Tạp chí Sông Hương - Số 422 (T.04-24)
Nguyễn Thị Tuyết - người vẽ bản đồ văn học Mỹ da đen
15:45 | 21/05/2024


PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG

Nguyễn Thị Tuyết - người vẽ bản đồ văn học Mỹ da đen

Cũng đã có không ít các công trình nghiên cứu về văn học Mỹ ở nước ta; thậm chí, ở khoa Ngữ văn hoặc văn học của các trường đại học và cao đẳng cũng có bộ môn văn học nước ngoài nhằm nghiên cứu và giảng dạy về thành tựu các nền văn học lớn trên thế giới, trong đó có văn học Mỹ. Là người đi sau, tự lượng sức mình, Nguyễn Thị Tuyết với chuyên luận Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ*, chỉ tự giới hạn trong phạm vi một bộ phận nhỏ “trong bản đồ” rộng lớn và khá đồ sộ của văn học Mỹ. Ngay từ những dòng đầu tiên trong Lời mở đầu, tác giả đã nói rõ động lực và mục tiêu công việc mình làm: “Cho đến hôm nay, vấn đề sắc tộc vẫn là vấn đề thời sự, không chỉ ở nước Mỹ, mà còn ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đa chủng tộc. Trải qua mấy trăm năm từ khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thành lập (năm 1776) đến nay, đất nước đa chủng tộc này đã tiến những bước dài về phía tự do, dân chủ, xóa bỏ chế độ phân biệt màu da, nhất là người da đen đến từ lục địa châu Phi, song các hệ quả dai dẳng của nó vẫn luôn căng thẳng và bùng phát. Nếu các chủng tộc khác đến nước Mỹ là để thực hiện giấc mơ giàu sang và sự công bằng thì người da đen bị lưu đày đến đây với tư cách là nô lệ. Dù được khắc họa hay tự thuật, người Mỹ da đen luôn hiện diện khác biệt và bị đối xử bất công, ngay trong cộng đồng luôn tôn vinh sự bình đẳng này” [tr.9]. Vì vậy, với mong muốn nhằm “phác thảo hình ảnh người da đen trong văn học Mỹ từ ngày đầu lập quốc đến hết thế kỷ XX” [tr.11], tác giả đã từ cội nguồn lịch sử của người Mỹ gốc Phi để soi tỏ và nhận diện hình tượng nhân vật người Mỹ da đen trong văn học Mỹ, từ góc nhìn nhiều phía, đã đem lại những thành công đáng ghi nhận.

Với độ dài gần 300 trang, chuyên luận gồm có 6 chương, vừa dốc ngược thời gian theo tiến trình lịch sử, vừa từ góc nhìn lý luận và thực tiễn để “phác họa hình tượng, thân phận người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ” [tr.25]. Có thể dễ nhận ra, hai chương đầu là hai chương khái quát về cội nguồn lịch sử và tiến trình văn học. Chương 1: Sự hiện diện của người da đen trên đất Mỹ, tác giả đã chỉ ra rằng, “từ trước ngày lập quốc cho đến nay, người da đen cùng với các chủng tộc khác đã đấu tranh giành độc lập và xây dựng nên nước Mỹ, nhưng lịch sử thân phận của họ trên miền “đất hứa” này thật tủi nhục và xót xa. Hầu hết những người da đen trên đất Mỹ đều là hậu duệ của những người châu Phi bị thực dân da trắng đưa đến Tân thế giới làm nô lệ; và lịch sử mấy trăm năm nay của chủng tộc bất hạnh này dưới chân tượng Nữ thần Tự do, là lịch sử của những cuộc đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ, đòi các quyền bình đẳng về dân sự, kinh tế và chính trị, trong nỗ lực loại bỏ sự phân biệt chủng tộc” [tr.13]. Nhìn dọc theo chiều dài lịch sử, bằng các cứ liệu/sự kiện lịch sử cụ thể, tác giả đã phân tích, lý giải một cách tường minh rằng, đã có quá nhiều cuộc đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ, với sự khởi xướng và tham gia của nhiều nhân vật lịch sử, trong đó có các tổng thống Hoa Kỳ như G.Washington (1732 - 1799), Th.Jefferson (1743 - 1826), Ab.Lincoln (1809 - 1865)...; các cuộc khởi nghĩa vũ trang của các lãnh tụ xuất sắc như Fr.Douglass (1818 - 1895), H. Tubman (1822 - 1913), B.T. Washington (1856 - 1915), W.D.Bois (1868 - 1963), M.L.King Jr. (1929 - 1968)...; các phong trào như Dân quyền (1954 - 1968), Quyền lực Đen (1965 - 1975), các đạo luật như Đạo luật Nô lệ trốn chạy (1793, sửa đổi 1850), Quyền công dân (1964), Quyền bầu cử (1965), Công bằng về nhà ở (1968)... mỗi sự kiện đều có luận cứ, văn bản, đáng tin cậy và được phân tích, chứng minh một cách mạch lạc và đầy cảm xúc.

Ngược dòng lịch sử, có không ít các cuộc chiến tranh thời cổ đại đều nhằm mục tiêu cướp đoạt con người, trong đó chủ yếu là các mỹ nữ và sức lao động, để đưa về làm nô lệ. Nô lệ trở thành một thứ hàng hóa có thể buôn bán, trao đổi và tìm kiếm lợi nhuận. Theo bản đồ buôn bán nô lệ từ châu Phi sang châu Mỹ, trong vòng hơn 200 năm (1650 - 1860) đã có đến khoảng 10 đến 15 triệu nô lệ châu Phi bị bán sang châu Âu, châu Mỹ, nhất là Hoa Kỳ. Ở đây, người viết còn chỉ ra rằng, có một “nghịch lý, những người sẽ là chủ nhân lại đến Tân thế giới muộn hơn người da đen một năm” [tr.26], nếu tính từ khi chủ nhân con tàu Sư tử trắng cưỡng bức hơn hai mươi người da đen đưa đến khu định cư Jamestown, thuộc địa đầu tiên của Anh ở Bắc Mỹ (8/1619) và hơn một năm sau đó, người da trắng theo đạo Thanh giáo trên con tàu Hoa tháng Năm trốn thoát giáo hội Anh, đi tìm miền đất hứa đến Mỹ (12/1620). Sau hơn 400 năm hiện diện trên đất Mỹ, ngày 19/6/1865 đánh dấu sự kiện giải phóng những người nô lệ cuối cùng ở Mỹ, “nhưng phải đến 156 năm sau, ngày 17/6/2021, đương kim tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, mới chính thức ban hành luật mới, lấy ngày hội truyền thống Juneteenth (chữ viết rút gọn hai từ 19 và tháng Sáu) làm ngày nghỉ lễ toàn Liên bang như một biểu tượng song trùng: vừa như một dấu chỉ về một thời kỳ lịch sử đau khổ của người da đen, một thời kỳ đen tối và nhục nhã trong lịch sử nước Mỹ, vừa như một hứa hẹn, một khát vọng về tương lai tươi sáng hơn không chỉ đối với người Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, vấn đề xung đột chủng tộc vốn là bản sắc của văn hóa Mỹ và nó như một ngọn núi lửa mà dẫu bên ngoài đã thôi phun trào dung nham nhưng bên trong lòng nó vẫn luôn chuyển động nóng bỏng” [tr.23]. Bởi lẽ, nhìn ở góc độ sinh học/chủng tộc, thì có lẽ đúng như tên gọi, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là nước có đủ các chủng tộc với nhiều màu da sống rải rác trên khắp châu lục, như da đỏ, da trắng, da đen, da vàng và người lai giữa các chủng tộc.

Sau khái quát về bức tranh lịch sử là sự khái quát về bức tranh đời sống văn học ở chương 2, từ cội nguồn Đa cực và đa điểm nhìn. Xuất phát từ một thế giới đa cực, quá trình hình thành và phát triển của văn học ở đất nước đa chủng tộc này, đều là sự phát triển dung hợp nhiều bộ phận văn học, với nhiều điểm nhìn khác nhau, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người Mỹ gốc Phi. Người viết đã chỉ ra sự phân cực Từ cực và điểm nhìn nội quan của người da đen để xác định rằng chính người da đen đã có một truyền thống văn học/ hóa lâu đời, khi đến đây “văn học của người Mỹ da đen là tiếng nói tự ý thức với nhiều vấn đề của xã hội, cộng đồng và cá nhân, song vấn đề trung tâm vẫn xoay quanh màu da của họ, xoay quanh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thân phận nô lệ, hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau theo tiến trình lịch sử, và ý thức trở về với nguồn cội văn hóa châu Phi” [tr.27]. Và, từ trong đám nô lệ ấy, đã xuất hiện nhà thơ nữ đầu tiên của văn học Mỹ gốc Phi là Phillis Wheatley (1753 - 1784) với tác phẩm Những bài thơ về nhiều chủ đề khác nhau, tôn giáo và đạo đức ra đời năm 1773, trước khi nước Mỹ độc lập ba năm. Sau đó là sự hình thành thể văn tự truyện với hàng loạt các tự truyện như Câu chuyện thú vị về cuộc đời của Olaudah Equiano hoặc Gustavus Vassa, người châu Phi được viết bởi chính ông (1789) của Olaudah Equiano, Chuyện kể về cuộc đời Frederick Douglass, một nô lệ Mỹ (1845) của Frederick Douglass, 12 năm nô lệ (1853) của Solomon Northup... đặc biệt là với Những biến cố trong đời một cô gái nô lệ (1861) của Harriet Jacobs là tiếng kêu đau thương của một phụ nữ Mỹ gốc Phi về tội ác của chế độ nô lệ đối với thân phận phụ nữ. Thật ra “nạn bóc lột tình dục phụ nữ da đen là rất phổ biến, song Harriet Jacobs là người đầu tiên đưa vào trang sách những ô uế mà mình phải chịu đựng và quá trình vươn lên giành được tự do cho bản thân và hai đứa con của mình” [tr.30]. Rồi đến những tác phẩm chính luận như Đứng lên từ kiếp nô lệ (1901) của B.T.Washington, Linh hồn người da đen (1903) của W.D.Bois; hoặc với thơ, như Nếu chúng ta phải chết (1919) của Claude Mckay, Di sản (1925) của Countee Cullen, Điệu Blues rã rời (1926) của Langston Hughes; hay sự bùng nổ thể loại tiểu thuyết của nhiều tác giả người Mỹ gốc Phi như một dòng thác “chảy tràn vào dòng chính của văn học Mỹ với cách thể hiện và tiếp cận người da đen một cách đa dạng” [tr.35], như Mía (1923) của Jean Toomer, Đen hơn quả mọng: một tiểu thuyết về cuộc sống người da đen (1929) của Wallace Thurman, Đôi mắt họ đang ngưỡng về Chúa (1937) của Zora Neale Hurston, Đứa con quê nhà (1940) và Cậu bé da đen (1945) của Richard Wright, Hãy đi mà kể điều đó trên núi (1953) và Đất nước khác (1962) của James Baldwin, Người vô hình (1952) của Ralph Ellison... Đặc biệt, tác giả công trình đã chỉ ra rằng “trong mấy thập niên gần đây, những nhà văn người Mỹ gốc Phi trở thành những cây bút chủ lực trên văn đàn, khi những tác phẩm của họ là những tiểu thuyết hay nhất và đạt những giải thưởng danh giá” [tr.35], như Alex Haley với giải thưởng Pulitzer (1977), Toni Morrison với Nobel văn chương (1993)... Điều quan trọng hơn, trong bức tranh văn học Mỹ lộng lẫy, với số lượng tác giả và tác phẩm đồ sộ thuộc nhiều thể loại khác nhau, thời kỳ nào văn học người Mỹ da đen cũng đạt được những thành tựu rực rỡ, gắn liền với các phong trào đấu tranh xã hội: “Văn học người Mỹ da đen trở thành một bộ phận không thể thiếu trong bản đồ văn học Mỹ, như chính sự hiện diện của họ trên mảnh đất này, dẫu họ chỉ là một bộ phận thiểu số, vong thân” [tr.38]. Ở một phía khác, Từ cực và điểm nhìn ngoại quan của người da trắng, tác giả đã vạch rõ cảm quan và cái nhìn khác nhau về người da đen của các nhà văn là người da trắng. Trên cơ sở khảo sát nhiều tác phẩm, trong bài viết Nhân vật da đen từ cái nhìn của người da trắng, Sterling A.Brown đã chỉ ra bảy khuôn mẫu da đen đầy định kiến: nô lệ hạnh phúc, người tự do khốn khổ, người da đen lố bịch, người da đen man rợ, người lai bi thảm, người da đen quê mùa, người nguyên thủy kỳ lạ. Rồi đến hình tượng người da đen trong sáng của các tác gia tên tuổi như Harriet Beecher-Stowe, Walt Whitman, Jack London, Eugene O’Neill, Margaret Mitchell và cuối cùng là tập trung đi sâu phân tích hình tượng người da đen trong ba tác phẩm của ba tác giả tiêu biểu là Moby Dick-cá voi trắng của Herman Melville (1819-1891), Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain (1835-1910), Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (1897-1962). Ở mỗi tác giả, tác phẩm người viết đều phân tích cặn kẽ ưu và nhược điểm về nền tảng tư tưởng, quan điểm và thái độ đối với vấn đề người da đen. Ví như, “tuy thái độ của Melville về vấn đề chủng tộc không bộc lộ một cách rõ ràng như Beecher-Stowe, nhưng ông thuộc về số ít những người da trắng tiến bộ, nhân văn, đã tin tưởng vào quyền tự do, bình đẳng của con người; chính vì vậy, tác phẩm của ông có sức sống và ý nghĩa phổ quát, vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian và tư tưởng” [tr.47]... Cuối chương này, tác giả nêu Cảm quan của các nhà văn nữ nhìn từ đa cực, là lời khai mở cho ba chương tiếp theo, là trọng tâm của công trình, sẽ tập trung khảo sát con đường hành nghiệp và hệ quả tư tưởng nghệ thuật của ba tác giả nữ: Harriet Beecher-Stowe (1811 - 1896), Margaret Munnerlyn Mitchell (1900 - 1949) và Toni Morrison (1931 - 2019). Nguyễn Thị Tuyết là một phụ nữ, hơn ai hết, chị ý thức rất rõ rằng, sự nô lệ, áp bức, bóc lột, chiến tranh và hủy diệt... nói chung, là cái ác dưới gầm trời này bất cứ thời nào, ở đâu, dưới hình thức nào, thì phụ nữ vẫn là nạn nhân bất hạnh, chịu nhiều thua thiệt và bị đày đọa nhiều nhất! Hơn nữa, về phương diện nghệ thuật, “từ cảm quan nữ tính càng trở nên chính xác và phù hợp khi tác phẩm của họ chứa đựng những đồng cảm hoặc những ẩn ức, những hoạt lực bản năng... về/với thân phận và tâm hồn người da đen” [tr.63].

Cả ba chương 3, 4, 5 đều tập trung đi sâu vào sáng tác của cả ba tác giả nữ dưới góc nhìn chủng tộc, thân phận và gắn liền với những biến động của thời cuộc. Để làm hằn nổi hình tượng người da đen giữa bức tranh đời sống xã hội một cách đậm nét trong các tác phẩm, cái hay và độc đáo của công trình này là tên gọi các chương, đề mục, tiểu mục và vấn đề đầy tính hoán dụ, vừa hàm ẩn vừa lấp lánh chủ đề một cách sâu sắc. Khi vạch ra Những đường biên chủng tộc, tác giả dựa vào đặc điểm của một đất nước Liên bang, có đến 34 bang, mỗi bang có một luật lệ và bộ máy chính quyền riêng, do chính người dân nơi đó dựng nên. Trong đó kể từ 1861, ngoài 19 bang tự do miền Bắc, trong 15 bang còn lại ở miền Nam, chỉ có 4 bang biên giới (Delaware, Maryland, Kentucky, Missouri) có nuôi nô lệ nhưng vẫn theo Liên bang miền Bắc tự do, 11 bang còn lại tuyên bố ly khai và thành lập Liên minh miền Nam theo chế độ nô lệ. Vì vậy, không tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột giữa các vấn đề nóng bỏng của xã hội, như những đẳng thức tương đồng và đối lập, mà nếu hình tượng hóa thành các đường nét trên một bản đồ giả định, có thể nhận diện một cách rõ ràng thân phận đầy đau thương của người Mỹ gốc Phi hiện diện cùng với tiến trình lịch sử mấy trăm năm của đất nước xứ cờ hoa. Với Beecher Stowe, thông qua Túp lều bác Tom, người viết nhận ra điều cốt lõi là sự xung đột giữa hiện thực và niềm tin tôn giáo, khi lần lại nhân thân và thời đại tác giả đã sống, Hiện thực nước Mỹ giữa thế kỷ XIX và nhận ra thời điểm tác phẩm ra đời (1852) đã “làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ” (1865), như lời tổng thống Ab.Lincoln từng nói. Tư tưởng nghệ thuật của Beecher Stowe còn là Biểu tượng tôn giáo mới ở New England, là sự thiết lập những giá trị văn hóa mới thoát khỏi sự lũng đoạn và kìm hãm của nhà nước và giáo hội của Thanh giáo. Nhưng cũng từ đây, người viết nhận ra rằng, Beecher Stowe xuất thân từ một gia đình Kyto giáo, chồng là mục sư, hai người anh là linh mục, nên tuy bà thấm đẫm tinh thần bãi nô, phê phán gay gắt chế độ nô lệ, nhưng cái Lưới cảm quan của Harriet Beecher-Stowe vẫn ngăn chặn và đưa bà vào thế bế tắc, nên có lúc xoa dịu sự đấu tranh, như tinh thần của Kyto giáo là không dùng bạo lực để chống lại điều ác. Đó là mâu thuẫn trở thành nghịch lý trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Với Margaret Munnerlyn Mitchell và Cuốn theo chiều gió, lại là xung đột giữa quá khứ và hiện tại, người viết trình bày nguồn gốc xuất thân của nhà văn trong một gia đình trí trức, có truyền thống là những chính khách ở Atlanta bang Georgia thuộc miền Nam nước Mỹ, như một thấu kính hoài niệm “một thời kỳ vàng son dĩ vãng, một nền văn minh đã bị gió cuốn đi cùng bão lửa chiến tranh” [tr.93] thời nội chiến, để đối mặt trước một thực tại đắng cay của thời đại tuyệt vọng. Điều cần lưu ý là không chỉ có hoài niệm về quá khứ mà còn có Đất và miền Nam trong mạch sáng tạo của Margaret Mitchell, trở thành tâm thức, cảm quan sáng tạo có ý nghĩa lịch sử chi phối tư duy nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn không thể vượt qua cái nóc của thời đại mình về văn hóa lịch sử: tư tưởng phân biệt chủng tộc không thể tránh khỏi trước những chi phối nặng nề của quá khứ đối với thực tại. Về điều này, người viết đưa ra chính kiến rõ ràng: “Nhiều nhà nghiên cứu lấy làm tiếc cho Mitchell và Cuốn theo chiều gió nhưng theo tôi, Mitchell đã sống và viết trọn vẹn với văn hóa và tinh thần thời đại, và môi sinh ấy đã khuếch đại những thành công chói lọi, và đó cũng là “cái rốn tư tưởng” để lý giải những khiếm khuyết không thể tránh né” [tr.108]. Còn với Toni Morrison, nhà văn người da đen, sống gần hai phần ba thế kỷ XX và vắt ngang qua thế kỷ XXI vài chục năm, trong sự nghiệp đồ sộ gồm 11 cuốn tiểu thuyết (chưa tính thơ, tiểu luận, kịch bản văn học, sách cho thiếu nhi...) của bà, có sự xung đột vùng miền và xung đột văn hóa. Đó là những xung đột tất nhiên bởi sự khác nhau về cội nguồn văn hóa, đời sống kinh tế, chính trị xã hội giữa các vùng miền, các môi trường không gian như miền Nam và miền Bắc nước Mỹ, từ cội nguồn bản sắc và sinh thể văn hóa Châu Phi và phương Tây, ảnh hưởng và chi phối tất yếu đến tâm thức sáng tạo của nhà văn, thể hiện rõ qua hành trạng cuộc đời, tính cách và số phận nhân vật, mà chủ yếu là nhân vật người da đen. Nhà văn đã vẽ ra trên tấm bản đồ nước Mỹ, chi chít những đường đi lối lại giữa các vùng miền, thành phố, trên đó còn in dấu những phận người mang bản sắc văn hóa đa chủng tộc. Cũng chính từ sự chuyển dịch không gian qua nhiều vùng miền, với sự giao thoa, gặp gỡ, nên càng dễ nhận ra tiểu thuyết của Toni Morrison: hình chiếu của những giao điểm, thể hiện rõ nhất ở tiểu thuyết Bài ca Solomon (1977), “là câu chuyện về một dòng họ da đen trải qua năm thế hệ với những lầm lạc và tha hóa. Lịch sử của dòng họ được khám phá cũng chính là lịch sử của người Mỹ gốc Phi” [tr.133]. Tác phẩm không chỉ có giá trị tư tưởng nghệ thuật, mà còn đạt doanh thu cao, đạt “cú đúp” giải thưởng Phê bình Sách Quốc gia và giải thưởng của Viện Hàn lâm và Học viện nghệ thuật và văn chương Hoa Kỳ, và sau đó là giải Nobel văn chương, trở thành một trong những cuốn sách “gối đầu giường” của vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama.

Nô lệ cũng là con người nhưng không phải là người. Nô lệ luôn đặt thấp thua con người. Do đó, dù biến thiên theo thời tính nào, nô lệ cũng chỉ là thân phận. Vì vậy, khi khảo sát Những tọa độ thân phận, người viết nhận diện nhân vật người Mỹ da đen trong Túp lều bác Tom của Beecher Stowe Từ trục pháp luật và tôn giáo. Pháp luật ra đời từ thời cổ đại là nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà giàu, cho nên khi thiết lập một mô hình xã hội có áp bức, thì luật pháp nhằm bảo vệ quyền lực cho tầng lớp áp bức trong xã hội, nhằm mục tiêu cai trị nô lệ, cho nên pháp luật ở đây là một thứ pháp luật tàn ác và đầy bất công của người da trắng. Tương phản với hệ thống pháp luật là đức tin Kyto giáo. Tư tưởng bãi nô và ý nghĩa nhân văn của nhà văn thể hiện trong tác phẩm là sự khẳng định người da đen cũng là con người đều bình đẳng trước Chúa, cũng như người da trắng, họ đều phải được yêu thương, được sống trong lòng phúc âm của Chúa và khi chết được trở về với tình yêu thương vĩnh hằng của họ. Là người da trắng ở miền Nam, luôn nuôi dưỡng ký ức dĩ vãng tươi đẹp, nên Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell xuất phát từ văn hóa đồn điền và ảo tưởng hài hòa chủng tộc, thông qua nhân vật người da đen Mammy, được xây dựng như biểu tượng cuộc sống hạnh phúc của người nô lệ, là hoài niệm về chế độ nô lệ của người da trắng miền Nam, ở một phía khác còn là biểu tượng Mammy từ góc nhìn của người da đen, như là phép lý tưởng hóa niềm hạnh phúc của người da đen trong sự hòa hợp và trung thành với người chủ da trắng. Tác phẩm của bà còn là một cách thông diễn về nội chiến của người miền Nam. Trái lại, là nhà văn đương đại, tọa độ của Toni Morrison là nhìn từ trục phẳng của văn hóa và thời đại, từ cách đặt tên nhân vật mang tính văn hóa biểu tượng, là sự cố ý của nhà văn nhằm định vị cái tên và cái tôi của thân phận người da đen, với tư thế Đồng vị người da đen trong huyền thoại “giấc mơ Mỹ trắng”. Bởi lẽ, trong hệ thống nhân vật da đen trong tiểu thuyết của Morrison, luôn có hai dạng thức tâm lý nổi bật, hoặc quý trọng văn hóa nguồn cội châu Phi, hoặc sùng bái văn hóa châu Âu, trong đó tuy những nhân vật lưu giữ cội nguồn văn hóa châu Phi ít hơn nhưng là mạch nguồn bản sắc, là linh hồn và nền tảng kết nối văn hóa cộng đồng; còn những nhân vật sùng ngoại tuy đông hơn nhưng thể hiện sự vong thân, khủng hoảng bản sắc. Vượt qua khỏi những định vị tọa độ, người viết nhìn theo những biến thiên thời tính, để lục vấn và soi tìm trong bán cầu của Harriet Beecher-Stowe, đâu là kinh độ của đức tin tôn giáo trước cái chết có ý nghĩa giải thoát của bác Tom, đâu là vĩ độ khắc nghiệt của pháp luật và bước nhảy băng mình qua sông Ohio, đến với miền Bắc tự do của người nô lệ Eliza. Ngược lại, ở một phạm vi hẹp hơn, trong ốc đảo của Margaret Mitchell (và cũng chỉ gói gọn trong một tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió) mang đậm tư tưởng lạc quan và ảo tưởng về một ngày mai tươi sáng đối với người da đen sau thời nội chiến. Còn đối với Toni Morrison độ sâu của sự nghiền ngẫm và suy tưởng, không định vị kinh/vĩ độ mà miên man tràn ngập âu lo trên những hành trình truy tìm bản thể, nhằm giải thích người da đen là ai, từ đâu mà có mặt trên đất Mỹ, cố vén bức màn quá khứ, khám phá di sản tổ tiên và bản sắc cá nhân, hướng đến một khát vọng lớn lao, chính đáng và nhân vị là hòa đồng chủng tộc, hòa hợp tự nhiên, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại và mục tiêu cao cả của văn chương nghệ thuật. Người ta nói rằng văn chương có thể xoa dịu những vết thương. Bất cứ khi nào, ở đâu dưới gầm trời này, còn có những bất công, khổ đau và những thân phận bọt bèo, còn cần đến văn chương: “Tiểu thuyết của ba nữ văn sĩ không chỉ phản ánh lịch sử nước Mỹ, lịch sử số phận người da đen, mà còn nêu ra cho chúng ta thấy những sai lầm, những bất công trong lịch sử là bài học cho hiện tại và tương lai” [tr.258].

Công trình còn có chương 6, Những chuyển động của vấn đề chủng tộc ở Mỹ trong hai thập niên đầu thể kỷ XXI, như là những nét phác thảo vĩ thanh, mở ra bức tranh đời sống chính trị đang chuyển biến tốt đẹp nhưng không ít nhọc nhằn ở xứ cờ hoa. Từ những năm cuối thế kỷ XX, chính phủ Hoa Kỳ đã thay đổi cách định danh đối với người da đen, gọi là người Mỹ gốc Phi, phù hợp với nguồn gốc tổ tiên, thể hiện ý nghĩa chính trị sâu sắc. Cùng với đó là sự kiện Barack Obama trở thành tổng thống người da đen đầu tiên của nước Mỹ, nhưng những án mạng người da đen do cảnh sát da trắng gây nên lại liên tục diễn ra vào các năm 2012, 2014, 2015... Có thể nói, chế độ nô lệ không còn, nhưng thái độ phân biệt chủng tộc vẫn còn. Nó không xuất phát từ đặc điểm sinh học, mà khởi sinh từ ý niệm, từ những thiên kiến đã mặc định từ quá khứ. Chân lý dường như vẫn nghiêng về số đông, về 62% dân số người da trắng (so với 13% người da đen). Những hứa hẹn giải quyết vấn đề “phân biệt chủng tộc” của Joe Biden, đang từng bước được ông thực hiện sau khi nhận chức tổng thống (20/01/2021) đã đem lại sự khởi sắc cho đời sống chính trị và cả tương lai văn học của người da màu.

Nhìn chung, bằng những nét vẽ nhuần nhuyễn, tài hoa và đầy cảm xúc, Nguyễn Thị Tuyết không chỉ thể hiện một góc nhìn sắc sảo, có giá trị học thuật, mà còn khắc họa một cách có hệ thống, chân dung những nhân vật người Mỹ gốc Phi trong văn học Mỹ, một cách đậm nét và sinh động. Chị không chỉ cung cấp những tư liệu lịch sử văn học đáng quý, mà còn có cả một hệ thống nhân vật mang vẻ đẹp nhân văn và bản lĩnh văn hóa phù hợp với xu thế thời đại.

P.P.U.C - P.P.P
(TCSH422/04-2024)

--------------------
* Nguyễn Thị Tuyết (2023), Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Những trích dẫn chỉ ghi số trang, đều lấy từ sách này.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sao hôm sao mai (17/05/2024)