc giả. Victor Hugo của hai thế kỷ trước đã đứng về phía những người khốn khổ, nhất là trẻ em để nói tiếng nói yêu thương đồng thời lên án chiến tranh.

Đồng vọng yêu thương cho những đứa trẻ trong chiến tranh
Ảnh: internet

Và theo lý thuyết liên văn bản, “không có một văn bản nào tồn tại độc lập, tự trị như một ốc đảo. Tất cả các văn bản đều có phần lặp lại, phối trộn, liên hệ với nhau”1, những hình tượng trẻ em trong chiến tranh trở đi trở lại trong các văn bản ở khắp các châu lục đã cùng nhau tạo nên lời đồng vọng yêu thương cho những đứa trẻ trong chiến tranh. Bằng mối liên hệ dựa trên tầm đón nhận, mỗi độc giả đều có thể tự nhận thấy được sự yêu mến, bênh vực và cả đau xót dành cho trẻ em khi mỗi tác giả tạo nên một bức tranh chiến tranh tuy có khi chẳng hề tàn khốc. Bởi những đứa trẻ dù có tham chiến hay không thì chiến tranh cũng đã gây ra những nỗi đau khôn cùng cho chúng.

“Du hành” từ Việt Nam với Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, đến Irealand với Chú bé mang pyjama sọc của John Boyne, rồi sang Mỹ với Cáo Pax của Sara Pennypacker, độc giả đều thấy được những hình tượng trẻ em trong chiến tranh với những nỗi đau khác nhau; những thân phận khác nhau. Song suy cho cùng, trẻ em là để yêu thương. Chiến tranh, tại sao lại không biến mất, để trẻ em được sống đúng với cuộc sống chúng đáng được hưởng!? Đó dường như cũng là câu hỏi day dứt mãi của các tác giả và cả độc giả.

1. Rời xa yêu thương

Nỗi đau đầu tiên mà những đứa trẻ buộc phải chịu khi chiến tranh nổ ra là chúng phải rời xa yêu thương. Tính liên văn bản được thể hiện rõ ở việc những nhân vật nhỏ tuổi trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán và Cáo Pax của Sara Pennypacker đều đối diện với những chia ly - với quê hương, với người thân, với bạn bè. Mỗi một sự rời xa yêu thương đều là một nỗi đau trong lòng những đứa trẻ.

Trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, mở đầu là hình ảnh những đứa trẻ Vệ quốc đoàn đang “hành quân” và tập luyện bên sông Bạch Đằng (sông Đông Ba) - một nhánh sông đào của con sông Hương. Chúng đều chỉ là những đứa trẻ “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng vì chiến tranh phải trở thành chiến sĩ. Rời xa gia đình, xa quê hương, xa luôn cuộc sống vốn dành cho trẻ nhỏ. Lao vào chiến trận với một trách nhiệm vốn chỉ dành cho “tráng niên”. Những Quỳnh, những Tư-dát, những Lượm... đều chấp nhận như một lẽ hiển nhiên - rời xa những điều thân thuộc nhất. Đặc biệt là Mừng. Trong quá trình đi tìm lá thuốc chữa bệnh hen suyễn cho mẹ, em gia nhập Vệ quốc đoàn, trở thành chiến sĩ nhỏ tuổi nhất. Em bé ước ao đất nước giải phóng để nhà nước chữa bệnh cho mẹ, cho tất cả người dân. Trong giấc chiêm bao, nỗi nhớ mẹ, khát khao được gặp mẹ chảy tràn khóe mắt em:

Đang ngủ rất say, Vịnh-sưa vụt choàng tỉnh dậy. Có tiếng khóc thổn thức ngay cạnh tai em. Em ngồi hẳn lên. Hóa ra Mừng khóc, vừa khóc vừa nói mớ. Vịnh đưa tay sờ má bạn. Ui chao, cả hai má ướt đẫm nước mắt nóng hổi…

- Cậu nằm mê chuyện chi mà khóc dữ rứa?

- Tui nằm mê được đội trưởng cho phép về thăm mạ… Vừa lúc tui tìm được cái nồi để sắc thuốc cho mạ, thì anh đánh thức tui dậy… Tiếc quá!”2

Câu chuyện hai mẹ con em Mừng lạc nhau trong chiến tranh đã lấy đi nước mắt của độc giả nhiều nhất thiên tiểu thuyết. Người mẹ phải tản cư. Mừng tìm về nhà không còn mẹ. Em lên chiến khu Hòa Mỹ. Còn mẹ em gánh hàng bún bò đi khắp mọi con đường, mọi mặt trận, mọi chiến khu của tỉnh Thừa Thiên mong tìm được con… Và rồi. Mừng chỉ được gặp lại mẹ khi bà hấp hối bởi bom đạn của Tây. Bà chết khi nỗi oan thấu tận trời xanh của con trai còn chưa được sáng tỏ. Đó là sự đả kích quá lớn đối với Mừng. Một nỗi đau như vậy, chỉ diễn ra ở thời chiến. Chiến tranh khiến trẻ thơ không còn được là trẻ thơ. Chiến tranh buộc chúng phải đối diện với những đớn đau không tưởng.

Rời xa yêu thương” cũng được Sara Pennypacker thể hiện rõ trong Cáo Pax. Khi chiến tranh nổ ra, Peter buộc phải rời xa Pax - người bạn nhỏ của mình. Nỗi đau của cậu bé diễn ra bất ngờ mà day dứt: “Nhưng hôm nay cậu bé lại nâng chú thú cưng lên, vùi mặt vào khoang cổ trắng muốt, ôm ghì lấy nó. Lúc ấy chú cáo mới nhận ra rằng cậu chủ đang rấm rứt khóc... Cậu bé lại kéo nó vào lòng và khẩn khoản nói chuyện với cha… chỉ có độc tiếng KHÔNG được lặp đi lặp lại với cha, đầy van vỉ tha thiết…”3. Đối với đứa trẻ mồ côi mẹ từ sớm, còn cáo Pax là do mẹ nhận nuôi và để lại, xa Pax là điều đau đớn vô tận. Nên trong phút buộc phải thả Pax vào rừng còn mình phải đến nhà ông nội sống vì ba phải tòng quân, Peter chỉ còn biết bất lực gọi tên Pax trong tuyệt vọng “Pax ơi!” Nỗi tuyệt vọng biến thành nỗi đau, và đứa trẻ đó phải nghe một lí do đối với nó rất khó hiểu: “Trái tim cậu hoảng loạn và đập liên hồi. Khóe mắt lại cay cay, và Peter đưa tay quẹt nước mắt trong bất lực. Cha cậu nói đó là điều phải làm. “Chiến tranh đang tới. Đồng nghĩa với việc ai nấy đều phải hy sinh.””4 Lời tuyên bố của người cha khẳng định Peter phải xa thú cưng của nó; còn đối với độc giả, nó là một nỗi chua xót. Thật sự chua xót bởi một đứa trẻ, đâu đã hiểu gì về chiến tranh! Nó chỉ biết một điều rằng, chiến tranh là phải rời xa những gì thân thuộc nhất. “Phải hy sinh”. Ngay khi còn là một đứa trẻ.

Với nỗi đau, niềm ân hận vì đã bỏ lại người bạn thân thiết của mình, Peter quyết định trở lại rừng tìm Pax và cậu đã bị thương nặng ở chân. Trong những ngày ở nhờ nhà bà Vola, Peter dùng hết nghị lực để tập đi, để có thể mau chóng tìm lại Pax. Peter oán trách cha đã chia cắt Pax với mình. Nhưng rồi cậu cũng phải nhìn vào nguyên nhân cốt lõi của sự rời xa yêu thương: “Cháu không tức giận. Chỉ là cháu không hề lựa chọn nó. Cháu không hề lựa chọn xảy ra chiến tranh. Cháu không hề lựa chọn cha mình đi tòng quân. Cháu không hề lựa chọn rời bỏ mái ấm gia đình. Cháu không hề lựa chọn đến nhà ông nội. Và nhất định là cháu không hề lựa chọn bỏ mặc con vật mà mình đã chăm sóc suốt năm năm... Cháu để nó đi bởi chiến tranh. Chiến tranh, chứ không phải hòa bình… Nó có thể sẽ chết vì một trận chiến.”5 Một loạt cụm từ “cháu không hề lựa chọn” được lặp lại trong lời nói của Peter xoáy sâu vào nỗi bất lực đến đớn đau của một đứa trẻ. Những điều lẽ ra mỗi đứa trẻ được hiển nhiên lựa chọn, nay trở thành điều buộc phải mất đi, do chiến tranh. Yêu thương và được yêu thương là quyền cơ bản của trẻ em. Nhưng chiến tranh đã đẩy những đứa trẻ vào nỗi cô độc tuyệt vọng trong niềm phẫn uất bất lực. Trong đó còn có nỗi ân hận, sự lo lắng bất an vì yêu thương của mình có thể sẽ mất đi mãi mãi. “Nó có thể chết vì một trận chiến”. Nỗi lo lắng của Peter rất thực. Bởi chiến tranh là chết chóc, là đau thương. Những đau thương không ai có thể lường được biên giới của nó.

Bằng việc cùng khắc họa nỗi đau của trẻ em trong việc phải rời xa yêu thương, Phùng Quán và Sara Pennypacker đã cùng gặp nhau ở niềm thương cảm sâu sắc và tiếng nói tố cáo chiến tranh. Chiến tranh tước đoạt những điều đẹp đẽ nhất, giá trị nhất của một đứa trẻ. Cô độc và mất mát khi còn quá nhỏ bé để hiểu, nhưng mỗi đứa trẻ đều cảm nhận được nỗi đau tận cùng do chiến tranh gây ra cho mình, cho những yêu thương quý giá nhất của mình.

2. Và vẫn thơ ngây - thơ ngây đến đau lòng

Đối diện với chiến tranh - điều mà người lớn sợ hơn bất cứ thứ gì, thì những đứa trẻ vẫn nhìn nó với ánh mắt ngây thơ. Chính sự ngây thơ này càng khiến độc giả đau xót. Các tác giả đã “vô tình liên văn bản” khi sử dụng ánh nhìn trẻ thơ, giọng điệu trẻ thơ để khắc họa sự dữ dội của chiến tranh. Điều này càng chạm đến tận cùng niềm thương xót của những người có lương tri lương năng trên khắp nhân loại. Đó là Shmuel - một cậu bé Do Thái trong nhà tù diệt chủng Ao-tuýt; đó là Mừng - cậu bé lên ở chiến khu Hòa Mỹ vì lý tưởng giải phóng dân tộc. Cả John Boyne và Phùng Quán đều rất thành công trong việc sử dụng điểm nhìn trẻ thơ để khắc họa nỗi đau chiến tranh gây ra cho trẻ nhỏ.

Shmuel đã kể với người bạn Bruno về hoàn cảnh của mình: “… quân lính xây một bức tường khổng lồ và cha mẹ anh em chúng tớ tất tật sống chung trong một phòng… Bọn tớ sống ở đó thêm mấy tháng nữa… Rồi một ngày quân lính ồ ạt kéo tới cùng những chiếc xe tải khổng lồ… và xe tải chở bọn tớ tới một đoàn tàu… Chuyến tàu rất khủng khiếp… Thứ nhất là có quá nhiều người trong toa. Chẳng có không khí mà thở. Và mùi mè thì rất ghê… Khi cuối cùng con tàu cũng dừng lại… Bọn tớ ở một nơi lạnh lẽo và tất cả bọn tớ phải cuốc bộ tới đây.”6 Chuyến đi đến trại tập trung Ao-tuýt kinh hoàng mà mỗi lần nhắc đến đều khiến con người ám ảnh, lại được kể bằng một giọng điệu ngây thơ đến đau lòng. Shmuel không biết được điều gì đang đợi mình và những người Do Thái như mình ở nơi đó… Không bao giờ Shmuel lại có thể biết được chuyến đi ấy là định mệnh.

Và sự ngây thơ của Shmuel còn ám ảnh hơn khi cậu bé kể với bạn Bruno của mình về “sự biến mất” của cha cậu:

“Tớ xin lỗi,” Shmuel nói. “Có chuyện đã xảy ra.”

… “Sao?”, Bruno hỏi. “Có chuyện gì vậy?”

Cha tớ”, Shmuel nói. “Nhà tớ không tìm thấy cha.”[…] “Hôm thứ hai cha vẫn ở đây, rồi cha đi làm việc với một số người khác và chẳng ai trong số họ trở lại nữa cả.”

Cha cậu không viết thư cho cậu à?” Bruno hỏi. “Hay để lại lời nhắn báo tin khi nào về?”

Không có… Dĩ nhiên tớ đã đi tìm.”, Shmuel nói bằng một tiếng thở dài. “Tớ đã làm việc mà cậu đã luôn nói tới. Tớ đã làm một vài cuộc thám hiểm.”

… “Tớ không biết nhà tớ sẽ làm gì nếu không có bố.”7

Bruno cũng ngây thơ không kém khi tiếp nhận câu chuyện của bạn mình. Hai đứa trẻ 9 tuổi: một đứa trẻ Do Thái, một đứa trẻ người Đức có cha là “Ngài chỉ huy” từ Béc-lin tới Ao-tuýt để làm “nhiệm vụ đặc biệt”, trở thành bạn của nhau và trò chuyện qua hàng rào thép gai; rồi cùng nhau bàn về sự mất tích bí ẩn của một người Do Thái bên trong hàng rào thép gai ấy. Thậm chí Bruno hồn nhiên còn đề nghị “tớ sẽ hỏi cha tớ nếu cậu muốn.” Những dòng đối thoại thơ ngây của hai đứa trẻ trở thành những vết cứa vào lòng độc giả - dù có là người lạnh lùng nhất cũng sẽ cảm thấy đau. Chúng không bao giờ hiểu được người lớn, không bao giờ hiểu được “mình là ai?”, không bao giờ hiểu được chiến tranh nhân danh điều gì để khiến chúng, dù rất muốn gần nhau, phải nói một “ước ao” mà vốn là bình dị giữa đời thường:

“Tớ ước chúng ta có thể chơi cùng nhau,” Bruno nói sau một thoáng ngưng dài. “Chỉ một lần thôi. Chỉ để ghi nhớ.”

“Tớ cũng vậy,” Shmuel nói.

“Bọn mình đã nói chuyện với nhau hơn một năm rồi nhưng bọn mình chưa bao giờ được chơi cùng cả. Và cậu còn biết gì nữa không?” Bruno nói thêm… “Nếu tớ cũng có một bộ pyjama sọc, tớ có thể sang thăm chỗ cậu mà chẳng ai phát hiện được.”

Mặt Shmuel sáng bừng… “Và cậu có thể giúp tớ tìm cha.”

“Sao không chứ”, Bruno nói.8

Bộ đồ tù nhân đã trở thành một trang phục thoải mái mà Bruno bên này hàng rào ao ước được cùng mặc với bạn, để giống bạn, để có thể một lần được chơi với bạn, để giúp bạn đi tìm cha… Và hai đứa trẻ đã quyết định “một kế hoạch thám hiểm” trong chính trại Ao-tuýt mãi mãi chúng không hiểu bản chất là gì.

Không tự thấy mình “vô can” rồi hồn nhiên đến đau lòng như Bruno và Shmuel, chú bé Mừng trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán ý thức rõ được về chiến tranh, về nhiệm vụ của mình; song em lại hồn nhiên để đến mức phải trả một cái giá bằng mạng sống của mình. Đó là Mừng hồn nhiên tin tất cả bạn bè trong Vệ quốc đoàn. Mừng tin những lời nói dối thành thục của “tên điệp viên” Kim để rồi bị Kim lợi dụng. Cho đến khi phát hiện Kim lừa mình để chụp được tấm bản đồ đặc biệt của chiến khu Hòa Mỹ, Mừng sực tỉnh. Mừng quyết giành lại tấm bản đồ. Mừng giành giật bằng cả mạng sống, bất chấp cơ thể bé nhỏ do thiếu dinh dưỡng và ghẻ lở khiến bàn tay em tươm máu. Bị Kim ranh mãnh cõng về căn cứ Tây, Mừng tìm mọi cách trốn thoát lên chiến khu. Chi tiết này, Phùng Quán đã lần nữa khắc họa sự ngây thơ trong sáng vô cùng của Mừng, khiến em trở thành nạn nhân của chính nó, mà những nỗi đau Mừng trải qua khi trở lại chiến khu khiến mỗi độc giả nghẹt thở.

Không ai còn tin Mừng. Sự ngây thơ của em biến thành sự tinh ranh của một tên điệp viên xuất chúng:

“Trước những lời nguyền rủa của các bạn, gương mặt Mừng tái nhợt như xác chết…

Gương mặt và những giọt nước mắt ngắn dài chảy tràn trên hai gò má trẻ thơ của em khiến Lê Hường thoáng có ý nghĩ “Hay là nó đúng bị oan?” Nhưng anh đã gạt ngay ý nghĩ đó đi…

- Tôi gặp không ít những tên điệp viên nhà nghề có hạng. Nhưng chú mi mới là tên điệp viên sừng sỏ nhất, tinh quái nhất…

Thật ra, về sau này, Lê Hường mới biết, ngay cả hai tiếng “điệp viên” Mừng cũng không rõ nghĩa.”9

Sự hồn nhiên mọi ngày của Mừng bỗng biến thành sự giả trá thành thục. Chiến tranh đã biến những đứa trẻ thơ ngây thành “điệp viên” một cách đầy đớn đau - khi chúng sống thật với bản chất, cũng bị nghi ngờ. Một lời lên án mạnh mẽ: trẻ em không còn được ngây thơ hồn nhiên! Chiến tranh đã tước đoạt hết mọi quyền của trẻ thơ, ngay cả bản chất của chúng. Nhưng chiến tranh không ngăn được sự hồn nhiên đáng yêu của trẻ thơ. Điều này mới khiến độc giả đau lòng hơn cả. Mừng cũng vậy, em ngây thơ nhưng quyết liệt và trung thành với điều em cho là đúng đắn đến tận hơi thở cuối cùng: Trong đợt quân Pháp tấn công lên chiến khu, đồng đội em trên đài quan sát cây quao đều hy sinh, Mừng dũng cảm thay các bạn làm tiếp phần việc. Và ngay khi bản thân bị thương nặng, lời nói cuối cùng, cũng là lời nói ngây thơ xé lòng:

Anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!

Người chỉ huy qua máy điện đàm giữa chiến trường bom rơi đạn nổ ác liệt đã không còn nghe bất cứ âm thanh đáng sợ nào sau lời nói thều thào hồn nhiên như một hơi thở của Mừng. Câu nói đó biến thành nỗi đau suốt đời người chỉ huy. Câu nói kết thúc cuộc đời hồn nhiên của em đã khiến biết bao độc giả buốt nhói tận tâm can. Và trở thành lời nói trẻ thơ tố cáo chiến tranh mãnh liệt nhất.

Cũng rất ngây thơ, Bruno và Shmuel trong Cậu bé mang pyjama sọc lại đến với cái chết một cách nhẹ nhàng chứ không dữ dội như Mừng:

Chúng bắt mọi người đi diễu hành […] Tớ chưa bao giờ gặp lại ai sau khi họ đi diễu hành.” […] Nhưng ngay khi cậu nói vậy, đôi chân đã đưa cậu lên một bậc tam cấp và khi bước tiếp cậu nhận ra rằng không còn mưa rơi xuống nữa. Tất cả bọn họ đã bị nhét vào một căn phòng dài ấm áp đến kinh ngạc và hẳn được xây hết sức an toàn… “Ồ, phải thế chứ… Tớ hy vọng chúng ta sẽ được ở đây cho tới khi mưa tạnh hẳn…”10

Căn phòng hơi ngạt nổi tiếng của phát xít Đức đã kết thúc cuộc đời những đứa trẻ ngây thơ khi chúng “yên tâm” bởi sự “ấm áp” và “an toàn” của nó. Bruno và Shmuel không bao giờ biết rằng cái chết lại đến nhẹ nhàng như vậy. “Rồi sau đó căn phòng trở nên rất tối và không hiểu vì sao, bất chấp những lộn xộn diễn ra sau đó, Bruno nhận ra rằng mình vẫn đang cầm tay Shmuel và không gì trên đời có thể thuyết phục cậu rời bàn tay đó ra.”11 Trong nhận thức của một đứa trẻ, được ở nơi ấm áp như vậy và cầm mãi bàn tay của bạn mình hẳn là một niềm hạnh phúc.

Chỉ có độc giả - người lớn chúng ta đau đớn đến nghẹt thở bởi sự hồn nhiên ấy.

Lời kết

Người viết mượn lời bài thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ để tiếp tục liên văn bản - tiếp tục cho thấy sự đồng vọng yêu thương của các tác giả dành cho trẻ em trong chiến tranh:

Nỗi đau nhịp cầu gãy đổ
Nỗi đau nhà tan gạch vỡ
Nhưng da diết nhất nỗi buồn
Mọi khu nhà đều vắng bặt trẻ con
Chỉ còn người lớn tinh khôn
Chỉ còn tiếng gầm tiếng nổ

Mái nhà ta trẻ con không dám ở
Các em ơi hãy tha thứ cho anh
Những con quay, những hòn bi bé nhỏ
Hãy tha thứ, anh xin làm tất cả
Để các em trở về
Để cuộc sống như bức tường tin cậy chở che Các em vẽ những vòng tròn rực rỡ.

Dù có ở đâu, thời gian nào, con người vẫn luôn ghê sợ chiến tranh. Bức tranh tang thương chiến tranh gây ra càng đáng bị lên án bởi có trẻ em trong đó. Cùng họa lên bức tranh chung, mỗi tác giả góp một đường nét riêng. Và mỗi nét vẽ đều mang một lời yêu thương, lời cảm thông sâu sắc cho các em tuổi nhỏ. Tính liên văn bản đã làm nên lời đồng vọng yêu thương cho trẻ em trong chiến tranh.

H.N
(TCSH416/10-2023)

-------------------------------
1 Nguyễn Văn Thuấn, Giáo trình Lý thuyết liên văn bản, Nxb. Đại học Huế, năm 2019, trang 292.
2 Phùng Quán, Tuổi thơ dữ dội, Nxb. Văn học, năm 2013, trang 71, 72.
3 Sara Pennypacker, Cáo Pax, Nxb. Hội Nhà văn, năm 2021, trang 12, 13.
4 Sara Pennypacker, Cáo Pax, Sđd, trang 23.
5 Sara Pennypacker, Cáo Pax, Sđd, trang 121, 122.
6 John Boyne, Chú bé mang pyjama sọc, Nxb. Hội Nhà văn, năm 2020, trang 153, 154, 155, 156.
7 John Boyne, Chú bé mang pyjama sọc, Sđd, trang 228, 229.
8 John Boyne, Chú bé mang pyjama sọc, Sđd, trang 228, 231, 232, 233.
9 Phùng Quán, Tuổi thơ dữ dội, Sđd, trang 675, 683, 684.
10 John Boyne, Chú bé mang pyjama sọc, Sđd, trang 245, 247.
11 John Boyne, Chú bé mang pyjama sọc, Sđd, trang 249.

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lữ Mai (17/11/2023)
Chùm thơ Vân Phi (16/11/2023)
Các bài đã đăng
Tình mới (07/11/2023)
Tung đồng xu (06/11/2023)