HÀ KHÁNH LINH
Một ngày vào hạ tuần tháng 5.1983 có một sự kiện làm cho giới văn nghệ sĩ, báo chí, và những người quan tâm đến đời sống văn hóa văn nghệ lấy làm hoan hỉ phấn chấn, đó là sự ra đời của Tạp Chí Sông Hương số 1 phát hành trên phạm vi cả nước.
"Lễ ra mắt" tổ chức tại khuôn viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên với sự có mặt của toàn Ban Biên tập, anh chị em trong tòa soạn, một số độc giả ở Huế, và sự chứng giám của chính quyền địa phương, cầm số tạp chí đầu tiên in đẹp, trang nhã, bìa vàng, tuy cũng có vài thiếu sót trong kỹ thuật in, và bài vở có chỗ chưa thật vừa ý lắm, nhưng cả Ban biên tập và độc giả đều cảm thấy tự hào...
Hơn hai tuần sau, tòa soạn bắt đầu nhận được những bức thư đầy tâm huyết của độc giả từ khắp mọi miền đất nước gởi về bày tỏ tình cảm đối với tạp chí Sông Hương, nhất là những người Huế vì hoàn cảnh hoặc vì công việc mà phải sống xa xứ, hoặc những người không phải là người Huế, nhưng ít nhiều cũng có kỷ niệm với Huế đều bày tỏ niềm xúc động khi lần đầu tiên được cầm tờ tạp chí trên tay - tờ tạp chí mang tên Sông Hương đã gợi cho độc giả bao niềm thương mến, bao kỷ niệm xưa cũ về Huế được đánh thức dậy. Có độc giả đã gần như dành trọn cả bức thư để xưng tụng hai tiếng "Sông Hương", cũng có một số độc giả hỏi vì sao đặt tên cho tờ tạp chí là "Sông Hương" mà không chọn một cái tên nào khác?.v.v...
Nhớ lại dạo tháng 2/1983 nhiều cuộc họp bàn chuẩn bị ra mắt số tạp chí văn học nghệ thuật, một trong những việc được bàn đi tính lại nhiều lần là nên đặt tên cho tờ tạp chí là gì? Nhiều ý kiến đưa ra, trong Ban biên tập ai cũng suy nghĩ cố chọn một cái tên thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa nhất, như: Thuận Hóa, Diễn Đàn, Hương Bình v.v... Cuối cùng hai tiếng "Sông Hương" là có khả năng thuyết phục hơn cả. Trước hết đó là tên của một dòng sông đẹp và anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sông Hương là niềm kiêu hãnh - niềm tự hào của cư dân Huế! Trước năm 1938 ở Huế cũng đã từng có một tờ báo mang tên là "Sông Hương" do Phan Khôi làm chủ biên. Đến đầu năm 1938 tờ báo bán không chạy, gây tâm lý chán nản cho người chủ biên. Cùng thời gian này Mặt trận dân chủ ra đời. Xứ ủy Trung Kỳ rất cần có phương tiện để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng Cộng Sản Đông Dương, đồng thời muốn tìm cách đưa người của mình vào Nghị Viện (Tòa nhà Nghị Viện ở số 3 Lê Lợi - Huế, nay là văn phòng Trường Đại học Tổng Hợp Huế) bèn cử đồng chí Phan Đăng Lưu tìm cách gặp Phan Thao - con trai của Phan Khôi - để thương lượng mua lại bản quyền của báo Sông Hương. Vào thời gian này, Phan Khôi đang lâm vào tình trạng nghiện ngập nha phiến khá nặng, mà tiền trong túi thì không còn. Tình trạng túng quẫn cộng với sự ế ẩm của báo đã khiến cho Phan Khôi - Phan Thao dễ dàng chấp nhận lời đề nghị của Phan Đăng Lưu.
Tờ Sông Hương số I bộ mới lúc bấy giờ xuất hiện với Ban Biên tập gồm: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Cửu Thạnh, Hải Triều, Hải Thanh. Đó là tờ tuần báo chính trị kinh tế văn hóa xã hội. Trong hai tháng liền tuần báo Sông Hương ra được 05 số. Giữa lúc độc giả đang hồ hởi đón nhận Sông Hương thì Sông Hương phải tạm thời ngưng lại. Đây là thời kỳ mở ra một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam.
Phải chăng sự xuất hiện của Sông Hương tháng 5-6/1983 cho đến ngày nay là sự nối tiếp công việc của cha anh còn dang dở thuở ấy?
H.K.L.
(TCSH56/07&8-1993)