Đó là hai câu thất ngôn mở đầu bài thơ Đọc báo Sông Hương của cụ Phan Sào Nam. Sông Hương nguyên là tờ báo của Phan Khôi, ra đời năm 1936, chỉ được mấy số rồi ngừng. Nguyên nhân gì chưa rõ, song nhiều người cho rằng do chủ của nó thiếu tiền hút thuốc phiện! Lúc bấy giờ ở Huế có tờ Phụ nữ tân tiến, tờ báo tiến bộ của một số anh em tù chính trị, hoạt động được mấy tháng thì bị chính quyền thực dân Pháp cấm. Làm thế nào để có thể tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đường lối cứu nước, cứu dân của Đảng; làm thế nào để tiếp tục giác ngộ được đông đảo quần chúng? Biện pháp tốt và thuận lợi hơn cả trong hoàn cảnh bấy giờ vẫn là báo chí. Nhóm biên tập tờ Phụ nữ tân tiến tìm cách liên lạc với anh Phan Thao vừa ở Hà Nội vào. Là dòng máu của Phan Khôi nhưng anh Phan Thao không giống bố. Trái lại anh thường phàn nàn với bạn bè về người cha đẻ của mình. Biết anh Phan Thao là người tiến bộ họ bàn với anh mua lại giấy phép của tờ Sông Hương và đề nghị anh làm tay trong vận động Phan Khôi nhường lại. Hiểu rõ khuynh hướng chính trị và tư tưởng của cha mình, anh Phan Thao khuyên nên tìm một người không phải là chính trị phạm đứng ra mua. Họ lại đi tìm và gặp được anh Nguyễn Cữu Thạnh (em của Nguyễn Cữu Khương là anh rể của anh Hải Triều). Anh Thạnh là một thanh niên yêu nước, yêu chủ nghĩa cộng sản, nhưng không phải là đảng viên. Anh đến thương lượng với Phan Khôi và được ông ta chấp nhận, đồng ý nhượng lại giấy phép. Lúc đó vào khoảng đầu năm 1937. Để độc giả khỏi hiểu lầm, tờ Sông Hương mới thêm hai chữ tục bản. Sông Hương (tục bản) do anh Nguyễn Cữu Thạnh làm chủ nhiệm, anh Phan Đăng Lưu làm trị sự; ban biên tập gồm có các anh Hải Thanh (tức Nguyễn Hoàng), Hải Triều, Trịnh Xuân An…, sau đó có thêm một số chính trị phạm tham gia. Trụ sở tòa báo này đặt tại 68 đường Lê Lợi (trước mặt khách sạn Hương Giang ngày nay). Buổi đầu Sông Hương (tục bản) gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về mặt tài chính. Anh em biên tập viên phải đi vận động quyên góp từng người. Ngoài những đồng tiền ít ỏi dành dụm được của các anh em tù chính trị, còn có sự đóng góp đáng kể của quần chúng cách mạng, của những người có cảm tình với Đảng. Như vậy là Sông Hương, từ một tờ báo của cá nhân hoạt động dưới hình thức kinh doanh, đã trở thành tiếng nói của những người cộng sản và quần chúng yêu nước cách mạng. Sông Hương ra mắt độc giả hàng tuần. Một trong những số đầu tiên có đăng bài Tiếng hát sông Hương của nhà thơ trẻ Tố Hữu. Bài thơ được dư luận hoan nghênh. Và các số sau, anh Tố Hữu gửi bài đăng tiếp. Cuộc đấu tranh giữa hai phái duy tâm và duy vật hồi bấy giờ cũng được Sông Hương đưa lên mặt báo bên cạnh các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá khác… Nội dung của Sông Hương phong phú nhất là đã mang lại cho người đọc những nhận thức mới, những cách nhìn mới về xã hội đương thời. Chính vì vậy mà Sông Hương đã hấp dẫn, thu hút được khá đông độc giả. Ảnh hưởng lớn lao, tác dụng thức tỉnh của Sông Hương đối với quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên học sinh, làm cho bọn mật thám chú ý. Vì thế sau một thời gian hoạt động Sông Hương bị đình bản. Mặc dù Sông Hương bị cấm, song tiếng nói yêu nước và cách mạng, tiếng nói của Đảng không bao giờ bị dập tắt. Kẻ thù dùng mưu này, những người cộng sản và yêu nước có kế khác. Sông Hương bị đóng cửa, báo Dân(1) lại xuất hiện do anh Phan Đăng Lưu trực tiếp phụ trách. Dân bị cấm, Kinh tế tân văn ra mắt, do anh Phạm Bá Nguyên đứng ra làm chủ bút. Biết Kinh tế tân văn thực chất cũng là một tờ báo của cách mạng, kẻ thù chỉ cho ra được một số. Bấy giờ bên phía trời Âu bọn phát xít đã châm ngòi lửa chiến tranh thế giới, phong trào Bình dân ở Pháp thất bại. Ở Đông Dương, bọn đô hộ Pháp khủng bố gắt gao hơn trước, bóp nghẹt báo chí. Huế lúc này là trung tâm chính trị của nhà nước bảo hộ và chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Tiếng nói của Đảng, của quần chúng cách mạng khó tồn tại được bằng hình thức báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, một bộ phận anh em biên tập viên vào Nam, mảnh đất thuộc địa của Pháp, cùng với Đảng bộ Sài Gòn ra tờ Dân Tiến. Những tờ báo tiến bộ, có tinh thần dân tộc và chống đế quốc đều được Phan Bội Châu tìm đọc bằng cả khối óc và con tim của mình. Tiếng Dân (2), Sông Hương… là những tờ báo mà cụ ưa thích. Bên cạnh đó, sự có mặt thường xuyên anh Phan Đăng Lưu ở túp lều Bến Ngự những năm 1937-1938 không những làm cho cụ Phan bớt cô đơn trong những tháng năm cuối đời mà còn làm cho Ông già Bến Ngự vốn đã ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc, có cảm tình với các tờ báo của Đảng càng hiểu thêm về người Cộng sản và chủ nghĩa cộng sản. Bằng hành động cho phép chôn cất anh Nguyễn Chí Diểu, một cán bộ cộng sản, ngay chính giữa khu vườn mộ của mình bằng việc viết những bài Vong tế các nữ đồng chí cộng sản ở Nghệ Tĩnh (1931) thương tiếc nữ đồng chí Thái Thị Bội (1938) và bài thơ chúng tôi vừa tìm được: Đọc báo Sông Hương và Khóc báo Dân là thêm những bằng chứng cụ thể về thái độ chính trị và tấm lòng của cụ đối với Đảng. Nhân kỷ niệm lần thứ 116 ngày sinh cụ Phan Bội Châu, chúng tôi xin giới thiệu bài thơ Đọc báo Sông Hương để bạn đọc xa gần hiểu thêm Ông già Bến Ngự và biết thêm một lý do vì sao lại xuất hiện Tạp chí Sông Hương trên mảnh đất vừa đẹp vừa giàu truyền thống yêu nước và cách mạng này. Đọc báo Sông Hương I. Vắng mặt Sông Hương suốt mấy trăng Đuổi xong ma bệnh rước tin mừng Mưa ba hồi tạnh, nghe trời hát. Sóng bốn bề im, thấy đất bằng. Vầng nguyệt quen nhào, chào trước mặt, Gió đông giục sẵn, thổi sau lưng Bà em nhà vạn, này này hỏi Sự sống ngày nay khác trước chăng? II. Này Ngự Bình sơn bạn với ai? Ừ Hương giang đó kết thành đôi. Sau ma bệnh dứt thơ đương hứng. Trước Chúa Xuân về rượu chửa vơi, Dì gió đa tình đưa khách tới, Nàng trăng vô cớ chét mình ngồi. Sông Hương chữ nói Sông Hương nước, Lơ lững trên thuyền giở báo coi. (Theo Trần Anh Vinh, Chương Thâu – Thơ văn Ông già Bến Ngự - Nxb Thuận Hóa) (5/2-84) ------- (1). Số ra đầu tiên ngày 6-7-1938. (2). Của cụ Huỳnh Thúc Kháng. |