Tạp chí Sông Hương - Số 56 (T.07&8-1993)
Sông Hương với những người viết trẻ (Kỷ niệm 10 năm SH)
15:33 | 29/05/2023

NGÔ MINH

Tôi xin dừng lại cái từ mọi người đã quen dùng "những người viết trẻ" để chỉ các bạn văn mới cầm bút. Có nghĩa là nó chỉ đơn thuần là thời gian số học, còn chuyện văn chương hay dở hẳn tùy theo từng người, không ai dám so. Không phải "viết lâu thì lên lão làng"!

Sông Hương với những người viết trẻ (Kỷ niệm 10 năm SH)

Lật lại gần sáu chục số Sông Hương (từ số 1 ra tháng 5-6/1983 đến nay, qua bốn triều Tổng Biên tập), tôi bỗng nhận ra một điều rất lý thú: Sông Hương đã góp phần giới thiệu bồi dưỡng nhiều lứa những người viết trẻ trong và ngoài tỉnh. Nói cách khác nhiều cây bút trong cả nước đã được khẳng định hoặc đang phát triển, trong 10 năm qua đã thử sức bơi của mình trên Sông Hương quen thuộc. Có thể có người cố chấp, không đồng tình với ý kiến trên, nhưng hãy cứ chịu khó đọc lại toàn bộ các "chặng" Sông Hương mà xem, điều tôi nói là có thật. Có khi, ngay chính Sông Hương cũng không tự nhận thấy "sự đóng góp" của mình (!?) Tất nhiên, chỉ mới 10 năm thôi, nên những gì tôi nói là khiêm tốn so với toàn bộ tiến trình văn học chung.

Lứa tác giả được giới thiệu liên tục trên Sông Hương, và được khẳng định trong thập niên tám mươi có Nguyễn Quang Lập, Trần Thuỳ Mai văn xuôi, thơ có Phạm Tấn Hầu, Nguyễn Khắc Thạch, Lê Văn Ngăn, Hồng Thế, Hải Kỳ... Những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Quang Lập được giới thiệu trên Sông Hương như "Tiếng lục lạc", "Đò ơi"... đã nhanh chóng có tiếng vang trong cả nước, và tác giả dần trở thành "cây" truyện ngắn sớm có bản sắc riêng, được độc giả chú ý. Hay một người làm thơ ở tận xứ nông thôn Trung Trạch (Quảng Bình) xa xôi, khuất lấp như Hồng Thế đã được giới thiệu và khẳng định qua sự đánh giá chính xác của Sông Hương về thơ của anh. Lứa tác giả này tất nhiên trước khi có Sông Hương đã có viết, nhưng phải nói đến Sông Hương, "tiếng tăm" các anh các chị mới vượt dần ra khỏi biên giới địa phương để đến với bạn đọc cả nước một cách đều đặn, tạo nên độ dày của từng người. Và cho đến hôm nay các anh các chị vẫn tỏ ra rất sung sức.

Lứa tác giả xuất hiện trên Sông Hương giữa thập niên tám mươi đến hôm nay đã trở thành hội viên hội văn nghệ các địa phương, nhiều người có sách in được độc giả chú ý nổi lên có Dương Thành Vũ, Triều Nguyên, Dương Phước Thu, Trần Xuân An, Phùng Tấn Đông, Trần Thị Huyền Trang, Mai Linh, Hồ Thế Hà, Đỗ Văn Khoái... Trường hợp Dương Thành Vũ với truyện ngắn đầu tay "Mái hiên đời" in trên Sông Hương cho đến tiểu thuyết "Đứa con nguyệt thực" và các tập bản thảo truyện ngắn, tiểu thuyết của anh mới hoàn thành gần đây là sự lao động say mê, nghiêm túc và có nhiều trăn trở. Phùng Tấn Đông, vốn là người thơ, quê ở Hội An Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng lại xuất hiện trên Sông Hương số 8 (tháng 8/1984) với truyện ngắn đầu tay "Sắc màu của biển". Hiện nay anh vẫn làm thơ, viết truyện, viết phê bình giới thiệu văn học, văn hóa - là hội viên "năng động" của Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng. Trần Thị Huyền Trang cũng là một ví dụ đáng quý. Chị xuất hiện trên Sông Hương với truyện ngắn đầu tay "Đắng như hạnh phúc" khi còn là sinh viên khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Huế. Đến nay chị đã là người mẹ hai con - nhưng vẫn say mê viết văn làm thơ, viết sách khảo cứu giới thiệu danh nhân văn hóa.

Mấy năm lại đây Triều Nguyên, Hồ Thế Hà cũng liên tiếp cho ra mắt bạn đọc các tập truyện ngắn, tập thơ của mình.

Sông Hương từ 1990 đến nay đã liên tiếp trình làng nhiều gương mặt văn học mới như: Nguyễn Hồng Hạnh, Phạm Xuân Phụng, Việt Hùng, Lê Thị Minh Nghĩa, Nhật Lệ, Đoàn Quỳnh Anh, Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Thị Thái v.v... những cây bút này đến với văn học với những cách cảm thể hiện mới lạ. Nhiều cây bút tỏ ra thâm trầm đáo để như Nhật Lệ, Hồng Hạnh. Mong sao các bạn luôn có mặt cùng độc giả Sông Hương.

Nhiều tác giả nữ được Sông Hương phát hiện và giới thiệu tỏ ra có bề dày vốn sống để đi xa cùng văn học như Tôn Nữ Ngọc Hoa, Nhật Lệ, Trần Thị Huyền Trang. Một số cây bút làm các nghề lao động chân tay vất vả cũng được Sông Hương trân trọng giới thiệu như Nguyễn Văn Phương, Phạm Nguyên Ngữ (xích lô), Nguyễn Loan (thợ in).

Ở trên tôi đã lược điểm những gương mặt trẻ ở các "lứa" khác nhau đã lớn lên từ Sông Hương, cùng Sông Hương. Điều tôi muốn giãi bày là chất mật nào đã gọi mời các tác giả đến với Tạp chí? Nói khác đi cái gì đã làm cho Tạp chí Sông Hương qua hàng năm lại có thêm những cây bút mới đến với mình? Theo tôi trong mối quan hệ qua lại này có mấy yếu tố gọi là nguyên nhân đáng lưu ý.

+ Trước hết Sông Hương phải tự mình trở thành một tờ báo có vị trí nhất định trong làng báo văn nghệ trong cả nước. Khẳng định một người viết thường có hai yếu tố chủ yếu: Độc giả và thời gian. Vì lẽ đó mà những người viết trẻ thường có tâm lý muốn được các tờ báo có nhiều độc giả "lăng xê". Một tờ "văn nghệ địa phương" như Sông Hương muốn trở thành tờ báo văn nghệ có uy tín trong cả nước, có nhiều độc giả, phải tập hợp được những cây bút tài năng của cả nước, lại phải có "cá tính riêng" hay cái "chất" riêng của địa phương mình v.v... Tôi thấy, nhìn tổng quát suốt mười năm Sông Hương đang ấp ủ giấc mơ đó, và nhiều thời điểm đã trở thành tờ báo được ngưỡng mộ, đón đọc. Dù có những vấn đề cần phải tỉnh táo bàn luận lại, nhưng tôi thấy cần thiết phải xây dựng Sông Hương trở thành một tờ báo như thế - tờ báo có uy tín thì nhiều cây bút trẻ sẽ tìm đến cộng tác, văn học sẽ nở rộ hơn.

+ Một điểm khác, Sông Hương sở dĩ giới thiệu được nhiều cây bút trẻ trong thời gian qua, một điều quan trọng là phải biết chấp nhận nhiều giọng điệu, nhiều cách thể hiện khác nhau. Nếu cứ co lại các sáng tác theo cái khuôn gu biên tập, tờ báo sẽ dễ dàng đơn điệu và sẽ dễ dàng đánh rơi những tác phẩm tốt của các tác giả trẻ. Làm báo để "đúng" thì dễ, còn làm báo để cho "hay" mới khó, mới cần người có tài làm báo.

+ Sự "lăng xê" của một tờ báo kích thích sự sáng tạo ở các tác giả trẻ rất lớn. Vừa qua Sông Hương đã có làm. Nhưng nói thật là chưa mạnh dạn. Hình như chúng ta còn ngại nói nhiều về những người trẻ tài năng, sợ họ nổi tiếng sớm sẽ có hại gì đó!

+ Riêng tôi, tôi coi mình như một người viết lớn lên từ Sông Hương. Tôi được vinh dự có thơ in trên số đầu tiên Sông Hương. Tôi được Ban biên tập Sông Hương (1988) bỏ phiếu là một trong ba tác giả thơ được tặng thưởng nhân dịp kỷ niệm Sông Hương năm tuổi. Tôi làm thơ và viết giới thiệu thơ bạn bè trên Sông Hương. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, sách miền Bắc miền Bắc đọc, báo miền Nam miền Nam đọc, báo Trung ương ở Hà Nội biến thành tờ báo của những người viết ở thủ đô - trong tình thế như thế, tôi nghĩ Sông Hương là nguồn an ủi cho tôi (và nhiều người viết khác) để thỉnh thoảng lại được bày tỏ lòng mình với độc giả. Vâng, Sông Hương phải vươn lên để trở thành diễn đàn văn nghệ của các tác giả miền Trung. Tôi thầm mong điều đó, Sông Hương ạ!

Huế 22 tháng 4 năm 1993
N.M.
(TCSH56/07&8-1993)

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Các bài đã đăng