Tạp chí Sông Hương - Số 135 (tháng 5)
Cây giữ đất
14:16 | 07/04/2010
NGUYỄN CẨM HƯƠNGBỏ dép, tôi thả bộ trên cát ướt. Bàn chân chạm lên những xác cua còng, vỏ sò... có hơi kến một chút nhưng tôi được tiếp nhận sức sống dồi dào từ lòng đại dương thấm vào da thịt. Lâu lắm tôi mới lại đi trên bãi biển như thế này và hơn thế lại với một người đàn ông.
Cây giữ đất
Minh họa: Ngô Lan Hương
Mười năm trước tôi đã có một lời nguyền sẽ chẳng bao giờ ra biển nữa. Mặc dù từ nhà tôi ra biển không xa lắm. Hồi còn học phổ thông, mùa hè chúng tôi thường đạp xe ra biển tắm, tắm xong rồi về. Biển quê tôi là bãi biển đẹp nhất nhì nước và bây giờ càng hiện đại hơn bởi những dự án đầu tư của ngành du lịch. Nhưng tôi vẫn dửng dưng, chỉ bởi một điều biển luôn gợi lên trong tôi một nỗi hận thù thấm đầy suốt thời tuổi trẻ.

Thực ra biển đâu có lỗi gì? Chỉ có con người mới làm cho biển nhiễm đầy độc tố mà thôi.

Hồi đó tôi cũng là một cô gái vô tư yêu đời. Tốt nghiệp đại học, về nhà chờ phân công công tác, tôi tự thưởng cho mình những ngày nhàn rỗi để đắm chìm trong dòng âm nhạc của Trịnh Công Sơn và tưởng tượng những mối tình của mình qua giọng ca trầm buồn của Khánh Ly.

Tôi chưa yêu ai, thậm chí một người bạn trai thân cũng không có. Năm năm đại học, tôi chỉ biết có sách. Điểm luận văn tốt nghiệp của tôi được 9 nhưng điểm cho cuộc đời mới chỉ là con số không.

Nhài đến, ào như cơn gió mùa hè. Nó là đứa bạn thân duy nhất còn lại của tôi từ thời phổ thông. Đã là cô giáo và có người yêu sắp cưới. “ Mai đi Sầm Sơn không? Long mới về”. “ Thế thì việc gì phải cần đến tao?” “ Có đấy, nhưng Long lại rủ về một anh bạn để đi nghỉ mát” “ Vậy thì sao? đừng nghĩ Hồng này đang đói là vớ gì cũng ăn đâu nhé!”. “ Tùy mày, nhưng tao sợ mày lại tiếc đấy”.

Sáng mai tôi vẫn chuẩn bị và nó vẫn đến rủ. Cái kiểu của chúng tôi là như vậy, không đứa nào hiểu sai ý nhau. Tôi ngoắc chiếc túi bơi vào ghi đông xe rồi bảo: “ Đây chỉ chuẩn bị người và phương tiện thôi còn lương thực là do đằng ấy”. “ Yên chí đi, lần này bọn mình được bao, à xe bơm căng chứ, nó phải làm nhiệm vụ đấy”. Nhài thò tay bấm vào cái lốp rồi ngó sang bên kia đường. Bên đó có hai chàng thanh niên đang đứng dựa vào chiếc xe đạp, ra vẻ mải mê trò chuyện.

 “ Anh Vinh ơi! đèo cái Hồng bạn em nhé”

Chàng dong dỏng cao quay lại. Tôi thoáng nhận ra một gương mặt dễ chịu. Nhưng anh ta đi về phía tôi không một nụ cười xã giao: “ Chào bạn, chắc Nhài đã giới thiệu về tôi”. “ Vâng, cách đây vài phút”.

Bãi biển dạo đó còn nhiều vẻ hoang sơ. Cái thời kinh tế chưa bùng nổ như bây giờ nên mọi dịch vụ ăn uống đều khan hiếm. Chúng tôi đành mua bánh đa và ít hoa quả ăn thay bữa. Bánh đa thơm bùi béo ngọt. Ăn xong uống nước dừa mát lịm chân răng. Bây giờ ăn uống nhiều trong các nhà hàng đặc sản. Tôi vẫn chẳng tìm thấy được mùi vị nào ngon hơn thế.

Cả ngày vùng vẫy với biển, chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn. Nhài đề nghị ở lại một đêm để ngắm trăng lên. Bốn chúng tôi ngồi trên một tảng đá cạnh đền Độc Cước, mải mê ngắm những con sóng bạc đầu đang đuổi nhau đập vào vách đá. Trăng hạ tuần chưa lên. Song chúng tôi không sốt ruột. Quãng thời gian này huyền diệu trong tâm tư mỗi người.

Nhài ngồi gọt những quả dưa lê rồi bày ra trên tờ báo. Nhưng chẳng ai thèm ăn. Sự thăng hoa của tâm hồn đang chế ngự, nó không dành chỗ cho đòi hỏi thô tục của dạ dày.

Tôi nhận ra ai cũng khang khác. Nhài trở nên e lệ yếu đuối bên người yêu. Còn Vinh, anh chàng kiêu hãnh ban nãy đã mềm mại hơn trong những câu hát đa tình: “ Nơi anh gặp em có nắng vàng rực rỡ, biển xanh mênh mông, triền miên sóng vỗ...” Chúng tôi hát nho nhỏ những lời ca mà mình yêu thích gửi vào đó nỗi lòng mình và... gửi cho ai? Thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Khuya, biển cũng êm đềm hơn. Những khát vọng của riêng tư lên ngôi. Nhài và Long gần như quên hẳn chúng tôi. Vinh bắt đầu nói huyên thuyên và vô duyên khủng khiếp, như thể đang cố che đậy điều gì mà không che đậy được. Tôi nhớ đến những câu chuyện tình trong sách, không hiểu những lúc như thế này người ta thường phải làm gì nhỉ?

Trăng lên, như tấm gương tròn khổng lồ của ai đó đánh rơi xuống biển, đang được nàng tiên cá dâng trả lại. Mặt biển sáng lấp như triệu triệu vì sao tan trong nước. Không gian cũng rộng ra. Tôi nhìn sang Vinh và ngượng ngập vì bây giờ chúng tôi rõ ràng hơn. Song tôi vẫn ngạc nhiên vì trong trăng Vinh đẹp hơn, trông như chàng Ích- chi- an mà tôi đã được xem trong phim “ Người cá” Khuôn mặt anh nhìn nghiêng, có những nét chuẩn như vẽ.

“ Hồng này, chúng mình đi dạo nhé, chứ ngồi mãi như thế này mỏi lắm” Vinh bỗng đề nghị.

Tôi lưỡng lự, quay nhìn Nhài. Nó đang gục đầu vào ngực người yêu.

“ Khuya rồi” Tôi đáp ngần ngại. “ Trăng sáng lắm, có gì đâu mà sợ, vả lại...” Vinh hất đầu về phía Nhài. Tôi đành đứng dậy theo anh.

Nhài hẹn: “ Tý nữa gặp nhau ở khách sạn, đừng có đi tới sáng”. Tôi nghĩ: Chẳng đi tới sáng thì cũng còn ngủ nghê gì nữa mà về. Chắc nó cũng vậy.

Chúng tôi xuống núi, đi men theo mép sóng. Tôi không ngờ biển đêm trăng lại đẹp lạ lùng đến thế. Khung cảnh huyền ảo như trong chuyện cổ tích. Và tôi tưởng như chàng người cá đã từ dưới biển bước lên cùng tôi sánh bước trên bờ cát.

Lúc này Vinh nói chuyện đã trôi chảy hơn, lại đượm vẻ lãng mạn nữa. Vinh học xong đại học và được ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, nhưng anh bảo anh còn tiếp tục học nữa để đi nghiên cứu sinh ở Đức hay Nga lấy bằng tiến sĩ. Tôi cũng bị cuốn theo những hoài bão của anh, ngợp thở vì những kiến thức uyên bác của anh. Tôi thấy mọi đàn ông đều trở nên hèn kém khi so sánh với anh.

Nhưng lúc này tôi lại chỉ muốn anh là chàng người cá ngờ ngệch đa tình để cùng tôi tận hưởng những giây phút đẹp đẽ trong đêm trăng huyền diệu như thế này.

Song, anh vẫn chẳng phải chàng người cá. Anh vẫn là chàng cán bộ say sưa với những hoài bão, công trình, dự kiến và vinh quang.

Tôi tự hỏi, Nhài đã bố trí cho tôi có đêm trăng này, hay để gỡ thế bí cho nó.

May mà anh bỗng đề nghị ngồi xuống một chỗ nào đó cho đỡ mỏi chân. Suýt nữa tôi định giục anh quay về.

Cả hai ngồi bó gối tựa vào một gốc phi lao già.

Anh quay sang tôi không hẳn là một lời tán tỉnh. “ Em hiền thật đấy. Không giống con gái Hà Nội... mà anh không thích con gái bạo dạn”. Tôi im lặng, cố thẩm định xem câu nói của anh có phải là thông điệp không? Một làn gió mạnh chợt tạt vào từ phía biển mang đẫm hơi nước. Tôi rùng mình vì lạnh. Có thể đó là cơ hội. Vinh bỗng choàng lên vai tôi kéo lại: “ Em lạnh à, ngồi xích lại đây cho ấm”. Tôi không vùng ra như đã chuẩn bị, mà lại ngoan ngoãn tựa vào vai anh, như thể tôi đã là của anh lâu rồi, tiếng anh thì thầm bên tai thoảng như gió: “ Anh yêu em!” Rồi đôi môi mát lạnh của anh trùm lên đôi môi đang nóng bỏng của tôi. Trăng mơn man chảy trên cơ thể chúng tôi. Tôi thấy mình đang chìm dần, chìm dần xuống đáy biển... Tôi vùng dậy cài lại khuy áo. Vinh ngơ ngác: “ Em sao thế?”, “ Em không thể, trăng sáng...” Phải, lúc đó tôi đã gặp anh chàng nửa người nửa cá ấy, chàng đã vớt tôi lên bằng tình yêu trong vắt như trăng của chàng. Vinh nhìn tôi cười mơ hồ như đang mê ngủ, rồi thở dài nằm vật ra bãi cát.

“Thôi, em cứ nằm xuống đi, cho đỡ mệt”.

“ Không!...” Vinh bỗng lấy từ trong túi quần ra một con dao nhíp rồi vạch một đường thẳng xuống cát giữa hai chúng tôi và cắm con dao lên đó.

“ Đường biên đấy, em yên tâm rồi chứ? Em còn nhớ câu chuyện cổ về một đôi trai gái nằm bên nhau đặt thanh kiếm vào giữa không?” Tôi bật cười chấp nhận ngả lưng xuống cát. Cát mềm và mát kỳ lạ. Có thể nghe được cả tiếng sóng đang ào ạt vỗ dưới lưng. Ngửa mặt nhìn trời, trăng đã ở trước mặt, chẳng còn mấy nữa trời sẽ sáng.

Vinh nói với tôi những lời yêu một cách trôi chảy. Chúng tôi sẽ lấy nhau và cùng ở Hà Nội, chứ không như Long và Nhài. “ Cái thằng tính quẩn, chồng Bắc vợ Nam, đành rằng cùng quê hương nhưng như vậy làm sao có hạnh phúc được?” Vinh nói vậy. Anh sẽ đợi tôi ở Hà Nội để đi xin việc... Tôi thấy mình hạnh phúc hơn bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian này. Thỉnh thoảng trong lúc trò chuyện, anh lại đưa tay sang nắm lấy bàn tay tôi. Tôi bảo: “ Anh xâm phạm biên giới rồi nhé, không khéo bị đứt tay đấy...”


Sương đêm xuống dày. Chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy là lúc tôi bị một luồng sáng chiếu rọi vào mặt. Và tiếng ai đó lao xao: “ Bắt thôi, lần này giao cho bên công an họ cho đi trại chứ không nhân nhượng như mấy lần trước. Bản kiểm điểm đối với bọn này như tờ giấy lộn, ăn thua gì”.

Tôi chồm dậy, nhận ra hai kẻ lạ mặt, một đeo súng một cầm gậy tiến sát lại gần tôi.

“ Các người là ai? Các người định làm gì?

“ Dân quân tự vệ đây, bắt được qủa tang mày đang hành nghề nhé, còn chối nữa không?”

“Ơ, chúng tôi chỉ nằm cạnh nhau thôi mà, chúng tôi là bạn".

Hai gã đàn ông cười khả ố: “ Hừ bạn, trước bạn sau là...” Tôi gào lên “ Các người không được phép nói về chúng tôi như vậy”. “ A, con này gái đĩ già mồm trói nó lại. Còn thằng này cũng giải luôn về trụ sở ủy ban làm bằng chứng”, “ Không, không” Vinh thất thần phân bua: “Chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện rồi ngủ quên. Cô ấy là bạn tôi, còn tôi là...” “ Thôi khỏi cần thanh minh, chúng tao còn lạ gì, trai gái nằm bên nhau mà bảo chỉ có nói chuyện. Đi, đi về trụ sở tha hồ mà trình bày”.

Tôi và anh đều phải làm bản tường trình. Rồi tôi bị đưa sang bên công an, còn anh được giữ lại ở trụ sở ủy ban nhân dân phường.

Mãi chiều hôm sau tôi mới được thả. Họ xin lỗi vì đang có đợt truy quét tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn thị xã, nhất là phường giáp bãi tắm. Nhài đón tôi ở cửa, nét mặt nó lộ vẻ buồn khổ: “ Thật không may, tao cũng không ngờ. Họ đi ngay sáng nay rồi”. “ Ai?” “ Long và Vinh chứ còn ai. Vinh đòi về Hà Nội, tao cũng không thèm giữ” “ Nhưng sao Vinh lại được thả ngay từ sáng. Anh ấy cũng như tao?” “ Ừ, theo quan niệm người ta chỉ giữ kẻ... xin lỗi ý tao muốn nói là...” Thế mày cũng nghĩ chúng tao có chuyện gì ư”. “ Tao nghĩ chúng mày đã yêu nhau. Nhưng khi đến ủy ban mới biết mày đã bị...” “ Chẳng lẽ Vinh nói thế ư”, “ Vinh đã ký vào biên bản bắt quả tang của dân quân tự vệ, công nhận mày là gái bán hoa”

Tôi choáng voáng suýt ngất xỉu: “ Sao anh ta lại làm như vậy?”, “ Có thể chỉ vì muốn thoát cho nhanh khỏi rắc rối. Cũng có thể do ở đấy họ ép để lấy bằng chứng”. “Tao không hiểu nổi, không thể”, “Tao cũng vậy, nhưng hắn đã đi rồi, còn nhờ tao gửi lời chào” “ Đồ đểu!” Tôi gào lên như con thú bị trúng thương” “Hồng mày không sao chứ?” Nhài nhìn tôi như khóc. Tôi lấy con dao nhíp trong túi bơi ra, con dao mà tôi đã nhanh chóng nhổ lên khỏi bãi cát khi phát hiện ra hai kẻ lạ mặt nọ: “Nhờ mày chuyển con dao này cho hắn, bằng chứng đấy!” “ Sao lại là con dao, tao không hiểu?” “ Rồi mày sẽ hiểu khi gặp lại hắn”.


Thung hỏi tôi đến lần thứ hai, tôi mới giật mình quay lại” Chị Hồng đi viết về rừng phòng hộ sao lại ngại ra biển nhỉ?” Quả tình tôi đã nhiều lần từ chối ra bãi biển để tìm hiểu về cây phi lao chắn sóng. Tôi chỉ mải leo trên các ngọn đồi với rừng cây bạch đàn và keo tai tượng. Nhưng làm sao tôi có thể nói rõ cái lí do của tôi cho anh hiểu. Lời nguyền, chà cái trò trẻ con và cố chấp ấy, anh sẽ cười tôi mất.

Tôi được sở lâm nghiệp mời đi viết bài về rừng để họ sắp sửa có một cuộc tổng kết gì đấy. Tôi đã hy vọng được một chuyến lên rừng, được làm quen với nhiều loài cây gỗ quí và những câu chuyện bí ẩn về rừng. Nhưng thật không may, họ lại cử tôi ra biển để viết về rừng phòng hộ.

Thung là trưởng trạm lâm nghiệp ở đây. Anh có tài cuốn hút khách vào cái mê cung nghề nghiệp của mình. Tôi cũng bị cuốn theo những bí ẩn nghề nghiệp của anh. Trằn trọc vì sự nghiệt ngã của từng loại đất, cũng thao thức vì sự đỏng đảnh của từng loại cây. Chà cái loài vô tri ấy, cứ tưởng nó vô hồn, ai ngờ cũng biết giận biết thương, biết thủy chung và nặng nghĩa với con người đến thế.

Tôi từ chối căn phòng có máy lạnh trong thị trấn để được ở cùng với những người công nhân trồng rừng ngay dưới chân núi. Được cùng họ ăn sóng nói gió, ngồi quanh bếp lửa nướng cá và uống thứ rượu đặc sánh như mật ong. Để rồi nghe họ kể những câu chuyện tiếu lâm cười vỡ cả ánh trăng. Tôi đã giả vờ chưa đủ tư liệu để ở thêm, để nấn ná tận hưởng cái không khí thanh khiết ở chốn hoang dã này. Thung về nhà riêng trong khu gia đình cách trạm vào cây số. Phòng làm việc của anh tại trạm, anh nhường tôi trong những ngày tôi làm việc ở đây. Nằm trong căn phòng sặc mùi đàn ông, tôi rất khó ngủ, cảm giác cứ như có ai đang theo dõi. Nên tôi thường nằm đọc sách tới khuya để kéo cơn buồn ngủ. Trên giá sách của anh tôi phát hiện ra không những chỉ có sách về khoa học thổ nhưỡng, về kỹ thuật lâm nghiệp... mà còn có cả những cuốn tiểu thuyết văn học và một vài cuốn thơ.

Tôi lật giở những trang sách của một cuốn tiểu thuyết văn học nước ngoài đọc vu vơ, bỗng từ một tranh sách rơi ra tấm ảnh đen trắng to bằng bàn tay.

Trong ảnh là một thiếu nữ khá duyên dáng. Đặc biệt có đôi mắt như cười, vừa đa tình vừa đằm thắm. Chắc là vợ Thung, tôi nghĩ. Nhưng khi lật mặt sau tôi đọc thấy dòng chữ: “ Đó là lỗi tại anh, em hãy ngàn lần tha lỗi cho anh?” Thế thì có thể không phải là vợ. Người yêu cũ chăng? hay một cô bồ nào đó? Nhât là tấm ảnh lại nhòe mờ như ảnh chụp lại.

Thung không phải là dạng đàn ông dễ gây hấp dẫn ban đầu. Khuôn mặt anh chẳng có nét gì chuẩn. Cái gì cũng hơi quá một chút. Mắt nhỏ quá và miệng thì rộng quá. Nhưng hình như cả khuôn mặt lại được tạo hóa thổi vào chút bùa mê, nên càng nhìn càng thấy hài hòa và dễ chịu lạ lùng. Hôm mới gặp Thung, tôi đã nhận ra trong con người anh như chứa đựng những cặp mâu thuẫn luôn luôn tồn tại. Vừa rất bác học lại vừa mộc mạc chân quê. Vừa dồi dào khát vọng lại vừa yên phận thủ thường.

Anh tiếp tôi ân cần chu đáo nhưng lại không cởi mở. Hẳn trong tâm tư anh có điều gì không ổn. Về gia đình chăng? Tôi hỏi. Anh trả lời qua loa và buồn bã, thế là tôi đành im lặng. Nhưng chính vì thế, trong tôi bùng lên nỗi khát khao muốn tìm hiểu về anh. Chắc vợ anh là một người đàn bà không đem lại cho anh hạnh phúc? Chị ta ít đọc, hay ghen tuông? Chị ta quen giàu sang, tham tiền bỏ ngãi?... Tất cả đều có thể. Và anh... anh đã có một khoảng trời riêng.

Không hiểu sao tôi lại bỗng yêu cái “khoảng trời riêng” của anh đến thế.

Chiều, sau khi cùng anh leo hết ngọn núi cuối cùng đã được phủ xanh bằng vô vàn bạch đàn và keo tai tượng. Anh kể cho tôi nghe về một loài cây đã từng là niềm kiêu hãnh của những ngọn núi ven biển này. Đó là cây thông. Nhưng nó đã bị tàn lụi bởi sự vô trách nhiệm của con người. Bây giờ chúng đang được hồi sinh chậm chạp bên sự lớn lên ồn ã của các loài cây khác.

Anh hỏi tôi: “ Mai chị Hồng về à”. Tôi ỡm ờ đáp: “ Có thể, vì tôi đã đủ tư liệu cho bài viết”.

Anh quay nhìn đi đâu đó xa xăm. Tôi ngạc nhiên, lẽ nào sự chia tay với tôi lại làm anh xao xuyến. Tất nhiên tôi không dễ xúc động. Ở cơ quan, tôi thuộc dạng khó tính. Thực ra chỉ ở khía cạnh tiếp xúc với đàn ông thôi. Người ta bảo tôi bị “ dị ứng” với đàn ông. Thế cho nên đã ở cái tuổi “toan về già” mà tôi vẫn “lênh đênh như thuyền không lái”. Nhưng lúc này tôi bỗng cảm thấy muốn được đồng cảm với anh. Tại sao người như anh lại phải chịu bất hạnh?

“ Ngày mai chị Hồng về. Chiều nay tôi sẽ đãi chị một bữa ăn đặc sản tại quán Hương Biển trong thị trấn”. “Không, không, tôi chỉ muốn được ăn như mọi khi cùng anh em công nhân thôi” “ Tùy chị, thế nhưng chiều nay chị rỗi chứ. Ta ra biển dạo mát một lát được không? Tôi sẽ chỉ cho chị xem hàng phi lao mới trồng của chúng tôi ngay sát chân sóng”.

Tôi mỉm cười đồng ý. Thế là lời nguyền của tôi bị phá bỏ. Giờ đây tôi đang bước trên bãi biển cùng với một người đàn ông. Hoàng hôn nhuộm tím mặt biển, không gian cũng nhạt nhòa màu khói. Tôi mải miết ngắm hàng phi lao xanh ngăn ngắt dọc bờ biển như một tấm khăn choàng xanh quấn quanh bờ cát. Và quả thật nếu không ra bờ biển tôi làm sao hiểu được sức sống mãnh liệt của những cây phi lao non đang quắt quay trước gió cát dập vùi.

Thung nhổ lên một túm cỏ ngay dưới chân rồi giơ lên cho tôi xem: “ Chị Hồng biết không, đây là cỏ chông. Chúng tôi gọi là loài cây giữ đất. Nó mọc trên cát và bị cát vùi kín mỗi khi có sóng và gió tạt vào nhưng chính vì thế nó ngăn không cho cát trôi ra biển. Chúng tôi rất quí loài cỏ này, nó giữ cho cây trồng đứng vững trên cát”. Thế mới biết thiên nhiên kỳ diệu thật. Có những loài đã tự chôn mình để bảo tồn sự sống cho một loài khác.

Tôi đỡ túm cỏ trên tay anh, vô tình chạm nhẹ vào bàn tay anh và nhận ra nó rất cứng và ấm. Lời nguyền của tôi đã tan chảy thì trái tim cũng mềm lại. Đi bên tôi lúc này là một người đàn ông đang trống trải. Tôi biết ẩn giấu dưới cái vẻ ngoài thờ ơ là một trái tim đang thổn thức. Bỗng nhiên tôi thèm được như “ đôi mắt cười” trong “ khoảng trời riêng” ấy của anh. Dẫu sao thì người đàn bà ấy cũng vẫn còn hạnh phúc. Còn tôi vẫn chỉ là một khoảng không băng giá suốt 10 năm. Giá như, hồi ấy người đi bên tôi là anh. Tôi chợt bật cười cho cái ý nghĩ viển vông của mình. Trong khi trên bãi biển hoang vu này chỉ có mình tôi với anh.

Thung vẫn nhìn mơ màng ra phía khơi xa, từng đoàn thuyền đang sẫm lại trong ánh hoàng hôn. Im lặng. Giá như Thung đừng chừng mực như thế. Chỉ cần anh nắm tay tôi, có lẽ tôi cũng sẽ để yên như tôi vẫn chờ đợi từ lâu rồi... tôi giật mình vì câu hỏi của Thung: “Chị Hồng đã bao giờ được ngắm trăng lên trên biển chưa nhỉ?”

 “ Trăng lên!” Tôi thảng thốt. Bỗng như thấy trước mặt mình là một mặt trăng sáng rỡ chói lòa đến chói mắt. “Không, tôi không muốn”

“ Sao thế? Trăng lên trên biển đẹp lắm. Hôm nay trăng lên sớm, chỉ một lát nữa thôi”.

“ Không, không, tôi phải về thôi, tôi hơi mệt” Tôi cuống cuồng bước đi như chạy trốn.

Sáng mai, tỉnh dậy. Tôi muốn tìm gặp Thung để xin lỗi về hành động khiếm nhã của mình chiều qua. Không hiểu sao tôi lại thế. Chao ôi là cái sự ám ảnh. Nhưng Thung đã lên đồi từ sớm. Anh cán bộ công đoàn tiễn tôi ra xe ô tô và trao cho tôi chiếc phong bì. Tôi bật cười vì cái thủ tục này cũng đã len được tới nơi chân sóng. Khi ngồi trên ô tô, tôi bóc phong bì để lấy tiền mua ít hoa quả về làm quà. Ngoài số tiền là một mảnh giấy rơi ra. Tôi đọc.

“ Chị Hồng! Tha lỗi cho tôi, có lẽ chiều qua tôi đã có những lời không đúng chỗ. Tôi rất tiếc. Nhưng mong chị hiểu cho tôi. Tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy trăng lên trên biển. Mặc dù tôi đã ở đây lâu rồi. Không ai lại đi ngắm trăng một mình phải không chị? Cái ngày mới đến đây, tôi đã cùng nhà tôi ra biển đợi trăng lên! Nhưng hôm đó trời nhiều mây quá. Hôm sau trời lại đổ mưa, hôm sau nữa cô ấy mệt buồn ngủ không chờ được. Thế là chúng tôi cứ khất lần, cứ nấn ná mãi vì nghĩ rằng thời
gian còn dài... Và chúng tôi chẳng bao giờ còn được ngăm trăng lên nữa. Cô ấy không may bị mù vì một tai nạn lao động cách đây đã gần chục năm.

Chúc chị luôn hạnh phúc và đừng bao giờ khất lần điều gì để đừng bao giờ phải suốt đời ân hận như tôi.

Chào chị

Thung

Trời ơi “đôi mắt cười” ấy! Trách gì anh đã chẳng còn biết đến một đôi mắt khác. Tôi thả một hơi thở dài nhè nhẹ, lòng nửa như ấm áp, nửa lại thấy bâng khuâng. Ô tô từ từ lăn bánh, tôi ngó vội đầu về phía sau, biển đã lùi xa nhưng lòng tôi sóng vẫn còn ào ạt.

N.C.H
(135/05-00)





Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Về cội nguồn (09/04/2010)
Các bài đã đăng