Tạp chí Sông Hương - Số 427 (T.09-24)
Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
10:08 | 12/09/2024

NGUYỄN TẤT THẮNG - CHU TIẾN LỰC

I. Dẫn nhập

Quốc hiệu là tên gọi chính thức của một nước, một quốc gia. Đối với các dân tộc, việc đặt quốc hiệu, tên nước gắn liền với một sự kiện có tầm quan trọng, mang ý nghĩa của một phương thức khẳng định sự tồn tại của một nước, một quốc gia có lãnh thổ riêng, có dân cư nhất định và có nền độc lập, chủ quyền riêng biệt.

Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ảnh: tư liệu

Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã dùng nhiều quốc hiệu khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có những danh xưng được dùng chính thức hay không chính thức để chỉ vùng lãnh thổ thuộc quốc gia Việt Nam. Các quốc hiệu đó đều được ghi chép trong các sách sử Việt Nam, hoặc được chính thức sử dụng trong nghi thức ngoại giao quốc tế.

Nhân “220 năm quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử (1804 -2024)”, bài viết này ngoài phần khảo lược về quốc hiệu Việt Nam trong lịch sử, thì tập trung trình bày về Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

II. Nội dung

1. Vài nét về quốc hiệu Việt Nam trong lịch sử

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua nhiều lần đổi tên nước, mỗi lần thay đổi đều gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ngoài ra, còn chứng minh, khẳng định một lần nữa về nền độc lập, là một quốc gia có lãnh thổ, sông núi riêng, phong tục tập quán và nền pháp luật riêng biệt.

Quốc hiệu nước ta qua các thời đại đã thay đổi khá nhiều. Để tiện cho việc theo dõi sự thay đổi quốc hiệu ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Đầu đã chia ra bốn thời kỳ lớn1, bao gồm:

Thời kỳ dựng nước:

Tục truyền: Lộc Tục là cháu bốn đời vua Thần Nông, là con vua Đế Minh và một nàng tiên ở núi Ngũ Lĩnh. Lộc Tục được phong làm vua phương Nam, xưng Kinh Dương Vương lấy quốc hiệu là Xích Quỷ.

Văn Lang: Được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Lãnh thổ gồm khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Kinh đô đặt ở Phong Châu, truyền mười tám đời, đều gọi là Hùng Vương.

Âu Lạc: Năm 257 trước công nguyên, nước Âu Lạc được dựng lên, từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc).

Thời kỳ đấu tranh giành độc lập:

Kể từ khi Triệu Đà thôn tính nước ta (-206) tới khi Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng (938) đem lại nền tự chủ cho xứ sở, dài 1088 năm.

Vạn Xuân: Là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602.

Thời kỳ độc lập tự chủ:

Từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đến năm 1802, dài 864 năm với các quốc hiệu:

Đại Cồ Việt: Là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 86 năm đến năm 1054, đời vua Lý Thánh Tông đổi sang quốc hiệu khác.

Đại Việt: Là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh), đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 743 năm.

Đại Ngu: Là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ, từ năm 1400 - 1407. Chữ Ngu ở đây có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”.

Thời kỳ thống nhất lãnh thổ:

Từ năm 1802 đến năm 1945, nhà Nguyễn được thành lập với hoàng đế đầu tiên là Gia Long với các quốc hiệu:

Việt Nam: Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt. Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Để tránh nhầm lẫn, quốc hiệu được nhà Nguyễn đổi lại thành Việt Nam. Quốc hiệu này được tuyên phong vào năm 1804.

Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ XIV, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí và đầu thế kỷ XV trong cuốn Dư địa chí đã thấy nhiều lần nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người ta cũng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ XVI -XVII như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc).

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi của nhà nước ta, được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nên đất nước ta bị chia cắt và các chính quyền bù nhìn do Pháp và Mỹ dựng lên đã đặt ra các tên gọi khác. Chính quyền Quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng đế Bảo Đại ký với Pháp ngày 8/3/1949. Năm 1955, Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng nên đã phế truất Bảo Đại và thành lập nên chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Để góp phần đấu tranh thống nhất đất nước, nhân dân miền Nam đã thành lập ra Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau 30/4/1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn bộ đất nước đã thống nhất. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam2.

2. Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược. Để đấu tranh chống lại kẻ thù đòi hỏi mỗi con người trong cộng đồng phải đoàn kết, gắn bó keo sơn với nhau, mỗi cá nhân luôn hòa quyện với cộng đồng dân tộc. Chính từ đó, dân tộc ta sớm hình thành ý thức về quyền độc lập dân tộc, và các quyền tự do, bình đẳng cá nhân. Quyền về độc lập dân tộc là tiền đề thực hiện quyền của mỗi cá nhân - điều này đã trở thành một quan điểm nhất quán trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, mà thể hiện rõ nhất ở trong các bản Tuyên ngôn độc lập của ba thời kỳ khác nhau.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử, hầu như dân tộc nào cũng có những văn kiện có tính chất tuyên ngôn về độc lập, chủ quyền được công bố rộng rãi trong một hoàn cảnh nhất định. Tầm vóc, sức hấp dẫn và lôi cuốn của một bản Tuyên ngôn phụ thuộc vào hai điều kiện chính: truyền thống văn hóa, văn hiến kết tinh trong mỗi chiến công, kỳ tích; tài năng của người khởi thảo, tạo lập.

Ba bản Tuyên ngôn tiêu biểu của nước Việt, tương ứng với mỗi thời kỳ khác nhau, qua đó khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta.

Đầu tiên phải kể đến bài thơ thần Nam quốc sơn hà của người anh hùng Lý Thường Kiệt viết năm 1077 - được xem như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Tiếp đến là tác phẩm Bình Ngô đại cáo được Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428. Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi tuyên cáo với muôn dân về việc kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho nước Đại Việt.

Kế thừa và tiếp nối truyền thống hào hùng của ông cha, từ ngày 28/8/1945, theo sự phân công của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tại nhà số 48, phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung trí lực và tình cảm soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại và trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.

Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trên phương diện lịch sử tư tưởng nhân loại, bản Tuyên ngôn độc lập đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới những tư tưởng nhân quyền của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng nhân quyền của cuộc cách mạng dân chủ tư sản của Mỹ và cách mạng dân chủ tư sản Pháp, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là tư tưởng của Lênin về quyền tự quyết dân tộc. Việc tiếp thu những điểm văn minh, tiến bộ của các nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự phát triển sáng tạo các tư duy đó.

Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; khơi nguồn sáng tạo trong việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền con người và quyền dân tộc, quyền con người và quyền công dân. Nhằm xác định cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa một cách khoa học (chặt chẽ) và nghệ thuật (khéo léo) bằng cách trích dẫn 2 câu nói nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 của Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3, “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”4. Tính nghệ thuật được thể hiện ở chỗ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo cho người đọc thấy rõ sự tôn trọng của mình đối với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791 của Pháp - thành quả văn hóa của nhân loại, là dấu mốc lớn trong lịch sử đấu tranh giai cấp của loài người.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: Vì sao trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không trích dẫn bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga do Lênin đọc sau Cách mạng Tháng Mười, mà chỉ trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ? Có thể nói rằng, vào thời điểm lịch sử đó Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga là một tuyên ngôn hơi thiên về vấn đề giai cấp. Trong khi, mối quan tâm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề dân tộc - trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề giai cấp và dân tộc, giữa quyền con người và quyền dân tộc, quyền con người và quyền công dân. Quyền con người không phải là một giá trị ở ngoài một đất nước, mỗi dân tộc; mà thực chất và cũng là điều cốt yếu: có dân tộc độc lập mới có quyền con người, quyền công dân.

So với Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo diễn nghĩa một ý so với bản Tuyên ngôn của Th. Jefferson là: Nếu Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ viết “chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng, mọi người đều sinh ra bình đẳng”, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn nghĩa: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ quyền con người phát triển thành quyền độc lập dân tộc là một sáng tạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tâm huyết lớn của Người dành cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Mục đích cuối cùng của việc đưa ra các lý lẽ mang tính logic và thuyết phục này là muốn khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc. Chính Giáo sư Nhật Bản Singô Sibata từng cho rằng: “cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền của dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh am tường lịch sử nước Mỹ khi dịch câu “All men are created equal”5 trong Hiến pháp Mỹ là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...” (“All people are created equal”). Đó là một sự tiếp biến và phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này tiếp tục được khẳng định một cách rõ ràng trong Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền...” (Điều 18, Điều 23); “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”, “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” (Điều thứ 9, Điều 24)6. Từ quyền con người phát triển thành quyền công dân (các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến - Điều 23 Hiến pháp 1946)..., cũng là một sự “suy rộng” nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp về lý luận về quyền con người và quyền công dân tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đó là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong bản Yêu sách gửi Hội nghị Véc xây năm 1919, là sự phát triển của Chương trình Việt Minh mà Người đã viết năm 1941. Nó kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.

Bản Tuyên ngôn độc lập “là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”7.

Đối với nhân dân ta, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là một áng văn lập quốc vĩ đại, là bản anh hùng ca mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mở đầu bằng sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 đã tạo thêm động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã rút ra một bài học sâu sắc từ cách mạng Việt Nam: trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, có đường lối đấu tranh đúng, biết tạo thời cơ, chớp thời cơ khởi nghĩa thì hoàn toàn có thể đứng lên tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, xây dựng chế độ mới, xóa bỏ mọi áp bức, bất công.

Phát huy bản chất và những giá trị của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

III. Kết luận

Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, có ý nghĩa biểu thị chủ quyền lãnh thổ và là danh xưng chính thức được dùng trong ngoại giao; biểu thị thể chế và mục tiêu chính trị của một nước. Dù thể hiện dưới dạng tiếng nói hay chữ viết, đối với mỗi công dân, quốc hiệu luôn là lòng tự hào dân tộc.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ở mỗi giai đoạn, nước ta từng có những quốc hiệu như Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt... đặc biệt, với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho dân tộc Việt Nam khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã khắc vào dòng chảy lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Gần 80 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị của sự kiện trọng đại này.

N.T.T - C.T.L
(TCSH427/09-2024)

--------------------------
1 Nguyễn Đình Đầu (1999), Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực qua các thời đại (tái bản, có bổ sung), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 7 - 8.
2 Phạm Thị Thuý An (2017), Các quốc hiệu nước ta qua các thời kỳ, http://www.tanphu.hochiminhcity.gov.vn/ hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/cac-quoc-hieu-cua-nuoc-ta-qua-cac-thoi-ky-lich-su-c312-ll1.aspx.
3 We hold these truths to be self - evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are life, Liberty and the pursuit of Happiness. That to secure these rights, Governments are instituted among Men, deriving their just powers from the consent of the governed. That whenever any Form of Government becomes destructive of these ends, it is the Right of the People to alter or to abolish it, and to institute new Government...
4 Tuyên Ngôn độc lập và các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 7.
5 Trong xã hội Mỹ vào thời điểm lịch sử đó: Chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành, có tài sản mới được bầu cử. Còn các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ XIX mới có quyền bầu cử. Đến năm 1870, những người đàn ông da màu mới có quyền đi bỏ phiếu (sau 95 năm giành độc lập), với người Mỹ da đen thì tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra vào những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ (sau 185 năm giành độc lập) và phụ nữ Mỹ (sau 144 năm giành độc lập - năm 1920) mới giành được quyền đi bầu cử.
6 Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2001, 2013), Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2014, tr. 8, 9, 10, 35.
7 Trần Dân Tiên (1969), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh,Nxb. Văn học, Hà Nội. tr. 110.

 

Các bài mới
Hoàn lương (28/10/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)