Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Di tích lịch sử ở đỉnh đèo hải vân không chỉ là một cái cửa thành
10:40 | 22/05/2008
Những ai đã từng đi đường bộ từ Bắc vào Nam đều phải vượt đèo Hải Vân và đã chứng kiến cái di tích Hải Vân Quan đứng sừng sững trên đỉnh đèo nhìn về phía vịnh Đà Nẵng.
Di tích lịch sử ở đỉnh đèo hải vân không chỉ là một cái cửa thành

Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà viết từ điển lịch sử đã viết về đèo Hải Vân. Thế nhưng, tiếc thay đa số những người nầy đều hiểu di tích ở đỉnh đèo Hải Vân quá đơn giản và nhầm lẫn nhiều chi tiết đáng tiếc.
Những nhầm lẫn đã xảy ra là:
- Di tích Hải Vân chỉ là một cái cửa trên đỉnh đèo Hải Vân, Con đường cái quan (đường Thiên Lý) ngày xưa đã đi qua cửa đó.
- Nhiều người viết phía trên cái vòm cửa Hải Vân, mặt phía Nam có biển đá đề ba chữ Hán lớn Hải Vân Quan làm năm Minh Mạng thứ bảy (1826), mặt phía Bắc vòm cửa đề 6 chữ
Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.
- Nhiều người viết ngược lại cho rằng ba chữ Hải Vân Quan ở mặt Bắc (nhìn về phía Huế) và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan nằm ở mặt phía Nam (nhìn về Đà Nẵng);
- Có người viết 6 chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan ở mặt Bắc vòm cửa Hải Vân Quan đã mất từ lâu; người khác lại cải chính rằng 6 chữ ấy vẫn còn nằm ở chỗ cũ, phải lên trên cao một chút mới thấy.
v.v và v.v.
Nhận thấy đây là một di tích quân sự quan trọng, nằm ở vị trí đặc biệt và có khả năng khai thác du lịch, không thể hiểu nhầm như thế được nên tôi đã sưu tập tư liệu và khảo sát thực địa mô tả lại cho đúng như sau:
1
. Đỉnh Hải Vân qua lịch sử.
Không rõ thời còn thuộc Vương quốc Chăm-pa núi Hải Vân được mang tên gì1. Và từ sau ngày về với Đại Việt (1306) tên Hải Vân do ai đặt và đã xuất hiện từ bao giờ thì chúng tôi chưa tra cứu được. Chỉ mới được biết vào năm Nhâm Dần (1602), mùa thu tháng 7 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: “đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ nầy là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thể, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (Duy Xuyên) xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”2.
Hoàng tử thứ sáu ấy là Nguyễn Phúc Nguyên. Hơn mười năm trấn giữ Quảng (1602-1613), Nguyễn Phúc Nguyên đã giúp Chúa Tiên mở mang bờ cõi về phía và tổ chức Hội An thành một đô thị cửa biển quan trọng. Người có công đầu mở mang phố Hội An để hôm nay được công nhận là Di sản thế giới có thể nói chính là Nguyễn Phúc Nguyên. Di tích Hải Vân và phố Hội An có một quan hệ lịch sử bắt đầu từ thời điểm ấy (1602).
Đến năm 1714, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) tuần hạnh Quảng qua núi Hải Vân có ngự đề bài thơ rằng:
Việt hiểm ải thử sơn điên/Hình thế hồn như Thục đạo thiên
Đãn kiến vân hoàng tam tuấn lãnh./Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
.
(Chót núi nầy là hiểm trở nhất ở Việt Nam/Hình thể giống như đường đi ở đất Thục/Chỉ thấy mây dăng trên ba núi lớn/Không hay mình ở trên mấy từng trời).
3
Thời quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân (1774-1786), Lê Quí Đôn viết sách Phủ biên tạp lục cho biết trên đỉnh đèo Hải Vân có một “đồn tuần quán Ải”4 và quân Trịnh “đã cho làm tại đỉnh đèo Hải Vân một dẫy lũy kiên cố, để chống giữ với những bất trắc ở phía nam”5. Khoảng trung tuần tháng năm năm Bính Ngọ (1786), đạo quân chủ lực của Tây Sơn không đánh lũy Hải Vân từ phía đông nam lên (bờ biển Đà Nẵng) mà đi đường thượng đạo phía tây nam Phú Lộc leo lên đỉnh núi Hải Vân rồi từ trong mây mù trên cao tấn công xuống. Bị đánh bất ngờ Trịnh quân phải bỏ luỹ tháo chạy nhưng cũng bị bắt và bị giết gần hết. Chủ tướng Trịnh là Hoàng Nghĩa Hồ phải bỏ mạng sa trường6.
Thời Tây Sơn không rõ có xây dựng lại luỹ Hải Vân hay không, cho đến nay chưa tìm được một tư liệu nào để khẳng định rằng có hay không có cả. Thời Gia Long (1802-1819), theo đại uý Rey trên đỉnh Hải Vân không có sự phòng thủ nào quan trọng. Chỉ có một cơ quan thu thuế nhỏ, vài quán ăn, nơi ở bình dân7.
2. Đồn ải Hải Vân:
Tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, công trình nguyên cứu của ông H.Cossarat (BAVH, 1921), cùng với tài liệu điền dã cho biết di tích tại đỉnh đèo Hải Vân là một đồn ải kiên cố gồm có một hệ thống phòng thành, các ụ đặt súng thần công, doanh trại dành cho sĩ quan và lính giữ ải ở, kho thuốc súng...đặc biệt là đoạn đường Thiên Lý nối hai cửa ải chạy giữa hai bức thành đá kiên cố hình vòng cung dài trên 30m. (xem sơ đồ). Cửa trước (hướng Nam Bắc, nhìn về phía Đà Nẵng, hiện còn gần như nguyên vẹn), chiều cao và bề dài đều 15 thước, bề ngang 17 thước 1 tấc. Cửa sau (hướng Đông Tây, về phía Huế) cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc. Cửa tò vò (cũng gọi là cửa vòm) của hai cửa trước và cửa sau đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc. Phía trên cửa vòm mặt trước cửa trước có gắn một phiến đá hình chữ nhật chạm nổi theo chiều ngang ba chữ Hải Vân Quan. Bên trái phiến đá chạm theo chiều từ trên xuống dưới 7 chữ nhỏ Minh Mạng Thất Niên Cát Nhật Tạo (xây dựng vào một ngày tốt năm Minh Mạng thứ bảy). Phía trên cửa vòm mặt ngoài cửa sau (hướng về phía Huế, hiện còn dấu tích) cũng có gắn một phiến đá hình chữ nhật cũng cỡ với phiến đá nói trên, chạm nổi theo chiều ngang sáu chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (cửa ải hùng mạnh nhất thiên hạ). Bên trái phiến đá mặt ngoài cửa sau nầy cũng chạm một dòng chữ Minh Mạng Nhất Niên Cát Nhật Tạo giống như phiến đá gắn ở mặt trước cửa trước.
(Các di tích thuộc ải Hải Vân xưa đều nằm về phía tay trái (hướng bắc nam) đường quốc lộ 1 A qua đỉnh đèo Hải Vân ngày nay).
Công trình Ai Hải Vân do dân Thừa Thiên và Quảng Nam làm xong trong vài tháng.8 Sau đó vua Minh Mạng phái biền binh 4 đội hữu sai và 2 đội ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cổ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào thuộc quản hạt Quảng-Nam.”9.
Về vũ khí phòng thủ, tài liệu của triều Nguyễn cho biết có 5 khẩu súng quá sơn (canon), nhưng theo C.Paris (Pháp) thì có đến 6 khẩu bằng đồng (bronze) và bằng gang (fonte),được đặt mỗi bên 3 khẩu, chế tạo từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826). C.Paris đã cho biết kích thước của 2 khẩu tiêu biểu: Khẩu thứ nhất dài 1m77, lòng súng có đường kính 0m11, khẩu thứ hai dài 1m89, lòng súng cũng có đường kính 0m11. (xem ảnh 2).
Hệ thống phòng thủ cho Kinh đô Huế tại ải Hải Vân là một công trình quân sự tiêu biểu nằm trong quần thể di tích của triều Nguyễn. Thiết nghĩ nên được nghiên cứu và tôn tạo để làm một di tích quân sự cổ của Việt . Nếu chưa làm được điều đó để khai thác du lịch thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nên chăm sóc, xoá đi cái hình ảnh hoang phế cỏ mọc um tùm như hiện nay.
Bên dòng Thọ Lộc 6.2001

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)
------------------------------------------------------

1Ngay cả hai ông Dohamide và Dorohiem đồng tác giả Dân tộc Chàm Lược sử in lần thứ nhất 1965 cũng không biết tên cũ là gì nên vẫn dùng tên đèo Hải Vân, xem tr.75
2ĐNTL (Tiên biên), bản dịch t.I, Nxb Sử học, Hà Nội 1962, tr.42
3ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ tập thượng, Tu Trai Nguyễn tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ QGGD, SG. 1961, tr.54
4Phủ biên tạp lục, tập I, bản dịch Lê Xuân Giáo, Phủ QVKĐTVH xb, SG.1972,tr.204
5Nguyễn Lương Bích-Phạm Ngọc Phụng,
Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, QĐND, HN.1977,tr.114
6Nguyễn Lương Bích…, Sđd.,tr.116
7Theo H.Cossarat,
Le Fortin du col des nuages, BAVH 1921, tr.72
81 thước ta= 0,425m
9 ĐNTLCB, tập VIII,Nxb KHXH,Hà Nội 1964; tr.22 và 23

Các bài mới
Về A Lưới (22/05/2008)
Thư Sài Gòn (22/05/2008)
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)
Các bài đã đăng
Con câm (22/05/2008)
Bụi Cây (22/05/2008)