Tạp chí Sông Hương - Số 429 (T.11-24)
Tìm lại trang sử bóng đá Huế trước năm 1945
15:02 | 16/12/2024


ĐỖ MINH ĐIỀN

Tìm lại trang sử bóng đá Huế trước năm 1945
Toàn cảnh sân vận động Huế (nay là sân vận động Tự Do, Huế) năm 1936. Nguồn: AAVH

Bóng đá Huế: Một thời hoàng kim

Cũng giống như nhiều bộ môn thể dục thể thao khác, bóng đá (trước 1945 thường gọi là bóng tròn) được người Pháp đưa vào nước ta. Khởi đi từ vùng đất Nam Kỳ, bóng đá lan rộng đến Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Bóng đá Huế nói riêng và thể thao Huế nói chung chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong những năm cuối của thế kỷ XIX, sau đó tiếp tục phát triển trong những năm đầu của thế kỷ XX. Trong 3 thập kỷ tiếp theo, các bộ môn như đua thuyền, bơi lội, bóng đá, đua xe đạp, điền kinh, bóng rổ, bóng bàn, tennis…, gần như có mặt trong các cuộc thi được chính quyền Trung Kỳ tổ chức tại Huế. Từ một trò chơi vốn chỉ dành cho quan viên người Pháp hay giới hạn phục vụ cho các đối tượng là quan lại, giới thượng lưu, thì nó từng bước được người Huế tiếp nhận, dần dần lan tỏa và phổ biến đến tất cả mọi tầng lớp người dân.

Thời kỳ này nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh cho đội ngũ công nhân nhà in, cũng như toàn bộ người dân xứ Huế, các hội nhóm thể thao do các cơ sở in ấn xuất bản tại Huế lần lượt ra đời. Vào ngày 29/7/1933, Khuynh diệp Thể dục hội được thành lập theo Nghị định số 1887, do quan Khâm sứ Trung Kỳ phê chuẩn1.

Khuynh diệp Thể dục hội do Tôn Thất Viễn Đệ chủ trương sáng lập, để tập hợp những công nhân, người lao động thuộc hãng Khuynh diệp, qua đó khuyến khích các thành viên tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao. Tiếp đó, vào ngày 20/4/1935, đông đảo các thợ thầy của các nhà in: Phúc Long, Tiếng Dân, Đắc Lập nhóm họp tại nhà in Phúc Long (đường Paul Bert, nay là đường Trần Hưng Đạo) để thảo luận về việc thiết lập một hội Thể thao cho tất cả những người đang làm việc tại các nhà in. Sau gần một giờ bàn bạc, hội quyết định lấy tên: Association Sportive des Employés d’Imprimeries Huế2.

Sân bóng đá kế cận chợ Đông Ba. Ảnh chụp 1920 - 1929. Nguồn: manhhai/flickr.com
Thi đấu bóng đá ở Trường Quốc học Huế. Ảnh chụp 1920 - 1929. Nguồn: manhhai/flickr.com


Gần hai tháng sau, ngày 17/6/1935, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil, phê chuẩn bản nghị định số 1281, cho phép thành lập Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao tại Huế (Cercle Artistique, Littéraire et Sportif Annamite, viết tắt là CALSA). Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao tại Huế, thường gọi là Hội Mỹ Hòa là tổ chức tự nguyện, “lấy tấm lòng hâm mộ mỹ thuật và thể thao của các hội viên mà duy trì và khuếch trương cho rộng hơn và liên lạc cái tình thân ái trong nghĩa bằng hữu cho có lòng hiệp tác với nhau’’3.

Mặc dù là trung tâm chính trị, văn hóa của xứ Trung Kỳ, tuy nhiên, các hoạt động luyện tập và thi đấu thể dục, thể thao ở Kinh đô Huế bấy giờ chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự liên kết. Vì thế, việc thành lập một tổ chức có vai trò tập hợp, bảo vệ quyền lợi chính đáng các hội viên, hội tuyển, cũng như từng bước xây dựng lộ trình, chính sách đào tạo, phát triển phong trào tập luyện và nâng cao thành tích, vị thế thể thao của Huế và toàn xứ Trung Kỳ là đòi hỏi hết sức bức thiết. Trước tình trạng đó, vào ngày 12/12/1936, Khâm sứ Trung Kỳ chuẩn y nghị định cho phép thành lập Tổng cục Thể thao Trung Kỳ4. Đây là một tổ chức có đầy đủ tư cách pháp nhân, tập hợp tất cả hội viên, hội tuyển và các tổ chức thành viên trong khu vực Trung Kỳ, hoạt động và chịu sự quản lý của Tổng cục Thể thao Đông Dương.

Lịch thi đấu các đội Poule A (Bắc) cúp vô địch Trung Kỳ (1937 - 1938). Nguồn: Báo Tràng An số 259 (28/9/1937).


Đến chiều ngày 14/01/1937, tại trụ sở Đốc lý thành phố Huế, buổi họp đầu tiên của Tổng cục Thể thao Trung Kỳ chính thức khai mạc. Tại buổi họp, các thành viên tham dự đã lần lượt bầu ra ban Trị sự chính thức, gồm: Dr Haslé (Chủ tịch/ Hội trưởng); Desmarets, Lê Thanh Cảnh (Phó Hội trưởng); Le Bossé (Thư ký); Dupuis (Thủ quỹ); Trần Đằng, La Cẩm Hy (Ủy viên). Để thuận tiện trong hoạt động quản lý tập luyện và thi đấu, Tổng cục Thể thao tiến hành cơ cấu làm 5 ban chính, phân chia nhân sự phụ trách từng bộ môn: Ban điền kinh gồm có các ông Abgrall, Cao Văn Chiểu, Đào Đăng Vỹ, Fouquet; Ban xe đạp gồm Le Bossé, Trần Văn Các, Lê Thanh Cảnh; Ban bơi lội gồm Desmarets, Martin, Đào Đăng Vỹ; Ban quần vợt, ping pong gồm Lagisquet, Trần Đằng, La Cẩm Hy và Ban bóng tròn gồm có Haslé, Trần Đình Mai, Viễn Đệ5.

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ tư liệu nào cho phép khẳng định chính xác thời điểm bóng đá du nhập vào mảnh đất Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, vào những thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX, thì có thể thấy bộ môn túc cầu được đông đảo người Huế say mê luyện tập. Trong đó, phải kể đến hội tuyển của hội học sinh của các trường trên địa bàn thành phố Huế lúc bấy giờ, như hội tuyển của trường Tư thục Hồ Đắc Hàm, Lycée Khải Định, trường Pellerin, trường Phú Xuân, trường Pratique (trường Kỹ nghệ Thực hành)…

Bóng đá Huế ban đầu được hình thành theo dạng sân chơi phong trào, đó là loại bóng đá chân không (chân đất) và các trận thi đấu của các hội tuyển thường được tổ chức với tính chất giao lưu, học hỏi là chính. Về sau, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hội tuyển, các giải đấu ở cấp độ nội bộ thành phố bắt đầu ra đời. Rồi sau đó, các giải do chính quyền ở Trung Kỳ tổ chức cũng được hình thành, khiến cho bộ môn được mệnh danh là “thể thao vua” vốn đã sôi động, nay càng trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn gấp bội.

Trước năm 1936, cùng với các sân bóng ở các trường học, sân bóng đá nằm kế cận chợ Đông Ba (sân SEPSH) được biết đến là một trong những nơi diễn ra hàng loạt các trận so tài vô cùng kịch tính đến từ các hội tuyển trên địa bàn thành phố Huế. Đến ngày 3 tháng 3 năm 1936, tất cả người dân Cố đô hân hoan chào mừng sự kiện sân vận động Huế (Stade Olympique de Hué) chính thức khánh thành. Đối với lịch sử nền bóng đá ở Huế, thời điểm ngày 03/3/1936 là dấu mốc vô cùng đặc biệt. Nói thêm về sân vận động Huế, trên thực tế kế hoạch về việc xây dựng sân thể thao này đã được khởi thảo từ đầu năm 1935. Sau đó, đến tháng 9 năm 1935, thì chính phủ bảo hộ mới có quyết định trích số tiền 60.000$, để xây sân thể thao có tổng diện tích 5 mẫu Tây, với sức chứa gần 5.000 người, có đầy đủ các phòng ốc6.

Theo dự định, lễ khánh thành sân vận động sẽ được tổ chức ngày 01/3/1936, nhưng vì nhiều lý do, mà phải dời sang ngày 3/3/1936. Tham dự buổi lễ hôm đó có Hoàng đế Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, đông đủ quan viên Pháp, Nam triều và hơn 4.000 người dân7. Sân vận động Huế về sau đổi thành sân vận động Bảo Long (bây giờ là sân vận động Tự Do, Huế), là một trong những đấu trường được lựa chọn tổ chức các trận trong khuôn khổ giải cúp vô địch Trung Kỳ, cúp Đông Dương, các trận giao hữu giữa đội tuyển Trung Kỳ với các đội đến từ Lào, Cao Miên, cũng như giữa đội tuyển Huế với những đội đến từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Có thể nói, sau đúng 88 năm (1936 - 2024) hình thành và phát triển, sân vận động Huế là nơi chứng kiến rất nhiều trận đấu đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Đây cũng là địa điểm lưu dấu từng bước thăng trầm của bóng đá Thừa Thiên Huế và cả những cảm xúc buồn vui của cổ động viên tỉnh nhà.

Khách quan để thừa nhận rằng, nền bóng đá của Huế phát triển rực rỡ xét trên phương diện về cơ sở vật chất, số lượng đội tuyển, chất lượng các giải đấu và tổ chức bài bản, khoa học phải từ sau năm 1936 trở đi. Có được thành tựu đó, bên cạnh sự mến mộ của đại bộ phận người dân Huế, thì rõ ràng Huế có nhiều lợi thế hơn các tỉnh thành khác trong khu vực. Đặc biệt là sự quan tâm của giới chức Nam triều, trong đó phải nhắc đến sự hỗ trợ của ông vua thứ 13 nhà Nguyễn. Ngoài việc bảo trợ các giải đấu, vua Bảo Đại là một trong những vị khán giả thường xuyên góp mặt trong các trận đấu có sự tham gia thi đấu của đội tuyển nhà.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế trước năm 1945 có hai giải bóng tròn, đều được tổ chức lần đầu vào năm 1936, nhưng nhanh chóng gây được tiếng vang rất lớn, đó là giải báo Tràng An và giải Khuynh diệp báo. Theo lập luận đến từ phía đơn vị tổ chức, thì việc tổ chức giải đấu này xuất phát từ thực trạng của nền bóng đá ở Kinh đô: “Ngó [nhìn] qua nền bóng tròn ở Thần kinh, chúng tôi chẳng khỏi lo xa. Lo xa rồi đây trên bãi cỏ xanh lấy ai bênh vực cho danh dự Thần kinh! Chúng tôi muốn nói ngoài hội S.E.P.S.H ra, Thần kinh chẳng còn hội nào đủ tài chống trọi [chọi] với các hội ngoài Bắc trong Nam. Chúng tôi lại muốn nói ngoài 11 cầu thủ hội S.E.P.S.H ra, chẳng còn cầu thủ nào đáng mặt đại diện cho Thần kinh trong những cuộc gặp gỡ long trọng giữa các hội đại biểu năm xứ trong cõi Đông Dương”8.

Giải bóng tròn báo Tràng An, ngoài việc tạo sân chơi cho các cầu thủ, thì giải đấu này còn hướng đến mục tiêu tìm kiếm tài năng trẻ, qua đó để tiếp tục đào tạo và bổ sung các nhân tố mới cho hội tuyển. Về thể lệ, giải bóng tròn Tràng An báo là giải đấu của các hội tuyển bóng tròn hạng ba, đá chân không. Tất cả các đội thi phải tuân thủ quy định của Ban Tổ chức, như phải có danh sách các cầu thủ thi đấu chính thức, cầu thủ dự bị, có sắc áo riêng, cầu thủ tham gia hội tuyển này thì nghiêm cấm thi đấu cho đội tuyển khác…

Cùng thời gian này còn có giải cúp Khuynh diệp do ông chủ hãng Khuynh diệp Tôn Thất Viễn Đệ tài trợ. Giải đấu này được tổ chức lần đầu vào năm 1936, với sự tham dự các đội: An Hòa sport, Eléphant sport, Kim Long sport, Phú Vang sport, Etoile sport, Citad sport. Tất cả các trận đấu được tổ chức tại sân vận động Huế, toàn bộ tiền thu được từ bán vé sẽ trích 40% nộp lại cho thành phố, 30% nhập vào quỹ hội SEPSH và 30% chia đồng đều cho các đội tham dự9.

Trong phân hạng các giải đấu ở Huế thời kỳ này, có thể thấy các giải đấu tự do, do các tổ chức tài trợ dưới dạng “xã hội hóa’’như trường hợp giải Tràng An báo, giải Khuynh diệp, giải Vĩnh Thi, giải SEPSH, giải Nam Phương hoàng hậu…, đều chỉ giới hạn dành riêng cho các hội tuyển ở Huế. Trong khi đó, một số giải đấu được đặt ra sau này như giải đấu tổ chức trong các dịp lễ Vạn Thọ, giải lễ Hưng quốc Khánh niệm, cúp Hội chợ Huế, dù được mở rộng phạm vi các đội tuyển tham dự, song quy mô, tính chuyên nghiệp vẫn kém hơn nhiều so với giải Vô địch Trung Kỳ và giải đấu bóng tròn Đông Dương (cúp Robin).

Giải vô địch Trung Kỳ (cúp Bảo Đại), được tổ chức lần đầu vào năm 1937, được xem là giải đấu chuyên nghiệp và danh giá nhất ở Trung Kỳ lúc đó. Giải đấu này dành cho các hội tuyển đại diện cho các tỉnh ở miền Trung. Do tính chất địa hình của xứ Trung Kỳ “dài như chiếc đòn gánh”, nên mỗi lần tổ chức giải vô địch Trung Kỳ, Tổng cục Vận động Trung Kỳ chia làm hai poules, trong đó Poule A bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Tourane, Faifoo (Hội An) và Poule B gồm các đội Quy Nhơn, Sông Cầu (Phú Yên), Nha Trang, Phan Rang, Đà Lạt, Phan Thiết.

Trong mùa bóng đầu tiên (1937 - 1938), Poule Acó tất cả 5 đội bóng đăng ký tham gia, các đội phải trải qua 20 trận đấu ở hai vòng (lượt đi, lượt về), nghĩa là mỗi đội phải đá đúng 8 trận trên cả sân khách và sân nhà. Theo thể lệ thi đấu, trận thắng được 3 điểm, hòa thì được 2 điểm, thua thì được 1 điểm. Vì Poule A (Bắc) được đánh giá quan trọng hơn các hội tuyển phía Nam, nên đội được nhiều điểm nhất Poule sẽ được đặc cách vào thẳng chung kết. Trong khi đó đội nhì của Poule A (Bắc) sẽ gặp đội nhất Poule B tại trận bán kết10.

Trước năm 1945, ở Huế có ít nhất là 15 đội bóng khác nhau, họ thường xuyên tranh tài trong các giải đấu thường niên do chính quyền Nam triều tổ chức, như S.O.H (Stade Olympique Hué sport, 1937), Thuận An sport, Tân Lăng sport, An Định sport, Bạch Đằng sport, Gia Long sport, ASCH sport, Việt Anh sport, An Hòa sport, Eléphant sport, Kim Long sport, Phú Vang sport, Etoile sport, Citad sport… Tuy nhiên, đội bóng nổi tiếng nhất và được nhiều người nhớ đến nhất chính là đội tuyển SEPSH.

Được thành lập vào khoảng thập niên 20 thế kỷ XX, hội tuyển SEPSH (Société d’Education Physique et de Sports de Huế) là thành viên trực thuộc của hội cùng tên. Người có công đặt nền móng sáng lập hội SEPSH chính là Khâm sứ D’Elloy11. Dưới thời chủ tịch/hội trưởng Trần Đình Mai, hội SEPSH là nơi đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao chuyên nghiệp hàng đầu ở Trung Kỳ.

SEPSH là một trong những câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất ở Huế, có thể xem đây chính là tiền thân của đội bóng Thừa Thiên Huế sau này. Đội bóng quy tụ rất nhiều cầu thủ danh tiếng một thời như: Nguyễn Hữu Tương, Tôn Thất Thiết, Rọm, Thể, Điếm, Phục, Nguyện, Trúc, Hiếu, Thược, Nguyễn Văn Tiền, Phạm Hoàng, Nguyễn Văn Tốt, Minh, Tỷ, Gà, Đông12… Đội bóng này có mặt trong các giải đấu ở địa phương, cho đến các giải đấu toàn xứ Trung Kỳ và tham dự trong hầu hết các trận túc cầu do liên bang Đông Dương tổ chức. Từ năm 1926 đến 1931, SEPSH liên tiếp giành chức vô địch tại các giải đấu tổ chức ở Trung Kỳ. SEPSH cũng thường xuyên tham gia các trận giao hữu với một số đội bóng đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Rất nhiều thế hệ cầu thủ trưởng thành từ SEPSH đều có tên trong danh sách thi đấu của hội tuyển Trung Kỳ. Từ năm 1937 trở đi SEPSH là đội bóng đại diện cho Huế tham dự các trận đấu trong khuôn khổ tuần lễ Thể thao, diễn ra cùng thời điểm với hội chợ quốc gia tại Huế do chính quyền Nam triều đứng ra tổ chức13. SEPSH một thời được người hâm mộ tôn vinh là “ông vua” bóng đá Trung Kỳ. Danh hiệu này xuất phát từ những thành tích của đội bóng, với nhiều năm liên tiếp giành chức vô địch giải bóng đá Trung Kỳ, cũng như thành tích bất bại trong các trận đấu với các đội bóng ở khu vực Trung Kỳ.

Tháng 5 năm 1930, chính quyền Trung Kỳ đã tổ chức giải bóng tròn. Trong trận đấu vào ngày 11/5/1930, đội tuyển SEPSH đã có một chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục trước đội tuyển Bạch Tượng (Éléphant Blanc)14. Chiều ngày 19/02/1933 người dân Kinh đô vô cùng mãn nhãn với trận đấu đỉnh cao giữa đội bóng SEPSH và đội bóng Hội An Sport, diễn ra tại sân bóng d’Elloy15. Suốt thời gian thi đấu, các cầu thủ của hai đội đã cống hiến cho người xem màn trình diễn hết sức sôi động với những pha tranh chấp bóng đầy hấp dẫn. Dù đã rất nỗ lực, song đội bóng đến từ Hội An đành phải chấp nhận thua đội SEPSH với tỷ số 5-0.

Tại hội chợ Huế diễn ra vào ngày 4 tháng 3 năm 1936, đội tuyển SEPSH đã đánh bại đội tuyển Lào với tỷ số 7-1, giành chức vô địch với chiếc cúp bằng Bạc, do đích thân ông Dupuy, trưởng Ban Tổ chức trao tặng16. Vào tháng 4 năm 1936, trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển đại diện cho Bắc và Trung Kỳ được tổ chức tại sân vận động Huế, thu hút hàng ngàn cổ động viên đến dự. Trận đấu này, đội SEPSH chạm trán với đội Racing Club, đây là đội bóng giàu thành tích ở miền Bắc lúc bấy giờ. Kết quả chung cuộc, hai đội bóng hòa nhau với tỷ số 1-117. Sau đó, vào tháng 3 năm 1938 cũng tại chợ Phiên ở Hội An, đội tuyển SEPSH thắng đội Faifoo với tỷ số 3-1, qua đó đoạt cúp vô địch18.

Tháng 10 năm 1941, các cầu thủ của đội lên Ga Huế đáp xe lửa ra Hải Phòng để gặp đội Nội Châu và Olympique. Có tất cả 17 cầu thủ mà theo tường thuật của báo Tràng An, vị trí thi đấu của từng cầu thủ trong đội tuyển được bố trí như sau, thủ môn Vi trấn giữ khung thành; Tương, Lắc, Dung (hậu vệ); Đông, Gà, Điếm, Toàn, Mạng (tiếp ứng); Hiền, Trúc, Nho, Chí, Tỷ, Khánh, Ninh, Thu (tiền đạo)19. Kết quả đội bóng thắng Nội Châu với tỷ số 4-3, đoạt cúp, tuy nhiên đội bóng đến từ Kinh đô lại thất thủ trước đội bóng Olympique20. Sau đó, trong khuôn khổ các trận đấu tại giải vô địch bóng tròn Trung Kỳ năm 1942, SEPSH lần lượt đánh bại Thanh Hóa21, với tỷ số 6-2 và ASNAVinh22, tỷ số 3-1. Thành tích bất bại đó được SEPSH duy trì liên tục trong các năm về sau, chỉ riêng trong 7 trận đấu năm 1943, đội SEPSH đã ghi 54 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 4 bàn23.

Báo Thể Tháo Đông Dương (số 7, 12/12/1941) đưa tin về giải Bóng tròn Trung Kỳ. Nguồn: BNF


Trong hơn 20 năm, đội bóng đại diện cho nền bóng đá xứ Thần kinh liên tục xuôi ngược Nam - Bắc, liên tiếp giành chức vô địch trong nhiều giải đấu, khẳng định ngôi vị quán quân trong làng túc cầu Trung Kỳ. Trước ngày khởi tranh giải Vô địch bóng tròn Trung Kỳ, mùa bóng 1941-1942, tờ Thể tháo Đông Dương đã không tiếc lời khen ngợi rằng: “Vô địch trong một năm đã là một sự khó khăn vì cần phải đủ một hùng binh dai sức, ăn nhịp và mỗi trận đấu là chỉ biết bắn lưới bên địch chớ không biết giữ thế thủ mới hòng thắng trận ở cuối mùa. Thế mà đoàn quân của Kinh kỳ đã làm được cái việc khó nhọc ấy luôn trong mấy năm nay”24. Trong một bài báo đăng trên tờ Tràng An, tác giả Lê Đình Thạch đã có lý khi nhận xét rằng, SEPSH như là gốc rễ của nền bóng đá Huế và cái tên Nguyễn Hữu Tương xứng đáng được vinh danh là người góp công rất lớn đưa bóng đá Huế lên một đỉnh cao mới25.

Tạm kết

Bóng đá với đặc tính hấp dẫn vốn có của nó nhanh chóng được người Huế đón nhận, trở thành trò chơi giải trí vô cùng bổ ích. Buổi sơ khai hoạt động luyện tập bóng đá ở Huế bắt đầu phát triển từ các phong trào đường phố và trong môi trường học đường. Về sau, các đội bóng/hội tuyển tự do lần lượt ra đời trên cơ sở tập hợp các thành viên có cùng sở thích, độ tuổi hoặc địa bàn cư trú. Sau ngày Tổng cục Thể thao ở Trung Kỳ thành lập, bóng đá ở Huế dần được thiết lập theo một khuôn khổ huấn luyện, thi đấu chuyên nghiệp hơn; và gặt hái rất nhiều thành tích đáng tự hào.

Bóng đá đã có mặt trên đất Huế trên dưới 100 năm, chừng ấy thời gian, qua bao biến cố của lịch sử, bộ môn này đã có vai trò rất tích cực đối với đời sống xã hội, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc rèn luyện thể lực và ý chí. Trong bối cảnh đất nước bị phân chia làm ba kỳ, việc tổ chức các giải đấu bóng đá ở khu vực Trung Kỳ, hay các trận đấu giao hữu giữa các câu lạc bộ trong cả nước chính là cầu nối thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết của tất cả người dân đất Việt.

Đ.M.Đ
(TCSH429/11-2024)

-----------------------
1 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1933, N014 (02/9/1933), p. 1248.
2 Báo Tràng An (1935), Chúng ta sẽ có một hội thể thao nữa, số 18 (30/4/1935), tr. 2.
3 Hội Mỹ Hòa (1936), Statuts du Cercle Artistique Littéraire et Sportif Annamite, Imprimerie Đắc Lập (Huế), tr. 3.
4 Báo Tràng An (1937), Tổng cục Thể thao Trung Kỳ đã thành lập, số 187 (02/01/1937), tr. 2.
5 Báo Tràng An (1937), Ban Trị sự chính thức của Tổng cục Thể thao Trung Kỳ, số 193 (22/01/1937), tr. 2.
6 Hà Thành ngọ báo (1935), Tại Kinh sẽ có nhiều sân thể thao lớn, số 2416 (30/9/1935), tr. 6.
7 Báo Tràng An (1936), Lễ khánh thành sân vận động Stade Olympique và các cuộc tranh đấu thể thao, số 103 (06/3/1936), tr. 3.
8 Báo Tràng An (1936), Tràng An báo tổ chức một giải bóng tròn. Giải nầy chỉ để riêng cho các hội đá chân không, số 134 (23/06/1936), tr. 2.
9 Báo Tràng An (1936), Thể lệ cuộc đá bóng tròn để tranh cúp Khuynh diệp, số 141 (21/7/1936), tr. 3.
10 Báo Tràng An (1937), Giải vô địch bóng tròn Trung Kỳ mùa 1937-1938, số 259 (28/9/1937), tr. 3.
11 Báo Công Luận (1932), Về sự khuyết điểm trong làng Thể thao ở Trung Kỳ, số 2371 (28/5/1932), tr. 3.
12 Báo Công Luận (1937), Phụ trương thể thao của Công Luận, số 7324 (13/01/1937), tr. 5.
13 Đỗ Minh Điền (2023), “Về một số hội chợ Huế: từ 1931 - 1939”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (184), tr. 48-56.
14 Hà Thành ngọ báo (1930), Anh em thể thao ở Huế: Cuộc đá bóng tròn, hội thể thao Huế (S.E.P.S.H) thắng hội Bạch Tượng 2-0, số 834 (19/5/1930), tr. 6.
15 Hà Thành ngọ báo (1933), Hội thể dục SEPSH hạ Hội An Sport năm bàn tròn, số 1644 (25/02/1933), tr. 4.
16 Báo Tràng An (1936), SEPSH gặp Lào, SEPSH hạ Lào 7 bàn gỡ 1, số 104 (10/3/1936), tr. 2.
17 Hà Thành ngọ báo (1936), Tại sân vận động Huế, Racing club và SEPSH gặp nhau hòa 1-1, số 2584 (23/4/1936), tr. 1,2.
18 Báo Tràng An (1938), SEPSH đoạt cúp chợ Phiên FAIFOO, số 304 (18/3/1938), tr. 2.
19 Báo Tràng An (1941), Tối nay hội SEPSH ra Bắc gặp Nội Châu và Olympique, số 887 (30/10/1941), tr. 2.
20 Báo Tràng An (1941), SEPSH hạ Nội Châu, số 889 (03/11/1941), tr. 1.
21 Báo Tràng An (1942), Tranh giải quán quân Trung Kỳ, SEPSH hạ Thanh Hóa 6-2, số 9 (Bộ mới, 28/4/1942), tr. 2.
22 Báo Tràng An (1942), Tranh giải quán quân Trung Kỳ, SEPSH hạ ASNA Vinh 3-1, số 11 (Bộ mới, 05/5/1942), tr. 2.
23 Báo Tràng An (1943), Tranh giải SIFA, SEPSH toàn thắng ASAT, số 242 (Bộ mới, 14/12/1943), tr. 2.
24 Báo Thể Tháo Đông Dương (1941), Giải vô địch bóng tròn Trung Kỳ mùa nầy, SEPSH hiện còn giữ được chức vô địch năm nay nữa chăng?, số 7 (12/12/1941), tr. 6.
25 Báo Tràng An (1942), Hội S.E.P.S.H mầm gốc của nền thể dục Thần kinh, số 42 (Bộ mới, 30/7/1942), tr. 2.

 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Các bài đã đăng