Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-23)
Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế
15:50 | 04/01/2024


TRẦN VĂN DŨNG

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế
Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công

Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ tích Mai hạc, đề thơ chữ Nôm: “Nghêu ngao vui thú yên hà; Mai là bạn cũ, hạc là người quen - 嘵嗷趣烟霞, 梅罗伴旧隺罗㳙” là một cổ vật trân quý mà bảo tàng hay người yêu cổ ngoạn nào cũng mong muốn sở hữu. Ông P. Jabouille, Trưởng ban Quản trị Bảo tàng Khải Định trong một bài viết công bố vào năm 1929 giới thiệu về các cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Khải Định đã dẫn lời Tham tri Bộ hộ Hồ Đắc Khải1 cho biết tác giả hai câu thơ Nôm nổi tiếng trên là đức ông Tuy An Quận công Miên Hiệp2. Tuy nhiên ngày nay, cuộc đời, hành trạng, phủ thờ và viên tẩm của đức ông rất ít người biết đến. Thông qua bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược vài nét thông tin về tiểu sử và kiến trúc phủ thờ Tuy An Quận công. Đây cũng là một trong những phủ đệ hiếm hoi tại Cố đô Huế vẫn còn lưu giữ được khá nguyên vẹn hình hài xưa như minh chứng của các giá trị văn hóa lịch sử với thời gian.

Hoàng tử Miên Hiệp 綿㝓 sinh ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý (tức ngày 5/10/1828), là con trai thứ 41 của vua Minh Mạng, mẹ là Lệ tần Nguyễn Thị Thúy Trúc. Khi còn là hoàng tử, đức ông Miên Hiệp là người rất có học hạnh3. Theo điển lệ triều Nguyễn quy định, các hoàng tử từ 15 tuổi trở lên, nếu xét thấy tư cách đạo đức, học lực tốt sẽ được nhà vua xem xét ban phong tước vị. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua cha phong cho hoàng tử Miên Hiệp làm An Nhân Quận công 安仁郡公. Sách Đại Nam thực lục có đoạn chép “Làm kim sách phong: hoàng tử thứ 52 là Miên Tĩnh làm Điện Quốc công; hoàng tử thứ 23 là Miên Thực làm Trấn Man Quận công; hoàng tử thứ 27 là Miên Phong làm Tân Bình Quận công; hoàng tử thứ 33 là Miên Khoan làm Lạc Biên Quận công; hoàng tử thứ 35 là Miên Túc làm Ba Xuyên Quận công; hoàng tử thứ 36 là Miên Quan làm Kiến Tường Quận công; hoàng tử thứ 41 là Miên Hiệp làm An Nhân Quận công; hoàng tử thứ 45 là Miên Dần làm Trấn Tĩnh Quận công; hoàng tử thứ 48 là Miên Ngung làm An Bình Quận công; hoàng tử 51 là Miên Thanh làm Trấn Biên Quận công; hoàng tử thứ 53 là Miên Sủng làm Tuy Nhân Quận công; hoàng tử thứ 56 là Miên Cầu làm Trấn Định Quận công; hoàng tử thứ 60 là Miên Uyển làm Quảng Hóa Quận công”4. Cùng năm đó, vua Minh Mạng cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng tử và hoàng thân. An Nhân Quận công được nhà vua ban cho một con hải mã bằng vàng nặng 6 lạng 1 đồng cân5.

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhà vua cải phong cho hoàng đệ An Nhân Quận công Miên Hiệp làm Tuy An Quận công 綏安郡公, vì chữ Nhân là thụy hiệu của vua Minh Mạng6. Trong đời sống văn hóa cung đình triều Nguyễn, việc thờ cúng tổ tiên là một trong những hoạt động được triều đình đặc biệt chú trọng. Do vậy, đức ông Tuy An Quận công cùng với các hoàng tử, hoàng thân khác luôn được triều đình phân công nhiệm vụ đến làm lễ cúng tế tại các miếu thờ, tôn lăng. Theo bản phiến lục của Bộ Lễ ngày 6 tháng Chạp năm Tự Đức 22 (1869) có ghi: Nay căn cứ Khâm Thiên Giám chọn ngày mồng Tám tháng này làm lễ Tỉnh Yết là ngày tốt. Bộ thần tuân phụng tư để thực hiện. Sau đó căn cứ tờ phúc đáp của Tôn Nhơn Phủ trình bày rằng phụng các tôn lăng: liệt thánh, hoàng đế, hoàng hậu, tuân theo lệ chọn phái các quan chức Tôn Thất, đến ngày đó đến làm lễ. Phụng vào các nơi ở tôn lăng, nghĩ phái bảy hoàng thân công đến ngày đó phụng sung làm lễ. Nay bộ thần cẩn thận đem danh sách các hoàng thân, người nào phụng sung nơi nào, cẩn thận kê khai tiến trình. Kê khai: Cơ Thánh lăng nghĩ phái Quỳ Châu Quận công Miên Liêu; Thoại Thánh lăng nghĩ phái Tuy An Quận công Miên Hiệp; Thiên Thọ lăng nghĩ phái Tĩnh Gia Quận công Miên Sạ; Thiên Thọ Hữu lăng nghĩ phái Triệu Phong Quận công Miên Triện; Hiếu lăng nghĩ phái Tùng Hóa Quận công Miên Trữ; Hiếu Đông lăng nghĩ phái Hoằng Trị Quận công Hồng Tố; Xương lăng nghĩ phái Gia Hưng Công Hồng Hưu7.

Đức ông Tuy An Quận công là một người có uy tín trong hoàng tộc, được triều thần trọng thị và nhà vua quý mến. Năm 1887, nhân dịp đức ông Tuy An Quận công mừng thọ 60 tuổi, vua Đồng Khánh sai hoàng thân Quảng Hóa Quận công đem đến phủ đệ của đức ông các phẩm hạng gồm 1 đồng kim tiền, 3 đồng ngân tiền, 1 tấm sa toàn tơ hàng Trung Hoa, 1 tấm nhiễu hoa, 1 tấm sa cống có hoa hàng Nam và 1 tấm nhiễu mộc để ban cho8.

Tuy An Quận công được đào tạo quy củ và bài bản về Nho học. Vì vậy, đức ông có tài năng văn chương, với nhiều áng thơ hay nhưng phần nhiều đã bị thất truyền. Cụ Hồ Đắc Khải đã nhận xét hoàng tử Tuy An Quận công “là nhà thơ An Nam đáng kể nhất thời bấy giờ, sinh thời thích làm thơ bằng bản ngữ nước mình, và để lưu lại cho hậu thế những bài thơ hay nhất của mình, ông đặt mua đồ gốm thông thường bên Trung Hoa, cho khắc lên đó các bài thơ của mình kèm theo hoa văn, họa tiết có liên quan: cảnh trí, hoa lá, chim muông, v.v. Cũng chính vị hoàng tử này là người đầu tiên phá vỡ truyền thống xưa, để rồi tạo nên loại hình thơ bằng chữ Nôm khắc họa trên đồ gốm này”9. Ngoài ra, ông hoàng Tuy An còn có biệt tài về âm nhạc, nổi tiếng với ngón đàn Tỳ điêu luyện10.

Ngày 2 tháng 6 năm Quý Tỵ (tức ngày 14/7/1893), sau một thời gian bị bệnh, thuốc thang không thuyên giảm, đức ông Tuy An Quận công Miên Hiệp đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 66 tuổi. Khi nghe tin hoàng thân Tuy An Quận công qua đời, vua Thành Thái vô cùng thương xót, lệnh cấp ban tiền tuất, vải vóc, gấm lụa, sai quan đến tế và ban thụy là Cung Lượng 恭亮. Viên tẩm của đức ông được an táng tại làng Dương Xuân, huyện Hương Thủy; sau này chuyển dời viên tẩm đến xây dựng trong khuôn viên phủ thờ của đức ông Tuy An Quận công tại vùng đất Gia Hội - Chợ Dinh.


Sơ đồ tập tước tại phủ Tuy An Quận công


Đức ông Tuy An Quận công Miên Hiệp có 9 con trai, 15 con gái và được vua Thiệu Trị ban cho bộ Phương 方 để đặt tên cho các con cháu trong phủ11. Con cái của đức ông đều được hưởng ân điển từ nhà vua như công tử Hường Kỳ (1874-1914) được tập phong tước Kỳ Ngoại hầu, từng giữ chức Chánh sứ; công tử Hường Trang (1881-1930) được vua Duy Tân phê chuẩn quá kế phòng Ba Xuyên Quận công và tập phong tước Kỳ Ngoại hầu; công tử Hường Đề (1885-1949) tập phong tước Tá Quốc khanh, sau này được phong đến chức Thượng thư; công tôn Ưng Lữ12 (1901-1939) cũng được tập phong tước Tá Quốc khanh.

Sau khi đức ông Tuy An Quận công qua đời, phủ đệ ở làng Dương Xuân được chuyển đổi thành phủ thờ. Một thời gian sau, con cháu hậu duệ đức ông Tuy An chuyển phủ thờ đến xây dựng tại vùng phố Gia Hội - Chợ Dinh ở phía đông Kinh thành Huế, nơi tập trung nhiều phủ đệ, tư thất của các ông hoàng bà chúa, danh gia vọng tộc của triều Nguyễn. Ngày nay, phủ thờ Tuy An Quận công tọa lạc tại địa chỉ số 150 Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Gia Hội, Tp Huế), có tọa độ: 16.487954, 107.587877.

Bố cục kiến trúc tổng thể của phủ thờ Tuy An Quận công tuân thủ theo thuật phong thủy, gồm các hạng mục chính như cổng, phủ thờ, viên tẩm và một khoảng sân vườn rộng rãi khoảng 500m2. Điều thú vị đầu tiên là phủ thờ Tuy An Quận công không có kiến trúc cổng vòm hoặc tam quan bề thế ở phía trước nhà như các phủ thờ của các ông hoàng khác ở Huế mà chỉ xây dựng hai trụ cổng, phía trên có hàng chữ “Tuy An Quận công từ môn - 綏 安郡公祠門” (Cổng phủ thờ Tuy An Quận công) xếp ngang chính giữa cổng.

Công trình kiến trúc chính của phủ thờ Tuy An Quận công là một ngôi nhà rường với kết cấu 3 gian 2 chái kép, mặt tiền quay về hướng Nam, xung quanh bao che bằng tường gạch trát vữa quét vôi. Ngôi nhà rộng 72m2 (12m x 6m), toàn bộ hệ khung kết cấu nhà được làm bằng gỗ, liên kết mộng hoàn toàn. Tất cả 37 cột và hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ mít, đòn tay gỗ kiền kiền và ván ngăn trong nhà gỗ lim. Các cột được gối trên những bệ đá tảng hình vuông. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản đều chạm khắc các mô típ bát bửu, hình hoa sen, hoa cúc, rồng cách điệu hóa thành dây leo lá cuốn. Các mảng điêu khắc trang trí trên kiến trúc đã đạt tới trình độ cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ, trở thành những điểm nhấn sang quý trong công trình phủ đệ.


Nội thất phủ Tuy An Quận công


Hiên nhà có 8 hàng cột tương ứng với 8 hệ kèo gác trên cột gỗ, các hàng kèo hiên đều được cách điệu họa tiết hoa lá thành thân hình rồng. Trong hóa thân này rồng được các nghệ nhân chạm khắc một cách sống động. Đầu rồng ngẩng cao, trên đỉnh đầu có bờm dựng đứng rất mạnh mẽ; miệng ngậm, cằm hất ra phía trước; mắt lồi mũi nở. Thân hình uốn lượn như làn sóng nước thoắt ẩn thoắt hiện, các đoạn thân mình được tạo thành từ dây lá uốn lượn như những con sóng lớn đang xô nhau đã đến mức cao trào khiến nhãn quan người xem có cảm giác một thân rồng tĩnh mà như động, một sự cuộn mình uyển chuyển trong không gian, nhanh, mạnh và dứt khoát. Nhìn tổng thể, con rồng hóa thân thành kèo hiên phủ Tuy An Quận công không mang vẻ hung dữ với nhiều chi tiết trang trí mà nó lại khiến người chiêm ngưỡng cảm nhận về sự cân đối, hợp lý mang đầy đủ chức năng nâng đỡ phần mái của một kèo hiên - thanh kèo cuối cùng trong hệ thống kèo của ngôi nhà mà vẫn không kém phần uy nghi, mạnh mẽ, sắc nét và truyền tải ý nghĩa về sự lạc quan, hướng đến những điều tốt đẹp, một sự sung túc thuận hòa qua các thế hệ trong gia tộc Tuy An Quận công.

Hàng kèo hiên được chạm trổ tinh tế họa tiết hoa và lá biến thành rồng

Mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ nóc, bờ quyết và hai đầu hồi đắp nổi các đồ án lưỡng long chầu nhật, long hóa tạo ra sự bay bổng, thanh thoát cho bộ mái. Kết cấu đặc trưng phần mái nhà thể hiện rõ nét sự thích nghi của kiến trúc với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm xứ Huế, giảm thiểu nhiệt độ trong nhà bằng cách mở rộng hệ thống mái, sử dụng vật liệu ngói liệt cách nhiệt. Ngoài ra, hệ thống cánh cửa bản khoa nhiều cánh, thiết kế nhiều khe cửa có chức năng thông gió và giảm thiểu ánh nắng chiếu trực tiếp vào trong nhà.

Trong bố cục mặt bằng của phủ Tuy An Quận công chia thành 3 gian thờ. Tại vị trí liên ba gian chính giữa có treo bức hoành phi đề chữ: “Tuy An Quận công từ - 綏安郡公祠” (Phủ thờ Tuy An Quận công), dòng lạc khoản viết: “Khải Định tam niên xuân, Thân tử Tôn thành Chánh sứ Hường Kỳ, Ngự tiền Thông sự Hường Đề trang tiến - 啓定三年春, 親子尊城正使洪御前 通事洪莊進” (Mùa xuân năm Khải Định thứ 3 [1918]; Thân tử Tôn thành Chánh sứ Hường Kỳ, Ngự tiền Thông sự Hường Đề kính dâng).

Bc hoành phi đề chữ “Tuy An Quận công từ”

Đặc điểm bức hoành phi này có phần thân chính sơn màu đen. Đây là nơi chạm nổi nhóm văn tự được thếp vàng. Chung quanh hoành phi được viền bằng một khung chạm nổi, trên đó trang trí nhiều hình nét hoa văn với đề tài lưỡng long chầu nhật, chim phượng hoàng, hồi văn chữ vạn và hoa lá khá chuẩn mực, kỹ thuật điêu luyện, đồng thời thể hiện rõ phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Hai bên tả hữu bức hoành phi còn có chạm khắc câu đối chữ Hán trên bảng gỗ gắn vào liên ba gian giữa phủ thờ, với mong muốn con cháu hậu duệ trong gia tộc phòng Tuy An Quận công được trời đất phù hộ độ trì và thành tựu viên mãn.

Nguyên văn:

開物而成務
司土以連天

Phiên âm:

Khai vật nhi thành vụ;
Ti thổ dĩ liên thiên.

Dịch nghĩa:

Ngưi hiểu thấu được đạo lý của vạn vật thì mọi việc sẽ được thông đạt và thành tựu;
Hãy thành kính thờ phụng thổ thần và kính ngưỡng trời cao.

Từ ngoài sân nhìn vào gian giữa phủ có đặt một bàn thờ, sập thờ lớn bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ các họa tiết tinh xảo, trau chuốt, và trên bàn thờ bài trí các đồ thờ tự như lư hương, bình hoa, khay đựng trầu cau, quả bồng, đế đèn. Sau lưng bàn thờ chính, sát vách có xây 3 án thờ bằng xi măng, trên các án thờ này có thiết trí khám thờ bằng gỗ cẩn xà cừ, trang trí hoa văn đặc sắc. Trong khám thờ đặt tại gian giữa có thần chủ đức ông Tuy An Quận công.

Ngay trong vườn phủ, phía bên trái có viên tẩm của đức ông Tuy An Quận công. Ngôi viên tẩm trong vườn như một biểu tượng về tình nghĩa, đạo hiếu của những người trong gia tộc Tuy An Quận công, là sự kết nối tâm linh giữa hiện tại với quá khứ. Căn cứ vào niên đại ghi trên tẩm mộ cho biết viên tẩm ông hoàng Tuy An được con cháu xây dựng vào năm 1913, sau khi di dời mộ phần từ làng Dương Xuân về vị trí này. Từ ngoài vào trong, viên tẩm có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các đơn nguyên kiến trúc nằm trên trục dũng đạo như sau: trụ biểu, bình phong tiền, nhà bia, bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu và hai vòng tường thành bao quanh.

Toàn cảnh viên tẩm của Tuy An Quận công

Viên tẩm đức ông Tuy An Quận  công quay mặt về hướng Tây, phía hồ nước làm yếu tố minh đường. Vào thăm viên tẩm đức ông Tuy An phải bước qua hàng trụ biểu hình trụ chữ nhật, phần trên cùng trang trí búp sen, đèn lồng, hai trụ ở giữa cao hơn hai trụ biên tạo nên sự chính phụ. Trên thân các trụ biểu được trang trí họa tiết hoa mai, lá đề. Qua trụ biểu là đến 1 lư đốt vàng mã và 4 đôn kê chậu cây cảnh bằng chất liệu xi măng. Đối xứng dọc trục thần đạo có đặt đôi nghê chầu trước cổng vào tẩm mộ. Nghê có cảm xúc buồn, nhưng dáng vẻ vẫn uy nghi, vững chãi trong vai một linh vật hộ vệ canh giữ nơi yên nghỉ của đức ông Tuy An Quận công. Đồng thời vị trí của nghê đặt ở viên tẩm như một quy ước không gian, khẳng định cõi thiêng, nơi tôn nghiêm, mọi người khi đến phải trong tâm thế thành kính.

Tiếp đến là cổng chính đi vào khu vực tẩm mộ xây dựng theo kiểu “Nguyệt môn” (trổ một lối đi, theo dạng cửa vòm), trên cổng trang trí họa tiết rồng ngang và đắp nổi đôi câu đối chữ Hán bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Ngay sau vòm cổng là bình phong chính được xây bằng gạch để ngăn chặn tà khí từ các hướng xấu chiếu vào tẩm mộ. Nhà bia nằm ở trước tẩm mộ, đây là nơi đặt bia mộ, bát nhang, đồ lễ và nhang đèn. Văn bia mộ được khắc trên loại đá thanh, với diềm bia trang trí họa tiết lưỡng long triều nhật, hoa lá cách điệu. Dòng đại tự chính giữa lòng bia ghi “Tuy An Quận công thụy Cung Lượng chi tẩm - 綏安郡公諡恭亮㞢寢” (Viên tẩm của Tuy An Quận công, thụy Cung Lượng), dòng lạc khoản: “Quý Tỵ niên quý đông cát nhật tạo - 癸巳年季冬吉日造” (Tạo dựng vào ngày tốt mùa đông năm Quý Tỵ [1893]). Nấm mộ xây theo kiểu cổ lâu gồm có 4 mái, các bờ nóc, đầu hồi đều được trang trí. Xung quanh ngôi mộ còn trang trí nề đắp nổi biểu tượng hoa mai, chữ thọ theo kiểu bố cục ô hộc. Kết thúc kiến trúc viên tẩm là tấm bình phong hậu kiểu cuốn thư nối liền với các đoạn tường thành bao khép lại khu tẩm mộ.

Tẩm mộ của Tuy An Quận công

Trong chuyên khảo này cũng cần phải nhắc đến công tử Hường Đề (còn gọi là mệ Khánh), hiệu Mộng Minh Chủ Nhân. Ông là con trai út của Tuy An Quận công và bà Nguyễn Thị Loan sinh ra. Cụ Hường Đề là một đại thần của triều Nguyễn, đồng thời có nhiều công lao trong việc xây dựng và gìn giữ phủ thờ Tuy An Quận công. Ông sinh ngày 18 tháng 4 năm Ất Dậu (tức ngày 31/5/1885) tại Huế. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bảo hộ Hà Nội vào năm 1910, ông được tập phong tước Tá Quốc khanh, rồi làm Trợ giáo Trường Pháp - Việt tỉnh Quảng Trị (1911-1914), Đốc giáo Trường Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (1914-1916), Giáo sư Trường Hậu Bổ và Trường Quốc Học Huế (1916).

Công tử Hường Đề cùng trang lứa và có mối thâm tình với Phụng Hóa công Bửu Đảo. Vì vậy năm 1916, sau khi hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định, liền tín nhiệm lựa chọn Hường Đề giữ chức Ngự tiền Thông sự. Quốc Sử Quán triều Nguyễn nhận định vua Khải Định phê chuẩn lấy Kiểm giáo Trường Hậu bổ Hồng Đề làm Ngự tiền Thông sự do Hường Đề vốn là người cũ lúc ở Tiềm để, chầu hầu đã quen, tính hạnh lại thuần lương cẩn thận, nên có lời chuẩn ấy13. Từ đây, đức ông bước chân qua con đường quan nghiệp. Với tri thức uyên bác, lại tinh thông chữ Hán và tiếng Pháp, Hường Đề luôn được triều đình tiến cử tham đoàn tùy tùng hộ giá trong các chuyến thăm tới Quảng Nam (1916), ngự giá Bắc tuần (1918)…, với chức phận thông ngôn và thư ký riêng cho vua Khải Định. Sinh thời, công tử Hường Đề còn tích cực tham gia hoạt động Hội “Những người bạn Cố đô Huế” (Association des Amis du Vieux Hué)14. Những dấu ấn của Hội luôn in đậm trong dòng chảy văn hóa Cố đô với những thành tựu đáng kể như làm nên tập san “Những người bạn Cố đô Huế” đồ sộ và công phu; xây dựng thư viện để tập hợp tư liệu nghiên cứu và bảo tàng lưu giữ cổ vật của triều Nguyễn và Huế xưa... Ngày nay, những di sản mà Hội “Những người bạn Cố đô Huế” để lại đã trở thành niềm tự hào của miền đất núi Ngự, sông Hương, của những ai yêu Huế và hết lòng vì Huế.

Chân dung cụ Hường Đề (1885-1949)

Trong sự nghiệp quan trường, công tử Hường Đề lần lượt được triều đình thăng thưởng, bổ nhiệm các chức vụ trọng yếu khác nhau như: Bang tá Cơ Mật Viện (1917-1918), Tri phủ Tuy Phước (1918-1920), Lang trung Cẩn Tín (1920-1921), Phó sứ Hộ lăng (1921-1927), Hữu Tôn khanh Tôn Nhơn Phủ (1927-1932), Tham tri Bộ Lễ (1932-1933), Tham tri Bộ Công tác và Lễ nghi (1933-1937), Tham tri quyền lãnh chức Bố chánh Thanh Hóa (1937-1938), Tham tri Bộ Công tác và Lễ nghi (1938-1940). Năm 1940, ông được triều đình cử làm Khâm sai Đại thần thay mặt nhà vua ra Bắc phong tước “An Phước Nam” cho Tổng đốc Vi Văn Định15. Cũng trong năm này, công tử Hường Đề đến tuổi nghỉ hưu và được vua Bảo Đại vinh thăng hàm Thượng thư trí sự16.

Với những huân công và đóng góp to lớn cho đất nước, công tử Hường Đề được chính quyền Nam triều, chính phủ Bảo hộ và vương quốc Cao Miên (Campuchia), Vạn Tượng (Lào) phong thưởng: Tam hạng Kim khánh (1916), Vạn Tượng bội tinh (1917), Cao Miên bội tinh (1918), Ngũ hạng Long bội tinh (1920), Nhị hạng Kim khánh (1927), Nhị hạng Kim tiền (1930), Tứ hạng Long bội tinh (1934), Bắc Đẩu bội tinh…

Sau khi về hưu vào năm 1940, cụ Hường Đề cư ngụ tại biệt thự Mộng Minh (nay là địa chỉ số 25 Hồ Xuân Hương, phường Gia Hội, Tp Huế), cách phủ thờ Tuy An Quận công một đoạn không xa. Ông có biệt tài về âm nhạc, nổi tiếng với ngón đàn tranh, đàn tỳ bà điêu luyện. Vì vậy, căn nhà này thường diễn ra các buổi sinh hoạt ca Huế thính phòng, quy tụ nhiều nhạc công và ca nương tài danh. Cụ Hường Đề mất vào ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Sửu (tức ngày 10/11/1949), hưởng thọ 64 tuổi. Phần mộ an táng tại nghĩa trang gia tộc tại vùng Đá Dựng, làng Ngọc Hồ (nay thuộc phường Hương Hồ, Tp Huế).

Trải qua hơn 100 năm, kiến trúc phủ thờ Tuy An Quận công vẫn còn gìn giữ khá nguyên vẹn mặc cho Cố đô Huế nói chung và vùng đất Gia Hội - Chợ Dinh nói riêng đã trải bao phen dâu bể, đồng thời minh chứng cho bàn tay tài hoa của những người thợ cung đình xưa. Với những giá trị lịch sử văn hóa, cùng với những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ tuyệt đẹp, chúng tôi tin rằng khi phủ Tuy An Quận công được nghiên cứu, trùng tu tôn tạo sẽ trở thành một trong những địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, đồng thời góp phần tạo ra sự đa dạng và sống động của hệ thống di sản phủ đệ triều Nguyễn còn tồn tại trên đất Đế đô.

T.V.D
(TCSH51SDB/12-2023)

-----------------------------
1 Hồ Đắc Khải (1894-1948) là con trai thứ 2 của Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, quê ở làng An Truyền (nay thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông đỗ Cử nhân khoa thi năm Ất Mão (1915). Sau khi tốt nghiệp trường Hậu bổ (1916), ông ra làm quan, từ chức Tri phủ Điện Bàn, thăng dần đến các chức hàm Tham tri Bộ hộ, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Bình Phú, Thượng thư Bộ Tài chánh sung Cơ Mật viện đại thần.

2 P. Jabouille (2020), “Bộ Sưu tập những cổ vật nghệ thuật và đồ gỗ được lưu giữ tại Bảo tàng Khải Định và những ghi chú liên quan” in trong cuốn Bảo tàng Khải Định, BAVH, 1929, Bảo Chân dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 141.

3 Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.155.

4 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 694.

5 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Tlđd, tr. 695.

6 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 6, Bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 380.

7 Trung tâm lưu trữ quốc gia I (2016), Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 136-137.

8 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 362.

9 P. Jabouille (2020), “Bộ Sưu tập những cổ vật nghệ thuật và đồ gỗ được lưu giữ tại Bảo tàng Khải Định và những ghi chú liên quan”, Tlđd, tr. 141.

10 Hoàng Yến (1921), “Cầm học tầm nguyên: Khảo về nghề đờn ở nước ta”, Tạp chí Nam Phong, Hà Nội, tr. 385.

11 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 6, Tlđd, tr. 756.

12 Tá Quốc khanh Ưng Lữ là con trai công tử Hường Kỳ và bà Phạm Thị Hòe.

13 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh, tr. 119.

14 Những người bạn Cố đô Huế (1998), “Biên bản các cuộc họp của Hội”, Tập san BAVH 1917, Tập IV, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 333.

15 Cụ Vi Văn Định (1878-1975), tự Ngọc Khuê, thuộc đời thứ 13 của họ Vi, một dòng họ lớn người Tày được triều đình giao trọng trách trấn giữ biên cương tại Lạng Sơn. Ông từng được triều đình cử đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tổng đốc tỉnh Hà Đông, được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo rồi nghỉ hưu năm 1942. Sau này, ông đi theo Cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Kháng chiến thành công, ông Vi Văn Định về sống ở Hà Nội, làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là nhạc phụ của 2 trí thức nổi tiếng thời bấy giờ là GS. Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và TS. Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

16 Souverains et Notabilités d’ Indochine - các vị Quốc vương và danh nhân Đông Dương (1943), Editions du Gouvernement Général de l’Indochine - Phủ toàn quyền Đông Dương, Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, tr. 18.

 

 

Các bài mới
Tanoo (05/01/2024)
Các bài đã đăng
Người lạ (26/12/2023)
Màu tím Huế (25/12/2023)