Tạp chí Sông Hương - Số 424 (T.06-24)
Cuộc sống và con người qua ‘Những mảnh ghép của kí ức’ của Võ Mạnh Lập
08:42 | 28/06/2024

HỒ THẾ HÀ

Võ Mạnh Lập là nhà văn chuyên viết ký (essai/ essey) với thế mạnh sở trường nghiêng về ký sự, truyện ký, bút ký, hồi ký, phóng sự, ghi chép…

Cuộc sống và con người qua ‘Những mảnh ghép của kí ức’ của Võ Mạnh Lập

Những thể tài/ tiểu loại ký này có khi được tác giả tái hiện độc lập, có khi được dung hợp trong một tác phẩm để nội dung ký được linh hoạt và hấp dẫn người đọc bằng diễn ngôn giàu sắc thái biểu cảm và ngữ điệu luôn phù hợp với cái tôi phân tích và bình luận của tác giả cùng với cái tôi đang tư duy hành động của nhân vật. Tác phẩm ký của Võ Mạnh Lập còn lôi cuốn người đọc ở chỗ anh biết chọn lựa và chắt lọc chi tiết thực bên cạnh chi tiết bổ trợ có tính tôn tạo/ hư cấu một cách logic để làm nổi bật thêm hình tượng, thể hiện tính cách điển hình trong từng hoàn cảnh điển hình, làm cho hình tượng thêm sáng tỏ và khả tín trong tiếp nhận của bạn đọc.

Đó là âm chủ và là thành công tổng thể của ký Võ Mạnh Lập mà từ tác phẩm đầu tiên đến Trở về từ địa ngục Chín Hầm (2009), Nước mắt người lính chưa bao giờ biết khóc (2010) sau đó là Khoảnh khắc Huế (2010) và giờ đây là Những mảnh ghép của kí ức (2024), anh đều tuân thủ và thể hiện thành công, tạo thành cá tính sáng tạo và thi pháp riêng trong nghệ thuật viết ký của anh.

Hơn 40 năm cầm bút, đến nay, do nhiều lí do chủ quan và khách quan, anh viết không nhiều, nhưng phải nói rằng, trong sự nghiêm cẩn và khát khao hiểu biết, chiếm lĩnh hiện thực đời sống, anh vẫn miệt mài đi, lặng lẽ quan sát, say mê ghi chép để thông điệp đến người đọc những nỗi niềm nhân sinh, thế sự nặng sâu tình người, tình quê hương, xứ sở với tâm thế của người nhập cuộc nồng say. Vì vậy mà ký của Võ Mạnh Lập luôn hiện lên tinh thần trách nhiệm với từng nhân vật, từng sự kiện; nhiều tác phẩm của anh mang tính nhức nhối trí tuệ và tính thời cuộc/ thời sự rất bất ngờ.

Tôi muốn chứng minh những nhận định khái quát trên qua tập truyện ký Những mảnh ghép của kí ức mà tôi may mắn có trong tay. Tôi gọi đây là tập bút ký về lịch sử, sự kiện, văn hóa và con người Huế được Võ Mạnh Lập nghiền ngẫm và suy nghĩ từ chính cuộc sống, lịch sử, văn hóa liên quan đến con người, sự kiện và cảnh vật quê hương Huế trong quá khứ gần và quá khứ xa cũng như trong hiện tại với cái nhìn thực chứng cụ thể cùng thái độ nhập cuộc và dấn thân tích cực.

Những bút ký và ký sự có tính thời sự trong từng khoảnh khắc và thời điểm lịch sử gắn với Huế như: Hành trình tìm về 26 Lê Lợi - Ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế, Sông Hương ngày bão, Những người hùng áo trắng… đều được Võ Mạnh Lập tái hiện qua nhiều điểm nhìn trực quan khác nhau với tư cách là người nếm trải, chứng kiến và thực thi công việc nên tính chân thật lịch sử hiện lên cụ thể. Lồng trong những diễn biến, sự kiện và tình tiết của các câu chuyện, tác giả đã linh hoạt thể hiện cảm xúc và tâm trạng cũng như kiến thức về lịch sử, văn hóa của mình trong những không gian và thời gian đáng nhớ của thành phố Huế những ngày đầu Huế mới giải phóng, mọi người tất bật đi tìm một trụ sở hoạt động cho văn nghệ sĩ là cấp thiết như thế nào để sau này số 26 Lê Lợi trở thành địa chỉ vô cùng thân thiết của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Huế (Hành trình tìm về 26 Lê Lợi - Ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế). Từ một sự kiện đáng nhớ khác, Võ Mạnh Lập đã đồng hiện không khí và tính chất đặc biệt của cơn bão Cecil lịch sử số 8 năm 1985 ập vào các tỉnh miền Trung và thành phố Huế một cách mãnh liệt. Từ tâm điểm là tập trung chống bão và khắc phục lũ lụt, nổi lên sự kiện Tạp chí Sông Hương phải khẩn trương ra Đặc san để phản ánh kịp thời cơn bão số 8, được bạn đọc cả nước hoan nghênh đón nhận. Sông Hương nhanh chóng trở thành tờ Tạp chí được bạn đọc yêu quý đón nhận và cộng tác: “Tất cả đã góp phần làm nên một diện mạo của Tạp chí được đặt tên bởi một dòng sông. Dòng sông mà nơi đó có trăm loài hoa dồn tụ về đây để làn nước mãi thơm tho vương vấn lòng người!” (ng Hương ngày bão). Còn ký sự Những người hùng áo trắng lại được tác giả tái hiện cơn lũ thế kỷ năm 1999 làm mọi người ngơ ngác và hoảng loạn với tâm điểm là Bệnh viện Trung ương Huế ra sức chống lũ với tinh thần hy sinh, thần tốc để cứu bệnh nhân khỏi chết vì bệnh và đói, vật chất khỏi bị hư hại. Diễn biến câu chuyện được Võ Mạnh Lập thuật lại như cuốn phim quay chậm, nhưng liên hoàn để mọi người hiểu được trọng trách và tinh thần chiến thắng cơn nước hung dữ của lãnh đạo và đội ngũ nhân viên, y bác sĩ là dũng cảm và tài trí như thế nào! Đọc xong ký sự này, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm như mình vừa trải qua cơn hoạn nạn. Lồng trong câu chuyện Bệnh viện Trung ương Huế chống bão, là hình ảnh chàng sinh viên y khoa thực tập người Bỉ gốc Việt với cái tên rất ấn tượng là Nguyễn Văn Thái Sơn đang nhập cuộc với mọi người để phục sinh cho từng bệnh nhân, từng cháu bé sơ sinh đang tăng nhanh tại Khoa Sản trong những ngày lũ lớn. Và quan trọng hơn, sau cơn lũ, anh đã hiểu thêm về tình người, lòng quả cảm và tinh thần đoàn kết của con người Huế, rộng hơn là của con người Việt Nam như thế nào trong cơn lũ cũng như trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại trước đây. Anh đã chọn đúng nơi mà từ lâu anh chọn để được thực tập và trải nghiệm cuối khóa học. Giờ đây, anh đã thực sự có thêm bản lĩnh và lòng nhân ái để làm người và làm nghề trong tương lai. Còn tất cả mọi người thì giàu có hơn về tâm hồn và nhận thức. Họ đã tự mình “vượt qua những gì tưởng như không thể” và hiểu ra “sức mạnh con người thật là kỳ diệu!”. Và cao hơn là “họ càng thấm thía cái tình người trong cơn hoạn nạn!”. Đây là ký sự có ý nghĩa nhân sinh, mang tính thời sự và nhân văn xúc động của Võ Mạnh Lập.

Mọi người đều thừa nhận tính linh hoạt của thể loại ký ở khả năng dung hợp giữa yếu tố truyện và nghiên cứu, ở khả năng bình phẩm mang tính trữ tình và trí tuệ, nhưng vẫn tôn trọng tính chân thật, cụ thể về con người và sự việc. Bên cạnh đó, tính báo chí và tính văn học - văn hóa cũng là lằn ranh cho phép mà tác giả viết ký nào cũng nỗ lực thể hiện một cách nghệ thuật trong tác phẩm của mình để lượng thông tin hiện thực và tâm hồn được hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ký là sự việc, sự tình, là chuyện mình, chuyện đời nên muốn tạo ra sức hấp dẫn và năng động, ký phải tăng cường tính văn học, văn hóa. Công bằng mà nói, ký của Võ Mạnh Lập đã thể hiện được những đặc điểm trên mà ở đó, tính chân thật lịch sử và tính văn học được anh quan tâm đúng mực nên lôi cuốn, bất ngờ. Tôi muốn chứng minh nhận định trên qua chùm truyện ký liên hoàn: Chàng trai làng Lại Thế, Cuộc gặp gỡ kỳ lạ, Trang trại bên kia đèo Hải Vân. Ba truyện đều viết về nhân vật Huỳnh Hồng - một con người bình thường, thầm lặng nhưng anh hùng trong chiến tranh và trong lao động hòa bình. Võ Mạnh Lập đã tâm huyết và muốn tái hiện/ đồng hiện chân dung một con người - một nhân cách từ thuở thiếu niên gan dạ ở làng Lại Thế đến chàng thanh niên trưởng thành, dũng cảm, mưu trí trong chiến tranh và giờ đây trong hòa bình, trở thành một con người ý chí, quyết tâm, đột phá trong xây dựng cuộc sống mới. Và ông đã thành công với tư cách là người lao động, yêu nước và dũng cảm như thời chiến trước đây, ông đã từng như thế! Huỳnh Hồng là một mẫu người lý tưởng của cả thời chiến lẫn thời bình được Võ Mạnh Lập tái hiện sinh động, có cá tính và hành động hợp logic trong từng hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy mà tính chân thật về nhân vật và hoàn cảnh hiện lên thuyết phục, thỏa mãn cơn khát hiểu biết của người đọc. Cả một trang trại bên kia đèo Hải Vân đủ chứng minh hùng hồn về tính cách và khát vọng của một con người hết mình vì việc chung và việc riêng để trong chiến tranh Huỳnh Hồng là anh hùng chiến đấu dũng cảm, còn trong hòa bình Huỳnh Hồng là anh hùng sản xuất giỏi, được mọi người yêu quý, kính trọng. Tạo được thành công qua 3 truyện ký này, Võ Mạnh Lập đã liên hệ và đặt nhân vật Huỳnh Hồng trong nhiều mối quan hệ bản chất và quan hệ tương tác cùng những sự kiện và nhân vật, chi tiết vừa tất nhiên, vừa ngẫu nhiên, trắc ẩn, bất ngờ nhưng hợp lý để dẫn dắt câu chuyện một cách nghệ thuật.

Hai ký sự Người đối đầu với anh em nhà họ Ngô Trở về từ địa ngục Chín Hầm tái hiện lại lịch sử và những con người có thật của ta và địch trong không gian và thời gian hiện thực của địa ngục trần gian Chín Hầm đã làm cho người đọc hiểu hết những âm mưu thâm độc và hành động tàn bạo, thú tính của anh em nhà họ Ngô mà cụ thể là của Ngô Đình Cẩn đối với đồng bào và các chiến sĩ cộng sản yêu nước. Tính chân thật lịch sử trong ký hiện lên, tạo thành những mảnh ký ức biết nói, biết căm thù bọn tàn bạo, đồng thời là những mảnh ký ức biết yêu quý, trân trọng những tấm gương yêu nước kiên trung, một lòng một dạ với cách mạng. Lịch sử địa ngục Chín Hầm sẽ không hiển minh và chân thật nếu không có những trang ký sự vô cùng cụ thể và chính xác của Võ Mạnh Lập. Tôi gọi đó là ký lịch sử gắn với bình luận - phân tích - phán xét thông qua diễn ngôn trữ tình - cảm xúc, tạo được hiệu ứng yêu ghét và căm thù cho người tiếp nhận.

Ký sự Người đối đầu với anh em nhà họ Ngô tái dựng nhân vật Mười Hương - “chiến sĩ tình báo kiệt xuất của dân tộc” với tình tiết, hành động và lòng kiên trung cách mạng cao đẹp. Là người trực tiếp gặp, phỏng vấn nhân vật này một cách chi tiết và cặn kẽ, Võ Mạnh Lập đã tái hiện chân dung Mười Hương từ đầu cho đến cuối gắn với bao trọng trách cách mạng và gắn với bao thử thách ác liệt nhất để tồn tại như một anh hùng bất tử. Từ việc đánh giá đúng thủ đoạn thâm độc của gia đình trị họ Ngô và đánh giá đúng tình hình thời cuộc miền Nam bằng khả năng phân tích lịch sử và âm mưu của Ngô Đình Diệm, Mười Hương đã lựa chọn hành vi và thái độ dứt khoát với kẻ thù theo phán đoán đúng.

Cùng với chính sách “Cần lao nhân vị” là chủ trương chống cộng quyết liệt, bắt cá ra khỏi nước một cách ráo riết, “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” là việc thành lập các nhà tù, kéo lê máy chém khắp miền Nam, trong đó có địa ngục Chín Hầm đã gây cho nhân dân và cách mạng biết bao khó khăn, đau khổ, hy sinh. Những con người, những sự kiện quan trọng giai đoạn từ 1945 đến 1975 đều được Mười Hương lần lượt tường thuật thông qua hình thức đối thoại, phỏng vấn của Võ Mạnh Lập đã làm hiện lên một phần trong toàn cảnh lịch sử của cách mạng miền Nam mà Mười Hương là người thực thi nhiệm vụ trong lòng địch phải anh dũng, mưu trí, “đối đầu không khoan nhượng” để thắng lợi. Nhất là cuộc đối đầu quyết đoán với tên trùm Ngô Đình Cẩn ở Huế. Thất bại trước mọi âm mưu mua chuộc, cuối cùng chúng buộc phải tống giam Mười Hương vào ngục Chín Hầm và các nhà lao khác ở Huế sáu năm trời với bao gian lao tột cùng, đau đớn tột cùng vì những đòn tra tấn dã man của Ngô Đình Cẩn và tay sai cho đến ngày xảy ra cuộc đảo chính chính phủ Ngô Đình Diệm. Bạn tù và Mười Hương được trở về trong sự đón tiếp và yêu thương, tự hào của nhân dân và Cách mạng.

Ký sự Trở về từ địa ngục Chín Hầm là những mảnh ký ức hiện thực quan trọng nữa để Võ Mạnh Lập tái hiện trọn vẹn chế độ nhà tù thâm độc của chính quyền họ Ngô. Thông qua nhân chứng/ nhân vật Nguyễn Minh Vân, tác giả đã quay chậm những thước film để làm sống lại những sự thật xúc động và trắc ẩn của nhà tình báo Minh Vân và những người tù chính trị; từ đó, vực dậy lịch sử hiển minh và trầm tích nhức nhối nỗi niềm nhân sinh - thế sự của những con người từng chịu đọa đày, đau khổ nhất trong những đau khổ nơi địa ngục trần gian. Bị bắt và bị tù, phải đối mặt với Đoàn công tác đặc biệt miền Trung nhưng người tình báo Minh Vân đã vượt qua được những thử thách khốc liệt nhất để tồn tại như một người chiến sĩ trung thành với lí tưởng, luôn giữ vững khí tiết trong mọi hoàn cảnh của nhà tù Chín Hầm.

Chí khí cách mạng và niềm tin ở chính nghĩa tất thắng của cách mạng đã giúp những người tù cộng sản vững chí đấu tranh chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu độc ác của kẻ thù ngay trong lòng địch, thà chết chứ không khai báo, không khuất phục, không phản bội. Chín Hầm đã trở thành biểu tượng của tình yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Viết ký sự Người đối đầu với anh em nhà họ Ngô Trở về từ địa ngục Chín Hầm, Võ Mạnh Lập đã phải vận dụng và huy động kiến thức về lịch sử, chính trị và văn hóa để bồi đắp cho những tường thuật của Mười Hương và những nhân chứng khác được trọn vẹn, làm cho câu chuyện được liền mạch, tạo thành bức tranh hoàn chỉnh về con người, sự kiện, về không gian và thời gian. Sự kết hợp giữa chất truyện và chất nghiên cứu hòa quyện khá nhuần nhị. Đó chính là trách nhiệm của những người viết ký yêu nghề và tôn trọng độc giả mà Võ Mạnh Lập đã thể hiện nhất quán trong tập truyện ký Những mảnh ghép của kí ức.

Bên cạnh các truyện ký có kết cấu thấp thoáng bóng dáng của truyện ngắn như Piglet, Tổ chim há mồm, Đám cưới giả… được thể nghiệm dựa trên vốn sống cá nhân từ những người thân và bằng hữu, Võ Mạnh Lập còn có những bút ký và truyện ký hay viết về cuộc sống mới trong xây dựng hòa bình ở thành phố Huế và sức lan tỏa của nó với cả nước được thể hiện công phu, có chủ điểm như: Nhật ký tuần văn hóa Huế tại Hà Nội, Bia Huế - Hành trình từ Việt Nam ra thế giới, Festival Huế - Lung linh văn hóa truyền thống… Với tư cách là người trong cuộc hoặc phân thân, có khi là người tổ chức và chứng nhân, Võ Mạnh Lập đã trăn trở, nghĩ suy qua từng trang viết của mình vì nỗi niềm với Huế để miêu tả hoặc hồi tưởng, đồng hiện qua từng ký ức gần và ký ức xa nhằm vực dậy những nỗi niềm, những vui buồn ân nghĩa quanh đời.

Phải nói rằng Võ Mạnh Lập là người của ký, của công việc viết/ sáng tạo với tư cách và phẩm chất của một nhà báo - nhà văn. Anh đi nhiều, quan sát và chịu khó ghi chép, chịu khó săn tìm, suy nghĩ những vấn đề và sự kiện có ý nghĩa xã hội và thời sự liên quan đến Huế với tinh thần tự nguyện, tự giác đáng quý. Những khoảnh khắc, những mảnh vỡ sự kiện và ký ức ấy, chúng không mất đi mà chúng trở thành những con chữ, những nỗi niềm chung nhức nhối và ân nghĩa cho tất cả mọi người để họ có thêm tình cảm với Huế và thức nhận sâu hơn về Huế.

Võ Mạnh Lập đã theo dõi, quan sát Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội từ ngày 08 đến ngày 12 tháng 4 năm 1999 để trở thành người ghi nhật ký văn học phản ảnh sự kiện đáng nhớ này để mọi người cùng “ôn cố tri tân”, cùng thức nhận về Huế xưa và nay trong ngày hội văn hóa diễn ra chính trong lòng Thủ đô nghìn năm văn vật để khúc ngân/ vĩ thanh của nó còn vang vọng: “Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội đã kết thúc rồi, có thể so sánh với tiếng chuông chùa ở Huế cất lên vang vọng và ngân nga như không muốn dứt. Vấn đề còn lại là Người Huế chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để tiếng ngân dài ấy trong trẻo thêm lên”. Đó là tâm niệm và tình cảm của tác giả mà cũng là mong muốn của mọi người con xứ Huế. Diễn biến sự kiện và diễn ngôn trần thuật của ký sự này chân thật, cụ thể, linh hoạt, tạo nên tính đa thanh, hấp dẫn của một lễ hội lớn lần đầu tiên được tổ chức rất quy mô tại Thủ đô của nước Việt Nam trong thời bình. (Nhật ký tuần văn hóa Huế tại Hà Nội).

Tôi cũng đặc biệt chú ý đến ký sự Festival Huế 2000 - lung linh văn hóa truyền thống của Võ Mạnh Lập. Theo tôi, đây là ký sự công phu và đậm chất văn hóa - văn học nhất của anh. Qua đây, người đọc hiểu biết một cách tường tận những vinh dự và khó khăn, phức tạp của những người đảm trách chương trình lễ hội như thế nào để Huế trở thành thành phố Festival. Với tư cách là nhà báo, tác giả đã nắm vững từng vấn đề và phải vận dụng kiến thức liên ngành lịch sử - văn hóa - âm nhạc - kiến trúc - điêu khắc - sân khấu - biểu diễn - ẩm thực… mới có thể bình luận và dẫn dắt nội dung linh hoạt và cụ thể như thế. Quả là qua ký sự này, chúng ta tin tưởng và hy vọng vào kinh nghiệm đẳng cấp của một thành phố Festival như Huế của Việt Nam. Và thời gian đã chứng minh niềm hy vọng của Võ Mạnh Lập đã thành sự thật. Huế là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, là điểm đến lí tưởng cho mọi người trong nước và thế giới.

Ký sự Bia Huế - Hành trình từ Việt Nam ra thế giới là một thông điệp khác về quá trình hợp tác với Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) để thành lập nhà máy sản xuất bia Huda Huế. Xây dựng với khoảng thời gian ngắn, nhưng nhà máy bia Huda Huế ngày càng phát triển và cạnh tranh thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm để trở thành mặt hàng uy tín, được người tiêu dùng ưa thích và chọn lựa làm thức uống chính trong văn hóa ẩm thực của các địa phương trong cả nước. Sau đó, bia Huế từng bước thâm nhập và lan tỏa đến các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Indonesia, Malaysia, Singapore, Úc… Nhờ đó mà Huế được thế giới biết và ngợi ca không chỉ bia Huế mà cả văn hóa vật thể và phi vật thể khác. Sức lan tỏa từ bia Huế là rất nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế và văn hóa cho Huế rất lớn: “Tính đến năm 2017, Huda là thương hiệu bia Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong một năm nhận được cả 3 huy chương vàng tại các cuộc thi bia danh tiếng trên thế giới. Năm 2000 ghi dấu cột mốc tròn 3 thập kỷ Huda đồng hành cùng mảnh đất miền Trung là giải thưởng Monde Selection danh giá - giải được biết đến như Oscar trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, trong đó, có thức uống do Viện lựa chọn Quốc tế tổ chức bình chọn hàng năm”. Nhờ ký sự này mà người đọc biết thêm về hành trình bia Huế đến được với thế giới theo kiểu tư duy kinh tế và theo phương thức tiếp thị hiện đại đúng đắn và hiệu quả của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo nhà máy bia Huda Huế.

Qua những phân tích và minh chứng trên, ta nhận ra đặc trưng ký của Võ Mạnh Lập ở chỗ: từ một vấn đề, một lát cắt của hiện thực và sự kiện, tác giả biết chứng minh, dẫn dắt, truy tìm, khơi gợi những vấn đề mới; khẳng định nội dung đối tượng bằng diễn dịch hoặc quy nạp và cuối cùng thỏa mãn nhận thức thẩm mỹ và tính chân xác khoa học trong tầm đón đợi của người đọc. Đó là thành công tổng thể trong nghệ thuật viết ký của Võ Mạnh Lập.

Từ những tác phẩm ký được bạn đọc tiếp nhận trước đây đến nay, Võ Mạnh Lập đã điều chỉnh và tăng cường yếu tố văn hóa, văn học, lịch sử bên cạnh yếu tố báo chí truyền thông. Cả hai đều rất cần cho người viết ký để ký thật sự là ký, không xâm lấn qua đường biên của thể loại khác, nhưng vẫn hấp dẫn như các thể văn nghệ thuật khác là truyện ngắn và tiểu thuyết. Chính điều này đã làm thành nghệ thuật liên văn bản trên từng trang bút ký của anh một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với nhu cầu và tầm vẫy gọi của thể loại ký hiện đại.

*

Căn cứ những đặc điểm trên, ở tập truyện ký mới Những mảnh ghép của kí ức, dù không phải tất cả các ký trong toàn tập đều hay và đều có chất lượng như nhau, nhưng tổng thể mà xét, Võ Mạnh Lập đã thiết lập được bản sắc ký của mình với giọng điệu riêng và thi pháp riêng. Những năm gần đây, anh không có điều kiện đi nhiều, quan sát và thâm nhập thực tế nhiều, nhưng anh vẫn theo dõi và quan sát diện mạo chung của nền văn học nước nhà, trong đó có thành tựu của thể ký. Và anh vui mừng là mình còn sức để viết; những trang viết của mình còn lưu lại trong lòng độc giả. Hành trình ký của anh tuy lặng lẽ, nhưng có sức tỏa phát và hiệu ứng trong tiếp nhận của bạn đọc chính là từ những nỗ lực và lòng đam mê, yêu văn chương như thế!

H.T.H
(TCSH424/06-2024)

 

 

Các bài mới
Bẫy tình (28/06/2024)
Các bài đã đăng