Tạp chí Sông Hương - Số 6 (T.4-1984)
Bữa cơm Huế ở Pa-ri
10:01 | 08/11/2010
HÂN QUY“Làm gì để có tiền giúp Huế mà tránh đi quyên”, đó là ý nghĩ cứ xoáy trong đầu óc mỗi anh chị em chúng tôi đã lâu và nhất là trong buổi tiếp xúc đầu tiên với bà Nguyễn Đình Chi ở nhà chị Song, trưa ngày thứ bảy 1-10-1983. Có một anh bạn gợi ý: “Tại sao chúng ta không nhân dịp có bà Chi đang còn ở đây để tổ chức một bữa cơm?”
Bữa cơm Huế ở Pa-ri
Ảnh: Internet
Để nhẹ bớt gánh nặng tổ chức, chúng tôi đặt mua rất ít món, và sẽ nhờ những chị hảo tâm, mỗi chị khéo tay làm một món bánh Huế. Tôi liền nghĩ đến một chị bạn, chị Thu.

Vì tình bạn của chị đối với tôi và nhất là tình cảm của chị đối với Huế, chị nhận làm biếu một trăm cái bánh nậm và chị gợi ý tôi trong giấy mời nên ghi thêm “bữa cơm đặc biệt Huế” để “câu khách”.

Như vậy là sẽ có 3 chị nhận làm ba món bánh Huế khác nhau. Và đến lúc này, chúng tôi mới có đủ dữ kiện để thảo giấy mời.

Có một điều không may bất ngờ xảy ra vừa đúng lúc chúng tôi quay in giấy mời, là bưu điện ở đây bị đình trệ vì các trung tâm chọn lọc thợ đình công. Chúng tôi phải dùng những biện pháp khác để giấy mời đến tận tay (thân hành đến những nơi tập trung đông bà con) hay tận tai (điện thoại truyền miệng nhau) các anh chị em.

Nếu có những sự việc có thể làm nản lòng thì cũng có những điều khiến chúng tôi rất phấn khởi: nhiều người, vì lẽ riêng, sẽ không đến được, nhưng đã gởi tiền đến biếu Huế, đặc biệt là bà Dương Liễu, biếu gấp 30 lần giá tiền quy định; có bà Diệu, tuy tuổi đã cao, không những đóng của mà còn đóng công, nhà ở xa mà bà cố gắng đến nhà chị Song, phụ giúp làm bánh ram; chị Hoàng, không những hứa sẽ đến mà còn đi vận động thêm; chị Quỳnh đã phải hủy bỏ một bữa gặp gỡ các bạn đồng nghiệp đến phụ giúp ngày ấy; chị Tăng, một người có tiếng làm bánh rất ngon, vì một sự hiểu lầm, được tin quá trễ, đã nói với tôi:

- Đã lỡ hẹn với người ta, thì chồng tôi bị kẹt, nhưng tôi là dân Huế, tôi phải cố gắng đến với các anh chị chứ!

Sáng ngày chủ nhật 23-10-1983, các anh chị em trong ban tổ chức đến nhà Đông Nam Á thật sớm, khiêng bàn ghế bưng các thùng chai nước ngọt, bia, dọn dẹp, trang hoàng. Đến lúc bạn bè bắt đầu đến thì phòng khách cũng đã có tính cách Huế: có tấm bản đồ màu thành phố Huế, tranh ảnh di tích thắng cảnh Huế, quầy sách bán hay trưng bày những quyển sách, báo hay băng nhạc có liên hệ đến Huế.

Bạn bè càng đến đông, cho đến một lúc gây nỗi lo lớn cho chúng tôi: mặc dù tôi đã đề nghị đặt 100 phần ăn, chị Song, ít nhiều chịu ảnh hưởng của “phái bi quan”, chỉ đặt có 80 phần ăn, và chị Văn chỉ mang bát đĩa cho 80 người, và đến lúc số người đã lên tới một trăm! Thế là anh Hải, đáng lý lo dụng cụ phóng thanh, đã phải chạy ra phố mua thêm đĩa giấy, thế là anh Bửu phải tình nguyện chạy về nhà lấy thêm chén cho mượn… Thế là một số người trong ban tổ chức, tuy cũng đóng tiền như những người khác, đã phải “nhịn bụng đãi khách”, thế là rất nhiều chị đến tham dự, mà lại vén tay áo vào phụ giúp, sắp đặt bánh trái vào đĩa, ba bốn người chia nhau một cái gáo, một con dao, một đôi đũa…!

Tội nghiệp chị Thu, đã đóng tiền, đã làm biếu bánh nậm, lại còn cật lực phục vụ khách, tội nghiệp chị Kim đã làm việc liên miên, nhịn ăn mà trên môi vẫn giữ nụ cười tươi như hoa.

Có một Bác trong gia đình “Bình Trị Thiên”, có đến hỏi nhỏ tôi, tại sao Bà Chi là khách quý và tuổi cao, mà ngồi ăn, không có bàn, phải đặt đĩa bánh trên tay.

Sau này, lúc nhắc lại chi tiết này với bà Chi để xin lỗi bà, tôi có thêm: - Cháu thiết nghĩ rằng bà thích cầm đĩa ăn trên tay, trong một buổi đông đảo bạn bè giúp Huế, còn hơn là ngồi có bàn ăn mà vắng khách đến tham dự.

Sau bữa ăn, anh T-N-T, thay mặt chúng tôi, đã kể lại việc làm riêng lẻ của một số anh chị em chúng tôi trong mấy năm gần đây, như gửi sữa, thuốc, dụng cụ mổ xẻ về biếu bệnh viện Huế và nói tiếp:

“Điều mà làm cho chúng tôi phấn khởi là những món quà, tuy nhỏ, nhưng đã đến tận các bệnh nhân, các em bé. Bằng chứng là học viện Y học Huế có gửi biếu các anh chị Việt Kiều yêu Huế món quà này (anh T-N-T chỉ hai con chim tạo bằng rễ cây, công trình của anh Hải Bằng, được trưng bày trên quầy sách, trước mặt bà con).

Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn nữa việc giúp đỡ thành phố Huế.

Chúng tôi đề nghị thành lập một tổ chức tạm gọi là “Những người yêu Huế” (Amicale des Amis de Hue), trước hết là để giúp đỡ lẫn nhau, sau nữa để chung sức, kẻ góp công, người góp của, tùy khả năng của mỗi người, để giúp đỡ thành phố Huế, trong lĩnh vực y tế, giáo dục (nhất là cho các trẻ em), văn hoá…

Những người phát biểu ấy, trang trọng mà chứa chan tình cảm đã được toàn thể hoan nghênh. Sau đó, bà Nguyễn Đình Chi lên phát biểu, bà qua đây tuy là để thăm viếng riêng, nhưng thành phố Huế cũng đã nhờ bà chuyển đến bà con lời chào thắm thiết ruột thịt, cái ý chính của thành phố là coi trọng tình cảm của đồng bào ở nước ngoài đối với thành phố, bà cũng cho biết tình hình ở quê nhà.

Tiếp theo, anh Viên, bác sĩ khoa Nhi bệnh viện Huế, lên nói cho biết tình hình ở Bệnh viện Huế, phần kết thúc là cuộc bán “đấu giá lối Mỹ” bức tranh của họa sĩ Năng Tĩnh do chị Cẩm biếu, chị Quỳnh và anh Xuân đem hết tài của mình để tăng giá bức tranh từng giây từng phút và cảm động nhất là lúc chen mua, giọng bác Trần 93 tuổi xen với giọng cháu Yann, 10 tuổi.

Phải, bữa cơm Huế đã bắt đầu có tiếng vang tốt: anh Nghiêm, tuy gốc người miền Bắc, đã gửi về biếu khoa Toán trường Đại học Huế một máy tính nhỏ, họa sĩ L.B.Đ có gửi quà về biếu anh chị em văn nghệ sĩ Huế, một số những người Pháp đã sống ở Huế trong thời niên thiếu có gặp chúng tôi, nhắc lại kỷ niệm của tuổi nhỏ và ước mong có dịp cùng nhau trở lại thăm viếng thành phố đầy thơ mộng, có dòng sông đẹp hơn sông Sein, anh Trần đã tranh thủ được lần thứ ba để gởi được một kiện hàng về Huế khỏi trả tiền cước phí.

Và ngày chủ nhật ngày 6-11-1983, tuy còn mệt mà chúng tôi cũng đã đến nhà anh Lê, chị Cẩm sắp thuốc, sữa, dụng cụ mổ xẻ và gói gửi được 9 kiện quà, nặng trên 100 kí về biếu thành phố Huế, hôm nay cũng như ngày 23-10-1983, bà mẹ và bà dì chị Cẩm vẫn luôn tay phụ giúp chúng tôi.

Sở dĩ trong hoàn cảnh căng thẳng cuộc sống ở Pháp mà chúng tôi vẫn hăng say làm việc là vì chúng tôi rất yêu Huế, nói như nhà thơ Giang Nam nhớ nhà thơ Thanh Hải:

Cái thành phố có dòng sông êm ấy
Với tôi thân thiết tự bao giờ

Huế ở trong lòng, Huế rất thương
”.

Nhớ Huế, chúng tôi nghĩ đến đồng bào ruột thịt, hết chiến tranh rồi đến thiên tai bão lụt, chúng tôi nghĩ đến các anh chị, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà vẫn bám víu lấy thành phố thân thương này.

Nhớ Huế, chúng tôi đã nghĩ đến công việc có tính chất lâu dài, trong buổi gặp gỡ lần thứ hai ở nhà chị Song trưa chủ nhật 13-11-1983 chúng tôi đã bàn đến việc chúng tôi có thể làm gì để tìm lại các tư liệu lịch sử về các di tích ở Huế, chúng tôi đồng thời nghĩ đến Huế ngày nay, Huế ngày xưa và Huế mai sau: Huế, đẹp và thơ.

Pa-ri mùa thu 1983
H.Q.
(6/4-84)





Các bài đã đăng