Tạp chí Sông Hương - Số 418 (T.12-23)
Tín ngưỡng thần linh trong truyện kể dân gian về biển, đảo Nam Trung Bộ
14:44 | 17/01/2024


PHAN ÁNH NGUYỄN

Tín ngưỡng thần linh trong truyện kể dân gian về biển, đảo Nam Trung Bộ
Tượng thần Thiên Y A Na tại Nha Trang - Ảnh: wikipedia

1. Bao đời nay, thần linh luôn hiện hữu trong đời sống tâm linh của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Niềm tin và cách thức thể hiện niềm tin đối với lực lượng siêu nhiên này cũng là giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. Từ góc nhìn các truyện kể dân gian về biển, đảo vùng Nam Trung Bộ, chúng ta có thể tiếp cận nhân vật thần linh trong phạm vi liên quan đến văn hóa, chủ quyền của quốc gia.

Các tỉnh Nam Trung Bộ bao gồm thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với đường bờ biển dài ở phía đông, nổi tiếng với cát trắng, nắng vàng, nước biển xanh trong, nhiều đầm, vịnh, ghềnh đá, đảo nhỏ ngoài khơi và hải sản phong phú. Biển không chỉ là tự nhiên khoáng đạt, gắn với cuộc sống mà còn là nơi gìn giữ bao quan niệm, tâm sự của con người về cuộc đời. Mối quan hệ giữa thần linh với biển, đảo được lưu lại trong các truyện kể dân gian là một trong những cứ liệu thú vị giúp nhận thức sâu sắc hơn đời sống tinh thần của người dân đối với biển, khẳng định sự tồn tại của biển, đảo trong lịch sử lâu đời của dân tộc.

2. Trong các truyện kể dân gian về biển, đảo ở Nam Trung Bộ, thần linh xuất hiện với các đặc điểm cụ thể và có tác động nhất định đối với biển, đảo nói riêng và cuộc sống con người nói chung.

Đó là những lực lượng siêu nhiên có các đặc điểm mà con người chưa thể giải thích được song lại có niềm tin mạnh mẽ ở họ. Dựa vào nguồn gốc xuất hiện, có thể phân thần linh thành hai loại: nhiên thần và nhân thần. Nhiên thần là những vị thần vốn ở thế giới riêng của mình (trời, biển…) và họ đến cõi trần của con người. Khi đến với nhân gian, thần linh giữ nguyên dung mạo của mình hoặc được đầu thai, hóa thân trong hình hài của con người hoặc con người có đặc điểm đặc biệt (Truyện bà Thiên Y A Na hiển linh, Sự tích Ngũ Hành Sơn…). Sự hình thành của thần linh do chính thần linh sinh ra hoặc từ sự sinh nở diệu kỳ của tự nhiên (Po Nagar là một nữ thần do một áng mây và bọt nước biển sinh ra - Huyền thoại Po Nagar). Thần linh có những khả năng phi thường như hóa vào cây gỗ, khiêng được đất đá to bằng núi... nhưng không vì thế mà trở thành đối tượng có quyền lực tối cao. Trong thế giới của mình, thần linh chịu sự cai quản của vị thần có quyền lực hơn. Ví dụ vua Thủy Tề ở thứ bậc cao hơn, Hà Bá ở thứ bậc thấp hơn. Thần linh có thể được gọi chung chung là thần, tiên,… hoặc có tên gọi cụ thể: thần Kim Quy, thần Nam Hải, ông Lía khổng lồ... Xét về tên gọi, khá mơ hồ khi phân biệt các vị thần với nhau. Long Vương - thần Nam Hải - vua Thủy Tề là những cách gọi khác nhau đối với vị thần biển/nước. Đối với nhân thần, nguồn gốc của họ là con người sống ở cõi trần. Vì có công lao đối với cộng đồng hay rất linh ứng sau khi mất mà được tôn thờ và trở thành thần, sự hiện diện của họ sau khi trở thành thần ở nhân gian được gọi là hiển linh. Dưới các vương triều, họ còn được sắc phong riêng. Ví dụ như Trấn Quận công Bùi Tá Hán ở Quảng Ngãi vốn là người Hoan Châu, có công phù Lê diệt Mạc, từng đem quân theo đường biển đến đảo Lý Sơn để luyện tập binh sĩ, có nhiều chính sách được lòng dân ở Thừa Tuyên - Quảng Nam, được dân làng Thu Phổ (Quảng Ngãi) lập đền thờ và các vị vua sau này phong làm Thành hoàng làng.

Nếu dựa vào tác động đến cuộc sống của con người thì có thể phân thần linh thành: cát thần và hung thần. Cát thần là những vị thần luôn tương trợ cho con người còn hung thần là những vị thần quấy nhiễu đời sống con người. Trong tổng số truyện (28 truyện) mà chúng tôi khảo sát, hình ảnh cát thần xuất hiện nhiều hơn hung thần. (Tỉ lệ số truyện có cát thần: 26/28 (92.86%), tỉ lệ số truyện có hung thần: 2/28 (7.14%)). Sự hiện diện, sự chênh lệch giữa các vị cát thần và hung thần trong truyện kể dân gian là một trong những cách thức biểu hiện ước mơ lí giải tự nhiên của con người. Chúng tôi cũng đồng quan điểm với Ths. Nguyễn Định, ẩn chứa trong đó còn là “khát vọng về sự “chung sống”, về sự “hòa điệu” với thiên nhiên; thái độ đòi hỏi thiên nhiên phải đem lại sự yên bình trong cuộc sống của ông cha ta ngày trước” [8, 35].

Vì là một bộ phận của thế giới nên con người có nhu cầu nhận thức về thế giới cũng như bản thân mình trong mối quan hệ với thế giới để điều chỉnh hoạt động sống. Những quan điểm, quan niệm về thế giới, bản thân con người và cuộc sống là thế giới quan. Những nhận thức của con người về thế giới trong xã hội nguyên thủy được thể hiện rõ nét qua thần thoại. Đây là thời đại mà tính mông muội còn mang nặng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, trong hoạt động nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn. Tư duy của họ mặc dầu ấu trĩ nhưng sản sinh trên cơ sở phản ánh những mối liên hệ giữa các hiện tượng của thế giới khách quan và những mối liên hệ của các hiện tượng ấy với loài người thông qua lao động sản xuất. Trong cuộc đấu tranh sản xuất, người ta quan sát các hiện tượng, sự vật trong thiên nhiên. Sự quan sát càng tinh tường, hiểu biết càng phong phú thì kết quả lao động càng tăng lên. Yêu cầu giải thích thiên nhiên nảy sinh từ đó. Thế giới quan của người nguyên thủy thể hiện đậm nét trí tưởng tượng của lối tư duy không tự giác giữa thực và ảo, giữa người và thần. Trong những sự vật cụ thể như núi, sông,... người ta có thể tưởng tượng đến những đối tượng tồn tại trong đó chứ không xem chúng hoàn toàn là sự vật vô tri vô giác. Đây là sản phẩm của nhận thức cảm tính nên những gì trừu tượng thường được hình dung dưới những sự vật cụ thể. Chẳng hạn: “Thiện” và “Ác” là khái niệm chỉ sự đánh giá về mặt xã hội của con người nhưng trong thần thoại là những vị thần được mô tả đầy đủ với hình dáng, nơi sinh sống,… Người nguyên thủy có một quan điểm hỗn hợp về thế giới. Họ đem bản thân mình với các sự vật, lực lượng trong tự nhiên hợp thành một, đem sức sống, ý nghĩ, cảm xúc của mình gán cho tự nhiên, từ các loài hữu giác đến các vật vô tri vô giác. Khi yếu tố dân chủ nguyên thủy còn chiếm địa vị thống trị trong xã hội thì các vị thần bình đẳng với nhau. Khi xã hội có giai cấp xuất hiện thì có sự phân biệt đẳng cấp trong thế giới của thần. Có thần cấp trên, thần cấp dưới và một vị thần tối cao làm chúa tể. Để phân biệt được mình với tự nhiên, người nguyên thủy phải trải qua những chặng đường dài đấu tranh gian khổ. Những điều trên cũng là biểu hiện của quan niệm vạn vật hữu linh. Người nguyên thủy cho rằng vạn vật đều có hồn. Người Việt cũng như người Thái Lan quan niệm mọi cây to trong rừng đều là nơi trú ngụ của một vị thần. Cuộc sống cộng đồng với tất cả các nhu cầu của nó đã nảy sinh ý thức tìm về nguyên thủy của người nguyên thủy. Họ biết ơn những gì tổ tiên đã tạo ra và mong mỏi sẽ được tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng trong cuộc chiến chống thiên tai, thú dữ và những cộng đồng người khác. Chân dung của các thế hệ trước được truyền miệng từ người này qua người khác, qua trí tưởng tượng của người kể tạo ra những biến đổi và làm cho những con người của thị tộc ngày càng anh hùng, kỳ vĩ và cũng thần thánh hơn. Heraclitus, Hector,… là những con người như thế.

3. Từ xa xưa, người dân lao động đã gắn bó và yêu quý mảnh đất mình sinh sống nên cũng luôn tìm cách lí giải nguồn gốc của nó. Đồng thời, rất có niềm tin trong sự giải thích ấy. Một đặc trưng của các thần thoại khi làm rõ các hiện tượng tự nhiên chính là gắn nó với các vị thần. Trong những truyện kể dân gian mà chúng tôi khảo sát được, biển, đảo gắn chặt với đời sống của con người cũng như các vị thần. Thần linh hiện hữu ở biển và tham gia vào việc khai thiên lập địa. Thần linh tác động đến biển và đã tạo ra giang sơn. Nhiều dấu vết của thần còn lại đến hôm nay. Tình tiết này trở đi trở lại trong các truyện kể của một vùng miền và một số vùng miền ở khu vực Nam Trung Bộ, tạo thành một motif truyện thú vị. Đó là những núi Sầm, núi Ễnh, núi Nhạn, núi Chùa Hang, núi Một… thuộc tỉnh Phú Yên; hòn Lao, hòn Một, hòn núi Đất ở Khánh Hòa… Khi ông khổng lồ gánh những hòn đá to từ ngoài khơi vào để san lấp lấn biển, tạo chỗ làm ruộng sinh sống cho nhân dân, hai đầu gánh nặng quá rơi xuống, ông tức giận đập mạnh tay xuống hòn núi vừa bị rơi, để lại hình thù trên núi (khoảng giữa sụn xuống, hai đầu nhô lên), người dân gọi đó là núi Ễnh, quả núi còn lại làm văng cát bụi che lấp hết ánh mặt trời nên được gọi là núi Sầm (Núi Sầm, núi Ễnh). Người Phú Yên còn lưu lại một câu chuyện khá thú vị về dấu vết của thần linh đó là Sự tích dấu vết ở hòn Đá Chồng. Truyện kể rằng, sau khi làm xong công việc đào biển, đắp núi, ông Khổng Lồ đi ngao du sơn thủy, đến câu cá ở bờ biển Tuy An. Vì phải giằng co khi con cá kình nuốt lưỡi câu nên mặt đá ở hòn Chồng bị lõm vào do tay ông bấu mạnh, những rãnh lớn sâu hoắm trên đá là do sợi dây câu cọ siết xuống. Đây là sự thật hay là kết quả của trí tưởng tượng dân gian? Song chắc chắn một điều biển phải thật hữu tình mới có thể thu hút thần linh như vậy.

Thiêng liêng hơn, trong quá trình hỗ trợ cho con người, thần linh đã hóa thân vào giang sơn. Truyện Gành Ông, Gành Bà đã lí giải sự hình thành của Gành Ông, Gành Bà ở ngoài bờ biển bãi Xép, xã An Chấn, tỉnh Phú Yên là từ hai ông bà lão kỳ lạ xuất hiện sau hai ánh hào quang sáng chói. Họ đã giúp người dân vùng biển cách lao động và chống lại ma quỷ. Khi đánh nhau với quỷ, ông bà lão đã hóa thành những gành đá. Cũng nói về sự hóa thân của thần linh vào xứ sở, Truyền thuyết núi Cô Tiên ở Khánh Hòa lại mở ra một ý nghĩa khác. Ngày xưa, vịnh Nha Trang hoang sơ, có nhiều cảnh kỳ thú, tiên nữ xuống đây tắm và đã có một cô tiên ngủ say nên bị trời nguyền hóa thành ngọn núi. Đó là dãy núi chạy dài ra phía biển có hình người con gái nằm, ngửa mặt lên trời, tóc xõa dài trông rất đẹp. Chỗ các nàng tiên xuống tắm được mang tên Bãi Tiên, Biển Tiên,… Có thể thấy rằng những bãi biển ở vịnh Nha Trang với cát trắng và mịn đến say lòng thần tiên huống chi là con người. Đồng thời, trong tâm thức của người xưa, thần tiên đã hóa thân vào cảnh vật ở vùng biển này, khiến nó càng trở nên thiêng liêng và hấp dẫn. Biển vốn đã đẹp, bây giờ lại càng đẹp và thần bí hơn nữa. Đó cũng chính là những điều tuyệt vời mà tạo hóa và lực lượng siêu nhiên đã ban tặng cho người Việt Nam.

Có thể thấy người xưa đã rất quan tâm đến biển, đưa ra nhiều lí giải về tự nhiên nói chung và vùng biển nói riêng. Khi giải thích các đặc điểm của biển, màu sắc thần linh cũng thật đậm nét. Truyện Đại phong nồm của người Phú Yên đã cho thấy rõ điều đó. Theo người dân, những ngọn gió cũng chính là các vị thần. Và họ đã đặt tên cho gió từ phương Tây là “thần gió Lào”, gió từ phương Bắc là “thần gió Bấc”, gió ngoài biển Đông là “thần gió Nồm”. Lồng ghép ba vị thần này vào motif truyện thú vị vua kén phò mã cho con gái, cha ông ta đã làm nổi bật đặc trưng của các loại gió trên. Đồng thời, cũng thể hiện sự yêu thích đối với gió biển khi đã để cho “thần gió Nồm” chiến thắng thử thách kén rể nhờ đặc tính: gió vào, mang theo hơi mát của đại dương, không khí đang oi bức bỗng trở nên mát mẻ.

Biển, đảo cũng là nơi lưu dấu các vị thần, liên quan đến những câu chuyện về họ. Ở vùng đất Quảng còn lưu lại câu chuyện Rồng Vàng rẽ sóng biển vào bờ đẻ trứng - nguồn gốc của sông Cẩm Lệ, sông Hàn và núi Ngũ Hành ngày nay (Sự tích Ngũ Hành Sơn). Tương truyền trên núi Hòn Dữ ở Khánh Hòa (Truyền thuyết về Giếng Tiên, Sân Tiên, Bàn Cờ Tiên, Hòn Đá Cối Xay trên núi Hòn Dữ) có một giếng tiên không bao giờ cạn, ai lấy nước bằng tay hay bằng miệng thì lập tức nước cạn kiệt. Gần đó có một tảng đá cao lớn bằng cái nhà, ở giữa nứt ra một lỗ nhỏ bằng chiếc gàu múc nước, trấu ở trong lỗ ấy chẳng bao giờ vơi đi. Ngoài ra còn có một khu đất rộng, phẳng và mát mẻ - sân chơi đùa của các nàng tiên và một tảng đá như tấm phản, bên trên sắp sẵn những quân cờ bằng đá. Có người lén xáo trộn những quân cờ ấy thì nó lại trở về vị trí ban đầu như có bàn tay tiên sắp xếp. Những điều đặc biệt trên đã tô thêm sắc màu cổ tích và thiêng liêng cho biển, đảo. Qua câu chuyện này, biển, đảo đã hiện ra trong sự trân trọng của người xưa với nhiều điều còn bí ẩn.

Thần linh có vai trò thật lớn trong việc thay đổi sơn hà, ngay ở phương diện này đã cho thấy sự hỗ trợ của thần linh đối với con người. Và trong quá trình sinh sống, không chỉ riêng gì ở biển, thần linh thường tương trợ người dân, xuất hiện khi họ rơi vào khó khăn, thành tâm nguyện cầu… Trong Huyền thoại về Cá Ông Voi, năm 1775, khi quân Trịnh chiếm đóng kinh đô Đàng Trong của chúa Nguyễn, Quy Nhơn và Quảng Ngãi lọt vào tay của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh chạy vào Phú Yên và lập phòng tuyến ở Vịnh Hòa - nay là bờ biển thị xã Sông Cầu nhưng bị Tây Sơn đập tan. Nguyễn Ánh phải chạy tháo thân rồi cùng với một ngư dân lênh đênh trên biển. Lúc nguy khốn, họ khẩn cầu và Cá Ông Voi đã xuất hiện, đưa thuyền vào bờ. Cho đến ngày hôm nay, tuy khoa học đã khẳng định việc cá voi đưa thuyền vào bờ là đặc tính sinh học của chúng nhưng người dân vẫn tin vào sự thần kỳ của loài cá này, xem chúng là ân nhân, là thần cứu mệnh, tổ chức lễ cúng bái rất lớn, chôn cất cẩn thận, làm mộ và lập bia thờ như người thân của mình và tôn vinh cá voi là “Nam Hải Đại tướng quân”. Đây cũng là một đặc trưng văn hóa vùng biển Trung và Nam Bộ.

Trong những câu chuyện có sự liên quan giữa biển, đảo và các vị thần, chúng ta không chỉ bắt gặp các vị thần hỗ trợ cho cuộc sống của con người mà còn có sự xuất hiện của vị thần gây phiền nhiễu cho nhân dân. Theo người dân ở Phú Yên, người đời đã đem vị thần cai quản vùng nước thẳm đồng nhất với Hà Bá - kẻ độc ác và si tình. Hà Bá vốn là chàng trai khôi ngô, tài hoa, rời quê hương ba năm để sắm được sính lễ nhưng rồi người yêu lại lấy chồng. Vì hận thù, chàng đã không nghe theo lời người thiên đình mà ân ái, ném xác 99 cô gái xuống biển sâu và bị trời trừng phạt. Thế nên mỗi khi lội sông, tắm biển, người phụ nữ rất sợ mình là cô gái thứ 100 mà ngài Hà Bá muốn ân ái rồi giết chết (Hà Bá). Truyện Chống nữ thần Phường Chào ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã ghi lại rất cụ thể việc nữ thần xuất hiện ở cửa biển Đại Chiêm gây rối đời sống của con người.

Thần linh có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của con người, thường trực trong tâm thức, đi vào lời kể dân gian và hiện hữu trong các hoạt động tín ngưỡng mang tính hệ thống. Đi khắp các vùng miền đất nước, nơi đâu cũng có các chùa chiền, đền thờ các vị thần, những hoạt động nghi lễ thờ cúng thần. Đến vùng đất Long Thủy thuộc tỉnh Phú Yên, ta tìm thấy đền thờ Thần Biển, Thần Rồng; ở cảng thị Hội An, người dân đã lập chùa và thờ một nhân thần là Bắc Đế Võ hay Huyền Thiên Đại Đế tay cầm gươm khống chế con thủy quái; người dân đảo Lý Sơn lập dinh thờ nhân thần Phạm Thị Điều… Có trường hợp người dân có niềm tin rằng nếu không dâng lễ vật cúng tế thì có thể gặp phải nhiều tai nạn ngoài biển khơi (Truyền thuyết miếu Lỗ Lường). Biển, đảo tồn tại trong nhận thức của người xưa không phải đơn thuần là những tạo vật có sẵn trước khi loài người xuất hiện mà nó vô cùng thiêng liêng, cần phải tôn thờ để đảm bảo cho cuộc sống của mình được thuận lợi. Sự sùng bái thần linh không chỉ ở làng vạn chài mà còn lan rộng ra, chi phối người dân thuộc những ngành nghề khác.

4. Tín ngưỡng thần linh mang đậm giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, thể hiện quan niệm, khát vọng, ước mơ của nhân dân. Đây là lối tư duy tín ngưỡng đa thần. Sự hiện diện của nó trong các lời kể dân gian là một trong những cứ liệu quan trọng phản ánh đời sống tâm linh của con người. Thần linh đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức, sự tồn tại và mưu sinh của người dân. Họ không chỉ có công tạo tác giang sơn mà còn là điểm tựa tinh thần, nhân vật có quyền năng. Trong thực tế, biển không chỉ là không gian sống đặc thù của vùng Nam Trung Bộ, gắn chặt với cuộc đời của người dân nơi đây mà qua truyện kể dân gian, với tín ngưỡng thần linh, biển còn là không gian tâm linh. Đặc biệt, trong những câu chuyện về biển, đảo, tín ngưỡng thần linh không chỉ cho thấy đặc trưng văn hóa, sự gắn bó mật thiết giữa biển, đảo với con người mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia. Có những điều rất đời thường hòa trộn trong những điều huyễn hoặc song nó lại là niềm tin bất di bất dịch về biển, đảo của người Việt từ xa xưa.

P.A.N
(TCSH418/12-2023)


____________________

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Định (2010), Văn học dân gian Phú Yên, Phú Yên.
2. Nguyễn Định (2010), Yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết và truyện cổ tích người Việt ở Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Trương Thanh Hùng - Phan Đình Độ (2012), Văn hóa dân gian huyện đảo Phú Quốc và Lý Sơn, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
4. Ngô Sao Kim (2011), Truyện cổ, truyện dân gian Phú Yên, Nxb. Lao Động, Hà Nội.
5. Hoàng Lê - Trần Việt Kỉnh - Võ Văn Trực (2012), Sự tích và truyền thuyết dân gian, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
6. Hoàng Hương Việt - Bùi Văn Tiếng (Chủ biên), (2014), Truyện kể dân gian đất Quảng (Quyển 1), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
7. Hoàng Hương Việt (2010), Giai thoại đất Quảng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2006), Văn hóa sông nước miền Trung, Nxb. Khoa học Xã hội.

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Vân Phi (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Mê cung (12/01/2024)
Chân thủy (09/01/2024)