Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-24)
Tầm quan trọng của di sản Hán Nôm Huế trong tiến trình đô thị Huế trực thuộc Trung ương
15:44 | 31/07/2024


VÕ VINH QUANG

Tầm quan trọng của di sản Hán Nôm Huế trong tiến trình đô thị Huế trực thuộc Trung ương
Châu bản liên quan đến Hoàng Sa (năm Minh Mạng thứ 18 - 1837). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

1. Mở đầu

Trong tiến trình phát triển Thừa Thiên Huế thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã và đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu quan trọng và cần thiết.

Đề án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (viết tắt: Đề án Quy hoạch) do Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 108/QĐ-TTg/2024 vừa qua cũng nêu bật xây dựng Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng Bảo tồn, Phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Cố đô, bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa và di sản độc đáo, là Đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Theo đó, từ các Tầm nhìn 2030, 2045, 2065..., Đề án Quy hoạch đều nhấn mạnh vai trò chủ đạo của một Đô thị di sản với đặc trưng văn hóa, di sản, mang bản sắc Huế. Như vậy, việc phấn đấu trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương trên nền tảng Bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản, con người, văn hóa Huế vừa là động lực phát triển, là niềm tự hào và mong ước của Đảng bộ, chính quyền và người dân Huế, lại vừa là trách nhiệm rất to lớn của xứ Huế đối với đất nước.

Có thể thấy, Đề án Quy hoạch chung, tổng thể ấy lấy việc Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Huế (gồm vật thể và phi vật thể) làm nòng cốt để xây dựng và phát triển. Bao hàm toàn bộ di sản Huế là những khối lượng di sản văn hóa lịch sử đồ sộ, mà ở đây chúng tôi tạm chia ra thành 4 phần chính yếu là: Di sản văn hóa cung đình (trong đó có hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế), Di sản văn hóa làng xã dân gian, Di sản văn hóa truyền thống của gia tộc Di sản văn hóa tôn giáo truyền thống (gồm các tôn giáo đặc trưng tại Huế như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Cao Đài...). Các di sản văn hóa trên vừa có sự riêng biệt nhưng cũng vừa có sự tương hỗ, thống nhất, tác động ảnh hưởng qua lại với nhau, góp phần tạo nên một hệ di sản văn hóa Huế đặc trưng trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Tại Huế, hệ thống di sản này là cực kỳ đồ sộ và càng ngày càng được bổ sung, phong phú hơn, nhất là từ những đợt tiến hành số hóa của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh.

Trong việc bảo tồn và phát huy di sản Huế, Đề án Quy hoạch có các định hướng cụ thể liên quan đến Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Tuy nhiên, quần thể di tích Cố đô Huế chỉ là một phần nhỏ trong di sản văn hóa cung đình Huế. Còn lại, các loại hình di sản văn hóa Huế (đã nêu) thì chưa thực sự có một chiến lược và tầm nhìn cụ thể để phát huy vững chắc.

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Huế, theo chúng tôi là vấn đề rất to lớn và hệ trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề... Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sau khi mở rộng địa giới hành chính cho đến nay đã bao gồm rất nhiều làng xã, nhiều di tích di vật di chỉ lịch sử, văn hóa gắn liền với sự tồn tại, xây dựng và phát triển xứ Thuận Hóa, Phú Xuân xưa. Việc đánh giá những tác động thuận lợi và hạn chế của chính sách mở rộng địa giới hành chính, thiết nghĩ cũng cần được khảo cứu, luận bàn bằng các hội thảo, hội nghị chuyên môn, cũng như những điều tra thực địa cụ thể của các cấp chính quyền.

Quay trở lại với một vấn đề mà chúng tôi rất lưu tâm trong tầm nhìn và định hướng Quy hoạch Đô thị Huế, nhất là từ sau năm 2025 - khi Huế được chính thức trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đó là câu chuyện Di sản Hán Nôm Huế sẽ “đứng” ở vị trí nào trong đời sống văn hóa và di sản Huế? Nói cách khác, Di sản Hán Nôm Huế có vai trò và vị thế như thế nào, có tầm quan trọng ra sao trong chiến lược phát huy giá trị di sản của Đô thị Huế ở tương lai? Thông qua đó, chúng ta cần có thế ứng xử ra sao đối với di sản Hán Nôm Huế.

2. Di sản Hán Nôm Huế, tầm quan trọng và những giá trị đặc trưng

Xứ Huế là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa đa dạng, độc đáo trong lịch sử, từ quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa xưa. Bên cạnh những dấu tích văn hóa đặc trưng cư dân bản địa (tiêu biểu là văn hóa Chăm) nhiều thế kỷ trước, thì còn có sự “hợp lưu” giữa văn hóa Bản địa với văn hóa Đại Việt, mà di sản Hán Nôm Huế đóng vai trò là “cầu nối” quan trọng để khơi mở, chứng thực những chứng tích của quá trình “hợp lưu” ấy. Có thể kể đến những câu chuyện huyền tích, và nhiều bản sắc phong tôn vinh những vị thần bản địa (như thần Thiên Y A Na, Thai Dương phu nhân, Thạch tượng Dương thần, Hồng Hoa phu nhân, bà Trời Thiên Mụ...) đều được dân gian lưu truyền, triều đình phong tặng, thể hiện rõ nét sự tôn trọng và hợp hòa về văn hóa trong tâm thức người Việt.

Từ thời Chúa Nguyễn (1558 - 1777), Tây Sơn (1777 - 1802) và triều Nguyễn (1802 -1945), vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân này đã chính thức trở thành trung tâm hội tụ các mạch nguồn văn hóa. Bởi lẽ, xứ sở này là trung tâm chính trị của nhiều triều đại từ khoảng thế kỷ thứ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, để lại nhiều di sản tư liệu (vật thể và phi vật thể) rất đặc sắc, giá trị cao cho lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật của dân tộc. Có thể thấy, triều Nguyễn đã góp phần tạo nên một hệ thống di sản tư liệu đồ sộ, phong phú và trong số đó có nhiều di sản tư liệu đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, UNESCO ghi nhận là Di sản tư liệu của Thế giới, như Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản, Châu bản, Cửu đỉnh, Hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế…

Di sản Hán Nôm Huế, vì thế, là “chìa khóa” quan trọng nhất để khơi mở, bóc tách, đi sâu vào khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của xứ Huế. Bởi lẽ, di sản Hán Nôm Huế là hệ thống các tư liệu, văn tự được thể hiện trên rất nhiều vật liệu (như trên giấy dó, giấy sắc phong, trên gỗ, đá, gạch, đồ đồng, bạc, vàng...). Các tư liệu và văn tự Hán Nôm ấy chứa đựng tiếng nói và tiếng đồng vọng của người xưa. Chúng được thể hiện ra bên ngoài bằng các chữ Hán, chữ Nôm, nhằm để biểu đạt tiếng lòng của cha ông, truyền thống của dân tộc, là nét riêng về văn hóa của vùng miền, của đất nước. Do vậy, hệ thống di sản Hán Nôm nói chung, di sản Hán Nôm Huế nói riêng không chỉ có giá trị đặc trưng về một thời kỳ lịch sử, lưu giữ những nét đẹp văn hóa độc đáo về truyền thống của làng xã, gia tộc, đất nước... mà còn thể hiện trình độ thẩm mỹ, đặc sắc của những người thợ thủ công đã tạo tác nên những “bức thi họa” rất riêng, giàu bản sắc.

Chẳng hạn, hệ thống văn bản di sản Hán Nôm ở trên các hoành phi, biển gỗ, đố bản, trên các chuông đồng, bia đá... hay như hệ thống thơ văn, kinh kệ trên các mộc bản hiện tồn của Huế (như mộc bản kinh Phật, mộc bản thơ văn tại các chùa, các tư gia như phủ Tùng Thiện vương, phủ Tuy Lý vương, nhà thờ Đặng Thùy Trâm, chùa Từ Đàm, chùa Bảo Lâm, chùa Quốc Ân, chùa Thuyền Tôn...) thực sự đều là những nguồn tư liệu quý, góp phần không nhỏ để khẳng định vị thế của một đô thị di sản Huế mà các địa phương khác không dễ gì so sánh được.

Mộc bản Vỹ Dạ hợp tập, ở phủ Tuy Lý vương

Nguồn: Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế.


Bên cạnh nguồn tư liệu Hán Nôm thuộc về cung đình (trong đó có hệ thống di văn Hán Nôm thuộc quần thể di tích Huế) đã và đang được các đơn vị quản lý nhà nước và các tổ chức trong nước bảo quản, khai thác và phát huy giá trị (như các Trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Hệ thống Văn thư lưu trữ Nhà nước, các thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, thư viện các trường đại học và hệ thống các thư viện quốc lập, dân lập trên toàn quốc, nhất là Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp Huế…), hiện nay còn rất nhiều di sản Hán Nôm trong các Phủ Phòng (thuộc hoàng gia triều Nguyễn), tư gia, làng xã, chùa chiền, nhà thờ Thiên Chúa giáo, lăng mộ vua chúa, quan lại, nhân dân... trên khắp toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, với số lượng rất lớn (hàng triệu đơn vị tư liệu), có đóng góp trên nhiều bình diện đối với lịch sử của đất nước, mà cho đến nay vẫn chưa được khảo sát và thống kê, phân loại một cách đầy đủ, nhằm hướng đến việc bảo tồn, khai thác, tìm hiểu và phát huy bền vững các giá trị của di sản Hán Nôm Huế.

Chế phong cho Tiền quân Đô thống Võ Văn Kiêm (Hương Long, Huế)


Thời gian qua, công tác số hóa tư liệu và áp dụng khoa học công nghệ vào việc bảo quản, khai thác, phát huy giá trị di sản Hán Nôm Huế đã được nhiều tổ chức, cá nhân đẩy  mạnh, tiêu biểu như chương trình số hóa của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai số hóa ở hàng trăm làng xã, thôn ấp và phủ đệ trên địa bàn tỉnh nhà; hoặc như chương trình số hóa của Đại học Temple (Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ) phối hợp với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế trong vài năm trước đây.

Đến nay, thành tựu bước đầu của công tác số hóa trên là hàng triệu trang tài liệu Hán Nôm đa dạng về thể loại, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật đã được chuyển hóa thành tư liệu số (digital documents) để lưu trữ. Trong số đó, có những bản tư liệu cực kỳ hiếm có (như nguồn tư liệu hành chính thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và triều Nguyễn có đầy đủ dấu ấn triện, hoa áp, thể thức chữ Hán Nôm đặc trưng cho từng giai đoạn... từ lâu được làng xã, gia tộc trân quý bảo vệ, nay nhờ có quá trình số hóa nên nhiều người được tiếp cận rõ ràng cụ thể) đóng góp không nhỏ cho quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu cổ của cha ông, đồng thời rất hữu ích trong việc tìm hiểu, bổ khuyết nguồn thông tin tư liệu lịch sử ở địa phương và đất nước.

Tờ Chiếu ban cho Trà quận Phu nhân Trần Thị là bậc Khai quốc công thần bậc 2 (Gia Long năm thứ 4 -1805) ở làng Diêm Trường, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc.


Dẫu vậy, nguồn tư liệu số trên (vốn đã được thực hiện trong hơn 10 năm qua) vẫn chỉ nằm trong kho lưu trữ của các đơn vị như các “sản phẩm thô”, chưa có sự phân loại cụ thể, rõ ràng và chi tiết nhằm góp phần khai thác, phát huy giá trị một cách hữu ích.

Sống trong một “kho tàng” di sản vô giá này, những người làm công tác nghiên cứu văn hóa cổ truyền như chúng tôi thực sự rất mừng, nhưng cũng rất băn khoăn, lo lắng. Mừng là bởi chúng ta có được nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu về di văn của ông cha. Đó là những dấu ấn đậm nét, là những đóng góp to lớn cho di sản văn hóa Việt Nam của vương triều Nguyễn; song chính đó lại là trách nhiệm lớn cho những người thuộc hậu bối như chúng ta. Bởi lẽ, mọi thứ đều có thể bị hư hỏng, mai một do thiên tai, chiến tranh, ý thức…

Lịch sử văn hóa của từng vùng đất, của quốc gia dân tộc được thể hiện ra bằng chữ viết. Và, chữ Hán Nôm là sinh ngữ của dân tộc ta trong hơn ngàn năm qua. Nhưng cho đến nay, với những biến động của thời cuộc, lớp người nghiên cứu di sản Hán Nôm ngày càng ít đi bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan nhất định, trong đó lý do chính yếu đó là: chữ Hán Nôm trở thành “tử ngữ” (ngôn ngữ “chết” tức thuộc về quá khứ), người học Hán Nôm muốn đọc hiểu, nắm bắt được tương đối về nội dung của văn bản thì bắt buộc phải có thời gian tích lũy khá nhiều năm, phải nắm được các thể thức văn bản rất đa dạng (loại hình văn bản hành chính, chính luận, văn phong nghệ thuật, kỹ thuật biên soạn…) song nghề này khó tự nuôi sống được bản thân…

Mặt khác, hiện nay nhà nước và các ban ngành hữu trách mặc dù đã có một số thay đổi trong cách nhìn nhận về loại hình di sản này, song về cơ bản vẫn chưa thực sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho việc khai thác, nghiên cứu… Đó là thực trạng rất đáng lo ngại.

3. Một số đề xuất nhằm khai thác, phát huy giá trị nguồn di sản Hán Nôm triều Nguyễn, hỗ trợ đắc lực cho lịch sử văn hóa của địa phương và của quốc gia dân tộc

Để phát huy một cách có hiệu quả nguồn di sản Hán Nôm nhằm cung cấp nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác bảo tồn, gìn giữ nền văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng một nền văn hóa mới đậm đà bản sắc, đáp ứng tốt nhất về nguồn lực quan trọng cho định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa du lịch đặc trưng của quốc gia, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, chúng ta cần đặt ra các giải pháp cụ thể sau:

- Các cấp chính quyền, giới chuyên môn và toàn dân cần có sự nhìn nhận chuẩn xác, đúng đắn về vai trò, vị thế và giá trị quan trọng của nguồn di sản Hán Nôm Huế trong thời đại hiện nay, đặc biệt là với tiến trình phát triển của đô thị Huế. Bởi lẽ, di sản Hán Nôm Huế hiện tại được xem là nguồn di sản tư liệu cực kỳ quan trọng và đáng quý của Huế, có số lượng rất đồ sộ, đa dạng về chủng loại văn bản, phong phú về nội dung ý nghĩa, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề cổ truyền của địa phương, dân tộc. Bề dày truyền thống văn hóa của xứ Huế sở dĩ được kết tinh và phát huy tốt hiện nay là do nhiều yếu tố hội tụ, và nguồn di sản Hán Nôm là một thành tố trọng yếu không thể thiếu khuyết. Di sản Hán Nôm Huế không trực tiếp sản sinh ra các giá trị vật chất và tinh thần, nhưng lại là “chất liệu”, là nguồn tư liệu thiết yếu để làm nền tảng, căn cứ quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị vật chất, tinh thần trên nhiều bình diện. Chẳng hạn, nếu không có nguồn tư liệu Hán Nôm được lưu trữ qua nhiều thời kỳ, chúng ta sẽ không thể có căn cứ nhằm khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam trong lịch sử (điển hình như công cuộc thu thập tư liệu nhằm khẳng định các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam).

Tờ Thị cho làng Hà Trung được quyền quản lý mặt nước xung quanh phá Hà Trung, của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu năm Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713).


- Để Huế xứng đáng trở thành một Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, của Châu Á, là trung tâm giao lưu văn hóa lịch sử của toàn vùng, thiết nghĩ chúng ta cần gấp rút xây dựng, hình thành nên một Trung tâm, hoặc Viện Nghiên cứu về di sản Hán Nôm (và văn hóa cổ truyền) Huế. Đây là tầm nhìn, là chiến lược phát triển lâu dài, phục vụ cho công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản một cách bền vững, đặc biệt là rất phù hợp với công cuộc xây dựng Huế thành trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm di sản đặc sắc của Việt Nam. So sánh với các địa phương trên cả nước, ngoại trừ Thủ đô Hà Nội thì theo tìm hiểu của chúng tôi, khó có địa phương nào hàm chứa nguồn tư liệu Hán Nôm độc đáo, đồ sộ và đặc sắc như Huế. Dẫu vậy, thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã tổ chức đẩy mạnh khai thác, bảo tồn và phát huy nguồn di sản Hán Nôm của địa phương họ (tập trung nhất là các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh) một cách có hệ thống, có chiến lược. Trong khi đó, các công trình liên quan đến tư liệu Hán Nôm ở Thừa Thiên Huế trong hơn 20 năm qua thường chỉ là các công trình cá nhân, hoặc nhóm người yêu thích văn hóa cổ truyền, phần nào đó là một số ấn phẩm của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế... chứ chưa thực sự được quan tâm, đầu tư mang tầm nhìn chiến lược của các cấp chính quyền, để khai thác và phát huy giá trị di sản Hán Nôm Huế một cách tốt nhất.

- Cần triển khai tổ chức các lớp học cơ bản, nâng cao, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn về Hán Nôm cho học sinh, sinh viên và những người có quan tâm, trong đó tập trung vào cách đọc hiểu, xử lý văn bản học Hán Nôm, xử lý nguồn tư liệu, đọc và minh giải được các loại hình văn bản thực tế như văn bản Hành chính (Châu bản, Chế phong, Sắc phong, Sách phong, Văn bằng, Lệnh chỉ, Lục cấp, Văn khế, đơn từ)… Công tác này cần có chiến lược, bài bản và có mục tiêu định hướng lâu dài, nhằm tạo nênmột đội ngũ nhân lực mạnh nhằm phát huy giá trị của hệ thống tư liệu Hán Nôm đồ sộ của Huế nói riêng, của toàn miền Trung nói chung. Hiện nay, theo như tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, nhu cầu học tập về Hán Nôm đang ngày càng tăng cao tại các địa phương, vùng miền trong cả nước. Vì thế, các ban ngành hữu trách nên chăng cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên người học Hán Nôm nhằm kế thừa và đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực Hán Nôm, nhất là tại các địa phương như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... những nơi còn lưu giữ được số lượng tư liệu Hán Nôm khá đồ sộ.

- Tích cực phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết quốc gia và quốc tế để đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân loại di sản Hán Nôm (trong đó có chương trình số hóa và tiến tới đầu tư dịch thuật, xuất bản, bạch hóa nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của các nguồn tư liệu Hán Nôm cung đình, dân gian, gia tộc và tôn giáo... hiện tồn).

Sắc phong cho Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn, năm Khải Định thứ 2 (1917) của làng Dã Lê Thượng, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.


- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề liên quan đến di sản Hán Nôm Huế, để các nhà quản lý, những người làm công tác chuyên môn... tìm hiểu, nghiên cứu về vai trò, vị thế của di sản Hán Nôm đối với sự phát triển của Đô thị di sản Huế, đề xuất các mô hình, phương án nhằm bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa nguồn di sản Hán Nôm Huế hiện nay; đưa ra các giải pháp hoạch định, tầm nhìn dài hạn nhằm khai thác di sản Hán Nôm Huế phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ du lịch; phối hợp với các ngành nghề lĩnh vực khác nhằm liên kết phát huy giá trị (như áp dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, phát huy nguồn tư liệu Hán Nôm đã số hóa; cách trao đổi, khai thác qua lại giữa tư liệu Hán Nôm Huế với các địa phương trong nước, các thư viện và trung tâm lưu trữ ở nước ngoài...).

- Các tạp chí của quốc gia và của địa phương (như Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển...) cần đẩy mạnh hơn nữa các số chuyên đề liên quan đến di sản văn hóa cổ truyền nói chung, di sản Hán Nôm nói riêng nhằm không ngừng thu hút sự quan tâm của độc giả đến những lĩnh vực này.

- Phối hợp đào tạo, tập huấn các phương thức, kỹ năng chuyên môn để tu bổ, bảo quản nguồn tư liệu Hán Nôm triều Nguyễn hiện có.

- Đầu tư khai thác có trọng điểm các tư liệu Hán Nôm có giá trị (bằng những hình thức như trưng bày triển lãm, biên dịch xuất bản, tạo các diễn đàn trao đổi trên các tạp chí…).

- Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nguồn kinh phí cần thiết để tăng cường công tác số hóa hoặc tiếp cận nguồn tư liệu số hóa đã có của Huế nói riêng, của Việt Nam nói chung. Công việc này cần được đưa vào nhiệm vụ chiến lược toàn diện, nhằm xử lý đầy đủ và khai thác phát huy giá trị, đóng góp cho quá trình bảo tồn và phát triển bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế, theo hướng phát huy giá trị của Đô thị di sản Quốc gia đặc thù.

Cụm 5 văn bia ở Võ Miếu Huế đang nằm giữa trời, có nguy cơ hư hỏng nhanh chóng
Văn bia Chiêu nghi Trần Thị Xạ ở Đồi Dương Xuân.


- Cần quan tâm hơn nữa và có phương án nhanh chóng, hiệu quả để bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể hiện đã và đang có nguy cơ hư hỏng, mai một dần do nằm ngoài trời, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết. Trong số đó, nhiều văn bia ngự chế, cung đình của các vua chúa triều Nguyễn đang hiện hữu nhưng có tình trạng xuống cấp đáng báo động, như các văn bia ngự chế Trạch Nguyên tiếu lộc; Đông Lâm dặc điểu, Quá Phổ Lợi hà bi ký, Huỳnh tự thư thanh, Thị học thi tính tự, Ngự chế Thuận An tấn ký... hay như các văn bia quý ở Võ Miếu Huế, cụm 3 văn bia ở vườn Cơ Hạ - Đại Nội Huế.

- Cần phối hợp hiệu quả để đưa các di tích tiêu biểu của triều Nguyễn vào hệ thống di tích được quản lý của nhà nước, như cụm lăng mộ và nhà thờ của Đoan Hùng Quận công Nguyễn Văn Trương ở làng An Cựu; khu mộ phần của vợ chồng Thượng thư Lê Quang Định tại Ngũ Tây, phường An Tây; khu tháp tổ của thiền sư Nguyên Thiều; lăng mộ và tấm bia quý giá ở lăng mộ Chiêu nghi Trần Thị Xạ… Bởi lẽ, đó đều là những khu lăng mộ, tháp tổ độc nhất vô nhị, hiếm có và cực kỳ quý giá ở Huế, với nhiều giá trị đặc trưng, độc bản, không nơi nào có được.

V.V.Q
(TCSH53SDB/06-2024)

 

 

Các bài đã đăng
Cha tôi (18/07/2024)