Tạp chí Sông Hương - Số 424 (T.06-24)
Tiểu thuyết lịch sử “Hồ Xuân Hương” & những sáng tạo của nhà tiểu thuyết
14:17 | 05/07/2024


NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tiểu thuyết lịch sử “Hồ Xuân Hương” & những sáng tạo của nhà tiểu thuyết
Ảnh: tư liệu SH

Tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương1 của Nguyễn Thế Quang vừa xuất bản ôm trùm không/thời gian rộng lớn suốt cuộc đời nữ sĩ với toàn bộ sự nghiệp cùng những mối quan hệ với các danh sĩ đương thời đã dựng nên chân dung một nhân vật phong phú, xứng đáng được UNESCO, trong kỳ họp lần thứ 41 tại Paris ngày 23/1/2021 ra nghị quyết vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của bà.

Hồ Xuân Hương là một tên tuổi đã quá quen thuộc với rất nhiều bài thơ “có hai mặt, lấp lửng, thiêng và tục, thanh và tục” (Đỗ Lai Thúy - “Gừng xứ Nghệ”, Nxb. Văn học, 2022) nhưng nữ sĩ họ Hồ trở thành nhân vật tiểu thuyết là sự kiện mới toanh, vừa xuất hiện đầu xuân 2024 này. Người tạo ra sự kiện này là nhà văn Nguyễn Thế Quang - tác giả đã đạt được thành công với các tiểu thuyết Nguyễn Du; Khúc hát những dòng sông (viết về bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đường về Thăng Long (viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và nhất là tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ đã được tặng Giải thưởng Văn học ASEAN 2016. Tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương ra đời trong chuỗi hoạt động văn hóa nổi bật sau khi UNESCO ra nghị quyết vinh danh nữ sĩ; mặt khác, với một tên tuổi nổi tiếng như thế, lại được truyền tụng lâu dài trong dân gian với nhiều giai thoại khác nhau, nhà văn dựng thành nhân vật tiểu thuyết được bạn đọc đồng tình là việc không hề dễ dàng. Đó là chưa nói đến tác giả ở độ tuổi bát tuần, liệu còn… sức và có gan miêu tả một nhân vật chuyên thể hiện những biểu tượng phồn thực “vi phạm cấm kỵ, “gây sự” với ý thức chính thống của xã hội đương thời…”? (Đỗ Lai Thúy - Sách đã dẫn).

*

Như tôi được biết, mặc dù đã có không ít kinh nghiệm qua các tác phẩm thành công trước đây, nhưng tác giả đã rất thận trọng, bỏ nhiều công sức nghiên cứu, đối chiếu các nguồn tư liệu trong cả chục năm qua, để viết nên cuốn sách này. Đến nay, tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc một cách hoành tráng; sách dày trên 500 trang, được chia làm 9 phần gồm 27 chương, kết cấu chủ yếu theo dòng thời gian, mở đầu là phần “Tuổi thơ tươi đẹp” và phần cuối “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng” viết về những năm tháng cuối đời Hồ Xuân Hương. Như vậy, những ai chỉ “mê” loại sách viết theo các trường phái mới lạ có thể không thích; nhưng các tác phẩm đạt giải thưởng - kể cả giải Nobel gần đây - đã chứng tỏ là phương pháp sáng tác “cổ điển” không hạn chế sức sáng tạo của nhà văn, vẫn làm nên tác phẩm có giá trị. Tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ của Nguyễn Thế Quang được tặng giải thưởng ASEAN năm 2016 cũng là một bằng chứng.

Với Hồ Xuân Hương, mặc dù trung thành với phương pháp “cổ điển” và rất cẩn trọng khi xử lý các tình tiết, sự kiện liên quan đến lịch sử, bối cảnh nhân vật hoạt động, kể cả tên các địa phương cũng ghi đúng như cách gọi hai thế kỷ trước, tác giả vẫn mạnh dạn hư cấu, tạo nên một tiểu thuyết phong phú và hấp dẫn. “Lời giới thiệu” của nhà xuất bản cũng đã viết: “…bên cạnh những sự kiện lịch sử xảy ra trong những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với những con người có thật, tác giả đã sáng tạo nên những nhân vật, hư cấu nên một số câu chuyện […]. Thể loại tiểu thuyết cho phép tác giả hư cấu để truyền tải tư tưởng của mình, miễn sao sự hư cấu đó không làm sai lệch bản chất sự kiện, con người có thật trong lịch sử.”

Ngay từ chương đầu tiểu thuyết, tác giả đã sáng tạo chuyến về thăm quê Quỳnh Đôi (Nghệ An) của Hồ Phi Mai (tên thầy Hồ Phi Diễn đặt cho con, sau mới lấy hiệu là Xuân Hương) vào lúc ở Bắc anh em họ Trịnh tranh đoạt ngôi, Đặng Thị Huệ lộng quyền, trong Nam thì Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đánh chiếm Gia Định. Thầy Diễn ra Bắc dạy học rồi làm rể Kẻ Chợ (tức Thăng Long), nay cho con về làng, để được người chú là thầy Hồ Phi Hậu đưa đi thăm các di tích văn hóa, kể cho nghe truyền thống tốt đẹp trong làng, trong họ… Không ngờ, một chiều, tú tài Hồ Thắng đứng đầu Hội Tư văn của làng, đến quở trách Hồ Hậu sao để cháu con “ngủ ngày lại còn thơ với phú chế giễu cả thiên hạ.” Đó là bài thơ nhiều người đã biết: “Trưa hè hẩy hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng…”. Bất ngờ nữa là bà vợ lại bênh cháu: “Nó ngủ là việc của nó, ai bảo cứ đứng nhìn, nó giễu cho là phải […]. Này, “bụng trâu cũng như dạ bò”, đàn ông các người ai chẳng thế. Ngày xưa, chẳng phải ông và đám trai làng này đêm trăng nấp quanh giếng làng ngắm trộm chúng tôi tắm là gì?” Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng “đây là bức tranh phụ nữ khỏa thân đẹp nhất của Hồ Xuân Hương và của văn hóa Việt Nam…”. Còn Phi Mai thì thưa với chú là do đám học trò thấy mình ngủ quên, chỉ trỏ và còn nói tục, nên phải làm thơ giễu để các anh không nghĩ bậy nữa… Cô tỏ ra thích thú khi được chú giới thiệu phong cảnh quê nhà từ núi Trụ Hải, bảy hòn núi Quấn Châu, ao Bà Mán, sông Mơ… đến đình làng Ngũ Phúc, chùa Quỳnh Thiên… nhưng cũng tỏ ra bất bình về những luật lệ gò bó của làng quê khi nghe chú Hồ Hậu cho biết điều 67 Hương ước của làng ghi: nếu trai gái ve nhau gây tiếng đồn xấu là bắt nộp một con trâu giá mười quan, đem ra đánh…; vì thế mà đêm trăng đẹp, “trai thanh gái tú” không dám đi chơi với nhau!

Như vậy là chỉ với chục trang đầu tiên, tác giả đã cho nhân vật trình diện trước bạn đọc với tính cách và tài thơ khác thường, giữa bối cảnh xã hội cả nước cho đến diện mạo văn hóa một làng quê ở miền Trung, có nhiều nét đẹp truyền thống, nhưng cũng không thiếu hủ tục…; từ đây, bạn đọc đã bắt đầu nhận ra nguồn gốc của mọi phản ứng và mâu thuẫn mà nữ sĩ phải đương đầu suốt đời.

Cũng chỉ với một ít tư liệu thành văn tự - trong đó có thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương mới được công bố vài chục năm gần đây, tác giả đã mạnh dạn hư cấu nhiều mối tình của nữ sĩ với các danh sĩ như Mai Sơn Phú, Tổng Kình (tức Tổng Cóc trong các giai thoại), Nguyễn Du, Chiêu Hổ, Tôn Phong, Trần Phúc Hiển… trong đó mối tình với Nguyễn Du và quan Tham hiệp Trần Phúc Hiển là đậm đà nhất. Tôi nghĩ với một nữ sĩ tài danh, tác giả những bài thơ giàu biểu tượng phồn thực của bà không chỉ “chống lại tập quán tính dục ích kỷ của người đàn ông… mà còn coi tính dục của người phụ nữ là chủ, là ngọn nguồn, là túi “càn khôn”…” (Đỗ Lai Thúy - Sách đã dẫn) thì những chuyện tình được hư cấu trong tiểu thuyết Hồ Xuân Hương là hợp lý.

Như thế, có thể nói, Nguyễn Thế Quang đã vượt qua các thách thức, dựng được nhân vật tiểu thuyết Hồ Xuân Hương. Về mặt nghệ thuật, đây là thành công quan trọng nhất vì không ít cuốn sách ghi là “tiểu thuyết” nhưng không có “nhân vật tiểu thuyết” mà chỉ có những tên người gắn với các sự kiện được cho là quan trọng, gay cấn hoặc với các câu chuyện tình “tay ba tay tư” dễ câu khách… Chúng ta đều biết, các sự kiện hay câu chuyện dù là “giật gân” cũng mau chóng bị nhấn chìm trong biển thông tin, nhưng nhân vật tiểu thuyết là độc nhất vô nhị, được người đời nhớ mãi, như “Kiều” của Nguyễn Du, “Chí Phèo” của Nam Cao…

Với tiểu thuyết lịch sử “Hồ Xuân Hương”, nếu “đọc qua” để nắm bắt câu chuyện, bạn đọc có thể nghĩ rằng cuốn sách chủ yếu giúp bạn đọc hiểu sâu hơn hoàn cảnh ra đời những bài thơ “nghịch đời” mà cũng là những tác phẩm “để đời” của nữ sĩ họ Hồ. Điều này là rất cần thiết vì không phải ai cũng hiểu hết giá trị nghệ thuật những bài thơ của nữ sĩ; và nếu tôi không nhầm thì có lẽ nhiều người nhớ thơ Hồ Xuân Hương vì “có cái thú được vi phạm cấm kỵ mà không nguy hiểm” (Đỗ Lai Thúy - Sách đã dẫn); Nguyễn Thế Quang với kiến văn khá sâu rộng sau mấy thập kỷ giảng dạy và nghiên cứu, đã khéo kết hợp việc miêu tả hoàn cảnh xã hội và đời riêng thi sĩ với việc phân tích giá trị nghệ thuật những tác phẩm chủ yếu nhất của nữ sĩ - những bài thơ “lấp lửng thiêng và tục” mà nhiều người thuộc và cả thơ chữ Hán còn ít người biết. Đây cũng là cách tôn vinh rất có ý nghĩa giá trị văn hóa sự nghiệp chính của Hồ Xuân Hương. Có lẽ nhiều bạn đọc cũng có thể liên tưởng bài thơ “Cảnh làm lẽ”, nữ sĩ đã viết trong hoàn cảnh phải làm vợ ba Tổng Kình, bị mụ vợ cả dở đủ trò “đánh ghen”; nhà tiểu thuyết thì không “minh họa” đơn giản bài thơ với câu chuyện một chồng ba vợ mà dành hẳn Phần 3 tiểu thuyết có tên “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, gồm hai chương dài đến 40 trang sách, không chỉ miêu tả cảnh làm lẽ của nữ sĩ với biết bao ngày đêm trăn trở, buồn tủi, lẫn giây phút hạnh phúc - nhất là đêm nàng ngồi dệt vải ngóng chồng đã viết nên bài thơ “Dệt cửi” và Tổng Kình mặt đỏ gay, vượt qua sự ngăn cấm của bà cả, phóng ngựa lên Phong Nguyệt sào; sau khi nghe Xuân Hương đọc thơ “Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau/ Con cò mấp máy suốt đêm thâu…”, anh chồng vốn là học trò cũ của thầy Hồ Phi Diễn, “ngạc nhiên: - Đúng là cảnh dệt cửi… mà sao cũng giống “chuyện ấy”. Hồ Xuân Hương mỉm cười, nhìn Kình với đôi mắt nồng nàn như có lửa, giọng vừa thanh vừa dí dỏm: “Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ/ Chiều đến ba thu mới dãi màu”; Kình cười ha hả: - Hay quá! Chịu nàng! Kình bước tới, kéo Xuân Hương dậy, lôi vào phòng. - Nào! Chúng ta cùng nhau… dệt!”.

Trích dẫn vài câu để thấy tác giả không chỉ “minh họa” hoàn cảnh ra đời bài thơ mà đã dựng một nhân vật tiểu thuyết sinh động, tâm lý không đơn giản, dù giận dữ muốn “chém cha cái kiếp lấy chồng chung…/ Một tháng đôi lần có cũng không”, vẫn có lúc được tận hưởng niềm hoan lạc vợ chồng. Nhưng Hồ Xuân Hương không cam chịu như thế, nàng quý trọng sự tự do hơn tất cả, nên đã quyết định bỏ Tổng Kình về với mẹ khi đã mang thai, mặc dù thân mẫu và cả vợ hai Tổng Kình xem đó là việc xã hội không chấp nhận, “đàn bà làm vậy là bôi tro trát trấu vào gia tộc mình”! Thật đau xót khi Xuân Hương quyết thoát ra khỏi cuộc sống tùtúng, mòn mỏi, “càng không muốn con của mình phải sống như thế”, nhưng đứa con chưa chẵn tháng đã qua đời và không được nhìn mặt bố…

Cũng nên nói thêm là tác giả không chỉ chú trọng xây dựng nhân vật chính của tiểu thuyết là Hồ Xuân Hương; trong chương sách vừa trích dẫn, Tổng Kình cũng trình diện trước bạn đọc là một nhân vật không hề đơn giản như chàng Tổng Cóc hám sắc đáng ghét mà dân gian truyền tụng - Tổng Kình nhớ cả thơ vua Lê Thánh Tông miêu tả cảnh dệt vải và tỏ ra tôn trọng, chung thủy với Xuân Hương; ông ta đã đến lạy thân mẫu nữ sĩ, nhận hết lỗi về mình và xin được nhận con…

Chỉ với một phần (trong 9 phần của tiểu thuyết), tác giả đã mở rộng biên độ phản ánh, không “đóng khung” nhân vật trong một chuyện tình dang dở và đau khổ mà còn cho bạn đọc được cùng “dạo chơi” với Xuân Hương trong lễ hội tháng Giêng ở làng Gáp, nghe hát xoan, hát ghẹo, không thiếu những câu đố “tục lẫn thiêng” và nhất là lễ “Linh tinh… phộc” kỳ lạ mà thiêng liêng với hai vật Nõ và Nường được giao cho một đôi nam nữ biểu diễn theo tiếng hô: “Bắt đầu! “Linh tinh tình… phộc!””. Xuân Hương nhớ lại chuyến đi lễ cùng mẹ, “thắc mắc” sao lại thờ những vật đó và đã được bà giải thích: “…Những cái đó của các cụ cố, các can… sinh ra đời này đến đời khác. Không có cái đó, không có con người, con người không thể sinh sôi nẩy nở thành xóm, thành làng… thành giang sơn thế này…”.

Thơ Xuân Hương “tục mà thiêng” từ đó, từ những giá trị văn hóa dân gian nhiều vùng đất mà nữ sĩ được thừa hưởng, trong đó có làng Quỳnh Đôi và xứ Nghệ, mà tác giả tiểu thuyết đã “tạo điều kiện” cho nhân vật trở về quê hương nhiều lần để được “tắm gội” trong bầu khí quyển văn hóa đậm đà của một vùng đất nổi danh là “địa linh nhân kiệt”…

Trong tiểu thuyết Hồ Xuân Hương, mấy năm làm lẽ Tổng Kình chưa phải là đoạn đời quan trọng nhất của nữ sĩ. Hồ Xuân Hương còn nhiều “cuộc tình” sâu đậm hơn, dù tất cả đều dang dở, khiến độc giả quý trọng tài thơ của bà càng thương cảm cho số phận “bà chúa thơ Nôm”. Đặc biệt, tác giả đã dành những trang viết hay nhất cho mối tình giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du; đây có thể là “đề tài” của một tiểu luận thú vị về quyền và khả năng sáng tạo, “hư cấu” của nhà văn khi viết về những nhân vật nổi tiếng, nhưng đồng thời cũng dễ gây tranh cãi vì trong những tư liệu tạm gọi là “chính thống” có rất ít thông tin và thường được xem là “giai thoại”. Tôi cho rằng tác giả đã hư cấu dựa trên “suy đoán có thể” và hợp lý, kể cả chương miêu tả khá táo bạo lần ân ái duy nhất giữa “cặp đôi” tài danh này. Đó là lúc “Nguyễn Du sau 10 năm bôn ba khắp chốn, 5 năm về tham gia phường săn núi Hồng, cũng được gọi ra Thăng Long”, nghe bạn là tiến sĩ Phạm QuýThích vừa ghé thăm Xuân Hương tại Cổ Nguyệt đường cho biết “Chuyện tình với Mai Sơn Phúbất thành, chuyện gia thất với Tổng Kình cũng tan, bây giờ sống với mẹgià”… Thế là Nguyễn - từhuyện PhùDung xứSơn Nam, nơi chàng vừa được vua Gia Long bổ làm tri huyện - đã cưỡi ngựa về thăm người tình mà Chiêu Bảy đã cùng thưởng ngoạn trà sen Tây Hồ hơn chục năm trước, ngạc nhiên khi nghe nàng đọc hai câu thơ chữHán rất điêu luyện: “Thủy nguyệt ba lung liên tháp truất/ Hương yên bảo thoại lộ liên vân” (“Trăng nước sóng lồng sen nõn cánh/ Khói hương tàn báu hạc bay ngàn” - Phạm Trọng Chánh dịch). Buổi tái ngộ diễn ra dưới đêm trăng, có rượu ngon và gió Tây Hồ, bên người đẹp bao năm trông đợi và đang khao khát một vòng tay ôm sau “nhiều đêm buồn tê tái”. Tuy vậy, cả hai đều muốn kìm lại sự ham muốn - Nguyễn tự nhủ: “Con người cô đơn đang hừng hực bốc lửa ấy, chỉ cần mình chạm vào người nàng, tất cả sẽ bốc cháy. Không! Ta không thể lợi dụng sự cô đơn và khao khát của nàng…”. Còn Xuân Hương, sau khi buồn bã trở về phòng riêng, nhớ lại những lần Nguyễn đến thăm, nàng hiểu “Nguyễn vẫn yêu ta. Nàng chợt nhận ra. Chàng sợ xúc phạm mình. Nàng càng yêu Nguyễn bội phần… Nàng cố nén! Không! Sao lại phải kìm nén khi lòng đang yêu? Khi cả hai người cùng yêu. Ta phải đến với chàng… Ta phải đến với chàng. Kìa! Ngoài kia bầu trời lồng lộng, trăng vàng rười rượi như vẫy gọi…”. Thế là những điều gì đáng đến đã phải đến. Nghe Nguyễn nhắc lại lần nàng đến thăm chàng lúc ở Thái Bình vào một đêm trăng đẹp; còn “nay gần bốn mươi, trăng lại đưa ta gặp lại muội. Xin cảm tạ hoàng thiên!” Xuân Hương nói: “n muội, hơn ba mươi năm, trăng vỡ hai lần, nay gặp lại huynh, thật viên mãn. Nào, chúng mình cùng nâng chén…” “nàng ngả vào lòng Nguyễn… […]. Chàng cúi xuống đắm đuối ngắm nhìn gương mặt ngời ánh trăng của nàng. Mùi hương bưởi chỉ còn thoảng nhẹ…”.

Những trang văn đẹp về một mối tình đẹp nhưng không tiện trích dẫn nhiều hơn. Mà miêu tả tình yêu trai gái thì nhiều văn sĩ còn viết hấp dẫn và “bạo liệt” hơn Nguyễn Thế Quang; nhưng hiếm có tình yêu nào sâu sắc mà đậm phong vị văn chương như tình yêu giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du. Một tình yêu đẹp mà buồn, thật buồn. Thú thực là tôi đã rớm nước mắt khi đọc chương 11 (trong Phần thứ tư mang tên “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn”) miêu tả cảnh Hồ Xuân Hương tiễn biệt Nguyễn Du khi chàng quyết định lui về Tiên Điền sau 3 năm làm quan trên đất Bắc. Sau khi thân mẫu vào nhà trong, Xuân Hương “ôm chiếu, bưng khay rượu ra vườn, trải chiếu ra chỗ năm xưa. - “Nào, mời huynh ra uống với muội chén rượu tiễn biệt”. Nàng rót hai chén đầy. Rượu thơm lừng. Vẫn hoàng hoa tửu do tự tay nàng ủ. Hai người nâng chén. Nàng nhìn trăng, nhìn Nguyễn: “- Huynh trở lại Cổ Nguyệt đường đêm rằm tháng Tám. Ngày ấy trăng tròn, đêm nay trăng khuyết, chúng ta chia xa…”. Giọng nàng như nghẹn lại […]; “- Mất một đời chồng, bỏ một đời chồng, muội trắng tay. Có huynh, muội có tất cả. Không ngờ huynh lại đi. Lòng muội tan nát. Ông trời thật cay nghiệt!” […]. Nguyễn nắm lấy tay Xuân Hương. Bàn tay nàng lạnh ngắt. “-Đời muội, đời huynh qua bao bể dâu dâu bể, bao khổ ải. Chặng đường trước mắt còn lắm gian truân. Mong muội bình tâm, tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, đứng vững giữa cuộc đời đầy gông cùm và giông bão này”.

Cuộc chia tay buồn mà… rất đẹp. Vì sau đó, đúng như “cặp đôi” tài danh đặc sắc này đã “giao ước” với nhau, họ đã để lại cho hậu thế kiệt tác Truyện Kiều và những bài thơ mang biểu tượng phồn thực, lấp lửng thanh và tục mà bất tử!

(Ở đây, xin được “mở ngoặc” thưa với những ai có ý “thắc mắc” về sự hư cấu của nhà văn đôi lời cho vui chuyện: Bây giờ đây, liệu một ngày đi làm ở cơ quan, về nhà, bạn dễ gì biết được vợ mình đã đi chơi, đã trò chuyện với những ai, ở đâu trong ngày đó? Huống chi nhà văn miêu tả câu chuyện hàng thế kỷ trước, cả hai nhân vật lại trong cảnh yếu thế, chưa mấy ai để ý, chẳng sử sách nào ghi lại lịch trình như các “sếp” đi thăm ngoại quốc hiện nay. Thế mới cần nhà văn viết tiểu thuyết để sáng tạo, “bù đắp” khoảng trống, vùng “mờ” ấy, phải không các nhà nghiên cứu?).

Lại cần phải nói thêm điều này: Đừng thấy nhà văn đề cập nhiều cuộc tình sâu đậm của nữ sĩ, lại miêu tả “cặp đôi” thi nhân âu yếm bên nhau mà nghĩ rằng “bà chúa thơ Nôm” quá dễ dãi. Chỉ với chi tiết Xuân Hương cho Chiêu Hổ một “bài học” khi “Anh đồ tỉnh, anh đồ say/ Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/ Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay” cùng với việc nàng từ chối tình yêu của Tôn Phong - người cùng quê xứ Nghệ, mê mẩn đeo đuổi nàng bao năm, nhưng nữ sĩ vẫn chỉ coi là bạn thơ mà thôi, đã chứng tỏ nữ sĩ luôn biết giữ phẩm giá phái đẹp chứ không buông thả theo nhu cầu của bản thể nữ.

*

Với quan niệm quyền hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử đã nói ở trên, trong Phần thứ tám “Hoạn hải ba đào” và Phần thứ chín cuối tiểu thuyết “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng”, tác giả đã mạnh dạn tạo dựng những năm cuối đời Hồ Xuân Hương đầy thi vị mà cũng lắm éo le. Đó là thời đoạn nữ sĩ thuận làm vợ quan Tham hiệp Trần Phúc Hiền - một nho sĩ tài danh và đức hạnh.

…Phúc Hiền dòng dõi thi thư, được bổ chức Hàn lâm viện thị thư rồi Tri phủ Tam Đái. Chăm dân có đức có công, được thăng Tham hiệp trấn Yên Quảng. Có tình với Xuân Hương đã ba năm trời vẫn một lòng chờ đợi... […] Còn Xuân Hương bao năm lẻ bóng, khách bạn dập dìu, nhiều bậc tài danh muốn kết nghĩa, vẫn một lòng gắn bó với Trần quân, thủy chung như nhất, nhân cách vẹn toàn…”.

Trước buổi tiễn đưa Xuân Hương xuống thuyền về Yên Quảng, người chú đã khấn trước bàn thờ song thân nữ sĩ như thế. Sau đó, “cả làng tiễn hai người xuống thuyền. Nắng vàng rực, gió xuân hây hẩy, Hồ Tây mênh mang màu sáng bạc. Con thuyền nhỏ ra đến bến Hà Khẩu nơi thuyền lớn kết hoa và đèn lồng đã đợi sẵn.

Trên đây là một đoạn trích cuối Chương bảy. Trong Chương 8, tác giả đã dành những trang văn khá đẹp khi tả cặp đôi trai tài gái sắc dạo thuyền trên vịnh Hạ Long gặp bão… Thật tiếc, thời điểm đó - vào khoảng năm 1814 - 1818, triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long, kéo sang cả đời vua Minh Mạng - do nhiều nguyên nhân (có thể là hậu quả của sự “đổi ngôi” đầy máu và ân oán giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn - có người từ phe Tây Sơn, trở thành đại quan thời Gia Long như Lê Chất…; cũng có thể là việc tranh quyền giữa công thần và nịnh thần…) - đã xảy ra những vụ “án oan” tày đình như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành… mà lịch sử cho đến nay hình như vẫn chưa thật sáng rõ. Trớ trêu thay là người mà Xuân Hương hy vọng sẽ được sống hạnh phúc cùng nhau đến cuối đời lại từng được Nguyễn Văn Thành tin cậy - mà vị đại công thần, Tổng trấn Bắc thành này vừa phải uống thuốc độc tự sát do cậu con trai làm bài thơ có hai câu cuối bị kẻ nịnh thần tâu với vua là Thành có “ngụ ý làm phản”! Thế là có cớ cho mấy kẻ gian thần cấu kết với bọn hải tặc “làm ăn” ở vùng biên ải Yên Quảng giăng bẫy tố cáo Phúc Hiền tham nhũng!

(Một “chuyện xưa” hơn hai thế kỷ trước mà ngẫm ra vẫn nóng bỏng tính thời sự! Nhưng thôi, xin trở lại với nhân vật của chúng ta…).

“Truyền thuyết” cho rằng Xuân Hương đã trầm mình chết theo chồng, sau khi quan Tham hiệp Phúc Hiền tự sát trong tù do bị bọn gian thần vu oan, nhưng tác giả lại “để nữ sĩ đi vân du khắp chốn như mong ước tự do thể hiện trong những bài thơ của bà.” Để “chuẩn bị” cho sự kiện hư cấu này, ở một chương trước đó, khi Hồ Xuân Hương được tiến sĩ Phạm Quý Thích cho mượn “Đoạn trường tân thanh” (tức Truyện Kiều của Nguyễn Du), cô đọc mê say và bỏ mấy ngày để chép lại, nhưng phê phán gay gắt việc Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường: “Con người ta dù trong bất kỳ tình huống nào cũng không được lựa chọn việc tự sát”. Đây chính là “căn cứ” để tác giả hư cấu rằng nữ sĩ vẫn đang sống; và cũng chính Nguyễn Du khi gặp lại tiến sĩ họ Phạm đã tỏ ra nghi ngờ về tin Xuân Hương đã trầm mình ở Quảng Yên. Nguyễn nói: “Con người như nàng không bao giờ chọn cái chết bi thảm, bế tắc như vậy.” Và quả nhiên, một đêm, Xuân Hương đã trở về thắp hương cho thân mẫu trong bộ áo nâu sồng của nhà Phật… Việc tác giả hư cấu trong trường hợp này không chỉ “hợp lý” mà còn hàm ý tôn vinh nữ sĩ họ Hồ sống mãi như những vần thơ của bà.

*

Tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương” còn có thể là đề tài của một tiểu luận bàn về “nữ quyền” rất phong phú; “Nữ quyền luận” và thiên tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương là điều dễ nhận thấy và đã được nhiều tác giả đề cập; tuy vậy, trong tác phẩm mới này có vô vàn sự kiện, chi tiết giúp cho những ai quan tâm đến “nữ quyền luận” có thêm dẫn chứng sinh động về nhiều phương diện... Từ cuốn sách này, cũng có thể làm một tiểu luận về số phận nhân tài trong xã hội thế kỷ 18 -19, khi chế độ phong kiến độc tài rối loạn vì tệ nạn tranh giành ngôi báu, nịnh thần hãm hại công thần… Hai đề tài quan trọng này - nói nôm na là không “trực thuộc” chuyện văn chương; tôi là người không thông thạo về lý thuyết và lịch sử, nên chỉ gợi ra vậy, để thấy nội hàm tiểu thuyết Hồ Xuân Hương rất phong phú; và biết đâu rồi sẽ có luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ về hai vấn đề nêu trên.

Những sáng tạo, hư cấu của nhà văn Nguyễn Thế Quang trong cuốn tiểu thuyết này cũng có thể sẽ có ý kiến khác. Trong học thuật, đó là điều đáng mừng. Tôi mong sẽ được đọc những bài viết công phu hơn về tiểu thuyết Hồ Xuân Hương.

N.K.P
(TCSH424/06-2024)

--------------------
1 Tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương của Nguyễn Thế Quang - Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2024.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tình Bolero (05/07/2024)
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)