Tạp chí Sông Hương - Số 135 (tháng 5)
Trò chuyện với giáo sư Claude Comiti về Festival Huế 2000 "Tôi không bao giờ quên ấn tượng đẹp đẽ đó"
10:05 | 06/04/2010
Trong nhiều dịch vụ mà Công ty du lịch Hương Giang tổ chức nhân Festival Huế 2000, tôi nghe nói Tour nhà vườn Huế là ăn khách nhất. Khuyến khích tôi tiếp cận vấn đề này, chị Thu Hương - Phụ trách thị trường của Trung tâm lữ hành Hương Giang động viên: "Anh nên tìm đến các vườn do Trung tâm tụi em tổ chức thì hơn". Cầm tập gấp: "Nhà vườn Huế" vừa mới phát hành, tôi lần theo địa chỉ của 1 trong 6 vườn tiêu biểu.
Với tôi, Lạc Tịnh Viên - nằm ở 65 Phan Đình Phùng 9 (Huế) chẳng có gì xa lạ. Cách đây hơn chục năm khi vợ chồng anh Bửu Tôn còn ở Huế (nay đã định cư ở Hoa Kỳ), tôi thường cùng các anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Ý, Ngụy Ngữ, Hoàng Định Giang, Tôn Thất Văn,v.v... tụ tập ngồi uống rượu, khi thì ở trong nhà, lúc ở ngoài vườn và tán dóc sự đời. Những năm gần đây, khi anh Trần Như Hy - chồng của bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam - hậu duệ của vua Tự Đức còn dùng nhà Hy Trần Trai để in lụa nhằm kiếm kế mưu sinh tôi vẫn thường lui tới trò chuyện. Ngôi nhà xưa u tịch và buồn bã, hiu hắt như ngọn gió thổi muộn qua dòng sông An Cự: "nắng đục mưa trong" ở phía trước mặt nhà của chủ nhân, vậy mà bây giờ như có phép lạ, 4 ngôi nhà ẩn mình trong khu vườn rộng hơn 2000m2 tươi tắn và xinh xắn đến ngạc nhiên. Những cột gỗ lim bóng láng, những nét chạm trổ tinh xảo cứ lồ lộ và những bức liễn, bức hoành, câu đối nhũ vàng óng ánh.

Trong khi chờ bà Khánh Nam - chủ nhân ngôi nhà (đang bận giới thiệu với khách), tôi được thân chủ mời uống trà và ăn bánh cúng Huế. Những chiếc bánh làm bằng bột nếp được gói trong giấy ngũ sắc đang là nghề sinh sống của hàng trăm cô gái ở miệt vườn Kim Long. Vào dịp mồng một hoặc khi có kỵ, chạp, người Huế thường mua về để cúng gia tiên: "Ăn bánh này, nếu không uống nước thường dễ bị sặc, hoặc nghẹn" - nghe tôi giải thích vậy, bà Claude Comiti ngạc nhiên nhìn tôi.

Được thầy Thân Trọng Ninh giới thiệu, bà Claude Comiti đồng ý trả lời những câu hỏi của tôi. Bà hiện là giáo sư của trường đại học Grenoble - Pháp, đã từng làm việc ở VN 10 năm nay.

Nói về cảm nghĩ của mình khi thăm Lạc Tịnh Viên, bà giáo sư nhận xét: "Nhà đẹp lắm và nó có lịch sử lâu đời (lập năm 1889). Tôi biết đây không phải là nhà thường dân là nhà của quan lại hoặc trí thức, bởi những bức liễn, hoành, câu đối tự nó thể hiện điều đó. Chính sự rộng rãi và yên tĩnh của vườn càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi nhà và tạo cho ta cảm giác như ở trong một thế giới khác". Còn về đêm khai mạc Festival Huế 2000, giáo sư Claude Comiti kể tiếp: hôm đó, tôi có mặt ở sân bay Phú Bài lúc 18 giờ. Thấy du khách rủ nhau đi đông quá, vì tò mò tôi đi theo. Tôi bị chìm trong biển người ở quảng trường Ngọ Môn để theo dõi lễ khai mạc. Điều ngạc nhiên đầu tiên là thanh niên Huế chăm chú nghe các diễn văn. Tôi thấy họ cười và vỗ tay. Người Huế lịch sự lắm. Biết tôi là người ngoại quốc họ báo với cảnh sát. Tôi lo lo, nhưng anh biết không, họ dẫn tôi đến 1 khu vực khác và chỉ cho tôi 1 ghế ngồi, mặc dù tôi không phải khách mời hoặc là du khách của Tours nào hết. Tôi đi tự do. Như tôi đã giới thiệu, tôi đã ở VN 10 năm và đã tìm hiểu khá kỹ nền văn hóa của đất nước này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy đỉnh cao của nền văn hóa dân tộc VN và của Huế. Thật là tuyệt vời - tôi không bao giờ quên ấn tượng đẹp đẽ đó".

Chia tay với giáo sư Claude Comiti, tôi quay trở lại hỏi chuyện bà Khánh Nam. Bà cho biết, từ ngày mở cửa, vườn nhà của bà đón hàng trăm khách. Bà không dấu nổi sự vui mừng: "Họ vô thăm vườn nhà mình là quý lắm rồi. Ngoài ra chúng tôi không nghĩ đến chuyện tiền bạc. Nói ra dị òm".

Theo cô Thu Hương, để mở Tours du lịch nhà vườn, Trung tâm lữ hành Hương Giang thỏa thuận với các gia chủ: khi đưa khách đến Trung tâm sẽ thanh toán cho chủ nhân 10.000 đồng/người (khách nước ngoài) và 3000 đồng/người (khách trong nước). Hiện nay tours nhà vườn của Công ty du lịch Hương Giang Công ty du lịch Huế thực hiện đúng cam kết, còn các đơn vị hoặc cá nhân khác lợi dụng "xài kiểu chùa". Làm du lịch kiểu này cũng là cách hại nhau, do bị phỗng tay trên và không thể chấp nhận được, dù nói như bà Khánh Nam" việc tiền bạc chúng tôi không băn khoăn.

HỮU THU
(135/05-00)




Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Về cội nguồn (09/04/2010)
Các bài đã đăng