Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-25)
Bia đá “Thái Sơn Thạch Bất Cảm Đương” ở làng Bao La
09:53 | 22/04/2025

PHẠM HOÀI NHÂN

Từ xưa ở các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc,… để xua đuổi những điều không tốt đẹp người ta thường sử dụng loại phù khắc trên bia đá dòng chữ “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” (泰 山 石 敢 當) để trấn yểm, xem như là một phương pháp hóa giải những điều không như ý.

Bia đá “Thái Sơn Thạch Bất Cảm Đương” ở làng Bao La
Bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” ở chùa Pháp Hỷ

Về nguồn gốc của loại bia đá phong thủy này, người xưa quan niệm rằng do Thái Sơn (ở Sơn Đông, Trung Quốc) là một ngọn núi linh thiêng bậc nhất trong Ngũ nhạc danh sơn, do đó đá của núi Thái Sơn có thể trấn yểm để xua đuổi tà ma. Người ta thường dùng đá (không nhất thiết là đá núi Thái Sơn) để khắc dòng chữ “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” (泰 山 石 敢 當) hoặc “Thạch Cảm Đương” (石 敢 當) nghĩa là núi đá Thái Sơn có thể đảm đương (việc trấn yểm) và dựng ở những nơi được cho là có phong thủy không được tốt như trước cửa nhà, đình chùa, miếu mạo,… nhằm ngăn chặn những điều xui xẻo, tai ương, ma quỷ,… không để làm ảnh hưởng đến gia chủ. Trong quan niệm phong thủy khi chọn đất, làm nhà cần tránh phải những con đường đâm thẳng vào nhà hoặc tránh “góc ao đao đình”, trước nhà có nhiều am, miếu, đình chùa, nghĩa địa án ngữ,… thì phải tìm cách hóa giải có thể là dựng tượng chó đá, treo gương bát quái, bùa chú hoặc sử dụng bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương”.

Bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” trong khu vực Lăng Tự Đức


Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tại thành phố Huế hiện nay vẫn còn một số bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” hoặc “Thạch Cảm Đương” được lưu giữ. Tại Chùa Pháp Hỷ (Niệm Phật đường Tây Linh), phường Thuận Lộc, thành phố Huế, có dựng một tảng đá ngay tại cổng phụ (ngã ba đường Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Xuân Ôn) với kích thước cao 60cm, rộng 45cm, dày khoảng 5cm, mặt trước khắc bốn chữ “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” (太 山 石 敢 當)1nhằm trấn lại yếu tố bất lợi khi đường Nguyễn Xuân Ôn trực chỉ “đâm” thẳng vào chùa, do quá trình nâng đường phố nên bia đá đã bị che lấp ½ chữ “Đương”. Tại khu vực Lăng Tự Đức, phát hiện tấm bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” (泰 山 石 敢 當) với chất liệu đá thanh khá nguyên vẹn, cao 80cm, rộng 40cm, dày 3cm, mặt bia hướng ra sông Hương2

Bia đá “Thái Sơn Thạch Bất Cảm Đương” tại làng Bao La

Tại làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, hiện nay tồn tại một bia đá như trên tại xóm Chợ (tên chữ là Lý Nhơn), trên con đường từ xóm Chợ đến xóm Đông, cách cô đàn xóm khoảng 150m. Bia đá cao khoảng 50cm, rộng 20cm, dày 15cm, bề mặt trang trí hoa văn dây leo đơn giản, mặt bia hướng về phía đình làng Đức Nhuận. Về nguồn gốc bia đá, theo nhiều người cao niên trong làng cho biết, trước đây bia đá này được dựng sát lũy tre cách vị trí cũ chừng 50m bên cạnh con đường đất nối hai xóm, quá trình xây dựng tuyến đường nhựa mới bia đá được đưa ra dựng tại vị trí hiện nay.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở tấm bia trấn phù của làng Bao La khác với những nơi khác ở chỗ được khắc dòng chữ Hán “Thái Sơn Thạch Bất Cảm Đương” (泰 山 石 不  敢 當). Vì sao lại có thêm chữ “Bất” (不)  mang ý nghĩa phủ định một hành động, việc làm như bất khả (không thể), bất phục (không tuân theo),… vào nội dung mà đáng ra là phải khẳng định yếu tố “Thái Sơn Thạch” (đá Thái Sơn) có thể đảm đương việc trấn áp, ngăn chặn điều xấu do đình làng khác trực diện mang lại thì ở đây lại là nghĩa là “Đá Thái Sơn không thể đảm đương” nếu “không thể” thì việc tạo dựng bia đá này hoàn toàn không có ý nghĩa về mặc phong thủy.

Có giả thiết cho rằng, có thể do hành động phá hoại sau đó, cố tình khắc thêm chữ “Bất” (不) vào bia đá, tuy nhiên qua xem xét cho thấy kích thước, khoảng cách, nét chữ của các chữ Hán trên bia đá là tương đương nhau nên không có thể “chèn” thêm, do đó có thể khẳng định các chữ trên bia đá được khắc cùng một thời điểm. Có ý kiến cho rằng do trình độ hiểu biết của dân làng và thợ khắc đá xưa còn hạn chế nên nhầm lẫn, thêm chữ “Bất” (不) mà không phát hiện ra cũng không thuyết phục bởi dù có hạn chế chữ nghĩa đến đâu thì việc để đi đến thống nhất lập bia trấn yểm là ý chí của cả cộng đồng dân cư, ít nhiều có tham khảo từ các làng xã lân cận; chí ít trong làng cũng có người nhận biết mặt chữ nghĩa để nhận thấy được điều bất thường của việc làng xã. Đồng thời việc tạo dựng phải được tiến hành theo những nghi thức và một quy trình nghiêm ngặt nên không thể có chuyện cả cộng đồng dân cư, qua nhiều thế hệ không phát hiện ra điểm bất thường.

Hiện nay, tục sử dụng bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” không còn được biết nhiều trong xã hội hiện đại, việc tìm hiểu vấn đề bất thường đối với tấm bia đá “Thái Sơn Thạch Bất Cảm Đương” ở làng Bao La vẫn là điều thú vị, tác giả xin nhận được trao đổi của các nhà nghiên cứu để làm rõ hơn.

P.H.N
(TCSH56SDB/03-2025)

------------------
1 Về quá trình lập bia đá, được biết tại vị trí này từ xưa  nhà chùa dựng bia đá “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” (泰山 石敢 當) nhưng sau đó bị hư hỏng, cách đây mấy chục năm có một Phật tử đã dựng tấm bia đá trên nhưng sử dụng chữ “Thái” (太) nghĩa thường gặp là “quá” như quá nhiều, quá to.
2 Tấm bia này hiện nằm trong vườn nhà người dân trên đường Huyền Trân Công Chúa và đã bị xô nghiêng về trước.

 

Các bài đã đăng