ĐỖ MINH ĐIỀN
1. Dẫn nhập
Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, từ bao đời nay, người Việt Nam chúng ta luôn một lòng đoàn kết, sẵn sàng dang rộng vòng tay để sẻ chia cùng nhau những nỗi đau mất mát. Có lẽ vì thế mà các tổ chức cứu tế, tương tế ở nước ta cũng đã được hình thành từ rất sớm và tồn tại dưới nhiều dạng thức, cấp độ khác nhau.
Dưới thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), các tỉnh thành đều lập “Nghĩa thương”, “Bình chuẩn thương”…, đây là những “kho lúa dự trữ”, dùng để chẩn cấp cho các nạn dân những lúc thiên tai, mất mùa, đói kém; hay “Dưỡng tế sở”, là cơ sở chăm sóc, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân tàn tật, người nghèo khó. Ở xã thôn, các làng đều giành một phần hoa lợi từ ruộng đất lập thành “quả phụ điền”, “cô nhi điền”, “trợ sưu điền”…, để giúp đỡ cho các xã dân (đàn bà góa, trẻ mồ côi, người nghèo) không may gặp khó khăn1. Tác giả Đào Duy Anh trong sách Việt Nam văn hóa sử cương, cho biết dưới thời thuộc Pháp, các bệnh viện, dưỡng lão viện, tàn phế viện, nhà thương điên, trường học người mù, sở bảo hộ nhi đồng2, lần lượt được thành lập, do nhà nước bảo trợ, trở thành những trung tâm điều trị, chăm sóc, giáo dục “phi lợi nhuận” dành cho các đối tượng tật nguyền và nghèo khổ.
Những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đã lập các hội tương tế, cứu tế, nhằm chăm lo, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người khó khăn. Ở Thừa Thiên Huế vào thời điểm đó, công tác từ thiện mặc dầu hoạt động khá sôi nổi, tuy nhiên, vẫn còn tự phát, thiếu sự liên kết và rõ ràng thiếu hẳn một tổ chức có đầy đủ tư cách pháp nhân, đứng ra quyên góp, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp đến tay người dân. Vì thế, việc ra đời hội Lạc Thiện có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, đây là hội từ thiện tư nhân của giới nữ được xem là đầu tiên tại Huế.
2. Hội Lạc Thiện, quá trình hình thành và tôn chỉ hoạt động
Hội Viện trợ và hỗ trợ Pháp - Nam trong công tác từ thiện ở An Nam (Société francoannamite d’Aide et d’Assistance aux Œuvres de bienfaisance en Annam), thường gọi là hội Lạc Thiện (樂善會) được thành lập vào cuối năm 1930, hội quán được đặt tại Huế. Người có công đề xướng việc lập hội Lạc Thiện chính là đức Thánh cung (tức Phụ Thiên Thuần hoàng hậu) và phu nhân của ông Le Fol (Khâm sứ Trung Kỳ). Nói về ý tưởng lập hội Lạc Thiện, tờ Công Luận có bài tường thuật rõ như sau: “Từ xưa đến nay, đức Thánh cung Khôn Nguyên hoàng thái hậu, tức là đích mẫu của vua Khải Định, bao giờ cũng để ý đến việc làm phúc cho nhân dân khốn khổ bần cùng. Chính năm vừa rồi trong lúc thiên hạ phải nạn mất mùa đói khát, ngài đã xuất tiền giao qua phủ Thừa Thiên phát chẩn cho dân nghèo. Mới rồi đây, Thánh cung đã tỏ ý muốn lập một hội Lạc Thiện lấy tiền giúp cho người đói rách. Ngài đã bày tỏ ý kiến cùng đức Tiên cung Khôn Nghi hoàng thái hậu cùng bà Khâm sứ Le Fol”3.
![]() |
Ảnh 2: Di dung bà Thánh cung và bà Tiên cung. Nguồn: manhhai flickr.com; Souverains et Notabilités d’Indochine, Imprimerie I.D.E.O (Hanoï), p. V. |
Thông tin về việc lập hội Lạc Thiện ngay lập tức nhận được sự tán thành, ủng hộ của tất cả nữ giới ở Huế. Sau đó, kỳ họp hội đồng đầu tiên đã được tổ chức tại Tôn Nhơn phủ, để thảo luận về chương trình và điều lệ. Tuy nhiên, vì một số lý do, cuộc họp này không đạt được kết quả như mong đợi. Vì vậy, vào ngày 15/11/1930, đại hội đồng tiếp tục họp tại phủ Khâm sứ Trung Kỳ, do bà Le Fol làm chủ tọa. Đến dự buổi họp, có bà công chúa Mỹ Lương, công chúa Ngọc Lâm và đông đảo các bà phủ thiếp, mệnh phụ phu nhân. Kết thúc cuộc họp, các thành viên tham dự cơ bản thống nhất thông qua bản dự thảo về nội quy, thể lệ hoạt động của hội Lạc Thiện.
Chủ trương hoạt động của hội Lạc Thiện cơ bản giống như hội Tương tế và Chẩn tế xã hội ở Nam Kỳ và hội Phổ tế ở Bắc Kỳ. Trước sau hội Lạc Thiện xác định và theo đuổi mục tiêu: Tư vấn, cấp phát miễn phí sữa, thuốc men cho trẻ em, thanh thiếu niên; hỗ trợ việc giáo dục và đào tạo cho tất cả trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi; phát chẩn lúa gạo, áo quần cho người nghèo; viện trợ cho các nạn nhân bị thiên tai; trợ cấp điều trị cho các trường hợp ở bệnh viện phong (Phú Bài), nhà Thương Huế4.
Hội Lạc Thiện ra đời trước tiên là nhờ công lao to lớn đến từ “lưỡng Tôn cung” (tức đức Thánh cung và đức Tiên cung), bà Le Fol, rồi sự góp sức không mệt mỏi của nhị vị ái nữ vua Dục Đức: Công chúa Mỹ Lương (bà Chúa Nhất), công chúa Tân Phong (bà Chúa Tám)5. Đặc biệt, không thể không nhắc đến hai thành viên tham gia sáng lập hội, giữ một vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hội Lạc Thiện, đó chính là bà Cao Xuân Xang (tức bà Hồ Thị Hạnh, về sau là sư bà Diệu Không) và bà Trần Quang Khải.
![]() |
Ảnh 3: Di dung công chúa Mỹ Lương và công chúa Tân Phong. Nguồn: Souverains et Notabilités d’Indochine, Imprimerie I.D.E.O (Hanoï), p. 56, 79. |
Hội viên hội Lạc Thiện gồm các các dạng: Danh dự hội viên, Sáng lập hội viên, Tư trợ hội viên, Thường trợ hội viên, Vĩnh viễn hội viên... Đứng đầu hội là chức Chánh Hội trưởng, phụ tá có Phó Hội trưởng, Thư ký và phụ trách tiền bạc sẽ do vị Thủ quỹ đảm nhiệm. Hội viên của hội quy tụ phần đông là giới nữ ở Huế, gồm có các bà hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa, phu nhân quan chức người Pháp, phu nhân quan lại Nam triều... Từ sau năm 1935, hội Lạc Thiện nhận được sự bảo trợ rất lớn đến từ vua Bảo Đại, bà Nam Phương hoàng hậu và các quan Thượng thư Nam triều.
Kế tiếp bà Le Fol, về sau, có các bà Colombon, bà Douguet, bà Thibaudeau, bà Levadoux, bà Graffeuil thay phiên nhau chủ trương điều hành công tác của hội. Theo một thông tin trên báo Tràng An, ban Trị sự của hội vào thời điểm năm 1935, với cơ cấu nhân sự như sau: Bà Dupuy (Chánh Hội trưởng), công chúa Tân Phong (Phó Hội trưởng), bà Aurillac (Thủ quỹ), bà Nguyễn Thị Yến (Phó Thủ quỹ), Du Basty (Tổng Thư ký). Hội viên có bà Tôn Thất Quảng, ông Beaufrère, ông Nguyễn Xáng, ông Morin, ông Lemoine, ông Dương Sung, ông Imbert, bà Crayol, bà Gérard, bà Chenevier, bà Phan Thị Thuyên, bà Công Tôn Nữ Thị Chồn. Số tư trợ hội viên là 35, thường trợ hội viên là 100 người, đều là “các bậc danh vọng”6 của chính quyền bảo hộ và quan chức Nam triều. Đến tháng 5 năm 1935, sau khi bà Aurillac về lại Pháp, thì bà Vignoles được hội đồng bầu làm thủ quỹ7. Vào năm 1936, bà Le Nestour được bầu làm Chánh Hội trưởng, công chúa Tân Phong tiếp tục đảm nhận chức Phó Hội trưởng. Ngày 14/3/1939, hội Lạc Thiện họp đại hội đồng thường niên tại phủ Khâm sứ Trung Kỳ, do bà Torel (quyền Chủ tịch) chủ tọa đã suy cử bà Charlat làm thủ quỹ thay cho bà Desmarets8.
Trong hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, hội Lạc Thiện đã từng bước khẳng định vai trò trong công tác xã hội cứu tế. Hội đã tích cực mở rộng mạng lưới các phân hội “chi nhánh” tại khu vực miền Trung9. Thuyết trình về sự cần thiết thành lập các hội nhánh ở miền Trung, trong một bài viết có tính chất cổ động, tác giả Q.K.H đã viết rằng: “Hội Lạc Thiện mục đích cốt yếu là giúp đỡ những người bần cùng, mở ra những chỗ nuôi và trông nom những trẻ con của nhà lao động, khám bịnh [bệnh] không lấy tiền, cho thuốc, sữa, quần áo và các vật cần ích cho những trẻ con nhà nghèo”10.
Từ năm 1932 đến năm 1941, đã có khoảng 13 hội (thuộc 17 tỉnh) chi nhánh trực thuộc hội Lạc Thiện ở Huế lần lượt ra đời, như Lạc Thiện Tourane (Đà Nẵng)11, Lạc Thiện Thanh Hóa, Lạc Thiện Nha Trang12, Lạc Thiện Quảng Trị, Lạc Thiện Faifoo (Hội An), Lạc Thiện Quảng Ngãi13, Lạc Thiện Quy Nhơn, Lạc Thiện Sông Cầu, Lạc Thiện Phan Rang14, Lạc Thiện Kontum15; Lạc Thiện Bình Thuận16; Lạc Thiện Quảng Bình17, Lạc Thiện Pleiku18. Theo quy định được ban hành vào ngày 22/3/1932 và sửa đổi 21/3/1938, Lạc Thiện Huế được xem là tổng hội, các phân hội các tỉnh là hội trực thuộc, hoạt động theo một quy chế chung đã được ấn định. Hội trực thuộc có trách nhiệm phải báo cáo cho tổng hội tất cả các công việc cũng như chi tiêu ngân sách hàng năm.
3. Hoạt động công tác xã hội của hội Lạc Thiện
Hội Lạc Thiện hoạt động trên cơ sở “xã hội hóa”, kinh phí của hội chủ yếu từ các nguồn chính: Tiếp nhận tiền trợ cấp từ ngân sách của chính quyền (bảo hộ, Nam triều), tiền hội phí của các hội viên; gây quỹ thông qua các hoạt động như tổ chức các kỳ chợ phiên, xổ số, đấu giá…, và tiền hỗ trợ từ các hội chi nhánh, các nhà hảo tâm. Tất cả tiền bạc của hội sẽ lập thành bản thu chi do viên thủ quỹ nắm giữ, thường xuyên báo cáo công khai cho toàn bộ hội viên tại các kỳ họp thường niên.
![]() |
Ảnh 4: Quyết định cho phép hội Lạc Thiện tổ chức xổ số gây quỹ vào ngày 07/01/1934, tại khách sạn Morin Huế (l’Hôtel Morin à Hué). Nguồn: Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1933 - N024 (24 janvier 1934), p. 2296. |
Trong tất cả các hoạt động tìm kiếm nguồn viện trợ và quyên góp quỹ từ thiện của hội Lạc Thiện, có thể thấy, hội khá thành công trong việc tổ chức các kỳ chợ phiên và xổ số tombola, đây là hai hoạt động góp phần bổ sung đáng kể tiền bạc cho quỹ hội, tạo dựng một hình ảnh đầy uy tín trong mắt tất cả tầng lớp người dân. Theo một báo cáo của ban Trị sự, đến ngày 01/3/1935, tồn dư quỹ hội là 7.000$, đó là số tiền tích góp được từ tiền đóng góp thường lệ, tiền trợ quyên, tiền lạc quyên, tiền thu từ chợ phiên (kermesse) và xổ số tombola19. Đặc biệt, tại buổi chợ phiên vào ngày 17/12/1938, hội đã thu được gần 4.000$, chủ yếu từ tiền xổ số và doanh thu bán hàng20.
Xổ số tombola là hình thức gây quỹ từ thiện do hội Lạc Thiện chủ trương tổ chức, xuất hiện lần đầu vào năm 1931. Sơ khai, hoạt động này diễn ra khá đơn lẻ, về sau chương trình này được tổ chức lồng ghép vào buổi chiều hoặc tối tại các kỳ chợ phiên. Gọi là xổ số, tuy nhiên, phần thưởng dành cho các vé trúng thưởng không phải bằng tiền, mà chủ yếu là bằng các hiện vật.
Chợ phiên Lạc Thiện, như đúng tên gọi của nó là một hoạt động thương mại, giải trí, được tổ chức định kỳ hàng năm tại Huế, do hội Lạc Thiện đứng ra tổ chức, với mục tiêu quyên góp tiền bạc để thực hiện công tác từ thiện. Các kỳ chợ phiên thường diễn ra vào khoảng tháng 12, bắt đầu từ lúc 15h - 16h chiều và kéo dài đến 22h - 23h cùng ngày. Hội chợ lần đầu rất có thể được tổ chức vào năm 1931 (?), tuy nhiên quy mô nhất phải bắt đầu từ năm 1933 trở đi.
Hội chợ phiên Lạc Thiện năm 1933 tổ chức từ ngày 14/3/1933 và kéo dài đến hết ngày 18/3/1933, tại trụ sở Nhân dân Đại biểu viện (tức Viện Dân biểu Trung Kỳ). Vào chiều ngày 14/3/1933, các nhà thương mại, kinh doanh trong toàn bộ “tam kỳ” cho bày bán các thứ hàng hóa, tranh liễn, trà rượu, thuốc Nam. Đến 18/3/1933, ban tổ chức hội chợ mở cuộc đấu giá, toàn bộ số tiền được trao tặng cho hội Lạc Thiện21. Hội chợ phiên năm 1935 tổ chức vào ngày 08/12/1935. Hội chợ phiên năm 1936, do hội Lạc Thiện tổ chức vào lúc 16h, chiều ngày 06/12/1936 tại khách sạn Morin22. Đây là kỳ hội chợ có quy mô lớn nhất trước năm 1945 được tổ chức ở Huế. Theo thông tin từ các tờ báo lúc đó, trước khi diễn ra hội chợ phiên Lạc Thiện thì trước đó tại kinh đô đã lần lượt diễn ra 2 hội chợ với mục đích quyên góp từ thiện, đó là hội chợ giúp nạn dân Bắc Kỳ do hội Quảng Tri tổ chức (31/10/1936), rồi chợ phiên của hội Hồng Thập Tự (15/11/1936). Vào lúc 16h, bà hội trưởng Le Nestour đã đứng trước cửa hội chợ để nghênh giá vua Bảo Đại, các quan Cơ Mật Viện đại thần, ông Guillemain, đại tướng Denain; cùng với các quan chức Pháp, Nam. Tham dự hội chợ lần này, nhiều nhất vẫn là các hàng mứt, bánh, hoa quả, hàng mỹ thuật và nhiều trò chơi vô cùng hấp dẫn23.
Sau đó, đến năm 1937, vào lúc 16h, chiều ngày 04/12/1937, hội chợ phiên Lạc Thiện chính thức khai mạc. Tham dự buổi lễ khai mạc, có hoàng đế Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Khâm sứ Graffeuil, hoàng thân Vĩnh Cẩn, ông Reynaud, Công sứ Lavigne, quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên Nguyễn Khắc Niêm… Ngoài các gian hàng của trường Đồng Khánh, hội chợ còn tổ chức nhiều trò chơi hấp dẫn, như chơi cá ngựa, câu cá, xổ số tombola24. Hội chợ phiên năm 1938, được tổ chức vào ngày 17/12/1938, chủ yếu bày bán các đồ nội hóa, cùng các trò chơi, kết hợp với xổ số. Vé vào cửa có giá 0$20, vé số có giá 0$20, tất cả chi phí sẽ góp quỹ cho hội25. Sau đó, vào năm 1939, hội chợ phiên tiếp tục được ban Trị sự dày công chuẩn bị, diễn ra từ 15h chiều ngày 17/12/1939.
Ngoài những khoản tiền trợ cấp công ích thường niên, hội Lạc Thiện còn tiếp nhận các nguồn tiền từ nhiều trường hợp khác nhau. Chẳng hạn vào năm 1936, hội được triều đình cấp cho 500$00, phân bổ từ số tiền bán “kho vàng” phát hiện ở biển Sầm Sơn (Thanh Hóa)26. Vào ngày 21/12/1941, bà Khâm sứ Grandjean đã tổ chức một buổi diễn kịch tại Accueil (Huế), với mục đích quyên góp tiền hỗ trợ cho hội Lạc Thiện27.
Với mục tiêu thúc đẩy công tác xã hội, ngay sau khi ra đời, hội cho mở một phòng khám bệnh tại bệnh viện Huế: “Đã mấy năm nay, hội đã mở tại nhà Thương lớn ở Huế [nay là bệnh viện Trung ương Huế] một phòng khám bệnh thường xuyên và bệnh nhân khỏi trả tiền, chuyên việc thăm bệnh và phát thuốc cho trẻ con nhà nghèo khó đương cỡ tuổi măng sữa và cỡ tuổi thơ ấu. Những người mẹ các trẻ nhỏ ấy, nếu đau yếu, cũng được phát thuốc. Gặp những người bệnh tình trầm trọng thì lại cho nằm điều dưỡng tại nhà Thương”28.
![]() |
Ảnh 5: Viện Bài Lao Huế (ảnh chụp 1930 - 1936), nay là khoa bệnh Phổi, bệnh viện Trung ương Huế. Nguồn: manhhai flickr.com |
Trong năm 1932, số người đến xin khám bệnh lần đầu là 7.500 người, số khám bệnh từ lần 2 trở lên là 17.992 bệnh, trung bình mỗi ngày tổ chức khám là 70 trường hợp. Số người điều trị, dưỡng bệnh tại bệnh viện là 300, số trẻ con tiêm phòng bệnh lao (vaccinnations Bacillus Calmette - Guérin/ B.C.G) là 745. Năm 1933, số người đến khám bệnh (lần 1) là 8.040, số khám bệnh từ lần 2 trở lên là 22.945, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám 84 trường hợp; số người điều trị, dưỡng bệnh tại bệnh viện là 362, số trẻ con tiêm phòng bệnh lao là 892. Đến năm 1934, theo một thống kê, hội Lạc Thiện đã đứng ra hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh cho 5.514 người (lần đầu), 14.742 đối với các trường hợp khám lần 2 trở đi, trung bình mỗi ngày là 56, số người điều trị, dưỡng bệnh tại bệnh viện là 203 và 796 trẻ được tiêm phòng bệnh lao29. Như vậy, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ năm 1931 - 1934, có tất cả 2.433 trẻ em ở Huế đã được hội Lạc Thiện hỗ trợ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh lao. Đây là thành tích mà không phải một tổ chức từ thiện nào cũng có thể làm được vào thời điểm đó. Nỗ lực hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thu nhập thấp, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh của hội Lạc Thiện lúc bấy giờ được giới y tế trong và ngoài nước đánh giá rất cao30.
Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, chương trình “giọt sữa châu Âu, bát cơm Annam” là một trong những ý tưởng được triển khai từ đầu năm 1932, nhằm mục tiêu bảo trợ cho các trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, tập trung vào những người nghèo khó, các cô nhi, quả phụ thuộc địa bàn thành phố Huế31. Trong đó, hội tập trung vào các hoạt động trợ cấp cứu tế, cấp phát thuốc, sữa miễn phí ở nhà thương bệnh lao P. Pasquier; chăm sóc trẻ ở nhà phước Sainte Enfance ở Kim Long (tức nhà Dục Anh); tổ chức một phòng khám bệnh miễn phí cho phụ nữ tại bệnh viện Dispensaire Brieux Huế (trước 1945 gọi là bệnh viện bài trừ hoa liễu).
Năm 1937, từ nguồn tiền ngân sách, tiền quyên góp của hội Lạc Thiện và hội Hồng Thập Tự, ngôi nhà ngói khang trang nằm trên đại lộ Khải Định (nay là đường Nguyễn Huệ, Huế) dành cho việc nuôi dưỡng các trẻ “con lai” bị bỏ rơi đã được xây dựng. Vào thời điểm tháng 3 năm 1939, cơ sở này là nơi chăm sóc khoảng 130 trẻ nhỏ, do Đốc lý Huế là ông Destenay đại diện làm cha nuôi32. Ngoài ra, hội Lạc Thiện còn phối hợp với hội Hồng Thập Tự (hội Chữ thập đỏ) chăm sóc cho các cô nhi tại viện Hồng Thập Tự ở Mang Cá (Huế). Không định kỳ, nhưng thường xuyên, hội Lạc Thiện còn đứng ra kêu gọi viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân thiên tai lụt bão ở khắp cả nước. Hội tổ chức phát cơm, cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo, hỗ trợ tiền mua “áo quan” cho những gia đình đặc biệt khó khăn khi có người thân qua đời.
Từ năm 1936, hội Lạc Thiện bắt tay vào việc triển khai chương trình “mái nhà tranh”. Theo kế hoạch, hội sẽ xây dựng một số ngôi nhà “kiểu mẫu” để cho các gia đình nghèo khó đông con ăn ở tạm thời. Sau một thời gian nếu gia đình đó ổn định kinh tế, hội sẽ lấy lại để tiếp tục hỗ trợ những gia đình khác. Bắt đầu thí điểm tại huyện Phú Lộc, theo báo cáo vào cuối năm 1936, đã có 12 căn nhà được xây dựng, sau đó vào cuối năm 1938, số lượng nhà kiểu mẫu đã tăng lên con số 41 căn. Đến ngày 12/7/1942, có tất cả 137 căn nhà được hội xây dựng, phân bố đều khắp tại các huyện, thành phố Huế. Những “mái ấm kiểu mẫu” đầy ắp tình người này trong một thời gian dài là nơi “an cư” của hàng chục hộ dân, là nơi che nắng che mưa cho biết bao mảnh đời chật vật lam lũ mưu sinh.
4. Kết từ
Hội Lạc Thiện được tổ chức theo đúng nghĩa một hội từ thiện. Có thể thấy, công tác cứu tế của hội Lạc Thiện trải dài trên nhiều lĩnh vực (an sinh xã hội, giáo dục, y tế); thực hiện song song cả hai phương pháp, đó là hỗ trợ tức thời và hỗ trợ dài hạn. Trong suốt thời gian tồn tại, hội tập trung vào các đối tượng yếu thế trong xã hội: người thu nhập thấp, trẻ em, trẻ mồ côi, người già, phụ nữ mang thai và người khuyết tật. Trên phương diện hỗ trợ tức thời, hội đã trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ khẩn cấp, khắc phục và cứu trợ thiên tai, dịch bệnh. Với vai trò cầu nối lạc quyên, hội Lạc Thiện là điểm tiếp nhận và phân phối tiền bạc, tài sản, thuốc men, thực phẩm, hiện vật…, đến tất cả mọi giai tầng trong xã hội. Qua đó, chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp người dân ở các tỉnh miền Trung vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.
Hội Lạc Thiện ra đời từ ý tưởng hỗ trợ chẩn cấp, cứu tế, với công lao khởi xướng đến từ bà Thánh cung và bà Tiên cung. Hội quy tụ phần đông là nữ giới, trong đó, thành phần ban “lãnh đạo” của hội chủ yếu do các bà là “phu nhân” của các quan chức cấp cao chính quyền Pháp ở Trung Kỳ, các thành viên xuất thân hoàng tộc nắm giữ. Với vị thế quyền lực chính trị của ban Trị sự, hội Lạc Thiện có nhiều ưu thế trong việc tập hợp, tổ chức và thực hiện các hoạt động từ thiện. Chính vì thế, dù tồn tại trong khoảng thời gian khá ngắn, song, hội Lạc Thiện đã gặt hái rất nhiều thành công, góp phần lan tỏa phong trào từ thiện đến rộng khắp các tỉnh thành, củng cố và vun đắp truyền thống đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc.
Đ.M.Đ
(TCSH56SDB/03-2025)
---------------------
1 Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương, Imprimerie Mirador (Huế), tr. 114, 115.
2 Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương, Sđd, tr. 116.
3 Báo Công Luận, Đức Thánh Cung đối với việc phúc, một hội Lạc Thiện giúp kẻ bần cùng do đức Khôn Nguyên hoàng thái hậu chủ trương đương thành lập, số 1938 (02/12/1930), tr. 2.
4 L’Éveil Économique de l’Indochine, Une manifestation de la collaboration Franco-Annamite à Hué, A16 - N0 765 (27 novembre 1932), Imprimerie Tonkinoise (Hanoï), p.10.
5 Gouvernement Général de l’Indochine (1943), Souverains et Notabilités d’Indochine, Imprimerie I.D.E.O (Hanoï), p. 56, 79.
6 Báo Tràng An, Hội Lạc Thiện, số 08 (26/3/1935), tr. 2.
7 Báo Tràng An, Bà Aurillac về Pháp, hội Lạc Thiện bầu thủ quỹ mới, số 27 (31/5/1935), tr. 2.
8 Báo Tràng An, Công cuộc tiến hành của hội Lạc Thiện, số 407 (28/3/1939), tr. 2.
9 République Française (1938), Rapport d’ensemble sur la situation du protectorat de l’Annam pendant la période comprise entre le 1er Juin 1937 et le 31 Mai 1938, Imprimerie Phúc Long, Huế, p. 106.
10 Báo Công Luận, Hội Lạc Thiện ở Tourane, số 2520 (25/11/1932), tr. 2.
11 Báo Công Luận, Phụ nữ ở Đà Thành và hội Lạc Thiện, số 2514 (18/11/1932), tr. 1.
12 Báo Công Luận, Hội Lạc Thiện ở Nha Trang đã thành lập, số 2608 (23/3/1933), tr. 2.
13 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1940 - N01 (1er février 1940), p. 130.
14 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1940 - N01 (1er février 1940), p. 129.
15 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1940 - N01 (1er février 1940), p. 73.
16 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1940 - N01 (1er février 1940), p. 129, 130.
17 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1940 - N04 (21 mars 1940), p. 422.
18 Bulletin Administratif de l’Annam, Année 1941 - N02 (22 février 1941), p. 107.
19 Báo Tràng An, Hội Lạc Thiện, số 08 (26/3/1935), tr. 2.
20 Báo Tràng An, Công cuộc tiến hành của hội Lạc Thiện, số 407 (28/3/1939), tr. 2.
21 Báo Công Luận, Hội chợ Lạc Thiện, số 6218 (06/4/1933), tr. 2.
22 Báo Tràng An, Cuộc chợ phiên lớn của hội Lạc Thiện, số 175 (20/11/1936), tr. 1.
23 Báo Tràng An, Một buổi lễ phước thiện rất rực rỡ ở Thần kinh, cuộc chợ phiên Lạc Thiện, số 180 (08/12/1936), tr. 1.
24 Báo Tràng An, Cuộc chợ phiên Lạc Thiện năm nay, số 279 (07/12/1937), tr. 2.
25 Báo Tràng An, Hội chợ Lạc Thiện, số 378 (06/12/1938), tr. 2.
26 Báo Tràng An, Kho vàng ở đáy biển Sầm Sơn nay đã đem chi dụng vào những việc công ích, số 168 (27/10/1936), tr. 2.
27 Báo Tràng An, Tại Accueil chiều chủ nhật 21 nầy, một buổi diễn kịch đặc biệt, số 927 (18/12/1941), tr. 1.
28 Báo Tràng An, Công cuộc xã hội cứu tế ở Trung Kỳ, một cơ quan Pháp Nam hợp tác về phước thiện: Hội Lạc Thiện, số 179 (04/12/1936), tr. 4.
29 Báo Tràng An, Công cuộc xã hội cứu tế ở Trung Kỳ, một cơ quan Pháp Nam hợp tác về phước thiện: Hội Lạc Thiện, số 179 (04/12/1936), tr. 4.
30 Bulletin de l’Académie nationale de médecine, 101e Année, 3e Série - Tome 118 (06 juillet 1937), Masson et Cie, Paris, p. 752.
31 Le Petit Haut-Marnais, Des gouttes de lait d’Europeaux soupes de riz d’Annam, 36e Année, N0163 (15 août 1939), p. 5.
32 Báo Tràng An, Ngài Nam Phương hoàng hậu thăm nhà nuôi trẻ con lai, số 408 (31/3/1939), tr. 2.