TIÊN NGUYỄN
Bình phong là một công trình không thể tách rời với các kiến trúc truyền thống ở Huế. Dù xuất hiện ở nhiều nơi như phủ đệ, am miếu, đình làng, nhà ở… nhưng bình phong trong kiến trúc cung đình vẫn đặc sắc, cầu kỳ hơn hẳn.
Tại cung Trường Sanh (Đại Nội - Huế) có chiếc bình phong tiền ngoại án không chỉ hoàn thành chức năng về mặt phong thủy, mà còn là công trình nghệ thuật mang tính trang trí. Các họa tiết trang trí với hình học, chữ Hán, chim phượng, hoa lá, hoa quả đều có ý nghĩa riêng, là nguồn tư liệu tham khảo giá trị, có thể ứng dụng vào trong các thiết kế bao bì hiện đại.
1. Tổng quan về bình phong ngoại án
Theo nhiều tài liệu ghi chép, bình phong có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó đã phổ biến ở nhiều nước từ phương Đông đến phương Tây. Trong đó các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất và cho ra đời nhiều bức bình phong mang bản sắc của mỗi dân tộc. Thời nhà Đông Chu (năm 771 - 256 trước Công Nguyên) những chiếc bình phong chưa có tên gọi hay hình thức cụ thể xác định, chỉ biết chúng được xem như là những tấm màn che. Đến thời nhà Hán (năm 206 trước Công Nguyên - 220 sau Công Nguyên) bình phong mới chính thức xuất hiện và được định hình rõ ràng công năng. Trong ký tự Trung Hoa (屏bình: che chắn) và (風phong: gió).
Các bức bình phong ngoại án thường được chia theo yingbi có kích thước nhỏ đặt bên trong công trình hoặc phía sau cổng ra vào, zhaobi có kích thước lớn thường dùng làm đồ án trang trí trong các công trình như vườn Thượng uyển, hay công trình lớn có tính trưng bày như bình phong Cửu Long tại Tử Cấm thành, hay Bia Quốc Học tại Huế. Ngoài chức năng che chắn, ngăn người ngoài nhìn trực diện vào bên trong không gian sinh hoạt cá nhân, bình phong ngoại án có chức năng phong thủy, mang ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm, bức tường chắn sẽ ngăn chặn được năng lượng xấu như linh hồn xâm nhập vào không gian sinh hoạt, vì linh hồn chỉ có thể đi thẳng không thể di chuyển linh hoạt theo các đường ngang, đường xéo như người. Chất liệu xây dựng nên bình phong ngoại án chủ yếu là vữa, gạch, đá… các loại chất liệu có thể chịu được môi trường, thời tiết ngoài trời. Trước đây, bình phong ngoại án chủ yếu được xây dựng trong cung điện hay các nhà quan lại, sau này đã được lưu hành trong dân gian với vị trí xây dựng phong thủy như cổng làng, đình, làng, nhà thờ họ… Mô típ trang trí chủ yếu sử dụng các biểu tượng may mắn, phú quý hay hình ảnh con vật trong “tứ linh” có ý nghĩa canh giữ, ngăn chặn những năng lượng xấu xâm nhập. Theo các yếu tố phong thủy, trong tự nhiên bình phong có thể là một ngọn núi như núi Ngự Bình ở Huế. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn viết “Phía Đông Bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quảng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông”. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình đã tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo, tạo nên thế phong thủy tự nhiên. Để xây dựng trận thế phong thủy “nhân tạo” có thể xây dựng bình phong ngoại án kết hợp với hòn non bộ đối với công trình nhỏ. Đối với công trình quy mô lớn hơn, bình phong có kích thước to lớn kết hợp cùng ao hồ, cây cối tạo thành thế “tụ thủy, tích phúc”.
Ở Đại Nội hay các khu vực lăng tẩm của cung đình thì bình phong lại được trang trí hết sức cầu kỳ bằng cách khảm bằng sành sứ từ các mảnh đồ gốm. Chủ đề trang trí sẽ được sử dụng phù hợp với từng đối tượng sử dụng hay chủ sở hữu của công trình. Nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế được cho là xuất hiện vào thế kỷ 17, các nghệ nhân chọn lọc và cắt bẻ những mảnh gốm sứ, mảnh chai, thủy tinh theo nhiều hình dáng sao cho phù hợp với đồ án thiết kế. Những mảnh vỡ tưởng chừng bỏ đi ấy trở thành một ngành nghề truyền thống tại Huế tạo nên những công trình tuyệt tác còn mãi với thời gian, đưa nét đẹp nghệ thuật của Huế lên một tầm cao mới với sự chi tiết và tỉ mỉ đòi hỏi kỹ năng “lành nghề” của người nghệ nhân. Khi so sánh bình phong giữa các quốc gia chịu ảnh hưởng Hán hóa thì Việt Nam có sự khác biệt nhất định, khó có thể nhầm lẫn. Nghệ thuật trang trí này có thể xem là sự cạnh tranh, chứng minh vị thế của Việt Nam, tạo nên trường phái nghệ thuật trang trí dân tộc giàu bản sắc thông qua kỹ thuật và phương pháp đặc biệt.
2. Về bình phong tiền ngoại án cung Trường Sanh
Đại Nội Huế là một phần trong quần thể Di tích Cố đô Huế mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật của triều đại nhà Nguyễn; gồm hai khu vực chính là Hoàng thành và Tử Cấm thành. Hoàng thành là nơi vua thiết triều và làm việc, Tử Cấm thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc sinh hoạt, trong đó có cung Trường Sanh. Cung Trường Sanh nằm ở góc Tây - Bắc trong Hoàng thành, phía sau cung Diên Thọ. Năm 1821, cung được khởi công xây dựng từ năm Minh Mạng thứ I với tên gọi là cung Trường Ninh, có chức năng là một vườn thượng uyển để các bà cung phi có thể đi dạo, thưởng lãm, ngắm hoa tại đây. Kiến trúc ban đầu xếp theo hình chữ tam, gồm một điện chính ở giữa, một điện phía trước, một lầu phía sau và một số công trình phụ ở xung quanh. Năm 1846, cung Trường Ninh được trùng tu kiến trúc nâng cấp về quy mô. Trục kiến trúc chính xếp theo hình chữ Vương, gian nhà Ngũ Đại Đồng Đường đặt phía trước, điện Thọ Khang được đặt chính giữa, lầu Vạn Phúc ở phía sau cùng.
Hình 1. Bức bình phong ngoại án cung Trường Sanh |
Bình phong nằm phía sau Trường An môn, trên bờ hồ Tân Nguyệt, ở phía trước gian nhà Ngũ Đại Đồng Đường, kích thước tổng to lớn với chiều cao 5.4m, chiều ngang 11.4m (gồm phần chính 6.6m, hai cánh phụ mỗi cánh 2.4m), độ dày 0.5m, được sơn màu cam vàng kết hợp cùng các bức tượng, bức phù điêu chạm trổ bằng các mảnh gốm và sành sứ (Hình 1). Cũng như bao chiếc bình phong ngoại án khác, bình phong tiền ngoại án cung Trường Sanh có chức năng che chắn, ngăn người ngoài nhìn thẳng trực diện vào không gian sinh hoạt chính. Còn theo phong thủy, chiếc bình phong này là vật cản tà khí, ngăn chặn những năng lượng xấu xâm nhập thẳng vào bên trong. Về mặt trang trí chiếc bình phong như một bức tranh khổ lớn được xây dựng cố định với vật liệu bền vững ở cung Trường Sanh. Từ năm 2005 - 2007, bức bình phong được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu tôn tạo theo nguyên tắc bảo tồn và phát huy di sản nên phần nào vẫn còn giữ gìn được những giá trị nguyên bản trước đó (Hình 2).
Hình 2. Bức bình phong khi chưa được trùng tu, thám sát năm 2000. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Họa tiết trang trí cuốn thư và chữ Hán trên bình phong không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình cuốn thư gợi lên sự tinh tế, mềm mại, giảm bớt sự cứng nhắc của các khối tường lớn, đồng thời thể hiện tinh thần học thức và hiểu biết. Chữ Thọ (壽), được trang trí khảm sành sứ giữa bình phong, tượng trưng cho sự trường thọ, bổ sung thêm giá trị văn hóa và triết lý cho công trình này. Những khoảng hở trên bình phong không chỉ tạo ra sự lưu thông không khí mà còn tạo nên sự kết nối tinh tế giữa không gian bên trong và bên ngoài. Sự hiện diện của cuốn thư trong kiến trúc không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn là biểu tượng của tri thức và giáo dục thời đại.
Họa tiết trang trí chim phượng là họa tiết trang trí chính của bức bình phong. Theo quan niệm của phương Đông, phượng được xem là loài chim đẹp nhất, đứng đầu trong tất cả loài chim. Phượng có 5 loại đức tính: “ngay thẳng, lương thiện, công bằng, chung thủy và lòng khoan đại”1. Nếu như hình ảnh rồng được sử dụng làm biểu tượng cho quân vương, thì chim phượng là biểu tượng cao quý dành riêng cho phái nữ thuộc tầng lớp quý tộc, hoàng gia. Chim phượng còn là biểu tượng cho sự đảm bảo thái bình, vì chim phượng chỉ xuất hiện vào thời bình và ẩn mình khi có manh nha loạn lạc. Cặp chim phượng trên bình phong thể hiện theo tư thế đối xứng, đầu chầu về chữ Thọ, đầu vươn cao kiêu hãnh, đầy tự hào với đôi cánh vươn rộng, xòe ra những chiếc lông lớn, chiếc đuôi uốn lượn như sóng nước mềm mại. Toàn bộ hình ảnh chim phượng toát ra sự chuyển động, duyên dáng. Các mảnh sành sứ được lựa chọn và khảm theo màu sắc, giúp phân ra các bộ phận khác nhau của chim phượng. Ngoài ra, trên phần mái của bình phong còn cặp chim phượng nhỏ hơn là vật trang trí phụ đang đậu vững chãi đầu chầu về chữ Thọ cách điệu trên đỉnh có quả bầu hồ lô, đã tạo nên một bố cục chắc chắn củng cố thêm về mặt ý nghĩa và tăng thêm chiều cao của chiếc bình phong một cách khéo léo.
Họa tiết hoa lá và trái cây trên bình phong được khắc họa sinh động, đặc biệt là hình ảnh hoa cúc, tượng trưng cho sự thanh cao và bền vững. Đề tài hoa lá, trái cây luôn là chủ đề trang trí lấy cảm hứng từ tự nhiên mà bất kỳ quốc gia nào cũng sử dụng. Họa tiết hoa lá đã xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam. Tuy chỉ là thành phần trang trí phụ, nhưng họa tiết hoa lá không thể thiếu được trong các đồ án trang trí. Theo quan niệm phương Đông, hoa cúc là một trong bốn loại cây quý “mai, lan, cúc, trúc”, tượng trưng cho người quân tử với phẩm chất trong sạch, thanh cao. Hoa cúc có hương thơm thoang thoảng, luôn nở tròn căng, lâu tàn, lá khô cũng không rời cành nên được tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn. Đề tài trang trí hoa lá không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ cho công trình mà còn phản ánh triết lý sống quân tử của phương Đông. Ngoài hoa cúc, các loại trái cây như đào, mãng cầu, lựu, và phật thủ cũng được đưa vào bình phong với những ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về sự trường thọ, sinh sôi nảy nở và phúc lành.
Họa tiết trang trí “Bát bửu” là hệ thống trang trí gồm 8 đồ vật được cho là quý giá, đem lại may mắn. Mỗi vật quý đều có ý nghĩa riêng, tùy vào trình độ của nghệ nhân và yêu cầu của chủ sở hữu mà các vật quý được sử dụng làm trang trí. Các vật quý như cuộn giấy (cuốn thư), cây đàn, bút lông, cái gương, hình thoi… được sử dụng trên bức bình phong thể hiện nếp sống tao nhã, có trình độ của người sở hữu.
Họa tiết trang trí hình học làm chặt chẽ thêm bố cục của bức bình phong nhưng không tranh chấp với các họa tiết chính thì kiểu trang trí hình học đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên. “Hồi văn chữ Vạn” là đường nét hồi lại hoa văn có chữ Vạn 卐tạo ra một hệ thống hoa văn nét thẳng có bố cục chặt chẽ, đan xen hài hòa. Bên cạnh đó, các ô lục giác, hình thoi đã tạo nên các ô lưới có khoảng hở, giúp lưu thông gió trong không gian công trình. Các loại trang trí hình học tạo ra sự hiệu quả về mặt thị giác, cũng như giải quyết được các mảng trống cần được trang trí.
Đến nay, trải qua thời gian và các biến động lịch sử, kiến trúc cung Trường Sanh đã có nhiều thay đổi và phần nhiều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời còn rực rỡ nó đã từng được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Thần Kinh2. Nhìn chung bình phong tiền ngoại án cung Trường Sanh vẫn còn giữ được các mô típ trang trí và ý nghĩa như nguyên bản sau khi trùng tu, tôn tạo được phần nào vẻ đẹp vốn có như trước đây. Tuy không hoành tráng, quy mô như các công trình khác, nhưng có thể nói những gì nhiều tính nữ nhất ở khu vực Hoàng thành đều tập trung ở cung Trường Sanh, từ khu vực phía ngoài cổng, đến các cột, bình phong, rèm che đều được trang trí bằng các hình ảnh tượng trưng cho phái nữ như chim phượng, hoa lá, mây trời hết sức công phu và đều có ý nghĩa biểu tượng. Nhận thấy nơi đây rất phù hợp để khai thác các mô típ trang trí mang nét thẩm mỹ quý phái, sang trọng liên quan đến các sản phẩm thuộc về giới nữ. Ứng dụng các họa tiết trang trí này vào thiết kế hiện đại không chỉ là việc lưu truyền mà còn là sự lan tỏa giá trị lịch sử đến gần với công chúng hơn.
3. Ứng dụng họa tiết trang trí vào thiết kế bao bì mỹ phẩm
Hình 3. Phượng bào đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. |
Dựa vào báo cáo và các kết quả khảo sát thị trường tại Việt Nam cho thấy mỹ phẩm là một thị trường tiềm năng đáng được xem trọng, cùng với tốc độ phát triển của kinh tế, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày một tăng. Báo cáo thị trường mỹ phẩm về nhu cầu sử dụng sản phẩm được khảo sát theo hai yếu tố, độ tuổi và thu nhập. Phụ nữ ở độ tuổi từ 25 - 32 tuổi có tần suất sử dụng mỹ phẩm cao nhất, cùng với đó, thu nhập càng cao, chi phí dành cho các sản phẩm làm đẹp càng lớn. Năm 2023, chứng kiến mức tăng kỷ lục trong mua sắm mỹ phẩm thông qua các kênh mua sắm trực tuyến, khảo sát cho thấy 44% người tiêu dùng mua hàng trực tuyến ở độ tuổi 25 - 32 tuổi3. Thế nhưng mỹ phẩm truyền thống như phấn nụ của Huế có lịch sử gần trăm năm lại dần vắng bóng trên thị trường mỹ phẩm trong nước, sức cạnh tranh yếu ớt khi so với các thương hiệu mỹ phẩm đến từ nước ngoài. Về hình thức sản phẩm phấn nụ hiện tại có kích thước khá to, thô cứng, khó đem theo bên mình sử dụng. Các thiết kế bao bì không phù hợp với xu hướng mỹ phẩm hiện tại, chưa đáp ứng đúng các nhu cầu thẩm mỹ, cảm giác kích thích, muốn sở hữu dựa trên tâm lý mua hàng của độ tuổi khách hàng mục tiêu. Vì vậy, việc thay đổi hình thức và bao bì sản phẩm là giải pháp hiệu quả nhất ở hiện tại. Về hình thức sản phẩm phấn nụ cần nhỏ gọn và tiện lợi hơn cho người sử dụng. Khai thác và phát triển thêm các dòng sản phẩm phụ trợ kèm theo để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Về bao bì sản phẩm, thay vì chỉ chú trọng vào khía cạnh thẩm mỹ, cần tập trung khơi gợi câu chuyện ẩn sau từng chi tiết trang trí. Một câu chuyện được xây dựng tinh tế, kết hợp hài hòa với những họa tiết trang trí từ cung Trường Sanh - nơi từng là chốn sinh hoạt và thưởng ngoạn của các hoàng hậu, cung phi, công chúa triều Nguyễn, không chỉ tạo nên giá trị mỹ quan mà còn mang đến cho khách hàng cảm giác về một đẳng cấp khác biệt. Việc sử dụng những hoa văn từ chiếc bình phong ngoại án như biểu tượng tôn vinh sự quyền quý và nét đẹp văn hóa sẽ giúp bao bì trở thành cầu nối truyền tải tinh thần lịch sử, nâng tầm trải nghiệm cho người sở hữu.
Hình 4. Thiết kế bao bì mỹ phẩm dựa trên họa tiết trên bình phong cung Trường Sanh. |
Tác giả đã nghiên cứu và ứng dụng vào thiết kế bộ mỹ phẩm bao gồm phấn nụ, son, phấn mắt; với đối tượng khách hàng nữ từ 25 - 40 tuổi. Ngoài các họa tiết trang trí của bình phong ngoại án cung Trường Sanh, màu hồng đồng sử dụng trong thiết kế được lấy cảm hứng từ phượng bào thời Nguyễn (Hình 3). Kết quả của thiết kế sẽ giúp bộ mỹ phẩm có bao bì thu hút người dùng, nổi bật hơn so với các dòng mỹ phẩm khác đã có trên thị trường hiện nay (Hình 4). Bao bì mỹ phẩm có thiết kế thu hút sẽ giúp người dùng chủ động sử dụng sản phẩm thường xuyên hơn, kích thích lợi nhuận gia tăng cho chủ đầu tư. Thiết kế bao bì mỹ phẩm phấn nụ là phương tiện hiệu quả để quảng bá sản phẩm truyền thống địa phương. Đối với Huế, việc thúc đẩy sản phẩm phấn nụ không chỉ là cạnh tranh trên thị trường làm đẹp hiện đại mà còn là khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương trong và ngoài nước. Trong bối cảnh các sản phẩm mỹ phẩm ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường, phấn nụ cần một chiến lược tái định vị mạnh mẽ để lấy lại vị thế của mình. Bao bì mỹ phẩm với thiết kế dựa trên các họa tiết cung đình Huế sẽ giúp khơi gợi ký ức lịch sử và tôn vinh nét đẹp quý phái, tạo ra điểm nhấn độc đáo cho dòng sản phẩm này. Hơn thế nữa, thiết kế bao bì mang tính biểu tượng không chỉ giúp phấn nụ trở thành một lựa chọn mỹ phẩm đẳng cấp mà còn trở thành một món quà lưu niệm mang đậm chất Huế, khiến du khách trong và ngoài nước không chỉ mua sản phẩm mà còn mang về một phần ký ức văn hóa gợi nhớ khi trở về nơi họ sinh sống. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như nón lá và gối tựa hoàng cung, một bộ mỹ phẩm được đầu tư thiết kế tỉ mỉ với hoa văn cung đình sẽ góp phần nâng cao giá trị nhận diện của các mặt hàng lưu niệm tại Huế. Nhờ đó, không chỉ sản phẩm mỹ phẩm địa phương được thúc đẩy mà còn giúp hình ảnh Huế hiện lên với nét đặc trưng riêng, tạo sự khác biệt giữa các điểm đến du lịch khác trên toàn quốc. Đây cũng là một giải pháp quảng bá và truyền thông sản phẩm truyền thống hiệu quả, tạo nên sự lan tỏa trong việc sử dụng, ủng hộ văn hóa dân tộc. Việc sử dụng các họa tiết trang trí từ quá khứ vào các thiết kế hiện đại là bảo tồn và phát huy di sản, đây là tính tất yếu của xu hướng phát triển văn hóa - nghệ thuật dân tộc tiến lên hiện đại theo tầm thời đại.
T.N
(TCSH430/12-2024)
----------------------
1 Hoa văn Việt Nam (2019), Nxb. Hồng Đức, tr.134.
2 Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).
3 Số liệu lấy từ bài viết “Báo cáo thị trường mỹ phẩm: Xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam” www.cleverads.vn/blog/ bao-cao-thi-truong-my-pham/.
__________________
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đức Anh Sơn (2023), Huế - Triều Nguyễn: Một cái nhìn, Nxb. Thế Giới, Hà Nội.
2. Ngô Đức Thịnh (2021), Bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
3. Dương Văn Sáu (2021), Giải mã văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Du Chi (2019), Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thế kỷ phong kiến, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
5. Léopold Michel Cadière, Edmond Gras (2019), Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
6. Đặng Mai Anh (2014), “Đôi nét về bình phong ngoại án thời Nguyễn ở Huế”, Di sản văn hóa số 48 tháng 3 năm 2014, tr. 44.
7. Lê Văn Thước (2018), “Hiệu quả và giá trị nghệ thuật của hình tượng chim phượng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn, ứng dụng vào dạy môn Sáng tác thiết kế hệ thống bao bì sản phẩm và tem”, Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, http://www.spnttw.edu. vn/articledetail.aspx?articleid=5161&sitepageid=650, Truy cập ngày 10 tháng 07 năm 2018.
8. Handler, Sarah (2007). Austere luminosity of Chinese classical furniture. University of California Press, trang 268-271, 275, 277.
9. Mazurkewich, Karen; Ong, A. Chester (2006). Chinese Furniture: A Guide to Collecting Antiques. Tuttle Publishing, trang 144-146.
10. 张艳Zhang Yan (2017). Stone Appreciation | What is the popular “stone painting” in the Ming and Qing Dynasties?, truy cập ngày 22 tháng 02 năm 2017.<www.m.thepaper. cn/newsDetail_forward_1622721>