Tạp chí Sông Hương - Số 135 (tháng 5)
Festival Huế 2000 gieo hạt cho nhiều mùa sau
09:33 | 14/04/2010
Festival Huế 2.000 đã được xem là sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, là cú đột phá của ngành du lịch quốc gia trong chiến lược “Việt Nam, điểm đến năm 2.000” và lâu dài hơn là xây dựng Huế trở thành: Thành phố Festival của Việt Nam. Vì những mục tiêu đó, sau khi Festival bế mạc, dư luận của người dân Huế cũng như giới chuyên môn cho rằng cần phải có một cái nhìn khách quan, toàn diện làm cơ sở kế thừa cho các kỳ Festival về sau. Và không chỉ Huế mà nhiều nơi khác cũng cần qua cuộc thử sức này để rút kinh nghiệm.
Festival Huế 2000 gieo hạt cho nhiều mùa sau
Một số hình ảnh về Festival Huế 2000
MỘT HUẾ MỚI ĐÃ ĐƯỢC KHÁM PHÁ

T
ại cuộc họp báo tổng kết Festival hôm 20. 4, Ban tổ chức đã công bố những con số thu hoạch sau 12 ngày đên lễ hội. Đã có 41.000 lượt du khách đến Huế trong những ngày Festival, trong đó có 29.000 lượt khách nội địa. Lần đầu tiên, du lịch Huế đạt được con số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế: 2, 5 ngày/ khách và khách trong nước: 3, 5 ngày/ khách. Có đến 400.000 lượt người tham gia các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa... Trong hoàn cảnh du lịch Huế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn như hiện nay thì đó là những con số rất phấn khởi. Tuy nhiên, nếu Huế đặt ra mục tiêu gieo hạt cho nhiều mùa sau, thì không nên lấy những con số đó làm điều mãn nguyện.

Điều đáng ghi nhận nhất đó là lần đầu tiên Huế bắt tay vào tổ chức một lễ hội qui mô quốc gia, tầm cỡ quốc tế với tâm thế “dấn thân” thật sự và đến sau 12 ngày đêm đã hoàn tất kịch bản đề ra. Lần đầu tiên sản xuất và giới thiệu một sản phẩm còn mới lạ ở Việt Nam (Festival) và đã được khách hàng chấp nhận. Các chương trình IN trong Đại nội được đánh giá là đặc sắc, cao cấp. Các chương trình OFF rãi khắp thành phố khá phong phú và rầm rộ. Các lễ hội dân gian đặc sắc của Huế như: Lễ hội Điện Hòn Chén. Hội thả diều, hội hoa đăng, nghệ thuật thư pháp, thơ, mỹ thuật, nhiếp ảnh... là thế mạnh của Huế đã được khai phá hợp lý cũng như nghệ thuật cung đình, vốn qúi riêng có của Huế lần đầu tiên được tái hiện một cách nguyên bản và qui mô. Để làm được như thế, Huế đã nổ lực cho một cái được rất quan trọng: kêu gọi được sự vào cuộc nhiệt tình của một “đội quân tinh nhuệ” về văn hóa nghệ thuật cả nước! 19 đoàn nghệ thuật của 3 miền với hơn 800 diễn viên, kỹ thuật viên, 4 đoàn nghệ thuật của Pháp với hơn 170 diễn viên, kỹ thuật viên. Hầu như tất cả lực lượng của ngành văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư của tỉnh đều có mặt tại Festival. Điều này không phải có tiền là “làm được” Đặc biệt là sự có mặt của các nghệ sỹ Pháp đã mang lại cho Festival một hơi thở mới, một nhan sắc lạ, hòa điệu cùng Huế và tạo nên một sự đồng cảm đặc biệt mà chắc chắn khó có thể có được ở một nơi khác, nếu không phải là Huế. Một cái được rất lớn nữa cho Huế đó là: kinh nghiệm làm Festival, khi mà thành phố này đã đặt ra mục tiêu xây dựng Huế thành “Festival City”. Theo lời giới thiệu của Đại sứ quán Pháp thì các chuyên gia chuyên làm Festival đã có mặt ở Huế như: Jean Blaise, Philippe Bourler, Philippe... đều là những tên tuổi đang nổi tiếng ở Pháp. Mục tiêu của Pháp qua Festival lần này cũng là nhằm chuyển giao công nghệ cho Việt Nam mà đối tác trực tiếp là Huế. Vấn đề còn lại là Huế sẽ rút ra được kinh nghiệm gì, cũng như sẽ trả lời thế nào về câu hỏi “mô hình Festival Huế?”, để từ đó mà chọn lựa loại hình, đào tạo con người cho các mùa Festival về sau.

Trong một cuộc trò chuyện với báo chí, ông Jean Blaise Ủy viên nghệ thuật của Festival cho hay, chủ đề của Festival Huế 2.000 là “Nghệ thuật sống” của Huế. Một Huế mới, thành phố của lễ hội, của nghệ thuật, của giao lưu văn hóa Đông- Tây, Bắc- Trung- Nam, cùng với một Huế xưa trầm mặc và sâu lắng, quí phái và dân dã... đã được khám phá. Lần đầu tiên, du khách được đi trên những con đường trong đêm Hoàng cung lung linh muôn vàn ánh nến gợi nhớ về một kinh đô vàng son. Lần đầu tiên, những vườn rau “xóa đói giảm nghèo” phía sau Thành nội qua sự dàn dựng đầy ngẫu hứng của các nghệ sĩ đoàn Le Phun đã trở thành một lộ trình xanh dẫn dắt du khách đến với một Huế thanh bần và tự tại. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi trên xe lăn theo dõi Festival qua Tivi và tường thuật của bạn bè đã hết sức tâm đắc với tour du lịch dạo chơi các vườn rau, cũng như các tour Nhà vườn Huế. Ông đánh giá rằng đó lại chính là phát hiện “lạ và mới” của cuộc liên hoan này, dù rằng thiên nhiên đã là người bạn quen thân của người Huế từ muôn thuở nay. Không chỉ dạo chơi, du khách còn được đón về sống chung với chủ nhân của những khu vườn như là bảo tàng thực vật trong Thành nội, dưới những nếp nhà xưa ở Bến Ngự, Vĩ Dạ... để hiểu vì sao người Huế ghét sự bon chen và cũng khiếm khuyết luôn sự năng động? Với chủ đề đó, theo ông Jean Blaise thì Festival Huế 2.000 đã đạt được 70% yêu cầu.

ĐỂ HẠT MÙA SAU ĐƯỢC NẢY MẦM?

Trong những cuộc trò chuyện với báo chí khi liên hoan đang diễn ra, các chuyên gia Festival của Pháp đã than phiền nhiều về sự yếu kém của công tác tổ chức. Điều này, theo chúng tôi là do Huế quyết tâm thử sức với một “sân chơi” lớn và mới lạ nên không thể tránh khỏi sự bất cập. Tuy nhiên, căn nguyên còn là do lần đầu tiên nhưng Ban tổ chức lại đưa ra một chương trình kéo dài đến 12 ngày đêm mà không tính đến khả năng có hạn của mình. Từ đó, kéo theo nhiều sự bất lực khác về sau.

Điều này đã bộc lộ rõ nhất khi sự cố trời mưa bất ngờ xảy ra. Một nửa thế thời gian của lễ hội này đã lại dầm trong mưa, mà các chương trình diễn ra ngoài trời. Toàn bộ chương trình của đêm 11. 4 phải hủy bỏ, vở ballet “Giai điệu thời gian” cho đến đêm 14- 4 mới được diễn suôn sẻ, vở “Triton” trong chương trình đêm 16. 4 bị hoãn cùng với Dạ nhạc tiệc bị hoãn đến hai lần. Các chương trình lễ hội diều Huế hầu như “gãy cánh”... Ban tổ chức phải bù lỗ cho chương trình Dạ nhạc tiệc khoảng 300 triệu đồng. Nhưng điều đáng lo hơn chính là sự ra về trống không của du khách! Nhiều ý kiến từ Ban tổ chức cho rằng đó là sự rủi ro khách quan (tại Trời!) nhưng câu hỏi từ người dân đã đặt ra: Tại sao Ban tổ chức lại không có phương án cho tình huống trời mưa? Đặc tính thất thường của thời tiết Huế nhất là vào giai đoạn chuyển mùa này không phải đến năm 2.000 mới xảy ra? lại có nguồn tin cho hay, do phía Pháp không đồng ý với phương án trời mưa do Ban tổ chức đưa ra. Nếu thế, thì tại sao “chủ nhà” lại nhượng bộ cho những người khách chưa hề biết gì về “gia cảnh” của mình một cách dễ dàng như thế?...

Cung cách điều hành của Ban tổ chức và quá trình thực thi của nhân viên đều bộc lộ rất rõ yếu điểm: thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này đã biểu hiện rất rõ qua việc chuẩn bị hết sức cập rập trước giờ khai mạc. Và sau đó là những “đầu voi đuôi chuột” trong một số nội dung Festival mà điển hình là: Làng Festival. Theo thiết kế, đó là một tụ điểm quan trọng, nơi hằng ngày diễn ra các hoạt động giao lưu của các nghệ sĩ, nhà báo, các VIP của Festival, nơi nghỉ ngơi, giải trí của nhân viên phục vụ Festival... nhưng thực tế chỉ là các hoạt động hình thức, đối phó. Cách làm thiếu tính chuyên nghiệp này còn biểu hiện qua khá nhiều sai sót, như việc tùy tiện thay đổi lịch biểu diễn, khiến một đoàn khách quốc tế của Saigon Tourist phải chưng hửng ra về do chương trình “Vũ khúc Việt Nam” trong đêm 10. 4 diễn sớm hơn qui định một giờ (21h 15 thay vì 22h 15), trước đó vở “Triton” diễn sớm hơn qui định 15 phút (20h 30 thành 20h 15). Chẳng hạn như xe máy và ô tô của Ban tổ chức và nhân viên phục vụ cứ chạy nghênh ngang trong không gian trầm mặc của Hoàng Cung với đèn lồng và nến đỏ lung linh. Và cách làm việc nặng tính hành chính với báo chí, cách bán vé rườm rà, cách giữ xe cho khách quá sức lộn xộn, thái độ lạnh lùng và gay gắt của người phục vụ (ở cửa Ngọ Môn)...

Chương trình khai mạc với tên gọi là “Đêm hội cố đô” mở màn cho 12 ngày đêm hội hè nhưng chất lượng ngệ thuật khá thấp. Màn múa “Quần tiên tụ hội” mở đầu, theo thông báo của Ban tổ chức là có đến 50 diễn viên đóng vai hổ, đến khi mở màn thì chỉ có... 2. Tiết mục múa “lục cúng hoa đăng” chỉ mới múa đến “nhất cúng”. Bài dân ca Cha chấp Kàlơi của dân tộc K’ Tu ở miền núi Thừa Thiên thực ra chỉ là một ca khúc biến tấu từ bài dân ca này với ca từ rất lạ. Bài hát “Việt Nam quê hương tôi” do ca sĩ Quang Linh trình bày kết thúc chương trình đã bị đuối bởi ca sĩ này nhận giấy mời chỉ 10 ngày trước đó, mặc khác lại thiếu dàn hợp xướng phụ họa như dự kiến của Ban tổ chức. Không có một tiết mục nào của Pháp trong chương trình khai mạc. Qua đó, để thấy một chương trình kỳ vọng là hoành tráng, tạo cảm hứng cho toàn bộ chương trình về sau đã không được dàn dựng một cách công phu và nghiêm túc. May thay chương trình “Đêm hội hoa đăng” bế mạc Festival mang đậm chất Huế và chất lễ hội với hình ảnh đầy sinh động của người dân Huế đã lấp vào phần nào sự hụt hẫng của đêm khai mạc.

Đáng tiếc nhất là Festival Huế nhưng lại thiếu hẳn phần Văn hóa ẩm thực. Không có “phố ẩm thực” ở các đường ngang nối đường Đoàn Thị Điểm- Đinh Tiên Hoàng như đề cương ban đầu. Các gian hàng ăn uống trong Làng Festival. Hội chợ chỉ là những hàng ăn tạm bợ che chắn vội vàng bằng vài tấm tôn trông rất nhếch nhác. Đây là ngón sở trường của Huế mà chỉ cần giao cho cô trò của vài trường phổ thông là có thể có ngay một phố ẩm thực độc đáo. Đó lại là cách đưa một lực lượng đông đảo của Huế (học sinh- sinh viên) vào trong lễ hội, như tinh thần mà Ban tổ chức đã nhấn mạnh. Lần đầu tiên Huế trở nên như một Thành phố triển lãm với 14 điểm trưng bày đồng loạt mở cửa. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy khoảng trống rất đáng tiếc của một khu triển lãm về sản phẩm thủ công mỹ nghệ- đặc sản của Huế mà trước đó Sở Công Nghiệp đã tổ chức hẳn một cuộc thi sáng tác hàng mỹ nghệ. Không có một cuộc triển lãm hoa cảnh ngoài công viên, cũng như triển lãm chim, cá... thú chơi tao nhã của đất thần kinh...

Cuối cùng xin được nhắc đến sự sơ sài và cập rập trong công tác quảng bá thông tin của Festival, nhất là thông tin cho khách nước ngoài. Một công việc được xem là vô cùng quan trọng này lại được triển khai rất hạn chế. Thông tin trên Internet quá lẻ tẻ và tự phát. Ngay ở Pháp vẫn rất ít người biết đến Festival do chính nước Pháp hợp tác thực hiện (?). Đó là lý do chỉ có 6.000 du khách nước ngoài đến Huế vào dịp Festival, trong khi con số mà Ban tổ chức dự kiến là khoảng 15. 000 khách.

Rất nhiều bất cập, thiết sót mà chung qui là thiếu tính chuyên nghiệp là điều không tránh khỏi đối với một hoạt động mới lạ được tổ chức lần đầu. Vì vậy, nếu xem cái được lớn nhát của Festival Huế 2.000 là kinh nghiệm thì ngay từ bây giờ phải rút ra bài học, để khỏi phải nhọc công trả giá trong những mùa vụ sau.

NGỰ MINH
(135/05-00)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Thư từ Paris (13/04/2010)
Về cội nguồn (09/04/2010)