DƯƠNG PHƯỚC HOÀNG
Năm tháng đời người trôi dần theo dòng thời gian như một ý niệm chân không vô cùng minh triết, đến rồi đi. Với quy luật tự nhiên của kiếp nhân sinh thì ngoài cái tuổi lục tuần, chúng ta - ai rồi cũng nhẹ chân bước vào ngưỡng cửa tay chậm, mắt mờ, tai lãng, rồi một ngày rất đỗi tự nhiên, trí nhớ từng “uyên bác” của ta bỗng quên đi nhiều thứ, quên đi bao nỗi buồn vui thăng trầm với những kỷ niệm nhạt nhòa.
Nhưng với tôi (có lẽ cũng như với nhiều người cùng thế hệ chúng tôi) ký ức về một thời chiến tranh, một thời đạn bom để có ngày hòa bình, đất nước thống nhất là một ấn chỉ mãi không bao giờ mất, nó đã khắc định nằm sâu trong tâm thức duệ trí. Một ngày dài của mùa Xuân năm 1975. Cái ngày dằng dặc sau 21 năm ấy đã cõng nỗi khát vọng mòn mỏi của chúng ta xích lại gần nhau: vợ chồng, cha con, anh em, chú bác, cô dì, bạn hữu, cả những đối phương…trên hai miền Nam - Bắc về chung một nhà. Cái ngày của cả dân tộc đoàn viên trong niềm vui nấc nghẹn dâng trào nước mắt thì làm sao ta có thể quên được! Cái ngày lịch sử ấy tự nhiên duệ trí nhớ mãi không mờ.
Với những người sáng tạo văn học nghệ thuật họ có cách ghi nhớ ngày ấy rất riêng của mình. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, ngày Huế hoàn toàn giải phóng.
Trong đội ngũ điệp trùng từ chiến khu trở về đồng bằng quản nhiệm thành phố có nhiều văn nghệ sĩ mặc áo lính, họ vốn sinh trưởng và học hành từ nhiều vùng quê khác nhau, bởi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nên họ đã có mặt ở chiến trường Trị Thiên Huế ngay những năm đầu chống giặc cứu nước. Cùng với cây súng, cây đàn, ngòi bút, cây cọ, chiếc máy ảnh họ là những nhà báo, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, diễn viên như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Thanh Hải, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà báo Nguyễn Kim Cúc, Trần Thân Mỹ, Nguyễn Hữu Vấn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Dự, Nguyễn Quang Hà, Võ Quê, Thái Ngọc San, Ngô Kha, Đặng Đình Loan, Võ Mạnh Lập, Trọng Thanh, Lê Khánh Thông, Nghiêm Sỹ Thái, Quế Lâm, Trần Thanh Lâm, Thái Hùng, Thu Lưỡng, Thu Sen, Hồ Hiếu, Thu Hiền…Trong số họ, nhiều người đã thành danh trước khi bỏ rừng về với Huế giải phóng. Mặc dù họ từng giữ nhiều cương vị công tác, nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau, hoạt động văn học nghệ thuật chỉ là tay trái nhưng tựu trung là bởi cái “máu si văn nghệ”, họ tham gia chiến đấu trên các mặt trận để giải phóng quê hương và sáng tác văn chương nghệ thuật…
Và cái ngày ấy, họ đã xuôi dòng sông Hương về với Huế giải phóng.
Cùng với Ủy ban quân quản thành phố, chính quyền Cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận cơ sở số 26 phố Lê Lợi để làm trụ sở cho Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Bao năm ẩn mình ở vùng rừng núi chiến khu Thừa Thiên, nay tự do về với Huế giải phóng, cuộc sống mới bắt đầu một nhịp điệu mới.
Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, người xã Phong Bình, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; ông từng làm Tổng Biên tập báo Cờ Giải Phóng đầu tiên của thành phố Huế ở chiến khu, nguyên là Chi hội phó kiêm Tổng Thư ký Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế được tổ chức chỉ định làm Thủ trưởng cơ quan Hội Văn nghệ Huế giải phóng. Kể từ cái ngày ấy, ngôi nhà cổ có lối kiến trúc theo kiểu Pháp tại số 26 phố Lê Lợi đã trở thành địa chỉ thân quen làm nơi hội tụ văn hóa giàu cảm hứng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ Huế và của cả nước.
Như có sức hút từ ngọn núi chủ Kim Phụng và linh mạch sông Hương, chỉ mấy tuần sau giải phóng, số văn nghệ sĩ đang học tập, an dưỡng tại Hà Nội nhanh chóng trở về với Huế thân yêu, là các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Hà Khánh Linh, Trần Vàng Sao; nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Đình Sáng; họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô,… Rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn ra tiếp nối “vòng tay lớn”, họa sĩ Bửu Chỉ thoát nhà ngục Côn Đảo trở về bên dòng sông Hương thơ mộng hợp cùng giới văn nghệ sĩ trụ tại Huế suốt những năm dài lập phong trào chống Mỹ. Trong số này có nhiều người là cơ sở nằm vùng hoạt động bí mật của cách mạng từ khi đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, cũng có người từng ngồi ghế viên chức trong bộ máy chính quyền Sài Gòn, có người là nhà giáo của các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, và cũng có người lao động tự do vương phải nghiệp đam mê sáng tạo nghệ thuật… Họ là những văn nghệ sĩ đã có tác phẩm, vai diễn, giọng ca trình làng, có những tác phẩm gây được tiếng vang về phương diện nghệ thuật như tranh của các họa sĩ Phạm Đăng Trí, Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Đinh Cường, Dương Đình Sang, Tuyết Mai, Bửu Chỉ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Lợi, Nguyễn Hữu Đính, Võ Viết Đức, Lê Đình Liên, nhà văn Bửu Ý, Ngụy Ngữ, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Đình Sơn Cước, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, nghệ nhân cổ nhạc Trần Kích, nghệ sĩ Minh Mẫn, Thanh Hương… Họ đã tụ hội về Huế dưới mái nhà chung văn nghệ mà người ta thường ví như nước nguồn sông Bồ, sông Hương hòa mình vào phá Tam Giang bát ngát ngàn trùng phù sa văn hóa.
Để kịp thời bắt nhịp cuộc sống mới và triển khai chủ trương của cách mạng về các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngay sau khi Huế mới giải phóng, tối ngày 14 tháng 4 năm 1975, tại số 3 đường Lê Lợi (Viện Đại học Huế cũ) một cuộc họp mặt lịch sử của giới văn nghệ sĩ thành phố Huế và văn nghệ sĩ Giải phóng Thừa Thiên Huế đã diễn ra sôi nổi đậm chất nhân văn. Cuộc họp đầu tiên này là một biểu hiện của sự đoàn kết thống nhất hành động. Toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ có mặt đã đồng lòng nhất trí thông qua danh sách một Ban Điều hành công tác văn nghệ thành phố Huế trong một thời gian trước mắt gồm 7 người, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Trưởng ban.
Phải khách quan mà nói rằng, dưới ngọn cờ văn hóa văn nghệ của cách mạng, từ trong kháng chiến cứu nước hay đến ngày hòa bình thống nhất giang sơn, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có giới văn học nghệ thuật luôn được Đảng quan tâm dìu dắt, bồi dưỡng và lãnh đạo. Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc của toàn dân tộc, nhiều văn nghệ sĩ tài năng sau này trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị cách mạng. Họ đã xác định rõ vai trò nhiệm vụ trong giai đoạn mới sau giải phóng: “Để tập hợp lực lượng văn học và nghệ thuật trong tỉnh, thành một khối đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Nhằm giáo dục, bồi dưỡng, chủ trương đường lối, quan điểm văn nghệ của Đảng, phát huy sức sáng tạo của các khả năng văn nghệ hiện có, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân chủ yếu là công nông binh. Góp phần xây dựng và phát triển văn nghệ nhân dân, nâng cao trình độ thẩm mỹ, thỏa mãn một phần nhu cầu về văn hóa, nghệ thuật ngày càng tăng của quần chúng”. Để từng bước và nhanh chóng kiện toàn nhân sự tổ chức, ngày 25 tháng 5 năm 1975, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thiếu tướng Lê Tự Đồng, nguyên Bí thư Khu ủy Trị Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ký Quyết định số 151/QĐ về việc thành lập Ban Cán sự Đảng Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế: đồng chí nhạc sĩ Trần Hoàn được phân công làm Trưởng ban, đồng chí nhà thơ Thanh Hải làm Ủy viên, đồng chí nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế làm Ủy viên1.
Được Tỉnh ủy ủy quyền, Ban Cán sự đảng có nhiệm vụ: “Giúp Tỉnh ủy theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ công tác Hội Văn nghệ, trước mắt là Ban Vận động, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, bảo đảm đường lối, quan điểm văn nghệ của Đảng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, động viên mọi khả năng văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong từng thời kỳ; nghiên cứu đề xuất với Tỉnh ủy những chủ trương chính sách có liên quan đến công tác ngành mình”.
Chiến tranh đã lùi xa. Khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc đã thành sự thật, non sông gấm vóc thu về một mối. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ban hành vào cuối tháng 12 năm 1975, về chủ trương hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thành một tỉnh lấy tên là Bình Trị Thiên. Đầu năm 1976, ngay trước lúc chính quyền Bình Trị Thiên chuẩn bị ra mắt đồng bào tại quảng trường Phu Văn Lâu, nhiều văn nghệ sĩ từ Quảng Trị, Quảng Bình đã khẩn trương lên đường chuyển vào Huế. Từ Quảng Trị có nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lương An, đạo diễn Nguyễn Xuân Đàm, nhiếp ảnh gia Sĩ Sô… Quảng Bình có nhà thơ Xuân Hoàng, Hải Bằng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Mai Văn Tấn, Trần Công Tấn, Nguyễn Khắc Phê, Văn Dinh, Văn Lợi, Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Nguyễn Quang Vinh… Một số văn nghệ sĩ từ miền Bắc và Hà Nội về có họa sĩ Vũ Trung Lương, Trương Bé, Lô Thanh, Lê Hải Anh, Lều Thị Phương, Nguyễn Cửu Phúc, Vũ Trấn Bá, Nguyễn Thị Mỹ, Phạm Đại, Nguyễn Khoa Quả… Ngành kiến trúc được bổ sung thêm đội ngũ có kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Thế Truyền, Thái Doãn Long… Vào Huế lúc bấy giờ đối với nhiều người được xem như một chuyến đi xa đến miền quê đất lạ, nhưng cũng có nhiều văn nghệ sĩ thì hăm hở trở lại nơi chốn mình đã sinh ra, biết bao năm tháng biền biệt xa nhà nhớ mẹ…
Thế rồi một Ban Chỉ đạo về việc hợp nhất lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên do nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng ban đã ra đời. Để tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ, một Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ do nhà thơ Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) làm Trưởng ban, nhà thơ Xuân Hoàng (Quảng Bình), nhà thơ Lương An (Quảng Trị) làm Phó trưởng ban.
Nhiệm vụ lúc này của Ban Vận động là chú trọng vào công việc tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ - từ số hội viên của Hội Văn nghệ ba tỉnh trước đây, và số hội viên văn nghệ từ các vùng miền khác chuyển đến, xây dựng chương trình hành động để chuẩn bị thật kỹ cho cuộc Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất sớm được diễn ra.
Sau gần hai năm hợp nhất, tích cực hoạt động và sáng tạo nghệ thuật, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, tháng 7 năm 1978, Đại hội lần thứ nhất Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên được tổ chức trọng thể tại thành phố Huế cổ kính và anh hùng. Về dự Đại hội có 210 đại biểu chính thức của bốn Phân hội: Mỹ thuật và Nhiếp ảnh; Sân khấu; Văn học; Âm nhạc. Phát huy dân chủ, chú trọng tài năng, Đại hội đã bầu 31 vị vào Ban Chấp hành. Nhạc sĩ Trần Hoàn, Tỉnh ủy viên dự khuyết, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ty Thông tin Văn hóa được bầu làm Chủ tịch. Cùng với bộ máy quản lý, điều hành, báo Văn nghệ Bình Trị Thiên, cơ quan ngôn luận của Hội, tiền thân của tờ Tạp chí Sông Hương ngày nay.
Ngày tháng ban đầu lắm nỗi gian truân trôi qua…
Những tưởng đời sống văn nghệ dễ êm ả, mọi sự sớm thuận chèo mát mái. Nhưng những nhận thức, quan niệm về lý luận, về xu hướng nghệ thuật, cảm thức văn hóa mới là cái khó, cái trắc trở trong sáng tạo, trong định hướng nội dung tư tưởng và hành động của người nghệ sĩ. Về tình cảm, tình người rất đỗi nhân văn khi đã “về chung một nhà”. Song trong sáng tạo nghệ thuật lại có sự va đập bởi cá tính và những nguyên nhân sâu xa của nó. Mảnh đất Huế từng là Kinh đô của cả nước, được xem trung tâm văn hóa, nghệ thuật, báo chí một thời của cả nước Việt Nam, là nơi đã từng diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi đầu tiên trên diễn đàn báo chí và cả nghị trường về quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh”. Cũng là nơi khơi dòng báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ 1936 - 1939 và giai đoạn trước tháng 8 năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Cố đô Huế được gọi là “Thủ đô Trung Bộ”, nơi đóng đại bản doanh của Xứ ủy Trung Kỳ, văn nghệ sĩ khắp miền hội tụ về đây, và cũng là nơi thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc cấp tỉnh, cấp kỳ sớm nhất trong cả nước. Rồi tiếng súng chống Pháp lần thứ hai vang lên, Huế vỡ mặt trận, cùng với toàn dân, giới văn nghệ sĩ tình nguyện xếp bút nghiên lên đường quyết kháng chiến đến cùng để cứu nước. Dù vũ khí thô sơ nhưng nhờ có nhân dân bao bọc nên lực lượng cách mạng vẫn đủ sức cầm chân quân Pháp đến tháng 3 năm 1947 mới rút khỏi thành phố lên núi rừng Hòa Mỹ lập chiến khu, xuất bản báo Giết Giặc, ra tờ văn nghệ “Quốc Kêu”, củng cố lực lượng văn nghệ cấp huyện, giới nghệ sĩ tiếp tục phát huy thế mạnh, viết văn, viết nhạc và làm thơ, vẽ tranh phục vụ kháng chiến chống Pháp.
Từ tháng 7 năm 1954, Huế là nơi đóng thủ phủ chính quyền miền Trung. Huế mở Trường Cao đẳng nghệ thuật - nay là Đại học Nghệ thuật. Rồi Quốc gia Âm nhạc - nay là Học viện Âm nhạc Huế. Với nhiều trường cao đẳng, trung cấp, câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, ca Huế, văn hóa nghệ thuật hoạt động sôi nổi. Từ xưa Huế đã là một trung tâm giáo dục, nơi đào tạo ra những nhà trí thức khoa bảng, nhân tài văn học nghệ thuật cho đất nước. Có nghĩa từ Huế cũng là một nơi đã sản sinh ra trường phái nghệ thuật riêng, thường được gọi với cái tên chung chung: “Nghệ thuật Huế” có các loại hình chủ đạo như âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, thơ ca, hò vè, hát bội v.v… mà đa số giới văn nghệ sĩ tại chỗ này đã tiếp thu, chịu nhiều ảnh hưởng từ góc độ đào tạo, môi trường tự do sáng tác, nội dung tư tưởng tích hợp cả hai trường phái hay quan niệm: nghệ thuật và nhân sinh. Làm nghệ thuật ra nghệ thuật, vì chân, thiện, mỹ để phục vụ con người, vì con người. Với nghệ thuật Huế có nét riêng, cá tính riêng, Huế kiêu sa sang trọng nhưng Huế cũng đầy tính kiêu ngạo khép kín. Và một khi hợp lưu với nhiều dòng từ lực lượng văn nghệ sĩ kháng chiến, từ các tỉnh miền Bắc vào, từ Sài Gòn miền Nam ra nên đã có những rạn nứt, đổ vỡ, có khi dẫn đến cực đoan; nhận xét phê bình không được khách quan, lúng túng trước cái mới lạ trở nên nghĩ và nhìn đôi khi thiếu thiện chí, dễ bị quy chụp, thậm chí đối kháng nhau trong ý thức hệ chính trị và quan niệm văn hóa được thể hiện trên từng góc độ của các loại hình nghệ thuật, nhất là về thẩm mỹ hội họa, cảm nhận về nhân vật điển hình, tích cực được minh họa trong văn chương, nghệ thuật... Có nhiều văn nghệ sĩ tự ti mặc cảm với nhân thân và gia đình có dính dáng đến chế độ cũ nên trong sáng tạo tác phẩm cũng gặp nhiều trắc trở, khó bay thoát ý tưởng hiện thực. Vì thế nên đã có nhiều người đành bỏ cuộc chơi trí tuệ nghệ thuật nửa chừng quay về với thực tại đời sống gạo cơm hàng ngày không đùa với khách thơ. Và cũng có người đã âm thầm khăn gói rời Huế chuyển vào các tỉnh phía Nam tìm sự mới lạ…
Có một thực tế nằm lòng, những năm ấy cả nước còn rất khó khăn, bom đạn chiến tranh chưa nổ còn nằm sâu dưới lòng đất nhiều vùng, chính sách cấm vận của Mỹ chưa được dỡ bỏ, lo cái ăn cái mặc cho người dân là chuyện hệ trọng hàng đầu; tất cả nhân tài vật lực dành để khắc phục hậu quả chiến tranh, dành để chi viện cho cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ở vào hoàn cảnh ấy ngành văn học nghệ thuật rất ít có điều kiện để tổ chức triển lãm hội họa, trưng bày nhiếp ảnh, mở trại sáng tác, tọa đàm hội thảo văn chương, ít có những đêm thơ ca giao lưu với công chúng; tranh vẽ ra dù rẻ cũng không mấy ai mua, sách vở khan hiếm lại do nhà xuất bản in ấn và độc quyền phát hành, vở kịch hay chỉ người có giấy mời đến xem vỗ tay, bàn đến Hội Nghệ sĩ Múa thì còn xa lắm chứ nói gì đến Nghệ thuật sắp đặt đường phố, mở trại điêu khắc ngoài trời. Với một không gian mênh mông “tỉnh dài, huyện rộng, xã to” như Bình Trị Thiên thì rất khó mà thực hiện được chủ trương đầu tư cho văn nghệ, cho nghệ sĩ trong khi tính cục bộ vẫn ăn sâu… Hôm nay thõng đai ngẫm lại, thì ra câu chuyện này xa lắc lắm rồi, nó chỉ là những mảnh vụn cuộc sống đã được chữa lành qua thời gian, hoa cỏ dại lại nở trên những cánh đồng bom đạn một thời chiến tranh, nhiều việc đến nay cứ mơ hồ nhớ nhớ quên quên…
Và rồi cái gì đến thì sẽ đến thôi. Nhớ mãi mùa thu năm 1986, sau cái đêm đổi mới do Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo, văn học nghệ thuật như được “cởi trói” về nhiều phương diện, người nghệ sĩ dang rộng cánh bay với niềm tự do sáng tạo. Dưới mái nhà chung Hội Văn nghệ lại được bổ sung thêm mấy nghệ sĩ tên tuổi từ Nghệ An có nhà văn Hồng Nhu, từ Quân khu Bốn có nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chuyển vào nhập tịch. Một số tác phẩm mới trình làng của nhà văn Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Ngô Minh gây xôn xao dư luận một thời. Rồi một giai đoạn khó quên kể từ sau tháng 7 năm 1989, Bình Trị Thiên lại được chia làm ba tỉnh như vốn ban đầu chưa sáp nhập. Và dĩ nhiên Hội Văn nghệ cũng được chia làm ba, với tinh thần chung là “ai về nhà nấy”. Nhưng riêng về mặt hội viên thì không phải thế, tùy địa phương, tùy hoàn cảnh cụ thể, rất nhiều người đã ở lại với Huế thân thương, ví như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Nguyễn Khắc Thạch, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Võ Mạnh Lập, Vương Hồng Hoan, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Họ đã ở lại Huế với một tâm trạng mới và góp phần làm cho Huế sang thêm. Đấy là chưa kể số văn nghệ sĩ quê gốc các tỉnh đang công tác tại các đoàn nghệ thuật, các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn. Nhiều người ở lại và cũng có nhiều người rời Huế ra Thủ đô hoặc vào các tỉnh miền Nam, nhưng họ ra đi lúc này với một tâm thế khác, trưởng thành nghề nghiệp, thăng tiến quan trường. Cùng với các ngành, nền Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế hòa nhịp điệu cuộc sống mới cùng với nhân dân lao động, tự nguyện tự do lột xác bay lên hòa nhịp cùng văn nghệ cả nước. Nhiều chuyên ngành nghệ thuật được thành lập. Số hội viên cấp tỉnh hàng năm tăng nhanh. Số hội viên chuyên ngành cấp hội trung ương ngày một thêm đông đến mức người ta phải thành lập tại Huế nhiều Chi hội trực thuộc Trung ương, như Chi hội Hội Nhà văn, Nhạc sĩ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Sân khấu, Kiến trúc sư, Múa, và còn có cả Chi hội Điện ảnh, Chi hội Kiều học cũng ra đời... Một dấu mốc quan trọng nữa là Thừa Thiên Huế đã cho thành lập Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô danh giá 5 năm tổ chức một lần. Vai trò chủ đạo của Đảng đoàn Hội Văn nghệ được phát huy dân chủ, chuyên môn từng ngành được chú trọng nâng cao. Tạp chí Sông Hương ghi thêm nhiều dấu ấn chất lượng xứng tầm vị trí quốc gia trong nền báo chí văn học, nghệ thuật nước nhà đổi mới. Môi trường và chất lượng đào tạo của Học viện Âm nhạc, Đại học Nghệ thuật Huế được xem trọng, chủ động mở rộng liên kết quốc tế có nhiều đổi thay; các địa phương trong vùng quan tâm tiếp nhận sinh viên đầu ra từ Trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, nhiều hội thơ quần chúng, nhiều câu lạc bộ nhạc họa, ca Huế đèn sáng tận khuya… Kể từ đây các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, triển lãm, tọa đàm hội thảo diễn ra sôi nổi và chất lượng… Văn học nghệ thuật đã bắt nhịp với làn gió mới, nhiều tác phẩm giàu tính biểu tượng nhân sinh xuất hiện, gây được cảm xúc lòng người, nhẹ nhàng như bước chân nàng tiên nữ thâm nhập vào chiều sâu đời sống của các tầng lớp nhân dân, được đông đảo quần chúng nhiệt huyết ủng hộ.
Nhớ lại ngày mới thành lập Hội Văn nghệ Huế, bao nỗi gian truân vất vả, ban đầu chỉ có gần 50 thành viên với bốn chuyên ngành nghệ thuật. Ngay thời Bình Trị Thiên rộng lớn cũng chưa tới 300 hội viên. Đến nay, chỉ riêng Huế thôi đã có một đội ngũ hùng hậu hơn 700 văn nghệ sĩ và hàng ngàn nghệ nhân dân gian - những người có tính nghệ sĩ “làm nghề tay trái” tham gia hoạt động trong môi trường văn hóa, văn chương, nghệ thuật.
Bởi vậy cho nên Huế rất tự nhiên được người ta gọi nhiều với các danh xưng: “thành phố của mỹ thuật”, “thành phố lễ nhạc văn chương”, “thành phố Festival”, mới đây còn thêm “thành phố ẩm thực”, “Kinh đô áo dài” của Việt Nam. Và hơn hết, trước hết Huế là thành phố văn hóa hiện hữu đến 8 di sản được UNESCO công nhận có giá trị toàn cầu; cũng bởi vì Huế có một đội ngũ nghệ sĩ đông đảo và tài năng với nhiều sáng tạo nghệ thuật, hàng năm đóng góp cho văn hóa Huế và đất nước rất nhiều công trình, tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Phải chăng, vì thế, Huế mới có nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ… nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, lắm Nghệ sĩ Ưu tú, lại có cả Nghệ nhân Nhân dân văn hóa dân gian và rất nhiều Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng trên các lĩnh vực thực hành, dạy ngành nghề truyền thống. Nhiều hội viên nhiếp ảnh được phong tước hiệu nghệ sĩ quốc gia, quốc tế: ES.VAPA; E.VAPA; A.FIAP…
Thời gian trôi nhanh như bóng chim câu, mới đó mà đã 50 năm hòa bình, giang sơn thống nhất về chung một nhà. Thế hệ nối tiếp thế hệ cùng hòa chung khúc hát ngợi ca núi sông đồng ruộng cỏ cây cẩm tú mà không bận lòng. Đất nước đổi mới đã đem lại nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần, cơ sở vật chất của nhân dân được nâng lên đáng kể là môi trường nhân văn của cuộc sống là nguồn cảm hứng bất tận được bật ra từ tài năng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, và họ đã dâng hiến cho xã hội này nhiều tác phẩm văn hóa có chất lượng nhân văn sống động, lại được công chúng yêu nghệ thuật đón nhận, ủng hộ thực lòng. Bởi văn hóa nghệ thuật sống được và phát triển là nhờ phần lớn ở công chúng. Vì sự “giàu có nghệ thuật” ấy, nên người ta có thể thêm một vài danh xưng nữa cho Huế: “Thành phố Văn hóa nghệ thuật”, “Thành phố xanh” của Việt Nam. Để Huế mãi xứng danh là nơi mạch nguồn hội tụ và lan tỏa.
Có một câu danh ngôn mà người đời thường nhắc: “Đất nước văn minh bởi lắm anh hùng và nhiều nghệ sĩ”. Huế đã và đang là mảnh đất như vậy.
D.P.H
(TCSH433/03-2025)
---------------------
1 Nguyên văn chỉ dùng chữ “đồng chí” không có danh xưng “nhà thơ, nhạc sĩ” là do chúng tôi thêm vào để câu văn mềm đi. Phông tài liệu lưu ở Trung tâm lưu trữ thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Huế.