HỮU THU - CHIẾN HỮU
Ghi chép
Cuối năm ngoái, huyện Hương Trà tổ chức khánh thành hồ chứa nước Khe Rưng.
Thời chống Pháp vùng bán đảo này cây cao bóng cả. Lợi dụng thế sông, thế núi những người kháng chiến chọn Dương Hòa để lập chiến khu.
Đứng dưới thung sâu, nhìn lên đỉnh núi, dân quê đã chỉ cho chúng tôi xem ngôi miếu thờ sơn thần. Họ kể: hàng năm ở vùng bán sơn địa này muốn có nước để cày cấy, làng phải tổ chức lễ tế. Thần núi động lòng mới cho nước khe Rưng chảy. Rưng ở đây là rưng rưng nước mắt, thấm đẫm mồ hôi. Dù là huyền thoại nhưng cũng đã nói lên khát vọng của mối giao hòa giữa thủy và thổ, cũng đủ giúp chúng tôi hiểu thêm bên cạnh một Hương Thọ có quá khứ hào hùng vẫn có một Hương Thọ còn lắm nhọc nhằn về chuyện cơm áo. Trải qua mấy đời khát khao, đến bây giờ Hương Thọ mới có một hồ nước, chứa cả mười triệu mét khối đầy ăm ắp, mát lành, được giữ bởi chân đập bề thế, nối hai triền đồi, vững chãi như bậc thang lớn.
Sau lễ tế trời đất, Hương Thọ chính thức khai sinh làng mới mang tên là Sơn Thọ. Làng Sơn Thọ bước đầu quy tụ quãng bốn, năm mươi nóc nhà, chủ nhân phần lớn được cha mẹ cho ra ở riêng hoặc tách hộ, một số dựng nhà nhưng chỉ để lập trại sản xuất theo kiểu một chốn đôi quê. Mười lăm năm về trước đất nước đang ở thời kỳ thiếu lương thực trầm trọng, với chỉ tiêu tự túc được ấn định đã buộc tất cả các cơ quan, đơn vị phải tiến lên đồi vỡ đất trồng sắn.
Cuộc tiến quân lên đồi thời ấy quả là quyết liệt, nếu không muốn nói là cực đoan. Nhiều cơ quan chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ngoài luân phiên tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi lao động, đã lập hẳn những trại sản xuất. Thời ấy còn bao cấp nên chẳng có ai đứng ra tổ chức hạch toán để tính một cân sắn đã tiêu tốn hết bao nhiêu cân nhiên liệu, và cũng không có ai dám đứng ra can ngăn, phân tích lợi hại của việc phá hoại môi trường làm nghèo kiệt đất đai. Thời kỳ ấy, may sao, chỉ kéo dài ba, bốn năm mà thôi, nhưng với người dân đi kinh tế mới, những người thật sự lên đồi thì cái cực, cái khổ lại dai dẳng, y chang câu ca: "gánh cực mà đổ lên non... cong lưng mà chạy, cực còn chạy theo".
Mùa mưa năm ngoái chúng tôi lên Nam Đông. Hạt kiểm lâm ở đây cũng vừa trải qua một cuộc tảo thanh những người vi phạm luật bảo vệ rừng. Xem hàng chục tấm hình anh em ở đây ghi lại, thấy mà run. Trong ảnh là những súc gỗ to dài hơn chục mét nằm phơi trên bãi chờ xe. Nhìn những nam, nữ thanh niên, những trung niên trong hình chúng tôi hỏi:
- Người ở đâu?
Hạt trả lời:
- Phần lớn dân kinh tế mới ở Hương Phú.
Dù rất thông cảm với hoàn cảnh "đói đầu gối phải bò" nhưng những hành vi trên không chỉ không ngăn chặn. Về Huế chưa được bao lâu, vào dịp lễ Chúa Giáng sinh lại nghe người đi từ Đà Nẵng ra báo tin: Phú Lộc bị lụt sau tháng mười âm lịch đã không còn là chuyện lạ. Và dĩ nhiên, chuyện phá rừng cũng không thể quy cho những người đi kinh tế mới mà còn do hậu quả của chiến tranh tàn phá, do khai thác và phá rừng bừa bãi. Thời bao cấp có năm rừng Nam Đông - Phú Lộc bị khai thác lên trên ba vạn mét khối. Khi hai huyện này được nhập một, Phú Lộc đã từng huy động hàng ngàn thanh niên ở miền xuôi lên phá rừng Kade để trĩa bắp, trồng sắn rồi sau đó bỏ hoang.
Còn trên vùng đồi Phong Sơn - Hòa Mỹ vào một chuyến đi cùng Kỳ Sơn, chúng tôi mỗi đứa phác thảo cho đất đồi này một chương trình làm giàu. Phải quy hoạch đồng cỏ để chăn nuôi đàn gia súc, phải trồng cây lâm nghiệp để cải tạo môi sinh, phải quy hoạch vùng chuyên canh lạc, và chắc chắn là có những vườn cây ăn quả quanh vùng quy hoạch dân cư v.v...
Chiếc Jeep không cửa vun vút trên tuyến đường đất đỏ, bụi mù bay, không ai đưa ra đề tài gì để tranh luận nhưng 30.000 héc ta đất cứ đập vào mắt mọi người nên chuyện trồng cây, khai thác vùng đất đồi này lại cứ hiện ra trong chúng tôi. Chuyện không phải bây giờ, cách đây mười ba năm nhiều người đã nghĩ tới trong chiến lược xây dựng kinh tế vùng đồi Hòa Mỹ. Tại đây đã có từng đại đội, binh đoàn thanh niên xung kích lên khai hoang vỡ đất. Con người muốn đánh thức vùng đất này khá sớm. Huyện, xã họp lên danh sách chuyển dân đến đây. Cuộc ra đi ồ ạt, trong một thời gian ngắn đã có gần một trăm ngôi nhà của bà con dân ven phá ven biển, ở các xã vùng sâu lên đây định cư. Ban chỉ huy công trường 14-12 thuộc hai huyện Phong Điền và Quảng Điền vẽ ra một viễn cảnh giàu có với những trang trại lớn. Thời gian qua đi ước mơ của nhiều người cứ lụi tàn. Đồng đất dưới cái nắng rát bỏng không có nguồn nước tại chỗ cứ cằn khô, cỏ ống cỏ tranh lan ra từng lùm. Dân định cư không chịu nổi, đã tự giải tán tìm về đồng bằng kiếm sống. Nhiều người lo sợ đi tuốt vào Nam. Công trường 14-12 đi vào dĩ vãng, còn thưa thớt dăm, mười hộ xa tít trong chân núi cố bám trụ trồng sắn, khoai và len vào rừng làm củi đưa cuộc sống qua ngày.
Với một chương trình kinh tế mới không mấy hoàn thiện, lãnh đạo hai huyện Phong Điền và Quảng Điền họp bàn mãi vẫn giữ quyết tâm không bỏ mặc dân, phải mở tuyến giao thông lên đó. Một ngày hai chuyến xe khách qua lại vùng đồi này. Cá, tôm, hàng công nghệ phẩm từ vùng dưới chuyển lên, sắn, củi, mít, mây, lá nón trên ấy chuyển về. Dân kinh tế mới bắt đầu mở nghề làm củi. Có hộ dốc cả lao động trong gia đình lên rừng đốt cây lấy than. Cái thời máy ô tô dùng thay, máy bơm nước chạy bằng than để tiết kiệm xăng dầu đã kích thích dân kinh tế mới và dân sở tại đua tranh phá rừng. Thời ấy thuyền ghe xuôi dòng sông Bồ, xe đò lên về tuyến Phong Sơn - Hòa Mỹ chỉ cõng toàn than.
Bác Huỳnh Em, dân kinh tế mới bám trụ dai dẵng trên ấy đã tổ chức lao động trong gia đình chuyên làm nghề này. Bác gái loay hoay chạy chợ trở thành một tiểu thương cung ứng nguồn than cho các hợp tác xã chạy máy nước. Năm nào hạn hán kéo dài thì gia đình bác khấm khá hẳn lên. Có lần lên vùng kinh tế mới này, chúng tôi đã ghé thăm gia đình bác. Trong nhà toàn chứa than nên đụng vào cái gì cũng thấy đen thui, cực nhọc. Nhưng qua cái thời xe máy hết dùng than, không tìm ra đâu lối sống, gia đình bác cũng giã từ luôn vùng đồi.
Khi thực hiện phóng sự về người dân vạn đò trên sông Hương, một đồng nghiệp của chúng tôi đã đặc tả hoàn cảnh của những hộ sống chui rúc ở gầm cầu chữ "T". Họ cho biết trước khi lâm vào thảm cảnh này họ cũng có thuyền để sinh sống như những cư dân khác nhưng do đi kinh tế mới phải bán thuyền, đến đó cực quá chịu không nổi đành quay về chấp nhận cuộc sống lay lắt kiếm miếng cơm manh áo. Sau khi xem phim này, chúng tôi đã cất công tìm kiếm tư liệu, tiếc thay nhiều cơ quan hữu trách đã không chứng minh được hiện nay vùng gò đồi ở Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận bao nhiêu hộ lên lập nghiệp và trong số họ hiện còn ở lại vùng đồi được bao nhiêu? Nhưng chắc chắn, ngoài những hộ ở gầm cầu, những hộ như gia đình bác Em do đói nghèo mà quay về đã trở thành phổ biến, vẫn có hiện tượng dù cá biệt cũng đã làm day dứt nhiều người như trường hợp gia đình bác Để ở Bình Thành. Bác Để trước là cơ sở hoạt động cách mạng thời Pháp của Thành ủy Huế, từng là tiểu chủ nắm trong tay cả lực lượng xe reo khai thác gỗ, có cả xưởng cưa. Sau ngày giải phóng bác có quyền ở lại Huế ung dung làm giàu nhưng do háo hức với chủ trương mới, bác quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp xung phong theo dân lên Bình Điền xây dựng vùng kinh tế mới. Dưới con mắt của người có vốn và biết nhìn xa trông rộng, bác đã dốc túi để tiên phong nuôi bò. Đàn bò của gia đình lúc ấy cũng lên đến gần cả hai trăm con. Do Bình Điền ăn nên làm ra nên cư dân tụ về nhiều. Để tiện việc quản lý xã kinh tế mới Bình Điền II tức là Bình Thành bây giờ ra đời và có ý chuyển giao cho huyện khác. Trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này, một hôm gia đình bác tiếp một đoàn cán bộ lạ hoắc không phải đến thăm mà mục tiêu là "đếm bò". Liên hệ đến chuyện cải tạo công thương nghiệp, đến phong trào hợp tác hóa, sáng hôm sau bác lẳng lặng "bán bò", chấm dứt ước mơ làm giàu mà mình hằng ấp ủ để về sống ẩn dật tại Huế.
Kinh tế mới trong ký ức chúng tôi như một cuộc vật lộn, định hình được nó, phải có lực có trí và có chính sách, giải pháp đồng bộ mới thành. Đất đai vùng đồi dù rộng lớn đến bao nhiêu nó cũng không dễ gì xanh tươi lên được với một ước mơ lãng mạn duy ý chí. Hôm qua vùng đất này là vùng giáp ranh, cuộc đọ sức giữa ta và địch, là nơi đối đầu giữa sự sống và cái chết, giữa đồng cảm và ươn hèn mà trong lòng nó còn ẩn giấu bao điều kỳ bí. Đạn bom dày xéo nhưng đất vẫn ở bên người, người vẫn ở trong lòng đất. Còn hôm nay, đất đai cũng sòng phảng lắm khi con người chưa chịu hiểu. Chuyển dân đi kinh tế mới, để dân tha phương là bài học xót xa chung. Dù thất bại nhưng đã ươm gieo cho những kinh nghiệm quý sau này.
Trần Văn Minh - trưởng ban chỉ đạo thực hiện dự án kinh tế mới Phong Sơn - Hòa Mỹ bày ra cho chúng tôi xem kế hoạch di dân lập làng mới. Trên bản đồ, anh hướng dẫn cho nhiều đoàn đến tham quan về hệ thống đường sá, trường học, trạm xá, khu dân cư, đất trồng trọt, vùng chăn nuôi... sẽ triển khai trong kế hoạch năm năm.
Tất cả là một công cuộc điều tra thăm dò của nhiều ngành hữu trách. Không ồ ạt như trước, các bước công việc được tiến hành trong từng giai đoạn cụ thể.
Tuyến đường từ Phong Thu lên A Don đã làm xong, công nhân cầu đường đã kéo đến đây xây mới sáu cây cầu lớn nhỏ, xe chúng tôi băng qua tuyến đường mới này, nhìn trọn cả một vùng đất rộng, trải dài bằng phẳng. Nhiều ngôi nhà mới, xây dựng kiên cố - rải rác hai bên đường xe chúng tôi đi qua. Đây nhà bác Trần Thanh gồm: nhà trên, nhà dưới, hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Hỏi ra mới biết gia đình bác lên đây đã gần mười năm. Trồng lạc, trồng cây ăn quả, nuôi bò... kinh tế gia đình khấm khá. Thừa sức làm nhà lâu rồi nhưng vẫn cứ chần chừ. Sao vậy? Bác Thanh không trả lời, đưa tay chỉ ra trước tuyến đường có chiếc cầu vừa mới xây dựng xong. Chúng tôi hiểu sự trắc trở trong giao lưu giữa vùng đồi và cùng đồng bằng là một chướng ngại làm cho con người dù đã bám trụ lâu trên ấy, có tiềm lực kinh tế nhưng vẫn chưa quyết định đóng đô lâu dài, cho mãi đến hôm nay. Từ vùng Hòa Mỹ này đi theo tuyến đường mới về Phong Thu chỉ chưa đầy bảy cây số đi theo tuyến đường đồi Ngành Ngạnh ngót nghét tám cây số. Xe ô tô lớn về thường xuyên, có người cho rằng ở trên ấy thú vị hơn, gần với cái thanh thoáng của thiên nhiên.
Dọc tuyến dân cư này đã có nhiều gia đình từ dưới xuôi lên nhận đất. Theo quy hoạch của huyện. Hiện có gần một trăm hộ lên làm nhà. Có gia đình đưa lao động lên làm nhà, lập vườn trước, sắp xếp công việc dưới quê xong là chuyển dần lên đây, nhưng đến vụ lúa lại về quê thu hoạch, cày cuốc gieo trồng... công việc đó được xem như là hướng lên đồi theo thời mới.
- Nghe nói dân kinh tế mới được vay tiền với tỷ lệ lãi suất thấp để chăn nuôi, sản xuất? Nhiều người lên đây rất mực quan tâm vấn đề này.
Trần Văn Minh giải thích:
- Huyện đã làm dự án chăn nuôi, trên đã duyệt, lúc nào có thông báo vốn sẽ giải quyết cho dân. Đó cũng là một trong những phần công việc nhằm thực hiện dự án kinh tế mới Phong Sơn - Hòa Mỹ.
- Thử phác thảo tiềm năng của vùng đất được không anh Minh? - chúng tôi hỏi.
Như đã thuộc lòng Minh say sưa kể:
- Đây là vùng đất kẹp giữa sông Bồ và sông Lâu, tương đối phẳng. Đất sản xuất nông nghiệp còn bỏ hoang 2.200 ha, đồng cỏ chưa sử dụng 3.000 ha, đất trống đồi trọc chưa trồng cây lâm nghiệp còn rất lớn.
- Anh xác định cây trồng chưa? - Chúng tôi băn khoăn hỏi lại:
- Có bài học kinh nghiệm rồi. Không vội, để cho dân trồng lúa, màu, cây công nghiệp. Cụ thể là đất này trồng lạc hai vụ khá tốt. Nhiều gia đình đã lập vườn trồng cây ăn quả sum xuê.
- Triển vọng vậy sao dự án này triển khai muộn?
- Không muộn đâu. Kinh tế mới không thể làm vội được. Đất rộng nhưng thiếu nước - giao thông mấy năm qua chưa ổn.
- Còn bây giờ?
- Các anh thấy đây, hồ chứa Khe Quao đã cơ bản hoàn thành có thể đưa nước tưới cho 2.200 ha lúa. Ngoài công trình này còn tập trung xây dựng thêm ba đập nữa có khả năng tưới cho 170 ha cây trồng gồm đập Khe Ne, đập Adon, hồ chứa Khe Nam.
Chúng tôi đang đứng ở đầu nguồn Adon nhìn nguồn nước trong, lách theo dòng kênh về dưới cánh đồng lạc. Quanh vùng này bà con đã trồng lúa khá nhiều. Đây cũng là một tiểu vùng kinh tế mới tập trung đàn bò khá đông đúc.
Mục tiêu của dự án kinh tế mới Phong Sơn - Hòa Mỹ cho thấy: Khi định hình xong sẽ có một ngàn bảy trăm hộ dân cư lên đây, hàng năm sản xuất lương thực quy thóc đạt chín ngàn rưỡi tấn đó có sáu ngàn ba trăm tấn thóc. Sản lượng lạc vỏ được tính toán tới con số một ngàn rưỡi tấn, năm mươi tấn ớt quả khô, hai trăm tấn tiêu, hai trăm tấn trâu bò, ba trăm tấn lợn và một loạt ngành nghề khác kéo theo như làm gạch, ngói, nấu dầu tràm...
Cuối năm ngoái, đông đảo nhân dân hai huyện Phong Điền, Quảng Điền đã tổ chức đi tham quan vùng đất này. Dân phấn khởi tự nguyện đăng ký di dân lên đây vượt quá con số dự kiến của huyện. Hai huyện đang bàn, có kế hoạch cụ thể vì mật độ dân cư của hai huyện tập trung ở đồng bằng khá cao. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người thấp, có nơi 500m2/người. Dự án di dân phát triển kinh tế xã hội Phong Sơn - Hòa Mỹ đang mở ra hướng phá thế độc canh của hai huyện.
Từ khi con đường 12B từ Huế đi A Lưới được khai thông, diện mạo của vùng gò đồi ở dọc hai bên đã có nhiều thay đổi. Những rừng thông, bạch đàn do các lâm trường, cơ quan và đơn vị trồng, trong vài năm tới nơi đây sẽ là những điểm dạo chơi nghỉ ngơi lý tưởng cho các bạn trẻ thành phố. Ngoài rừng cây được trồng từ Hương Hồ, lên khu vực lăng Minh Mạng, càng đi lên màu xanh lại tiếp nối màu xanh. Đứng ở đài liệt sĩ Bình Điền, phóng tầm mắt bốn phương, cảm giác đã hết ghê rợn.
Bình Điền là điểm đầu tiên ở gò đồi Thừa Thiên - Huế có thủy điện. Dù công suất thiết kế chỉ có 100kw nhưng cũng đủ để sưởi ấm và xua tan cái quạnh quẽ của miền Trung du. Sau thời kỳ thịnh hành cây sắn và cây chuối, bằng sự hướng dẫn của thành phố và sự năng nổ của đội ngũ cán bộ địa phương Bình Điền là nơi tiên phong trồng mía và đưa tiêu lên đồi, và sau đó lan sang Bình Thành - Hương Bình. Mía lụi tàn, nhân dân khấp khởi mừng vì cây hồ tiêu có giá, đã có nhiều gia đình trồng đến ba trăm gốc tiêu và nuôi cả chục con bò, nhưng từ khi thị trường Liên Xô cũ không còn nữa để mua tiêu của chúng ta, nhịp độ trồng tiêu ở đây đã thấy giảm.
Rời Bình Điền, theo đường lên A Lưới có hai trang trại đáng chú ý. Một của Công ty dịch vụ công nông nghiệp Huế và một của xã Hương Vinh, về hình thái sản xuất, cả hai đều giống nhau: đó là trồng bạch đàn tràm hoa vàng và chăn nuôi bò. Với trung du việc chăn nuôi đại gia súc đã được khẳng định. Còn trồng cây gì vẫn đang là vấn nạn. Dạo tháng ba năm nay, khi nói chuyện với đội ngũ trí thức Huế đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười đã nêu lại vấn đề cây trồng ở vùng gò đồi. Theo đồng chí, đến nay ngành lâm nghiệp vẫn còn mắc nợ nhân dân vì chưa đề xuất được một loại cây trồng thích hợp!
Từ sự dè dặt đó mà trong nhiều dự án đệ trình Trung ương, ngoài vấn đề kết hợp nông - lâm, Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch và trồng cây cao su 10 hécta ở trại cải tạo Bình Điền từ mùa mưa năm ngoái. Và một vườn ươm đủ để chuẩn bị cho mùa mưa năm nay nhân ra khoản 500 ha trong phương hướng xây dựng 5.000 ha ở các điểm của gò đồi. Nói đến cao su, không thể không liên tưởng đến thời Bình Trị Thiên làm cao su. Nơi được chọn là vùng đất phía Tây Gio Linh của công ty cao su Quảng Trị ngày nay. Khi Thường vụ tỉnh ủy bàn việc này không phải ai cũng đồng lòng. Dư luận phản bác dù công khai nhưng đã âm ỉ tác động. Giám đốc công ty cao su Bình Trị Thiên thời ấy là Lê Mậu Lộ, một con người lăn lộn và bạc tóc vì đời. Sơ qua lý lịch, ông từng là phó giám đốc của nông trường Lệ Ninh, sau trở về quê xây dựng và làm giám đốc nông trường Tần Lâm, một mô hình kinh tế quốc doanh đầu tiên của vùng mới giải phóng. Và trước khi đối đầu với vùng đất Tây Gio Linh để chỉ huy trồng cao su ông là giám đốc sở nông nghiệp. Trong sổ tay và băng phim tư liệu mà chúng tôi lưu trữ, như để giải tỏa mối hoài nghi về tính khả thi của cây cao su ở vùng gò đồi lúc bấy giờ, từ năm 1983 chúng tôi đã nêu câu hỏi:
- Với vùng đất khô hạn và thiếu nước trầm trọng như Tây Gio Linh, liệu cây cao su có cùng chung số phận như cây tiêu ở nông trường Cồn Tiên?
Ngỡ Lộ sẽ dùng kiến thức trồng trọt để lý giải, nhưng không, chính ông lại mời chúng tôi đến Cồn Tiên, một nơi làm chức năng vườn ươm cao su giống như trại cải tạo Bình Điền bây giờ. Một cây cao su cao gần năm thước đã được đào lên. Chỉ vào bộ rễ, ông nói như đinh đóng cột:
- Tôi lấy danh dự của một kỹ sư mà thề rằng, nhờ có bộ rễ dài và khỏe cây cao su sẽ tự tìm được nước để sống và chắc chắn sẽ tồn tại trên vùng đất này.
Sau đó hai năm, khi Vĩnh Linh vừa trải qua trận bão lịch sử, chúng tôi đã về thăm nông trường Bến Hải. Chung quanh vườn tiêu của nông trường, những dãy phi lao, bạch đàn bị gãy và để la, liệt, có phóng viên mô tả như vừa trải qua một trận bom rải thảm của máy bay B.52. Vậy mà diệu kỳ thay, những cánh rừng cao su gần đó điềm nhiên tồn tại, rót dòng sữa trắng cho đời.
Vùng gò đồi Quảng Trị cũng như vùng gò đồi của Thừa Thiên - Huế, từ sau ngày giải phóng đến nay đã từng là nơi thử nghiệm của nhiều loại cây trồng. Cây công nghiệp có hương nhu, trấu, chè, mía, cây lương thực thực phẩm có tiêu, dứa, sắn v.v... Có những cây do không lường hết các yếu tố: thổ nhưỡng, thời tiết và thị trường nên đã gặp số phận hẩm hiu và kèm theo đó là số phận của các nhà máy. Vẫn còn đó một nhà máy chế biến sắn vo viên, vẫn còn đó một nhà máy chế biến đường cồn mà công nhân đã quen gọi là đường cùng vừa dựng xong đã phải đóng cửa.
Trải qua sự thanh lọc nghiệt ngã, cây cao su đã tỏ rõ ưu thế về sức chịu đựng và những giá trị do nó mang lại. Ở Quảng Trị, những lô cao su trên 10 tuổi đã được khai thác, năng suất và chất lượng không thua kém gì cao su ở vùng Nam Bộ. Năm ngoái, tình cờ gặp chúng tôi, kỹ sư Lê Mậu Thông, giám đốc mới của công ty, anh khoe "đang lắp đặt thiết bị" và vào dịp cuối năm đã thấy trên truyền hình mẻ ca-rép của Quảng Trị xuất xưởng đầu tiên.
Để có những dòng sữa trắng hay nói như cách Nam Bộ là vàng trắng, nhiều công nhân đã gục ngã do vướng phải bom mìn. Lê Mậu Lộ không ngã vì những tiếng nổ còn sót lại sau chiến tranh nhưng tâm lực và trí não của ông đã bị kiệt quệ do không chịu đựng nổi những cú sốc khi chuyển đổi cơ chế mà cuộc đời còn lại ông đã tự nguyện gắn bó với số phận của gần một vạn người dân trong vùng.
Trở lại với những toan tính của Thừa Thiên - Huế, chúng tôi rất vui khi biết cây cao su dù muộn cũng đã lựa chọn để đưa lên đồi. Và việc chăn nuôi bò đàn theo dự án đã được nhiều nơi triển khai, điều chúng tôi muốn lưu ý với bạn đọc: rút kinh nghiệm của những năm tháng đau thương trước đây, cuộc tiến công lên đồi lần này đã được các ngành, các cấp bàn kỹ. Ở nhiều nơi, sau khi được đảng bộ và chính quyền sở tại tổ chức tham quan nhiều người đã tự nguyện đăng ký, không bình chọn hoặc thúc ép như trước. Xin lấy Hương Toàn làm chứng. Hương Toàn là xã có trên một vạn dân, diện tích canh tác bình quân đầu người rất ít. Muốn đủ sống người dân phải làm bún, nấu rượu, chăn nuôi, chằm nón, làm gạch ngói... Nhờ vậy mà phần lớn đã đủ sống, xây dựng được nhà. So với nhiều xã mà chúng tôi biết, Hương Toàn là địa phương không nghèo nhưng qua những điều mắt thấy tai nghe ở xã kinh tế mới Hương Bình, bà con đã ồ ạt xin đi, chúng tôi hỏi chủ tịch Nguyễn Văn Ánh về cách xử lý. Anh nói thủng thẳng:
- Điều ấy chính tôi cũng không ngờ, phải chọn lựa thôi. Lựa chọn ở đây là chỉ giải quyết cho năm chục hộ ra đi đợt đầu vì nó có liên quan đến công tác chuẩn bị ở vùng đất mới. Gặp những người nhận tiền, nhận gạo, chăn màn và thuốc men, do đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể biếu tặng trước khi rời quê, chúng tôi hỏi người cuối cùng được xã chấp nhận, anh tâm sự:
- Gia đình tôi hiện tại dư ăn, nhà đã xây và đúc mái bằng nhưng qua chuyến đi khảo sát ở Hương Bình thấy đất đai thèm quá nên bàn với vợ để tôi xin đi trước chuẩn bị. Phải tính đến chuyện làm giàu, nếu không sẽ chậm chân và mất cơ hội!
Thương nhớ những người đã từng chia ngọt sẻ bùi với quê hương, dù đã bàn giao cho Hương Bình nhưng đảng bộ và chính quyền Hương Toàn đã tạo những thuận lợi về vật chất, thỉnh thoảng xã cử người lên thăm viếng và cẩn thận mang theo cả thầy thuốc, tự mình tổ chức kiểm tra sức khỏe cho bà con.
Đầu năm nay khi cùng với anh Nguyễn Khoa Điềm lên thăm một bản của bà con Vân Kiều trước sống ở chiến khu Ba Lòng dắt dìu nhau vào định cư ở vùng kinh tế mới Xuân Lộc, chúng tôi mới thấm thía câu: "đất lành chim đậu" và càng cảm thông thêm về sự nhọc nhằn của con đường tìm kế mưu sinh. Trước khi có quyết định giao bộ phận dân cư này cho huyện Phú Lộc quản lý, hàng tháng người bí thư chi bộ của bản phải đạp rừng để trở về Ba Lòng sinh hoạt Đảng. Ý chí ấy, tình cảm ấy khác gì thời còn chiến tranh. Dù không phải là dân của mình nhưng Phú Lộc và ngành giáo dục đã làm được một việc tốt, đó là cấp tốc xây dựng trường học và phái ngay giáo viên lên dạy. Khi vùng đất này được quy hoạch đưa vào một tiểu dự án, ngành lâm nghiệp đã cho mở một con đường nối bản với tỉnh lộ 14B.
Thả bộ trên con đường mới, gặp mấy cô gái Vân Kiều với chiếc ater bên cạnh đang ngồi dưới gốc cây hóng mát, chúng tôi bắt chuyện và biết là họ đi chợ về. Nhờ có con đường mà lần đầu tiên những đứa trẻ thấy được ô tô, tò mò xem chiếc máy ghi hình. Chúng đã thật sự bắt gặp một thế giới mới không chỉ bằng ánh mắt quan sát mà thật sự đã rùng mình qua cảm giác mát lạnh của cây ca-rem từ phố đưa lên.
Lỗ Tấn có nói một câu rất hay về con đường. Nhưng với người Vân Kiều ở Xuân Lộc họ nói về con đường giản dị lắm: Trước chưa có, phải vòng vèo nên một tuần chúng tôi chỉ đi chợ một lần, nay nhờ có con đường nên buổi chợ nào chúng tôi cũng đi.
Đi trên những con đường mới mở ở A Lưới, đến với lô đất vừa mới khai hoang, thăm những công trình thủy lợi còn ngổn ngang... chúng tôi hiểu công việc đang ở vạch xuất phát ban đầu. Một lần, ngồi trao đổi với chúng tôi, anh Phan Trọng Hoành, phó Chi cục trưởng Chi cục điều động lao động dân cư ái ngại nói: "Năm 1992 vốn đầu tư khá lớn nhưng do mới triển khai nên chỉ có chừng năm trăm rưỡi hộ lên đồi".
- Vốn lớn là bao nhiêu?
- Không kể chi cho công việc định canh định cư ở A Lưới, riêng vùng gò đồi đã xấp xỉ sáu tỷ. Bao gồm, chỉ cho xây dựng cơ bản hơn ba tỷ tám, cho vay để dân trồng cây, chăn nuôi không tính lãi gần một tỷ bảy.
- Ngoài số vốn ấy, chúng tôi còn biết: thời gian qua Nhà nước đã đầu tư ba mươi tỷ cho công trình thủy lợi Khe Quao. Các công trình như đưa lưới điện quốc gia từ Huế lên Bình Điền, xây hồ chứa nước Khe Rưng, xây bệnh xá khu vực ở Phong Xuân, đầu tư nuôi bò ở sông hai nhánh... đã và đang được nỗ lực thực hiện, không chỉ hỗ trợ cho cư dân vùng đồi mà người đi kinh tế mới sẽ được thừa hưởng. Bằng nhiều nguồn đầu tư mấy năm gần đây diện mạo của vùng gò đồi đã bắt đầu thay đổi.
Nếu được so sánh về hai thời kỳ chuyển dân đi kinh tế mới ở vùng gò đồi, thì thời trước nhanh, ào ạt như chú thỏ còn lần này thận trọng và chậm chạp như chú rùa La Fontaine. Kết cục của câu chuyện ngụ ngôn thì ai cũng đã rõ. Do vậy xin chớ quá nóng lòng với mười ba vạn hécta đất trồng đồi trọc còn hoang hóa trải dài trên miền Trung du của Thừa Thiên - Huế để tránh những vấp ngã lầm lỗi như trước đây.
HT - CH
(TCSH56/07&8-1993)