Tạp chí Sông Hương - Số 4 (T.12-1983)
Cái nhìn trong nhiếp ảnh
15:25 | 27/08/2010
THÁI NGUYÊN HẠNHVới những cải tiến và phát minh như hiện nay trong lĩnh vực nhiếp ảnh, người cầm máy chỉ cần thực hiện một động tác thật đơn giản - bấm máy - là có thể có được một bức ảnh rõ ràng, đầy đủ ánh sáng.
Cái nhìn trong nhiếp ảnh
Ảo giác - tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long- Ảnh: vnexpress.net
Tất cả những thông số kỹ thuật như cự ly, tốc độ, khẩu độ… chẳng còn là vấn đề phiền toái, bối rối cho chúng ta, bởi vì các mạch vi điện tử silicon tí hon đã đảm nhận, tính toán đến mức chính xác tối đa và trong những năm sắp tới, cũng trong thập niên 80 này, máy ảnh từ tính (magnetic - video - camera) phổ biến thì sự thay đổi kỹ thuật buồng tối lại càng làm dễ dàng cho những ai muốn có một bức ảnh lưu niệm lâu dài, vĩnh cửu.

Như vậy nhiếp ảnh sẽ không còn vấn đề gì để bàn cãi? Kỹ thuật sẽ thay cho con người? Một nhà nhiếp ảnh có nói: “máy ảnh là một tấm gương có trí nhớ nhưng không thể suy nghĩ” (Arnold Newman), có lẽ điều này khẳng định ý nghĩa cơ bản trong nhiếp ảnh. Ước muốn của bất cứ người cầm máy nào là có một bức ảnh đẹp, nghệ thuật, tuy nhiên không phải ai cũng có thể thực hiện hoặc thường xuyên đạt kết quả như ý. Đến thăm Huế thơ mộng với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh lôi cuốn lòng người, người cầm máy chắc hẳn ít nhiều bị trôi vào cái thiên nhiên hài hòa sẵn có đó, bao nhiêu phim mang theo đều hết sạch, để rồi cuối cùng chia tay với Huế hẹn ngày trở lại với sự chính chắn hơn, sẽ nhìn Huế trong nhiếp ảnh nhiều hơn. Nhiều người bạn phương xa đến lần đầu thường tâm sự với tôi như thế trước khi lên xe trở về, các anh đâu phải là thiếu phương tiện dụng cụ nhiếp ảnh và lại càng không thiếu những kỹ thuật tay nghề lâu năm. Thế thì cái gì làm cản trở chúng ta khi thể hiện. Theo tôi có lẽ là vì cái không khí nhẹ nhàng, sâu lắng của Huế, Huế đã tưởng tượng cho chúng ta, chúng ta đã bị dìu dắt và cuối cùng mất đi cái sức tưởng tượng của chính mình hay là chúng ta đã tạm quên cái nhìn trong nhiếp ảnh.

Có lẽ các bạn đều đồng ý là có một khoảng cách giữa cái nhìn thông thường và cái nhìn của nhiếp ảnh. Trong nhiếp ảnh là một cái nhìn chuyên biệt, đó là cách thể hiện cao độ tính chất hiện thực nội dung của chủ đề và lệ thuộc vào “đôi mắt tâm hồn” của người cầm máy. Nhiếp ảnh cũng cần đến sự tưởng tượng của mỗi người cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, bởi vì thiếu nó chúng ta sẽ rơi vào cái thường thấy trên những bức ảnh là chủ nghĩa tự nhiên, thấy gì chụp đó. Chúng ta sẽ tưởng tượng một nội dung cô đọng từ một chủ đề hay bối cảnh nhìn thấy bằng mắt thường để rồi cô lập chủ đề đó ra khỏi môi trường chung quanh và cuối cùng trình bày chủ đề đó dưới hình thức có hiệu quả về đường nét nhất. Với cái nhìn của mắt lại khác, chúng ta thường tăng cường bằng những giác quan như tiếng động, mùi vị, xúc giác… tất cả phối hợp lại để cho biết những hình dạng khác nhau của khung cảnh. Ví như một buổi chiều dạo chơi trên bãi biển, nếm những hạt nước mặn trong không khí và có cảm giác bồng bềnh của sóng, lúc này nếu dùng máy ảnh để ghi lại những ấn tượng đó, chắc hẳn tôi sẽ thất vọng vì thiếu tất cả những cảm quan toàn bộ này.

Kinh nghiệm đối với bản thân là để nhìn như một máy ảnh thì tôi phải gạt bỏ mọi cảm quan khác để chỉ còn lại cái nhìn bằng mắt, thực tế cho thấy trước ống kính máy ảnh: một người mẫu chỉ là dáng vẻ bao gồm những mảng sáng tối khác nhau, mỗi mảng như vậy đặc trưng hóa bằng nội dung của nó, một ngôi nhà chỉ là một mô hình có dạng chữ nhật có thể khác nhau về độ sáng, chính trong thời điểm này sẽ không có một cảm giác nào ngoại trừ những giá trị về đường nét, hình dạng, màu sắc, ánh sáng... và sẽ không có chiều sâu và phối cảnh mà chỉ có cái phóng thể của thực tế do ống kính ghi lên mặt phim giấy.

Từ cái hiện thực sinh động diễn ra trước mắt người cầm máy, chúng ta sẽ bắt đầu từ đầu mối nào? Để có một cái nhìn tổng hợp? Đối với nhiếp ảnh cũng như điện ảnh thì phần ngoại hình sẽ có tác dụng gây ấn tượng nhiều nhất vì thế sự sắp xếp những khối, ánh sáng, màu sắc trên một bức ảnh là một việc hệ trọng. Chúng ta phải chọn một trọng điểm (điểm tập trung) trên bức ảnh, nó sẽ là ở vị trí cao, thấp, bên này hay bên kia, mỗi sự sắp đặt như thế sẽ tạo ra những cảm giác khác nhau: càng gần trung tâm thì cấu trúc càng tĩnh. Trong lúc này chúng ta hãy tạm quên chủ đề của mình có chiều sâu, mà cố gắng nhìn chủ đề như là nó sẽ xuất hiện trên mặt giấy ảnh, nghĩa là nằm trên một mặt phẳng hai chiều, điều này sẽ giúp cho chúng ta thay đổi cái nhìn “nổi” bình thường bằng cái nhìn của ống kính, nó sẽ cho một hiệu quả là mối quan hệ giữa những phần trong bức ảnh với nhau mà trước đó chúng ta không chú ý sẽ hiện ra rõ ràng. Một ví dụ chứng minh: một thân cây có vẻ nằm yên ổn sau người mẫu của chúng ta, bây giờ bằng cái nhìn mặt phẳng nó có thể mọc lên trên đầu tóc người mẫu hoặc là một phần nào đó của hậu cảnh trước đó không chú ý đột nhiên sẽ dính chặt vào chủ đề, làm yếu đi hay quá mạnh tác dụng của bức ảnh.

Chúng ta cũng không thể bỏ quên việc phân tích những đường nét của chủ đề vì đây là xương sống của một bức ảnh, nó sẽ là đường thẳng đứng, đường ngang hay không đều, tác dụng của nó sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của bức ảnh chúng ta, cũng như hình thể của bức ảnh: vuông, dọc, rộng, hẹp… Những sự chọn lựa này không thể thực hiện hoàn hảo trong buồng tối khi rọi âm bản mà chúng ta cần phải quyết định trước khi bấm máy bởi vì lúc này những giới hạn của sự chọn lựa là vô tận và có thể thay đổi dễ dàng.

Công việc phân tích một chủ đề cụ thể với tính cách trừu tượng như thế này lúc đầu đối với tôi thật là khó khăn, lại thêm đôi khi nó chỉ điền trong những phần ít ỏi của phút giây. Tuy nhiên để có một thói quen tốt trong công việc này nên bắt đầu tập quan sát từ những hình dáng đơn giản như nhìn những hàng cây xà cừ dọc bờ sông Hương vào mùa xuân thay lá, mỗi cây có những đường nét và mô hình đặc thù riêng biệt, từ sau đó đi đến những đối tượng phức tạp hơn - một khuôn mặt, một căn phòng hay một đường phố để khám phá những sự liên hệ hỗ tương về đường nét hình dạng, việc này thật ra không giản đơn là vì những đường nét này thường bị những chi tiết vây quanh đối tượng che dấu và làm mờ đi do một thói quen tâm lý của chúng ta là thường cảm thấy chủ đề hơn là nhìn chủ đề.

Có thói quen khác, không ít thì nhiều, là chúng ta thường nhìn ánh sáng theo khối lượng của nó, nếu đủ sáng là cơ hội tốt đẹp nhất. Chúng ta ít chú trọng đến tính chất của ánh sáng. Trong nhiếp ảnh ánh sáng trực tiếp hay tản quang là một điều vô cùng quan trọng, ánh sáng đó chiếu trên, dưới, trước, sau hay hai bên chủ đề, nó là ánh sáng trắng hay có màu, là một nguồn hay nhiều nguồn sáng, và một nguồn sáng mạnh hay yếu sẽ tạo ra những ấn tượng hoàn toàn khác biệt nhau. Như vậy đối với lĩnh vực ánh sáng chúng ta cần phải nhạy cảm trước những dáng vẻ khác nhau của nó, và nếu ánh sáng không thích hợp ý đồ của mình bắt buộc chúng ta phải thay đổi nguồn sáng nếu có thể hoặc là đành ngồi kiên trì chờ đợi. Chúng ta cũng nên lưu ý một nhận xét trong khi quan sát ánh sáng là: những sự khác biệt trong tính chất ánh sáng sẽ tác động đến sự lộ sáng của phim, còn tính chất của ánh sáng sẽ tạo nên nội dung của bức ảnh. Thật vậy, hẳn là các bạn sẽ đồng ý với tôi là nếu nội dung của bức ảnh không phù hợp với ý muốn của chúng ta thì dù có được một sự lộ sáng hoàn chỉnh, chính xác cũng không đem lại một hiệu quả nào hết.

Những sự suy nghĩ này cũng liên quan đến màu sắc trong nhiếp ảnh. Màu sắc là một phần trong toàn bộ hình dáng của bức ảnh, vì thế cần phải biết nhìn và đánh giá màu sắc để phân biệt với những phần khác của chủ đề. Thử làm quen cách nhìn bằng cặp mắt của một họa sĩ, nghĩa là chúng ta chú ý đến sự hòa hợp của màu sắc, phân biệt những màu hỗ tương, màu phụ, màu nóng và lạnh, màu hung hãn hay mềm yếu…

Người họa sĩ khi cần có thể tô màu một khuôn mặt bằng màu lục, như thế có làm mất tự nhiên và quá táo bạo không? Đối với nhiếp ảnh không có gì là méo mó và bất thường cả, nếu trong trường hợp chúng ta dùng phim màu để chụp một người mẫu dưới một gốc cây lớn trong khi ánh sáng xuyên qua những tảng lá trong xanh. Dưới những điều kiện như thế, nếu chúng ta cho rằng bức ảnh này là mất tự nhiên, bởi vì chúng ta đã có tập quán nhìn màu sắc bằng ánh nắng trắng và không quen với trường hợp trên.

Sương mù mùa xuân, sắc màu nhẹ nhàng của ngày mưa, ánh phản chiếu của bầu khí bình minh hay hoàng hôn ở xứ Huế, chúng ta sẽ tìm thấy trong thời điểm này một thế giới màu sắc linh động và đem lại vô số cơ hội cho sự sáng tạo, chúng ta sẽ nhìn được màu và đánh giá tính chất của nó. Lúc này chúng ta sẽ cảm thấy trí tưởng tượng của mình phát triển với những khám phá trước bối cảnh thiên nhiên bằng cách chờ đợi một thay đổi màu của ánh sáng lúc chiều tà hay sáng sớm, hoặc dùng những kính lọc đặc biệt để làm nóng lạnh khung cảnh tô thắm thêm một màu hồng rực rỡ hay dịu dàng mờ ảo cảm giác với một màu tím nhạt ở khung trời.

Một vài ý nghĩ hạn hẹp về cái nhìn, nhất là liên quan đến một nghệ thuật muôn màu muôn vẻ, thì không thể dùng những kinh nghiệm ít ỏi của mình để trình bày thật chu đáo. Tuy nhiên nó có thể khẳng định là cái nhìn trong nhiếp ảnh không có thể thay thế bằng những dụng cụ máy móc tinh xảo, và mỗi người chúng ta sẽ có những cái nhìn khác nhau, không ai giống ai trước một bối cảnh đang xảy ra. Phong cách độc đáo của người cầm máy sẽ quyết định trên những bức ảnh được thực hiện xuyên qua quá trình tư duy bằng đôi mắt tâm hồn của mình và như vậy nhiếp ảnh sẽ không đóng khung ở hình thức này hay hình thức khác, hay chỉ là sao chép sự kiện đã xảy ra, mà trái lại nó gắn liền với cuộc sống đầy sinh động của con người để thể hiện đúng đắn cái nội dung hiện thực này. Cái nhìn trong nhiếp ảnh thật sự là cái nhìn về bản chất của sự vật mà chúng sẽ xuất hiện trên bức ảnh của hôm nay và của cả tương lai.

1-8-1983
T.N.H.
(4/12-83)



Các bài mới
Trên bờ sông (15/09/2010)
Hô-vi-lô (08/09/2010)
Người cha (01/09/2010)
Các bài đã đăng