Bài LA MARSEILLAISE đã được ROUGET DE LISLE, sĩ quan công binh đồn trú tại Strasbourg sáng tác ngày 26 tháng tư năm 1792.
Ban đầu lấy tên là "Khúc quân hành của bộ đội sông Rhin", nhạc phẩm được những người marseillais chấp nhận. Họ là tiểu đoàn quân công xã Paris của Marseille, đã từng tham gia vào cuộc nổi dậy hôm 10 tháng tám. Trước đó, thượng tuần tháng tám năm 1792, toàn đơn vị đã đến Paris đòi Quốc hội phế truất vua Louis XVI. Được một nghị định công nhận làm Quốc ca năm 1795, bài LA MARSEILLAISE bị cấm dưới thời Phục hưng và Đế chế thứ hai, trở lại là Quốc ca nước Pháp năm 1879.
Năm 1834, Rouget de Lisle chép lại bài hát nầy cho một người bạn của mình. Bút tích ấy làm ông nổi danh trên trang nhất tờ LE FIGARO vào ngày chủ nhật 24 tháng bảy năm 1870. Cùng ngày, tờ báo đã đăng tải một bài của LAMARTINE - tác giả của lịch sử về những người GIRONDINS (1847) trong đó nhà thơ đã viết về sự kiện lịch sử của bài Quốc ca. Chúng tôi đăng lại sau đây.
Hồi đó có một sĩ quan công binh trẻ đồn trú tại Strasbourg tên là ROUGET DE LISLE, sinh tại Lons - le - Saunier, trong vùng núi Jura, xứ sở của mơ mộng và nghị lực, cũng như ở mọi vùng rừng núi khác vậy. Chàng trai yêu chiến tranh với tư cách người chiến sĩ, yêu cách mạng với danh nghĩa nhà tư tưởng. Được nhiều người mến mộ bởi hai tài năng âm nhạc và thơ ca, anh thường lui tới thân tình với gia đình Nam tước Dietrich, một quý tộc Alsaccien (Alsacien) thuộc đảng Lập hiến bạn thân của ngài La Fayette và là thị trưởng thành phố Strasbourg. Nam tước phu nhân cùng những bạn thân của bà đều chia sẻ nhiệt tình yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Nhiệt tình đó đã trở nên sôi động, nhất là các vùng biên giới, cũng giống như khi con người có sự co quắp ở thân thể bị đau đớn thì những đầu mút ngón tay chân đều nhạy cảm hơn. Các bà yêu quý người sĩ quan, cảm phục tấm lòng, vần thơ và điệu nhạc của anh. Họ là những người đầu tiên biểu diễn những tư duy vừa hé nở của anh, tin tưởng vào những mò mẩm ban đầu của một tài năng.
Đó là mùa Đông năm 1792. Nạn đói kém bao trùm thành phố Strasbourg. Bữa ăn của Nam tước phải chia bớt cho ROUGET. Viên sĩ quan cùng ngồi ăn với mọi người vào mỗi buổi sáng mỗi chiều như một người con hoặc người anh em trong gia đình. Một ngày nọ chỉ còn khẩu phần bánh mì, quân lương với vài mẩu giò trên bàn, Nam tước thanh thản - buồn rầu nhìn ROUGET và nói:
Các buổi tiệc của chúng ta không còn dồi dào như trước nữa, nhưng nào có hề chi nếu nhiệt tình không thiếu ở các lễ hội cách mạng và can đảm không thiếu trong lòng binh sĩ chúng ta? Tôi còn một chai rượu vang cuối cùng trong kho. Hãy mang vào đây cho tôi - ông nói tiếp - hãy uống chúc mừng tự do và Tổ quốc! Sắp tới, thành phố Strasbourg phải tổ chức một nghi lễ yêu nước, ROUGET phải từ những giọt sau cùng này rút ra một khúc ca thấm sâu vào tâm hồn dân tộc sự hăng say mà những giọt rượu ấy trào dâng.
Những thanh nữ vỗ tay hoan hô, mang chai rượu vào, rót đầy ly của Nam tước và viên sĩ quan cho đến lúc rượu hết nhẵn.
Trời về khuya; đêm se lạnh; ROUGET mơ màng; lòng xúc động; đầu sôi lên. Cái rét xâm chiếm lòng anh. Anh lảo đảo trở về căn phòng cô đơn, từ từ tìm cảm hứng, khi thì trong hồi hộp của tâm hồn người công dân, lúc thì trên phím đàn nghệ sĩ, khi soạn nhạc với lời, khi lời với nhạc cứ thế nó quyện vào suy tư của anh, đến nỗi tự anh, anh cũng chả biết cái nào, ý nhạc hay hồn thơ đã đến trước và anh không thể nào tách rời vần thơ với nốt nhạc cùng với cảm tưởng của những gì đã thể hiện. Anh hát tất cả mà không viết gì hết.
Ngập tràn nguồn cảm hứng tuyệt vời đó, anh lịm dần trong giấc ngủ, đầu gục trên cây đàn và chỉ tỉnh dậy vào hôm sau.
Bài hát tối qua lại dâng lên với anh một cách vất vả trong hồi ức như cảm giác của một giấc mơ. Anh viết lại, ghi chép rồi chạy đến ông Dietrich. Anh gặp Nam tước đang tự tay mình cuốc những luống rau diếp mùa Đông. Vợ ông thị trưởng còn ngủ, Nam tước đánh thức bà dậy, gọi thêm vài người bạn, tất cả đều say mê âm nhạc như ông và đều có khả năng biểu diễn bản nhạc của DE LISLE. Một cô gái đệm đàn, ROUGET hát. Vào đoạn đầu, những khuôn mặt tái nhợt dần; ở đoạn hai, những giọt nước mắt trào tuôn và đến những câu cuối cùng thì lòng phấn khởi cuồng nhiệt bùng lên. Nam tước, vợ ông và chàng sĩ quan ôm chầm lấy nhau khóc trong những vòng tay của nhau. Bài hát của Tổ quốc đã tìm ra! Nhưng than ôi! Sau đó bài hát trở thành quốc ca của chế độ khủng bố. Và cũng vài tháng sau nữa, chính ông Dietrich bất hạnh đã phải bước lên máy chém trong âm thanh của những nốt nhạc ra đời từ tổ ấm nhà ông của tấm lòng người bạn trẻ và giọng hát vợ ông.
Bản hợp xướng này được biểu diễn sau đó vài ngày ở thành phố Strasbourg, nhanh chóng lan tỏa từ thành phố này sang thành phố khác trên tất cả các dàn nhạc quần chúng. Những người Marseillais truyền bá bài ca khắp nước Pháp, hát vang trên mọi nẻo đường hành quân, từ đó cái tên LA MARSEILLAISE đến với nó. Bà mẹ DE LISLE, bảo hoàng và mộ đạo, đâm ra hốt hoảng về âm vang tiếng hát của con, bà viết thư trách mắng anh: "bài hát cách mạng kia là cái quái gì mà bọn kẻ cướp hát ầm lên vậy, lại còn xen lẫn vào đó tên họ nhà ta nữa?". Chính DE LISLE, người theo phái Liên bang (vào thế kỷ 18, ở Pháp có phái Liên bang trong phong trào Cách mạng - ND), đã bị khống chế, rùng mình khi tin đó vang bên tai anh như một mối đe dọa tử hình, anh chạy trốn vào rừng núi Jura.
Bút tích về bài LA MARSEILLAISE của R. DE LISLE |
- "Đặt tên cho bài hát là gì?" anh hỏi người dẫn đường.
- "LA MARSEILLASE", người nông dân trả lời.
Và từ đó anh biết tác phẩm của chính mình đã được mang tên LA MARSEILLAISE.
Anh bị ám ảnh bởi nhiệt tình mà anh đã gieo lại đằng sau mình. Anh đã thoát chết; vũ khí đã quay lại chống bàn tay làm ra nó. Cách mạng sa sút không còn nhận ra tiếng nói của chính mình nữa.
LAMARTINE
(Theo báo Le Figaro ngày 14-7-92)
Hồ Nam sưu tầm và dịch
(TCSH56/07&8-1993)
-----------------------
(*) Đầu đề bài báo người dịch đặt tương tự, không theo sát nguyên văn của bản gốc.