Tạp chí Sông Hương - Số 423 (T.05-24)
Điện Biên, điểm hẹn những cuộc đời
08:55 | 03/05/2024

NGUYỄN XUÂN THỦY
                       Bút ký

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho các cuộc chiến tranh xâm lược. Và sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc không lâu, nơi đây đã trở thành một điểm hẹn khác, đó là điểm hẹn của những cuộc đời, bằng việc ra đời của Nông trường Điện Biên năm 1958.

Điện Biên, điểm hẹn những cuộc đời
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ trong quyết tâm chung của cả nước xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp trực tiếp đồng chí Nguyễn Kiện, Chính ủy Sư đoàn 316, đơn vị từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, được giao đánh nhiều trận then chốt, để giao nhiệm vụ trở lại chiến trường cũ Điện Biên, tham gia xây dựng Tây Bắc thành một vùng hậu phương vững chắc. Điều này đã mở ra một đời sống mới tại khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ vốn là chiến địa vài năm trước.

Ngày 10 tháng 3 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chu Huy Mân đã về thăm Sư đoàn 316. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiện nay Quân đội ta có hai nhiệm vụ chính, một là xây dựng Quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu; hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên xã hội chủ nghĩa. Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi là cơ bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn…”. Bác cũng trao cho đơn vị 100 chiếc Huy hiệu Bác Hồ để làm giải thưởng bước đầu trong đơn vị. Toàn Sư đoàn chuyển hướng sang thực hiện nhiệm vụ mới trên chiến trường xưa. Các trung đoàn đều tổ chức lại thành các nông trường, công trường, lực lượng còn lại của Sư đoàn được tổ chức biên chế lại thành Lữ đoàn, trực thuộc Quân khu Tây Bắc lúc này do đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Để ổn định tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn khuyến khích họ đưa gia đình, vợ con cùng lên Tây Bắc, chọn Điện Biên là quê hương thứ hai. Sau đó, hàng trăm chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã hưởng ứng lời kêu gọi, đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương tiếpnhận hơn 900 người là vợ, con, gia đình cán bộ, chiến sĩ 316 lên với Điện Biên. Năm 1960, sau khi mọi thứ đã ổn định và đi vào sản xuất, một lễ hạ sao đã được thực hiện vào ngày 22 tháng 12 để những người lính Sư đoàn 316 trở thành những cán bộ, công nhân Nông trường Điện Biên. Lịch sử cũng sang trang mới từ đó. Điện Biên, 4 năm sau ngày chiến thắng đã trở thành điểm hẹn của hàng nghìn người lính, nam nữ thanh niên khắp các miền quê từ Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình… lên xây dựng cuộc sống mới.

Nông trường Điện Biên suốt một thời gian dài đã trở nên nổi tiếng, là niềm tự hào trong lao động sản xuất, trong vai trò là hậu phương lớn trên miền Bắc, là biểu tượng của sự hồi sinh từ những đau thương chết chóc trong chiến tranh. Hôm nay, ở mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù Nông trường Điện Biên chỉ còn trong ký ức nhưng những nhân chứng sống của những năm tháng sục sôi ấy vẫn còn. Chúng tôi đã tìm gặp lại họ trong dịp về Điện Biên đầu năm 2024, trước thềm của ngày Đại lễ.

*

Thôn Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên vốn là xóm nông trường. Đây là nơi quần tụ của rất nhiều gia đình công nhân Nông trường kể từ năm 1976, khi Nông trường phân đất cho các hộ gia đình về sinh sống. Ông Lại Văn Năm và bà Lưu Thị Tấm là một trong số đó. Ông bà là hai người con của vùng đất Cẩm Khê, Phú Thọ, nhưng đã gặp nhau tại Điện Biên, vừa như duyên phận, vừa là sự gặp gỡ lịch sử, để rồi bén rễ xanh cây trên mảnh đất này. Và một điều đáng quý là, 62 năm sau lễ cưới, họ vẫn bên nhau, cùng an hưởng tuổi già, cùng chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất từ lâu đã trở thành nơi ươm trái ngọt.

Như những câu thơ trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, tình yêu của ông bà Lại Văn Năm và Lưu Thị Tấm cũng nảy nở như vậy tại mảnh đất Điện Biên lịch sử. Thực ra câu chuyện của ông bà cũng không phải quá đặc biệt, bởi sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1958, khi một số đơn vị thuộc Sư đoàn 316 được lệnh quay trở lại tái thiết Điện Biên, làm nòng cốt xây dựng các nông trường thì đã có rất nhiều những mối tình bộ đội - công nhân nông trường nên duyên, cùng lập nên những làng xóm đầu tiên ở thung lũng lòng chảo khi xưa vốn là tập đoàn cứ điểm lớn nhất Đông Dương, nơi Pháp dồn biết bao tâm lực và tham vọng. Thế nhưng mối tình ấy đặc biệt ở chỗ, đến nay, 70 năm sau sự kiện chấn động địa cầu Điện Biên Phủ thì ông bà vẫn còn đó trên mảnh đất này, như những chứng nhân lịch sử ít ỏi còn lại kể câu chuyện tưởng như đã lùi xa khi các nhân chứng trực tiếp phần lớn đã về với thế giới người hiền.

Ông Lại Văn Năm sinh năm 1932 tại Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ. Làng ông kề bên nhà thờ công giáo. Ông mồ côi cả bố lẫn mẹ, từ nhỏ đã phải đi ở nuôi thân. Năm 1952 ông nhập ngũ vào Trung đoàn 177 huấn luyện tại Phú Thọ. Sau đó ông cùng 22 chiến sĩ được cử đi học kỹ thuật công binh 6 tháng rồi được điều về Sư đoàn 316. Khi ông được điều về Tiểu đoàn công binh 34 của Sư đoàn và lên Điện Biên thì Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt. Ông vẫn may mắn được tham gia đợt 2 và đợt 3 của chiến dịch lịch sử này. Tiểu đoàn 34 có 4 trung đội, ông ở trung đội 3, anh em trong đơn vị đa số là người dân tộc thiểu số. Hành quân đến Điện Biên, đơn vị ông trú quân trong một khu rừng, bộ đội ở trong những căn lều lợp lá chuối, ban đêm trời mưa dột không sao ngủ nổi. Dù đã cắt cử canh gác cẩn thận nhưng chỉ huy đơn vị vẫn quán triệt anh em hết sức cảnh giác vì phỉ có thể đột nhập vào đơn vị, nghe đồn nếu sơ hở chúng sẽ tấn công cắt lấy đầu đem về nộp cho quan Pháp để lĩnh thưởng. Nghe vậy ban đêm ông Năm không dám ngủ, phần vì sợ, phần vì nhớ nhà, chàng lính trẻ toàn nằm khóc. Ăn cơm cũng không có bát đũa gì, vì hành quân cơ động, việc đảm bảo hậu cần hết sức hạn chế, anh em đẽo ống tre làm bát, vót nứa làm thìa, cắt thân bương làm máng để cơm canh. Cơm ăn có cá khô, rau thì tự kiếm. Trung đội hơn 40 người quê ở khắp nơi. Đơn vị ông có nhiệm vụ mở đường, đánh bộc phá cắt hàng rào thép gai để bộ binh xung phong đánh chiếm mục tiêu. Địch bố trí nhiều loại hàng rào không dễ công phá, nhất là hàng rào bùng nhùng, bộc phá bình thường đánh chúng chỉ tung lên rồi lại rơi xuống chứ không phá hủy được. Bộ đội ta nghĩ ra cách chế tạo bộc phá ống để diệt. Bộc phá ống được làm bằng những cây bương dài 10 - 15 mét, mỗi cây như thế được nhồi những quả bộc phá dọc thân, sau đó đưa cả cây xuyên theo hàng rào và kích nổ đồng loạt, chỉ như vậy mới cắt được rào, mở cửa để anh em bộ binh xung phong công đồn. Đơn vị ông tổ chức trinh sát, mặc quần áo giả làm dân đi điều nghiên, tìm kiếm những vị trí sơ hở, dễ công phá để đánh. Sân bay Mường Thanh có hàng rào kiên cố nhất với rất nhiều hàng rào kiểu cũi lợn. Ông đi trinh sát đạn địch bắn ra từ căn cứ ràn rạt trên đầu. Con sông Nậm Rốm đã trở nên quen thuộc với ông từ những ngày ấy.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông Năm được giao đi áp tải tù binh về Việt Trì rồi về đóng ở Trung Hà, giáp ranh Sơn Tây - Phú Thọ. Đơn vị ông sẵn sàng chờ tấn công tiêu diệt đồn Pháp bên kia sông thì có lệnh đình chiến. Sau đó đơn vị ông lại tiếp tục vào Cửa Lò, Cửa Hội thực hiện nhiệm vụ. Nhưng cơ duyên với Điện Biên của ông Năm chưa hết. Năm 1958, đơn vị ông được lệnh trở lại Điện Biên, vì nơi này nói riêng, Tây Bắc nói chung, tuy giặc Pháp không còn nhưng phỉ vẫn hoành hành, cướp bóc, hà hiếp nhân dân, Điện Biên lúc này ta chỉ để lại một trung đoàn đóng quân, không thể trấn áp hết. Chiến dịch Điện Biên Phủ ngốn không biết bao nhiêu bom đạn trước đó, vùng lòng chảo bị cày xới đến từng ngọn cỏ, bom đạn vẫn ẩn trong đất đai dày đặc, xen kẽ với đó là hàng loạt dây thép gai giăng mắc. Ngày nào cũng có tiếng bom đạn nổ, không chếtngười thì cũng chết trâu bò của dân. Trâu bò lạc vào bãi mìn chết dân cũng không dám vào lấy xác vì sợ dính mìn. Các đơn vị bộ đội được lệnh rà phá, tiêu hủy bom mìn để trả lại cho Điện Biên sự bình yên. Đơn vị ông đóng ngay dưới chân đồi A1, vỡ đất trồng bí đỏ, trồng các loại nông sản. Vẫn bài ca cá khô, rau tàu bay ăn với ngô bung. Cánh đồng Mường Thanh tươi tốt, dân cấy một vụ đủ lúa ăn cả năm nhưng bộ đội thì đói. Dân gặt lúa xong cứ chất ngoài đồng che mưa nắng, ăn bữa nào mới ra lấy về vò, xay giã nấu bữa đó, tuy thế bộ đội vẫn chấp hành nghiêm kỷ luật, không mảy may tơ hào. Đại đội của ông Năm làm nhiệm vụ gỡ mìn ở sân bay Hồng Cúm. Trung đội ông rất đông, lên đến 60 người, trong số đó chỉ có một số vốn là chiến sĩ Điện Biên trở về xây dựng kiến thiết nơi này và ông là một trong số đó. Đến năm 1958, khi bom mìn đã được dò gỡ tạm ổn thì trên có chủ trương thành lập Nông trường Điện Biên cùng với rất nhiều nông trường trên cả nước để phát triển nông nghiệp, tạo nguồn lương thực thực phẩm cung cấp cho cả nước và cho tiền tuyến đánh Mỹ. Đơn vị lại chuyển sang giai đoạn đánh gốc bốc trà, san lấp tạo mặt bằng để trồng cây. Những anh bộ đội cầm súng giờ đây chuyển sang cầm cuốc, là nòng cốt trong chăn nuôi, trồng trọt. Những vỏ đạn pháo được dùng làm đe tra cán cuốc xẻng, đập cho lưỡi cuốc lưỡi xẻng sắc hơn để lao động.

Trên đồi A1. Ảnh: Vũ Thành Duy


Bà Lưu Thị Tấm lại đến với Điện Biên theo một cách khác. Tuy tuổi hồ sơ sinh năm 1936 nhưng thực ra bà sinh năm 1934, tức là chỉ kém ông hai tuổi. Một sự tình cờ gắn kết họ, đó là quê bà cũng ở Cẩm Khê, Phú Thọ, nhưng thuộc xã Tiên Lương. Bà có một người chú ở Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, là ông Lưu Đình Bản, làm đại đội trưởng. Sau khi đánh Điện Biên ông Bản cũng bén duyên với mảnh đất này, lấy vợ là người Thái và gắn bó với Điện Biên. Ông về quê đưa các cháu lên Điện Biên làm ăn, xây dựng kinh tế, bởi nhà vợ đất đai nhiều, người làm lại không có. Bà Tấm đã theo chú lên đây. Đến nay bà Tấm vẫn nhớ như in ngày bà có mặt tại Điện Biên năm 1960 ấy đúng vào ngày thành lập Quân đội 22 tháng 12. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại bà đã gắn bó với mảnh đất này 64 năm rồi.

Câu chuyện tình yêu của ông Năm và bà Tấm nảy nở trên chính mảnh đất Điện Biên lịch sử. Ông bà bén duyên với nhau khi người chú bộ đội đang được cử đi học, những tưởng người chú sẽ vui mừng vun vén cho mối duyên này nhưng khi trở về ông Bản không đồng ý vì lý do riêng. Cuối cùng người chú đã đồng ý để ông bà đến với nhau. Đám cưới tập thể cùng hai đôi trai gái nữa được tổ chức tại nông trường theo nếp sống mới có bánh kẹo và thuốc lá cuộn. Chi bộ đóng tặng ông bà một chiếc bàn bằng gỗ. Công đoàn tặng một chiếc phích Rạng Đông rất đẹp. Còn hợp tác xã gốm sứ thì tặng cho đôi vợ chồng trẻ một chiếc chum đựng nước. Điện Biên từ đất lạ đã thành quê hương thứ hai của ông bà từ đó. Chúng tôi ngồi hỏi chuyện đánh Điện Biên với ông Năm ở nhà ngoài, đến khi hỏi đến chuyện xây dựng gia đình, nghe ông nói cưới vợ năm 1960 thì bà ở nhà trong mới đi ra với chiếc lưng còng để đính chính lại rằng ông nhớ nhầm, họ cưới nhau năm 1962 chứ không phải 1960. Một sự bất ngờ để rồi chúng tôi cùng mời bà ngồi xuống hỏi về câu chuyện tình yêu của hai người. Thời gian rất dài nhưng nhìn lại cũng rất ngắn. Bộ phận chăn nuôi của Nông trường ông gắn bó năm xưa nay thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Khu vực này gần sân bay Hồng Cúm, ở phía tây Điện Biên Phủ, dọc sông Nậm Rốm, khi xưa ông vẫn thường dò dọc con sông này đi nắm tình hình địch. Làm việc tại Nông trường Điện Biên, ban đầu ông bà được phân nửa gian trong khu tập thể ở khu vực nông trường cà phê, sau đó ông bà và một số hộ gia đình bộ đội - công nhân khác được phân về đây ở. Khu nhà ở công - nông nay vẫn còn đó, đều tăm tắp, đường sá sạch sẽ gọn gàng. Tên gọi cũng vẫn là khu Chăn Nuôi 2 như thuở nào.

Hơn hai mươi năm gắn bó với Nông trường Điện Biên, vừa trồng trọt chăn nuôi, vừa thu gom hài cốt của cả hai phía, đến năm 1982 ông Năm nghỉ hưu trên cương vị Tổ trưởng tổ sản xuất. Bà Tấm cũng nghỉ việc tiếp tục cùng ông chăm lo cho gia đình nhỏ. Ngôi nhà xây dựng bằng những đồng lương công nhân cóp nhặt ông bà vẫn ở đến hôm nay, gần đây mới phá đi xây nhà mới. Bà Tấm vẫn nhớ như in ngày dọn về ở tại khu này là ngày mùng 1 tháng 6 năm 1976. Ở tuổi 90 bà vẫn có trí nhớ tuyệt vời, rành rọt nhắc đến từng sự kiện gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Ông bà sinh hạ được bốn người con, con gái cả là chị Lại Thị Dung, sinh năm 1965, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên nay đã nghỉ hưu; con thứ hai là anh Lại Văn Quỳnh, sinh năm 1970, người nối nghiệp ông đi bộ đội rồi về làm việc tại Nông trường Điện Biên sau này, nay cũng đã nghỉ hưu; con thứ ba của ông bà là chị Lại Thị Liễu, sinh năm 1972, hiện tại là người gần gũi chăm sóc ông bà; người con gái út của ông bà là chị Lại Thị Nhiễu, sinh năm 1974. Vợ chồng chị Nhiễu làm ăn tại Lai Châu, công việc kinh doanh vật liệu xây dựng khấm khá, năm rồi anh chị đã về kết hợp cùng gia đình xây cho bố mẹ căn nhà rộng rãi khang trang, vừa để bố mẹ ở cho đàng hoàng, vừa là chỗ để tụ họp anh em họ hàng mỗi khi nhà có việc. Tuy đã dọn lên nhà mới nhưng một phần ngôi nhà xưa của ông bà vẫn được giữ lại trong khuôn viên như một kỷ niệm của gia đình.

Cách nhà ông Năm, bà Tấm không xa, cùng trục đường, đến trước ngôi nhà có hàng hoa ngũ sắc rất đẹp là nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Khả. Ông Khả sinh năm 1930 tại Tứ Kỳ, Hải Dương. Dù đã 94 tuổi, tai nghe đã kém nhưng mắt ông còn tinh, ông vẫn có thể đọc báo bình thường. Nhập ngũ năm 1951, sau khi học quân sự 4 tháng ông về Sông Lô, Phú Thọ đánh địch, sau đó đơn vị hành quân lên Mộc Châu, Sơn La, rồi lại từ vùng cửa ngõ Tây Bắc ấy sang Sầm Nưa, Xiêm Khoảng, chiến đấu trên đất Lào. Ông thuộc Đại đội 636, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316. Tiểu đoàn trưởng của ông tên Đoàn Độ, ông Đoàn Độ sau này làm Giám đốc Nông trường Điện Biên. Khi được lệnh từ Lào về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi chiến sĩ được giao gánh 8 quả đạn cối 82. Các ông xỏ đạn vào đòn gánh để gánh, mỗi đầu 4 quả. Vừa đi vừa cơ động đánh địch, về đến Điện Biên ông còn 4 quả đạn 82. Lúc này Chiến dịch Điện Biên Phủ đã vào đợt tấn công thứ hai, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh Đồn Hồng Cúm. Theo kế hoạch tác chiến, nếu không tấn công chiếm được đồn thì đơn vị ông sẽ có nhiệm vụ chặn dòng sông Nậm Rốm để nước dâng lên tràn vào hệ thống hầm hào, công sự của địch buộc chúng phải ra để ta dễ bề bắn hạ. Lúc này ông là Khẩu đội trưởng cối 82. Cả khẩu đội còn 21 quả đạn bắn hai đêm liên tục thì địch rút chạy lên khu Trung tâm bỏ lại xe tăng và pháo. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève năm 1954 được kí kết chia cắt miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đơn vị ông lại được phân công về Thái Bình tuyên truyền vận động nhân dân không nghe theo địch xúi giục di cư vào Nam. Hoàn thành nhiệm vụ dân vận, ông được đi học văn hóa, tiếp đó học trung cấp chăn nuôi trồng trọt ở Thanh Hóa. Học xong ông về xây dựng Nông trường Điện Biên. Ông được giao về Đội 13 ở đầu sân bay Hồng Cúm, vẫn là địa bàn khi xưa đơn vị chiến đấu. Ông Khả cưới vợ ở quê năm 1950, trước khi nhập ngũ. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hiệp, sinh năm 1932. Ngày ấy việc đi lại còn khó khăn, từ Điện Biên Phủ ra đến Tuần Giáo đã mất ba ngày, còn nếu về Hà Nội thì có khi mất cả tháng trời. Năm 1958, ông Khả đưa vợ lên Điện Biên đoàn tụ, xây dựng cuộc sống mới. Ông bà có 6 người con, tất cả đều được sinh ra tại Điện Biên. Con cả của ông bà là anh Nguyễn Thế Khương, sinh năm 1959, sau này nối nghiệp bố mẹ làm việc tại Nông trường Điện Biên. Con trai của anh Khương là cháu Nguyễn Cao Cường, sinh năm 2000, cháu đã chọn con đường binh nghiệp, học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Người con thứ ba của ông bà là chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1964, hiện làm việc tại Nghĩa trang Đồi A1. Bây giờ ông bà ở với người con trai và con dâu út là anh Nguyễn Văn Hoàn và chị Nguyễn Thị Thanh.

Ông Nguyễn Văn Khả, cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Vũ Thành Duy


Sát nhà ông Khả là nhà anh Bùi Văn Sương. Anh Sương hiện là Chi hội phó chi hội Cựu chiến binh của thôn Chăn Nuôi 2. Anh vốn là bộ đội biên phòng giải ngũ về địa phương rồi tham gia công tác hội. Bố của anh, cụ Bùi Văn Ngọc, sinh năm 1923 tại Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình, là lính Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 giống ông Nguyễn Văn Khả. Những gia đình bộ đội - công nhân đã quần tụ ở đây, sinh sống và phát triển, kế tiếp đến hai, ba đời. Cụ Bùi Văn Ngọc đã mất năm 1988 nhưng con cháu của cụ vẫn mãi gắn bó với mảnh đất Điện Biên, quê hương thứ hai các cụ chọn năm xưa đến thế hệ các con đã trở thành quê hương thứ nhất. Rất nhiều người con của những người lính Điện Biên và các công nhân nông trường đã tiếp nối bố mẹ tiếp tục xây dựng Nông trường Điện Biên trong những năm tháng sau này. Con trai của ông Lại Văn Năm và bà Lưu Thị Tấm cũng vậy, anh Lại Văn Quỳnh sau khi đi bộ đội về cũng đầu quân cho Nông trường, làm việc và nghỉ hưu tại đây như anh Nguyễn Thế Khương, con trai ông Khả. Sau này ông bà Lại Văn Năm - Lưu Thị Tấm đã trở thành thông gia với người đồng đội cùng Sư 316 là ông Nguyễn Đình Đường. Ông Nguyễn Đình Đường sinh năm 1921 tại Quảng Hưng, Quảng Hòa, Cao Bằng, là quân của Sư đoàn 316. Sau khi trở lại Điện Biên đã kết hôn với bà Lê Thị Sánh, quê ở Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Bà Sánh từ Thanh Hóa đi dân công hỏa tuyến rồi ở lại làm công nhân tại Đội 4, Nông trường Điện Biên. Người cháu ngoại của ông Năm, cháu nội của ông Đường hiện là Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn, Chính trị viên tại Trung đoàn 82, Sư đoàn 355, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên.

*

Rời huyện Điện Biên trở về thành phố Điện Biên Phủ, theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Kim Điều nằm trên con đường mang tên ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta - đường 13 tháng 3. Ông Điều sinh năm 1930 tại Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Cũng giống như gia đình ông Năm, bà Tấm, vợ chồng ông Điều - bà Hoa cũng vẫn còn mạnh khỏe bên nhau. Câu chuyện của ông bà lại bày ra trước mắt tôi một cuộc đời Điện Biên khác.

Ông Điều nhập ngũ năm 1952, trước khi lên Điện Biên ông đã tham gia Chiến dịch Tây nam Ninh Bình. Tháng 1 năm 1954, ông thuộc Đại đội thông tin 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 316 hành quân lên Điện Biên. Cả đơn vị trú quân trong khu rừng thuộc xã Thanh Minh. Khi mở màn Chiến dịch, trung đoàn của ông được phân công đánh Đồi Độc Lập. Hai đợt phá khẩu được mở, đơn vị dùng bộc phá ống đánh hàng rào bùng nhùng, vượt qua con suối cạn xung phong. Trận tấn công Độc Lập khó khăn hơn Him Lam, ta thay đổi cách đánh, nhưng vẫn gặp khó khăn vì pháo yểm trợ từ Him Lam vào muộn do trời mưa, đường trơn. Ông cùng 2 chiến sĩ nữa trong tổ ba người được giao đưa công văn hỏa tốc về Trung đoàn xin tăng cường thủ pháo và lựu đạn. Ba chiến sĩ chạy dưới hào, có chỗ hào bị địch câu pháo bắn lấp thì chạy lên cả mặt đất trống. Hai chiến sĩ bị thương, ông Điều là người còn lại duy nhất, tiếp tục chạy dưới hai làn đạn quyết tâm mang công văn về Trung đoàn. Về đến Sở Chỉ huy Trung đoàn, ông chỉ kịp trao công văn cho Trung đoàn trưởng Lê Thùy rồi lăn ra ngất. Được các y tá rửa vết thương và hồi sức, ông mới dần tỉnh lại. Rạng sáng ngày 15/3 ta chiếm được Đồi Độc Lập.

Sau đó đơn vị ông Bùi Kim Điều lại được giao đào giao thông hào chia cắt phân khu Hồng Cúm với Mường Thanh. Ông Điều vẫn nhớ những ngày đi chiến dịch, trời Điện Biên năm ấy mưa nhiều, cấp dưỡng không nấu cơm được, bộ đội phải ăn gạo rang, ngủ trong các hàm ếch của chiến hào, dựa vào nhau để truyền hơi ấm. Anh em thay nhau đào hào, cứ ngủ 3 tiếng lại ra thay ca để người khác vào ngủ. Hai đơn vị đào phối thuộc từ hai bên sườn đông và tây sân bay Hồng Cúm, đến khi hào thông nhau bộ đội từ hai hướng ôm nhau cười như nắc nẻ vì độ chính xác trong tính toán, nhìn lại phía sau nước mưa trộn với bùn và máu bê bết dọc chiến hào. Tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, ước tính bộ đội ta đã đào tất cả 200km hào, trong đó có những mét hào của ông Điều và đồng đội năm ấy.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị ông Điều được giao áp giải hơn 4.000 lính lê dương về Nghĩa Lộ, Yên Bái. Ông còn nhớ trước khi dẫn giải tù binh, đơn vị đã cho thu hết đồng hồ, nhẫn vàng lại, số tư trang của địch gom lại hàng thúng. Tù binh Pháp tưởng sẽ bị tịch thu, nhưng đó chỉ là kỷ luật hành quân, đến Nghĩa Lộ đơn vị lại bàn giao cho nhà tù để giữ trả lại cho họ. Một số tù binh tìm cách chạy trốn trên đường áp giải, đơn vị ông ngăn chặn bắt lại, bắt hàng binh tháo giày để chúng không chạy được nữa. Bàn giao hàng binh xong Trung đoàn 164 về đóng tại Diên Hồng, Phú Thọ, ven sông Đà, bên kia là bốt Trung Hà, Triều Dương, đứng bên này sông nhìn thấy rõ lính Pháp đi lại. Khi có lệnh đình chiến, đơn vị ông lại về Phố Giỏ, Lạng Giang, Bắc Giang khai thác tre nứa làm trang trại. Năm 1956 lại về Vĩnh Phúc đóng quân, ở trong các nhà dân, huấn luyện và chờ lệnh.

Đến năm 1958, Trung đoàn 165 được cử lên mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Sau đó, khi công trường 426 ra đời thì ông và đồng đội lại được điều về xây dựng Nông trường Điện Biên. Lúc đó ở Mường Ẳng có một phân trường, đơn vị ông được phân công về đây. Mảnh đất Mường Ẳng đã trở thành nơi gắn bó với gia đình ông biết bao những kỷ niệm vui buồn. Ông được giao làm Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Nông trường Điện Biên phụ trách Phân trường Mường Ẳng, mỗi lần về tỉnh lỵ họp ông phải đi bộ vượt quãng đường 40 cây số, mất cả ngày đường, đi về mệt cơm không buồn ăn, bà Hoa vợ ông phải pha nước muối cho ông ngâm chân vì mỏi và phồng rộp. Năm 1964, Phân trường Mường Ẳng tách ra thành nông trường riêng, ông được phân một chiếc xe đạp Thống Nhất, đạp đi đạp về từ Mường Ẳng lên Lai Châu một ngày rưỡi mới tới, đi nhiều, đường xóc đến nỗi ông phát bệnh dạ dày.

Ông Bùi Kim Điều cưới vợ năm 1957, ở quê. Như nhiều cán bộ Quân đội ngày ấy ở lại xây dựng Điện Biên, ông Điều cũng động viên vợ là bà Trần Thị Hoa rời quê lên nông trường cống hiến và lập nghiệp. Hai vợ chồng được phân nửa căn phòng nhỏ trong dãy nhà tập thể rất dài, anh em tự vào rừng lấy tre nứa dựng lên. Công việc khai hoang, chặt cây cối, san lấp mặt bằng làm ruộng làm rẫy rất vất vả. Những cây chuối rừng to anh em công nhân phải chặt mang ra bờ suối tập kết để giải phóng đất. Những cây gỗ thì dùng cưa cắt, dùng búa, xà beng đánh gốc bốc trà để lấy mặt bằng trồng lạc, trồng ngô. Chuồng trại chăn nuôi cũng được xây dựng. Mường Ẳng ngày ấy còn hoang vu, ban đêm hổ về bắt lợn bắt bò của nông trường khiến công nhân vừa ngủ vừa thấp thỏm.

Thời gian đầu lao động trên nông trường chỉ dùng sức người, có trâu bò trợ giúp kéo cây cối, tre nứa khai thác trong rừng, sau đó nông trường được cấp một chiếc máy cày. Anh chị em phấn khởi xúm lại xem chiếc máy sẽ hỗ trợ đắc lực cho họ trong việc làm đất mà lần đầu tiên những công nhân xuất thân từ nhà nông nhìn thấy. Sau này ông Điều được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hành chính, nông trường cũng được cấp một chiếc ô tô để tiện đi lại, vì thế việc đi họp trên tỉnh cũng đỡ vất vả hơn. Vậy nhưng chiến tranh vẫn kéo dài trên đất nước, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp, nhưng liền sau đó Mỹ vào thế chân Pháp ở miền Nam. Những năm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Nông trường của ông đã bị bom thả làm cháy mất một kho ngô, một kho lạc. Bao mồ hôi công sức của hàng trăm công nhân bỗng chốc thành mây khói. Một lần khác địch lại ném bom trúng trại nuôi lợn khiến 2 công nhân chết, 5 người khác bị thương. Nông trường lại khắc phục hậu quả, tiếp tục sản xuất lương thực, thực phẩm, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên giao.

Năm 1976, ông Điều chuyển sang làm Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ. Ông từng đại diện Nông trường Mường Ẳng về Thái Bình hợp đồng với Ty Lao động tỉnh tuyển 400 công nhân cho Nông trường, phải chia làm 4 đợt mới tuyển và đưa lên hết. Trong một lần về Lai Châu khám bệnh dạ dày, bác sĩ khuyên nên phẫu thuật cắt phần bị loét, ông chưa kịp nghe theo thì trên đường về bệnh đã trở nặng phải quay lại nhập viện để làm phẫu thuật. Sau khi cắt phần tổn thương của dạ dày, sức khỏe suy giảm ông xin nghỉ việc tại Nông trường Mường Ẳng. Bà Hoa vợ ông vốn làm thương nghiệp, lên Nông trường thì làm kế toán. Sau khi nghỉ việc tại Nông trường ông bà về trồng cây, từ trồng bòng bưởi đến làm bột dong riềng, chăn nuôi gia súc... Từ hai con bê ông bà đã nuôi phát triển thành đàn bò 13 con. Năm 2013, để thuận tiện cho con cái học hành và làm ăn, ông bà đã bán nhà tại Mường Ẳng chuyển lên thành phố Điện Biên Phủ sinh sống. Lúc đầu ông bà theo con trai vào Biên Hòa ở, nhưng sau đó thấy không hợp nên lại quay về Điện Biên ở với con gái là chị Bùi Thị Hồng.

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi lại được giao nhiệm vụ trở lại Điện Biên Phủ, gắn bó với mảnh đất Điện Biên, đến nay mảnh đất này đã thành quê hương của các con ông. Cùng đơn vị chiến đấu ngay từ những trận mở màn của Chiến dịch, hôm nay, ngôi nhà ông ở lại tình cờ đúng ở con đường 13-3 để đánh dấu ngày mở màn Chiến dịch, quả là một sự ngẫu nhiên thú vị. Điện Biên 70 năm sau giải phóng đã khác xưa rất nhiều. Những chiến tích vẫn còn đó như kể những câu chuyện lịch sử, nhưng Điện Biên đã mang một hình hài khác. Sau bao nhiêu thăng trầm, vui buồn của cuộc đời, niềm vui lớn nhất của ông Bùi Kim Điều và bà Trần Thị Hoa là ông bà vẫn còn sống, ít nhiều khỏe mạnh để nhìn thấy sự đổi mới của quê hương. Các con của ông bà cũng đã có người về hưu sau khi đóng góp cho Điện Biên. Chị Bùi Thị Hồng, con gái cả của ông bà, sinh năm 1960 trước khi nghỉ hưu là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học. Chị Bùi Thị Hương, con gái thứ hai của ông bà đã làm đến Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, sau khi nghỉ hưu lại đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Người cao tuổi Điện Biên. Hiện ông bà đã có 43 người cả con, cháu, chắt trong đại gia đình Điện Biên sau khoảng thời gian hơn 60 năm gắn bó với vùng đất này.

*

Ông Hoàng Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Điện Biên Phủ cho biết, Hội Cựu chiến binh thành phố có 1.465 hội viên nhưng chỉ còn 59 cụ là chiến sĩ Điện Biên, trong đó cụ cao tuổi nhất là Cà Văn An, dân tộc Thái, 103 tuổi. Năm 1985 Ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên của thành phố mới được thành lập, quy tụ những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa về sinh hoạt. Đến nay các cụ phần lớn đều đã mất, số còn lại cơ bản cũng già yếu, không còn nhiều cụ mạnh khỏe. Khoảng 3 vạn công nhân nối tiếp các thế hệ từ mọi miền quê đã về xây dựng Nông trường Điện Biên, trong đó nòng cốt xấp xỉ 2.000 người lính phần nhiều là chiến sĩ Điện Biên thuộc Sư đoàn 316. Họ đã chiến đấu giải phóng Điện Biên, rồi trở lại tái sinh vùng đất này, làm nòng cốt gây dựng nên một nông trường hàng đầu trên miền Bắc tại địa danh mang ý nghĩa lịch sử to lớn.

Có mặt tại Điện Biên hôm nay, thông qua những câu chuyện cụ thể về những cuộc đời chúng tôi cảm giác như chạm vào được những gì thuộc về lịch sử. Đặc biệt là khi được tận tay cầm những kỷ vật ngày cưới của ông Lại Văn Năm và bà Lưu Thị Tấm, những kỷ vật đơn sơ nhưng sau 62 năm vẫn được ông bà giữ gìn cẩn trọng. Khi phần trò chuyện giữa tôi và ông bà gần kết thúc, như để chứng thực cho những gì vừa kể, ông bà mời chúng tôi ra phía căn bếp cũ bên hông căn nhà mới, chỉ cho tôi chiếc bàn Chi bộ đóng tặng, lấy ra chiếc phích năm xưa, vỏ vẫn còn nguyên, lõi thì đã thay đôi ba lần, hiện vẫn được dùng trữ nước nóng. Ở góc vườn, chiếc chum sành đứng lặng lẽ như chứa đựng hơn 60 năm lịch sử. Đặc biệt hơn, ông Năm còn lấy ra khoe với chúng tôi chiếc vỏ đạn pháo. Chiếc vỏ đạn này đã tháo thuốc, được ông sử dụng làm đe để đập cho lưỡi cuốc lưỡi xẻng trở nên sắc bén để làm đất nông trường. Bởi thế nó đã mòn vẹt đi ở khoảng thân giữa khi phải chịu tác động nhiều. Những chiếc lưỡi cuốc, lưỡi xẻng của Nông trường Điện Biên năm xưa nhờ cảnh “trên đe dưới búa” mà trở nên sắc hơn, góp phần dựng xây mảnh đất này, làm ra hạt lúa củ khoai cung cấp cho nhân dân và cung cấp cho tiền tuyến, cùng nhân dân cả nước đánh Mỹ, giải phóng miền Nam. Nhìn cách đối xử với các kỷ vật thời chiến của ông bà, tôi nhận ra rằng, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên trên mảnh đất này. Ông Năm ngỏ ý tặng chúng tôi chiếc vỏ đạn pháo mang về Hà Nội làm kỷ niệm. Bây giờ ông bà đã già, nhiệm vụ đã hoàn thành, ông bà không cần giữ chúng nữa. Chúng tôi nhận chiếc vỏ đạn cối 82 trĩu nặng những kỷ niệm của cuộc đời người cựu binh Điện Biên Phủ, như thẩm thấu cả linh khí vùng đất lịch sử này. Tôi gợi ý ông bà sau dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên hiến các hiện vật ngày cưới cho Bảo tàng, đó sẽ là những tài sản tinh thần, những biểu tượng cho một thế hệ đã đến nơi đây và ở lại, gắn bó với vùng đất lòng chảo, vùng đất nhỏ bé nhưng sau Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Cánh đồng Mường Thanh hôm nay vẫn mướt mát xanh trong mùa tháng ba lúa đương thì con gái. Đây là cánh đồng lớn nhất Tây Bắc, được coi là vựa lúa của Điện Biên, làm ra những hạt gạo ngon nức tiếng. Màu xanh ấy như được tiếp sức từ những mùa xanh nông trường, như một biểu tượng hồi sinh sau chiến tranh ở mảnh đất thấm máu đào liệt sĩ. Để làm nên chiến thắng vĩ đại ấy, hàng ngàn người con đất Việt đã ngã xuống, thịt da của họ hòa vào đất đai cây cỏ. Khắp các nghĩa trang ở Điện Biên là hàng trăm, hàng ngàn ngôi mộ vô danh như những thông điệp không lời gửi những người đang sống hôm nay.

Điện Biên Phủ là điểm hẹn lịch sử giữa Quân đội Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam cho một trận quyết chiến đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới. Giờ đây, sau 70 năm, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia quân sự khắp thế giới vẫn còn đau đầu lý giải về nó, mổ xẻ những nguyên nhân thất bại của tướng Navarre khi chọn thung lũng Mường Thanh để xây dựng tập đoàn cứ điểm như “con nhím khổng lồ” giữa núi rừng Tây Bắc nhằm tạo bàn đạp giữ Đông Dương. Và Điện Biên cũng là điểm hẹn của những cuộc đời. Họ đã đến và ở lại, cùng nhau xây dựng hạnh phúc riêng trong những cống hiến chung, cùng chung tay kiến tạo một Điện Biên của tương lai, đặt những nền móng đầu tiên cho một Điện Biên hiện đại, phát triển. Những cuộc đời nhỏ bé ấy đã góp phần kể chuyện Điện Biên, góp phần làm nên lịch sử của vùng đất đặc biệt này.

Tháng 4 năm 2024
N.X.T
(TCSH423/05-2024)

 

 

Các bài mới
Anh và km 0 (12/06/2024)
Chùm thơ Lê Nhi (10/06/2024)
Trong tầm tay (07/06/2024)
Các bài đã đăng