Tạp chí Sông Hương - Số 433 (T.03-25)
Quản lý đô thị di sản Huế: Cơ hội và thách thức
10:14 | 08/04/2025


NGUYỄN VŨ MINH - NGUYỄN VĂN MẠNH

Quản lý đô thị di sản Huế: Cơ hội và thách thức
Tác phẩm "Thành phố Huế sớm mai" của NSNA Lê Tấn Thanh

Đặt vấn đề

Khái niệm “Đô thị di sản” (heritage city hoặc heritage - city), thường được sử dụng với các thành phố sở hữu di sản đô thị đã được công nhận và rất gần với khái niệm đô thị di sản là “đô thị lịch sử” (historic city). 

Ở Việt Nam, thuật ngữ “đô thị di sản” hay “đô thị lịch sử” chưa có trong các văn bản pháp lý, do vậy cách hiểu về đô thị di sản chưa rõ ràng và thống nhất. Theo GS. Hoàng Đạo Kính “đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”1.

Theo định nghĩa này, đô thị di sản khác hoàn toàn với đô thị sở hữu di sản bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể phong phú của di sản vật thể và phi vật thể trong mối quan hệ không thể tách rời; cấu trúc di sản đô thị được bảo tồn toàn vẹn và tiếp nối qua các giai đoạn phát triển; có hệ thống di sản độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng của đô thị; có cảnh quan được tổ chức trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên; có giá trị lịch sử và văn hóa đô thị đặc sắc được bảo lưu và phát triển tiếp nối2.

Theo cách hiểu về khái niệm “Đô thị di sản” như trên, Huế hoàn toàn đảm bảo các tiêu chí, điều kiện để sở hữu là thành phố đô thị di sản. Vậy chỉnh thể phong phú di sản vật thể và phi vật thể được thể hiện như thế nào? Nó được tiếp nối qua các giai đoạn lịch sử và có giá trị độc đáo/ đặc sắc ra sao? Những cơ hội và thách thức trong việc quản lý đô thị di sản Huế là gì? Những vấn đề đó sẽ được tiếp cận ở một góc độ nhất định trong bài viết này.

1. Chỉnh thể phong phú của di sản vật thể và phi vật thể của thành phố Huế3

Chỉnh thể phong phú của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị Huế được thể hiện ở di sản các vùng văn hóa sinh thái, sau đây:

1.1. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đô thị

Di sản văn hóa truyền thống Huế, bao gồm các loại hình di sản vật thể, như sau4:

- Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa: Hệ thống di sản này bao gồm di tích liên quan đến lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, di tích thời tiền sử, sơ sử, di tích liên quan đến cuộc kháng chiến của dân tộc,…

- Di sản kiến trúc: Kiến trúc cung đình (Nghinh Lương Ðình, Phu Văn Lâu, Kỳ Ðài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… của kinh thành Huế,…); kiến trúc tôn giáo (đình, chùa, nhà thờ, đền, tháp, lăng tẩm,… ); kiến trúc thuộc địa, kiến trúc nhà truyền thống (nhà rường), kiến trúc nhà ở (công trình và không gian cảnh quan vườn/ nhà vườn),…

- Di sản trang phục: Trang phục truyền thống xứ Huế, trang phục tế lễ,…

- Di sản ẩm thực: Các món ăn cung đình, các món ăn dân gian đặc sắc xứ Huế, như các loại bánh kẹo, chè, cơm hến, bún Huế,…

- Di sản phương tiện vận chuyển, dụng cụ sinh hoạt gia đình: Các loại thuyền rồng, ghe thuyền của cư dân vạn chài, tủ thờ, sập gỗ,…

- Di sản sản phẩm nghề thủ công truyền thống: Các sản phẩm nghề thủ công đúc đồng, nghề kim hoàn, nghề điêu khắc gỗ, nghề làm nón lá,… 

- Các loại hình di sản vật thể khác: Mộc bản triều Nguyễn.

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như:

- Tôn giáo, tín ngưỡng: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ mẫu,… Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài,…

- Phong tục tập quán: Các phong tục tập quán liên quan đến chu kỳ đời người, như sinh đẻ, đặt tên, thôi nôi, cưới hỏi, làm nhà, lên lão, tang ma,…

- Lễ hội và trò chơi dân gian: Lễ hội cung đình, lễ hội và trò chơi dân gian, như lễ hội thờ Thành hoàng, lễ hội đua thuyền, thả diều, chọi gà, đánh cờ người, kéo co,…

- Nghệ thuật tạo hình: Tạo hình trên chất liệu vải, trên chất liệu gỗ, trên men lam, trên gạch đá,…

- Văn học, nghệ thuật: Văn học cung đình, văn học dân gian, như các loại hình truyện cổ, ngụ ngôn, truyện cười, thơ, ca, hò, vè,… Nghệ thuật diễn xướng cung đình, như Nhã nhạc cung đình; nghệ thuật diễn xướng dân gian, như các loại hình ca Huế, hát sắc bùa, bài chòi, múa bông, chèo cạn,… 

- Các loại hình di sản phi vật thể khác: Châu bản triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế,…

1.2. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đồng bằng ven đô

Di sản văn hóa truyền thống vùng đồng bằng ven đô ở Huế bao gồm các loại hình vật thể và phi vật thể, như:

- Các loại hình kiến trúc truyền thống, như nhà rường, nhà rội, nhà khung cụi, các đình chùa, đền, miếu…

- Các loại trang phục truyền thống của người Việt và trang phục trong tế lễ, lễ hội, tang ma,…

- Các món ăn bình dân truyền thống với sự kết hợp nguyên liệu chế biến từ nhiều nguồn ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau,…

- Các di tích lịch sử văn hóa được tích tụ từ bao đời nay,…

- Các loại hình tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác.

- Các loại hình lễ hội, phong tục tập quán,…

- Kho tàng văn học và nghệ thuật dân gian,…

1.3. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đầm phá, ven biển

Di sản văn hóa truyền thống vùng đầm phá ven biển ở Huế bao gồm các loại hình vật thể và phi vật thể, như:

- Các loại hình kiến trúc truyền thống, như nhà rường, nhà rội, nhà khung cụi, các đình chùa, đền, miếu…

- Các loại trang phục truyền thống của người Việt và trang phục trong tế lễ, lễ hội, tang ma,…

- Các món ăn bình dân truyền thống với đặc trưng nguyên liệu và hình thức chế biến từ vùng sinh thái đầm phá, biển cả, như cá, tôm, cua,…

- Các di tích lịch sử văn hóa được tích tụ từ bao đời nay,…

- Các phương tiện vận chuyển và công cụ đánh bắt thủy hải sản, như thuyền, nốc, ghe, chài lưới,…

- Các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, như thờ Ngư Ông, Tứ vị Thánh Nương, Thành Hoàng,…

- Các loại hình lễ hội, phong tục tập quán,…

- Kho tàng văn học và nghệ thuật dân gian,…

1.4. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng miền núi

Di sản văn hóa truyền thống vùng miền núi ở Huế bao gồm các loại hình vật thể và phi vật thể, như:

- Các loại hình kiến trúc truyền thống, như sàn nhỏ, nhà sàn dài/ nhà rông, nhà Gươl,…

- Các loại trang phục thổ cẩm truyền thống của người Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu,…

- Các món ăn truyền thống với sự kết hợp nguyên liệu chế biến từ vùng sinh thái núi, như cơm lam, thịt nướng, rượu cần, rượu đoác,…

- Các di tích lịch sử văn hóa được tích tụ từ bao đời nay,…

- Các loại hình tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác.

- Các loại hình lễ hội, phong tục tập quán,…

- Kho tàng văn học nghệ thuật dân gian,…

2. Sự tiếp nối qua các giai đoạn lịch sử và giá trị độc đáo/ đặc sắc của di sản văn hóa đô thị Huế

Di sản văn hóa của đô thị Huế mang giá trị lịch sử, một bề dày lịch sử lâu đời của vùng đất này; nơi cộng đồng cư dân Chămpa sinh tụ từ thời sơ sử, tiền sử với văn hóa Sa Huỳnh với các đền tháp, thành lũy, bia kí, tượng đá,…; nơi cộng đồng cư dân Việt mở cõi về phương nam với những cung điện đền đài thành quách của Quần thể Di tích Cố đô Huế; Di sản văn hóa của đô thị Huế còn là các dấu tích lịch sử của quá trình thành lập làng xã định cư của cộng đồng cư dân người Việt ở vùng đồng bằng, đầm phá, ven biển, đồi núi. Đặc biệt di sản văn hóa nơi đây còn là dấu tích lịch sử của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc với các khu căn cứ địa, các di tích lịch sử cách mạng,…

Các giá trị di sản đó tiếp nối qua các thời kỳ lịch sử, từ thời tiền sơ sử với dấu vết đồ gốm thời nguyên thủy ở Hương Chữ, Hương Trà5; hệ di tích Cồn Ràng cũng thuộc Hương Chữ, Hương Trà; di tích mộ chum văn hóa Sa Huỳnh ở Cửa Thiềng (thôn Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, Hương Trà, và đặc biệt Huế rất đáng tự hào với việc phát hiện chiếc trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn ở bản Khe Trăn (Phong Mỹ, Phong Điền) và được định danh là “Trống đồng Phong Mỹ”6,…;  qua di sản văn hóa thời cổ trung đại với văn hóa Chămpa, văn hóa các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, văn hóa làng xã các vùng miền khác nhau; đến di sản lịch sử - văn hóa thời cận hiện đại với hệ thống các di tích cách mạng, như Dương Hòa, Hòa Mỹ, Hói Mít, Thanh Hương - Mỹ Xuyên, Thanh Lam Bồ..., các di tích lịch sử gắn với cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp,… và với các công trình kiến trúc thuộc địa, kiến trúc hiện đại phong phú, đa dạng ở vùng đất này.

Hơn thế nữa, di sản văn hóa của đô thị Huế còn mang trong mình những giá trị độc đáo, đặc sắc. Độc đáo và đặc sắc ở chỗ, di sản văn hóa của đô thị Huế là sự hội tụ của văn hóa Việt - Hán - Chàm với dấu tích lịch sử của văn hóa Chămpa, của cộng đồng người Việt trong quá trình Nam tiến và định cư ở vùng đất này và di sản văn hóa Hán, với nhà cổ, phố cổ, hội quán đền miếu của người Hoa ở Thanh Hà, Bao Vinh, Chi Lăng, Gia Hội,...

Giá trị độc đáo, đặc sắc này của di sản văn hóa đô thị Huế còn thể hiện ở những công trình phủ đệ, đền miếu và đặc biệt là 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới,...

Di sản văn hóa đô thị Huế mang tính độc đáo, đặc sắc còn thể hiện ở chỗ, những hệ thống chùa chiền dày đặc với chỉ riêng khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận có ít nhất 300 ngôi chùa khác nhau, các quần thể chùa chiền ở đây được coi là dấu ấn đặc sắc của văn hóa vùng đất này.

Đặc biệt di sản văn hóa của đô thị Huế còn mang tính độc đáo, đặc sắc ở chỗ một sắc thái/ bản sắc của vùng văn hóa chùa Huế nổi bật trong không gian văn hóa Việt Nam; đó là yếu tố nổi trội của nhà rường - nhà vườn, nơi lưu giữ được những nét tinh túy, đặc sắc nhất của con người và văn hóa xứ Huế; đó còn là văn hóa ẩm thực của món ăn xứ Huế, những trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, những thú vui tao nhã, với những nghề thủ công truyền thống lâu đời,...

Phải nói rằng, đô thị Huế đã và đang giữ gìn một kho tàng di sản văn hóa mang tính hệ thống, tính lịch sử, tính độc đáo, đặc sắc; đó là nhân tố cơ bản để Huế trở thành một thành phố di sản.

3. Cơ hội trong quản lý di sản đô thị Huế

Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, lưu giữ và quản lý di sản đô thị Huế có những cơ hội, như sau:

Nước ta trong những năm qua đã đặc biệt chú trọng đến sự phát triển văn hóa, coi văn hóa là yếu tố nội sinh là nguồn lực sức mạnh để phát triển xã hội; văn hóa không chỉ là nguồn lực kinh tế với công nghiệp du lịch, công nghiệp văn hóa, mà còn là nhân tố nền tảng, là cơ tầng cho sự phát triển bền vững xã hội. Vì vậy, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 24/11/2021, trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đã nói: “Phải xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế;… bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc”7.

Nên nhớ rằng, trong các trụ cột phát triển bền vững của xã hội, kinh tế môi trường và văn hóa xã hội, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu vừa là nền tảng của xã hội đó. Theo đó, khi phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 30/11/2024, về việc thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu: Thành phố Huế là thành phố duy nhất ở Đông Nam Á có đến 8 di sản thế giới8. Thành phố Huế phải tập trung vào giá trị, chức năng là đô thị di sản9.

Rõ ràng, nhận thức của lãnh đạo đất nước như đã nêu ở trên là một cơ hội đặc biệt cho Huế thực hiện có hiệu quả việc quản lý, bảo tồn và phát huy di sản đô thị.

Đặc biệt chủ nhân di sản văn hóa Huế, con người Huế, với tính cách lối sống hướng nội suy tư ... “người Huế tinh tế và trầm lắng, hướng nội, hoài cổ, gần gũi với thiên nhiên”10. “Huế là một biểu tượng điển hình của Việt Nam về sự hòa điệu diệu huyền của cái văn hóa và cái tự nhiên”11. Điều đó sẽ là nhân tố thuận lợi cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy đô thị di sản Huế.

Thêm vào đó, đô thị Huế có tiềm năng sinh thái đa dạng, phong phú đặc sắc sẽ là những sản phẩm cho du lịch bền vững, cho công nghiệp văn hóa. Theo đó, di sản văn hóa sẽ được vận dụng vào phát triển kinh tế - xã hội và rồi từ đó, nguồn thu kinh tế từ di sản sẽ quay trở lại góp phần quản lý, phục hồi, bảo tồn giá trị di sản tốt hơn. Đó cũng là một cơ hội cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy di sản của đô thị Huế.

4. Thách thức trong quản lý di sản đô thị Huế

Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy đô thị di sản Huế, vẫn còn đó những thách thức, như:

Trong xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa đã tác động tiêu cực lên việc quản lý bảo tồn di sản. Việc mở rộng công nghiệp hóa lối sống đô thị chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý diện tích vành đai bảo vệ di sản; sẽ diễn ra những hiện tượng thu hẹp di sản, biến dạng di sản để vì những mục đích mưu sinh của người dân còn những khó khăn lam lũ trong cuộc sống; ví như các ngôi nhà vườn truyền thống, nơi ôm ấp, giữ gìn các giá trị thuần phong mỹ tục của gia đình Huế, hoặc bị phân rã, chia lô, hoặc xuống cấp đến mức đau lòng: cây cối trong vườn tan hoang không người chăm sóc, nhà cửa ủ dột, tối tăm, xuống cấp nghiêm trọng mà chủ nhân của nó hoặc bỏ đi làm ăn xa, hoặc bất lực trước nhu cầu cải tạo, nâng cấp, phục dựng,...

Thêm vào đó, đô thị di sản, điều khẳng định là phải coi trọng lấy mục tiêu bảo tồn di sản là nhiệm vụ trọng tâm; với nhiệm vụ này ít nhiều ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn là một bài toán không dễ có lời giải cho các vùng miền ở nước ta và các quốc gia trên thế giới. Nếu chỉ vì chăm lo đến mục tiêu bảo tồn sẽ ảnh hưởng và làm hạn chế sự phát triển kinh tế và ngược lại quá nặng về phát triển kinh tế tất sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn di sản. Bài toán cho lời giải này là một thách thức cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy đô thị di sản Huế.

Một thách thức nữa cũng phải được đề cập đến, do tác động của cơ chế thị trường, do các yếu tố đô thị, lối sống hiện đại, ngoại lai đang hàng ngày, hàng giờ lan tràn vào đời sống của cư dân Huế và hậu quả tất yếu là lớp trẻ của Huế đang có xu hướng xa rời nhà rường, xa rời thuần phong mỹ tục của gia đình Huế; họ có phần sao nhãng với những nghệ thuật truyền thống của cung đình của nghệ thuật dân gian xứ Huế cũng nhạt dần những lối sống hướng nội suy tư của người Huế, và theo đó, thái độ cách ứng xử của giới trẻ đối với di sản văn hóa Huế ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, lệch lạc.

5. Giải pháp tăng cường tính hiệu quả trong quản lý đô thị di sản Huế

Để thực hiện tính hiệu quả trong mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát huy đô thị di sản Huế, thiết nghĩ cần tiến hành các giải pháp sau đây:

- Tổng kiểm kê toàn bộ di sản đô thị Huế

Trong quá trình nghiên cứu tổng kiểm kê, cần xác định di sản nào là tiêu biểu, di sản đó hiện trạng tồn tại như thế nào, yếu tố nào trong di sản đó là cốt lõi… Phải xác định di sản nào thuộc vào văn hóa vật thể, di sản nào là phi vật thể, để chọn lựa phương thức bảo tồn thích hợp. Di sản văn hóa vật thể, như nhà cửa, trang phục, phương tiện vận chuyển, dụng cụ sinh hoạt, gia đình… dễ bị rơi rụng, mất mát, biến dạng do xu thế phát triển của xã hội; còn di sản văn hóa phi vật thể, như tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, lễ hội… là những yếu tố văn hóa ít biến đổi hơn. Nên trong chính sách bảo tồn, không nhất thể hóa, mà tùy thuộc từng loại hình để thực thi chính sách thích hợp.

- Lựa chọn hình thức quản lý, bảo tồn thích hợp cho từng giá trị di sản

Nên chọn lựa linh hoạt các mô hình quản lý, bảo tồn cho từng giá trị di sản; trong đó, hình thức bảo tồn bao gồm bảo tồn động, bảo tồn tĩnh, bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn thích nghi, bảo tồn biến đổi... Song, khi bảo tồn, có thể tách rời từng hình thức, có khi kết hợp hình thức bảo tồn này với hình thức khác và mọi hình thức bảo tồn nhất thiết phải thông qua cộng đồng, phải làm tuần tự, có quy trình, có chọn lựa, kiên quyết tránh lối bảo tồn thay, nhà nước hóa, hành chính hóa công việc bảo tồn, tránh bảo tồn đại trà, chắp vá, bảo tồn theo lối giải ngân, bảo tồn để có thành tích, bảo tồn xin tài trợ, có tiền mới bảo tồn,...

- Xây dựng các giá trị đặc trưng về di sản của đô thị Huế thành sản phẩm du lịch

Muốn biến các giá trị đặc trưng về di sản thành sản phẩm du lịch, trước hết phải xác định loại di sản nào? Theo đó, sản phẩm du lịch của di sản đô thị Huế là Quần thể Di tích Cố đô Huế, cảnh quan phong thủy của nhà vườn, phủ đệ, các loại hình ca múa nhạc cung đình và dân gian truyền thống, cảnh quan làng bản cư trú với các loại hình nhà cửa, ẩm thực, trang phục của người dân, các loại hình lễ hội, các trò chơi dân gian, các phong tục trong cưới xin, tang ma,...

- Quản lý, bảo tồn di sản cần thiết phải dựa vào cộng đồng

Hiện nay, việc tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống đã được khẳng định là điều kiện tiên quyết. Vì cộng đồng là nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng góp phần quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong đời sống đương đại. Sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Theo đó, cần phải khuyến khích, ủng hộ sự tham gia tự nguyện của người dân và các tổ chức xã hội trên cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nếu người dân cùng chung tay vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản, sẽ giảm áp lực về tài chính lên nguồn ngân sách Nhà nước và hơn nữa, sự tham gia của người dân sẽ giám sát kịp thời đối với quá trình quản lý, bảo tồn, phục dựng, giữ gìn, phát huy di sản.

Để phát huy vai trò của cộng đồng, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động quản lý, bảo tồn; phải đặt lợi ích mà cộng đồng nhận được từ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Tăng cường xây dựng cơ chế chính sách về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Trước hết, chính quyền các cấp cần ban hành cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để đảm bảo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình và cơ chế quản lý, bảo tồn, phát huy di sản với sự tham gia của cộng đồng, như hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch gắn với tiềm năng thế mạnh của di sản nhà sàn văn hóa.

- Phát động phong trào xây dựng gia đình, khu phố, phường, xã văn hóa

Để làm tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị thành phố di sản cần phát động phong trào xây dựng gia đình, khu phố, phường, xã văn hóa để có điều kiện giữ gìn phong tục tập quán trong lối sống, nếp sống của đồng bào từ đó bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, cũng như các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa. Gây ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, tăng cường làm tốt công tác vận động người dân tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước gia đình, khu phố, phường, xã văn hóa, với sự kế thừa tính tích cực của phong tục, tập quán phù hợp và cụ thể hóa các quy định của pháp luật.

Kết luận

Như vậy, Huế hội đủ các tiêu chí của một “Đô thị di sản”: Có chỉnh thể phong phú di sản vật thể và phi vật thể; các di sản đó được tiếp nối qua các thời kỳ lịch sử và có giá trị độc đáo, đặc sắc. Có được danh hiệu đó là niềm tự hào cho Huế nói riêng và cả nước nói chung. Trách nhiệm của người dân và chính quyền các cấp của Huế vì thế lại càng rất nặng nề: Thay mặt cả nước quản lý, bảo tồn và phát huy di sản của ông cha. Trách nhiệm đó đang đứng trước những cơ hội và thách thức nhất định mà mỗi một chúng ta phải nhận thức sâu sắc để góp được những việc làm hữu ích cho việc quản lý, giữ gìn và phát huy thế mạnh của “Đô thị di sản Huế”.

N.V.M - N.V.M
(TCSH433/03-2025)

--------------------
1 Hoàng Đạo Kính, 2011. "Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối". Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 5/2011.
2 Hồ Hải Nam, Trần Trúc Ly, 2020. "Đô thị di sản: Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và gợi mở cho công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam". Tạp chí Kiến trúc số 11/2020.
3 Thành phố Huế ở đây được hiểu là tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
4 Việc phân loại di sản văn hóa vật thể, phi vật thể chỉ mang yếu tố tương đối, vì nhiều di sản vừa là vật thể vừa là phi vật thể; ví như Mộc bản triều Nguyễn nếu xét chất liệu biểu hiện là vật thể, nhưng xét nội dung ẩn chứa trong đó là phi vật thể.
5 Lê Đình Phúc, 1978, tr. 73.
6 Lê Duy Sơn, 1989, tr. 50 - 51.
7 https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa -toan-quoc.html
8 Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận vào năm 1993, Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024). Hai di sản chung với các địa phương khác, là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016) và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).
9 https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-to-lam-toi-thay-hue-xung-dang-la-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-20241031105830168.htm
10 Phan Hữu Dật, 1992, 180.
11 Trần Quốc Vượng (2015), Văn hóa Huế trên dặm đường dài lịch sử, trong “Văn hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành”, tr. 365.

 

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Hữu Dật (1992). Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Hoàng Đạo Kính (2011). Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối. Tạp chí Quy hoạch Đô thị, số 5/2011.
3. Hồ Hải Nam, Trần Trúc Ly (2020). Đô thị di sản: Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và gợi mở cho công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, số 11/2020.
4. Lê Đình Phúc (1978). Những hoạt động khảo cổ học bước đầu của Trường Đại học Tổng hợp Huế. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977, Viện Khảo cổ học. Hà Nội.
5. Lê Duy Sơn (1984). Một số phát hiện khảo cổ học ở huyện A Lưới, Báo Dân, số 1017/1984.
6. Trần Quốc Vượng và cộng sự (2015). Văn hóa Việt Nam, những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb. Văn học, Hà Nội.
7. Bộ Công thương Việt Nam, (11/2021). https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toanvan-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html
8. Tiến Long (2024). https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-to-lam-toi-thay-hue-xung-dang-lathanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-20241031105830168.htm

 

Các bài mới
Các bài đã đăng