Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong. Lớn lên ở Huế, không lúc nào tôi không cảm thấy thành phố nầy như một khu vườn thân mật của mình ở đó, tôi có thể tư duy cùng với hoa sen, khát vọng với hoa phượng, mơ mộng với mùi hương sâu thẳm của hoa ngọc lan ban đêm, và khi thành phố lộng lẫy trong sắc mai vàng mùa Xuân, không hiểu sao lại thấy lòng thức dậy một niềm ngưỡng mộ bao la đối với cuộc sống. Cũng ít có một thành phố nào như nơi đây, giữa tạo vật và con người luôn luôn gắn bó một tình bạn thân thiết và tươi xanh đến như vậy. Cho đến nay, người Huế vẫn còn duy trì một phong tục cổ xưa về tình bạn cao quý đó: khi người chủ vườn qua đời thì những người già đem buộc băng tang vào những cây quý trong vườn để cây khỏi tàn lụi theo, vì người ta tin rằng cây cũng vui buồn cùng với con người. Không nên nhầm lẫn mối thân tình nầy với điều vẫn gọi là “tình bạn” mà nhiều người phương Tây, như người Anh chẳng hạn, thường cảm thấy đối với loài vật. Ở đây, quan hệ con người - cây cỏ xuất phát từ một truyền thống triết lý sâu xa của phương Đông rất được nhấn mạnh trong tâm thức người Huế, rằng con người vốn là kẻ cư ngụ trong căn nhà lớn của vũ trụ; từ đó, trong cố gắng vươn tới niềm hạnh phúc về tinh thần, con người luôn luôn biểu hiện nỗi khát khao tìm về nơi ăn chốn ở nguyên khởi của nó, nơi thực sự nó đã sinh ra. Dân gian kể rằng trong nỗi bất hạnh của đời người, cô Tấm đã hai lần sống ngụ trong cây thị và cây sầu đông. Tôi thường đọc thấy cái ý tưởng ấy bàng bạc khắp nơi trong cảm hứng của các nghệ sĩ Huế: những nghệ nhân trang trí thích dùng môtíp con chim phượng (chim phượng luôn luôn tượng trưng cho sự thăng hoa của tâm linh) hóa thân từ lá cây; trong một tác phẩm lụa của họa sĩ Tôn Thất Đào, núi Ngự Bình được nhìn thấy như là một cô gái nằm mơ màng giữa những cánh thư màu xanh vốn là những ruộng lúa; hoặc nơi này nơi kia trong những bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn: “nhiều khi tưởng tôi là lá cỏ - ngồi hát ca rất tự do”. Lật lại cuốn sổ ghi chép về Huế, tôi chợt thích thú một cách bất ngờ khi đọc lại một câu của Mác, không nhớ tôi đã ghi lại từ lúc nào. Mác viết rằng: “Chúng ta không thể đối xử với thiên nhiên, thống trị thiên nhiên như kẻ xâm lược thống trị dân tộc khác, như một kẻ đứng ngoài thiên nhiên. Trái lại, chúng ta thuộc về nó, cả xương, thịt, máu và trí tuệ, và chúng ta ở bên trong nó”. Giữa những điều tôi đang suy nghĩ, như trong một văn cảnh chung, lời của Mác vang lên trong từng ý nghĩa của mỗi từ; và tôi tưởng chừng như trong khi đưa mắt nhìn khắp thế giới bằng cái nhìn xoáy tận bản thể của ông, Mác đã nhìn thấy thành phố xanh biếc của đất nước tôi. Cùng với mọi nhu cầu của con người hiện đại, có lẽ người Huế vẫn giữ riêng trong tâm hồn mình bản chất của một nhà thơ đồng nội. *** Có một khái niệm kinh tế rất được chú ý đối với Huế, gọi là “kinh tế vườn”. Tất nhiên là vậy, vì vườn Huế được tạo dựng nên đâu phải nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của các vị Thám Hoa (1), chỉ nhìn ngắm mà không cần ăn quả. Nhưng dù vẫn là nơi nổi tiếng về cây trái đôn hậu, sẽ là vô ích nếu người ta định tìm kiếm ở Huế những khu vườn cao sản kiểu vựa trái của miền Đông Nam bộ, và nếu người ta quên không nhìn đến diện mạo văn hoá của cái thế giới thực vật nho nhỏ kia. Thuở xưa thành phố chưa trồng phượng, cây hòe nở hoa vàng trước cửa sổ luôn luôn đánh thức nỗi xôn xao của đèn sách; người học trò xưa vẫn nhớ câu “hòe hoa hoàng, cử tử mang” (2). Vườn Huế, dù giàu hay nghèo, thường vẫn có cổng gạch, mái khá rộng, phía ngoài trồng vài cây có quả: ấy là chỗ dừng chân qua cơn mưa, là bóng mát dành cho người đi đường, là chút lộc hoa trái dành cho trẻ con trong xóm; cổng nhà nhìn ra nên luôn luôn ngụ tấm lòng người nhu mì thơm thảo. Người Huế lập vườn, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong sẽ là chút di sản tinh thần để đời cho con cháu. Vườn An Hiên là một kiểu vườn Huế như vậy.
Những năm gần đây, bà Lan Hữu phải tiếp khách hơi nhiều trong ngôi nhà cổ kính của bà, ở khá xa thành phố. Khách ngoài bắc trong nam, quen hay lạ, đến Huế đều muốn tìm thăm khu vườn của bà. Điều này hình như không hợp với thói quen của bà, bởi vì dù ham hoạt động xã hội, bà vẫn thích dành riêng cho mình cuộc sống tĩnh mịch của người làm vườn. Chồng mất từ hồi bà còn trẻ, bà về sống một mình với khu vườn này đã hơn bốn chục năm qua, trồng cây như ở đời, thẩm nhập vào trong hoa trái tất cả niềm cảm hứng tự do của một nghệ nhân tự thể hiện “cái tôi thứ hai” của mình. Dù trong những ngày thanh thản nhất, tôi vẫn cứ thấy như là yên lòng trở lại mỗi lần bước qua cái vòm cổng kia, thấy nhô lên ở cuối sân chiếc mái ngói cổ với những nét uốn cong giống như nụ cười nhếch mép của thời gian phảng phất giữa ngàn lá xanh biếc. Một lối đi khá dài, hai bên trồng mai trắng, lá đan vòm che trên đầu người như nối dài thêm cái vòm cổng vào đến sân. Tôi vẫn dành một niềm ngưỡng mộ riêng về chất trí tuệ của truyền thống dân tộc ở Huế qua cái “ngỏ hạnh” này: ở đây, qua vài chục bước đi thong thả dưới lá xanh, nó thường mang lại cho tôi một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo thực khó tả - một chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi của biển. Trong phút chốc, nó đánh thức con người mơ mộng trong tôi để rủ nhau vào cuộc đối thoại với cây cỏ. Vườn có một cây ngọc lan già năm chục tuổi, đứng sát cổng, cây cao bóng cả, đồ sộ như một áng thơ dân gian. Thu tàn đông lạnh, nó chỉ rụng lác đác ít lá vàng, vẫn giữ một mầu lục tươi nguyên khối không hề biết đến năm tháng; cây già mà hoa trẻ, những cánh mầu ngà thon thon dáng ngón tay thiếu nữ, cầm hoa như giữ trong tay một kỷ niệm xao xuyến. Hồi tôi đến đây, cây ngọc lan vẫn còn, hoa nở không có mùa, cứ mỗi cơn mưa cơn nắng chợt đến lại bừng lên dễ đến hàng vạn đóa trên cây, hương bay xa mấy dặm, giống như người danh sĩ dân giã trong vùng chưa gặp đã biết. Tiếc quá, pháo Mỹ hồi tết Mậu Thân đã găm vào thân cây một mảnh đạn không gắp ra được; nó vẫn xanh tươi nhưng rỗng ruột dần; nấn ná bao lâu rồi bà Lan Hữu đành phải cho đốn đi, sợ có lúc nó đổ xuống làm sập cổng. Tôi đi xa về, không còn cây ngọc lan, lòng cứ bâng khuâng như thể mùa thu đã mất đi, dù rằng đối với mùa thu thực sự thì chưa bao giờ tôi cảm thấy mất mát như vậy cả. Hôm nọ đi quanh vườn, tôi lại chợt nghe mùi hương ngọc lan thơm nồng, cứ tưởng là ảo giác về nó. Tìm mãi, thấy ở góc vườn một cây hoa lạ, cũng là ngọc lan nhưng hoa vàng mầu đu đủ chín hườm, tôi mới biết lần đầu. Hỏi bà Lan Hữu, mới hay đó là hoa hoàng lan, thường gọi là bông sứ vàng, giống còn lại ở Huế rất hiếm. Tôi thường đi dạo trong vườn, đưa mắt nhìn cây cối trong vẻ đẹp của nó, thế mà thỉnh thoảng cứ thấy bị bất ngờ về những bí mật ấp ủ trong hoa trái; khu vườn đối với tôi vẫn mãi giữ sức hấp dẫn của một cuốn sách hay chưa đọc hết. Tôi đã được nghe nhiều nhận xét thực tế, và vẫn chưa được giải thích, về tính tổng hợp đặc biệt của môi trường sinh thái riêng của vùng Huế. Không hiểu vì sao đất Huế lại là nơi quần tụ của các loại cây trái đặc sản của hai miền nam-bắc. Cây măng cụt chẳng hạn, từ miền đông Nam bộ nó nhẩy băng qua suốt một dải miền trung rồi xuất hiện trở lại ở những khu vườn Huế từ Đông Hà trở ra lại không còn thấy bóng dáng; tương tự như vậy nhưng theo chiều ngược lại, cây vải Hưng Yên hoặc nhiều thứ hoa quả khác của phong thổ miền sông Hồng. Vườn An Hiên thật là Huế, trong cái nét tổng hợp những đa dạng đó của đất nước. Nó cũng thật là Huế, khi trong phòng tiếp khách của bà Lan Hữu vào cuối mùa đông, người ta có thể nhìn thấy trên một đĩa cắm hoa, những bông mai trắng điểm tuyết bên cạnh mấy nụ đào hồng mới chớm. Đó là bóng dáng của mùa đông đang ra đi, trong âm vang xa xôi của mùa xuân sẽ về. Và đó cũng chính là cái nhìn hướng vọng của tâm hồn mà bà nuôi dưỡng lặng lẽ, giữa tháng năm, đất nước, đời người… ***
Mùa xuân lên vườn An Hiên, đầu óc tôi không còn muốn bận bịu gì, để buông mình giữa cuộc sống sôi động của cây cối. Sau Tết trở đi, mọi cây lớn trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá, thì chính trong khu vườn này, tôi mới cảm nhận hết cái sức sống kỳ diệu của “Người Mẹ Tạo Vật”. Từ mặt đất ướt lạnh và quạnh hiu kia, mùa xuân chợt đánh thức dậy cả một thế giới lộng lẫy, rạo rực, như một khúc múa loại xiêm áo thường. Vườn An Hiên trồng nhiều hoa, mỗi thứ một ít nhưng đủ loại, dân giã có các loại nhài, lý, thạch lựu, tường vi và các giống hồng bản địa, quý phải như các loại thổ lan và phong lan; và bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập giống từ các hãng vườn Gaujard và Meilland ở châu Âu, người ta còn có thể nhìn thấy một bụi hoa sim dại. Từ cổng vào, lần nào tôi cũng dừng lại ngắm những cây hải đường trong mùa hoa của nó; hai cây đứng đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đóa ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc. Nhìn gần, hải đường có một mầu đỏ thắm rất quý, hân hoan, say đắm. Tôi vốn không thích cái lối văn hoa của các nhà Nho cứ muốn tôn xưng hoa hải đường bằng hình ảnh của những người đẹp vương giả. Sự thực thì ở ta, hải đường đâu phải chỉ mọc nơi sân nhà quyền quý; nó sống khắp các vườn dân, các sân đình, chùa, nhà thờ họ. Dáng cây cũng vậy, lá to thân khỏe, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn mầu gỉ đồng, trông dân giã như cây chè đất đỏ. Hoa hải đường rạng rỡ nồng nàn, nhưng không có vẻ gì là yểu điệu thục nữ, cánh hoa khum khum như muốn phong lại cái nụ cười má lúm đồng tiền. Bỗng nhớ năm xưa từ chiến trường ra, lần đầu lên thăm đền Hùng, tôi đã ngẩn ngơ đứng ngắm hoa hải đường nở đỏ núi Nghĩa Lĩnh. Hoa đẹp mãn khai vào dịp Tết ở đây, không thể không nhắc tới hoa trà mi, trồng trong những chậu sành lớn. Trà mi đỏ tươi, màu đỏ rất sâu, cứ hút lấy cái nhìn của người xem. Hoa đỏ đã đẹp, hoa trắng càng đẹp lạ; có cái gì thật trong và tinh khôi trong mầu trắng hoa trà, toàn đóa hoa như một phiến ngọc bạch. Chậu trà trắng này bà Lan Hữu mang từ Hà Nội về, là kỷ niệm riêng của bà trong những năm đi kháng chiến xa nhà; bà rất yêu quý, thường đưa vào nhà đặt ngay chỗ ngồi uống trà. Có lần thấy tôi nhìn hoa với con mắt chăm chú, bà hỏi tôi: - Anh có thích hoa trà không? - Dạ. Nhưng có lẽ thích đấy rồi quên nó đấy! - Cô ít nghe người khác nói như vậy, thường ai cũng khen hoa trà… - Hoa thì im lặng, hương chính là tiếng nói riêng của hoa. Mà hoa trà thì tuyệt đối không có mùi hương. - Chắc gì như vậy. Biết đâu hoa trà vẫn thơm, mình không nghe nhưng con ong thì bắt được. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Du lại nói rằng con ong nó tỏ đường đi lối về, anh không để ý à? Tôi vẫn giữ cái thành kiến của mình về hoa trà: - Cháu cho rằng chỗ này cụ Nguyễn Du nói hớ. Bà Lan Hữu cười to: - Bậy nào! Cô chơi hoa trà mới biết. Con ong bầu nó mê hoa này lắm, đuổi mấy cũng như không, phải lấy que hất nó ra. Này, thơ Kiều bóng bẩy vậy chớ có cơ sở cả đó, đọc phải cẩn thận nghe. Đúng là cụ Nguyễn Du thật đáng sợ về cái vốn sống thâm hậu của nhà thơ. Nghe bà Lan Hữu nói, tôi mới nhận ra cái lầm nguy hiểm của mình; trong bao năm đi dạy học, giảng Kiều, đến chỗ này tôi vẫn cho rằng cụ Nguyễn đã viết sai thực tế. Lại nhớ đến câu “Hải đường lả ngọn đông lân”, nhiều người vẫn chê rằng từ “lả ngọn” dùng không đúng so với cái dáng cứng cỏi của cành và lá hải đường. Tình cờ đọc tài liệu cổ ở nhà bà Lan Hữu, tôi mới biết rằng cụ Nguyễn Du vẫn đúng; hải đường Trung quốc (quê hương Kiều) thì cây thấp, cành mềm, lá nhỏ; xem hình vẽ thấy hoa chỉ có một lớp cánh mỏng xếp quanh nhị, không tạo thành hình khối gợi cảm như hải đường ở ta. Tháng ba… khi các màu sắc trong khu vườn đã quá độ mãn khai của chúng vào tiết xuân, lùi lại dần trong cảm giác quen mắt, thì bắt đầu tháng ba, hoa lê nở. Năm ấy tôi về muộn, sau một chuyến đi dài. Mùa hè năm trước, tôi tham dự một cuộc đi thực tế qua các đơn vị tiên tiến của quân khu 3, về thăm một xã nổi tiếng làm vụ đông giỏi ở Hải Hưng, rồi cùng một vài người bạn về nằm tại một vùng lấn biển ở cửa sông Đáy. Mùa thu tôi vào Nam, ngược sông Vàm Cỏ đông lên mấy xã biên giới Tây Ninh đã phục hồi cuộc sống sau cuộc chiến tranh xâm lược của bọn Pôn Pốt; băng qua rừng Dương Minh Châu nhìn lại những vết tích thánh địa của cuộc kháng chiến trước khi chúng vĩnh viễn lặn mất dưới đáy hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Tôi quay về trèo núi Bà Đen trong ngày hội truyền thống của cán bộ rừng cũ, lại xuôi Long An thăm một làng người Huế chuyên nghề nấu dầu tràm giữa Đồng Tháp Mười; vừa kịp cuối năm, về chơi Tết và uống rượu mừng khánh thành khu công nghiệp liên hợp của nông trường An Hạ. Một năm tôi đi dài, như dự vào một cuộc chạy việt dã băng qua bấy nhiêu vẻ đẹp của cuộc sống; cuộc sống tháo vát với những thành tựu làm say mê lòng tôi ở khắp mọi nơi, dù thầm lặng như không cần ai biết đến, ở tận nơi đầu núi cuối sông. Những sự kiện thật xô bồ trong hai cuốn sổ dầy đã ghi đến hết trang cuối, nhưng chữ nghĩa thì cứ bò qua dưới mắt tôi như một bầy kiến, không hồi hộp không vang động, tôi ngồi vào bàn từng chốc lại đứng dậy. Hình như Gô-ganh từng nói rằng sau khi đã quan sát đầy đủ, ông ta chỉ có thể bắt đầu vẽ khi đã ngoảnh mặt về phía khác, để khỏi bị cái bên ngoài lấn át. Tôi về Huế, lên An Hiên. Bà Lan Hữu đang ở sau vườn. Bà mặc bộ bà ba lụa trắng, mải ngắm cây thanh trà vừa ra trái mùa đầu, trái non kết từng chùm tròn, sai như chẽ cau. Tôi về bất ngờ, bà rất vui, nói ngay: - Mấy năm nay, lúc nghe anh ở Hà Nội, lúc ở thành phố Hồ Chí Minh, có người nói không chừng anh đã sang Campuchia. Nghe anh về, mấy hôm nay cô cứ trông… - Dạ, mới năm hôm nay. Phải làm tất cả mọi việc để ổn định chỗ ở, cứ như vừa nhập hộ khẩu ở thành phố này, cô ạ. - Người ta nói anh định rời Huế hẳn, nhưng cô không tin. Anh về lại là cô mừng. Vô nhà uống nước rồi đi xem hoa lê. Lê năm nay sao muộn mãi hôm qua mới nở. Cô cứ nghĩ trong bụng, không chừng nó chờ anh lên. Hai con bé của tôi đang ríu rít quanh bụi bông cẩn, không màng gì đến mọi thứ hoa trái nào khác. Đúng là bông cẩn có một tuổi thơ riêng không hoa nào thay thế được. Hai cô bé, cùng với các bạn của chúng, mỗi lần lên An Hiên vẫn dành lấy một thế giới riêng dưới bụi hoa này: bày đồ hàng, làm món ăn, làm lồng đèn, và với những cuốn nhụy lấm tấm vàng, chúng còn làm những đôi trằm đeo tai xinh đẹp. Mấy năm đi xa, chúng nó cũng thấy nhớ, thỉnh thoảng hai chị em lại kéo nhau chạy trên vỉa hè, nói vu vơ: “mau về nhà mình ở dưới bụi hoa”. Uống trà xong, tôi đi dạo quanh vườn. Vườn bà Lan Hữu bao giờ cũng sạch, không hề có một mảnh giấy vương vải, chỉ cỏ lơ thơ và lá khô. Đã quá giữa xuân: cam, bưởi, thanh trà đã già mùa hoa, tỏa lan khắp vườn một mùi hương rộng rãi, sung thiệm, sâu vào tận phổi và hình như còn bay xa qua những khu vườn khác. Lâu nay vì xem chúng là cây ăn quả, tôi vẫn nghe hương thơm của chúng như là một cái gì ngẫu nhiên. Bây giờ tôi mới lưu ý tới điều này, rằng cái họ cam, chanh, bưởi này, trước khi cho quả, chúng đã mang đến cho con người một mùa hoa thực sự của riêng chúng, với đầy đủ tư cách là hoa, cũng giống như hoa hồng vậy. Tôi đi vòng lại góc sân, nơi đó có cây lê đang nở hoa. Trên những cành thẳng có những chấm mắt nhỏ gồ ghề, dáng đối trúc, mấy chùm hoa trắng điểm lên ít lá non, xanh mơn mởn, bóng loáng. Cành to khỏe, hoa chỉ điểm năm ba chùm, nhưng người ta không cảm thấy là ít, hình như hoa lê sợ sự thừa thãi. Dưới trời quang đãng của tiết xuân muộn, trong nắng trong gió, những chùm hoa rung động nhẹ trước mắt tôi giống như bướm trắng, nhưng là những cánh bướm bay đến từ một phương trời nào khác. Bà Lan Hữu đang đứng bên thềm loay hoay buộc mấy cành hoa tường vi lên giàn. Bà ngẩng lên, nói với tôi: - Hoa lê nở dưới trăng càng bộc lộ hết cái thần của nó. Người xưa khen hoa này là biết tự cam ở nơi tịch mịch.. Tôi ngồi bệt xuống thềm, duỗi chân, nhìn lan man ra vườn. Vườn măng cụt đang nẩy lộc chi chít, trên ngọn mỗi chùm lá đều chĩa ra một cặp lá non thật nhọn hình cánh chim, tưởng chừng có ngàn vạn con chim anh vũ đang dấu mình dưới lá, đôi cánh biếc của chúng xòe ra ở đầu cành. Cảnh tượng trước mắt làm tôi xúc động: nơi trang thơ của Nguyễn Du đã đọc, tôi nhớ lại một ngày thanh minh trời đẹp như thế này cành hoa trắng kia đã làm chứng cho một tình yêu sáng lạn, cũng là làm chứng cho dự phóng nhân đạo của tâm hồn nhà thơ trước cuộc đời. Tôi hài lòng đã trở về. Như vậy thôi, tôi hiểu, ở thành phố này, sự yên tĩnh cũng giống như Lòng Mẹ, không có gì đồng nghĩa với sự yên nghỉ. *** Với bà Lan Hữu, vườn An Hiên không chỉ là nơi ở, mà còn là một cuốn tự truyện viết bằng nét, chữ của cây cỏ. Tôi cảm thấy như đọc thêm được nhiều điều ở đấy, khi biết thêm ít nhiều chi tiết về đời riêng của người chủ của nó. Trước kia, tôi chỉ biết bà Lan Hữu như một trí thức tên tuổi có thái độ độc lập trong các vấn đề chính trị, được nhiều người kính trọng về nhân cách. Nhưng tôi chưa có dịp gần bà hơn, vì bà thuộc lớp trước, lại sống nơi xa khuất, và hình như luôn luôn tự mình giữ một khoảng cách với cái xã hội danh lợi đương thời đang tìm cách lôi cuốn những người như bà. Tôi vẫn giữ một hình ảnh đẹp về bà trong những năm tranh đấu, khi bà len lỏi qua đám đông để mang đến cho sinh viên những quà tặng ủng hộ và ký tên vào sổ vàng của phong trào. Sau đó, các chương trình phát thanh của sinh viên thường loan đi một hình ảnh có tính chất cổ vũ về Người Chị của thế hệ trước: cô gái áo trắng cài khăn nguyệt bạch, đã cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp của nữ sinh Đồng Khánh năm 1927. Có một sự kiện khác có liên quan đến bà như một biến cố được mọi người theo dõi trong những năm thành phố tương đối yên tĩnh; lúc này bà đang dạy học ở ngôi trường cũ. Năm ấy, bọn tay sai Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc biểu tình chống Cộng đầu tiên ở Huế, bắt những nữ sinh của bà vác gậy gộc đi diễu hành ngoài phố, bà từ chối và bỏ về vườn. Một ngày hoàn toàn bất ngờ, tôi được gặp lại bà trong một buổi tiếp của thành ủy Huế, phòng khách là một hang đá Trường Sơn rền tiếng bom; lúc ấy tóc bà đã bạc nhiều. Từ đó cho đến ngày trở về vườn cũ, bà còn phải xa nhà lâu năm. Sức bền bỉ của tấm lòng đất nước nơi độ tuổi của bà mãi mãi làm cho tôi ngạc nhiên, như thế là trong tâm hồn bà, cuộc hành trình đã được chuẩn bị từ trước. Điều tôi nghĩ quả không lầm. Có một cuộc gặp gỡ ít khi bà nhắc đến đã vang dội sâu xa trong cuộc sống của bà mãi về sau. Ngày Huế vỡ mặt trận năm ấy, bà Lan Hữu được mời ra gặp một đồng chí lãnh đạo Mặt trận tại một làng phía bắc Huế; người ấy là đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đồng chí phân tích yêu cầu lớn của cuộc kháng chiến, đề nghị bà tham gia, đưa mẹ cùng đi. Bà phấn khởi tự nguyện, quay về thu xếp việc nhà. Nhưng chuyến đi đã không thực hiện được, vì bà cụ đã già yếu, bà không thể để mẹ lại một mình, và kháng chiến thì không chờ đợi. Bà tự nhủ lòng: “Không đi được thôi đành, thì hãy sống như người ở lại”. Bà đã sống như vậy, khiêm cung tự giữ mình trong ý thức của một người công dân lúc đất nước chưa giành được độc lập. Cây cỏ đã nói với bà điều gì không ai biết, nhưng không phải là chuyện quên đời. Bà chăm chút khu vườn với tất cả ý thức văn hoá, giống như nghề dạy học mà bà đã phải từ bỏ, và chắc hẳn đã nhận lại từ cây cối những lời ngụ ngôn thầm lặng. Đó là câu chuyện tâm sự của bà dành cho tôi, trong những ngày tôi sống cạnh bà ở rừng. Bà nói thêm: “Cô đã ngoài sáu mươi, biết không còn làm được gì, cũng chỉ mong đền chút nghĩa làm dân”. Buổi chiều, bà thường ngồi im lặng nhìn ra sân, nơi cây bách vẫn còn giữ một vệt sáng trên ngọn, trong khi cây cối trong vườn đều đã lắng xuống dần trong bóng tối. Cây bách này cao nhất vùng; xa mấy làng bên kia sông nhìn sang, thấy cái chóp nhọn của nó vút lên khỏi ngàn lá giống như một mũi tên màu xanh, tôi vẫn nhận ra chỗ ở của bà. Bà nói: - Nhìn cái ngọn nắng trên cây bách mình cứ nhớ những ngày ở trên rừng. Đúng như vậy. Tôi nhớ lại hồi sống ở hang đá, khi bóng tối đã buông kín thung lũng, bà vẫn ngồi nhìn theo vệt nắng lên cao dần trên những ngọn cây ở đỉnh núi bên kia; nó cứ chói sáng như vậy, tưởng như không xuất phát từ đâu cả, lúc mà mặt trời đã vòng qua phía bên kia trái đất. Vào hạ, sự chuyển dịch của trời đất như chùng lại trên cây cối; vẻ bay bướm xuân thì đã qua đi, thiên nhiên ổn định hẳn trong mầu lục trầm trầm của lá già. Vườn-lá không đẹp, dù vậy, nó chưa bao giờ làm cho tôi chán mắt; bởi nó toát ra khí mạnh của nhựa cây, và trong những ổ lá rậm rịt kia, các loại trái đang lớn lên dưới sức nóng hun đúc. Hạ chí trở đi, vườn An Hiên vào mùa quả, khởi đầu là mùa thơm: giống thơm Nguyệt Biều vỏ chín đỏ như lửa cắt ra từng lát tròn to vừa lòng cái dĩa bàn, vàng rệu mầu mật ong, tưởng chừng có cô gái nào đó ở trong cây đã làm sẵn hoàn chỉnh một chiếc bánh kem sinh nhật. Dâu chín vào tháng năm, tháng sáu. Cây dâu Truồi ở vườn bà Lan Hữu rất đẹp, tán lá khum khum úp sát mặt đất kín mít, bên trong rỗng, trái chín vàng hươm từng chuỗi dài đổ úp thành đống quanh gốc cây. Nhìn đống quả đầy ứ như là ai đã hái sẵn đổ ra kia, tôi chợt mỉm cười với một ý nghĩ lạ lùng: giả như đời chẳng còn nhiệm vụ gì, tôi sẽ trải một tấm chiếu nhỏ dưới vòm lá kín đáo kia, nằm đó đọc sách ăn dâu. Suốt mùa hè. Sau vườn, cạnh giếng nước, có một vạt đất trồng mức làm choái cho những loại cây leo: hồ tiêu, thanh long v.v… Cây thanh long đặc sản nổi tiếng vùng Nha Trang, có lẽ là giống cây hiền lành nhất trong vườn: thân nhánh dài ngoằng nằm ún đống trên chạc cây mức trông như một đống dây chão; trồng một lần rồi chẳng bao giờ cần ngó lại, nó sống như một vật bỏ quên sau vườn, đến mùa lại cho con người hoa trái. Cây xấu xí mà hoa đẹp thế, hoàn toàn giống hoa quỳnh, cũng nở và tàn trong một đêm nên nhiều khi muốn ngắm hoa, bà Lan Hữu đã phải thắp đèn ra vườn lúc nửa đêm. Trái Thanh Long màu cánh sen chín vào những ngày nóng nhất của mùa hè, ruột trong như bột lọc, làm mát và khỏe người; ấy là món quà hảo tâm của thiên nhiên dành cho người làm vườn. Cuối hạ, mỗi hoàng hôn, lũ dơi lại xuất hiện, đảo liệng khắp vườn rồi chui vào những vòm lá tối, nơi đó tỏa ra mùi vải chín. Hè năm ngoái, tôi về huyện Nam Thanh, Hải Hưng; miền quê cây trái hào hiệp, mời khách ăn vải thiều không tiếc của, cứ đổ luôn trên mặt bàn thành đống cao như khoai như ngô. Giống trái quý này xưa kia dùng để tiến nạp cho vua ăn, bây giờ chúng tôi được đãi theo lối xả láng, ăn đến no bụng. Giống vải thiều Hưng Yên đưa vào Huế vẫn giữ được phẩm chất của nó, quả lớn hạt nhỏ cùi trắng nõn trông như một miếng mỡ, thơm và ngọt lịm. Vườn An Hiên còn có mấy cây vải Phụng Tiên, giống vải Huế quả lớn hơn quả nhãn một chút, hạt bé bằng hạt tiêu, hương vị không kém vải thiều sứ Bắc. Giống vải trang này được xếp vào dòng quí tộc, xưa chỉ trồng nơi cung cấm; bà Lan Hữu xin lại từ vườn của một viên thái giám. Đối ứng với mấy cây vải thiều miền Bắc, góc vườn bên kia có hai cây sầu riêng Lái Thiêu; bà Lan Hữu mang về trồng đã hai mươi năm, cách đây vài năm mới cho mùa quả đầu, trái to múi thơm không khác trái vườn trong Nam. Càng vào thu, khu vườn càng hiện ra trong vẻ đẹp của trái, càng gợi cho người đi dạo vườn cái cảm giác khinh khoái của một phòng trưng bày tranh tĩnh vật. Cam và thanh trà làm khu vườn nặng trĩu xuống khác với dạo đầu mùa hạ; và đến cuối tháng tám, những cây thị nhung chi chít những quả đỏ. Loại thị này, giống như quả táo tây, cũng là một loại cây trái lạ, do mấy ông cố đạo mang đến từ một xứ nhiệt đới xa xôi nào đó. Cuối vụ thu là mùa hái hồng. Mấy cây hồng này già tuổi nhất trong vườn, vốn là quà tặng của cụ Nghè Mai - chắt nội cụ Nguyễn Du - tặng cho chồng bà Lan Hữu ngày mới lập vườn. Hồng Tiên Điền là giống của quê hương Nghệ Tĩnh ngàn vạn trái không có một hạt, trái chín lụn, đài vẫn dính chặt vỏ, không bị tróc mất như các loại hồng thường. Sau mùa trái nó trút hết lá, cây cỗi cành trơ, nhìn cứ tưởng là nó đã chết khô. Qua tiết đông, thoắt cái nó nẩy lộ chi chít, mươi hôm sau lá đã phủ kín cây; lá hồng tròn dày, xanh bóng, nhạy cảm với từng tia nắng, sáng trưng lên trong niềm vui phục sinh của mùa xuân. Tháng hai hồng ra hoa, trong lòng mỗi đóa hoa xanh biếc đã kết một trái non. Từ đó đến lúc chín, trái non rụng dần, rụng như một hành động tự đào thải tàn nhẫn. Mỗi ngày bà Lan Hữu vẫn đi nhặt trái rụng, thản nhiên trong cái triết lý nhân hậu của bà: - Nếu trái nào cũng đậu thì cây mẹ sẽ chết, vì làm sao nó nuôi nổi chừng ấy con. Nhờ trái rụng bớt như vậy mà cây hồng còn sống được. Cái cây hồng này, thật tội. Nó cho mình trái suốt bốn mươi năm, không mùa nào quên. Biết sống với nó, nó có thể nuôi mình bằng bát cơm trong sạch… Bà nói tiếp: - Người làm vườn xưa có tục tạ ơn cây. Cuối năm có cái lễ nhỏ, có hột nổ, pháo và ít giấy vàng bạc dán vào gốc cây. Không phải thờ cúng thần thánh, chỉ là mình đã nhận của nó nhiều thì trả lại cho nó chút ít. Bây giờ không ai làm như thế nhưng con người biết ơn cây là phải. Giọng nói của bà chân thành, cảm động, như thể là bà đang nói về một vị tiền bối xa xôi; lòng biết ơn đối với cây trái ở nơi bà mang một nét nhân hậu thật là dân gian. Bất cứ tuổi ấu thơ nào ở Huế cũng để vọng lại trong đời người một chút gì của cái lẽ nhân hậu ấy. Tôi còn nhớ trong chuyện vè Mã phụng, cô bé Xuân Hương dắt cha ăn mày, nằm ngủ gốc đa nơi quán chợ, lớn lên lấy chồng đậu trạng; trước khi bước vào cõi đời sung sướng, cô đã đề thơ trả nghĩa cây đa: “Nhờ ơn bóng cả với cây cao - mười mấy năm trời nặng xiết bao…” Hết mùa hồng, vườn cũng hết trái. Cây cỏ tiêu sơ dần trong thu tàn, với lụt lội và những cơn bão. Hàng mai trắng đã trút sạch lá, cành khô vẽ lên khung cảnh trầm mặc kỳ lạ của tranh lụa cổ. Chỉ giống cỏ: tường lan, tưởng đã chết tiệt mất trong nắng cháy mùa hè, sau vài cơn mưa lại rộ lên xanh um, hoa từng cụm hồng chen chúc ven lối đi, ríu rít, hớn hở, trẻ dại. Mùa đông về, dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá. Tưởng không còn gì để trông ngóng ở khu vườn trước lúc sang xuân, thì đến tháng mười một, măng cụt chín, như một mùa quả vui đột xuất cuối năm. Đây là mùa thu hoạch chính của những khu vườn vùng Kim Long. Trái măng khi sắp chín, trên vỏ mầu lục hiện ra những vết lấm chấm đỏ, giống như vết son phê trên bài văn hay ngày xưa. Vì thế ở Huế, người ta gọi măng cụt là trái giáng châu, châu là son, ý khen quả măng như một bài thơ hay của mùa đông. Quả măng chín mầu tím sẫm, ở rốn quả nổi lên một hình hoa nhỏ, nhìn hoa có bao nhiêu cánh thì biết bên trong có bấy nhiêu múi. Hình như nó chẳng có tác dụng gì cả ngoài việc khiến người ta ưa nhìn đến nó, giống như hạt cúc giả trên áo phụ nữ; bà Lan Hữu tạm giải thích rằng đó là cái bản năng tự trang sức của thiên nhiên ở nơi cây măng cụt. Riêng tôi vẫn thấy một điều lạ chưa giải đáp được về cây măng ở Huế; thứ quả có vỏ dầy cộp kia, chỉ quen được hấp chín bằng nắng nóng phương Nam, sao chịu về đây để chín bằng mưa dầm gió bấc, sao chín được bằng sức đông lạnh của Huế? Dù sao, nhờ có mùa măng, vườn An Hiên vẫn giữ được phong độ qua buổi vạn vật tàn phai. Để đến một buổi sáng nào đó, hàng mai trước cổng bỗng nở trăm nghìn đóa hoa trắng trong sương mù, như cảnh tuyết, đẹp đến bồi hồi. Ấy là tiết đông chí, khí dương hòa trở lại. Từ trong đêm lạnh, khu vườn bước ra với một sắc đẹp tinh khôi, với mai vàng, hải đường, nguyệt quế, hoa trà mi ngậm sương và hoa đào cười gió đông. Mặt đất bừng tỉnh, chia sẻ cho con người niềm hy vọng không bao giờ cũ, không bao giờ nguôi, không bao giờ run sợ trước thời gian. Một buổi chiều mùa hè, tôi theo bà Lan Hữu dạo thong thả qua khu vườn lãng đãng khói lam mờ. Khói đốt cỏ và lá khô. Vườn mùa hạ thường vẫn mơ màng trong sắc khói lam ấy, và cái mùi hăng hắc của cỏ cháy thật gợi nhớ làng mạc. Bà ngồi xuống phiến đá dưới cây bách, nói với tôi câu chuyện về vườn tược: - Cây cối nhìn thì bình yên vậy chớ cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa tạo vật luôn luôn căng thẳng. Trên không, chúng tranh nhau ánh sáng đã đành. Nhưng cuộc tranh sống dưới mặt đất cũng ác liệt lắm. Cô làm vườn mới biết điều ấy. Cuốc đất lên là thấy ngay, chỗ nào có phân thì rễ bàng tụ lại chi chít, dày đặc như ổ giun, trông thật ghê sợ. Dừa chuối tranh ăn dữ lắm. Thanh trà, vải là giống quý, nhưng rễ bàng rất ghê gớm, cây gì trồng xung quanh nó đều không sống nổi. Vườn cô trồng măng cụt là chủ yếu, vì cây măng mọc rễ đột, đâm sâu xuống đất, ít làm hại cây khác. Để giải quyết việc tranh ăn của cây, chỉ có cách bón thực nhiều phân. Phân chuồng chỉ trồng cây nhỏ, còn cây lớn biết bao nhiêu cho xiết. Toóc rạ là tốt, phải rải kín vườn, nhưng bây giờ rạ cũng đắt, người ta dùng để đun bếp. Tôi ngắt lời bà: - Huế thường năm nào cũng lụt. Liệu đất phù sa có đem lại một nguồn bồi dưỡng nào đáng kể cho cây cối không? Bà lắc đầu: - Đó là ở miền hạ ban. Làng vườn đây gần thượng lưu, lụt tới là chở theo đất sét, vì đất sét nặng nên lắng xuống trước. Lụt năm 77, vườn này bị đất sét phủ kín, có chỗ dày đến năm tấc, phải tốn bao nhiêu công đào bốc, đổ trả xuống sông. Bà nói tiếp: - Phân mới là một chuyện. Vườn còn có rất nhiều kẻ thù. Bọ xít, bọ rầy, đủ loại. Tệ nhất là tầm gởi. Vườn này bỏ đi vài năm là tàn lụi, vì gởi dữ lắm. Gởi từng chùm to, sanh bông, bông có nhựa, bay đến đâu là dính vào đó. Nó thích bám thanh trà, hồng, dâu, mít, cam, cả cây hoa mộc, gởi cũng không tha. Đó là loại kẻ thù nguy hiểm ở trên không của một khu vườn. Đất trung du có nhiều thứ cỏ, cỏ tranh, cỏ ống, cỏ cú. Trước cứ mỗi năm cô làm cỏ hai lần. Thế không lợi, vì cỏ lên dữ quá. Tốt nhất là cứ thấy cỏ đâu thì làm đấy, làm sớm lúc nó chưa sanh bông, lại đỡ tốn công về sau. Cỏ chiếm đất, nhưng cỏ cũng có ích. Cỏ cú, ngải cứu là thuốc, me đất, rau dền, rau sam là rau ăn hàng ngày. Người làm vườn giỏi phải biết phân biệt, không được cuốc ngang tất cả. Tưới cây là việc thứ ba. Vùng này giếng sâu lắm, phải gánh từng đôi dưới sông lên để tưới cây. Có làm vườn mới biết trông mưa. Như Huế vừa rồi sáu tháng không có hột mưa; một cơn mưa bây giờ khắp làng này là đánh giá hàng triệu bạc. Nhất nước nhì phân tam cần, tứ giống, câu đó đã có từ xưa. Mình đây bây giờ cái gì cũng thiếu. Con mắt thường nhìn hoa thì khen hoa đẹp, nhìn trái thì gọi là hoa lợi. Nhưng nhìn bằng con mắt kinh tế, thì để duy trì được khu vườn, không phải là chuyện đơn giản. Người Huế mình trồng vườn, ngoài hoa lợi vật chất, còn coi trọng nguồn hoa lợi tinh thần do cây cối đem lại. Bà đứng lên, đi tản bộ vòng quanh cái hồ trồng hoa súng giữa sân. Những bông súng nhiều màu, vàng, trắng, hồng, lá từng phiến tròn trải sát mặt nước, phong cách của hoa súng cũng lạ: giống như lá, nó không rời khỏi mặt nước, nở ra khép lại vài lần là hết; người ta không nhìn thấy nó tàn và rã cánh dần như hoa sen, nó lún xuống, trốn vào trong nước và biến mất. Bà Lan Hữu mỉm cười, nói tiếp: - Người Huế xưa, tuổi năm mươi trở lên là muốn quay về nơi cây cối để tìm bạn; những người bạn nhân ái, không lôi thôi, không làm mệt mình bao giờ. Bà Lan Hữu không phải là kẻ bi quan về con người, tôi không nhầm lẫn về tính cách của bà. Câu nói của bà, tôi hiểu, chỉ bộc lộ ở tâm hồn bà một tình bạn sâu xa, giống như tâm hồn của lão nông gắn bó với mảnh đất của mình. Hàng năm, mùa xuân bà trồng thêm cây mùa hạ làm cỏ đốt lá, mùa thu hái quả, mùa đông đọc sách hái măng, trong niềm vui thầm lặng chờ xuân đến. Giữa những ngày tháng, với bà, còn là nỗi trông mưa trông nắng, cuộc đương đầu với gió bão và các loài ký sinh, nỗi ân hận của người bảo vệ khi cây chết, niềm vui sinh nở của người mẹ trước chùm trái đầu mùa. Con người lịch sử và văn hoá tồn tại ở nơi bà hình như luôn luôn đòi chuyển hơi thở của mình qua các mạch gỗ của cây cối đến tận gốc rễ, để được cắm đời mình sâu bền trong Đất. Cho đến nay, dải đất ven sông Hương từ cầu Bạch Hổ lên chùa Thiên Mụ vẫn ấp ủ trong những vườn tược của nó, dáng dấp văn hoá của một trung tâm đô thị Việt Nam cổ. Chính trên mảnh đất này, thành phố Huế đã ra đời từ năm đó - năm 1636 - và Kim Long trở thành thủ phủ nổi tiếng của Đàng Trong trong suốt năm mươi năm tiếp theo. Cuộc sống phồn vinh, văn vẻ của mảnh đất Thuận Hóa trong thời kỳ này đã được phản ánh một cách khá đầy đủ trong nhiều sách vở để làm, tưởng không không cần nhắc lại làm gì. Điều thú vị đối với tôi khi đọc lại, ấy là khi họ đến đây, nhiều người nước ngoài đều ngạc nhiên nhận xét rằng phụ nữ Kim Long ăn mặc rất đẹp; lý do là nghề dệt gấm thêu hoa đang thịnh hành khắp các phường thợ ven sông Hương. Có lẽ phụ nữ Huế giỏi thêu thùa, biết mặc đẹp, bắt đầu từ cái thời xa xôi ấy. Nên không lạ gì, một người khách du đã đi nhiều nơi trên thế giới hồi ấy là cố đạo A-lec-xăng đơ Rốt, khi viết về “Kehue” (Kẻ Huế) đã nhắc lại nhiều lần rằng đây là một “thành phố lớn” (cette grande ville). Trước thời các chúa Nguyễn đến cắm đô ở đây, vùng trung du ven sông Hương này đã xuất hiện những thôn hoa xanh biếc rậm rạp, dân cư sống bằng nghề vườn đã lâu đời. Sau này, như đã nhấn mạnh trong các hồi ký về thành phố Kim Long thời ấy, thì các công thự cũng như nhà riêng, đều được xây cất giữa những khu vườn xanh tươi, đầy các thứ cây quý hoa lạ sưu tầm từ khắp xứ mang về. Đến lượt Phú Xuân, khi đã trở thành kinh đô của cả một đất nước sôi động những chiến công, dưới thời Nguyễn Huệ, Phú Xuân vẫn giữ riêng một phong thái yên tĩnh đầy chất thơ điền dã. Tôi rất cảm mến bà Lê Ngọc Hân, nàng công chúa đất Thăng Long vào đây làm hoàng hậu, để trở nên một nhà thơ Huế. Vâng, phải là Huế biết mấy mới nhìn thấy được điều này: “Sương mù sắc tím nồng đượm mà hương thơm nức phòng the” (3). Ôi, tình yêu của bà, cuộc đời của bà, bão táp mà thanh tĩnh biết bao nhiêu! Nhà thơ và người anh hùng đã xa khuất, không để lại mộ chí, riêng còn trong câu thơ một nét mặt thành phố trong sáng muôn đời. Ngoại ô Huế trước nay vẫn là nơi của trí thức, nghệ sĩ. Đời này sang đời khác vừa trồng cây vừa đọc sách, làng vườn Huế hàm dưỡng một nếp sống văn hoá thâm hậu. Kim Long xưa là xứ Hà Khê nổi tiếng văn học; trải mấy trăm năm, mãi đến đời Thiệu Trị, trường học, trường thi quốc gia đều tập trung trên hai bờ sông Hương quãng này. Lê Quí Đôn đã làm thơ, viết sách ở đây, ngày nhàn vẫn “nhẹ áo, lỏng đai, tiêu dao ở khoảng Hà Khê Thiên Mụ”. Dân làng Xuân Hòa quí mến nhà bác học, thờ ông làm bản thố, hàng năm đọc văn tế vẫn nhắc tên “Lê Quí Công”, còn đắp ngôi mộ giả hương khói đến bây giờ. Thuở ấy, sinh viên Quốc Tử Giám và sĩ tử về kinh vẫn ăn ở lâu dài tại vùng này, trọ học trong nhà dân. Mùa thi dọc sông Hương nổi lên một dãy phố thuyền, và dọc đường san sát mọc lên những quán xá. Đây là một loại quán đặc biệt, ngày thường ít thấy. Chủ quán là những trí thức lỡ vận, phần nhiều là những thầy đồ Nghệ lều chỏng mỏi mệt không muốn trở về quê cũ, ở lại kinh bốc thuốc, dạy học, cưới vợ, làm vườn; trí tuệ uyên bác, tính khí cương trực, nhân kỳ thi thường mở quán để có cơ hội giao du với kẻ sĩ bốn phương. Loại chủ quán thứ hai là những cô gái có nhan sắc, có ăn học, ra ngồi quán để kén chồng giữa đám thiên hạ tài hoa. Chính là cái quán “ẩn tàng kinh luân” mà Lục Vân Tiên đã lạ lùng lúc ghé vào; ông chủ quán bừng bừng nhân nghĩa, và cả nàng Kiều Nguyệt Nga có “cha làm tri phủ ở miền Hà Khê” kia nữa, tất cả cái xã hội chính, tà chung quanh quãng đời thư sinh của Nguyễn Đình Chiểu đều đã có mặt ở Kim Long thời ấy. Cũng từng lui tới nơi những quán rượu phê phán thời đại kia, cái bóng dáng đơn độc phẫn nộ của Cao Bá Quát. Nhà thơ đã trải mười năm giao du để đi tìm một thanh gươm cổ (4) và cuối cùng, ký thác với sông Hương cái khát vọng lớn về một “lưỡi kiếm dựng trời xanh”(5). Bến đò Trường Thi ngày xưa nay là bãi khoai ngô hợp tác, khu quán chợ nơi Lục Vân Tiên và Cao Bá Quát từng ngồi, bây giờ tĩnh mịch một ngôi chùa cổ, còn nền Quốc Tử Giám và cả khu hoa viên của Lê Văn Duyệt đã lặn dưới cây trái trong vườn dân. Nhưng mà nếp nhà cũ vẫn còn; cái liêu ở chái trên có vách gỗ, chắn song nhìn ra vườn, nơi mỗi nhà là chốn đèn sách nối đời. An Hiên… Dưới những mái hiên yên tĩnh kia, đã nẩy mầm kết trái bao nhiêu điều không ai biết, trong lý tưởng nhân đạo của Nguyễn Du, trong cái chính khí nổi giận của Cao Bá Quát, trong mộng kinh bang của Nguyễn Công Trứ và Lòng Đạo của Nguyễn Đình Chiểu. Còn những nhân vật trường ốc cũ, qua cuộc đổi dời đã trở thành những người dân làng, biết trồng cây, biết đọc sách và biết sống giữ lề. Suốt ba trăm năm mươi năm xây dựng, Huế đã dời chỗ theo một vệt dài chừng năm cây số dọc sông Hương, để lại đàng sau nó bản phác thảo đầu tiên của cái mô hình thành phố vườn bây giờ. Lịch sử đổi thay, con người đi qua, nhưng những thành phố còn lại. Để trả lời cho các thế hệ tương lai về những kinh nghiệm sống làm giàu có thêm nhân loại. Một buổi trưa nắng gắt, bà Lan Hữu vừa đi đâu về, mặc áo lụa dài, chiếc quạt giấy xòe ra trong tay. Tôi gặp bà đứng trước cổng An Hiên, nhìn đăm đăm ra dòng sông. Sông Hương triều lên đang cồn những đợt sóng lớn xô nhau về phía núi; và ở quãng xa, nó trôi đi mịt mùng trong khói nắng. Tự nhiên bà Lan Hữu nói thầm nửa giọng, như chỉ để cho mình nghe: - Thuở Huyền Trân công chúa qua đây, chắc sông cũng xanh như vậy… Ít khi tôi nghe một câu nói lạ như thế ở bà. Chợt nhiên, nó động tới trong tôi một nỗi gì thẳm sâu, không nói được. Vâng, thuở ấy sông đã xanh như bây giờ, như đã xanh từ thuở Việt Thường. Tôi là người thư sinh đất Thăng Long theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành. Thuở ấy, dòng sông Châu Hóa còn hoang dại, chim nhạn đậu đầy bãi, hoa tầm xuân mọc chen với cỏ lau, chính là hoa tường vi thơm ngát những khu vườn bây giờ. Tôi qua đây, yêu mến dòng sông nên ở lại, dẫy cỏ, lật đá, trồng cây từ buổi ấy. Sáu, bảy trăm năm trôi qua, mỗi tấc đất khát bỏng này đã uống biết bao nhiêu mồ hôi và máu. Tôi nhìn ra ở nơi mỗi con người quanh tôi trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo hạt. Huế, tiết Mưa Ngâu 1983 H.P.N.T. (3/10-83) --------------- 1. Thám Hoa: người đỗ thứ ba trong hàng tiến sĩ xưa. Lệ xưa, những người đỗ cao trong kỳ thi tiến sĩ thì được vua ban yến và được đi xem hoa ở Ngự Uyển. 2. Hoa hòe nở vàng, người đi thi lòng xôn xao. 3. Lê Ngọc Hân - Biểu mừng thọ vua Quang Trung 40 tuổi. 4. Thập tải luân giao cầu cổ kiếm (thơ Cao Bá Quát). 5. Trường Giang như kiếm lập thanh thiên. |