Tạp chí Sông Hương - Số 144 (Tháng 2)
Tìm lại vế đối của sư phụ Hoàng đế Quang Trung
11:13 | 23/04/2008
Trương Văn Hiến có sở học phi thường và mang trong người một hoài bão lớn lao: an bang tế thế bình thiên hạ.

Ông bôn ba đi tìm đồng chí; trên nửa đời người lao đao lận đận, vừa về đến nhà kịp thấy người anh họ Trương Văn Hạnh bị ám sát. Ông vội vã đưa vợ con xuống thuyền và ngửa mặt chỉ mảnh trăng thề nguyền rằng: “Không đạt sở nguyện sẽ vĩnh biệt đất Huế thân thương”. Ông đến Vạn Gò Bồi (Tuy Phước, Bình Đinh) nương náu.
Sau ông nghe lời người bạn sơ giao có chí lớn ở đất Tây Sơn khuyên lên An Thái (An Nhơn Bình Định) mở trường dạy học. Ngày khai giảng, ông Biện Nhạc đưa hai em Huệ - Lữ đến nhập môn. Lớp học không đông, chỉ hơn vài mươi người thọ giáo. Riêng trò Huệ, có khí phách khác thường; từ dáng đi, tiếng nói và học đâu thông đó, chẳng những tiếp thu xuất sắc bài giảng mà còn hỏi vặn lại những điều xưa nay chưa ai đề cập đến. Trước mặt thầy, một kỳ nhân đã xuất hiện mà bấy lâu thầy đau đáu trông tìm. Nay thầy nguyện trao hết văn tài võ chí cho cậu thiếu niên kiệt xuất này.
Tương truyền rằng: Lúc bấy giờ ở An Thái đang khởi công xây dựng ngôi dền Quan Thánh. Để tạo thêm danh giá, các bô lão đến xin thầy giáo Hiến đôi câu đối thờ. Thầy giáo những muốn học trò mình hãy giương cao khí tiết, đức độ như Quan Công mà hậu thế đã tôn lên bậc thánh. Do đó, thầy đặt câu đối thờ mà như uỷ thác lòng mình cho trò nhỏ: Nguyễn Huệ. Ngót hai trăm năm, câu đối ấy chứng kiến bao cuộc tang tóc dâu bể và cũng dầm mình trong khói hương ra chiều linh ứng.
Đến thời kỳ kháng chiến chín năm (1945 - 1954), giặc Pháp ném bom thị tứ An Thái nhiều lần, làm cho nhà cửa, ruộng vườn tan hoang, chùa chiền, đền miếu đổ nát; dân địa phương phải tản cư về vùng nông thôn hẻo lánh tạm sống qua ngày. Hoà bình lập lại, bà con quay về xây dựng quê hương; trong đó có trùng tu ngôi đền Quan Thánh. Chợt phát hiện vế mái câu đối bị hố bom bứng đi mất. Dân làng sững sờ, không ai nhớ được. Các bô lão phải nhờ thầy Tàu Sáu đặt lại vế mái để vá vào vế trống đã có từ xưa. Thầy Tàu Sáu dù hay chữ, nhưng xét mình không thể làm nổi một vế mái ngang tầm với vế trống mà xưa nay câu đối đã liệt vào hàng kiệt xuất văn chương ở hầu hết các đền thờ Quan Thánh.
Ngày đêm thầy Tàu Sáu cứ tẩn mẩn tê mê, nhẩm đi đọc lại về trống mà truyền thuyết bảo rằng của cụ Giáo Hiến là sư phụ Hoàng đế Quang Trung:
- SANH BỒ CHÂU, SỰ DỰ CHÂU, CHIẾN TỪ CHÂU THỦ KINH CHÂU. VẠN CỔ THẦN CHÂU DUY HỮU NHẤT;
Thầy Tàu Sáu tự nguyện ăn chay nằm đất ba ngọ. Đêm đêm ông nằm trước bệ thờ Quan Công còn xây dựng dang dở. Đến canh tư đêm cuối cùng, trong khói trầm nghi ngút và ánh trăng hạ tuần hoà quyện với đôi ngọn đèn bạch lạp dọi lên khung cảnh khi tỏ khi mờ, chợt vẳng lại một giọng ngâm trầm hùng bay bay theo làn gió, với câu đối lung linh huyền ảo thật tuyệt vời...
Thế là vế mái câu đối của tiền nhân được tiên nhân vá lại một cách tuyệt hảo:
- HUYNH HUYỀN ĐỨC, ĐÊ DỰC ĐỨC, PHÓNG MẠNH ĐỨC, CẦM BÀNG ĐỨC.
THIÊN THU THÁNH ĐỨC QUÁN VÔ SONG.


QUỐC THÀNH
(nguồn: TCSH số 144 - 02 - 2001)

 

Các bài mới
Quà xuân (13/05/2008)
Khi ấy (13/05/2008)
Hồ (13/05/2008)
Dại khờ (13/05/2008)
Ngã ba hồng (13/05/2008)
Các bài đã đăng