Tạp chí Sông Hương - Số 424 (T.06-24)
Ứng dụng di sản tư liệu Cửu đỉnh vào chương trình giáo dục địa phương ở Thừa Thiên Huế
09:20 | 28/06/2024


PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI

Ứng dụng di sản tư liệu Cửu đỉnh vào chương trình giáo dục địa phương ở Thừa Thiên Huế
Những họa tiết đúc nổi trên Cửu đỉnh - Ảnh Lê Đình Hoàng

1. Đặt vấn đề

Huế - vùng đất có nhiều loại hình di sản văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Bởi thế, cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là thành phố độc quyền giữ trong mình những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực và thế giới, thành phố mang ý nghĩa tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Với kho tàng đồ sộ hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã có được là một thế mạnh để thực hiện chương trình giáo dục địa phương. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra các quyết định về việc điều chỉnh, phê duyệt, tích hợp khung “Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế” đến các cấp Tiểu học1; cấp Trung học cơ sở (THCS)2; cấp Trung học phổ thông(THPT)3. Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục mầm non, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng đến, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh4.

Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa Huế vào trường học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của địa phương, trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại, từ đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của thế hệ trẻ. Giáo dục giá trị văn hoá Huế trong các trường học ở Thừa Thiên Huế là vấn đề mới, cấp thiết và cần được quan tâm. Ngày 02/7/2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế tổ chức chương trình hội thảo khoa học, chủ đề “Giáo dục giá trị Văn hóa Huế cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hội nhập”. Trong hội thảo đã đưa ra các môn học có thể tích hợp giáo dục giá trị văn hóa Huế ở trường phổ thông trong Chương trình 20185. Bởi lẽ, “giáo dục di sản không đơn thuần chỉ là kiến thức trong sách vở học trên ghế nhà trường mà còn là những trải nghiệm bổ ích, lý thú! Không gì tuyệt vời hơn khi các em được tận mắt ngắm nhìn, chạm vào di sản cha ông gìn giữ qua bao đời nay để từ đó thêm nỗ lực lan tỏa, phát huy giá trị di sản cho hôm nay và mai sau”6.

Cho nên, việc nghiên cứu, ứng dụng di sản tư liệu các hình ảnh, họa tiết những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh vào trong Chương trình giáo dục địa phương để giảng dạy cho học sinh ở các cơ sở giáo dục, trường học ở tỉnh Thừa Thiên Huế là một điều thiết thực và cần quan tâm của các sở, ban, ngành giáo dục. Các môn học như: Lịch sử và Địa lý, Mỹ thuật ở trường Tiểu học; môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Mỹ thuật ở trường THCS; và môn Ngữ văn, môn Lịch sử, và Mỹ thuật ở trường THPT hay môn Mỹ thuật ở các cơ sở mầm non là rất phù hợp với việc đưa di sản tư liệu Cửu đỉnh vào để triển khai. Điều này cũng góp phần khẳng định mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa Huế, xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

Những họa tiết đúc nổi trên Cửu đỉnh - Ảnh Lê Đình Hoàng


2. Cửu đỉnh - Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thừa Thiên Huế là địa phương hiện có nhiều di sản văn hóa vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu còn lưu giữ nhiều nhất trong cả nước. Trong đó, có đến 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và khu vực, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế; Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Mới gần đây, ngày 18/5/2024, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (hay còn gọi là Cửu đỉnh) đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới UNESCO, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vinh danh ở Hội nghị Toàn thể lần thứ 10, tổ chức tại Mông Cổ7. Điều này đã mang đến sự tự hào cho Huế, địa phương duy nhất trên cả nước có tới 8 di sản được UNESCO ghi nhận. Như vậy, hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế có đến 6 di sản riêng và 2 di sản chung với các địa phương khác.

Các di sản ở Huế được UNESCO công nhận

Trải qua gần 200 năm, những họa tiết được đúc nổi trên Cửu đỉnh hiện nay là những dương bản duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu, trước Hiển Lâm Các trong Hoàng cung Huế. Nguyên liệu dùng để đúc Cửu đỉnh do triều đình nhà Nguyễn cung cấp, gồm hai nguyên liệu chính là đồng và kẽm, có thể thêm chì và thiếc… lấy từ trong kho hoặc các phế khí hay những vật phẩm bằng đồng không cần dùng nữa8. Theo chủ ý mang tầm tư tưởng chủ đạo của vua Minh Mạng (1802 - 1840), việc cho đúc Cửu đỉnh: “Là để tỏ mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho các quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc”9. Trên chín đỉnh ấy có tổng cộng 162 họa tiết đúc nổi được tạo tác, bao gồm 153 bức họa tiết và 9 bức họa thư (họa thư tức là hình khắc hai chữ Hán lớn: một là chữ đỉnh, một là tên riêng của đỉnh). Chín chiếc đỉnh có tên gọi lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh.

Việc đúc Cửu đỉnh được bắt đầu vào tháng 10 năm 1835, kéo dài tới tháng 3 năm 1837 mới hoàn thành. Trong đó, những họa tiết ẩn dụ về hình tượng mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, sấm chớp, sông, núi, cửa biển, cửa quan, cây gỗ, loài hoa, chim chóc, loài cá, ngũ cốc, linh vật, rau, đậu, củ, quả, xe, thuyền, vũ khí... của đất nước được tinh chọn, phân ra từng nhóm, mỗi nhóm lại chọn ra chín loại, được sắp xếp và tuân thủ theo quan niệm “triết học, chức năng, vị trí của mỗi đỉnh”10. Trên mỗi đỉnh của bộ Cửu đỉnh đều được chạm khắc một họa thư và mười bảy họa tiết. Các nhóm họa tiết này đã được nhiều người, nhà nghiên cứu đưa ra các cách sắp xếp khác nhau và đều sắp xếp thành các bộ chín họa tiết. Chúng tôi căn cứ theo sự phân loại, sắp xếp của tập sách Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế (Biên khảo về Cửu đỉnh - Bảo vật bằng đồng vô giá của Việt Nam) của tác giả Dương Phước Thu, trong đó: “Chín tên của Cửu đỉnh; Chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ; Chín ngọn núi lớn; Chín sông lớn; Chín sông đào và sông khác; Chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; Chín con thú lớn bốn chân; Chín con vật linh; Chín loài chim; Chín loại cây lương thực; Chín loại rau, củ; Chín loại hoa; Chín loại cây lấy quả; Chín loại dược liệu quý; Chín loại cây thân gỗ; Chín loại vũ khí; Chín loài cá, ốc, côn trùng; Chín loại thuyền, xe, cờ11.

Khẳng định, Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi mang nhiều giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa, giáo dục, mỹ thuật, địa lý, phong thủy, y dược và nghệ thuật thư pháp chữ Hán... Đối chiếu với các tiêu chí của UNESCO về Di sản tư liệu -một trong những loại hình di sản được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) quy định và vinh danh - Cửu đỉnh đáp ứng hoàn toàn và đầy đủ các tiêu chí về Ý nghĩa lịch sử; Hình thức và kiểu dáng; Ý nghĩa xã hội; Tính cộng đồng và tinh thần; Tính độc đáo, hiếm có; Tính toàn vẹn, đầy đủ...; Những nguy cơ đối với di sản và kế hoạch bảo tồn bền vững cho di sản.12

Chính vì thế, ngày 18 tháng 5 năm 2024, Cửu đỉnh - “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được thông qua và chính thức ghi danh vào danh mục Di sản Tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại thủ đô Ulaanbaatar của nước Mông Cổ. Cửu đỉnh chính là những dấu tích góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa thời Nguyễn một thuở huy hoàng, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, kỹ thuật tạo hình của Việt Nam từ thế kỷ XIX.

3. Ứng dụng giáo dục di sản tư liệu Cửu đỉnh vào các trường học ở Huế

Cửu đỉnh - Một tượng đài tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy và vững mạnh của triều đại nhà Nguyễn, là “bộ bách khoa thư” về đất nước Việt Nam thống nhất có chủ quyền được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh khắc nổi. Với 153 họa tiết hình ảnh và 9 họa thư bằng chữ Hán là tên gọi của 9 đỉnh. Trong đó, các họa tiết được chạm nổi với nội dung chủ đạo liên quan đến các địa danh sông núi, cửa biển (34 hình ảnh), loài động vật đặc trưng (36 hình ảnh), loài thực vật (54 hình ảnh), binh khí, xe thuyền (18 hình ảnh) và các hiện tượng thiên nhiên, tinh tú (11 hình ảnh). Các nhóm chủ đề này đã được đưa vào lồng ghép, ứng dụng vào các buổi học ngoại khóa, chương trình giáo dục di sản địa phương của các trường học, bổ sung kiến thức vào cho các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học và Mỹ thuật. Điển hình một số hoạt động như:

3.1. Nhóm họa tiết chủ đề địa danh sông núi, cửa biển Việt Nam

- Nghe Cửu đỉnh kể chuyện non sông

Một bức tranh toàn cảnh của giang sơn Việt Nam thống nhất bao gồm 34 danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng trải dài từ Bắc đến Nam trên lãnh thổ đất nước thời bấy giờ đã được chọn khắc nổi, ghi trên chín chiếc đỉnh đồng. Sáng ngày 24/9/2023, chúng tôi phối hợp với Trường THPT Chuyên Khoa học Huế hiện thực chương trình giáo dục địa phương qua di sản tư liệu Cửu đỉnh với chủ đề “Nghe Cửu đỉnh kể chuyện Non Sông”. Hoạt động kể về lịch sử, địa danh của các ngọn núi, nghe những con sông, dòng kênh đào trong việc mở mang bờ cõi, cửa biển Việt Nam của triều đình nhà Nguyễn. Nơi ngọn núi đầu tiên được chọn để khắc trên Cao đỉnh là Thiên Tôn Sơn, tức núi Thiên Tôn ở tỉnh Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn nằm về phía Tây Bắc huyện Hà Trung, trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang, có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim của nhà Nguyễn13. Non sông Việt Nam tiếp tục được kể về người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, tên là Vĩnh Tế, bà nổi tiếng hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của chồng. Trong thời gian đào kênh, bà Châu Thị Vĩnh Tế, vợ của Thoại Ngọc Hầu đã hết lòng lo liệu cùng chồng đốc suất dân binh để đào xong con kênh này. Cảm phục trước công sức khó nhọc của bà, sau khi công trình hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên của bà để đặt cho con kênh này là Vĩnh Tế và khắc ghi trên Cao đỉnh14. Nhiều dòng sông, cửa biển Việt Nam đã được gọi tên. Sông Hương quen thuộc có dòng nước trong xanh chảy qua trước mặt Kinh thành Huế, bên cạnh núi Ngự Bình “trước tròn sau méo” được cùng khắc trên Nhân đỉnh. Sông An Cựu “nắng thì đục, mưa thì trong” có tên Lợi Nông Hà trên Chương đỉnh… Song song với hoạt động nghe và kể chuyện non sông trên Cửu đỉnh, các học sinh còn được trải nghiệm tô màu nước trên nền chất liệu giấy Dó truyền thống. Hơn 100 học sinh của các lớp chuyên Toán, Văn, Sinh, Tin học… của Trường THPT Chuyên Khoa học Huế đã đăng ký tham gia vào sáng ngày 24/9/2023 tại tiền sảnh nhà K của trường. Những bức tranh được chọn trưng bày, cùng dán lên bảng tạo thành chuỗi danh lam thắng cảnh Việt Nam với muôn màu sắc sáng tạo, thỏa sức tưởng tượng cùng những cảnh núi, sông, biển,... trên Cửu đỉnh. 34 bức tranh được chọn để dán lên bảng thể hiện một cái nhìn tổng thể, một bức tranh toàn cảnh của giang sơn Việt Nam thống nhất. Mỗi bức tranh được chọn đã được các em kể nên câu chuyện, cảm xúc của riêng mình.

- Danh lam thắng cảnh Việt Nam trên Cửu đỉnh

“Sứ mệnh của Cửu đỉnh” tiếp tục được lan tỏa đến 120 em học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu thông qua hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Danh lam thắng cảnh Việt Nam trên Cửu đỉnh” được hòa sắc vào sáng thứ bảy ngày 13/4/2024. Trong hoạt động trải nghiệm mỹ thuật, chương trình giáo dục di sản địa phương với nhiều cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật, giáo dục mỹ thuật qua những gam màu. Những góc nhìn mới lạ, mảng màu sống động bất ngờ qua cách thể hiện của các em học sinh khối 9. Trong đó, cảnh núi Tản Viên được khoác lên mình gam màu hồng đỏ rực rỡ của học sinh Trần Anh Thy. Hình ảnh núi Ngự Bình như bức bình phong trấn giữ trước Kinh thành Huế15 được phủ lên gam màu vàng rực rỡ của em Đoàn Thị Kim Cương. Hay bức tranh với họa tiết Nam Hải, chỉ vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền nước ta, vùng biển có nhiều hòn đảo như đảo Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Tổ Châu…16 đã được em Trần Anh Thư lớp 8/4 dùng kỹ thuật bảy màu sắc cầu vồng, đã làm nên sự sống động và tươi mới cho vùng biển phía Nam nước ta.

Hoạt động vẽ mỹ thuật “Giang sơn gấm vóc Việt Nam trên Cửu đỉnh” của học sinh lớp vẽ TKstudio tại Xưởng Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế


- Giang sơn gấm vóc Việt Nam trên Cửu đỉnh

Cũng trong tháng tư, hòa cùng nhiều chuỗi sự kiện hoạt động trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế dành cho học sinh THPT khối 12 trong toàn tỉnh. Sự kiện của hoạt động trải nghiệm vẽ mỹ thuật “Giang sơn gấm vóc Việt Nam trên Cửu đỉnh” đã được triển khai cho 30 học sinh lớp vẽ TKstudio, những học sinh sẽ thi vào các ngành liên quan đến ngành Đồ họa, Kiến trúc17. Đây cũng là cơ hội cho các em được trải nghiệm thực tế về môi trường học tập ở trường Đại học để định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp bản thân và hiểu biết, tự hào thêm về một loại hình di sản tư liệu trên Cửu đỉnh của Hoàng cung Huế. Những họa tiết đúc nổi, miêu tả 34 cảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam trên 9 đỉnh đồng được các em học sinh đánh bóng bằng chì đen, để hiện lên những khối nổi mà những người thợ tài ba đã chạm khắc các hình vào đỉnh, thể hiện được chất liệu kim loại bằng đồng mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho đúc từ thời đó (1835 - 1837).

Danh sách 34 địa danh Núi - Sông trên Cửu đỉnh

3.2. Nhóm họa tiết chủ đề các loài hoa

Trong số 153 họa tiết được khắc nổi trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế, ngoài 34 địa danh từ miền Bắc đến miền Nam, là những cảnh đẹp thiên nhiên ghi lại dấu ấn đặc biệt trong quá trình hình thành đất nước Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX, những loài hoa quý cũng đã được chọn khắc như một sự tôn vinh, thể hiện vai trò, vị trí của hoa trong đời sống con người. Chín loài hoa, mỗi hoa một vẻ, một chỗ đứng trên Cửu đỉnh đại diện xứng đáng cho hàng ngàn loài hoa khoe sắc trên mặt đất. 9 loài hoa được vua Minh Mạng chọn có thể bao gồm 4 yếu tố là: hoa có sắc, có hương thơm, có nhiều giá trị trong cuộc sống và được nhân dân ưa chuộng. Như vậy, 9 loài hoa được chọn và khắc ghi trên 9 đỉnh là hoa tử vi, hoa sen, hoa lài, hoa hồng, hoa hải đường, hoa hướng dương, hoa sói, hoa dâm bụt, hoa ngọc lan.

Chiều ngày 28/2/2024, khí trời vẫn còn trong tiết xuân, chúng tôi cùng tập thể giáo viên chủ nhiệm khối 5 của Trường Tiểu học Quang Trung đã cùng mang đến buổi sinh hoạt cho 90 em học sinh, trải nghiệm giáo dục mỹ thuật với di sản Cửu đỉnh. Trong buổi chiều ấy, chủ đề “Sắc hoa xuân trên Cửu đỉnh” đã được chia sẻ đến các em về ý nghĩa, sắc màu và công dụng của 9 loài hoa mà vua Minh Mạng đã lựa chọn để cho khắc lên Cửu đỉnh. Trong đó: hoa tử vi là loài hoa được vua quý nhất, hoa có mùi thơm dịu nhẹ, là vị thuốc được coi là “kỳ hoa dị thảo”. Hoa sen từ xưa đã được người Việt chọn làm biểu trưng cho sự tinh khiết, cao quý, thể hiện khí tiết của bậc quân tử. Hoa nhài hương thơm ngát, hoa có màu trắng, là biểu trưng cho sự thanh lịch và tao nhã. Hoa hồng có dáng đẹp mỹ miều, hương thơm dịu, là hoa của tình yêu, là tiếng nói của con tim. Hoa hải đường là một loài hoa có dáng đẹp, sang trọng và quý phái, cánh hoa màu đỏ hồng tươi, cũng là loài hoa của mùa xuân của xứ Huế. Hoa hướng dương còn gọi là hoa mặt trời, nhụy hoa có hạt ăn được như hạt dưa trong những ngày Tết. Hoa sói hay còn gọi là hoa hòe, là loại hoa quý được người Việt nhiều nơi trồng để làm cảnh và ướp trà uống rất thơm. Hoa dâm bụt còn gọi là bông cẩn, được trồng làm cảnh, làm hàng rào ở các nhà vườn xứ Huế, miền quê Việt Nam. Hoa ngọc lan thuộc cây gỗ thân cao to, hoa có màu trắng, hương thơm thường nở vào mùa hè.

Tên gọi 9 loài hoa được khắc ghi trên Cửu đỉnh

Chín loài hoa được bố cục trên mảng giấy hình vuông 25cm x 25cm. Các bức tranh được bồi lên những tờ giấy sắc đỏ, vàng, lục, xanh và tím. Những gam màu ngũ sắc Huế đã làm nên sự thú vị và tươi mới cho chủ đề sắc hoa hôm ấy. Hòa trong dư âm của mùa xuân, ngày Tết, 90 em học sinh đã khoác lên mình những chiếc áo dài truyền thống để tham gia hoạt động trải nghiệm thú vị này. Điều này đã thể hiện sự tôn trọng, tình yêu di sản văn hóa của thầy và trò Trường Tiểu học Quang Trung thành phố Huế.

3.3. Nhóm họa tiết chủ đề loài động vật đặc trưng của Việt Nam

Trong đề tài nghiên cứu khoa học học sinh của Trường THPT Chuyên Khoa học Huế, năm học 2023 - 2024, chủ nhiệm đề tài Nguyễn Ngọc Bảo Ngân và Nguyễn Nguyên Dạ Thảo cùng cố vấn khoa học, ThS. Phạm Đăng Nhật Thái đã đưa ra mục tiêu chính của đề tài là phát huy giá trị hình ảnh các loài động vật được điêu khắc trên Cửu đỉnh để vận dụng vào môn Sinh học ở giáo dục phổ thông. Đồng thời, kêu gọi sự chung tay, bảo vệ các loài sinh vật, động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Lên án các hành động săn bắn, giết thịt và sử dụng các chế phẩm từ da, sừng, lông, mật, xương, răng... của các động vật quý hiếm, các động vật nằm trong danh sách đỏ bởi đang nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. Đề tài còn giúp chúng ta hiểu, biết các giá trị, nguồn gốc của động vật và hệ sinh thái vùng miền, nơi các con vật được sinh trưởng và phát triển nhiều nhất trên các tỉnh, thành, địa phương của Việt Nam. Với 36 loài động vật được lựa chọn khắc trên Cửu đỉnh là 36 biểu trưng cho hàng ngàn loài sinh vật của Việt Nam, trong đó:

Chín con thú lớn bốn chân: 1. Hổ (con cọp); 2. Tượng (con voi); 3. Báo (con beo); 4. Tê (con tê giác); 5. Mã (con ngựa); 6. Ly Ngưu (con bò tót); 7. Dương (con dê); 8. Thỉ (con heo, lợn); 9. Sơn Mã (lộc mã - ngựa núi, con hươu).

Chín con vật linh: 1. Long (con rồng); 2. Miết (con trạnh); 3. Nhân Ngư (cá voi); 4. Linh Quy (rùa thiêng); 5. Ngạc Ngư (cá sấu); 6. Đại Mại (con đồi mồi); 7. Nhiêm Xà (con trăn); 8. Ngoan (rùa biển); 9. Mãng Xà (rắn lớn).

Chín loài chim: 1. Khổng Tước (chim công); 2. Trĩ (chim trĩ); 3. Khôi Hạc (chim hạc); 4. Uyên Ương (chim uyên ương); 5. Hoàng Oanh (chim vàng anh); 6. Tần Cát Liễu (chim nhồng); 7. Kê (con gà trống); 8. Anh Vũ (chim vẹt); 9. Thốc Thu (chim ông già).

Chín loài cá, ốc, côn trùng: 1. Lục Hoa Ngư (cá tràu, cá đô); 2. Đăng Sơn Ngư (con cá rô); 3. Thạch Thủ Ngư (cá đầu đá); 4. Bạng (con ngao); 5. Hậu ngư (con sam); 6. Cáp (khôi cáp - con sò huyết); 7. Thiền (con ve sầu, con điêu, tề nữ); 8. Hồ Gia Tử (con đuôn dừa); 9. Quế Đố (con cà cuống, đà đuống...)18.

Ngoài ra, trong đề tài còn có hoạt động trải nghiệm tô màu cho các con vật trên Cửu đỉnh, giúp cho các em có tình yêu thương và biết bảo vệ hơn đối với các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. Các hình ảnh chim, thú, cá, ốc… đã được các bạn học sinh trong lớp tham gia trải nghiệm, tô màu với nhiều sắc màu lý thú trong buổi báo cáo đề tài.

Qua các hoạt động “nghe và kể” về Cửu đỉnh trong câu chuyện non sông của học sinh Trường THPTChuyên Khoa học Huế, 34 danh lam thắng cảnh Việt Nam đã được hòa sắc bởi các học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, những bản chạm nổi trên đồng đã được đánh bóng bằng chì trên giấy của các em học sinh 12 sẽ thi vào ngành kiến trúc, đồ họa của lớp vẽ TKstudio, buổi trải nghiệm tô màu cho những loài hoa trên Cửu đỉnh của các em học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, hay đề tài nghiên cứu cấp trường của 2 em học sinh lớp 11 chuyên văn Trường THPT Chuyên Khoa học Huế,… Mong muốn rằng các di sản Việt Nam nói chung và di sản Huế nói riêng sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến với mọi người trong nước và quốc tế. Thông qua các buổi trải nghiệm hoạt động nghe, kể, nói về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là di sản ký ức, di sản tư liệu những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng - Hoàng cung Huế là cách để lan tỏa, quảng bá nhiều hơn các di sản của chúng ta đến với mọi người. Đặc biệt hơn là việc đưa di sản tư liệu vào các trường học thông qua các môn học lịch sử, văn học, địa lý, sinh học, mỹ thuật… sẽ làm cho các em ngày càng yêu quý và hiểu biết di sản hơn. Giúp các em học sinh hiểu được về giá trị độc đáo, hiếm có và duy nhất trên thế giới của Cửu đỉnh mà triều đình nhà Nguyễn đã để lại cho muôn đời sau. Các hình ảnh đặc sắc được khắc trên Cửu đỉnh cần được phổ cập, giáo dục và lan tỏa đến mọi người.

4. Phát huy và giữ gìn giá trị di sản tư liệu các hình ảnh trên Cửu đỉnh

Kể từ khi Cửu đỉnh được đúc hoàn thành năm 1837 cho đến thời điểm được Thủ tướng công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 01/10/2012 (theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg), Cửu đỉnh vẫn sừng sững ở trước sân Thế Miếu. Trong khoảng gần 200 năm ấy, việc bảo vệ Cửu đỉnh vẫn luôn đặt lên hàng đầu trong công tác gìn giữ, bảo vệ đối với bảo vật này. Để rồi, 18/5/2024, Cửu đỉnh - “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” đã ghi danh vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Điều này làm cho việc giới thiệu và quảng bá Cửu đỉnh đến đông đảo công chúng trong, ngoài nước cần được chú trọng và thiết thực hơn. Bằng nhiều hình thức, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (BTDTCĐ) đã truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các kênh truyền hình địa phương, trung ương, trên các nền tảng mạng xã hội, Facebook, YouTube và quét mã QR... Trung tâm BTDTCĐ Huế còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm trưng bày về hình ảnh Cửu đỉnh để quảng bá đến công chúng, khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc giữ gìn Cửu đỉnh và vệ sinh cảnh quan xung quanh Cửu đỉnh cũng được Trung tâm chú trọng. Tổ vệ sinh làm sạch bề mặt định kỳ, làm sạch rêu mốc bên trong và ngoài Cửu đỉnh, nhắc nhở du khách không được khắc, viết, vẽ bậy lên Cửu đỉnh... Bên cạnh đó, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ cùng với việc “dập” thác bản các hoa văn trang trí trên Cửu đỉnh19. Song song với các công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm BTDTCĐ Huế còn có các hướng dẫn viên du lịch luôn chia sẻ, thuyết trình về Cửu đỉnh, các nhà nghiên cứu Huế, nghiên cứu di sản, mỹ thuật Huế viết sách, viết bài về Cửu đỉnh nhằm góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh, ý nghĩa của Cửu đỉnh ra bạn bè quốc tế.

Vì vậy, việc phát huy và giữ gìn giá trị di sản tư liệu vốn có của Cửu đỉnh là rất cần thiết. Ứng dụng đưa vào các chương trình giáo dục di sản ở tất cả cấp học càng là điều tất yếu, đòi hỏi sự chung tay giữa chính quyền Thừa Thiên Huế và các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố Huế quan tâm để phát huy. Chúng ta không những phát huy, ứng dụng di sản tư liệu Cửu đỉnh trong trường học mà cần phải được lan tỏa ra cộng đồng và thế giới. Chúng ta cũng cần chú trọng ứng dụng, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ, lưu niệm có hình ảnh, họa tiết của Cửu đỉnh để giới thiệu, trao tặng đến bạn bè quốc tế, các hoạt động ngoại giao... Điển hình trong “Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2023” của tỉnh Thừa Thiên Huế, bộ sản phẩm “Họa tiết trên Cửu đỉnh” của tác giả Phạm Đăng Nhật Thái đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải nhì20. Điều này cho thấy, giờ đây Cửu đỉnh cần được gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị giáo dục di sản Cửu đỉnh, trải nghiệm mỹ thuật, các sản phẩm lưu niệm có hình ảnh, họa tiết Cửu đỉnh,... để du khách thập phương được biết, học hỏi, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị quý báu mà thời Nguyễn đã để lại.

5. Kết luận

“Ứng dụng di sản tư liệu Cửu đỉnh vào chương trình giáo dục địa phương ở Thừa Thiên Huế” nhằm mang đến trong “Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế” từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học phổ thông và cả trong giáo dục mầm non. Ngoài ra, cần thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật với các hình ảnh, họa tiết từ Cửu đỉnh trong học sinh, sinh viên, các nhà thiết kế, nghệ nhân làng nghề thủ công, họa sĩ, kiến trúc sư… bằng các ứng dụng trong giáo dục, tạo ra sản phẩm nghệ thuật, lưu niệm để phục vụ đời sống và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Ngoài ra, mong rằng các hoạt động trải nghiệm giáo dục di sản Cửu đỉnh đã tổ chức ở các trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố Huế sẽ được lan rộng và tiếp tục có cơ hội trải nghiệm hoạt động đó đến các trường học khác. Chúng ta muốn lan tỏa “sứ mệnh của Cửu đỉnh” đến nhiều hơn với mọi người, đặc biệt là các trường học, học sinh chưa có cơ hội hiểu, biết và trải nghiệm cùng với loại hình di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mà điển hình chính là Cửu đỉnh - Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.

P.Đ.N.T
(TCSH424/06-2024)

----------------------------
1 Quyết định số 927/QĐ-UBND, Về việc điều chỉnh khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp tiểu học, của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 14/4/2022.
2 Quyết định số 1576/QĐ-UBND, Phê duyệt Khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học cơ sở, của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 29/6/2021.
3 Quyết định số 1100/QĐ-UBND, Phê duyệt Khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế - cấp trung học phổ thông, của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 06/5/2022.
4 Quyết định số 2480/QĐ-UBND, Phê duyệt đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục mầm non” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 19/10/2023.
5 https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/hoat-dong-kh-cn-dia-phuong/giao-duc-gia-tri-van-hoa-hue-cho-hoc-sinh-pho-thong-trong-boi-canh-hoi-nhap.html
6 https://www.quochoitv.vn/giao-duc-di-san-nhin-tu-thua-thien-hue-216933.htm
7 https://baochinhphu.vn/cuu-dinh-hoang-cung-hue-duoc-vinh-danh-di-san-tu-lieu-the-gioi-102240508144509293.htm
8 http://tangthulau.vn/ContentBrowser.aspx?contentid=2120
9 Dương Phước Thu (2011), Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế, Nxb. Tri Thức, trang 28.
10 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 36.
11 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 35-40.
12 Phan Thanh Hải (2023), Tản mạn về Huế - Từ góc nhìn Di sản Văn hóa, Nxb. Hà Nội, trang 188 - 190.
13 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 64-65.
14 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 78-79.
15 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 92-93.
16 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 109.
17 Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, VB số 395/KH-ĐHKH, Kế hoạch Tổ chức hoạt động trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh lớp vẽ TKstudio, ngày 08/4/2024.
18 Dương Phước Thu (2011), sđd, trang 38-40.
19 https://bvhttdl.gov.vn/gin-giu-di-san-tu-lieu-quy-hiem-duoc-unesco-cong-nhan-20240515123903236.htm
20https://congthuong.vn/thua-thien-hue-san-pham-con-duong-di-san-dat-giai-nhat-thiet-ke-san-pham-thu-cong-my-nghe-294582.html

 

 

Các bài mới
Tình Bolero (05/07/2024)
Ức cố nhân (03/07/2024)
Các bài đã đăng