Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Con câm
10:34 | 22/05/2008
Nó tỉnh dậy. Sương lành lạnh, thời tiết thật khắc nghiệt, ban ngày trời nắng như thiêu như đốt. Khẽ co ngón tay, một cảm giác đau buốt suốt từ đỉnh ngón chạy vào tim, xương sống như có luồng điện chạy qua. lạnh toát.

Đêm nay, trăng sáng quá, mọi người đang say ngủ. Tại sao người ta có thể ngủ được khi đất trời đang đẹp vậy nhỉ. Nó thì nóng không chịu được, phải đi tắm. Ý nghĩ ấy thúc đẩy mãnh liệt. Trong thâm tâm, hình ảnh dòng sông mát lạnh chạy quanh mình làm nó cảm thấy mát rượi. Nhưng cảm giác đó qua rất nhanh. Không khí ngột ngạt trong xó đình làm nó khó thở. Rời ngôi đình, nó đi về phía bến sông. Vừa ra đường cái, chỉ kịp thấy ánh đèn lóe sáng, tiếng rít của bánh xe bị chà mạnh vào mặt đường rồi nó ngất lịm.
Trăng đã lên cao, trời trong vắt, khẽ xoay người ngồi dậy nó thấy người đau dần. Khập khiễng ra bến sông, lội cả người xuống, cảm giác lâng lâng tràn ngập, thật dễ chịu.
Mát quá!
Nó kinh ngạc tột độ. Có phải nó nói không nhỉ, nhìn quanh, cây cỏ im lìm, cả bến sông thanh vắng, những con đò nhỏ đậu xa tít ngoài sông. Không thể tin được, nó chạy quanh tìm xem có ai ở đấy nhạo báng nó không. Chỉ có âm thanh của một bóng người. Nó có thể nói được ư! Đây là âm thanh giọng nói của nó? Thật không vậy?! Không, không thể được, từ nhỏ đến giờ, hơn hai mươi năm rồi, miệng nó chỉ phát ra từng tiếng ú ớ mà thôi. Đây là mơ hay thực. Nó đưa tay lên sờ vào các vệt trầy xước ở tay. Cảm giác không đánh lừa. Nó đau thật, máu đọng lai thành từng vết thẫm loằng ngoằng trên cánh tay. Nó định mở miệng nói, nhưng lại sợ. Có phải nó đã nói được? Nó nhìn quanh, cầu mong không có ai. Xung quanh, mọi vật vẫn im lìm bất động, chỉ mình nó đứng sững giữa bến sông. Nó định lên tiếng gọi mẹ nhưng bà ta có bao giờ biết nó tồn tại trên đời này đâu. Hay là gọi bố, ông đã hy sinh lâu lắm rồi. Từ khi nó biết suy nghĩ nó chẳng thấy bố nó đâu cả. Mỗi năm nó về nhà hai lần, ngày giỗ bố và ngày thương binh liệt sĩ. Thỉnh thoảng nó cũng về nhà trong đêm khuya, chỉ mấy bước nhưng xa cách nghìn trùng. Cánh cửa lạnh lùng im ỉm khóa. Ở ngay trong làng mà mẹ có nhìn nó đâu. Nó không hiểu tại sao lại như vậy. Lớn lên, nó mơ hồ biết, mẹ nó nhận nó làm con nuôi từ khi còn đỏ hỏn. Bà là địa chủ, bà nhận nuôi nó vì nó là con liệt sĩ.
Nó nhìn lại mình, mình là con câm, mình không có tên. Tật nguyền ghép vào cuộc đời nó thành tên, như nó mỗi năm lại thêm một tuổi. Không, bây giờ mình đã nói được. Mình là một con người như bao người khác, mình phải có một tên gọi. Hồng, Hoa, Huệ hay Lan.. . e cao sang quá. Lành. Đúng rồi, tôi là người hiền lành. Sung sướng với tên mới, nó thầm thì từng chữ:
- Tôi... là. .. Lành.
- Tôi tên là Lành.
Nó hét to nhắc lại lần nữa, không gian vọng lại tiếng hét, nó ngây ngất. Gió thổi mơn man, ánh trăng bạc lấp lánh trên sông như tấm lụa kim tuyến. Nó chạy ngược lên đường, nó muốn đập cửa gọi tất cả mọi người dậy để nghe nó nói. Nhưng khi ngẩng đầu lên, nó đã đứng trước xó ngủ của mình tự lúc nào. Cái xó ngủ rách rưới tồi tàn và ẩm ướt. Dưới ánh sáng nhạt những lỗ thủng từ cái màn đen mở ra sâu hoắm, miếng mùng tơi tả vì chuột gặm. Nó sợ hãi lùi lại và quay ra bờ sông.
Mọi người sẽ nghĩ gì vậy, bó gối nhìn dòng sông lặng lẽ trôi, nó tự hỏi. Chắc họ sẽ ngạc nhiên lắm, họ có sợ mình không nhỉ, họ có chấp nhận mình không. Bao câu hỏi dồn dập xen lẫn nhau, nó không thể trả lời được. Hay là mình cứ từ từ xem xét rồi tính sau. Miệng lưỡi người đời, thật kinh khủng. Nó nhớ lại chuyện hôm trước.
Mỗi lần mua nước đá thuê, bà Thí cho 300 đồng. Đường xa, nắng cháy đầu, nước đá thì nặng. Giữa đường bị rơi, thế là công toi. Nước đá ướp cá thì có tí cát cũng không sao mà. Nó lủi thủi bỏ đi trong tiếng chửi. Cả con bé mới lớn con bà cũng không thua gì. Đúng là mẹ nào con nấy, con bé cố bớt xén chút tiền công nhỏ nhoi. May có cô Hoa, thím Sáu, dì Tâm... còn nhân từ nên nó sống được qua ngày. Một bữa cơm muối trắng 500 đồng là cả một gia tài, nhưng con người không thể sống mà không ăn.
Mãi nghĩ, nó không ngờ bến sông đã đông người tự lúc nào. Mấy bà giặt áo quần dồn vào góc đằng xa, gần đám cỏ lau. Nó nhìn lại mình, mỉm cười vu vơ rồi bỏ lên chợ.
Ngôi đình nằm ngay trong chợ, ngày xưa đình và chợ thường gắn liền nhau, bây giờ cũng vậy, chẳng thay đổi mấy. Lang thang qua dãy hàng ăn, mấy bà nhìn nó với cặp mắt khinh miệt rồi đuổi khéo. Lúc nào không bán được, thấy nó người ta chửi vu vơ vài câu. Một lúc sau, thấy mình hơi quá họ lại sai nó vài thứ lặt vặt để cho vài trăm mà không thấy tiếc.
Nó thẳng người lại, bước đi từng bước rành rọt. Khác với dáng lê la hàng ngày. Mọi người quên cả dọn hàng, nhìn nó ngạc nhiên tột độ. Nó muốn chào mọi người một câu, miệng vừa mở ra đã vội khép lại ngay lập tức. Nỗi sợ hãi mơ hồ khiến nó không dám thổ lộ. Như thường lệ, dì Tâm sai nó đi mua nước đá. Tiếng "dạ" nhỏ nhẹ phát ra làm bà sững sờ. Tiền từ tay rơi vào thau nước. Nó nhặt lên, đàng hoàng cầm bao ni lông đi mua nước đá. Sau lưng nó, dì Tâm vẫn còn lắp bắp:
- Nó... nó. ... nói được.
- Sao, nó nói được à?
- Thật không?
- Này, sáng nay bà còn ngủ mê hả. Tui biết hắn từ hồi còn nhỏ tí lận, hắn câm bẩm sinh mà.
- Thật mà, không thể nào sai được. Chính tai tui nghe ngay mới đây thôi. Không thể nào nhầm. không tin, mấy bà cứ đợi nó về rồi hỏi xem.
Cuộc đối thoại thế mà lan nhanh. Chỉ trong có mấy phút, tin sốt dẻo đó ai ai cũng biết. Cả chợ chẳng ai buồn dọn hàng. Họ đứng chật cả cổng đình ngóng lên hàng nước đá cách cả nửa cây số. Thấy bóng nó lùi lũi đằng xa, mấy bà đã lon ton chạy đến. Nó đi chậm lại rồi dừng hẳn, nó không ngờ mọi người bị chấn động đến thế. Thở không ra hơi, mấy bà vừa thở vừa tranh nhau nói:
- Mày, mày nói chuyện được hả?
- Thật không? Mày không câm.
- Mày nói tao nghe coi.
Mọi người xúm quanh nó, nhìn nó như một vật lạ. Kẻ hoài nghi, người vui mừng, tò mò và cả khiếp sợ.
Nó im lặng, ngẩng đầu lên, nhìn khắp lượt. Mọi người đột nhiên im lặng, không khí căng thẳng, ngột ngạt.
- Mấy dì tránh ra cho cháu xách nước đá về kẻo chảy hết bây giờ. Cho cháu đi với.
Lúc đầu âm thanh còn nhỏ rồi tăng dần lên. Nó bước tới, mọi người dãn ra hai bên sững sờ nhìn theo.
 Cho nó 500 đồng, dì Tâm lại còn đon đả:
- Sáng nay, dì mở hàng rồi, cháu cứ ngồi ăn chén chè cái đã.
Chăm chú nhìn nó, khi nó nhìn lại dì lại giả tảng như nhìn đằng sau lưng nơi xa. Dì cứ nhấp nha nhấp nhổm, có khi muốn nói gì đấy nhưng lại thôi. Cuối cùng, tính tò mò cố hữu trong người dì đã thắng:
- Này, sao cháu nói được thế, cháu nói cho dì nghe với nào.
Nó thực thà, kể lại từng chi tiết một, từ khi nó bị xe tông cho đến bây giờ.
Câu chuyện truyền từ quán này sang quán nọ lại đến nhà kia. Chẳng mấy chốc, cả làng hầu như không ai không biết. Quán dì Tâm cũng nhờ thế mà đắt khách. Xế trưa, người ta nghe được thêm những chuyện mới từ hai người đàn bà đi chợ.
- Chị ơi, nghe nói thủy thần giúp con câm hả?
- Chắc như vậy. Lúc sáng tui thấy nó ngồi thộn mặt dưới bến sông. Nhìn mặt thẫn thờ, tui lấy làm lạ cũng định hỏi chuyện nhưng nó là câm nên tui bỏ về. Với lại, nồi cơm đang nấu dở.
Giờ đây, nó là tâm điểm, đi đến đâu người ta cũng ngừng công việc ngước nhìn. Có người bạo dạn nhờ nó chạy đi lấy thứ này, thứ nọ. Đám trẻ núp sau lưng mẹ len lén nhìn ra. Nó cảm thấy một niềm chiến thắng len lỏi, lũ trẻ sẽ chẳng bao giờ dám ném đá vào người nó. Trưa, tự thưởng dĩa cơm thịnh sọan với trứng và cá ngừ, sau một hồi chạy bã cả người, nó chìm vào giấc ngủ dưới rặng tre bên bờ sông lúc nào không hay.
Chiều, nó chạy đi chạy lại như con thoi. Người ta chẳng cần biết mình có nên mua thứ đó hay không, người ta lôi từ trong đầu mình những món hàng đắt mà lần trước vì tiếc tiền nên không lấy. Tất cả chỉ cốt sai nó đi, nghe tiếng nói của nó. Đôi khi tò mò cũng làm cho người ta mất khá nhiều tiền. Nó hiểu cái gì họ cần và cố gắng nói mặc dầu có khi chẳng liên quan gì với nhau. Cô này có áo đẹp, xe cô kia sơn lại mới tuyệt làm sao... Cứ thế nó xoay vần như vụ, lời khen thật có, giả có. Đến tối mịt, chợ chỉ còn loe ngoe vài người nó mới rảnh để ăn. Dì Thanh để lại cho một bữa cơm thịnh soạn không khác gì lúc trưa. Dì bán hết đã lâu nhưng vẫn để lại một phần vì buổi nói chuyện trong bữa cơm trưa chưa thỏa mãn đủ tính tò mò.
Ngồi dưới ánh điện đường, nó mân mê xấp tiền lẻ trong tay. Nhiều quá, những 20 ngàn, nó chưa bao giờ có nhiều như thế cả. Không thể nào ngủ được, nó lẩm nhẩm hát từ câu này sang câu khác, chẳng có bài nào cho ra hồn cả. Thường ngày nó vân nhẩm theo trong đầu suôn sẻ, thì ra hát cũng khó thật. Những ý nghĩ rời rạc dần, nó chìm sâu vào giấc ngủ.
Đang thu xếp, tổ bồ câu (tên mới nó đặt cho góc ngủ), chợt tối sầm. Khẽ xoay người lại, nó nhìn thấy một bóng đen lù lù chắn góc. Tuy vậy, nó vẫn nhìn ra mẹ nó.
- Về nhà đi con. Về với mấy anh và mẹ ở cho vui. Mẹ nghe được cũng mừng cho con - Ôi! con tôi, không biết tu mấy đời rồi mà được phước như vậy.
- Thôi, mẹ ạ. Con quen ở đây rồi, lúc nào rỗi con sẽ về, con tự lo cho mình được.
Nó tung tăng ra chợ, ghé chỗ này một ít, chỗ kia một tí. Tiếng cười rộn rã khắp nơi. Từ ngày dân vạn đò vào ở trong khu định cư, chợ vắng người hẳn. Cả tháng rồi người ta mới được vui vẻ như ngày hôm nay.
- Lành đó à. Ngày nay kiếm được khá không con. Người ta còn đem Lành ra làm tấm gương so với lũ con quậy phá. Lành sung sướng quá, cười tít cả mắt, tiếng cười trong veo lanh lảnh. Có người nghe thế lên giọng kể cả, gắt gỏng.
- Bây giờ thế đấy, ngày xưa cứ hềnh hệch, nhìn phát ốm.
Một ngày nữa trôi qua, hạnh phúc tràn đầy viên mãn. Nằm mân mê tấm áo dì Tâm cho nó cứ nghĩ như mình đang mê ngủ mà nó đã hôn mê dần. Miết tay vào bọc tiền cất trong gối nó thấy gói tiền to dần lên. Trên cao, một người đàn ông đang vẫy gọi nó. Đúng rồi, đôi mắt ấy, đôi mắt hiền từ trên ảnh vẫn thường nhìn nó. Nó vừa chạy theo vừa kêu lớn: " Ba ơi! Chờ con! " Ba nó cứ bay cao mãi, sợ quá nó chạy theo níu lại và hai cha con nắm tay nhau. Dưới chân, ngôi đình như hộp diêm nằm cạnh dải lụa xanh thẫm được giát bạc lấp lánh.
Sáng hôm sau, người ta tìm thấy nó nằm bên cạnh một ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ của làng. Có người bảo nó chết vì xuất huyết não, có người lại nghĩ có lẽ ba nó về đón nó đi chăng. Mỗi người góp một ít, trong nghĩa trang, bên ngôi mộ vô danh, một đám đất được vun cao, trên bia mộ khắc hàng chữ "Nguyễn Thị Thu Huệ" mất ngày... tháng.. ... năm.

NGUYỄN LAN ANH
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Về A Lưới (22/05/2008)
Thư Sài Gòn (22/05/2008)
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)
Các bài đã đăng
Bụi Cây (22/05/2008)