Tạp chí Sông Hương - Số 434 (T.04-25)
Động Tranh và Chúc Mao trong mùa hè 1972
08:41 | 29/04/2025

PHẠM HỮU THU

Thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, thực chất là “thay màu da trên xác chết”, sau năm 1970 quân đội Mỹ đã lần lượt chuyển giao các căn cứ hỏa lực ở “tuyến trước” cho quân đội Sài Gòn (QĐSG) để lui về “tuyến sau” nhằm kéo dài cuộc chiến.

Động Tranh và Chúc Mao trong mùa hè 1972
Căn cứ Động Tranh - Bastogne ở phía tây Huế

Riêng tại Thừa Thiên Huế trên tỉnh lộ 12, nếu tính cả tỉnh lộ 12B chạy từ ngã ba Bình Điền ra Hòn Vượn ít nhất đã có tới gần 20 căn cứ quân sự được duy trì nhằm “che chắn” cho hướng tây nam Huế; trong số này có các căn cứ hỏa lực lớn do quân đội Mỹ chuyển giao như T-Bone (Hòn Vượn), Birmingham (Bình Điền), Checkmate (Chúc Mao) và Bastogne (Động Tranh).

Nhằm thay đổi cục diện chiến trường, năm 1972 Quân khu Trị Thiên quyết định mở cuộc tổng tấn công vào các tuyến phòng ngự của đối phương từ phía tây nam Huế mà tâm điểm là tuyến phòng thủ trên đường 12 - nối Huế với A Lưới hiện do Trung đoàn 3 và Trung đoàn 54 của Sư đoàn I QĐSG trấn giữ. Trong các căn cứ quân sự ở trên tuyến đường trọng yếu này thì Bastogne - Động Tranh (nay ở địa phận xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) là hùng hậu nhất. Bastogne tọa lạc trên quả đồi chỉ cao xấp xỉ 60m nhưng nhờ có bề mặt rộng gần 2km2 nên nó hội đủ điều kiện để quân đội Mỹ xây dựng ở đây thành một căn cứ hỏa lực mạnh có đủ các trận địa pháo: 105 ly, 155 ly, 175 ly, dàn dusters (phòng không) và hai sân bay trực thăng (nằm ở đông và tây căn cứ) ngày đêm đổ quân, tiếp tế nhu yếu phẩm và đạn dược. Bảo vệ Bastogne là 10 lớp hàng rào kẽm gai với các bãi mìn và 200 lô cốt, ụ súng; phía ngoài cùng là những mái taluy có nhiều bậc ngăn chặn. Khi bị tấn công, ở mặt đất có xe tăng M-113, các trận địa pháo đặt ở T-Bone (Hòn Vượn), Birmingham (Bình Điền), Dạ Lê, Tân Ba (Arsenal), và pháo hạng nặng từ Hạm đội 7 Mỹ chi viện. Mặc dù binh sĩ Mỹ lui về “hậu phương” và lần lượt rút quân nhưng hỏa lực trên không sẵn sàng yểm trợ. Trinh sát có máy bay OV-10, L-19; đổ quân và truy sát có trực thăng C-130; ném bom có A-37, B-57, pháo đài bay chiến lược B-52. Với sức mạnh hỏa lực khủng khiếp như vậy nên khi Sư đoàn I QĐSG giao Bastogne - Động Tranh (lúc này QĐSG đặt tên mới là căn cứ Phú Xuân) cho Trung đoàn 54 trấn giữ và họ vẫn đinh ninh rằng đây là nơi bất khả xâm phạm. Thế nhưng niềm tin ấy đã bị chao đảo, rung lắc dữ dội mà hệ quả là Bastogne chính thức thất thủ vào hôm 30/4/1972.

Và đơn vị trực tiếp đánh bật QĐSG ra khỏi Bastogne - Động Tranh được giao cho Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 do ông Vũ Thế Đào làm Trung đoàn trưởng và ông Lê Văn Dánh làm Chính ủy; còn Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên phối hợp tấn công ở hướng khác. Trước khi vây ép, dứt điểm Động Tranh, các Tiểu đoàn 7, 8, 9 của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 đồng loạt tấn công động Mái Nhà, cao điểm 66, ngăn địch từ Hòn Vượn - T-Bone, từ Bình Điền - Birmingham lên hoặc chặn xe tăng từ căn cứ Tà Lương xuống chi viện; đồng thời tấn công khống chế căn cứ Chúc Mao - Checkmate ngăn không cho Tiểu đoàn 1/54 đồn trú ở đây trực tiếp chi viện yểm trợ cho Tiểu đoàn 2/54 Sư đoàn I QĐSG đang đồn trú ở Động Tranh - Bastogne.

Cuộc chiến mở màn vào rạng sáng ngày 02/4/1972. Sau gần một tuần liên tục giao tranh ở những ngọn đồi không tên mãi đến ngày 7/4/1972 Tiểu đoàn 9 mới đưa các khẩu đội 12,7 ly áp sát hàng rào bắn trực diện và khống chế không cho trực thăng đáp xuống chi viện Động Tranh. Theo hồi ức của ông Hoàng Văn Thư, cựu phi công Biệt đội Song Chùy (Sư đoàn I Không quân QĐSG): “Chiến trường Bastogne có thể được coi như tử địa của trực thăng trong những ngày máu lửa của mùa hè 1972. Hầu như phi hành đoàn trực thăng nào của KĐ/51/ CT cũng có một lần phải bay vào Bastogne. Gần suốt cả tháng 4/1972, không phi vụ trực thăng nào lọt vào Bastogne được. Nếu có vô được chắc chắn cũng sẽ bị pháo kích banh xác.”

Để giải vây cho Động Tranh - Bastogne, ngày 8/4/1972 Sư đoàn I QĐSG quyết định phái Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 3 tấn công vào cao điểm 183 nhằm giảm áp lực nhưng bất thành; trong khi đó ở Động Tranh các mũi của Tiểu đoàn 7B đặc công và Tiểu đoàn 7, 8 của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 đang chiếm tầng rào thứ 2. Trước tình thế nguy ngập, QĐSG đã dùng súng phun lửa và đạn hóa học chống trả, đồng thời huy động tối đa hỏa lực của phi, pháo áp chế. Chỉ tính riêng ngày 9/4/1972, quân giải phóng (QGP) đã hứng chịu hơn 1.000 quả pháo các loại, 17 loạt bom B-52 và B-57. Mặc dù bị tổn thất khá nặng nhưng QGP đã ngoan cường giữ vững trận địa và lực lượng phòng không đã đáp trả khi bắn rơi 2 máy bay C-130 và 5 chiếc trực thăng.

Áp lực vẫn duy trì ở Bastogne, buộc QĐSG phải huy động lực lượng giải cứu. Từ hai hướng, Sư đoàn I QĐSG cho Trung đoàn I từ Birmingham - Bình Điền đánh lên và điều Chi đoàn thiết giáp từ Tà Lương đánh xuống. Khi những đơn vị này rời căn cứ đã bị Tiểu đoàn 7/3 phối hợp với Tiểu đoàn 1/6 Trung đoàn 6 đánh chặn ở cao điểm 66 và Sơn Đào - dốc Kim Quy; còn ở phía tây Bastogne, 13 chiếc xe tăng bọc thép chưa kịp đến nơi đã bị Tiểu đoàn 9/3 phá hủy. Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 7B Đặc công tiếp tục vây ép và tấn công Bastogne - Động Tranh.

Trước sức ép của QGP, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Hà Văn Khâm gọi điện cho Trung tá Trung đoàn trưởng 54 Nguyễn Thanh Hạnh xin phép được rút khỏi Bastogne nhưng Tư lệnh Sư đoàn I QĐSG tướng Phạm Văn Phú ra lệnh phải tử thủ!

Từ nguồn tin quan trọng này, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào đi tới quyết định tái bố trí lực lượng. Theo đó, chỉ huy Trung đoàn 3 giao Tiểu đoàn 9 vây ép Bastogne - Động Tranh, Tiểu đoàn 7 tấn công ở bắc căn cứ Birmingham - Bình Điền; Tiểu đoàn 7B Đặc công tấn công các cao điểm xung quanh Động Tranh và Tiểu đoàn 8 tấn công địch ở ngã 3 đường 12A, 12B.

Sáng ngày 22/4/1972, Tiểu đoàn 9 do Lê Chí Tuấn làm Tiểu đoàn trưởng cho quân vây ép Bastogne - Động Tranh vừa đánh nghi binh vừa đào hào xuyên qua 10 lớp kẽm gai để đưa DKB áp sát hàng rào. Tiểu đoàn 8 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng chỉ huy tấn công Tiểu đoàn 1/3 Sư đoàn I QĐSG ở cao điểm 246; Tiểu đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Kiền chỉ huy phối hợp với Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 6 đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 4/1 Sư đoàn I QĐSG ở tây bắc Birmingham - Bình Điền. Do có đến 2 Tiểu đoàn bị loại khỏi vòng chiến đấu nên Sư đoàn I không còn đủ lực để giải tỏa Bastogne - Động Tranh đành chấp thuận cho quân đồn trú ở đây rút lui. Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 cho biết: Trong khi Tiểu đoàn 9 đang tấn công Động Tranh thì sáng 28/4/1972 anh Võ Vượng (Tham mưu trưởng Trung đoàn) gọi điện cho tôi và anh Phạm Huy Chưởng1, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 và anh Lê Văn Hân2, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7B Đặc công biết đối phương từ bỏ Động Tranh và sẽ rút về hướng đông đường 12B - Hòn Vượn - T-Bone; do vậy Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 8 đón địch khi tháo chạy, còn Tiểu đoàn 9 tấn công Động Tranh và Tiểu đoàn 7B Đặc công Chúc Mao - Checkmate.

Đang triển khai đội hình phục kích, Tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng nhận được điện của Trung đoàn “đêm nay (nửa đêm về sáng ngày 29/4/1972), địch sẽ rút khỏi Động Tranh, Tiểu đoàn 8 chủ động nắm tình hình nhằm tiêu diệt gọn quân địch tháo chạy”. Nhận lệnh, Tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng rải quân mai phục. Một ngày tĩnh lặng trôi qua. Nửa đêm về sáng hôm sau, từ hướng đường 12 bỗng vang lên tiếng súng của tổ mai phục. Bị chặn đánh, quân đồn trú ở căn cứ Bastogne - Động Tranh chuyển hướng tháo chạy sau khi cho nã pháo vào khu vực đường 12B dọn đường. Khi tiếng súng tạm ngưng, Tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng trèo lên một ngọn cây quan sát và phát hiện phía trước, dù không có gió nhưng những đám lau lách lại lay động. Từ phát hiện này, ông lệnh cho binh sĩ phải đợi đối phương lọt vào vòng vây mới nổ súng. Bị đánh bất ngờ, đối phương không kịp phản ứng. Truy kích, Tiểu đoàn 8 của Phạm Huy Chưởng đã bắt 238 tù binh. Riêng viên Thiếu tá Hà Văn Khâm đã bị Đại đội 5 của Lê Xuân Huynh bắt giữ.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (phải) và Đại tá Hồ Hữu Lạn


Trưa hôm đó, Tham mưu phó Trung đoàn 3 Hồ Hữu Lạn theo Đại đội 9/9 vào thị sát Động Tranh. Sau một tháng bị tấn công và bao vây, Bastogne “căn cứ hùng hậu nhất của Sư đoàn I bộ binh” giờ đây tan tác và để xóa dấu vết thảm bại, sáng hôm sau, ba loạt bom của pháo đài bay B-52 được rải xuống căn cứ Động Tranh! Đại tá Hồ Hữu Lạn cho biết thêm, sau những loạt bom này có 2 chiến sĩ thông tin của Tiểu đoàn 9 chốt ở nam cứ điểm Động Tranh đang thu dây trúng bom hy sinh!3

Ngày 30/4/1972 tuyến phòng thủ của Sư đoàn I bộ binh QĐSG ở Bastogne và Checkmate - tây nam Huế bị vỡ cũng là lúc kết thúc chiến dịch Quảng Trị. “Bastogne thất thủ, tuyến phòng ngự của tiểu đoàn 1/54 tại căn cứ Checkmate đã bị địch cô lập. Để tránh tổn thất, đêm 29/4/1972, sau khi liên lạc với thiếu tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Sư đoàn, trung tá Nguyễn Thanh Hạnh, trung đoàn trưởng trung đoàn 54, ra lệnh cho thiếu tá Nguyễn Phú Thọ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/54, điều động toàn tiểu đoàn triệt thoái. Trên lộ trình rút quân, tiểu đoàn 1/54 bị chận đánh; (theo tài liệu của QGP, trận đánh này diễn ra lúc 13giờ 30 ngày 30/4/1972 do Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 thực hiện - TG), một số sĩ quan, và gần 1/3 tiểu đoàn bị địch bắt. Riêng vị tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và một số sĩ quan ban chỉ huy tiểu đoàn vượt thoát được, về tuyến sau an toàn.” (Theo Vương Hồng Anh).

*

Tháng 5/1972 do để mất Quảng Trị và thua đau ở tây nam Huế, Tư lệnh Quân đoàn I QĐSG Trung tướng Hoàng Xuân Lãm bị thuyên chuyển và thay thế ông là Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Được sự yểm trợ của Hạm đội 7 và không lực Mỹ, QĐSG đã tung toàn bộ lực lượng tổng trù bị (dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân) nhằm tái chiếm Quảng Trị và tây nam Huế. Tại đường12 - tây nam Huế, ngày 16/5/1972 Trung đoàn 3 Sư đoàn I QĐSG đã chiếm đóng Bastogne. Phấn khích trước “chiến quả” này, gặp báo chí Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn I Phạm Văn Phú đã không kìm nén được cảm xúc: “Tôi đã nói với các anh, Sư đoàn I bộ binh là Sư đoàn thiện chiến vô địch, không thua bất cứ một sư đoàn nào của một quân đội nào trên thế giới!”

Việc cho quân trở lại đồn trú ở Bastogne là đúng nhưng việc “tái chiếm” trên thực tế chưa hề diễn ra vì theo lời của Đại tá Hồ Hữu Lạn - người trực tiếp kiểm tra sau khi Động Tranh thất thủ, căn cứ Bastogne lúc đó đã bỏ trống và chính nó đã bị pháo đài bay B-52 hủy diệt (dấu tích của những hố bom này hiện vẫn còn rải rác ở phía đông - nơi có sân bay trực thăng). Điều này phù hợp với tường trình của viên sĩ quan Quân y Tiểu đoàn 4/3 Sư đoàn I QĐSG. Ông cho biết: “Sau khi tái chiếm Bastogne là tôi đã có mặt tại đây, gần như không có một tấc đất nào không có mảnh xương người!”. Những “mảnh xương người” chứ không xác chết cho thấy hôm đó không có giao tranh, nên không hề có sự kiện QĐSG “tái chiếm” Động Tranh - Bastogne! Riêng chuyện Bastogne bị QGP “tái chiếm” lần hai (20/7/1972), có thể vì “thất bại ê chề” nên quân sử của “Sư đoàn thiện chiến” hoàn toàn giấu nhẹm, tương tự như chuyện quân đội Mỹ buộc phải triệt thoái khỏi căn cứ hỏa lực Ripcord-935 ở tây Phong Điền năm 1970 sau một tháng bị Sư đoàn 324 QGP bao vây, tấn công!

Mãi đến gần đây, giữa năm 2017 khi Thị đoàn Hương Trà đã tiến hành xây dựng công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ tại căn cứ quân sự Động Tranh nhằm vinh danh các liệt sĩ của Tiểu đoàn phòng không 24, Trung đoàn 241 (Đoàn xung kích), Sư đoàn 367 đã anh dũng hy sinh trong các trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch vào năm 1972, tôi mới chú tâm tìm hiểu. Theo Đại tá Hồ Hữu Lạn, lúc đó là Tham mưu trưởng Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, sau khi tham chiến ở Quảng Trị, Sư đoàn 324 nhận lệnh lật cánh vào tây nam Huế chiến đấu phá vỡ tuyến phòng thủ đường 12 mà QĐSG vừa tái lập. Ngoài điều Sư đoàn 324, Bộ Tư lệnh chiến dịch 702 (thuộc Bộ Quốc phòng) còn điều Sư đoàn 267 Phòng không cùng tham gia.

Ngày 24/5/1972, Bộ tư lệnh Sư đoàn 324 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 3 do ông Võ Chót làm Trung đoàn trưởng, ông Lê Văn Dánh tiếp tục làm Chính ủy Trung đoàn đảm trách tiến công: Động Tranh - Bastogne và điểm cao 372 - Chúc Mao - Checkmate. Điểm cao 372 tức căn cứ Chúc Mao - Checkmate cách căn cứ Bastogne - Động Tranh chừng một cây số đường chim bay về hướng tây - nam. Vì là căn cứ tiền tiêu nên ở đây có 5 lớp hàng rào, có lô cốt, công sự có mái vòm cover phủ bao cát dày cả 1m. Muốn dứt điểm Động Tranh, nhiệm vụ của Trung đoàn 3 là phải dẹp bỏ căn cứ 372 - Chúc Mao để làm bàn đạp tấn công. Do Trung đoàn 54 đã để mất Bastogne và Checkmate vào tháng 4/1972 nên Sư đoàn I QĐSG đã giao cho Trung đoàn 3 trấn giữ. Sau gần một tháng tấn công các điểm chốt của đối phương ở các đồi xung quanh Chúc Mao đến cuối tháng 6/1972 Trung đoàn 3 mới hình thành được thế trận bao vây căn cứ này.

Rạng sáng ngày 29/6/1972, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Huy Chưởng, Tiểu đoàn 8 đã mở cuộc tấn công trực diện vào căn cứ 372 - Chúc Mao - Checkmate. Nhờ được tăng cường cối ĐKZ và 12,7 ly hỏa lực và cả Công binh nên sau khi cường tập, đêm 30/6/1972 từ nhiều hướng các mũi xung phong tấn công. Đối phương chống trả quyết liệt. Trong trận đánh này, Đại đội phó Đại đội 6 Phạm Văn Thọ đã dùng 3 khẩu B40 của các chiến sĩ hy sinh bắn hết cơ số đạn (12 quả) diệt các lô cốt và các ổ đề kháng. Đại đội 7 đánh chiếm vòng ngoài, lợi dụng vật che, chiến sĩ Nguyễn Văn Phúc đã vượt lên giữa công sự dùng B41 diệt ổ đại liên tạo điều kiện cho đơn vị tiến đánh trung tâm căn cứ. Sau hai ngày đêm tấn công, đến 9 giờ ngày 1/7/1972 Tiểu đoàn 8 đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Chúc Mao.

Mất 372 - Chúc Mao, căn cứ Bastogne - Động Tranh bị cô lập. Do vậy mà tháng 7 của năm 1972 được ghi nhận là thời điểm chiến sự diễn ra nóng bỏng nhất. Tại Chúc Mao, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng đã có ít nhất 5 trận đánh ác liệt diễn ra. Hai bên giành đi giật lại từng tấc đất. Đạn, bom cày xới. Ngày 5/7, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn I Sư đoàn I QĐSG tái chiếm Chúc Mao thì ngày 7/7 Tiểu đoàn 8/3 Sư đoàn 324 chiếm lại. Đến ngày 11/7 Chúc Mao bị Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn I QĐSG tái chiếm nhưng chỉ ba hôm sau, ngày 14/7 đã bị Tiểu đoàn 7/3 và Đại đội 11 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 đánh chiếm. Sư đoàn I QĐSG sau đó tổ chức tái chiếm Chúc Mao nhưng bất thành.

Để hình thành thế trận bao vây Động Tranh - Bastogne, Sư đoàn 324 giao Trung đoàn 1 tấn công đối phương ở động Mái Nhà và uy hiếp Hòn Vượn - T-Bone. Còn Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên phối hợp tấn công đối phương ở đèo Sơn Na - tức đèo Kim Quy hiện nay. Đại tá Hồ Hữu Lạn kể: Tháng 7 trời hanh khô, địch dùng máy bay B-52, pháo bầy đánh vào trận địa ta và thả bom cháy xuống các đồi tranh. Trong khi đó trên đường 12 chúng còn dùng cối 81 ly gắn trên xe M-113 liên tục bắn vào nơi nghi ngờ.

Đồi tiếp đồi, cỏ tranh rực cháy, tiếp đó là đạn bom liên tục cày xới. Bộ đội ta nhờ trú trong những căn hầm chữ A nên ít thương vong, dù ngột ngạt và căng thẳng nhưng quyết tâm bám trụ, ngoan cường đánh trả các đợt phản kích của đối phương ngăn không cho địch giải vây Động Tranh, lúc này đã bị vây tứ phía.

Do bị vây ép dài ngày và bị tổn thất lớn nên Sư đoàn I QĐSG quyết định thay quân.

Phát hiện tình thế này, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 quyết định giao Trung đoàn 3 tấn công Động Tranh đúng vào thời điểm lộn xộn, không phòng bị. Đúng 9 giờ ngày 24/7/1972 từng tốp trực thăng chở binh sĩ của Trung đoàn I Sư đoàn I QĐSG đáp xuống 2 sân bay dã chiến ở Động Tranh - Bastogne. Chỉ đợi có vậy, pháo và cối của QGP dồn dập bắn phá. Pháo ngưng, Tiểu đoàn 9 do Lê Chí Tuấn (Tiểu đoàn trưởng) và Phạm Bá Tình (Chính trị viên) chỉ huy chia làm ba mũi đánh chiếm đầu cầu. Tiểu đoàn 8 do Phạm Huy Chưởng (Tiểu đoàn trưởng), Trương Anh Dũng (Chính trị viên) chỉ huy tấn công mở cửa hướng nam Động Tranh. Bị pháo dập, bị bộ binh bất ngờ tấn công, đối phương thiệt hại nặng; số sống sót tháo chạy bị chặn đánh. Hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 1 và 3 thuộc Sư đoàn I QĐSG bị xóa sổ. Bastogne - Động Tranh và Chúc Mao - Checkmate rơi vào tay QGP.4

Ở phía tây Huế mùa hè năm 1972 đã diễn ra nhiều trận kịch chiến. Riêng tại Chúc Mao - Checkmate và Động Tranh - Bastogne hai bên giành đi giật lại nhiều lần và binh sĩ hai bên đều bị thương vong rất lớn. Suối Máu, khe Điên, dốc Mạ Ơi… tự nó đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh. Riêng Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 có hai vị Trung đoàn phó lần lượt hy sinh, đó là ông Võ Toàn hy sinh ngày 14/5/1972 khi cùng Tiểu đoàn 7 rút khỏi Động Tranh; ông Võ Vương hy sinh ngày 15/7/1972 khi cùng 2 Tiểu đoàn 7, 8 đang vây ép Chúc Mao - Checkmate. Họ là những vị chỉ huy dũng cảm luôn sát cánh cùng các đơn vị ngoan cường chiến đấu trong “mùa hè đỏ lửa” ở mặt trận phía tây Huế.

Chiến công hào hùng và sự hy sinh của họ luôn được lịch sử nhắc nhớ, vì đó là mạch nguồn góp phần vun đắp cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay.

P.H.T
(TCSH434/04-2025)

---------------------
1 Sau này là Thiếu tướng Phạm Huy Chưởng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Huế.
2 Sau này là Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
3 Đại tá Hồ Hữu Lạn: Trung đoàn một thời chiến trận, tr 250 - 251. Nxb. Quân đội nhân dân, 2019.
4 Đại tá Hồ Hữu Lạn: Sđd, tr 267 - 268.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đẹp ước mơ (26/04/2025)