Tạp chí Sông Hương - Số 434 (T.04-25)
Áo trắng băng đèo
14:53 | 29/04/2025

HAI SÔNG

Hùng hoàn tất kỹ thuật xoa bóp chân tay buổi sáng trong ngày cho người vợ bị bán thân bất toại đã gần bốn năm, theo hướng dẫn của các bác sĩ và kỹ thuật viên khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng của bệnh viện hướng dẫn.

Áo trắng băng đèo
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Xong, hắn kéo chăn đắp cẩn thận cho vợ, rồi mới chỉnh lại bộ quân phục bạc màu nhưng chưa sờn rách cho thật tươm tất trước khi cùng tôi bước ra khỏi cổng nhà. Hai thằng thả bộ qua cầu Phú Xuân rồi đi lên Phu Văn Lâu. Điểm đến là Nghinh Lương Đình, nơi có gió mát và cái bến có thể ngồi ngắm nhìn không gian xứ Huế buổi bình minh. Khi hai thằng đã an vị, hắn mới mở lời. Giọng Hùng trầm, không có màu vui vì hắn đã nói trước là câu chuyện hắn sắp kể sẽ nhuốm sắc buồn. Tôi lặng yên ngồi nghe thằng bạn cùng tuổi, cùng quê, cùng nhập ngũ một lần, rồi cùng ở một đơn vị suốt bốn năm ở chiến trường, tình thân hơn cả người ruột thịt kể về mối tình thoáng qua đầu đời mà không thể nào quên của nó.

*

Mình chỉnh đốn trang phục cho tươm tất trước khi ra cổng đón khách. Trên cầu vai đính quân hàm thượng sĩ và phù hiệu công binh còn mới, chừng đó cũng đủ để cậu binh nhì liên lạc Tâm hồn nhiên “Báo cáo thủ trưởng Hùng! Thủ trưởng có khách.” Còn cậu binh nhì vệ binh gác cổng Tuấn sẽ đứng nghiêm chào. Trong đơn vị này, theo cách xưng hô của hai cậu binh nhì Tuấn và Tâm thì phải có đến gần trăm “thủ trưởng” mặc dù chỉ có ba sĩ quan chỉ huy gồm một C trưởng, một C viên và một C phó, còn lại là sáu chuẩn úy và thượng sĩ là B trưởng, B phó và B viên. Mình là một trong gần chín mươi cựu binh còn ở cấp và chức có chữ “sĩ” nhưng lại được hai chàng lính trẻ măng trịnh trọng gọi là thủ trưởng vì với hai cậu này, hễ ai là cựu binh có nước da nhợt nhạt vì bệnh sốt rét rừng với bộ quân phục cũ bạc màu từ chiến trường ác liệt trở về đều là Thủ trưởng. Chưa hết, “Chị nớ trẻ, đẹp dễ sợ, đẹp dòm lịm cả người!” - Cậu tân binh Tâm quê huyện Quảng Điền cũng khá tinh nghịch ghé tai thủ trưởng Hùng nói lẹ.

Ai nhỉ? Vừa đi, mình vừa căng óc cố đoán ra cô gái Huế nào “trẻ, đẹp dễ sợ, đẹp dòm lịm cả người” như cậu binh nhì Tâm lém lỉnh cho biết. Trong số các cô em họ đẹp dòm lịm cả người thì hầu hết đã lấy chồng, nay xấp xỉ ba mươi tuổi hoặc hơn, trước năm Mậu Thân - 1968 đều theo chồng vào miền Nam. Nay Huế vừa được giải phóng, tụi mình và các đồng đội quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế chưa được phép về thăm gia đình, bà con nội ngoại; muốn hỏi thăm tin tức nhưng không biết liên hệ với ai? Mà thời đó các cô em họ đẹp dòm lịm cả người của mình nếu ở Huế thì hầu như có chồng hoặc là sĩ quan hoặc là bác sĩ, kỹ sư, công chức hành chính chế độ cũ cả, trước tháng 4 - 1975 không hét ra lửa cũng hái ra tiền, nay đang tạm trú đâu đó, chắc chưa ai dám về quê. Vậy là ai? Thôi kệ, cứ ra gặp rồi biết! Mình thủng thẳng bước ra cổng.

Đột nhiên lời căn dặn của chính ủy cách đó vài hôm khi cả đơn vị vừa đặt chân xuống đất Huế bỗng vang vọng trong đầu mình: “Quân đoàn 2 đang hành quân cấp tốc với quân lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” để phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương nhằm giải phóng toàn bộ các tỉnh duyên hải miền Trung từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Đức, Quảng Ngãi… cho đến Ninh Thuận. Chúng ta mừng nhưng không được chủ quan lơ là cảnh giác vì ngọn lửa chiến tranh chưa tắt hẳn. Các cứ điểm của địch ở cửa ngõ phía Bắc và Tây Nam Sài Gòn còn nguyên vẹn sức chiến đấu. Tôi yêu cầu tất cả đơn vị, từ chỉ huy đến chiến sĩ, từ cựu binh đến tân binh luôn ở tư thế thường trực sẵn sàng chiến đấu!”. Thường trực sẵn sàng chiến đấu không chỉ có việc “súng đạn sẵn sàng” mà còn phải nêu cao ý thức cảnh giác trước mọi tình huống, nhất là khi có người lạ vào đơn vị. Phó chính ủy từng đã nhắc nhở các chiến sĩ: “Người bơi giỏi đôi lúc chết đuối khi chỉ cách bờ vài mét! Ngọn lửa chiến tranh cháy suốt ba mươi năm, giờ sắp tắt nhưng chưa tắt hẳn, những họng súng kháng cự vẫn chực chờ đâu đó. Chỉ cần một chớp mắt khi tiếng súng của địch nổ, máu của các chiến sĩ cách mạng sẽ đổ, đó là sự hy sinh một cách oan uổng khi sắp đón nhận hòa bình!”. Giật mình nghĩ: Liệu trong vẻ đẹp dòm lịm cả người kia có thể ẩn giấu một họng súng ngắn hay một trái lựu đạn? Chân mình hơi khựng lại, chần chừ định quay về phòng thì một ý nghĩ khác lại đến: Mình là cái thằng lính quèn, có chức vụ gì to tát đâu mà lo. Với lại, vệ binh có trách nhiệm kiểm tra trước rồi! Ý nghĩ tích cực đó khiến chân mình vững bước hơn. Gần đến đoạn quẹo ra cổng, mình bỗng nhớ ra một người. Có thể nào? Mình bước vội với đôi mắt mở to. Kia rồi, tà áo dài trắng đang dìu dịu bay. Có phải là? Mình sải bước như chạy. Trời ơi! Thủy! Phải là em đó sao? Có lẽ nào?

*

Ngày cuối cùng của chuỗi dài hai mươi lăm ngày đêm chiếm giữ thị xã Huế đã đến. Mật lệnh đã ban ra: Đúng bảy giờ tối hành quân. Chỉ còn hai mươi phút nữa, đơn vị sẽ hành quân bí mật cấp tốc từ trước chợ Kim Long, qua làng Xuân Hòa đến cầu Lương Hạ, qua cầu rẽ trái đi thẳng lên làng Trúc Lâm, tạm dừng lại để cáng thương binh ở Chợ Thông, sau đó đạp phương vị đến làng La Chử, đi lên Văn Xá Trung rồi băng đồng đi lên núi. Mình chỉ biết đến đó vì dù sao cũng mới bước vào đời lính Giải phóng quân được… hai ngày, trên thân còn mang bộ đồng phục học sinh Huế, bàn tay chưa biết cầm khẩu súng AK, chỉ có hai bàn chân mang đôi dép lốp cao su vừa được một anh cựu binh đưa cho mà thôi. Mình vội vàng thả cái túi vải (vì chưa có ba lô) xuống nền sân rồi chạy xuống hầm trú ẩn được hai anh bộ đội và mình phụ đào vội cho gia đình bà dì của mình lấy chồng ở làng Kim Long. Căn hầm vừa đủ chứa gia đình bà dì và gia đình người anh họ của chồng bà. Trong căn hầm nhỏ le lói ngọn nến đỏ chỉ đủ chiếu sáng cửa hầm, Thủy đang ngồi bó gối nhìn ra cửa. Cô học sinh lớp đệ tứ trường Nữ Trung học Đồng Khánh là cháu họ ông chồng bà dì của mình, chỉ mới biết mặt anh học sinh lớp đệ nhị trường Quốc Học Huế chừng hơn hai mươi ngày, chừ sắp chia tay anh bộ đội trẻ hai ngày tuổi quân để “anh lên rừng”. Mình nhảy xuống cửa hầm hơi nặng chân một tí khiến Thủy cùng người chị cả giật mình nhìn lên. Thủy vội vàng nhổm dậy toan bước ra nhưng nỗi thẹn thùng của cô nữ sinh Huế chưa qua hết tuổi dậy thì khiến chân cô ríu lại. Người chị cả hiểu ý, đẩy nhẹ tay vào lưng em gái, giúp cô vượt qua nỗi thẹn thùng bước ra cửa hầm. Mình đưa tay ra cho Thủy nắm lấy, cả hai bàn tay đang nắm chặt nhau đều nóng rực lên. Mình chỉ kịp nói nhanh:

- Anh đi nghe!

- Anh đi chừ luôn hả? Khi mô về? - Thủy hỏi rất nhỏ, mắt loáng nước.

- Ừ! Anh đi! Em ở lại ráng… học giỏi nghe! Thực ra mình muốn nói: ráng chờ anh nghe, nhưng ba tiếng cuối bị nghẹn, đành sửa thành học giỏi nghe.

Bất ngờ, cô gái thẹn thùng ngày thường bỗng biến thành một cô gái mạnh dạn vụt nói rất nhanh:

- Anh nhớ trở về với em! - Rồi cô đút vào tay mình một phong bì nhỏ, xong chạy vụt vô hầm.

Không kịp nhìn lại, mình vội nhảy lên khỏi cửa hầm, nhét phong bì Thủy vừa đưa vào túi vải rồi quàng lên vai, ba chân bốn cẳng chạy đến chỗ tập trung. May quá, vừa kịp đứng vào vị trí cuối trong hàng ngũ đã sẵn sàng. Trời mưa lất phất từ trưa đến chập tối khiến con đường nhựa cũ kỹ đã đọng vài vũng nước loang loáng dưới trời đêm đầy sao. Thủy chắc không thể ra tiễn mình được rồi! Mình cố ngoảnh lại nhìn thêm lần nữa trong niềm hy vọng mong manh… Từ đó đến hôm nay, cuối tháng 3 năm 1975 đã là bảy năm xa cách quê hương, bạn bè và… mình không dám gọi khoảng thời gian đó là gì, xa cách hay đợi chờ? Bây giờ càng không thể! Vì bây giờ Thủy đang đứng trước mặt.

*

Không để Hùng tiếp mạch chuyện xưa, tôi gặng hỏi cho rõ:

- Đây là người thứ hai trong đời khiến ông luôn tự dặn mình phải trọn đời thương vợ, không được mơ màng bóng hồng nào khác, phải không?

- Ông nóng vội quá, để mình kể cho xong thì tự nhiên ông hiểu. - Hùng nhăn nhó tỏ vẻ không đồng tình thái độ nôn nóng của tôi.

- Mình xin lỗi, mình nghe ông chăm sóc vợ suốt hơn bốn năm trong bệnh viện, giờ chăm sóc ở nhà cũng gần hai năm không phiền con trai con gái, con dâu chăm sóc khiến ai cũng kính phục sự chăm sóc chu đáo của ông dành cho người vợ bán thân bất toại, điều không thể làm nếu không có nghĩa tình sâu nặng… nên mình muốn biết luôn. - Tôi phân trần.

- Như ông đã nghe lần trước, khi mình có chuyện căng thẳng với vợ và nhà vợ đến mức mình định viết đơn ly dị vợ để vô Nam, thì chính lời dặn của mẹ mình trước khi mất đã khiến mình nghĩ lại, ông còn nhớ chứ?

- Nhớ. Bà dặn con trai mình rằng: Ai sinh ra là nữ nhi thì như phải chịu kiếp trời đày, khổ từ lúc lần đầu hành kinh cho đến khi nhắm mắt. Con đã chọn yêu và lấy vợ con thì cố gắng đừng phản bội nó. Dù sau này thế nào, con cũng giữ cho được tình yêu thương, chăm sóc vợ, nhất là khi ốm đau. Dù tức giận đến mấy cũng không được chửi bới, xúc phạm vợ và cha mẹ vợ, càng không bao giờ được dang tay đánh vợ. Thế mới xứng đáng là đứa con hiếu thảo của mẹ! Đúng không?

- Ông biết rồi, cuộc đời mẹ mình trải nhiều nỗi khổ đau, lớn nhất là nỗi khổ bị chồng, tức cha mình, phản bội! - Hùng ngừng lời, giọng hơi nghèn nghẹn.

- Mình xin lỗi lần nữa! Thôi, ông kể tiếp đi. Nhất là lý do vì sao ông lấy vợ không phải là Thủy.

*

Lên đến hậu cứ, cả đơn vị được phép nghỉ ngơi sau khi chỉ huy phân từng người, từng tổ về các lán trại, hầm chữ A. Lúc đó, mọi người tranh thủ ăn cơm xong đi tắm rửa, mình hồi hộp mở ngay phong bì Thủy nhét vào tay. Trong đó có một tấm ảnh của Thủy đang đứng trước cổng trường Đồng Khánh và một mảnh giấy ghi một dòng chữ ngắn gọn: Ngày Hùng đi, Thủy bồi hồi nhớ nhung! Chưa dám mạnh dạn xưng em và gọi anh nhưng cũng đủ khiến mình ngây ngất!

Tấm ảnh và lá thư ấy được mình bọc kỹ trong túi nhựa nhỏ, luôn nằm trong túi áo ngực bên trái, trên mỗi bước hành quân qua từng chiến dịch, vượt thoát bao trận càn, may mắn sống sót qua mỗi trận mưa bom B52 trút thẳng vào địa điểm đóng quân, qua bao lần hành quân dời địa điểm đơn vị, những chuyến đi công tác mà nguy hiểm luôn chực chờ khi về bìa rừng nhận lương thực và thuốc men do cơ sở ở đồng bằng gửi lên. Chưa bao giờ hình ảnh của Thủy mất đi trong các giấc mơ của mình. Cũng có lúc bật cười với chính niềm tin trong veo ngây thơ của mình: Thủy sẽ chờ đợi ngày mình chiến thắng trở về. Nhưng mình lại nhớ câu thơ “Thời chiến chinh, mấy người đi trở lại!” trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan mà hồi ấy bọn nam sinh của Huế tụi mình hay rền rĩ điệu bolero bài hát của Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan; hay bài thơ Đường luật có hai câu “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” thì làm sao một cô nữ sinh như Thủy có thể chờ đợi một bóng hình mới gặp ít ngày, chưa thể nào in đậm vào tâm tưởng! Dù vậy, mình vẫn mong có ngày gặp lại Thủy và khi ấy thì… Cho đến năm 1971, trong chiến dịch Nam Lào mà phía địch gọi là Lam Sơn 719, khi buộc phải qua sông Sê Pôn vào ban tối, lúc nước lũ thượng nguồn đang ào ào về, mà mình thì mới chập chững biết bơi. Dù có anh cựu binh miền Bắc rất thương các học sinh Huế nên luôn đi sát bày vẽ cho mình cách vượt sông mùa nước lũ và giành gùi luôn bao gạo dẻo nặng gần một tạ với hai băng đạn AK dự phòng, nhường chiếc bao nhựa to dày cho mình bọc chiếc ba lô nhẹ hều cùng bịch muối trắng mười lăm ký lô - món quà quý hơn vàng của cơ sở trong hoàn cảnh đơn vị bị nhạt muối gần ba tháng, phải đốt cỏ tranh, cây nứa lấy tro hòa nước lã, để lắng rồi lọc ra phần nước trong có vị mằn mặn của muối để nấu canh. Ông biết rồi, muối mang từ đồng bằng lên cứ có khi phải đổi bằng máu. Vậy mà mình đành đoạn vứt nó với khẩu súng AK cùng cái ba lô bất ly thân xuống điểm xoáy của dòng chảy để mong tự cứu nhưng rồi vẫn bị dòng lũ cuốn mình xuống vực. Nếu không có anh Khoa cựu binh người Hà Tây dũng cảm lao xuống cứu hôm đó thì không có mình hôm nay ngồi kể chuyện cho ông nghe đâu!

- Rồi thì sao, kể tiếp đi!

- Rất kỳ lạ, ngay sau lần suýt chết đuối đó, hình bóng Thủy biến mất trong giấc mơ của mình. Cũng không một lần nào mình nhớ lại kỷ niệm lúc ngậm ngùi chia tay để lên rừng. Không hề, kể cả kỷ niệm lãng mạn đáng nhớ nhất là lúc hai đứa ngồi trong căn hầm tránh đạn pháo bắn ì oàng suốt đêm, Thủy ngồi ngắm trời sao qua cửa hầm, bất chợt thấy một ngôi sao băng vụt qua rồi vụt tắt, em lại thừ người ra. Mình hỏi, em im lặng trả lời mà như hỏi lại mình: Kiếp người như thế thôi! Liệu tình yêu… nếu xa xôi? Trong thời gian lãng quên ký ức đó, mình gặp Huệ, vợ mình bây giờ. Ba năm sau, mình và Huệ thành đôi ngay giữa chiến trường, trước khi Chiến dịch Tổng tấn công mùa xuân 1975 diễn ra, như ông đã biết. Mình cứ say sưa theo hạnh phúc mới cho đến khi gặp lại Thủy trong bộ áo dài trắng nữ sinh Huế với đôi bàn chân rớm máu.

- Đôi bàn chân rớm máu! Vì sao? - Tôi lại nôn nóng hỏi.

*

Mình đứng sững như bị đông cứng lại. Bảy năm xa cách, Thủy hiện ra như ảo ảnh khó ngờ. Hai ống quần nhỏ nhắn lấm lem bụi đường. Đôi bàn chân rướm máu! Mồ hôi dính bết tóc. Nhưng đôi mắt sáng bừng khi mình vừa gọi tên nàng. Nàng ào tới ôm chầm lấy mình, như thể chưa bao giờ là gái Huế kín đáo e dè, bất chấp cậu lính trẻ đang đứng gần đó. Mình bị khóa cứng trong hai cánh tay mềm mại của nàng. Mình như bị tan chảy trong dòng nước mắt của nàng. Người binh nhì bồng súng đứng nghiêm nhưng đôi môi nở nụ cười tinh nghịch. Chờ cơn xúc động của Thủy dịu xuống, mình dìu Thủy vào căn phòng khách nhỏ bé đơn sơ ở gần cổng, vốn là một công-ten-nơ rỗng của quân địch để lại. Thủy vừa lau nước mắt vừa cười, cái miệng cười méo xệch và đuôi mắt dài thêm như hơi luyến của điệu hò mái nhì:

- Bắt người ta đi tìm cả mấy ngày! Mệt bắt chết luôn! - Thủy vừa nói vừa hờn dỗi nguýt yêu mình.

- Sao em biết anh ở đây mà tìm đến?- Mình hỏi rất ngớ ngẩn.

- Đi tới mô có bộ đội giải phóng là em hỏi liền: Mấy anh có biết anh Hùng có cái nốt ruồi gò má trái to như ri không? - Thủy đưa đầu chót ngón út ra - Ai cũng cười rồi lắc đầu. Hỏi riết từ Hòa Khánh đến đầu cầu Truồi may gặp anh chi đó trước cùng đơn vị với anh đang tìm mua rau ở chợ Truồi, anh chỉ tìm tới chỗ ni. May quá! - Thủy thở một hơi dài sung sướng, đôi mắt bừng lửa yêu thương ủ kín bảy năm dài…

- Ủa, rứa em đi bộ qua đèo Hải Vân à? - Mình lại hỏi một câu ngớ ngẩn nữa.

- Không đi bộ thì xe mô mà đi! - Thủy nguýt một cái dài miên man như đôi bờ sông Hương - Không đi bộ qua đèo Hải Vân thì đi đường mô? - Rứa mà cũng hỏi. - Nàng hứ “cóc một cái”!

Thú thật lúc đó mình sững sờ. Thân gái dặm trường áo trắng băng đèo Hải Vân giữa lúc nguy cơ ngập tràn. Đó là lúc binh lính của địch đang ào ào rút chạy khỏi Huế, cũng là lúc quân ta bằng mọi phương tiện tiến nhanh nhất từ mọi ngả vào Đà Nẵng. Trời ơi! Lỡ như… mình thật sự run sợ khi nghĩ đến điều không may xảy ra với Thủy. Mình ray rứt nhìn vào đôi mắt ấy. Ngày xưa, cô nữ sinh lớp đệ tứ trường Đồng Khánh chưa đẹp tròn vẹn như bây giờ, lại nhát gan như thỏ, nghe lá rụng cũng giật mình tưởng bước chân ma, thấy con giun đất cũng tái mặt như gặp rắn. Cô như búp hoa mai hẹn nở đón xuân về. Hồi ấy, mình tự tin có bổn phận canh giữ vườn thiêng, đợi ngày đẹp nhất. Với Thủy lúc này, ngày ấy sắp đến gần sau bảy năm chờ đợi! Nhưng em ơi!...

- Rứa dọc đường em không bị nguy hiểm chi à? Em cứ mặc nguyên bộ áo dài nữ sinh như ri mà vượt đèo Hải Vân suốt mấy ngày qua à? Em ăn ở mô, ngủ ở mô? Em không sợ ma à? Không sợ cọp, sợ rắn à? Đêm lạnh em lấy chi mà đắp? Không sợ lính Sài Gòn làm càn sao? Không…

- Trời ơi! Thủy giậm chân nũng nịu. - Hỏi từ từ cho em trả lời chớ! Mệt bắt chết đây này! Mà vô duyên ghê, không mời người ta ly nước…

Cậu binh nhì vừa vặn thế nào lại bưng hai ly nước vào. Mình cám ơn rồi vội vàng đưa cho Thủy một ly: Anh xin lỗi, lo quá nên anh hỏi dồn dập, chừ em từ từ nói đi.

- Ơ mà cũng lạ! Như có Trời Phật phù hộ cho em a! Không gặp chuyện chi cả! Em cùng gia đình ngày hăm bốn chạy vô Đà Nẵng, ngày hăm sáu nghe tin Huế giải phóng, hy vọng là anh đã về, em định đi ngay nhưng ba mẹ không cho, đợi hai anh trai vô đã (Thủy có hai người anh trai là lính Sài Gòn). Đợi hết tối hăm sáu, rạng sáng hăm bảy em trốn đi luôn, quên cả chuyện nguy hiểm dọc đường, quên xin tiền mạ. May có mấy anh bộ đội mời ăn lương khô, uống nước lạnh trong bi đông khi nghe tin em đi tìm người… người… Thủy đỏ bừng mặt ấp úng nói.

- Rồi em có gặp lính Sài Gòn không? Lúc đó ở Hòa Khánh vẫn còn lực lượng lính Sài Gòn mà? Em không sợ răng?

- Em là nữ sinh. Mạ nói rồi: Ở hiền gặp lành!  

- Gan chi mà to rứa cô? - Mình cố gắng nói nghiêm để kìm giữ cảm xúc.

- Tại anh chớ tại ai? - Thủy nũng nịu ngước nhìn mình, đôi mắt không giấu niềm hạnh phúc.

Biết nói chi bây giờ với em? Mình ray rứt tự hỏi. - Hùng ngừng lời.

Tôi không nén được tò mò, lại xen vào:

- Lãng mạn quá, đẹp quá! Cô gái nữ sinh áo trắng băng qua Thiên hạ đệ nhất hùng quan tìm người yêu khi khói lửa chiến tranh vẫn chưa tan, chưa tắt. Ôi! Câu chuyện đẹp như cổ tích! - Tôi hào hứng cất giọng “ca cải lương” chọc ghẹo Hùng. Chợt nghĩ đến điều oái oăm của bạn lúc ấy, tôi hỏi:

- Này, thế Huệ lúc đó đang ở đâu? Sao không ra bắt tại trận?

- Huệ cùng ở đơn vị nhưng lúc đó đang ở tạm doanh trại khác cách khá xa.

- Nhưng tin đồn của lính ta lan nhanh lắm đấy.

- Mình cứ thành thật nói cho cô ấy biết. Cô ấy hứ cái cóc, nói: Yêu với đương chi chừng nớ tuổi! Cả hai đang là đồ con nít ranh! Khoảng ba tháng sau, chú em họ của mình, cũng là em họ của Thủy tạo điều kiện cho vợ chồng mình gặp và nói chuyện vui vẻ với Thủy tại nhà chú ấy để giải quyết trọn vẹn chuyện đó rồi. Cũng nhờ vậy, mình mới nói rõ ràng mọi sự và chỉ mong Thủy hiểu vì sao mình quên, vì sao mình cưới vợ sớm thế.

- Sau đó thì sao?

- Thứ nhất, mình phải nhanh chóng đóng lại hai cái hòm gỗ đựng tư trang của hai vợ chồng bị vợ mình “vô tình đập vỡ nát” khi mình vô tư đưa Thủy về nhà.

- Ông thật là hâm tỉ độ, không có chút hiểu biết tâm lý đàn bà. - Tôi bật cười với sự vô tư của bạn.

- Thứ hai, mình phải nghe lời dặn dò của Thủy khiến mình đứng chôn chân giữa đường làng nhìn Thủy chầm chậm bước về nhà.

- Thủy dặn dò gì ông? Có giống lời căn dặn của bà nội mấy cháu không? - Tôi lại hấp tấp hỏi.

- Thủy nói nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng rõ ràng: Thôi, rứa thì em phải vô Nam với bà chị ruột trong đó. Khi có cơ duyên gặp người phù hợp, em sẽ lấy chồng. Nhưng em dặn nầy: Anh đã lựa chọn chị ấy thì đừng bao giờ phản bội, hắt hủi. Em ở xa nhưng còn bà con ở Huế, ở gần nơi anh làm việc. Em sẽ là em gái chị ấy, sẽ theo dõi anh. Nếu anh thay lòng đổi dạ thì không những anh đánh mất chị ấy mà còn mất em vĩnh viễn! Nhớ chưa?

Im lặng một lúc, Hùng nói lời tâm đắc: Thật lòng, mình rất bất ngờ với hai người phụ nữ gặp được trong đời. Một là Huệ, dù “lỡ tay đập vỡ” cái hòm gỗ đựng tư trang của hai vợ chồng, nhưng từ đó đến nay, Huệ vẫn vô tư làm tròn bổn phận người vợ, con dâu, mẹ và cháu dâu trong gia đình, họ tộc, làng xóm. Bà con bên nội và cả bên ngoại của mình luôn đánh giá rằng: Anh phúc lớn mới gặp được chị Huệ! Thứ hai là Thủy, mình không ngờ cô ấy dù chắc chắn rất đau khổ nhưng đã lựa chọn lối thoát nhẹ nhàng, êm ái và đầy tình người. - Hùng trầm ngâm nhìn ra mặt nước sông Hương êm ả trôi trong ánh sáng ban mai đang tỏa rạng không gian trên bến Nghinh Lương Đình.

Tôi im lặng vì tôn trọng phút giây chìm vào suy tư của bạn mình. Một lúc sau, Hùng nói chậm rãi: Từ đó, hình ảnh Cô nữ sinh áo trắng băng đèo mãi mãi khắc sâu trong lòng tôi!

H.S
(TCSH434/04-2025)

 

 

Các bài đã đăng
Đẹp ước mơ (26/04/2025)