Tạp chí Sông Hương - Số 56 (T.07&8-1993)
Vui buồn cùng văn hóa Huế qua 10 năm Sông Hương
15:26 | 30/05/2023

NGUYỄN TRÙNG DƯƠNG

Tôi cũng thuộc những người đọc Sông Hương bắt đầu từ trang cuối và giở ngược lên phía trước, như lối đọc sách chữ Hán. Hẳn nhiều độc giả có cùng ý thích như tôi khi đón trên tay những số Sông Hương còn thơm mùi mực, ẩn chứa biết bao điều lạ trong công việc kỳ thú: tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Huế.

Vui buồn cùng văn hóa Huế qua 10 năm Sông Hương

Càng đọc Sông Hương, tôi càng thấy vui khi thấy sự góp mặt ngày càng đông đảo những cây bút quen biết trong cả nước. Những vị này đều nhìn Huế bằng đôi mắt đầy thiện cảm. Tất cả đều mến Huế, yêu Huế, xót thương hoặc nôn nóng cho Huế, mong cho Huế đẹp hơn, mau phục hồi những vết thương lở lói, hoặc do thời gian tàn phá, hoặc do sự hờ hững của con người đương đại. Vài năm qua, Huế như một cô gái đang được tô điểm trìu mến trở lại, sau bao nhiêu năm nhận chịu sự thờ ơ. Nhưng Sông Hương thì không vậy. Sông Hương lưu tâm đến Huế ngay từ số ra mắt, khi anh Nguyễn Khoa Điềm còn làm Tổng biên tập.

Bao nhiêu số Sông Hương được cơ hội trình diện 10 năm qua? Bao nhiêu người lưu tâm đến văn hóa Huế đã góp mặt trên Sông Hương? Thật là khó khi cần phải thống kê, nhận định từng bài để đưa ra một số nhận xét nào đó. Nói đến văn hóa Huế, không phải chỉ những bài nghiên cứu; rộng ra thì thơ, truyện, nhạc, tranh ảnh cũng biểu lộ được tầm nhìn, tình cảm, sự đánh giá của các tác giả, đối với văn hóa Huế. Có lẽ chẳng ai dám "đụng" đến một khối văn hóa Huế lớn như vậy chỉ trong một bài viết.

Thôi thì hãy tìm đến những tác giả ấy bằng con đường tình cảm. Ở đây, tôi gặp Phan Ngọc:

"Mãi đến năm 1981 tôi mới được vào Huế. Nhớ Huế thì nhớ nhưng đâu có tiền? Và tôi làm sao có thể rút bớt một ngày lao động để đi chơi? Vào nội cung tôi chảy nước mắt. Người ta trồng khoai ở đây!"

Anh Phan Ngọc lại tâm sự tiếp: "Cả một nước Việt Nam chỉ còn lại một kinh đô bảo tàng. Là người xứ Nghệ, xứ của thiết thực mà tôi còn không chịu nổi, thì làm sao khách du lịch chịu nổi? Thiết thực quá là gốc của nghèo đói”.

Một thời ấu trĩ về quan niệm văn hóa như vậy đã qua. Nhìn những luống rau khoai ở Đại Nội anh Phan Ngọc chảy nước mắt huống chi tôi, một người trong dòng hoàng tộc nhưng tôi có thật nhiều bạn cùng chí hướng: những lời kêu cứu nồng nhiệt của Nguyễn Đắc Xuân, những chiêm nghiệm về văn hóa Huế sắc sảo tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những công trình giới thiệu, tìm hiểu về văn hóa Huế của các tác giả sống chết với Huế như Phan Văn Dật, Tôn Thất Bình, Nguyễn Hữu Đính, Phan Thuận An, Phạm Đăng Trí, Hồ Tấn Phan... Những người nặng tình với Huế như Bùi Hiệp, Mai Khắc Ứng, Nguyễn Xuân Định, Lương An v.v... Một khối các tác giả khác ngoại tỉnh và ngoài nước như Trần Quốc Vượng, Đào Hùng, Nguyễn Duy Hồng, Nguyễn Xuân Quát, Nguyễn Khắc Viện, Quách Tấn, Trần Lâm Biền, Từ Chi, Cao Huy Thuần, Võ Quang Yến, Lê Huy Cận v.v... Làm sao liệt kê cho đủ, làm sao diễn tả cho hết được những tâm tư tình cảm của các tác giả ấy qua những trang đầy tâm huyết với quê hương tôi... Ai cũng muốn một lần trở về sống bên cạnh Huế, tắm trên dòng sông Hương và ngắm trăng bến Ngự... Người ở xa như chị H là một điển hình cho những khát vọng cháy bỏng tâm can ấy. Trong thư về Huế anh Cao Huy Thuần diễn lại lời nói của chị: "Tụi mình sống ở đây thân thể một nơi, lòng dạ một nẻo, đâu có khác chi Quan Công bị đứt cổ. Mai mốt chết phải bay về Huế, tìm lại ruột chắp đầu".

Tha thiết với Huế đến thế là cùng. Chị H, không còn nữa! nhưng tâm tình của chị đối với quê hương đã được nối kết với hàng vạn tâm tình của độc giả Sông Hương qua những trang văn hóa.

Hầu như Sông Hương tự nhận sứ mạng truyền tin, giới thiệu, khai thác, tìm hiểu văn hóa Huế trong suốt cuộc hành trình vất vả phong ba của mình. Đó là điều gặp gỡ trong tâm tư bốn Tổng biên tập trong 10 năm hoạt động; dù tính cách mỗi người khác nhau. Đó cũng là điểm hội tụ tri thức của lớp thế hệ kế tiếp trong việc tiếp cận với văn hóa Huế. Các tác giả Trần Viết Điền, Ngô Thời Đôn, Phan Hứa Thụy, Lê Quang Thái, Hồ Vĩnh, Huỳnh Hữu Ủy... vẫn miệt mài lao động để góp phần mình cho văn hóa Huế. Đó là kho tàng khai thác vô tận, mà càng đi sâu tìm hiểu ta càng thấy quả còn nhiều vấn đề cần được đặt ra để đánh giá cho thật đúng đắn. Ta đã đọc "Hoa trái quanh tôi" của Hoàng Phủ Ngọc Tường để hiểu nét văn hoá trong nhà - vườn Huế; đọc Trần Quốc Vượng để định lại vị thế của Huế trong lịch sử cho xứng đáng với tầm vóc của nó, đọc "Nói chuyện văn hóa với Huế" để cảm nhận nét độc đáo của kỹ thuật bricoler (chữ dùng của Phan Ngọc) của Huế: "Muốn làm điều đó phải có sự phối hợp giữa dân tộc học, văn hóa học với các nghệ nhân Huế, có sự chỉ dẫn của các tay đặc Huế (……) Huế là tấm gương cho nhà văn hóa học nhận thấy thế nào là văn hóa Việt Nam".

Anh Phan Ngọc có nói quá không, chúng tôi hãy còn chiêm nghiệm, nhưng có một điều chúng tôi cảm nhận là hầu như chẳng thể nào khai thác được hết mỏ quặng văn hóa Huế. Đó là một hấp lực thật quyến rũ và thật sự gây say mê cho giới nghiên cứu. Nếu trước đây các học giả Pháp trong B.A.V.H đã để lại các công trình nghiên cứu văn hóa Huế một cách nghiêm túc mà ta chưa khai thác hết, thì nay, trên Sông Hương vẫn còn tồn tại nhiều lĩnh vực liên quan đến văn hóa dân gian, văn hóa cung đình cần được tiếp tục tìm hiểu, đánh giá lại. Nên chăng có một kế hoạch định hướng cho những chủ đề về văn hóa Huế để tránh sự trùng lặp nội dung và bám sát được những vấn đề có tính thời sự.

Vẫn bề bộn những vấn đề của văn hóa Huế đương đại theo với trào lưu đổi mới của đất nước; giục giã những người yêu Huế, những nhà Huế học đóng góp công sức của mình trên Sông Hương để Huế xứng đáng là "Huế luôn luôn mới".

12/05/93
N.T.D
(TCSH56/07&8-1993)

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Các bài đã đăng