HÀ THÚC CẦN - TRẦN ĐÌNH SƠN
L.T.S: TCSH nhận được bài này, đang chờ đưa in vào số thích hợp thì một tờ báo trong nước trích đăng; chúng tôi đành phải gác lại. Nay theo yêu cầu của tác giả, chúng tôi xin đăng nguyên bản.
Người Pháp gọi các đồ sứ này là "Bleu de Hue", và sau đó người Anh và người Mỹ gọi là "Hue Blue" (Màu xanh lam Huế). Cái tên khá mơ hồ này được gán cho các đồ sứ mà ai đã từng sống ở Huế (kinh đô của triều đại cuối cùng ở Việt Nam, Triều Nguyễn 1802 - 1945) hẳn cũng đã đôi lần trông thấy hoặc ở trong các tủ trưng bày của các phòng tiếp khách của một gia đình quan lại hoặc rất nhiều ở cung điện của vị Hoàng đế cuối cùng, Bảo Đại, hay ở các phủ đệ của các ông hoàng bà chúa. Do không nghiên cứu đầy đủ về các đồ sứ tuyệt hảo này vốn có màu xanh, trắng với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, rồi cứ sắp hàng từ cái chén đựng cơm nhỏ và đưa đến bồn cá to lớn trang hoàng trong cung điện ở Huế, người Pháp là những người đầu tiên đặt ra cái tên "Bleu de Hue" (Màu xanh lam Huế).
Vốn là một người ở cố đô, tôi lớn lên bên những đồ sứ ấy trang hoàng cho môi trường sống của tôi. Tôi còn nhớ gia đình tôi có được một số đồ sứ mà mẹ tôi gọi là đồ cổ. Bà rất cẩn thận khi cầm chúng và chỉ cho phép chúng tôi sử dụng vào các dịp kỵ giỗ tổ tiên hay vào dịp lớn như ngày Tết Việt Nam.
Từ khi tôi chú trọng hơn đến các đồ cổ và môn khảo cổ học tôi nhìn các món đồ màu xanh và trắng này mỗi khi về nhà và tôi nhận ra được đặc tính lớn của chúng, cũng như nhận ra được sự khác biệt rõ ràng giữa chúng với các món đồ xanh và trắng Trung-Hoa vào thế kỷ 18 và 19. Nhưng cái tên "Màu Xanh Lam Huế" kia thì vẫn cứ như thế. Tôi biết tại sao không có cái tên riêng nào thích hợp cho chúng, lý do chủ yếu là vì hoàn toàn thiếu hiểu biết về các đồ sứ này. Ai đã làm ra chúng? Chúng được sản xuất khi nào? Ý nghĩ bao quát là chúng hẳn phải được làm ở Trung Quốc, với Trung Quốc là lời đáp lớn cho bất kỳ thứ sản phẩm mỹ nghệ nào theo nghĩa tốt hay nghĩa xấu. Thế thì tại sao cứ nghi ngờ về nguồn gốc Trung Hoa của chúng làm chi.
Từ thế kỷ thứ chín và thứ mười, những người sành đồ sứ đã nhận ra rằng suốt nhiều thế kỷ, Việt Nam đã sản xuất đồ sứ có thể sánh với đồ sứ Trung Hoa, tiến triển từ loại nguyệt bạch hay ngọc bích đến loại xanh và trắng vào cuối thế kỷ mười bốn. Với nền tảng văn hóa đôi khi tương tự như nền tảng văn hoá Trung Hoa (Đạo Nho, Đạo Lão, Đạo Phật...) các mô-típ được dùng trong nghệ thuật và chủ yếu trong đồ sứ của cả hai bên đều như nhau: Phong cảnh, rồng tượng trưng Hoàng-đế, chim phượng tượng trưng Hoàng-hậu, Công chúa, sư tử là hình ảnh của Hoàng Tử... Có những lý do chính gây nên sự lẫn lộn về nguồn gốc.
Như người ta thường bảo, nếu các món đồ xanh và trắng Huế do Trung Quốc làm ra cho các Triều đại Việt Nam trong thế kỷ 18 và 19 thì kể ra cũng khá kỳ lạ vì bấy giờ kỹ xảo đồ sứ ở Việt Nam vốn đã sản xuất thành công các đồ sứ đủ loại, nhất là các đồ sứ thường dùng được gọi là đồ An Nam. Các đồ sứ này rất thời thượng và được xuất khẩu sang các nước như Phi-Líp-Pin, In-Đô-Nê-Xi-A và sang Trung đông. Thực tế, công việc đã được xem là tinh xảo và tiến bộ về kỹ thuật mỹ thuật. Trong trường hợp này, tại sao các Triều đình Việt - Nam lại bỏ qua các đồ sứ của chính mình mà lại đi đặt hàng, nhập khẩu đồ sứ Trung Hoa?
Mãi cho đến mới đây, trong trí óc tôi vẫn chưa có lời giải rõ ràng nào về gốc gác của các đồ sứ này. Nhiều lần bà Tuyết Nguyệt, Chủ biên tờ Nghệ thuật của Châu Á (Arts of Asia), hỏi tôi về những câu hỏi ấy và tôi cảm thấy thật hổ thẹn vì nhiều năm qua vẫn không thể đưa ra lời giải đáp xác quyết về đồ sứ "Màu Xanh Lam Huế" cho đến khi tôi gặp ông Trần Đình Sơn, một nhà chuyên môn chân chính đồng thời là một nhà sưu tập lớn nhất về loại đồ sứ này.
Ông Trần Đình Sơn ở tuổi trên bốn mươi, sinh ở Huế, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam, đọc và viết thông thạo chữ Hán lẫn chữ Nôm (chuyển hóa Việt Nam của chữ Hán mà chúng ta thường thấy trên các đồ sứ màu xanh Huế). Ông Sơn rất trân quý loại đồ sứ này đến nỗi ông đã bỏ ra hai mươi lăm năm trong đời mình để tạo nên một sưu tập hoàn hảo nhất cũng như một kiến thức vững vàng về "Đồ Sứ Men Lam Huế". Tôi được tiếp chuyện với ông trong một chuyến đi Sài Gòn (bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 8 năm 1991.
- Thưa ông Sơn, theo như ông thấy thì Triều đại nào là Triều đại đầu tiên đặt các nhà sản xuất Trung Hoa làm đồ sứ xanh và trắng?
+ Chúng ta chưa tìm ra triều đại nào đặt làm đồ sứ từ Trung Quốc trước triều đại Lê Trịnh (thế kỷ mười tám). Tuy nhiên, chắc chắn rằng vào giữa triều Lê Trịnh (tức là từ đầu thế kỷ mười tám trở đi) Chúa Nguyễn ở Huế và Chúa Trịnh ở Thăng Long đều chính thức đặt mua đồ sứ Trung Hoa thay cho những đồ sứ mà họ dùng ở trong triều.
- Chúng ta đồng ý rằng các nhà làm đồ sứ ở Việt Nam bấy giờ đã có thừa khả năng để sản xuất các đồ sứ xanh và trắng với chất lượng cao cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, tại sao các Vua chúa Việt Nam, vẫn đặt làm các đồ sứ từ Trung Quốc?
+ Theo ý tôi, các Vua, chúa ưa chuộng dùng hàng hóa nhập khẩu để chứng tỏ tính chất cao sang và phô trương của Vương triều. Tuy nhiên, nói thực ra từ quan điểm thuần túy kỹ thuật, các đồ sứ sản xuất tại Trung Quốc, luôn luôn được xem là chế tạo tinh xảo hơn các đồ sứ gốm Việt Nam.
- Dưới thời Lê Trịnh, thủ đô là Thăng Long (ngày nay là Hà Nội)? Tại sao đồ sứ triều Lê rất ít thấy ở Hà Nội hoặc ở các nơi khác ở miền Bắc Việt Nam và tại sao trái lại chúng lại được tìm thấy ở Huế rất nhiều, thủ đô vào thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi dưới triều Nguyễn?
+ Triều Nguyễn, sau khi đã đánh bại Tây Sơn, Vua Gia Long (1801 - 1819) ra lệnh tập trung và mang về đế-đô Huế tất cả chiến lợi phẩm, trong đó có các đồ dùng hoàng gia gồm cả đồ sứ xanh và trắng của triều Lê Trịnh mà Tây Sơn đã thu góp được khi họ chiếm đóng thủ đô Thăng Long. Đó là lý do tại sao hầu hết các đồ sứ xanh và trắng của triều Lê Trịnh được tìm thấy ở đế-đô Huế của Nhà Nguyễn. Và sau đó, dễ dàng có thể hiểu rằng người Pháp sống ở Huế và những nhà khảo cổ Pháp gọi đồ sứ xanh và trắng của Triều Nguyễn là Bleu De Hue (Màu xanh lam Huế).
Theo ý tôi, thuật ngữ “Màu Xanh Lam Huế” không phải là một thuật ngữ thích hợp vì lý do đơn giản là trong số những đồ sứ ấy có rất nhiều đồ thuộc các triều đại trước từng thiết lập thủ đô ở Thăng Long. Đúng hơn, nên nhận định chúng là "Những đồ sứ ngự dụng và quan dụng vào thời Lê Nguyễn".
- Người ta thường cho rằng vào thế kỷ mười bảy và mười tám, đồ sứ Việt Nam đã đạt đến một trình độ kỹ thuật cao, từ việc dùng màu xanh cô ban dưới men đến việc nắn và nung đã có tiến bộ và đổi mới đáng kể. Vì sao một số đồ sứ Việt Nam lại không được chọn ra để dùng trong triều?
+ Vâng, như đã nói, đồ sứ Việt Nam đã đạt đến một trình độ kỹ thuật cao và hiển nhiên chúng đã trở thành những hàng hóa được yêu thích trên thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, sự việc các triều Vua Việt Nam dưới thời Lê - Trịnh - Nguyễn tiếp tục đặt làm đồ sứ tại Trung Quốc một phần là do đồ sứ được các nhà làm đồ sứ Trung Hoa sản xuất luôn luôn có một kỹ thuật hết sức tinh xảo; cốt đất của họ thì rất mỏng, các men màu rất rực rỡ với nhiệt độ nung cao hơn so với các sản phẩm của Việt Nam.
Rõ ràng đồ Trung Quốc có chất lượng cao hơn nhiều, một phần là do như trên đã nói, các vua chúa luôn luôn muốn sống một cuộc sống hoàn toàn khác biệt với người dân thường. Cuối cùng cần biết rằng Vua chúa Việt Nam muốn đứng ngang hàng với vua chúa Trung Hoa về mọi phương diện. Có lẽ họ muốn tỏ ra rằng Đại Việt cũng là một quốc gia to lớn và phồn thịnh, có nền văn minh lớn chứ không phải là một quốc gia nhỏ-bé và lạc hậu.
- Ai đã quyết định các mô tip và các thiết kế cho đồ sứ thời Lê Nguyễn, họ đã khắc các biểu tượng của đồ dùng hoàng gia trên đó theo ngôn ngữ nào, và họ có ý định gì?
+ Mỗi khi xét đến các đồ sứ của Triều Lê thì chính chỗ tọa lạc của những cung điện khác nhau trong kinh đô đã nói lên biểu tượng của mỗi cung điện và những thiết kế trang trí xứng hợp. Thường thì chính vua chúa nêu chủ đề trang trí. Sau đó các cơ quan chuyên trách và các nghệ nhân sẽ triển khai và minh họa các đề tài ấy, sự triển khai và minh họa các đề tài ấy sẽ được đệ trình vua, chúa để vua xem lại và cho ý kiến lần cuối trước khi gửi qua Trung Quốc chế tạo.
Sau đây là một số biểu tượng trên các đồ sứ đời Lê - Trịnh (thế kỷ mười tám).
- NỘI PHỦ THỊ TRUNG (Chánh Điện): Những đồ sứ sử dụng trong triều được ghi như thế sẽ được trưng bày và sử dụng tại Chánh điện, tức tòa điện trung tâm của hoàng thành. Đây là khu sinh hoạt của vua chúa. Các mô tip thiết kế và trang trí nhất định cho những đồ sứ này chủ yếu là rồng năm móng và mây.
- NỘI PHỦ THỊ HỮU (Điện bên phải): Đây là cung điện dành cho hoàng hậu các mô tip trang trí: Rồng và phượng hoàng bay trong mây.
- NỘI PHỦ THỊ ĐÔNG (Điện phía Đông): Đây là khu ở của các Hoàng tử. Các mô tip-trang trí: Lân, mây, chim và hoa.
- NỘI PHỦ THỊ NAM (Điện phía Nam): Đây là khu ở của các cung phi. Các mô tip trang trí: hoa sen Cua và vịt, kèm những câu thơ chữ Hán.
- NỘI PHỦ THỊ ĐOÀI (Điện phía Tây): Mô tip trang trí phong cảnh, kèm những câu thơ chữ Hán. Đáy ghi chữ nổi, màu trắng.
- NỘI PHỦ THỊ BẮC (Điện phía Bắc): Sử dụng trong khu ở của các phi tần. Mô tip trang trí hoa cúc, chim hay các cảnh đẹp thiên nhiên.
- KHÁNH XUÂN THỊ TẢ (Đặc biệt được gọi là Khánh Xuân, nghĩa là mừng xuân): Các đồ sứ được trưng bày và sử dụng trong điện "mừng xuân" này là loại hiếm và quý nhất. Chủ đề trang trí: Rồng và Lân. Thường thì có một con rồng và hai con lân trên cả hai mặt như thể chúng đang bay trên bầu trời đầy mây. Người ta nói rằng loại này được đặt riêng để dùng trong lễ sinh nhật của chúa Trịnh khi mọi người chúc mừng sinh nhật và chúc thọ Chúa.
- Dưới triều Lê Trịnh, có loại đồ sứ nào ghi niên hiệu của vua không?
+ Không ai từng thấy đồ sứ triều Lê có ghi niên hiệu. Theo tôi nghĩ thì điều này cũng dễ hiểu thôi. Thực vậy, sách và tài liệu sử ghi rõ rằng dưới thời Lê Trung Hưng, Chúa Trịnh đã tiếm quyền thực sự và vua Lê chỉ là một vị vua làm vì. Đó là lý do tại sao chúa Trịnh không muốn ghi niên hiệu vua Lê trên đồ sứ.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ cốt đất, men, màu, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng nó đã được sản xuất ở Trung Quốc từ thời Khang Hy (1662-1722) đến thời Càn Long (1736-1795), tương đương với đời Lê và Trịnh ở Việt Nam.
Hơn nữa, khi tham khảo các sử sách và tài liệu cổ, như cuốn có nhan đề "LÊ TRIỀU CHIẾN LỊNH THIÊN CHÍNH" do Nguyễn Sĩ Giác dịch sang Việt ngữ, chúng ta có thể thấy đoạn sau: "Từ các Hoàng tử đến các vương tử các quan đại thần và các quý tộc, tất cả đều có quyền dùng đồ sứ Trung Hoa có bịt vàng trừ những thứ có vẽ rồng năm móng". Từ đó, chúng ta có thể xác nhận rằng từ thời Lê Trịnh trở đi, Việt Nam đã đặt đồ sứ từ các nhà sản xuất Trung Hoa để sử dụng trong triều đình.
- Dưới triều Nguyễn là triều đã đánh bại Tây Sơn và thiết lập kinh đô tại Huế với vua Gia Long là người sáng lập, ông vua nào của triều đại này là người đầu tiên nhập đồ sứ từ Trung Hoa?
+ Về các loại đồ sứ được dùng ở triều đình Huế trong triều Nguyễn chúng ta có thể dùng các chứng liệu từ cuốn "Đại Nam Hội Điển Sự Lệ" được xuất bản trong thời vua Minh Mạng (1820-1840). Đây chính là triều đại đã chính thức đặt các nhà sản xuất đồ sứ Trung Quốc cung cấp những đồ sứ dùng trong triều đình. Ai cũng biết rằng sau khi đã thống nhất Việt Nam, vua Gia Long đã chọn Huế làm kinh đô. Do đó, triều Nguyễn phải dành mọi nỗ lực cho các công trình xây dựng có quy mô lớn trong thành phố thủ đô mới này. Mọi thứ phải khởi-sự từ đầu. Họ phải xây dựng hoàng thành, cung điện đền đài mới và toàn bộ thành phố thủ đô.
Họ đã tịch thu một số lượng lớn các đồ sứ của triều Tây, Sơn, đấy chính là những đồ sứ mà nhà Tây Sơn đã tịch thu của triều Lê-Trịnh, triều đình muốn được trang hoàng và được trang bị đồ đạc theo cách thích hợp. Dĩ nhiên là họ cần các đồ sứ nhưng vào lúc khởi sự thành lập triều Nguyễn, nhu cầu này chưa thực cần thiết. Trung Quốc cũng đã cung cấp cho triều Nguyễn một số các đồ sứ khi triều Nguyễn gửi sứ thần đến Trung Quốc để nộp cống. Hơn nữa cũng đã có một số lượng lớn đồ sứ được các sứ bộ và tùy tùng của họ mang từ Trung Quốc về.
Như thế, vua Minh Mạng là vua đầu tiên đã đặt mua lượng hàng lớn lao và ngoạn mục ở các nhà sản xuất đồ sứ Trung Hoa. Những đồ sứ nhập khẩu này được sử dụng lần đầu tiên tại triều định nhà Nguyễn ở Huế.
- Quan điểm nghệ thuật và kỹ thuật giữa đồ sứ triều Lê và triều Nguyễn có gì khác biệt nhau?
+ Về quan điểm mỹ thuật và kỹ thuật thì đồ sứ thời Lê Trịnh khác xa với đồ sứ thời Nguyễn. Tuy nhiên về quan điểm văn học và kiến thức thì đồ sứ triều Nguyễn phong phú hơn.
Với tư cách là một nhà sưu tập, tôi nhận thấy rằng đồ sứ triều Lê Trịnh cũng như đồ sứ triều Nguyễn đều đẹp và hấp dẫn vô cùng, tôi quý trọng cả hai loại.
- Có sự khác biệt gì khi chúng ta so sánh đồ sứ xanh và trắng Việt Nam với đồ sứ xanh và trắng được sản xuất tại Trung Quốc vào thời Nguyên (1271 - 1368); Minh (1368 - 1644) và Thanh (1644 - 1911)?
+ Theo ý tôi, các nhà sưu tập đồ cổ trên toàn thế giới đều rất say mê đồ sứ được sản xuất vào thời Nguyên và đầu đời Minh ở Trung Quốc. Do đó mà những món đồ này hết sức đắt tiền. Nhưng đồ sứ được dùng trong các triều đại của Việt Nam chưa được nêu rõ đúng mức với dư luận thế giới. Ít nhà sưu tập trên thế giới có ý niệm về sự có mặt của các đồ sứ chính cống được dùng trong các triều đại Việt Nam. Có một điểm rất hay về đồ sứ mà các triều đại Việt Nam đã có, một điểm gợi chú ý và tò mò của mọi người. Dù các thiết kế trang trí và lối vẽ là do các nhà đồ gốm nghệ nhân Trung Hoa thực hiện, nhưng các mẫu vẽ và thiết kế này lại được các vua chúa Việt Nam truyền đặt. Đấy là lý do khiến các đồ sứ này toát ra vẻ sang trọng, thanh nhã của riêng chúng và thực sự xứng đáng với danh tiếng là những đồ sứ hiếm và quý dành cho việc sử dụng trong triều đình.
Do đó, trong tương lai, khi mà những đồ sứ chính cống và rất đặc biệt này vốn đã được sử dụng ở các triều đình Việt Nam được giới thiệu rộng rãi với các nhà sưu tập trên thế giới thì những người này sẽ ngạc nhiên khi họ xem xét cẩn thận lối vẽ trên các đồ sứ ấy là những thứ được tạo nên một cách tỉ mỉ với những đường nét vô cùng tinh tế. Đấy là các đồ sứ Khánh Xuân và Nội Phủ. Thế rồi các nhà sưu tập và nghiên cứu sẽ nhận ra rằng đồ sứ triều đình Việt Nam không phải là những thứ tầm thường mà các nghệ nhân đồ sứ Trung Hoa sản xuất để xuất khẩu.
Tôi quyết chắc rằng, đối với chính người Việt Nam, không có sự sưu tập đồ mỹ nghệ nào quý giá, có ý nghĩa và lý thú bằng đồ sứ của triều đình Việt Nam.
Khi ngắm vẻ đẹp của các đồ sứ này và trong thâm tâm thán phục kỹ thuật nung tinh xảo của các nghệ nhân ở phương Bắc, vua Tự Đức (1848 - 1883) một vị vua thi sĩ rất được yêu chuộng, đã cố gắng diễn tả giá trị chân thực của các đồ sứ đã phải viết:
"Như in phong cảnh trời Nam lại,
Đem cả sơn hà đất Bắc sang"
Trong thâm tâm, chúng ta cảm thấy vô cùng ấm áp khi chúng ta cầm một món đồ sứ cổ với một bài thơ do tiền nhân viết vào đấy, dưới một bức họa diễn tả một cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước và khi ngâm lên một bài thơ.
- Xin ông nói thêm về các đồ sứ của triều Nguyễn, chẳng hạn như đồ sứ từ thời các vua như vua Minh Mạng, Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức.
+ Minh Mạng là một ông vua sâu sắc đã tổ chức lại triều đình một cách vững chắc. Ngài cũng được tiến dâng nhiều tài năng hiếm có đặc biệt là về kiến trúc. Sau khi đã đích thân giám sát việc xây cất cung điện Huế, ngài đặt mua các đồ sứ đặc biệt để trang hoàng cung điện. Ngoài các mẫu trang trí tiêu chuẩn hóa, cổ điển như rồng mây, rồng phượng và rồng lân, ngài cũng nghĩ ra các thiết kế diễn tả cảnh đẹp thiên nhiên phong cảnh của Việt Nam kèm với những bài thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Ở đây, các dĩa và các chén mang chữ Nhật (日) như là biểu tượng và dấu hiệu sản xuất. Đây là biểu tượng hóa mặt trời, biểu tượng của vị vua sáng suốt. Rất ít món thời ấy mang dấu hiệu "MINH MẠNG NIÊN TẠO".
Vua Minh Mạng cũng ấn định trước tên cho hai mươi người kế vị ngài tất cả đều có kèm theo bộ Nhật (日).
Thiệu Trị chỉ trị vì trong bảy năm. Tuy nhiên trong bảy năm ngắn ngủi ấy, ngài đặt các nhà làm đồ sứ ở Trung Quốc chế tạo một số lượng lớn các đồ sứ cho triều đình của ngài; Suốt trong giai đoạn này, nhiều món như tách, chén, dĩa đều có mang trên thân dấu hiệu "THIỆU TRỊ NIÊN CHẾ".
Các đồ bằng sứ của thời Thiệu Trị chỉ có những thiết kế trang trí như rồng mây diễn tả hai con rồng tranh một viên bảo châu, và hai con rồng múa, chứ chúng ta không thấy món nào có cảnh thiên nhiên hay có thơ. Vua Thiệu Trị đặc biệt ưa thích các món đồ có góc cạnh có các mô tip trang trí diễn tả những con rồng uốn lượn có thể là một tái tạo của đồ sứ Châu Âu, như những cái dĩa lớn chân cao để đựng trái cây hay bánh, hay cái tô có nắp đựng cháo yến mạch, các bình trà và tách.
Tự Đức trị vì trên 30 năm. Đây là một thời kỳ khó khăn đối với đất nước. Ngoại xâm chiếm dần xứ sở từ Nam chí Bắc. Kho tàng nhỏ nhoi của quốc gia không cho phép nhà vua đặt mua số lượng lớn các đồ sứ như các vua trước kia đã làm. Thiết kế trên số lượng nhỏ các món đồ ký kiểu từ Trung Quốc chỉ diễn tả rồng và mây, các mẩu chuyện cổ như Bá Nha và Tử Kỳ, phúc lộc thọ.
- Có loại đồ nào còn được nhập từ Trung Quốc vào cuối đời Nguyễn không?
+ Sau khi vua Tự Đức mất, triều Nguyễn rơi vào tình hình bất an như các vua Nguyễn lần lượt bị giết hay bị đày. Đấy là lý do tại sao đồ sứ nhập từ Trung Quốc tạm chấm dứt. Đến triều vua Khải Định (1915-1925) lại đặt mua từ các nhà làm đồ sứ Trung Hoa và cả các nhà làm đồ sứ Pháp ở Sèvres. Các món này có ghi "Khải Định niên hiệu" hoặc "Khải Định Tân Mùi" hay "Khải Định Ất Sửu". Các thiết kế trên các món đồ này là rồng mây chim hoa. Đây là lần đặt hàng cuối cùng đồ sứ Trung Hoa của triều Nguyễn để dùng trong triều đình.
- Đồ sứ các triều Lê và Nguyễn tương ứng với các triều nào bên Trung Quốc?
+ Vâng, loại đầu tương ứng với các triều Khang Hy (1662-1722), Ung Chính (1723-1735) và Càn Long. Đồ sứ của các vua triều Nguyễn, tức Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đại khái tương ứng với các triều Gia Khánh (1796-1820), Đạo Quang (1821-1850) và Hàm Phong (1851-1861) của đời nhà Thanh. Đồ sứ của triều Khải Định tương ứng với việc thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1912 sau cuộc cách mạng do tiến sĩ Tôn Dật Tiên lãnh đạo.
- Ngoài đồ sứ dùng trong các cung điện hoàng gia có loại đồ gốm nào được mua từ Trung Quốc nữa không?
+ Mỗi vị vua triều Nguyễn đặt làm đồ sứ theo ý thích của riêng mình để sử dụng trong triều đại mình. Ngoài ra cũng có đặt mua những loại đồ sứ riêng biệt khác để thưởng cho các thành viên của Hoàng tộc hay cho các quan lại. Những thứ này thường có các thiết kế trang trí là chim, hoa phong cảnh và các điển tích. Các quan được phái đi sang Trung Quốc cũng thường mua, đặt làm đồ sứ hoặc để dùng trong gia đình hoặc để làm kỷ niệm. Các quan có phẩm hàm thấp chỉ có quyền dùng các đồ sứ thông thường do các thương gia Trung Hoa bán.
- Chủ đề của những câu thơ được viết trên đồ sứ dùng trong triều đình được ai chọn?
+ Thơ Hán và thơ Nôm viết trên đồ sứ để dùng trong triều đình nhà Nguyễn đều do các hoàng đế chọn. Đấy cũng có thể là thơ của các thi sĩ nổi tiếng mà họ thán phục yêu thích.
Ông hoàng Tuy An của triều Nguyễn, một quận công (con trai thứ 41 của vua Minh Mạng) đặc biệt ưa thích thơ Nôm và chính ông cũng đã làm ra nhiều bài thơ Nôm. Ông đã đặt mua cho riêng mình một lượng đồ sứ trên đó được chép thơ Nôm.
Trong số các sứ thần Việt Nam được gửi sang Trung Quốc, Nguyễn và Đặng Huy Trứ cũng đặt làm một số đồ sứ để dùng riêng. Chúng có thể thấy được một vài món đồ sứ này.
- Những bài thơ Nôm về Huế nào mà ông thích nhất?
+ Tôi rất thích nhiều câu thơ Nôm. Ý nghĩa của chúng khá sâu sắc như hai bài thơ sau:
"Mó rận luận chơi thời sự,
Ngã lừa mừng thuở thái bình"
Hay hai câu khác:
"Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người thân".
- Ông đặc biệt quan tâm tới đồ sứ men lam Huế từ lúc nào?
+ Nói ra thì thật buồn cười, tôi đặc biệt ưa thích các đồ sứ dùng trong cung đình khi tôi mới bảy hay tám tuổi. Như ông thấy, khi tôi bắt đầu lớn lên, mỗi lần trông thấy những thứ đồ cổ quý giá trong biệt thự của ông cố tôi là vị Thượng thư bộ hình của triều Nguyễn (mà bây giờ người ta gọi là Bộ trưởng Bộ Tư pháp) tôi vô cùng sung sướng.
Vào thời ấy, tuy chế độ quân chủ đã chấm dứt, trong Biệt điện của bà Hoàng Thái hậu hoặc trong các Phủ Đệ của các gia đình quý tộc nổi tiếng khác, vẫn còn giữ lại vô số các đồ cổ trong đó phần lớn là "đồ sứ men lam Huế".
Khi tôi lớn lên, nhờ sự quen biết cố cựu của gia đình, tôi cũng có cơ hội gặp được nhiều danh gia, biết nhiều về cung đình, các sinh hoạt, lối sống. Do đó tôi được dịp may trời cho để hỏi họ mọi thứ mà tôi thích để thỏa mãn lòng hiếu kỳ và từ đó trở đi đồ sứ men lam Huế dần dần quyến rũ tôi, hầu như là một sự quyến rũ thật sự khiến tôi trở thành một nhà sưu tập.
Về sau, khi tôi vào đại học ở Sài Gòn, tôi có dịp gặp gỡ học giả Vương Hồng Sển. Tôi đã học hỏi được thêm nhiều điều hiểu biết thú vị trong hơn hai mươi năm quen biết ông.
- Ông đã nỗ lực nghiên cứu chữ Hán và chữ Nôm như thế nào?
+ Từ khi tôi 14 tuổi, theo truyền thống gia đình, tôi đã học và hiện còn đang học chữ Hán và chữ Nôm. Sau đó, tôi đã cố gắng hết sức để cải tiến và nâng cao căn bản của tôi trong việc học chữ Hán và chữ Nôm. Tôi chỉ muốn hiểu thông suốt những gì tôi đọc thơ văn và các tác phẩm văn chương lớn. Tôi không bao giờ ngưng học tập.
- Vài năm trước tại Pháp có tổ chức cuộc bán đấu giá một bộ sưu tập gồm một số đồ sứ triều Nguyễn. Việc bán này đã bị phá vỡ vì cựu hoàng Bảo Đại can thiệp vào. Là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, ông bảo rằng tất cả các đồ sứ đó thuộc về triều đình nhà Nguyễn. Ông có nghe gì về cuộc bán đấu giá này không? và ông nghĩ gì về nó?
+ Theo ý tôi, sự can thiệp của cựu Hoàng Bảo Đại vào cuộc bán đấu giá ấy là không được hợp tình hợp lý. Những đồ sứ loại này từ lâu đã được xem là hiện vật trong dân gian từ Nam chí Bắc như là tài sản của chính họ, một phần do vì các vua của triều Nguyễn đã ban thưởng cho nhiều người. Một phần cũng là do vì khi chế độ bị suy tàn và mất hết quyền lực, các thành viên của hoàng tộc các gia đình danh giá ở Huế đã bán dần các đồ thờ cúng ra thị trường. Đó là không kể đến sự việc từ năm 1945, rất nhiều biến cố đã xảy ra ở Huế, những đồ cổ loại này đã bị thất lạc nhiều do nhiều lý do.
Chúng ta nên quan tâm vào những bảo vật tiêu biểu như Ngai vàng, Cửu đỉnh, vào các kiến trúc cung điện, lăng mộ và tất cả những thứ đang được tàng trữ tại các viện Bảo tàng của quốc gia nhất là Viện Bảo tàng ở Huế, nơi cất giữ rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đấy là những thứ chủ yếu, những thứ điển hình nhất của triều Nguyễn. Chúng ta không nên để chúng mất đi hay bị hư hỏng. Ai cũng nghĩ rằng những gì sở hữu của một cá thể công dân thì thuộc về cá thể ấy. Nếu chúng ta suy luận rằng những thứ này là tài sản của quốc gia hay của triều Nguyễn là không đúng với thực tế.
Nhà nước nên bảo trì một cách chặt chẽ nghiêm khắc những đồ cổ thuộc triều Lê - Nguyễn mà hiện nay là hiện vật của các Viện Bảo tàng ở Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Nhà nước cần các món đồ bổ sung vào các sưu tập thì Nhà nước có thể mua hoặc trao đổi các món ấy với các tư nhân như người ta thường làm ở Âu - Mỹ.
Trong khi đó, chúng ta nên tổ chức các cuộc trưng bày về các sưu tập này để công chúng có thể ngẫm chúng và biết nhiều hơn về lịch sử mỹ thuật. Nhưng chúng ta biết rằng không thể thực hiện những công việc như thế nếu thiếu các nhà chuyên môn. Chúng ta nên liên hệ với các nước phát triển về lĩnh vực này để có thể áp dụng luật lệ và quy định về các công trình nghiên cứu càng sát thực tế càng tốt. Hễ chừng nào Nhà nước có những dự án tổ chức những cuộc triển lãm đồ cổ cho công chúng xem thì bấy giờ chắc chắn sẽ có những cá nhân tình nguyện cống hiến các sưu tập riêng của họ để làm giàu tài sản văn hóa nước nhà.
TRẦN TUẤN MẪN dịch
(Theo Arts of Asia số 3, tháng 5-6/1993)
(TCSH59/01-1994)