Tạp chí Sông Hương - Số 428 (T.10-24)
Phẩm chất cao đẹp của một người lính Cụ Hồ
09:37 | 01/11/2024

PHẠM HỮU THU

Nếu không nghe những nhận xét, dù kiệm lời của những vị cựu lãnh đạo địa phương và không trực tiếp kiểm chứng, thú thật là tôi không thể viết về con người này, một con người không chỉ dũng cảm trong chiến đấu mà còn giàu lòng nhân ái đối với đối phương và tận tâm vì nghĩa tình đồng đội. Người đó là ông Lê Hữu Tòng, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy!

Phẩm chất cao đẹp của một người lính Cụ Hồ
Ông Lê Hữu Tòng cùng đồng đội trở lại Mỏ Tàu thăm lại chiến trường xưa - Ảnh: tư liệu SH (PHT)

Năm 1970, Lê Hữu Tòng là một trong số 800 cán bộ, chiến sĩ quân chủ lực được điều động, tăng cường cho các huyện ở Thừa Thiên theo chủ trương của Quân Khu ủy Trị Thiên - Huế. Trong số cán bộ quân đội tăng cường thuở ấy, tôi biết có hai cán bộ quê ở tỉnh Hà Nam, đó là Đại đội trưởng Tăng Văn Phả (Trung đoàn 6) tăng cường cho Phong Điền và Đại đội trưởng Lê Hữu Tòng (Thành đội Huế) tăng cường cho Hương Thủy. Đây là thời điểm mà phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế đối diện với vô vàn thử thách. Ở nông thôn, sau những cuộc càn quét về cơ bản đối phương đã hoàn thành chương trình “Bình định cấp tốc” và đang tiến hành thanh lọc mà trọng tâm là chiến dịch Phượng Hoàng do CIA điều khiển nhằm tập trung “phá hủy hạ tầng cơ sở của Việt Cộng”! Ở đồng bằng lúc này có nhiều xã chỉ còn một vài cán bộ, thậm chí có nơi trở thành “vùng trắng” do cán bộ không móc nối, liên lạc được với cơ sở. Và Nguyên Thủy của Hương Thủy nằm trong số đó.

Trước khi dẫn Đội công tác về hoạt động ở đây, qua nắm tình hình ông Lê Hữu Tòng biết không chỉ dân của các thôn: Nguyệt Biều, Châu Chữ, Võ Xá, Vỹ Dạ, Dạ Khê (Thủy Bằng) bị dồn vào các khu tập trung mà dân của các thôn:

Đình Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm (Hương Thọ) ở bên kia sông Tả Trạch cũng bị đối phương cưỡng bức sang bên này sông cư trú, bởi tại Thủy Bằng có Đồn Chóp Vung, đồn Dương Phẩm và Chi khu quân sự Nam Hòa. Đến bây giờ ông vẫn nhớ như in lời dặn của cố Bí thư Huyện ủy Hương Thủy Nguyễn Xuân Ngà: “Khi về Nguyên Thủy đồng chí phải tìm cho bằng được chị Nguyễn Thị Thảo và chị Lê Thị Dấm. Hai chị ấy hiện đang ở đồi Mồ Côi”.

Tháng 9/1970, Đại đội trưởng Lê Hữu Tòng cùng 8 chiến sĩ của Đại đội 3 Đặc công Hương Thủy về đến Động Hoàng và ông cử ngay chiến sĩ Hà Ngọc Chuyên… đi tìm hai nữ cán bộ cho bằng được. Đang là mùa mưa, đồi Mồ Côi trở thành ốc đảo do những cánh đồng ngập nước. Ở hầm bí mật dài ngày, dù thực phẩm dự trữ đã hết nhưng do bị lũ chia cắt, cơ sở tan tác, đối phương canh giữ khắp nơi làm cho hai nữ cán bộcốt cán chưa biết xoay xở bằng cách nào để tồn tại thì bất ngờ được bộ đội đến đón. Nữ Huyện ủy viên Nguyễn Thị Thảo và nữ Chủ tịch Nguyên Thủy Lê Thị Dấm không bao giờ quên ân nghĩa này! Đội công tác Nguyên Thủy được tái lập. Họ phân thành 2 Tổ và tìm cách len lỏi vào xóm làng bền bỉ gây dựng phong trào và nắm tình hình đối phương qua những “Hòm thư chết”! Là con em miền Bắc chỉ quen cầm súng chiến đấu, nay được Đảng phân công nhiệm vụ mới, ông Lê Hữu Tòng đã gặp không ít lúng túng. Nhờ khiêm tốn vàchịu khótìm hiểu, dần dàông thích nghi với phong tục, tập quán cũng như nắm được đặc điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương.

Chuyến “dân vận” đầu tiên, Đội công tác được giao nhiệm vụ là tìm mọi cách chuyển cho được thư và ảnh của Thượng tọa Thích Đôn Hậu gửi cho Hòa thượng Thích Mật Hiển, trú trì chùa Trúc Lâm. Đến bây giờ ông Lê Hữu Tòng còn nhớ “ôn Trúc Lâm” đã nói với đệ tử Lưu Hòa: “Chú coi, ôn Thiên Mụ còn sống sờ sờ đây mà chúng cứ rêu rao là ôn đã bị thủ tiêu!”. Tiếp đó, Đội công tác chủ động tìm gặp tu sĩ các chùa: Kim Đài, Hồng Ân, Diệu Viên… và cả Đan viện Thiên An nhằm tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối của cách mạng. Từ chỗ bị đánh bật ra khỏi thôn, ấp, nhờ sự bao bọc của nhân dân, Đội công tác Nguyên Thủy lần lượt xây dựng cơ sở và bám trụ ở vùng An Ninh, Dương Phẩm và Cư Chánh.

*

Cựu chiến binh Hương Thủy ở Bàu Sen, nơi bà Lê Thị Dấm (đứng đầu - phải) dẫn ông Lê Hữu Tòng (áo trắng - đứng sau) xâm nhập Chi khu quân sự Nam Hòa.


Chiến công nổi bật nhất của ông Lê Hữu Tòng, theo bà Lê Thị Dấm là cuộc tập kích vào Chi khu quân sự Nam Hòa (nay ở Thủy Bằng - Huế). Bà Lê Thị Dấm nhớ lại, trước khi đánh, tôi được giao nhiệm vụ dẫn Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng Đại đội 3 Huyện đội Hương Thủy Lê Hữu Tòng điều nghiên thực địa. Từ Động Hoàng, đêm xuống tôi dẫn anh Tòng lách qua lớp hàng rào dưới chân núi của đồn Chóp Vung để xuống bàu Sen và từ đây tôi tìm lối đưa anh đến phía sau hàng rào của căn cứ. Tôi ở ngoài, tranh thủ đi hoạt động, đợi gần sáng quay lại điểm hẹn đón anh ra.

Là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, trước khi xâm nhập Chi khu quân sự Nam Hòa, hơn ai hết Lê Hữu Tòng thấm thía cái giá của máu xương đồng đội phải trả cho sự bất cẩn mà trận đánh căn cứ Động Tòa (5/1968) đã luôn ám ảnh ông.

Trận đánh đó, theo kế hoạch, Tiểu đoàn 1 Đặc công của Thành đội Huế phối hợp với Tiểu đoàn 12 Đặc công của Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên, dưới sự chỉ huy của Thành đội trưởng Thân Trọng Một sẽ tiến hành tấn công căn cứ quân sự này. Trong khi Tổ Hỏa lực của Lê Hữu Tòng đã lọt vào bên trong căn cứ thì đột nhiên bầu trời rực ánh hỏa châu mà nguyên nhân là lúc vượt rào có chiến sĩ nào đó vô tình vướng phải bẫy pháo sáng. Quân Mỹ đồn trú tập trung hỏa lực hướng đại liên về phía hàng rào xả đạn. Yếu tố bí mật không còn, thay vì mật tập các đơn vị buộc phải chuyển cường tập. Trận đánh đó tuy giành được thắng lợi to lớn (theo cuốn Lịch sử Trung đoàn 6 xuất bản năm 2005), ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.200 tên địch, phá hủy gần 100 xe quân sự, trong đó có 50 xe tăng nhưng cái giá phải trả là không hề nhỏ. Riêng Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Đặc công của ông khi đi có 100 người nhưng khi về chỉ còn đúng 16 người. Đó là tổn thất quá lớn!

Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu đó, trong lần điều nghiên này, Lê Hữu Tòng lòng tự dặn lòng phải hết sức cẩn trọng. Để đảm bảo thắng lợi ông đã một mình đi vào vùng tử địa, nơi không chỉ được ngăn cách bởi những lớp rào kẽm gai mà tiềm ẩn dưới nó là cạm bẫy của lựu đạn, mìn, bẫy pháo sáng. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là tai họa ập đến. Do phải vô hiệu hóa cạm bẫy nên đến lớp hàng rào thứ 3, trời sắp sáng ông quay ra. Mong manh giữa sự sống và cái chết, trước khi xâm nhập lần hai, ông Lê Hữu Tòng đã trao cho bà Lê Thị Dấm bức thư và chỉ dặn: “Đây là thư của ba anh vừa gửi vào, trong này có địa chỉ. Nếu anh hy sinh mà em còn sống nhớ tìm xác anh rồi báo cho gia đình biết. Cha mẹ anh chỉ mong vậy thôi!”.

Dù đã hai lần khảo sát nhưng Lê Hữu Tòng chưa thật an tâm vì nơi xung yếu có đến 7 lớp hàng rào bảo vệ (4 dãy kẽm gai, 3 lớp bùng nhùng) nên ông đề xuất đột nhập lần thứ 3. Lần này, theo lời bà Lê Thị Dấm, có Huyện đội trưởng cùng đi nhưng đến bên hàng rào lại chần chừ không vào mà chỉ động viên anh Tòng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Lần cuối, đến giờ hẹn nhưng không thấy anh Tòng quay trở ra làm tôi rất lo, nhất là sợ anh bị bắt! Sau đó tôi mới biết, khi đến lớp hàng rào thứ 3 thì gà đã gáy, định quay ra nhưng do tình cờ phát hiện cạnh đó có lùm cỏ nên anh Tòng lách vào đó ẩn nấp, đợi ban ngày nhìn cho rõ.

Căn cứ Chi khu quân sự Nam Hòa có từ 4 đến 7 lớp hàng rào, bề rộng ước chỉ chừng năm chục mét nhưng ông Lê Hữu Tòng phải mất đến bốn đêm và đợi chờ một ngày mới lọt qua. Đó là quãng thời gian dài nhất mà ông đối diện với chính mình: dũng cảm - hèn nhát. Chọn một trong hai trong hoàn cảnh này là điều không hề dễ dàng vì nó liên quan đến vấn đề: sinh - tử! Bằng bản lĩnh của mình ông không chỉ nắm quy luật hoạt động ban ngày mà đêm đó còn tìm đến tận nơi khảo sát các vị trí trọng yếu như khu nhà chỉ huy, trạm phát điện, trận địa pháo… của đối phương.

Nhờ nắm chắc thực địa nên đêm 23/6/1971, Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng 3 Đặc công Hương Thủy Lê Hữu Tòng được giao chỉ huy trực tiếp trận tập kích Chi khu quân sự Nam Hòa. Pháo đài được mệnh danh là “bất khả xâm phạm” bị phá vỡ.

- Bằng 3 mũi thọc sâu táo bạo và sau 30 phút tiến công dũng mãnh bộ đội đã làm chủ được trận địa. Kết quả quân ta tiêu diệt được 62 tên địch, trong đó có tên quận phó, thu 25 súng các loại, phá hủy một trận địa pháo. (Trang 127, Lịch sử Đảng bộ xã Thủy Bằng. Nxb. Thuận Hóa, 2016).

Điều đáng mừng là trong trận đánh này, 16 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 Đặc công Huyện đội Hương Thủy không có ai hy sinh, chỉ có chiến sĩ Võ Ngọc Giao (quê NghệAn) bị thương sau khi mang quả bộc phá ống 12kg đánh sập khu nhà chỉ huy.

Cũng như trận Nam Hòa, trận đánh vào chốt xóm Cầu ở Mỹ Thủy giành thắng lợi trọn vẹn xuất phát từ sự cẩn trọng của người chỉ huy. Ông Hoàng Vân, nguyên cán bộ Trinh sát của C3 Hương Thủy nhớ lại, trước khi tấn công, Tổ chúng tôi được giao nhiệm vụ điều nghiên chốt xóm Cầu. Nhìn vào sa bàn, thấy chưa yên tâm Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng yêu cầu chúng tôi phải khảo sát lại, nhất là việc bố phòng của đối phương ở hướng Tây - Bắc. Đúng là tại đây có một vọng gác nhưng vì bị cây che lấp nên chúng tôi không nhìn thấy. Cũng nhờ khảo sát lần cuối này mà chúng tôi biết đối phương vừa tăng thêm 60 quân và đang đắp thêm 4 công sự bằng bao cát.

Trước khi tấn công, Lê Hữu Tòng đã yêu cầu Đại đội trưởng Đàm Văn Cữ và Chính trị viên Bùi Ngọc Cẩn cùng ông bí mật áp sát căn cứ kiểm tra thực địa lần cuối; đồng thời trực tiếp phân công chỉ huy các mũi. Đêm 18/5/1974, sau tiếng súng lệnh của Lê Hữu Tòng, từ các hướng Đại đội 3 Đặc công bất ngờ tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh gọn. Chốt xóm Cầu bị “nhổ” đã khai thông tuyến hành lang từ hậu cứ về đồng bằng Phú Vang và vùng ven thành phố Huế. Trận đánh Xóm Cầu, Đại đội 3 giành thắng lợi trọn vẹn. Mừng nhất là không có ai hy sinh, chỉ có Chính trị viên Đại đội bị thương.

Sau tròn nửa thế kỷ, Trung tá Ngô Hoàng từ Vinh vào Hương Thủy gặp lại đồng đội. Nhớ về trận đánh ở xóm Cầu năm xưa, ông hồn nhiên kể: “Đây là lần đầu tôi xung trận nên khi chui qua hàng rào, thú thật vì quá sợ… nên tôi đã tè ra quần!”.

Khe Giơi (nằm ở phía tây Mỹ Thủy) không phải là trận đánh lớn nhưng nó để lại dấu ấn về sự quyết đoán và mưu trí của người chỉ huy. Nguyên Đại đội phó, trợ lý quân báo Huyện đội Hương Thủy Lê Bá Sơn nhớ lại, năm 1974 sau khi đánh trụ sở ngụy quyền ở Thủy Dương chúng tôi rút lên Động Hoàng. Tại đây, anh Tòng điều thêm 4 chiến sĩ để cõng anh Nguyễn Văn Quán bị thương đưa lên hậu cứ. Nhưng do không có giao liên và trời sắp sáng nên chuyển về ẩn nấp ở khe Giơi. Chiều hôm sau khi đang làm nhiệm vụ cảnh giới tôi phát hiện từ xa nhiều toán lính đang tiến về phía chúng tôi. Hội ý, anh Tòng phân tích ngắn gọn, trời sắp tối, ta thông thuộc địa hình lại có vách đá che chở, theo tôi ta có thể đánh nhanh rút lẹ. Ý tôi là vậy. Thấy hợp lý chúng tôi đồng lòng quyết đánh! Bảy anh em chúng tôi được chia đôi, mỗi Tổ 3 người. Người còn lại làm nhiệm vụ cơ động bắn nghi binh. Đối phương dù đông nhưng sau khi vượt qua nhiều ngọn đồi, có lẽ do thấm mệt nên một số binh sĩ dừng lại uống nước hoặc hút thuốc, có thể chủ quan vì trời sắp tối. Chúng tôi đợi những toán lính đi đầu đến gần mới đồng loạt nổ súng. Bị tấn công bất ngờ đối phương không kịp phản ứng. Thấy toán trước tháo chạy những toán sau làm theo và chỉ gọi pháo đáp trả. Trận đánh ở khe Giơi lực lượng chúng tôi dù ít nhưng nhờ chỉ huy quyết đoán và đồng đội đồng lòng nên đã đẩy lùi cả một Tiểu đoàn của đối phương.

*

Chiến công của ông đã được đồng đội và sử sách ghi nhận nhưng có một điều mà ít người biết, đó là lòng vị tha của người chỉ huy mà mãi đến sau này tôi mới được nghe chính đồng đội của ông Lê Hữu Tòng kể lại.

Ông Hà Ngọc Chuyên cho biết, rạng sáng ngày 21/5/1968 sau khi đánh Động Tòa, tôi và anh Tòng có nhiệm vụ cầm chân địch để đồng đội rút. Qua ánh pháo sáng tôi nhìn khá rõ xe in hình chữ thập trắng từ dưới dốc đi lên. Biết đã bị ù tai nên tôi nắm tay anh Tòng chỉ về hướng chiếc xe đang di chuyển và ra hiệu có ý hỏi có bắn không? Anh Tòng lắc đầu và nói như ra lệnh: “Xe cứu thương, không bắn. Tha cho nó!”

Còn ông Hoàng Vân kể về trường hợp ông Tòng không cho bắn lao công đào binh như sau: Tháng 5/1974, Tổ Trinh sát của ông phát hiện một đoàn người khá đông, cứ 3 ngày từ căn cứ Mỏ Tàu lũ lượt đi về căn cứ Tân Ba. Họ cùi cõng gì không rõ nhưng có binh sĩ đối phương đi theo. Nghe chúng tôi báo cáo, anh Lê Hữu Tòng cho rằng quá sơ sài nên yêu cầu chúng tôi tiếp tục theo dõi và báo cáo thật chi tiết. Thay bằng đứng từ xa, chúng tôi bí mật áp sát. Hôm đó, đoàn có gần 100 người. Họ từ căn cứ Tân Ba đang lầm lũi cõng hàng trở về căn cứ Mỏ Tàu. Dù đông nhưng quan sát kỹ, trong đoàn người ấy chỉ có 9 binh sĩ của Trung đoàn 54 (6 đi trước, 3 đi sau) là có mang súng, số còn lại không có vũ khí. Họ mặc kẻ sọc nhưng cũng có những người mặc áo lính trước ngực có in 4 chữ: LCĐB. Nắm được chi tiết này, anh Lê Hữu Tòng quyết định không cho bắn vì như anh giải thích, họ là những người trốn lính hoặc đào ngũ bị bắt đi làm phục dịch ở chiến trường. Bốn chữ viết tắt trên áo là để phân biệt Lao công đào binh với binh sĩ của quân đội Sài Gòn. Ta cần nhận biết nhằm tránh bắn nhầm, giết nhầm.

Ông Nguyễn Đình Kiên, nguyên Đại đội phó Đại đội hành lang của Huyện đội Hương Thủy cho biết, sau Hiệp định Paris - 1973, khu vực Mỏ Tàu phân thành hai chiến tuyến, được phân chia bởi một khe nước. Đơn vị Quân giải phóng chốt ở phía có khe nước chảy qua còn Quân đội Sài Gòn chốt ở bên kia đồi. Sáng đó đang trực tôi phát hiện từ đồi đối diện có hai binh sĩ của quân đội Sài Gòn đang đi xuống suối lấy nước. Do họ xâm nhập khu vực kiểm soát của ta nên tôi xin ý kiến Huyện đội phó Lê Hữu Tòng “Có bắn không?”. Anh Tòng trả lời dứt khoát: “Không bắn!”

Thật tâm mong muốn hòa hợp, qua loa phóng thanh anh Lê Hữu Tòng bày tỏ thiện chí, đại ý nếu các anh muốn lấy nước thì báo, Quân giải phóng sẽ chỉ đường, nếu không vấp phải mìn chết oan uổng! Phía binh sĩ Sài Gòn dùng loa đáp lại: Chúng tôi muốn lấy nước, mong các anh chỉ giúp! Qua tiếp xúc, hai bên thỏa thuận cùng dựng căn nhà Hòa hợp và Chính trị viên kiêm Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng (sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) chủ trương tổ chức bữa cơm ngay trong căn nhà Hòa hợp ấy. Có lẽ đây là hiện tượng lịch sử duy nhất ở chiến trường miền Nam vào thời điểm đó nhưng ít người biết.

Ông Chu Văn Thuận, nguyên Bí thư Chi bộ xã Hải Thủy kể trường hợp khác, trong chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu, huyện Hương Thủy được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức lực lượng tải thương và tiếp tế cơm nước cho bộ đội chiến đấu ở các chốt. Sáng đó, tôi và anh Lê Hữu Tòng (lúc này là Huyện đội trưởng) đang ở dưới chân núi Dích Dương trao đổi công việc thì phát hiện một toán lính của Trung đoàn 54 (Sư đoàn I BB quân đội Sài Gòn) đang đi vào. Anh Tòng trao đổi nhanh với tôi: “Chúng chỉ có 5 tên, theo tôi mình không nên bắn mà phải tìm cách bắt sống”. Tôi đồng thuận và thống nhất phương án: tôi bắn yểm trợ, còn anh Tòng xung phong chặn bắt địch. Đợi toán lính đến gần, từ nơi ẩn nấp anh Tòng đột ngột xông ra chặn đường, chỉa súng và hô to: “Bỏ súng xuống. Các anh đã bị bao vây. Hàng sống, chống chết!” Đáp lại lời hô của anh Tòng tôi bắn chỉ thiên một loạt AK. Do bị động, bất ngờ nên toán lính ngoan ngoãn làm theo! Qua những câu chuyện mà đồng đội ông thuật lại cho thấy Lê Hữu Tòng không chỉ là vị chỉ huy quả cảm mà còn là người cao thượng, giàu lòng vị tha khi không cho đoạt mạng những người không phải là đối thủ của mình.

*

Sau gần một phần tư thế kỷ phụng sự Quân đội, năm 1987 ông Lê Hữu Tòng nghỉ hưu. Ông được Huyện ủy Hương Thủy tín nhiệm cử làm Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Bài nhiều nhiệm kỳ. Tuy bận lo công việc hàng ngày nhưng ông vẫn thu xếp thời gian cùng đồng đội kiếm tìm hài cốt liệt sĩ. Tôi đã xem cuốn ghi chép của ông Lê Hữu Tòng. Trong cuốn sổ ấy đã có nhiều trang nhàu nát và có những trang ghi khá nhiều chú thích. Đọc phần quê quán, đơn vị tôi giật mình khi biết những liệt sĩ ấy chủ yếu quê ở miền Bắc, tham gia bộ đội và đã hy sinh ở mặt trận phía nam Huế.

Lê Hữu Tòng cho biết, sở dĩ ông có được bộ hồ sơ này là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của những Cựu chiến binh từng kề vai sát cánh chiến đấu với ông ở chiến trường Hương Thủy như các ông: Nguyễn Trung Kiên, Hà Ngọc Chuyên, Lê Bá Sơn, Chu Văn Thuận, Phan Văn Đình, Hoàng Trọng Đinh, Nguyễn Văn Bé, vợ chồng Dương Văn Xuân (Xê). Hàng tuần, vào ngày nghỉ họ thường tụ tập tại nhà ông Lê Hữu Tòng để cùng nhau điểm lại từng trường hợp đồng đội mình hy sinh, nơi chôn cất rồi phân công nhau tìm kiếm. Không dừng lại ở đó, họ còn kết nối với cựu chiến binh của các đơn vị cũ từng chiến đấu trên địa bàn Hương Thủy như: K4, K10 (của Tỉnh), K32, K33, E6 (của Quân khu) hay E1, E2 (Sư 324 Quân đoàn II)… để đối chiếu thông tin. Không chỉ năng nổ trong việc tìm kiếm, từ lâu ngôi nhà của vợ chồng ông có những lúc trở thành “Trạm đón tiếp” thân nhân liệt sĩ. Chẳng nói đâu xa, ngay trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, đúng lúc gia đình làm lễ tất niên họ phải ngưng cúng để tiếp bà con từ Bắc vào nhờ tìm hài cốt liệt sĩ.

Ông Tòng rất tự hào về người vợ của mình. Vợ ông là bà Trần Thị Thu Hương, quê ở xã Mỹ Thủy (Thủy Phương ngày nay) từng thoát ly tham gia kháng chiến nên thấu cảm và chia sẻ mối bận tâm của chồng. Bà là người ít nói nhưng tốt bụng. Mỗi khi có khách từ Bắc vào, bà mời họ ở lại, miệng xởi lởi: “Chỉ sợ chật bụng chớ  sợ chi chật nhà. Nhà có chi dùng nấy, đừng lo.”

Ông Lê Hữu Tòng (trước) dâng hương cho đồng đội ở Thủy Thanh, Hương Thủy.


Nhà ở gần Nghĩa trang Liệt sĩ, rảnh rỗi ông thường ra đây thắp hương. Và cũng chính tại nghĩa trang này, vào một sáng của năm 2010 bất ngờ ông nhận được cuộc gọi. Người gọi xưng là cháu nội ông Hồ Đắc Lượng ở Bến Ván, Lộc Bổn, Phú Lộc - một người mà ông thân quen.

- Vì biết bác đã từng là Huyện đội trưởng nên cháu báo cho tin này, sáng nay khi rà phế liệu cháu tìm thấy một bộ hài cốt ở vùng sông Hai Nhánh.

Sau khi dặn dò người báo tin, ông Lê Hữu Tòng liền gọi cho ông Chu Văn Thuận (nguyên Bí thư Hải Thủy) vì biết thời còn huyện Hương Phú (sáp nhập Hương Thủy - Phú Vang) dưới sự chỉ huy của Huyện đội phó Dương Văn Tươi, ông Thuận đã lên đây nhưng chỉ tìm kiếm được hài cốt cố Bí thư Hương Thủy Nguyễn Xuân Ngà còn hài cốt của Huyện đội phó Hương Thủy Nguyễn Viết Phong (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vẫn chưa tìm thấy. Nhận tin, hai Cựu chiến binh Chu Văn Thuận, Dương Văn Xuân cùng một cán bộ của Huyện đội Hương Thủy tìm về Bến Ván - nơi mà cháu nội ông Hồ Đắc Lượng đã mang bộ hài cốt về chuẩn bị bàn giao cho Huyện đội Phú Lộc.

Sau khi nghe cháu ông Lượng mô tả vị trí, ông Chu Văn Thuận khẳng định “đây là hài cốt Anh hùng Nguyễn Viết Phong!” Nghe vậy, một cán bộ của Huyện đội Phú Lộc cật vấn:

- Đồng chí căn cứ vào đâu để khẳng định điều này?

Ông Chu Văn Thuận từ tốn đáp: “Nếu các đồng chí không tin, tôi sẽ dẫn đoàn vào đúng vị trí mà chúng tôi đã tìm!”

Trở lại vùng sông Hai Nhánh, ông Chu Văn Thuận đã đưa đoàn đến khu vực mà trước đây Đội công tác Huyện đội Hương Phú đã đặt chân đến nhưng họ tìm không ra vì sau khi chôn, ngôi mộ của Anh hùng Nguyễn Viết Phong bị sức ép của một quả pháo nên đã bị lệch sang hướng khác chừng 5 mét và kết quả xét nghiệm ADN chứng minh điều ông Thuận khẳng định là đúng.

Với hơn ba mươi năm kiên trì tìm kiếm, ông Lê Hữu Tòng đã cùng đồng đội hướng dẫn tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang hàng nghìn liệt sĩ. Những năm gần đây, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn chịu khó lội suối trèo đèo đưa đoàn cán bộ, chiến sĩ Thị đội Hương Thủy ngược dốc Thanh Niên, vào khe 57 hay lên vùng đồi Thủy Dương tìm kiếm. Nhờ sự chỉ dẫn của ông mà năm 2020, thị đội đã cất bốc được 3 hài cốt liệt sĩ. Vì không xác định được danh tính nên khi quy tập về Nghĩa trang cơ quan chức năng có lấy sinh phẩm xác định ADN đưa vào ngân hàng dữ liệu quốc gia.

*

Nguyên Thủy - Thủy Bằng là một trong những vùng đất mà ông Lê Hữu Tòng gắn bó sau khi được tăng cường về Hương Thủy. Tại đây, Đội công tác do ông chỉ huy khi về 9 người nhưng trong vòng chưa đầy một năm thì đã có đến 6 người hy sinh, trong đó có ông Đỗ Văn Bính (quê Thái Thanh, Thái Thụy, Thái Bình) hy sinh ngày mồng bốn Tết năm 1971 tại chùa Kim Đài, thôn Châu Chữ.

Ông Tòng nhớ lại:

- Đêm đó, đội công tác do chị Lê Thị Dấm dẫn đầu tìm về vườn nhà ông Kiểm Hoanh, cơ sở hợp pháp để nắm tình hình qua “Hòm thư chết”. Do vườn ông Kiểm Hoanh nằm sát khuôn viên chùa Kim Đài. Thấy trong chùa đèn vẫn sáng (vì bị địch khống chế) - tín hiệu an toàn như quy ước nên Đội công tác tiếp tục tiến hành. Vừa vào đến ngõ, bất ngờ Đội bị rơi vào ổ phục kích. Trung đội trưởng Đỗ Văn Bính (quê Thái Thụy, Thái Bình) và chiến sĩ Hà Sinh (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hy sinh tại chỗ, số còn lại rút lui! Thi hài hai “ông Việt Cộng” được ông Kiểm Hoanh nhận đưa vào an táng trong vườn nhà mình. Sau ngày giải phóng tôi có trở lại và được ông Kiểm Hoanh cho biết hiện hài cốt anh Bính, anh Sinh đã được xã Thủy Bằng quy tập vào Nghĩa trang. Trước khi an táng, con của ông là anh Lê Trà có đánh dấu cẩn thận.

Ở quê nhà, thân nhân liệt sĩ Đỗ Văn Bính nhận giấy báo tử. Do chỉ báo chung chung hy sinh ở “Mặt trận phía Nam” nên sau nhiều lần ngược xuôi tìm kiếm nhưng vô vọng. Rồi bỗng một hôm, ông Lê Hữu Tòng nhận được điện thoại. Người gọi là Đỗ Văn Nhượng xưng là cháu ruột của liệt sĩ Đỗ Văn Bính. Linh tính mách bảo đây là trường hợp liên quan đến “lính mình” nên ông Lê Hữu Tòng dặn người gọi: “Bây giờ cháu đừng nói gì cả mà nghe bác mô tả nhận dạng đây, nếu đúng thì chúng ta tiếp tục và bác sẽ giúp.” Ông mô tả: “Bác cháu đẹp trai, răng trắng, tóc rễ tre và hy sinh đúng ngày mồng bốn Tết năm Tân Hợi -1971, nếu đúng thì bác sẽ giúp”. ĐỗVăn Nhượng đối chiếu nhân dạng cũng như tháng năm hy sinh hoàn toàn trùng khớp nên đã cấp tốc tìm về Phú Bài gặp ông Lê Hữu Tòng. Hôm lấy mẫu ở Nghĩa trang liệt sĩ Thủy Bằng, nhìn thấy chiếc răng của đồng đội, ông Hà Thúc Chuyên - bạn chiến đấu vội kêu lên “Đúng anh Bính rồi. Anh Bính đây rồi anh em ơi”! Họ ôm nhau khóc! Được Cục người có công - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế tận tình giúp đỡ, sau khi có kết quả giám định ADN, hài cốt của liệt sĩ Đỗ Văn Bính được thân nhân di dời về quê nhà an táng.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến câu chuyện mà trong một dịp trở lại thăm chiến trường xưa được các ông: Lê Hữu Tòng, Lê Bá Sơn, Hà Thúc Chuyên kể cho nghe về chuyện tìm hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Hải (Trung đội phóTrinh sát của C3) do tự tay các ông chôn cất ở khu vực Động Hoàng. Các ông cho biết, chiều tối ngày 31/10/1972, Trung đội phó Ngô Văn Hải và chiến sĩ Lê Quán được giao nhiệm vụ đưa Trợ lý chính trị viên Huyện đội Thành ra Động Hoàng ẩn nấp. Khi đến “ngã ba pháo sáng” họ vấp phải mìn nên cả ba lần lượt hy sinh. Quân Giải phóng thời đó, ngoài súng chỉ có mấy băng đạn và một ít tư trang nên việc chôn cất liệt sĩ là vô cùng khó. Cũng vì cuốc xẻng không có nên Lê Bá Sơn hỏi “mình chôn các anh ở đâu?” ông Tòng gợi ý “Cách đây không xa có một hố bom”. Vậy là đêm đó, ông Lê Hữu Tòng cùng với các ông: Lê Bá Sơn, Hà Ngọc Chuyên vác thi thể đồng đội đem chôn ở đó.

Dò tìm, từ quê nhà thân nhân liệt sĩ Ngô Văn Hải lặn lội vào Hương Thủy nhờ ông Lê Hữu Tòng tìm kiếm. Cả ba người cùng chôn cất liệt sĩ Hải đêm đó và bà Nguyễn Thị Thảo (nguyên Huyện ủy viên, trực tiếp chỉ đạo Nguyên Thủy - Thủy Bằng trong chiến tranh) cùng đi. Họ trở lại khu vực Động Hoàng, tìm về “ngã ba pháo sáng”. Những dãy đồi trọc, hoang vu năm nào nay đã được phủ xanh. Mặc dù đã 3 lần lên về tìm kiếm nhưng vô vọng. Lần cuối, gần trưa, trong khi thân nhân liệt sĩ Ngô Văn Hải đang sắp lễ cúng thì ông Lê Hữu Tòng bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi đi qua. Đoán là dân địa phương nên ông Tòng hỏi nhờ và mừng rơn khi nghe người đó cho biết, cách nơi chừng 300 mét có một hố bom. Họ vội vàng tìm đến với tâm trạng vừa mừng vừa lo vì theo lời bà Nguyễn Thị Thảo, sau ngày giải phóng xã Thủy Bằng đã cất bốc ở hố bom này 2 bộ hài cốt quy tập về nghĩa trang Hương Thủy. Sau hơn nửa tiếng tìm kiếm, như một sự hiển linh: thắt lưng, bút máy và tư trang của liệt sĩ Ngô Văn Hải lần lượt hiện ra. Không ai bảo ai, họ đều quỳ xuống vái lạy trời đất.

Tìm kiếm hài cốt đồng đội tự tay mình chôn mà còn “rủi may” như thế nên tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ ở các địa phương đang nỗ lực kiếm tìm.

Chiến tranh đã lùi rất xa nhưng cả nước hiện còn tới nửa triệu người, trong đó có gần 20 vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và 30 vạn hài cốt dù được quy tập về các nghĩa trang nhưng trên mộ chí vẫn chỉ ghi “chưa xác định được danh tính”. Trong số này chắc chắn có hài cốt của 84 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Đặc công Huế của ông tham gia đánh trận Động Tòa. Ông là một trong số 16 người sống sót sau trận đánh ấy nên luôn khắc khoải khi nghĩ về thân nhân của họ. Đó là nỗi đau lớn của cả dân tộc, là món nợ ân tình mà mỗi chúng ta không được lãng quên, do vậy mà tôi cảm mến, quý trọng những việc làm “bất vụ lợi” của ông Lê Hữu Tòng và chiến hữu của ông đối với những người không tiếc máu xương hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước!

Cótrải qua khốc liệt của chiến tranh mới thật sự trân quýgiá trị của Hòa Bình!

P.H.T
(TCSH428/10-2024)

 

 

Các bài mới
Chiều thu mưa (15/11/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Các bài đã đăng