Hà Khánh Linh mỉm cười và đưa tay chỉ một “gã” đàn ông dáng cục mịch đang cắm cúi đọc cái gì đó bên chiếc bàn ở góc phòng, giọng thú vị: - Tác giả đang ngồi trước mặt anh đó! Thì ra Trần Hạ Tháp là bút danh mới của Nguyễn Văn Thêm. (Anh đã có bút danh là Liễu Thượng Văn.) Lúc đó, anh đang làm “hợp đồng” cho Tạp chí “Sông Hương” với lương tháng 200.000 đồng. Tôi đã đọc một số bài nghiên cứu của Liễu Thượng Văn, không ngờ anh còn là một cây bút truyện ngắn có tài. “Quả đồng chùy tóc bện” là câu chuyện bi tráng về một nghĩa sĩ bị chém đầu trong cuộc khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân. Chỉ riêng việc tác giả “sáng tạo” ra cái vũ khí độc đáo “quả đồng chùy tóc bện” đã khiến bạn đọc chú ý. “...Binh khí này gồm hai phần dính vào nhau tương phản lạ lùng. Phần trên tròn cứng, phần dưới mềm dài, phối hợp một cách kỳ diệu tính “cương nhu” trong vận hành sâu xa của “lý âm dương” không thể tách rời...” Đáp lại lời chúc mừng của tôi chỉ là một nụ cười thoáng chút ngượng nghịu. Hầu như anh không nói một lời nào; cũng không ai nói gì thêm. Chỉ ba tháng sau, truyện ngắn “Cuộc cờ lều Ngộ Vân” của Trần Hạ Tháp lại được báo “Văn nghệ” trân trọng giới thiệu trên trang nhất. Sáng thứ 6, mở trang báo tại Hội Văn nghệ, tưởng mình là người đọc báo trước nhất, tôi vội sang “Sông Hương” báo tin mừng cho Liễu Thượng Văn, nhưng nhà văn Hồng Nhu đã vui vẻ nói: - Hôm qua, Dạ Ngân đã gọi điện vào cho biết tòa soạn rất chú ý truyện của Trần Hạ Tháp. Cậu ta sướng rơn, đang chạy ra bưu điện tìm mua báo. Một lúc sau, gặp Liễu Thượng Văn; anh lặng lẽ chào tôi với nụ cười có chút ngượng nghịu như trước, chỉ khác là đôi má cao trên bộ mặt thô cứng của anh ửng hồng như má con gái. Tôi hỏi: - Sao cậu lại lấy bút danh là Trần Hạ Tháp? - Cả hai bút danh đều gắn với quê hương của em. Nhưng có thằng bạn bảo “thượng văn” không được khiêm tốn. Đã vậy thì lấy “hạ tháp”! Định hỏi thêm anh đôi điều, nhưng anh đã lại ngồi bên chiếc bàn ở góc phòng cắm cúi đọc bản thảo như một viên chức mẫn cán và thủ phận. Cũng không ai bàn luận gì thêm về truyện “Cuộc cờ ...” Đối với văn nghệ, hình như lâu nay dư luận chỉ quen chú ý những tác phẩm có “vấn đề” - hiểu theo nghĩa là tác phẩm bị phê phán “mất lập trường” hay khêu gợi thị hiếu thấp kém... Truyện ngắn “Cuộc cờ...” - dù chỉ viết về một khoảnh khắc của Nguyễn Trãi bên bàn cờ với nhà sư Ngộ Vân, là tác phẩm ở một tầm khác, nên không gây nên “dư luận” cũng là lẽ thường! Các bạn văn ở Huế - những ai đã đọc “Cuộc cờ...”, đều mừng cho Trần Hạ Tháp và thầm đoán là anh có thể “dính giải” - nghĩa là đạt một giải thấp của cuộc thi. Chỉ vậy thôi! Một cuộc thi kéo dài hơn 2 năm của tờ báo văn nghệ lớn nhất nước có cả ngàn người dự - trong đó có nhiều nhà văn từng giật giải ở nhiều cuộc thi khác trước đây, thì một cây bút mới toanh như Trần Hạ Tháp nếu “dính giải” là vinh dự lắm rồi! Vậy mà thật bất ngờ, người vừa “hạ” bút danh xuống tầm thấp lại được đứng ở đỉnh cao nhất: Trần Hạ Tháp đã đoạt giải A (cùng với Nguyễn Đức Thiện). Nhà văn Nguyễn Kiên, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam đã viết lời bình như sau: “Cuộc cờ trong gian lều cỏ, quân cờ ngà, còn bàn cờ trên tấm ván cửa, giữa Nguyễn Trãi đã lui về ở ẩn và nhà sư chùa Ngộ Vân. Chỉ vì Nguyễn Trãi nhất định không thí tốt đành chịu ván cờ hòa. Quân tốt đen trong bộ quân cờ ấy phải chung cảnh mất còn chìm nổi cùng với nỗi họa tru di cuối đời Nguyễn Trãi. Rồi người con trai duy nhất còn sống sót sau thảm họa lại giữ bộ quân cờ, lẫn ở giữa chúng sinh... Quân tốt đen làm nên nhịp truyện tạo ra sắc thái riêng cho ý truyện. Thực chăng? Tượng trưng chăng? Truyện tuy bảng lảng khói sương, phảng phất hơi hướng Phật Lão nhưng vẫn ở giữa đời, có tình đời, tình người, nỗi đau và niềm hy vọng”. Nói thêm lời khen nào nữa, có lẽ là thừa. Có điều đáng nói thêm là tác giả đạt giải thưởng văn chương một cuộc thi vào loại lớn và sang trọng nhất nước lên tàu ra Hà Nội lĩnh giải và trở về Huế lặng lẽ hầu như không mấy ai biết. Có lẽ một phần do cuộc thi kết thúc vào dịp các Hội văn học nghệ thuật ở Trung ương liên tiếp công bố giải thưởng hàng năm và thiên hạ thì bận sắm Tết đón thiên niên kỷ mới. Phần nữa, có thể vì tác giả là một “phó thường dân” (hiện nay, anh không làm “hợp đồng” với “Sông Hương” nữa) lại là người ít nói; tác phẩm văn học thì vốn hình thành trong lặng lẽ và cô đơn. Và cũng đã từ lâu, “thiên hạ” như chỉ còn biết hoan hô những “ngôi sao” trên sân cỏ và sân khấu. Chả thế mà có chuyện khi nhà văn-đại tá Xuân Thiều được đề nghị tặng thưởng về cả ngàn trang tiểu thuyết (“Thôn ven đường”, “Huế mùa mai đỏ”, “Tư Thiên”) ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên vùng đất Trị-Thiên-Huế, có người đã tỏ ra băn khoăn vì “nghe nói ông Thiều làm những bài thơ khó hiểu bị báo chí phê phán”! Một người rất “quan tâm” đến văn hóa-văn nghệ mà còn lầm lẫn nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Quang Thiều với nhà văn Xuân Thiều cũng rất nổi tiếng thì Trần Hạ Tháp không được mấy người để mắt đến cũng là chuyện không nên buồn trong thời buổi sách văn học chỉ in được 500-1000 bản cung cấp cho đất nước có đến 70 triệu dân! Dù sao thì ít ra người trong nghề cũng phải biết quý trọng những thành công của đồng nghiệp. Chính vì thế mà trong buổi gặp mặt cuối năm của Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế, dù biết không ít các bạn văn chỉ muốn “nâng cốc vui vẻ”, tôi đã phải “cao giọng” nêu lên sự kiện Trần Hạ Tháp và đề nghị một cách đối đãi đặc biệt với những tài năng. Rất mừng là Chủ tịch Hội Võ Quê đã hưởng ứng bằng lời đánh giá “giải thưởng của Trần Hạ Tháp gần như là Trạng Nguyên ngày xưa...”; và sau Tết, anh đã dành một buổi trò chuyện kỹ lưỡng với “Ông Trạng” ít lời, trong đó việc trước mắt là tìm cách giúp tác giả công bố được tác phẩm... Tôi đã có dịp đến thăm nhà “Ông Trạng” ở Tây Linh. Căn nhà nhỏ, hai vợ chồng, một đứa con; bên thềm, cô vợ trẻ đang hoàn thiện bức tranh thêu con chim hạc... Một khung cảnh kể cũng nên thơ! Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”! Cả gia đình nay hầu như chỉ sống dựa vào tiền bán những bức tranh thêu, trung bình mỗi ngày được mươi lăm ngàn đồng. Có lẽ cũng vì vậy mà gia đình anh thành một địa chỉ gương mẫu thực hiện “kế hoạch hóa gia đình”; cậu con trai nay đã học lên lớp 10 mà chưa dám sinh đứa thứ hai! Khi chưa thành “Ông Trạng”, Nguyễn Văn Thêm từng nhiều phen “quyết chí làm ăn”, nhưng vận may không đến với anh. Học Luật chưa xong thì Huế giải phóng; ngành Luật không được mở tiếp, chuyển qua học sử, rồi thành “anh giáo vùng cao”. Những cơn sốt rét liên miên đã khiến anh rời bục giảng. Anh cũng đã từng theo chân nhiều toán đi tìm trầm rồi tình nguyện làm nhà báo “nghiệp dư”. Cây rừng nhiều nhưng trầm thì hiếm; nhà báo nay cũng đông đúc như...rừng mà chỗ đăng thì có hạn; lối viết nhẩn nha của anh lại không hợp yêu cầu “tốc độ, vắn tắt” của nhiều toà soạn... Mãi đến nay, 48 tuổi đầu, vận may mới mỉm cười với anh! Không! Đâu phải xổ số mà may rủi. Một cuộc thi tài thực sự, công khai, “cuộc thi văn học có quy mô lớn nhất của báo Văn nghệ từ hơn nửa thế kỷ qua” như nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đã nói; phải, chính là nhờ trải cuộc sống thăng trầm trong gần nửa thế kỷ qua mà Trần Hạ Tháp đã có “vốn”, có bản lĩnh để viết nên “Cuộc cờ...”. Và không chỉ có “Quả đồng chùy...” và “Cuộc cờ...”. Anh đã đưa tôi xem ba truyện chưa in: “Ngọn Hồng Lĩnh một trăm”, “Thế trận Linh Xà”, “Miếu chim đồng Ông Vọng”. Cả ba đều là truyện mượn đề tài lịch sử và chưa hẳn đã thành công, nhưng bản lĩnh tác giả một lần nữa được khẳng định, khi anh lại “dám” đề cập đến những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Huệ. - ...Năm ngoái, em viết truyện “Cuộc cờ...” vào những đêm túc trực bên giường mẹ trong suốt hai tháng trời... Trước đó, ông anh ruột của em mất. Một năm, hai cái tang, gia đình em “độc đinh”, mọi việc em phải lo...May có giải thưởng, Tết này em mới có mâm cúng đàng hoàng thắp hương cho mẹ... Việc xuất bản sách, anh Võ Quê cũng vừa nói với em. Em còn một tập thơ, một tập nghiên cứu về Huế. Nhưng lấy tiền đâu? Tiền giải thưởng được 7 triệu, chi phi đi ra đi vào, chút quà cáp cho bà con, qua cái Tết nữa, vừa hết!... - Thế báo “Văn nghệ” không chi tiền vé ra-vào cho cậu à? - Làm gì có, anh! May chị Dạ Ngân ứng thêm cho một trăm ngàn nhuận bút truyện “Cuộc cờ...” đăng lại trong phụ san số Tết... Việc này chắc ông Hữu Thỉnh không biết. Để tôi viết thư hỏi xem... Nghe tôi nói lại, Chủ tịch Hội Võ Quê cũng có phần ngạc nhiên và anh nói, giọng thoáng vẻ băn khoăn: - Cậu ta đi lặng lẽ, có ai biết đâu. Nếu biết, Hội có thể chi tiền tàu xe... Phải! Nghe nói có tỉnh cho hẳn cả xe con đưa tác giả đi lĩnh thưởng, chứ dăm trăm ngàn tiền vé thì “ăn nhằm” gì! Vậy là tôi đã hơi “ồn ào”. Mà Trần Hạ Tháp, ngay cả lúc tâm sự với tôi cũng rất kiệm lời và nhỏ giọng. (Cũng có thể là anh chàng ngại cô vợ đang ngồi thêu bên thềm nghe “lóm” thêm tủi chăng?) Hình như trong văn nghệ - nhất là nghề văn - những người thích “ồn ào” không mấy ai làm nên tác phẩm có giá trị và ngược lại... Thì cứ xem như Nguyễn Xuân Khánh, suốt 10 năm sống lặng lẽ “lặn mất tăm” để bất ngờ tung ra tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” 835 trang nặng chịch khiến cả làng văn kính nể. Và nay là Trần Hạ Tháp... Vậy nên tôi cầu mong là sau sự nổi tiếng này, “Ông Trạng” hãy cứ sống lặng lẽ để tĩnh tâm mà chiêm nghiệm cuộc đời, để có thêm những áng văn hay như “Cuộc cờ...”, tác phẩm đã đem lại vinh dự không chỉ cho mình tác giả. 10/2/2001
NGUYỄN KHẮC PHÊ (nguồn: TCSH số 145 - 03 - 2001) |