Tạp chí Sông Hương - Số 424 (T.06-24)
Bác Hồ với báo Thanh Niên
10:06 | 18/06/2024

DƯƠNG HOÀNG

Những quan điểm, tư tưởng, nhận thức chính trị, văn hóa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua nhiều hoạt động cách mạng và tác phẩm của Người, trong đó có báo chí.

Bác Hồ với báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập số 63, ra ngày 3/10/1926, tại Quảng Châu - Ảnh: tư liệu

Kể từ bài báo đầu tiên viết về “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên L’ Humanité, số 5584, ra ngày 2/8/1919 đến bài cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng1 đăng trên báo Nhân Dân, số 5526, ra ngày 1/6/1969, Người đã viết trên 2.000 bài báo bằng các thứ tiếng chủ yếu là Pháp văn, Hán văn, Việt văn đăng ở trong nước và nước ngoài; Người còn sáng lập và tham gia sáng lập nhiều tờ báo như Le Paria (1922 tại Pháp), Thanh Niên (1925 tại Trung Quốc), Công Nông (1926 tại Quảng Châu), Lính Kách Mệnh (1927 tại Quảng Châu), Thân Ái (1928 tại Thái Lan), Việt Nam độc lập (1941 tại chiến khu Cao Bằng)… Chỉ riêng sự nghiệp báo chí, Người đã để lại một di sản đồ sộ vô cùng quý giá cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau một thời gian ở Liên Xô, cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu hoạt động, và để tiện cho việc chỉ đạo, nắm tình hình cách mạng Việt Nam; thành phố Quảng Châu lúc bấy giờ là một trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc.

Đến Quảng Châu, Người nhanh chóng nắm bắt tình hình, dựa vào sự giúp đỡ của phái đoàn và các đồng chí trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người bí mật bắt liên lạc với những người yêu nước Việt Nam đang lưu vong ở đây.

Cuộc ném bom ở Sa Diện nhằm giết Toàn quyền Đông Dương Méclanh của Phạm Hồng Thái bất thành, những thanh niên yêu nước Việt Nam trong tổ chức Tâm Tâm xã cảm thấy bối rối, lúng túng trong việc xác định phương hướng, không tìm được con đường giải phóng dân tộc. Nhiều tổ chức trong nước lúc này không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử dân tộc chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh quốc tế sau Cách mạng Tháng Mười Nga.

Tại Việt Nam bấy giờ, các phong trào yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nhưng tinh thần chống kẻ thù xâm lược trong các tầng lớp nhân dân vẫn âm ỉ nung nấu, vẫn âm thầm tập hợp lực lượng, chờ thời cơ là bùng lên. Một nhân tố mới xuất hiện, ngày càng phát triển, là những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản nước ngoài và giai cấp tư sản Việt Nam áp bức, bóc lột, liên tiếp nổ ra từ Nam chí Bắc.

Trước tình hình đó, với tư cách là người của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những thanh niên yêu nước trong tổ chức này, giáo dục và lựa chọn những người ưu tú nhất để tổ chức Thanh niên cộng sản đoàn làm nòng cốt cho việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào đầu năm 1925.

Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập tại một cơ sở cách mạng bí mật - nay là một cơ sở bảo tàng, tại số 250 phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, Tổng bộ Hội quyết định ra báo Thanh Niên làm cơ quan ngôn luận của mình, tòa soạn Thanh Niên cũng đóng cùng địa điểm này.

Báo Thanh Niên ra số 1 vào ngày 21/6/1925. Sáng lập, chủ trì công việc biên tập, vẽ minh họa và in ấn, phát hành 88 số đầu đều do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách, khi Người còn ở Quảng Châu2, giúp việc có một số đồng chí như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Văn Lĩnh, Lê Duy Điếm… Sau khi tờ Thanh Niên phát hành được một thời gian, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản báo Công Nông Lính Kách Mệnh cũng là cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.


Báo Thanh Niên được in trên giấy trắng, khuôn khổ không thống nhất từng số, cỡ trang trung bình của các số là 18cm x 24cm (vài số có cỡ 13cm x 19cm). Lúc đầu, Thanh Niên có ý định xuất bản hàng tuần, nhưng vì điều kiện và tài chính nên có nhiều số ra không đúng kỳ hạn.

Trên đầu trang nhất, chạy ngang từ trái sang phải, vẽ ngôi sao năm cánh, bên trong ghi số báo; rồi đến hai chữ Thanh Niên bằng chữ Hán và Thanh Niên bằng chữ Việt. Hàng dưới, về bên phải, có ngày ra của số báo. Tất cả những chữ trên đều đặt trong khung chữ nhật kẻ tạo thành một măng sét báo sang trọng.

Vì xuất bản bí mật nên măng sét của báo không ghi là cơ quan ngôn luận của tổ chức nào. Toàn bộ các trang báo được viết trên giấy sáp bằng bút thép nhọn. Các số phần nhiều là 2 trang, có số 4 trang và cũng có số 5 trang. Mỗi trang thường được chia thành 2 cột, mỗi cột chiều ngang có từ 8 đến 9 chữ viết to, dễ đọc.

Một số đầu bài được viết bằng chữ Hán, như Phụ nữ đàn, Tân văn, v.v.

Báo in xong được gửi phần lớn về trong nước theo đường dây bí mật. Một số gửi đến các tổ chức của Hội ở Thái Lan, Trung Quốc, những người Việt yêu nước ở Pháp và Quốc tế Cộng sản.

Báo không có ban biên tập riêng, và cũng không có ngân sách riêng. Mọi chi phí cho tờ báo được dự trù và chi trong sổ chi chung của Tổng bộ.

Các bài viết khi đó dùng từ Annam, sau này người ta thay bằng từ Việt Nam. Những chữ lúc đó được viết là z, k, f, ng… sau này viết là d, c, ph, ngh…

Báo in số lượng ít, nhiều khi mất trên đường nên ít cơ sở nhận được báo đều đặn. Vì thế mà nhiều nơi đã tổ chức chép tay để truyền nhau đọc.

Đối tượng tuyên truyền vận động chủ yếu là những thanh niên Việt Nam trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và những thanh niên yêu nước tiến bộ tán thành tôn chỉ của Hội, qua đó tỏa dần vào công nhân, nông dân, giáo chức, những người lao động trí óc…

Mật thám Pháp biết ít nhiều về báo Thanh Niên, do bố trí tay sai trong nội bộ Hội bí mật ăn cắp báo đưa ra, hoặc khám xét tổ chức Hội tìm thấy báo.

Thanh Niên có xã luận, bình luận, truyện lịch sử thế giới, truyện lịch sử dân tộc, tin tức, hướng dẫn tổ chức đoàn thể, có mục dành riêng cho phụ nữ, đấu tranh tư tưởng, lý luận v.v… Và dù báo có đăng các bài viết đông tây, kim cổ, trong nước hay ngoài nước, nhưng nội dung chính của 88 số đầu do Nguyễn Ái Quốc “trực tiếp thực hiện” đều quy tụ vào mấy điểm cơ bản sau:

1. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Pháp, giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc nói chung;

2. Khẳng định con đường cách mạng, chống con đường cải lương;

3. Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng;

4. Nhận rõ con đường cách mạng, người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và có phương pháp cách mạng đúng;

5. Cần có đảng cộng sản lãnh đạo cách mạng và tổ chức quần chúng cách mạng, đặc biệt là tổ chức công nhân;

6. Nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng các nước, khẳng định cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng Nga thì mới giành được thắng lợi…

Trên các số báo, hầu hết các bài viết đều ít nhiều đề cập đến việc khơi sâu lòng căm thù của nhân dân ta đối với thực dân Pháp cướp nước. Từ đó, đặt ra câu hỏi: dân ta bị áp bức, bóc lột mãi sao?

Ngay từ số 1 Thanh Niên có bài viết: “Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sự lãnh đạo. Sức lãnh đạo đó không phải của một vài người thôi, mà sinh ra từ sự hiệp lực của hàng ngàn, hàng vạn người”.

“Muốn cho hàng ngàn, hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí như nhau, họ phải theo đuổi một mục đích như nhau, có vậy mới có đoàn kết”.

“Khi nào cùng ý chí, cùng mục đích thì khi ấy mới có thể cùng đoàn kết, bằng không thì dầu hô hào đoàn kết mấy đi nữa cũng không thể nào đoàn kết được”.

Trên Thanh Niên số 2, ra ngày 28/6/1925, in bài “Phá lồng ra”, có nghĩa là dùng bạo lực để lật đổ đế quốc xâm lược, là làm cách mạng, “Cách mạng là biến đổi từ xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mạng thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn v.v…”.

Về lực lượng cách mạng, Thanh Niên số 73, ra ngày 12/12/1926, viết: “Đương khi mất nước, bước đầu cách mạng là ai đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa đi mà muốn cho dân tộc mình được tự do giải phóng. Lực lượng dân tộc cách mạng là ở về toàn quốc dân, nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mạng to lớn chừng ấy”.

Cách mạng là việc lớn “không phải một vài người làm nổi được, mà cũng không phải mấy ngày, mấy tháng làm ngay được”3. Vì vậy cần phải có phương pháp cách mạng đúng. “Trước hết phải biết chính sách của Tây, sau phải biết bí mật mà sắp đặt những công việc mình”. Và “việc gì làm trước, việc gì làm sau theo một kế hoạch” cách mạng trước hết phải tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, sau cùng mới dùng đến vũ lực, đừng chăm chăm chỉ biết cách làm bạo động”4.

Vì cách mạng Việt Nam gắn với cách mạng thế giới, trên số 6 ra ngày 26/7/1925, Thanh Niên viết: “Sau các cuộc cách mạng chính trị xã hội, có thể vẫn tồn tại người bị áp bức, còn có tình trạng khác biệt giữa các dân tộc. Lúc đó cần phải có cuộc cách mạng toàn thế giới. Sau cuộc cách mạng đó, nó ở khắp bốn phương trời trên Trái Đất sẽ là bạn của nhau. Đó là thời đại của tình hữu nghị quốc tế”…

Thanh Niêncó nhiều bài viết về ý nghĩa, tác dụng to lớn của các tổ chức công hội, thanh niên, nông hội, phụ nữ; giới thiệu tình hình các tổ chức đó ở nhiều nước trên thế giới, lập ra bao giờ, có bao nhiêu hội viên, hoạt động ra sao, đem lại lợi ích gì, ở nước ta nên làm thế nào?... Báo còn có bài viết về tình hình người Việt ở nước ngoài cần thương yêu, đùm bọc nhau về tình nghĩa đồng bào lưu lạc nơi đất khách quê người, đừng để cho người nước ngoài khinh người mình, v.v.

Ngay từ cuối năm 1926 đến đầu năm 1927, nhiều tổ chức hoạt động yêu nước ở Huế và Quảng Trị đã tiếp cận được tờ Thanh Niên từ nước ngoài chuyển về, được sao chép thêm nhiều bản để phổ biến, đây là nguồn tài liệu học tập rất quý, mở ra một con đường cách mạng chân chính, giải phóng dân tộc theo học thuyết cộng sản.

Báo Thanh Niên giữ một vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Mác - Lê nin, được thanh niên yêu nước say sưa tìm đọc. Báo đã góp phần tích cực chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1930.

Sau này, thể theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, vào ngày 2/5/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52/QĐ/ TW lấy ngày 21/6 hàng năm là “Ngày Báo chí Việt Nam”. Đến năm 2000, đổi thành “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”. Ngày Báo chí Việt Nam là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc, v.v.

Đoàn Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Hà Minh Huệ dẫn đầu thăm Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh chụp tháng 11/2014, trước cầu thang dẫn lên gác hai, nơi đặt cơ quan bí mật Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ phải sang, các nhà báo: Nguyễn Quốc Hiếu, Dương Phước Thu, Hà Minh Huệ, Trần Kim Hoa, Phạm Văn Huấn, Nguyễn Thành Lợi.


Tôi có may mắn được đến thăm di tích lịch sử tại Quảng Châu hai lần - đến nơi ra đời tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập, nay là số nhà 250 phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Trước những hiện vật sống động và hình ảnh chân thật, trong tôi bỗng hiện lên những khuôn mặt thân quen của các nhà cách mạng tiền bối thuở bôn ba đi tìm đường cứu nước, họ đã từng hoạt động, học tập tại đây và cũng chính tại địa điểm này, lịch sử ghi nhận tờ Thanh Niên - tờ báo cách mạng Việt Nam in bằng tiếng Việt đầu tiên, thuộc loại hình báo chí vô sản được sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra đời và chính Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

D.H
(TCSH424/06-2024)

---------------------------
1 Tác phẩm cuối cùng của Người là “Thư trả lời tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969. Nhưng thư (về thể thức) không thể xem là bài báo, dù là đăng báo.
2 Theo Nguyễn Thành, Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì báo Thanh Niênra được khoảng 200 số. Với 88 số đầu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp “làm Tổng Biên tập”, sau khi Bác rời Quảng Châu đi Thái Lan thì Thanh Niênvà cơ quan Tổng bộ cũng chuyển đi Hồng Kông và tiếp tục xuất bản do Tổng hội phụ trách. Hiện nay chưa rõ số cuối cùng là số mấy?
3 Báo Thanh Niên số 66, ra ngày 24/10/1926.
4 Báo Thanh Niên số 72, ra ngày 5/12/1926.

 

__________________

Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Quang Hưng (Chủ biên, 2001), Lịch sử Báo chí Việt Nam 1865 - 1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Nguyễn Thành (2005), Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị.
3. Hội Nhà báo Việt Nam (2020), 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam - Hành trình vẻ vang vì Tổ quốc và nhân dân, Nxb. Thông tin và Truyền thông.

 

 

Các bài mới
Bẫy tình (28/06/2024)