Tạp chí Sông Hương - Số 135 (tháng 5)
Chúng tôi tổ chức Festival Huế 2000
09:55 | 06/04/2010
Festival Huế 2000 có tiếng vang lớn. Một nhà báo nước ngoài nói: "Nếu quảng cáo cho Huế trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và nước ngoài được như tuyên truyền cho Festival Huế vừa rồi, tốn khoảng 15 đến 20 triệu USD". Có thể nói: Festival Huế 2000 là rất thành công. Sau Festival, tạp chí Sông Hương có được tiếp xúc với ông Lê Viết Xê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trưởng ban tổ chức Festival ông vui vẻ kể lại diễn biến Festival như những kỷ niệm khó quên. P.V.Tạp chí Sông Hương có ghi lại đầy đủ. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
LÊ VIẾT XÊ

Từ lâu ai cũng biết rằng Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước. Song không ít lần chúng ta băn khoăn về văn hóa du lịch Huế, hỏi bởi hai lẽ:

- Một là sức bật rất cầm chừng. Trong báo cáo thì bao giờ cũng là: Năm nay có tiến bộ hơn năm ngoái, so với thời gian, kỳ này khá hơn kỳ trước.

- Hai là sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch còn lỏng lẻo. Rất cần kết hợp du lịch và văn hóa cho chặt chẽ, có chất lượng. Bản thân du lịch là văn hóa. Sản phẩm du lịch chất lượng cao thì sức hút văn hóa sẽ càng lớn.

Do vậy kết hợp văn hóa - du lịch là tất yếu. Nhưng ta chưa phát huy được. Lãnh đạo tỉnh luôn suy nghĩ tìm một điểm đột phá: làm sao tăng tốc du lịch kết hợp hài hòa giữa văn hóa và du lịch.

Trước tình hình ấy, rõ ràng Thừa Thiên Huế phải tổ chức một lễ hội Festival văn hóa nghệ thuật kết hợp với du lịch. Trên thế giới người ta đã tổ chức nhiều lễ hội Festival lắm. Festival điện ảnh, Festival sân khấu, Festival sinh viên... Mỗi Festival có yêu cầu riêng. Sự thế ấy, Huế cần tỏ chức Festival văn hóa nghệ thuật kết hợpvới du lịch. Vì Huế có thế mạnh đặc thù và rất lợi thế so với các vùng xung quanh. Nếu tổ chức được Festival, sẽ tạo ra một cú hích, từ đó làm đà cho một sự phát triển mới, mạnh mẽ hơn.

Từ ý tưởng ấy, lãnh đạo tỉnh tranh thủ các nhà lãnh đạo cao cấp của trung ương, của các nhà văn hóa lớn trong nước, của bộ văn hóa thông tin. Rất vui những nơi chúng tôi xin ý kiến rất được đồng tình, ủng hộ. Cũng rất may là cùng lúc Pháp cũng có ý muốn cùng Huế tổ chức một Festival ở quy mô lớn. Vậy là hai ý tưởng gặp nhau.

Thấy thời cơ thuận lợi, chúng tôi chính thức báo cáo với chính phủ, với Trung ương. Tháng 10 năm 1998 chính phủ có văn bản chính thức tổ chức Festival Việt - Pháp năm 2000.

Vì sao ta lại chọn năm 2000. Vì đó là năm du lịch Việt Nam, đó là chương trình hành động quốc gia của chính phủ. Ngành du lịch Việt Nam lấy năm 2000 làm năm khởi động cho mục tiêu 1.000.000 khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Thế giới cũng quan niệm năm 2000 là năm có ý nghĩa lớn. Mỗi nước họ chọn một điểm đến vào năm 2000. Năm trọng đại này, họ chọn điểm đến là Việt Nam. Huế là điểm đến của khách du lịch. Nếu Huế tổ chức được Festival, những hoạt động của nó sẽ có sức hút những người chọn Huế, chọn Việt Nam làm điểm đến năm 2000.

Từ đầu năm 1999 tỉnh Thừa Thiên Huế có cuộc đàm phán đầu tiên với đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Tiếp sau là 7 lần đàm phán kết hợp với các chuyên gia cao cấp. Qua đàm phán quả thật lúc ấy mới hiểu thế nào là Festival có quy mô quốc gia và phạm vi quốc tế.

Thực ra qua đàm phán, trong tâm trạng chúng tôi vừa mừng vừa lo. Lo vì chưa hình dung ra Festival xuôi ngược thế nào, tầm cỡ ra sao. Vì Việt Nam đã tổ chức Festival nào đâu. Khi đàm phán với Pháp trong tâm trạng cũng có chút tự ty. Bởi vì các nhà tổ chức Festival của Pháp họ đã có hai chục năm kinh nghiệm.

Dẫu sao ta với Pháp cũng có hai cơ chế khác nhau. Kiểu của ta là văn hóa cho mọi nhà, mọi người, truyền bá văn hóa càng rộng càng tốt. Về phía Pháp, họ chú trọng đặc biệt là phải thương mại hóa Festival.

Nghĩ cho cùng, mình có lý của mình, họ có lý của họ. Tuy vậy việc phải thương mại hóa Festival đúng là họ có kinh nghiệm. Hiểu thương mại hóa theo cách của ta là kinh tế trong văn hóa. Đó có thể gọi là bài học đầu tiên chúng tôi nhận ra trong quan hệ Festival với Pháp: văn hóa không chỉ cho mọi người mà phải biết làm kinh tế trong văn hóa. Mọi việc chuẩn bị cho Festival tưởng êm chèo mát mái nào ngờ tháng 11 và tháng 12 năm 1999 liên tục tỉnh bị hai cơn lũ lớn làm đảo lộn kinh tế xã hội. Tiếp đến mưa dầm xứ Huế cả tháng trời. Trước thảm họa ấy hầu như không ai nghĩ đến Festival, có người khuyên tỉnh không nên tổ chức Festival lúc này. Trước tình hình ấy Thường vụ tỉnh ủy, HĐND,UBND, Mặt trận, các cơ quan ban ngành vốn quyết tâm tổ chức Festival nhưng với sự nỗ lực phi thường, đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của chính phủ, của các ban ngành Trung ương. Ngày 17/2 Chính phủ mời đại diện UBND tỉnh cùng 12 bộ ngành Trung ương nghe báo cáo về chuẩn bị Festival. Tại hội nghị quan trọng này PTT Nguyễn Mạnh Cầm kết luận: Nhất trí cho Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 với ba yêu cầu, Festival giới thiệu bản sắc văn hóa việt Nam, văn hóa Huế, giao lưu với văn hóa Pháp. Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động nhất là sau lũ lụt. Từng bước tích lũy kinh nghiệm xây dựng Huế thành thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam đồng thời Thủ tướng chính phủ yêu cầu các bộ ngành TW, các địa phương hỗ trợ giúp đỡ Huế tổ chức Festival.

Từ ý tưởng ban đầu, dần dần mới giải được bài toán Festival. Festival có hai phần: phần "IN" và phần "OFF". Phần "IN": trong (trong kinh thành), phần "OFF": ngoài (ngoài kinh thành). Phần "IN" đòi hỏi chất lượng chuẩn hóa. Phải được bán vé để bù đắp cho chi phí hoạt động. Phần "OFF" mở rộng cho mọi đối tượng. Không bán vé. Cần nói rõ là trong, ngoài, chứ không phải chính, phụ, không có chất lượng loại I, loại II. Sự sáng tạo của ta chính là phần OF này. Thành công chính là phần này. Hết sức đa dạng và phong phú mà ngay cả các bạn Pháp cũng bất ngờ.

Khai mạc hết sức hoành tráng với chương trình biểu diễn của 750 diễn viên. 5 vạn người xem. Đêm tổng kết, hội hoa đăng hết sức rực rõ, cũng 5 vạn người xem. Suốt 12 đêm hội Festival, sinh viên học sinh đêm nào cũng tổ chức ca nhạc. Hai nhà văn hóa trung tâm và thành phố đêm nào cũng có giao lưu. Đoàn nhạc tài tử Nam Bộ ra cũng rất được hoan nghênh. Đoàn tuồng Bình Định đăng ký chậm, hết chỗ, kín thời gian mất rồi. Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ Sài Gòn ra, Hà Nội vào. Mỗi người góp cho Huế một dáng vẻ của mình. Cùng lúc ấy hàng loạt lễ hội dân gian được tiến hành: Lễ hội điện Hòn Chén, đua thuyền, vợt, thả diều, 14 cuộc triển lãm tranh ảnh, thư pháp rất được đông đảo công chúng tham dự.

Để tiến hành Festival có một điều rất quan trọng phải nói là tiền đâu? Thừa Thiên Huế vừa trải qua một trận lụt kinh hoàng, cả nước lo cứu trợ. Tổ chức Festival chắc chắn là tốn kém. Dùng ngân sách địa phương, đụng vào cái dạ dày đã lép kẹp ấy, cái hầu bao rất lỏng lẻo ấy, chắc chắn không thể được nhân dân đồng tình.

Chúng tôi báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy, ủy ban, đề nghị làm Festival nhưng ngân sách địa phương bỏ ra tối thiểu nhất. Chủ yếu là đi xin hỗ trợ, tài trợ và kinh phí đối tác Pháp. Chúng tôi tin là đi xin được vì hai lẽ:

Một: Chúng tôi đã một lần đi xin tài trợ cho trại sáng tác quốc tế, được 1 tỷ rưỡi. Trong lúc đó, ngân sách địa phương chỉ bỏ ra 100 triệu. 29 tác phẩm điêu khắc đã tạo ra một vườn tượng hiện đại đối xứng đầy ý nghĩa với các công trình kiến trúc cổ giữa hai bờ Sông Hương.

Hai là: Thừa Thiên Huế mới qua trận lũ, tạo điều kiện cho Huế phát triển, đi lên, chắc chắn chính phủ, các bộ ngành, bạn bè sẽ ủng hộ.

Chúng ta không xin cứu trợ, mà xin một điều kiện tạo đà mở mang tiềm năng văn hóa du lịch. Cách giải thích có tình có lý ấy, nên các địa chỉ chúng tôi nhắm đến đều ủng hộ nhiệt tình, động viên hết sức và hỗ trợ thiết thực kể cả các bộ, các tổng cục.

Từ bộ văn hóa thông tin, tổng cục du lịch, đường sắt, hàng không Việt Nam, Việt Nam Air line đến tổng cục bưu chính viễn thông, bộ ngoại giao, bộ công an... đều sẵn sàng góp tay vào. Bộ ngoại giao chỉ thị cho đại sứ các nước: tuyên truyền Festival 2000 qua đường ngoại giao. Hàng không Việt Nam, ngay từ số tạp chí tháng 3, tháng 4 đã đưa rất nhiều hình ảnh hấp dẫn về Huế, về Festival 2000. Bộ văn hóa huy động 500 diễn viên từ 3 trường nghệ thuật, 4 đoàn nghệ thuật cùng lực lượng văn nghệ sĩ lo các chương trình hoành tráng cho Festival. Bộ còn hỗ trợ cho đêm khai mạc hệ thống ánh sáng, âm thanh hiện đại nhất của Việt nam đưa vào kịp thời và phát huy đắc lực vào hiệu quả Festival 2000.

Nhìn một cách khách quan, thấy rằng nhiều công trình được hoàn thành nhanh chóng, kịp thời đầu tư cho sự phát triển chứ không phải cho Festival. Song nhân Festival, các công trình đẩy nhanh tiến độ để hưởng ứng Festival. Như 7 công ty thi công cửa ngõ Bắc Nam thành phố, chỉ trong hai tháng trời đã hoàn thành cơ bản. Sân bay Phú Bài, chính phủ cho cơ chế chỉ định thầu, kịp phục vụ du khách Festival. Đúng 6-4-2000 khánh thành đường băng, trước khai mạc Festival hai ngày. Ngành đường sắt bỏ ra 3 tỷ rưỡi cải tạo phòng đợi, phòng bán vé, đồng thời giảm 10% giá vé cho khách đến Huế, tăng thêm hai tàu chở khách, tạo điều kiện cho du khách đến Huế dễ dàng. Chính phủ quyết định hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế 3 tỷ, 2 tỷ làm điện chiếu sáng, 1 tỷ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bộ văn hóa sau khi khảo sát quyết định hỗ trợ kinh phí làm sân khấu và khán đài. Trước quảng trường Ngọ Môn một sân khấu 600 mét vuông, một khán đài cho 1200 đại biểu, tạo nên sự hoành tráng rất hiệu quả đêm hội: Cố đô, mở màn cho Festival Huế 2000.

Những sự giúp đỡ chí tình ấy là biểu hiện sự đồng cảm, mong muốn Thừa Thiên Huế phát triển chứ không phải sự thương hại.

Vấn đề còn lại là Tổ chức Festival như thế nào. TỉnhThừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc lễ. Nhưng thời gian ngắn, một hai buổi là cùng. Còn Festival những 12 ngày đêm. Gặp một đối tác quá nhiều kinh nghiệm nữa, nên mình phải quyết tâm cố gắng. Ban tổ chức Festival đã hình thành một lực lượng gồm nhiều tiểu ban:

1- Tiểu ban nội dung

2- Tiểu ban âm thanh, ánh sáng

3- Tiểu ban tuyên truyền

4- Tiểu ban dịch vụ du lịch

5. Tiểu ban lễ tân

6- Tiểu ban an ninh

Ngoài ra còn tổ chức văn phòng Festival, Trung tâm thông tin, báo chí Festival.

Mặc dù anh em ta chưa có kinh nghiệm nhưng trách nhiệm rất cao, lăn lộn hết mình.

Để có sáng tạo và khẳng định, chúng tôi thường xuyên tranh thủ ý kiến của chính phủ, bộ văn hóa thông tin, tập thể thường vụ tỉnh ủy để chỉ đạo Festival thành công. Ngay lãnh đạo tỉnh cũng chưa ai có kinh nghiệm Festival. Những tác nghiệp đến các chi tiết cần thiết lễ hội mình đâu có kinh nghiệm. Kinh nghiệm của ta là dám làm, quyết tâm làm, vừa làm vừa học tập, lấy mục tiêu vì sự phát triển để làm thì nhất định sẽ thành công. Chúng tôi đã tiến hành công việc của mình với tinh thần quả cảm ấy.

Nhìn lại 12 ngày Festival, tôi thấy mấy điều hết sức tâm huyết này:

Một là: Tôi rất xúc động về nhân dân. Nhân dân Thừa Thiên Huế, trước một việc gì mới thường rất cẩn trọng. Lần này, một phần do tuyên truyền giới thiệu bằng các phương tiện truyền thông đại chúng kỹ càng, nên nhân dân hưởng ứng, ủng hộ ngay từ đầu, và thực sự đóng vai trò người chủ của Festival Huế 2000. Bà con thấy các công trình ngổn ngang đều lo: có kịp cho Festival không? Những đêm mưa bà con thao thức như thao thức chính công việc nhà mình. 500 nhà dân sắp xếp lại chỗ ở để đón khách du lịch. Khách Sài Gòn, Hà Nội ngạc nhiên cả khai mạc, bế mạc có tới 5 vạn người dân tham gia. Có khách phát biểu với tôi! "Đúng là dân Huế họ tự hào và thấy rõ trách nhiệm, bổn phận với vùng văn hóa của mình.

Hai là: Lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh rất quan trọng. Thực sự họ đóng góp một phần quan trọng cho Festival. 350 thanh niên tình nguyện không đòi hỏi một yêu cầu gì, giữ gìn trật tự, hướng dẫn khách du lịch, vất vả nhưng lúc nào cũng vui vẻ đầy ấn tượng. 12 đêm hội là 12 đêm diễn của thanh niên, sinh viên. Nếu không có sân chơi ấy, hàng vạn người tràn vào kinh thành, không biết chuyện gì sẽ sẩy ra.

Rõ ràng, biết phát động, biết tác động đúng chỗ mạnh của thanh niên, họ sẽ tạo ra được một sức mạnh mới mẻ làm ta bất ngờ.

- Ba là: tôi rất cảm động trước sự ủng hộ nhiệt tình của các phóng viên, các báo chí tuyên truyền cho Festival. 300 nhà báo trong nước, 32 nhà báo nước ngoài đến Huế, 170 tờ báo đăng bài về Festival. Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp 3 lần cho cả nước xem Festival. Chương trình TV5, CNN phát cho hơn 120 nước theo dõi về Festival Huế 2000. Thật là một lượng thông tin quảng cáo đồ sộ nhất từ trước đến nay của Huế. Thiếu giường ngủ, các phóng viên đài truyền hình trung ương phải trải nệm xuống sàn nghỉ, nhưng họ là những người lính xung kích, và hiệu quả của báo chí thật không thể lường nổi. Vì chưa quen quản lý lực lượng tuyên truyền đông thế này, nên lúc đầu có trục trặc, sau đó chúng tôi điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà báo lấy tin tức và những dữ kiện anh em yêu cầu.

Vậy là Festival đã kết thúc, mức độ thành công dành cho công chúng đánh giá nhưng điều quan trọng nhất của chúng tôi là tiếp thu công nghệ, đúc rút kinh nghiệm tổ chức Festival cho lần sau. Còn nhiều vấn đề cần tổng kết, nhiều vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết. Phấn đấu để Huế thật sự trở thành một thành phố Festival trong tương lai. Đó là điều nhân dân Huế rất mong đợi.

(135/05-00)





Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Về cội nguồn (09/04/2010)
Các bài đã đăng