Tạp chí Sông Hương - Số 417 (T.11-23)
Vài nét về tục thờ Quan Thánh Đế Quân ở vùng đất Huế
10:03 | 15/12/2023


NGUYỄN HỮU PHÚC

Vài nét về tục thờ Quan Thánh Đế Quân ở vùng đất Huế

1. Quá trình định hình và phát triển tục thờ Quan Thánh ở Thừa Thiên Huế

Tục thờ Quan Thánh có nguồn gốc từ những cư dân người Hoa khi họ sang Việt Nam để buôn bán, định cư. Ông vốn là một danh tướng của nhà Thục thời Tam quốc, được người Trung Quốc thờ phổ biến với nhiều ý nghĩa. Sinh thời, Quan Công là vị tướng văn võ toàn tài, trung nghĩa, liêm chính, cương trực, sau khi mất, ông được nhân dân Trung Quốc sùng kính là một vị anh hùng, được xem là bậc thánh và được thờ tại Quan Đế Miếu, nên có tên gọi là Quan Thánh Đế Quân. Người đời cho ông là người hội đủ mọi đức tính tốt đẹp như: trọng danh dự, trung thành với vua, thủy chung với huynh đệ, khoan dung độ lượng, dũng mãnh phi thường và công minh, chính trực.

Trước thế kỷ X, người Hoa đến Việt Nam chủ yếu bằng đường bộ để tiến hành hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa. Từ sau thế kỷ X đến trước thế kỷ XVII, người Hoa đa phần đến nước ta để trao đổi buôn bán bằng đường biển. Tuy nhiên, các đợt di dân đông đảo nhất từ cuối thời Minh đầu thời Thanh và khi chúa Nguyễn cho phép họ sang định cư tại Đàng Trong. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần cho một lực lượng lớn người Hoa di dân đến vùng đất Đông Phố (ngày nay là vùng đất thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai) để khai phá đất đai. Mục đích của đoàn di dân Trung Hoa này là nêu cao phục quốc “phản Thanh, phục Minh”. Đoàn di dân này được chia thành hai nhóm: nhóm do Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình đến định cư tại Nông Nại (Biên Hòa, Đồng Nai). Nhóm do Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến chỉ huy đến định cư tại Gia Định - Sài Gòn, Vũng Cù (Định Tường, đất Mỹ Tho ngày nay), đem binh biền và gia quyến hơn 3.000 người và chiến thuyền hơn 50 chiếc1. Ở những nơi này, các đoàn người đã khai phá đất hoang, lập chợ, lập làng, dần hình thành những trung tâm buôn bán tấp nập các thương thuyền các nước. Chính sự cộng cư giữa người Hoa với người Việt tại vùng đất mới đã tạo điều kiện cho văn hóa Trung Hoa có điều kiện thấm dần vào đời sống cư dân nơi đây, mà một biểu hiện nổi bật nhất chính là sự lan tỏa tín ngưỡng thờ Quan Thánh.

Cũng từ hoàn cảnh mất nước, các thần dân Đại Minh vì muốn khôi phục tiên triều, họ lại đề cao hình tượng Quan Thánh trung nghĩa với Đại Hán để ví von, ngầm khơi dậy lòng trung nghĩa của người Hán chống lại Mãn Thanh. Một số trung thần triều Minh không chấp nhận sự đô hộ của ngoại tộc, phần lớn bỏ Trung Quốc ly hương đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Thuận Hóa ở Đại Việt để sinh sống2. Tại vùng Thuận Hóa xưa, tỉnh Thừa Thiên Huế nay, người Hoa đến định cư vào giữa thế kỷ XVII, ít nhất sau năm 1658. Phần đông họ đến từ Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam. Đây là những khu vực ven biển phía Nam Trung Quốc, người dân sống chủ yếu bằng nghề biển. Chiếc thuyền là phương tiện di chuyển, phương tiện làm ăn sinh sống của họ. Biển cả bao la khiến con người luôn cảm thấy nhỏ bé trước hiểm nguy3. Mặt khác, họ là những người chuyên làm nghề kinh doanh, buôn bán và rất sợ bị thua lỗ với những vị khách hoàn toàn xa lạ đối với họ. Vì thế, Quan Thánh được họ thỉnh theo, kính cẩn thờ tự và cầu nguyện. Đến xứ Thuận Hóa, họ cũng đã lập miếu thờ, vừa là nơi để tạ ơn và nơi để gửi gắm đức tin, tiếp tục cầu nguyện sự linh ứng của Ngài.

Sang thế kỷ XVIII, XIX, người Hoa lại tiếp tục sang định cư, làm ăn, buôn bán tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Huế, tín ngưỡng Quan Thánh trở nên phổ biến nơi đây. Qua khảo sát tục thờ Quan Thánh Đế Quân trên vùng đất Huế, chúng tôi nhận thấy, tín ngưỡng này xuất hiện không chỉ các hội quán và đền miếu chuyên thờ của người Hoa trước đây, mà ở ngôi chùa, đền am thờ Mẫu và tại các gia đình của người Việt cũng thờ Quan Thánh như vị thần hộ pháp, thần tài.

2. Các cơ sở thờ tự Quan Thánh

* Thờ tại các hội quán và chùa Ông

Tượng và ban thờ Quan Thánh tại chùa Ông ở đường Địa Linh


Hội quán hay chùa Ông là những địa danh gắn liền với người Hoa khi họ sang định cư tại vùng đất Huế. Hiện nay, ở Huế có hai khu phố đã từng lưu những dấu ấn của người từng sinh sống và phát triển kinh tế thương nghiệp là phố cảng Thanh Hà và phố cổ Gia Hội. Để cùng trao đổi công việc, giao lưu văn hóa và thờ cúng thần linh, tổ tiên, người Hoa đã lập nên những hội quán theo từng cộng đồng địa phương, tiêu biểu như Hội quán Quảng Triệu (số 223 đường Chi Lăng) của người Hoa ở khu vực Triệu Khánh của bang Quảng Đông; Hội quán Quỳnh Châu (số 307 đường Chi Lăng) của người phủ Quỳnh Châu, Nam Hải; Hội quán Triều Châu (số 319 đường Chi Lăng) của người bang Triều Châu; Hội quán Phúc Kiến (số 321 đường Chi Lăng) của người Hoa thuộc bang Phúc Kiến xây dựng), Hội quán Quỳnh Phủ của người Hải Nam. Tại những hội quán này, người Hoa đã phối thờ nhiều vị thần linh khác nhau như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tam Thai Thánh Mẫu Nương Nương và Thập Nhị Hoa Phi Công chúa (dân quen gọi là 3 Bà 12 Mụ), Văn Xương Đế Quân, Phúc Đức Chính Thần, Ngũ Hành Nữ Thần, Long Mẫu Nương Nương, Kim Huê Nương Nương,…, trong đó, Quan Thánh được nhiều hội quán phụng thờ.

Tên hội quán Vị trí thờ
Quảng Triệu Chính giữa
Quỳnh Châu Bên tả (bên trái)
Phúc Kiến Bên tả
Quỳnh Phủ Bên tả

Nếu như các hội quán Quan Thánh được phối thờ với nhiều vị thần khác, thì chùa Ông, vị thần được thờ ở vị trí trung tâm. Mặc dù được gọi chùa nhưng lại không liên quan đến Giáo hội Phật giáo, cũng không có sinh hoạt của Phật tử, nhưng người dân vẫn quen gọi là “chùa” và nói không cần đính chính. Đây cũng là minh chứng cho sự giao thoa giữa văn hóa tín ngưỡng của người Hoa và văn hóa Phật giáo ở vùng đất Thừa Thiên Huế4. Một trong những ngôi chùa Ông nổi tiếng ở Huế là Quan Thánh Điện nằm ở đường Địa Linh5. Về ngôi chùa Ông này, sử chỉ ghi chép đơn giản: “Đền Quan Công ở xã Trạc Linh, huyện Hương Trà. Năm Minh Mệnh thứ 12 sửa lại, ban cho biển ngạch bằng đồng. Năm Tự Đức thứ 3 ban cho biển ngạch bằng gỗ thếp vàng6. Tuy nhiên, ngôi chùa này được xây dựng từ rất sớm, mà theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy là năm 1689 trước thời điểm chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng một đền thờ Quan Thánh nằm bên trái chùa Thiên Mụ7, mà đến thời Nguyễn cho dời về khu phố Gia Hội, mà trong Đại Nam nhất thống chí đã đề cập như sau: “Ở ấp Xuân Lộc ngoài Kinh thành, thờ Quan Thánh đế quân. Đầu niên hiệu Gia Long đền ở phía tả chùa Thiên Mụ, năm Thiệu Trị thứ 5 mới dời đến chỗ hiện nay, quy chế mở rộng thêm, hằng năm tế vào ngày tỵ tháng trọng xuân và trọng thu8. Chùa Ông bao gồm điện thờ chính, điện thờ phụ, cổng tam quan và trụ biểu dưới bến thường, tất cả đều nằm thẳng trên trục dũng đạo. Trong đó, điện thờ chính thờ Quan Thánh Đế Quân được xây dựng với lối kiến trúc ba gian không chái, xây bằng gạch, mái lớp ngói liệt. Phía sau gian chính xây cơi nới một gian phụ lồi ra có kích thước chiều rộng 2,8m, chiều sâu 2,6m dùng làm nơi đặt bệ thờ. Cửa ra vào điện gồm ba bộ cửa bốn lá bằng gỗ ván huỳnh, lắp kính chiếu sáng9. Điểm đặc biệt ở ngôi chùa này là tượng thờ Quan Thánh được đánh giá là pho tượng thờ có kích thước lớn nhất, cao gần 3m.

Bàn thờ Quan Thánh tại các chùa Thiện Khánh (trên) và chùa Đông Thuyền (dưới)


* Thờ trong các ngôi chùa Phật giáo

Quan Vũ lại được thờ tự trong chùa với vai trò là một vị Hộ Pháp Già Lam, giữ gìn cương giới cho chùa Phật, được liệt vào hàng ngũ hai vị thần hộ pháp cùng với Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát (韋駄尊天菩薩). Tại các ngôi chùa Huế, bàn thờ Quan Thánh nằm trong chánh điện thờ Phật hoặc nằm ở gian thờ riêng10, tiêu biểu như chùa Quy Thiện (phường An Tây), chùa Phò Quang (phường An Tây), chùa Phổ Tế (phường Thủy Xuân), chùa Đông Thuyền (phường Thủy Xuân), chùa Thiện Khánh (huyện Quảng Điền),… Bàn thờ Ngài luôn đầy đủ với ba vị là Quan Thánh, Quan Bình và Châu Thương, nhưng cũng có nơi chỉ có mỗi tượng Quan Thánh được người nghệ nhân điêu khắc trên gỗ. Ấn tượng sâu đậm về ngoại hình có tính chất đặc thù, khó có thể nhầm lẫn của Quan Thánh, đó là gương mặt đỏ và chiếc áo bào màu xanh. Không chỉ có ý nghĩa phân loại, màu đỏ còn có tính chất ước lệ, phản ánh một tâm thức văn hóa đặc trưng, đó là màu mang lại sự may mắn và đặc biệt để nhấn mạnh sự tương hợp giữa ngoại hình với tính cách (mặt đỏ - lòng son) theo quan điểm “tướng do tâm sinh”. Màu xanh (chữ Hán là thanh 青nghĩa là trong xanh, trong suốt, thanh cao), thì áo xanh cũng ít nhiều gợi nhắc đến tấm lòng trong sáng, thanh cao của người quân tử, bậc trượng phu11.

Bàn thờ Quan Thánh tại điện Huệ Nam (trên) và Sơn Chúa Điện (dướii)


* Thờ trong các điện thờ Mẫu

Trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế, người ta xem Quan Thánh là một vị hộ pháp bảo vệ, trừ tà ma, giữ gìn sự bình yên của điện thờ. Khác với tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng Bắc Bộ, tại vùng Huế Quan Thánh Đế Quân và Ngũ Hành Tiên Nương là những vị thần được tiếp nhận và trở thành một vị thần linh không thể thiếu. Trong những dịp thực hành nghi lễ lên đồng, người ta còn hầu cả Quan Thánh hoặc chỉ loan giá. Trong lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (là một trong lễ hội quan trọng của Huế) có sự tham gia của các tỉnh thành ở miền Bắc và miền Nam đều có rước thần vị Quan Thánh.

Hình tượng Quan Thánh tại thánh thất Cao Đài Vĩnh Lợi


* Thờ tại Thánh thất đạo Cao Đài

Đạo Cao Đài là một tôn giáo nội sinh ra đời vào năm 1926, với sự tuyên nhận về sứ mạng Đại đạo Tam kỳ Phổ độ. Với chủ trương “thay vì theo một đạo giáo mà thôi, hoặc Phật, hoặc Lão, hoặc Khổng, hoặc Gia Tô, thì đạo Cao Đài cùng một lúc đã đổ chung các đạo ấy vào một khuôn, gạn lọc lấy tinh hoa, loại trừ những gì phù phiếm. Như vậy thiết tưởng Cao Đài chính đã đại diện cho Việt Nam về phương diện tôn giáo12. Theo đó, đạo Cao Đài thờ rất nhiều vị thần trên Thiên bàn, trong đó có Quan Thánh được xếp vào hàng Tam trấn Oai nghiêm (đại diện cho Tam giáo) từ trái qua phải gồm có: Quan Âm (Phật giáo), Lý Thái Bạch (Đạo giáo), Quan Thánh (Nho giáo). Tín đồ đạo Cao Đài tin tưởng Quan Thánh sẽ tái sinh để xây dựng thánh đạo, dựng nên thời kỳ Nho tông chuyển thế. Cũng vì thế, Quan Thánh trong đạo Cao Đài thường xuất hiện với hình ảnh đang cầm Kinh Xuân Thu với ý nghĩa tiễu trừ tà mị nhiễu loạn chính đạo. Tại Thánh Thất Vĩnh Lợi - một cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài ở Thừa Thiên Huế, Quan Thánh được thờ trên Thiên Bàn bằng long vị và phía trước còn được đắp nổi tượng thờ rất tinh xảo.

Ban thờ Quan Thánh tại làng Dương Nỗ (trên) và làng Thanh Phước (dưới)


* Thờ tại các làng xã

Tại các làng xã Thừa Thiên Huế, nhiều nơi thờ Quan Thánh để nhằm bảo vệ cho con dân trong làng luôn được bình an, may mắn. Vì thế, tại các đình làng và chùa làng đã thiết trí bàn thờ Quan Thánh để thờ phụng, tiêu biểu như làng Quy Lai, Khuôn Phò, Công Lương, Phú Lễ, Đức Bưu, Thạc Lại,… Đối với các ngôi đình làng, ban thờ Quan Thánh đa phần được thờ ở một miếu riêng nằm ở phía ngoài, được gọi là Quan Đế Miếu, còn trong ngôi chùa làng13 thì được thờ ở án tả có tượng tròn đầy đủ thuộc hạ, hay chỉ là bức ảnh giấy lồng kính14.

Ảnh thờ Quan Thánh tại nhà một thầy pháp ở đường Nguyễn Lộ Trạch, thành phố Huế


* Thờ tại tư gia của các thầy pháp

Trong tư gia của một số thầy pháp, Quan Công được thờ phụng với tư cách là thần độ mạng để giúp họ gia tăng thêm pháp lực và bảo vệ ngôi nhà của mình, tránh tà ma, khí xấu từ bên ngoài xâm nhập vào. Thông thường, ban thờ ông khá đơn giản, gồm một bức chân dung vẽ Quan Công theo công thức: mặt đỏ, mắt sáng, chân mày xếch, râu dài, mặc áo bào xanh, tay vuốt râu trong tư thế ngồi và hai bên có Quan Bình và Châu Thương.

3. Kết luận

Nối tiếp tín ngưỡng thờ Quan Thánh của người Hoa khi họ di dân đến Việt Nam, tục thờ này lại tiếp tục được xác lập và bắt rễ sâu trong đời sống tinh thần của người Huế. Những bàn thờ Quan Thánh cùng Quan Bình và Châu Thương tại các ngôi chùa Phật giáo, chùa làng, đình làng, điện thờ Mẫu Tứ phủ, thánh thất đạo Cao Đài Vĩnh Lợi và tại các ngôi nhà của người dân đã chứng minh sức ảnh hưởng và niềm tin mạnh mẽ đối với tục thờ này tại vùng Huế.

N.H.P
(TCSH417/11-2023)

 

----------------------------
1 Sơn Nam (2015), Lịch sử khai khẩn miền Nam, Nxb. Trẻ, tr.29.
2 Nguyễn Anh Huy (2018), Về ngôi chùa Ông ở thương cảng cổ Thanh Hà (Huế), truy cập tại địa chỉ: https://daidaovanuyen.blogspot.com/2018/08/14-chua-ong-o-thanh-ha-ao-uyen-thu-2019.html, ngày 9/7/2023.
3 Dương Thị Hải Vân (2018), “Tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học - Đại học Huế, Tập 127, số 6A, tr. 7.
4 Dương Thị Hải Vân (2018), “Tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa ở Thừa Thiên Huế”, sđd, tr. 16.
5 Nơi đây dưới thời chúa Nguyễn là thương cảng Thanh Hà.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 230.
7 Nguyễn Anh Huy (2018), Về ngôi chùa Ông ở thương cảng cổ Thanh Hà (Huế), link đã dẫn.
8 Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 88.
9 Đỗ Thị Thanh Mai (2010), Kiến trúc cổ khu vực Thanh Hà - Bao Vinh, trong Văn hóa - Lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 138.
10 Trước khi có Phong trào chấn hưng Phật giáo, trong chánh điện thờ Phật có thờ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Thánh Đế Quân và cả thờ Mẫu. Tuy nhiên khi các nhà sư Phật giáo thực hiện công cuộc chấn hưng nhà Phật, thì một số chùa đã đưa các bàn thờ thánh thần ra khỏi chánh điện, lập một gian thờ riêng. Tuy nhiên, một số ngôi chùa vẫn còn giữ bàn thờ Quan Thánh Đế Quân ở trong chánh điện.
11 Nguyễn Kim Châu (2019), “Hình tượng Quan Công qua câu đối trong chùa, miếu người Hoa ở An Giang”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7 (569), tr. 25.
12 Nguyễn Văn Thọ (2012), Tinh hoa Cao Đài giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 35.
13 Chùa làng do nhân dân trong làng bỏ tiền của ra để xây dựng. Ở Huế, chùa làng được xây dựng khá nhiều, hầu như làng nào cũng có chùa. Chùa làng gắn liền với nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán của dân làng. Chùa làng ngoài chức năng thờ Phật, Thánh, còn thờ cả thần Thành Hoàng, họ tộc, chi phái. Chùa làng gắn liền với các lễ tế, lễ hội của làng nên người đến chùa không chỉ có Phật tử mà tất cả con em dân làng đều có trách nhiệm với chùa.
14 Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 166.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Kim Châu (2019), “Hình tượng Quan Công qua câu đối trong chùa, miếu người Hoa ở An Giang”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7 (569).

2. Nguyễn Anh Huy (2018), Về ngôi chùa Ông ở thương cảng cổ Thanh Hà (Huế), truy cập tại địa chỉ: https://daidaovanuyen.blogspot.com/2018/08/14-chua-ong-o-thanh-ha-ao-uyen-thu-2019.html, ngày 9/7/2023.

3. Đỗ Thị Thanh Mai (2010), Kiến trúc cổ khu vực Thanh Hà - Bao Vinh, trong Văn hóa - Lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

4. Sơn Nam (2015), Lịch sử khai khẩn miền Nam, Nxb. Trẻ.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí,Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 6. Nguyễn Văn Thọ (2012), Tinh hoa Cao Đài giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

7. Dương Thị Hải Vân (2018), “Tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học - Đại học Huế, Tập 127, số 6A.

8. Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng