Tạp chí Sông Hương - Số 416 (T.10-23)
Sắc phong làng Lương Quán tại Bảo tàng Quốc gia Kyūshū (Nhật Bản)
14:46 | 14/11/2023


ĐỖ MINH ĐIỀN

Sắc phong làng Lương Quán tại Bảo tàng Quốc gia Kyūshū (Nhật Bản)
Đình làng Lương Quán - Ảnh: thuybieu.thuathienhue.gov.vn

1. Dẫn nhập

Vào những ngày cuối tháng 7 năm 2023, trên một số trang mạng xã hội lần lượt phát đi thông tin về 28 bản sắc phong của Việt Nam được đăng tải trên website của Bảo tàng Quốc gia Kyūshū, Nhật Bản (九州国立博物館)1. Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, không ít người bày tỏ tiếc nuối và xót xa khi mà những di sản quý giá của dân tộc không rõ vì lý do gì lại lưu lạc đến xứ sở hoa anh đào.

Bảng thống kê chi tiết thông tin 28 sắc phong.


Nguồn: 京大学経済学部資料室年報 , ベトナムの神勅九州国立博物館所蔵資料 の概要と基礎データ.

Nhìn chung tất cả các bản sắc phong đã được Bảo tàng Quốc gia Kyūshū thực hiện việc bồi biểu và bảo quản rất tốt. Trong số 28 sắc phong này, có niên đại sớm nhất là văn bản vào năm 1642 và muộn nhất là vào năm 1924, chủ yếu là những sắc phong xuất phát từ các làng xã trên địa bàn các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Đặc biệt, trong số đó, chúng tôi nhận thấy có 03 đạo sắc vốn được cấp ban cho làng Lương Quán (nay thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế) và 01 đạo sắc xuất phát từ làng Diễn Phái2. Cụ thể, sắc phong làng Lương Quán gồm có: Sắc phong ban cho Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, ngày 08/11/1842 (ký hiệu: P14940, kích thước 49cm x 133cm); Sắc phong ban cho Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, ngày 06/8/1850 (ký hiệu: P14941, kích thước 48,5cm x 131cm), Hợp phong ban cho thần Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, Bổn thổ Thành Hoàng, ngày 24/11/1880 (ký hiệu: P14946, kích thước 51cm x 131cm). Đạo sắc thứ tư là bản Hợp phong cho các thần hiệu ở làng Diễn Phái gồm Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Hỏa đức, Thổ đức vào ngày 11 tháng 8 năm 1909 (ký hiệu: P14954, kích thước 48,5cm x 128cm).

Bài viết này, thông qua việc giới thiệu toàn văn nội dung ba đạo sắc ban cấp cho làng Lương Quán, hy vọng sẽ giúp cho những người dân Lương Quán nói riêng tiếp cận thêm thông tin, qua đó có thể thực hiện việc sao lưu văn bản trên cơ sở các bản ảnh đã được Bảo tàng Quốc gia Kyūshū số hóa. Đồng thời, đây cũng chính là thông điệp mà chúng tôi mong muốn gửi đến tất cả các làng xã trên đất Huế và chính quyền địa phương trong việc gìn giữ, ngăn chặn vấn nạn chảy máu cổ vật.

2. Lai lịch ba đạo sắc phong tại Bảo tàng Quốc gia Kyūshū

Sắc phong Phi Vận tướng quân 08/11/1842. Nguồn: BTQG Kyūshū.

[Nguyên văn]: 敕 顯 文 昭 節 芳 猷 己 未 科 進 士 飛 運 將 軍 松 江 文 忠 中等 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 節 經 蒙 給 贈 敕 準 許 奉 事 肆 今 丕 膺 耿 命 緬念 神庥 可 加 贈 顯 文 昭 節 芳 猷 峻 望 中 等 神 仍 準 許 香 水 縣 凉 舘 社 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民 欽 哉。紹 治 貳 年 拾 壹 月 初 捌 日

(印: 敕 命 之 寶)

Sắc phong Phi Vận tướng quân 08/11/1842. Nguồn: BTQG Kyūshū


[Dịch nghĩa]: Sắc ban thần Hiển văn Chiêu tiết Phương du Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung     trung     đẳng thần, giúp nước che dân, linh ứng rõ rệt. Theo lễ đã được ban cấp tặng sắc, chuẩn cho phụng thờ. Nay Trẫm vâng mệnh lớn, nhớ nghĩ đến ơn thần, nên tặng thêm [mỹ tự] Hiển văn Chiêu tiết Phương du Tuấn vọng trung đẳng thần, vẫn chuẩn cho xã Lương Quán, huyện Hương Thủy phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta. Khâm tai!

Ngày 08 tháng 11 niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842).

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

[Nguyên văn]: 敕 己 未 科 進 士 飛 運 將 軍 松 江 文 忠 尊 神 原 贈 顯 文 昭 節 芳 猷 峻 望 中 等 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 節 蒙 頒 給 贈 敕 準 許 奉 事 肆今 丕 膺耿 命 緬 念 神 庥 可 加 贈 顯 文 昭 節 芳 猷 峻 望 光 懿 中 等 神 仍 準 香水 縣 凉 舘 社 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民 欽 哉。嗣 德 叁 年 捌 月 初 陸 日

(印: 敕 命 之 寶)

Sắc phong Phi Vận tướng quân 06/8/1850. Nguồn: BTQG Kyūshū


[Dịch nghĩa]: Sắc ban thần Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, vốn được tặng Hiển văn Chiêu tiết Phương du Tuấn vọng trung đẳng thần, giúp nước che dân, linh ứng rõ rệt. Theo lễ đã được ban cấp tặng sắc, chuẩn cho phụng thờ. Nay Trẫm vâng mệnh lớn, nhớ nghĩ đến ơn thần, nên tặng thêm [mỹ tự] Hiển văn Chiêu tiết Phương du Tuấn vọng Quang ý trung đẳng thần, vẫn chuẩn cho xã Lương Quán, huyện Hương Thủy phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta. Khâm tai!

Ngày 06 tháng 8 niên hiệu Tự Đức năm thứ 3 (11/9/1850).

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

[Nguyên văn]: 敕 旨 承 天 府 香 水 縣 凉 館 社 從 前 奉 事 顯 文 昭 節 芳 猷 峻 望 光 懿 己 未 科 進 士 飛 運 將 軍 松 江 文 忠 中 等 神 保 安 正 直 佑 善 敦凝 城隍 之 神 節 經 頒 給 敕 封 準 其 奉 事 嗣 德 三 十 一 年 正 値 朕 五 旬 大 慶節 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩 特 準 許 依 舊 奉 事 用 誌 國 慶 而 伸 祀 典 欽 哉。嗣 德 參拾 參 年 拾 壹 月 貳 拾 肆 日

(印: 敕 命 之 寶)

Sắc phong Phi Vận tướng quân, Bổn thổ Thành Hoàng (24/11/1880). Nguồn: BTQG Kyūshū.


[Dịch nghĩa]: Sắc chỉ ban cho xã [làng] Lương Quán, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên vốn phụng thờ thần Hiển văn Chiêu tiết Phương du Tuấn vọng Quang ý Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung trung đẳng thần, Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Thành Hoàng chi thần, đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31 [1878], nhân dịp đại lễ Ngũ tuần Đại khánh [lễ mừng thọ 50 tuổi] của Trẫm, đã ban chiếu ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc biệt chuẩn cho [làng Lương Quán] phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước nhà mà tỏ phép tắc thờ tự. Khâm tai!

Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức năm thứ 33 (25/12/1880).

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Có thể thấy, 03 bản sắc phong mà chúng tôi đã dẫn ở trên chính là các đạo sắc được chính quyền nhà Nguyễn lần lượt cấp ban cho vị thần Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung và Bổn thổ Thành Hoàng. Căn cứ trên nội dung của sắc phong cũng cho phép chúng ta phỏng đoán đây là hai thần hiệu vốn được người dân Lương Quán thờ tự từ rất sớm. Tuy nhiên, để có thể khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của hai thần hiệu trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây, cũng như góp thêm cứ liệu nhằm xác nhận “chủ nhân” của 03 văn bản nói trên, có lẽ chúng ta cũng nên đối chiếu với một số nguồn tư liệu hiện đang được bảo lưu tại làng Lương Quán.

Đình làng Lương Quán nhìn từ trên cao. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế


Lương Quán hiện nay là 1 trong 2 làng (Lương Quán, Nguyệt Biều) thuộc địa phận phường Thủy Biều, thành phố Huế. Trong Ô châu cận lục, Dương Văn An cho biết ban đầu Lương Quán có tên là Quán Khách, đây là một trong 63 làng cổ của huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa3. Đến đầu thời nhà Nguyễn, Lương Quán thuộc tổng Kim Long, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Địa giới của làng vào thời Gia Long được xác định cụ thể như sau: “Xã Lương Quán, Đông giáp xã Nguyệt Biều bản tổng. Tây giáp xã Nguyệt Biều bản tổng, sông. Nam giáp xã Nguyệt Biều bản tổng. Bắc giáp xã Nguyệt Biều bản tổng”4. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, theo ghi chép trong sách Đồng Khánh địa dư chí, Lương Quán thuộc tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy5.

Làng Lương Quán đồng tôn vinh vị thủy tổ họ Đặng là Khai canh, đây là một trong những tộc họ đặt chân đến đầu tiên, có công lao canh điền khẩn thổ, dựng ấp mở làng. Thần vị của ngài Khai canh được thiết trí tại miếu ghi rõ: Bổn thổ Đặng quý công Khai canh chi tôn thần. Trong bản Phổ ý của làng cũng xác nhận họ Đặng là “nhất tộc” Khai canh. Hiện nay, trong làng có 4 dòng họ được xếp hàng Khai canh, Khai khẩn theo thứ tự: Đặng, Phan, Lê, Võ.

Sau khi tiếp nhận thông tin về các đạo sắc phong của làng hiện được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Kyūshū (Nhật Bản), chúng tôi đã liên hệ với một số thành viên trong Ban Điều hành làng và ngỏ ý xin sao chụp tư liệu. Bước đầu tìm hiểu, hiện  nay tại làng Lương Quán vẫn đang lưu giữ tất cả 6 bản Văn tế được người dân sử dụng trong các kỳ tế Xuân Thu nhị kỳ và được biên soạn, bổ túc liên tục qua các năm 1899, 1906, 1926, 1942, 1965 và 1978. Nội dung các bản Văn tế đều thể hiện rất rõ sự hiện diện của thần hiệu Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung và Bổn thổ Thành Hoàng, đây chính là những tư liệu minh chứng cho quá trình thờ phụng của người dân Lương Quán đối với hai vị thần nói trên. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn lại nguyên văn bản Văn tế được biên soạn vào năm 1942:

[Nguyên văn]:

祭文, 禮告。 維, 皇號年月日縣總社。 祭官(某)仝本社紳弁兵丁等, 謹以 (正祭則曰中牢) 潔生粢盛清酌庶品之。 俱敢照告于 (正祭則曰敢祭):

大乾國家南海妙應顯佑默相嚴良誠哲普明穎達昊恩疊德廣大高明博厚昭應普化玄虛四位聖娘王, 著封含弘光大至德溥博顯化莊徽翊保中興上等神。 當境城隍上宰 輔國大王, 著封保安正直佑善敦凝翊保中興, 加贈靜厚中等神。 天下都大城隍大王, 著 封含光翊保中興上等神。 高閣靈應廣度大王, 著封弘謨偉略敦厚孚佑濯洋卓偉翊保 中興上等神。 己未科進士飛運將軍松江文忠正誼顯仁沌德嘉裕弘濟公直彰誠肅懿光 大靈聰宏謨遠猷睿覽克誠恭懿先生, 贈顯文昭節忠芳猷峻望光懿, 加贈翊保中興, 加贈 用誌國慶中等神。 護國庇民本土城隍, 贈保安正直佑善敦凝加贈用誌國慶, 加贈靜厚 中等神。 本土開耕鄧大郎, 稔著靈應, 著封為翊保中興靈扶 之神。 東察海郎吏將軍, 著封勇敏嚴翼宣毅澄湛翊保中興, 加贈汪潤中等 神。 南察海郎吏大將軍, 著封勇敏嚴 翼宣毅澄湛翊保中興, 加贈汪潤中等 神。 蘇大僚, 胡大將。 四頭茄琴三位彈娘護國庇 民稔著靈應, 著封為翊保中興靈扶之神, 加贈莊徽上等神。 今年行譴行瘟行兵之神。 山川岳瀆河伯水官之神。 九天玄女聖祖元君, 贈翊保中興, 加贈用誌國慶尊神。 西陵 氏馬頭天僊稔著靈應, 著封為翊保中興靈扶之神, 加贈貞婉尊神。天依阿那主玉衍妃 慈淑夫人, 著封弘惠普濟靈感妙通默相莊徽翊保中興上等神。 五行列位, 著封贊化默 蓮順成和序資元粹穆翊保中興上等神。公子二 位, 稔著靈應, 著封為翊保中興靈扶之 神, 加贈卓偉上等神。 本土開墾鄧貴公, 稔著靈應, 著封為翊保中興靈扶之神。

例有祈安必告禮也。 曰: 洋乎在上, 濯爾厥靈, 雍雍感應, 寂寂攸馨 。 節屆所安, 例事微誠, 處告神明, 願其來格, 俯監丹誠, 上祈員兵增壯, 下保仝社康寧, 文登袍笏, 武 壯千 城。 共慶一堂, 和睦預培千載豐亨。 仰賴王神扶持之證也。

Văn tế làng Lương Quán. Nguồn: Đỗ Bồ Giang


[Dịch nghĩa]:

“Văn tế, Lễ cáo:

Duy… Hoàng hiệu (niên hiệu của Hoàng đế)… năm, tháng, ngày, huyện, tổng, xã. Quan Chánh tế (tên, mỗ) cùng các thân biền, binh đinh của bổn xã, kính cẩn lấy (Chính tế gọi là Trung lao) sinh vật sạch sẽ (tam sinh) và các thứ xôi nếp, rượu ngọt, các phẩm vật liên quan đầy đủ, dám cáo trình lên (Chính tế gọi là Cảm tế).

- Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Diệu ứng Hiển hựu Mặc tướng Nghiêm lương Thành triết Phổ minh Dĩnh đạt Hạo ân Điệp đức Quảng đại Cao minh Bác hậu Chiêu ứng Phổ hóa Huyền hư Tứ vị Thánh nương vương, phong tặng [mỹ tự] Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.

- Đương Cảnh Thành Hoàng Thượng Tể Phụ Quốc Đại vương, phong tặng [mỹ tự] Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng, tặng thêm [mỹ tự] Tĩnh hậu trung đẳng thần.

- Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng đại vương, phong tặng [mỹ tự] Hàm Quang (…) [Hoằng] Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.

- Cao Các Linh Ứng Quảng Độ Đại vương, phong tặng [mỹ tự] Hoằng mô Vĩ lược Đôn hậu Phu hựu Trạc dương Trác vĩ Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.

- Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung Chính nghị Hiển nhân Thuần đức Gia dụ Hoằng tế Công trực Chương thành Túc ý Quang đại Linh thông Hoành mô Viễn du Duệ lãm Khắc thành Cung ý Tiên sinh, tặng Hiển văn Chiêu tiết Trung… Phương du Tuấn vọng Quang ý, tặng thêm [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng, dùng để ghi nhớ lễ quốc khánh, là hạng trung đẳng tôn thần.

- Hộ Quốc Tí Dân Bổn Thổ Thành Hoàng, tặng [mỹ tự] Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng, dùng để ghi nhớ lễ quốc khánh, tặng thêm [mỹ tự] Tĩnh hậu trung đẳng chi thần.

- Bổn Thổ Khai Canh Đặng Đại lang, linh ứng rõ rệt, phong tặng [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần.

- Đông Sát Hải Lang Thát đại tướng quân, phong tặng [mỹ tự] Dũng mẫn Nghiêm dực Tuyên nghị Trừng trạm Dực bảo Trung hưng, tặng thêm: Uông nhuận trung đẳng chi thần.

- Nam Sát Hải Lang Thát đại tướng quân, phong tặng [mỹ tự] Dũng mẫn Nghiêm dực Tuyên nghị Trừng trạm Dực bảo Trung hưng, tặng thêm [mỹ tự] Uông nhuận trung đẳng chi thần.

- Tô Đại Liêu, Hồ Đại Tướng.

- Tứ Đầu Gia Cầm Tam vị đàn nương hộ quốc tí dân linh ứng rõ rệt, phong tặng [mỹ tự] là Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, tặng thêm [mỹ tự] Trang huy thượng đẳng thần.

- Kim niên Hành Khiển Hành Ôn Hành Binh chi thần.

- Sơn Xuyên Nhạc Độc Hà Bá Thủy Quan chi thần.

- Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh tổ Nguyên Quân, tặng [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng, tặng thêm cho tôn thần, dùng để ghi nhớ ngày quốc khánh.

- Tây Lăng thị Mã Đầu Thiên Tiên linh ứng rõ rệt, phong tặng [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, tặng thêm [mỹ tự] Trinh uyển tôn thần.

- Thiên Y A Na Chúa Ngọc Diễn Phi Từ Thục phu nhân, phong tặng [mỹ tự] Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.

- Ngũ Hành liệt vị, phong tặng [mỹ tự] Tán hóa Mặc liên Thuận thành Hòa tự Tư nguyên Túy mục Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.

- Công tử Nhị vị, linh ứng rõ rệt, phong tặng [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, tặng thêm [mỹ tự] Trác vĩ thượng đẳng thần.

- Bổn thổ Khai khẩn Đặng quý công linh ứng rõ rệt, phong tặng [mỹ tự] Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần.

Theo lệ có lễ Cầu an (Kỳ an), tất triển khai lễ kính cáo vậy. Lời [văn cáo] rằng: Trên cao rộng lớn, rực rỡ oai linh, hài hòa cảm ứng, lẳng lặng lừng danh. Thời tiết đương an, mọi việc đã thành, cáo thần rõ sáng, nguyện mong đến hưởng, quý biết lòng thành, trên thì giúp binh đinh khỏe mạnh, dưới thì giữ toàn xã yên bình, văn lên trình độ, võ vượt ngàn thành. Một nhà tốt đẹp, hòa mục vun bồi, tươi tốt ngàn năm. Ngưỡng nhờ: Vương thần phò trì chứng giám vậy”.

Sắc phong Phi Vận tướng quân, Thành Hoàng (01/7/1887). Nguồn: Đỗ Bồ Giang


Như vậy, cho đến thời điểm năm 1942, có ít nhất 20 thần hiệu được nội bộ Lương Quán thờ tự và lần lượt xướng danh trong các kỳ tế lễ. Trong đó, căn cứ vào mỹ tự được chép trong Văn tế, có khoảng 17 vị được triều đình nhà Nguyễn ban cấp sắc phong. Cũng trong hòm bộ của làng, hiện vẫn đang bảo quản 02 đạo sắc, gồm 01 bản sắc phong ân ban ngài Thành Hoàng vào ngày 17 tháng 10 năm Tự Đức thứ 5 (27/11/1852), và bản Hợp phong cho thần hiệu Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung và Bổn thổ Thành Hoàng, đạo sắc này được cấp vào ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (19/8/1887). Theo thông tin từ các vị bô lão, đây là hai sắc phong đã bị kẻ gian đánh cắp, sau đó, nhờ sự nỗ lực của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, cả 02 bản sắc phong gốc này đã được sưu tầm và trao tặng cho người dân Lương Quán sau hơn 10 năm lưu lạc6.

Qua các dẫn liệu ở trên, có thể khẳng định rằng, cả 03 đạo sắc phong cho thần hiệu Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung và Bổn thổ Thành Hoàng vốn thuộc quyền sở hữu của người dân làng Lương Quán. Tuy nhiên, các bản sắc phong này đã “không cánh mà bay” sau chuyến viếng thăm của các đạo chích trong một đêm tối năm 2002. Để rồi những bảo vật thiêng liêng của làng Lương Quán có tuổi đời trên dưới 150 năm tiếp tục lưu lạc khắp nơi trước khi chính thức “định cư” ở một quốc gia cách “cố hương” của chúng gần 3.865 cây số. Đó không chỉ là nỗi đau của riêng người dân Lương Quán, mà còn là mất mát vô cùng to lớn đối với lịch sử, văn hóa nước nhà.

3. Vĩ thanh

Sắc phong thần là hệ thống văn bản hành chính gần như là độc bản, chính xác về mặt niên đại, hàm chứa rất nhiều thông tin vô cùng quý giá, phản ánh rõ nét về đời sống tín ngưỡng của cư dân vùng Huế. Đây là nguồn tư liệu trực tiếp tham gia xác minh dấu ấn và công trạng của hầu hết các vị phúc thần, nhân vật được phụng thờ tại các làng xã, cũng như chứng thực quá trình thay đổi về địa danh, địa giới hành chính qua các thời kỳ. Trong khi khá nhiều cổ vật của Huế nói riêng được đưa ra nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau và việc “hồi hương” vẫn còn là một bài toán khó, thì rõ ràng việc đánh giá đúng giá trị (lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ) của loại hình sắc phong, tiến hành số hóa, kiểm kê và tuyên truyền đến mỗi người dân ý thức bảo quản, nêu cao tinh thần cảnh giác là những giải pháp quan trọng nhất lúc này, nhằm bảo tồn nguyên vẹn nguồn tư liệu vốn được coi là “hương sử, hồn làng” của mỗi vùng quê xứ Huế.

Đ.M.Đ
(TCSH416/10-2023)

------------------------------
1 Link: https://collection.kyuhaku.jp/advanced/. Truy cập vào lúc 15h30’ngày 01/8/2023. Xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Trần Ngọc Đông đã chia sẻ cho chúng tôi những thông tin quý giá này.
2 Diễn Phái là một làng cổ của xứ Thuận Hóa, ra đời cách đây hơn 500 năm. Dưới thời vua Gia Long, toàn bộ diện tích đất của làng Diễn Phái cùng với 7 làng khác (Phú Xuân, Vạn Xuân, Thế Lại, An Hòa, An Vân, An Bảo và An Mỹ) buộc phải di dời để xây dựng Kinh Thành Huế. Sau đó, người dân Diễn Phái được cấp đất và đến định cư ở vùng Vỹ Dạ.
3 Dương Văn An (2021), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chú, Nxb. Khoa học Xã hội, tr: 63.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2020), Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn, Tập II (Bắc Trung bộ), Nxb. Hà Nội, tr: 524.
5 Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, chủ biên (2003), Đồng Khánh địa dư chí, tập 2, Nxb. Thế giới. tr: 1422.
6 Buổi lễ trao tặng bản Hợp phong cho thần hiệu Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung và Bổn thổ Thành Hoàng được tổ chức vào sáng ngày 03/4/2012. Đến ngày 15/4/2014, đông đảo người dân Lương Quán hân hoan tiếp tục đón nhận bản sắc phong thứ hai ân ban ngài Thành Hoàng vào ngày 17 tháng 10 năm Tự Đức thứ 5 (27/11/1852). Xem thêm:

- https://thuybieu.thuathienhue.gov.vn/?gd=38&cn=22&tc=53.
- https://thuybieu.thuathienhue.gov.vn/?gd=50&cn=22&tc=408.
- Truy cập vào lúc 22h25’ ngày 06/8/2023.

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lữ Mai (17/11/2023)
Chùm thơ Vân Phi (16/11/2023)
Các bài đã đăng
Tình mới (07/11/2023)
Tung đồng xu (06/11/2023)