Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Đường chim bay
10:47 | 22/05/2008
- Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rổ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.
Đường chim bay

Vầng trán phẳng mướt mồ hôi, chùm tóc cột cao gọn gàng, tay cầm thìa lúi húi bên bếp lửa, trông con bé ngoan và nền nã lạ. Tôi lại cúi xuống rổ rau xanh. Nhạn không cho tôi mó tay vào món nước chấm. Nó muốn tự tay nó làm lấy kia. "Không, hôm nay con là bếp chính. Mẹ là phụ bếp." Nó tuyên bố như vậy khi xách giỏ ra đi với chiếc ví con và một tờ giấy ghi chép cẩn thận các thức cần mua sắm. Dưới vành nón tròn như một bông hoa, khuôn mặt Nhạn ngời lên rạng rỡ, tỏa ra hào quang hạnh phúc. Tôi giữ đúng vị trí của mình, chỉ loanh quanh lặt rau, cắt khế chua thành hình ngôi sao lớn nhỏ hoặc rang giùm con một mớ đậu phộng vàng giòn. Tự tay Nhạn làm tất cả. Con bé đang thực tập món bánh khoái mà cả hai mẹ con và cả Nhân cùng ưa thích. Nhạn tắt bếp quay sang tôi:
- Xong cả rồi mẹ ạ. Chờ anh Nhân đến mình đổ bánh cho nóng giòn mẹ nhé
Tôi vẩy rổ rau:
- Con có dặn nó kỹ càng không? Dạo này nó lu bu lắm.
Nhạn hơi hoang mang. Con bé thu dọn tất cả chén bát dơ vào cái thau xanh bên sàn nước rồi quay lại:
- Con gặp anh ấy hôm kia. Con dặn kỹ rồi mà.
- Thôi để đó mẹ thu dọn cho. Chạy lại nhắc chừng nó đi. Tiện thể con lấy chiếc cặp lồng về luôn. Chiếc cặp lồng tuần trước xách cháo gà đến cho nó đấy. Nhớ chưa?
Con bé cắn môi bẽn lẽn quay đi. Tôi lúi húi với mớ chen bát dơ, chùi rửa sàn nước sạch sẽ, thu dọn căn bếp nhỏ gọn gàng tươm tất rồi trở ra bày sẵn thức ăn lên chiếc bàn tròn. Ba chiếc ghế chụm vào nhau ấm áp và hạnh phúc. Ba chiếc ly thủy tinh xinh xinh có điểm những bông hoa nho nhỏ đặt cạnh bát nước chấm sóng sánh nổi bật màu men trắng, trên mép chạy một đường viền sắc vàng lấp lánh. Tôi quay sang mở tủ lạnh. Có lẽ hôm nay phải uống một chút bia. Lâu lắm rồi mới có một bữa ngồi lại với nhau ấm áp thế này. Nhân thì cứ đầu tắt mặt tối khổ sở vì công ăn việc làm. Chưa có gì ổn định. Vẫn những buổi dạy kèm, nhận tạm của công ty nào đó giải quyết những nhu cầu ăn ở chi tiêu trước mắt. Thằng bé tất tả ngược xuôi lo lắng đến phờ phạc. Càng nóng vội lại càng vấp váp. Nhạn chẳng biết làm gì hơn lặng lẽ chăm sóc, lặng lẽ ngồi lại bên Nhân sau những cú va chạm ngoài đời đầy căng thẳng. Bao nhiêu là khó khăn bất trắc khi phải đối đầu với cuộc sống này. Hai đứa quen nhau cũng khá lâu, từ khi Nhạn là cô sinh viên năm thứ nhất ngơ ngác trước giảng đường. Nhân học trên nó hai năm nhưng lại hơn đến bốn tuổi. Con bé thủ thỉ giải thích với tôi:
- Tại nhà nghèo quá đó mẹ. Anh ấy đậu đại học ngay lần thi đầu tiên nhưng không có đủ tiền... phải xoay xở mãi.
Nhân cùng quê hương với mẹ con tôi, một thân một mình nơi đất khách. Một lần bệnh nặng sốt li bì tôi đã theo con gái vào ký túc xá thăm và quyết định đưa Nhân vào bệnh viện. Năm học cuối cùng của Nhân. Còn ba tháng nữa trình luận văn tốt nghiệp. Chắc thằng bé làm việc quá sức lại ăn uống quá kham khổ. Cứ nhìn khuôn mặt xương xương xanh mướt già trước tuổi của nó tôi không khỏi chạnh lòng. "Một chàng trai đầy nghị lực" tôi nhủ thầm như thế và trong thâm tâm hoàn toàn tán thành mối quan hệ hai đứa. Kể ra thì chúng đã nặng lòng với nhau. Cứ nhìn cách con gái lo lắng mọi thứ cho anh chàng kia nhập viện thì rõ. Kỹ lưỡng từ chiếc áo, chiếc khăn tay cho đến lọ dầu hộp thuốc, chiếc ly con đặt ngay ngắn trên đầu giường.
Nhạn hai mươi tuổi... Hai mươi tuổi của tôi đầy nước mắt kia. Rời bỏ gia đình, quê hương một thân một mình đau đớn bơ vơ... Tuổi trẻ của tôi tàn lụi đi để bây giờ con tôi vươn dậy tràn trề sức sống. Tôi không ân hận, không tiếc nuối. Tôi đã mất tất cả để ngày nay có con trên cõi đời này. Và con tôi hạnh phúc. Tôi cũng đã âm thầm vun vén cho hạnh phúc của con. Đôi mắt biết ơn của con đã nhìn tôi đăm đắm rồi quay đi giấu giọt nước mắt khi tôi quyết định đưa Nhân về giao hết căn gác cho nó lo chuyện học hành, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ như lo cho đứa con thứ hai của mình. Nhạn xuống nhà dưới ở với tôi. Bà con láng giềng đi ra, đi vô có người thắc mắc:
"Cô cho sinh viên thuê nhà?" Tôi chỉ ậm ừ qua quýt. Tôi không thể bỏ mặc Nhân trong trình trạng sức khỏe như vậy được. Phải có một điều gì vượt lên trên nền luân lý khắt khe. Đó là tình người. Chẳng phải nhờ vào tình người mà mẹ con tôi có được ngày hôm nay đó sao. Ngày ấy, khi tôi tứ cố vô thân bụng mang dạ chửa, chính cái xóm nhỏ này đã mở rộng lòng ra bao bọc mẹ con tôi. Vả lại, Nhân tỏ ra rất dè dặt và chừng mực. Tôi cũng khá an lòng. Chỉ chừng một hai hôm sau khi tốt nghiệp Nhân đã thẳng thắn xin tôi đi ở chỗ khác. Mắt tôi chạm phải tia nhìn sáng lấp lánh của Nhân:
- Con nghĩ như thế tốt hơn cho cả hai đứa bác ạ. Con sẽ kiếm việc làm, một việc làm thật chắc chắn và bảo đảm tương lai. Hai năm nữa em Nhạn ra trường, con đã vững vàng, khi đó ba mẹ con sẽ vào xin thưa chuyện với bác.
Tôi nhìn con gái. Khuôn mặt nó đỏ nhừ, đầu hơi cúi xuống, bàn tay mân mê chiếc nhẫn bạc lấp lánh trên ngón tay áp út. Tôi quay đi ứa nước mắt. Nhạn đã có một tình yêu, một tình yêu đẹp như thế, trong sáng như thế. Một tình yêu mà thời con gái tôi đã không hề may mắn...
... Người ta đồn rằng trong thư viện có một "thiền sư". Ngày ngày những ai đi qua khoảng sân rợp cây xanh đó, ghé mắt nhìn vào ô cửa sổ của phòng đọc sách đều thấy một bờ vai cúi xuống chăm chú miệt mài. Anh ta không hề chú ý đến ai nhưng lại bị người khác chú ý. Rồi không biết từ đâu, biệt danh "thiền sư" được gán cho anh. Một nhóm sinh viên năm thứ nhất, tập tễnh làm quen với giảng đường hồn nhiên và nghịch ngợm đã ngắm anh làm mục tiêu cho những trò đùa cợt vô tư của mình.
Hồng tóc tém, răng khểnh, chóp mũi rất "tây" nổi tiếng nghịch ngợm và táo bạo đã nhận lời đánh cuộc sẽ cưa đổ "thiền sư". Những ánh mắt chăm chú của phòng đọc sách lặng lẽ ngước lên ánh một nét cười khi Hồng đi qua tiến về chiếc ghế đối diện "thiền sư'. Hơn nửa tháng trời như thế. Đúng ra thì thỉnh thoảng anh chàng cũng có nhìn lên nhưng vẫn ánh mắt thờ ơ "nhìn mà không thấy". Một bữa khi đánh bạo hỏi mượn cây bút vì "lỡ" để quên Hồng đã nhận được một dòng chữ: "Tôi chỉ có một cây duy nhất". Thế này thì hơi quá đáng. Cả bọn phá lên cười khi hay chuyện và quyết định trả đòn bằng cách tặng anh ta một cây bút có khắc tên anh chàng hẳn hòi. Hôm sau, vì phải loay hoay với món quà tinh quái kia Hồng đến muộn. Nhạn vốn chui ra từ sách vở không hề hay biết gì về "chính sự" đang xảy ra ngơ ngác bước vào phòng đọc sách và tiến về phía chiếc ghế bỏ trống kia. Ngơ ngác vì đây là lần đầu tiên con bé vào thư viện. Chỗ ngồi với khung cửa sổ đối diện kia đã cuốn hút Nhạn. Một khoảng trời xanh lá xanh mượt mà non nẻo quá. Con bé cúi xuống trang sách. Cuối giờ, Nhạn trả sách mắt thoáng buồn vì phí hoài một buổi sáng chẳng thu nhận được bao nhiêu. Khi quay người ra cửa con bé bắt gặp một nụ cười thân thiện:
- Cuốn sách em đang đọc hơi cao. Khó đấy, Mới bắt đầu nên chọn những sách đơn giản hơn.
Nhạn hơi ngơ ngác rồi bỗng mỉm cười vì chợt nhận ra đó là anh chàng ngồi đối diện với mình. Nhân,"thiền sư" đó chính là Nhân thản nhiên sóng đôi cùng Nhạn đi ra cổng. Và cũng rất tự nhiên như thế hôm sau Nhân chờ Nhạn trước phòng đọc cùng lật thư mục, hướng dẫn, giới thiệu một số sách nhiệt tình thân thiết như một người anh. Nhóm bạn bè tinh quái kia ngơ ngác. Một cô rút ra kết luận như một triết gia:
- Chỉ là vấn đề tâm lý. Hắn ta đã quá quen với sự có mặt của Hồng rồi. Rồi giống ông vua gì đó ngán ngẩm cao lương mỹ vị lại thèm thứ mắm "đại phong".
Hồng hơi nhương mắt:
- Nhưng có ai thích ăn mắm cả đời không?
Thật ra Nhạn không hề biết điệu đàng sửa soạn. Trông con bé cứ hồn nhiên như từ sách vở chui ra rồi choáng ngợp trước mối tình bất chợt. Tim tôi hồi hộp theo từng bước đi của con gái...
Tôi liếc đồng hồ sốt ruột nhìn ra cửa. Anh chị chuyện vãn gì mà lâu thế nhỉ. Bước lên gác tôi định kiếm việc gì đó giết thời gian. Trên bàn học sách vở quăng bừa bãi lung tung. Thế này là chưa được đâu nhé cô con gái tập tành làm người lớn, tập tành làm phụ nữ đảm đang. Tôi thoáng mỉm cười bước đến tính giúp nó một tay nhưng lại ngần ngại. Giấy tờ bài vở của con. Dạo này căng lắm! Sắp ra trường đến nơi rồi. Một mẩu giấy nhỏ nào đó biết đâu lại vô cùng quan trọng đối với con nếu chẳng may lạc mất. Tôi ngồi xuống chiếc ghế Nhạn thường ngồi tì tay lên trang sách đang mở chống cằm ngó mông lung. Năm cuối cùng chấm dứt cuộc đời sách vở của tôi cũng thế. Một chiếc bàn con lung tung bài vở, một mớ chữ nghĩa vô hồn, tôi ngồi đầu óc mụ mẫm. Rớt tú tài, mọi ước mơ tan tành vì một mối tình đầu điên đảo.
Cúi xuống trang sách của con, những chữ, những số, những kí hiệu lẫn vào nhau làm tôi hoa cả mắt. "Anh ấy không nhìn thấy mình..." không nhìn thấy mình..." Cái gì thế này? Một góc giấy ló ra. tôi vồ lấy như người háu đói. Không phải nhật ký. Chỉ là một mẩu giấy ghi nhăng nhít “Mình đẩy cửa vào hiệu sách và mắt mình chợt sáng lên. Cứ như giác quan thứ sáu. Anh ấy! Chỗ nào có anh ấy mắt mình cũng sáng như thế dẫu trong đám đông hàng trăm người hỗn độn. Hiệu sách cũng tấp nập đông đảo nhưng anh ấy vẫn tỏa sáng. vẫn chói ngời dưới mắt mình. Dẫu anh đang đứng trong góc sau mấy quầy sách chất cao. Anh cúi xuống một bìa sách xanh đen, nhìn một lát, cho sách vào chỗ cũ rồi bước đi. Mình thích vờ như lựa chọn. Cứ thế, tiến dần, tiến dẫn về phía anh. Để xem, cự ly bao nhiêu thì anh nhận ra mình nhỉ? Anh ngửng lên lơ đễnh nhìn quanh như thẫn thờ như bận suy nghĩ điều gì đó. Có lẽ tính toán món tiền sắp bỏ ra chăng? Tia nhìn ấy lướt về phía mình nhưng không nhìn thấy mình. Hơi buồn một chút. Những bước chân lại bước lần về nhau từng bước... từng bước... Trái tim mình đập rộn như buổi ban đầu hiểu được những gì ẩn chứa trong đôi mắt đắm say sâu thăm thẳm ấy. Anh lướt qua mình. Mắt lơ đãng nhìn rồi lơ đãng quay đi. Anh ấy không nhìn thấy mình... không nhìn thấy mình...Không, đúng hơn là anh nhìn mà không thấy. Ánh mắt ấy...như ánh mắt anh đã nhìn Hồng ngày xưa. Sao thế? Mình cũng giống như Hồng ư? Không, ngay từ buổi đầu tiên trong thư viện không cần ngửng lên anh ấy vẫn nhìn thấy kia mà. Trước mắt những cuốn sách đỏ xanh lần nào lẫn vào nhau như muốn nhòe đi...Mẹ ơi! bây giờ con hiểu vì sao những lúc buồn người ta cứ phải viết ra..."
"Mẹ ơi!" tôi nghe nhói trong lồng ngực. Hai mươi mấy năm rồi lòng tôi vẫn thèm. Tại sao những khi khốn khó con tôi cứ bật lên gọi mẹ? Những đứa trẻ có một mái gia đình toàn vẹn có gọi thế không? Tôi nhớ đến khuôn mặt trắng bệch của con với tiếng gọi thất thanh hốt hoảng "mẹ ơi! " vào cái lần... Đó là lần đầu tiên ngồi vào máy may của tôi tập tành may vá. Nó lúi húi gò lưng đạp từng đường chỉ. Trục máy quay đều và khi đưa tay lùa mép vải, cây kim vô tình hạ xuống đâm ngập vào ngón trỏ.
"Mẹ ơi!" Tôi giật bắn người quay lại bắt gặp đôi mắt mở to bất động của con. Chẳng biết bằng cách nào cây kim được rút ra. Tôi nắm lấy ngón trỏ máu còn nhỏ giọt. Mái đầu con gục vào ngực tôi và chỉ khi hít một hơi dài mùi mồ hôi quen thuộc của tôi con bé mới bật thành tiếng khóc. Tôi đặt tờ giấy xuống bàn, chồng lên trên một cuốn sách để xóa đi nỗi u ám đang đè xuống lòng tôi. Vớ vẩn! chỉ là trò vớ vẩn thôi mà.
Có tiếng mở cửa. Nhạn đã trở về. Tôi bước xuống thang gác. Con bé không nói gì, mở tủ lạnh rồi đứng im sững sờ. Tôi lạ lùng nhìn con. Bóng đèn vàng nhỏ xíu trong tủ hắt ra một vùng sáng yếu ớt. Khí lạnh toát ra theo làn hơi mỏng manh. Nó tìm gì vậy? Tự nhiên một nỗi lo sợ tràn ngập cả lòng. Tôi run giọng:
- Nhạn!
Con bé không quay người lại, đứng sững sờ như đã đóng thành băng. Tôi bước xuống đặt tay lên vai con xoay người nó lại:
- Chuyện gì vậy? Nhân đâu?
Trên bờ môi cong cong của nó lấm tấm mấy giọt mồ hôi, đôi mắt mở lớn ngơ ngác:
- Anh ấy không đến đâu.
- Nhưng chuyện gì? Chuyện gì?
- Con gặp... gặp... Con thấy... thấy...
Con bé khổ sở lắp bắp, hai tay xoắn vào nhau. Một bàn tay cứ mân mê, vuốt ve mãi ngón áp út. Tôi nhìn xuống. Chiếc nhẫn bạc không còn ở đó. Giọng tôi đanh lại dứt khoát:
- Nó nói gì với con?
Một tiếng nấc khan không nước mắt. Nhạn nhìn sững bức tường vô hồn trước mặt không trả lời tôi. Tôi cũng không chờ câu trả lời khủng khiếp đó. Tựa lưng vào tường tôi buông thõng đôi tay. Sự uất ức bóp nghẹt trái tim tôi. Khi lấy lại nhịp thở điều hòa tôi thấy Nhạn không còn ở đó. Cánh cửa tủ lạnh đã đóng im ỉm tự bao giờ. Con tôi đâu? Từng bước một tôi leo lên gác ngập ngừng như người phạm lỗi. Phải chăng có một phần trách nhiệm của tôi trong việc lựa chọn này. Tôi đã theo sát con tưởng mình từng trải khôn ngoan lắm. Bên chiếc bàn bừa bãi sách vở giấy tờ, Nhạn ngồi kia, trang sách mở rộng. Một tay tì lên vầng trán. Tôi bước từng bước nhẹ nhàng. Nhạn vẫn lặng im bất động, đầu hơi cúi xuống như những đêm mải miết học hành. Nhưng trang sách mở rộng mà không hề được lật qua. Một trang sách vô hồn. Chỉ hơn tiếng đồng hồ trước đây thôi con tôi là người con gái tràn trề hạnh phúc. Tôi thèm được ôm con vào lòng. Tôi thèm được vuốt ve con. Nhưng cái dáng ngồi nghiêm nghị kia làm tôi chùn lại. Tôi quay đi, bước xuống nhà. Chiếc bàn ăn vẫn còn đó, gọn gàng và tươm tất. Ba cái ghế, ba cái ly, ba cái chén... Những lá rau xanh, những lát khế hình sao... Tất cả những hạnh phúc và đau khổ sao gần nhau đến thế? Con tôi! Liệu con tôi có chịu đựng nổi không? Thêm một lần nông nổi! Ngoài bốn mươi tuổi rồi tôi vẫn còn nông nổi. Và lần này tất cả đổ ập xuống con tôi. Chỉ còn mấy tháng nữa con tôi ra trường. Học hành, thi cử, làm sao con vượt qua? Lòng cồn cào như lửa đốt tôi lại leo lên từng bậc thang. Quay lại với mẹ đi con...gục đầu vào lòng mẹ đi...hay cứ thét lên "mẹ ơi" rồi bật khóc. Như thế sẽ nhẹ nhàng hơn. Con mau nước mắt lắm kia mà. Ngày xưa mẹ chỉ mới đưa roi lên mà con đã hoảng hốt giọt ngắn giọt dài. Giờ đây đành bất lực đứng nhìn cuộc đời thẳng tay quật xuống đời con những lằn roi chát chúa. Tôi cúi xuống gần con. Hơi thở tôi mơn man mấy sợi tóc sau gáy nó. Nhạn quay người lại, ngước đôi mắt tội nghiệp nhìn tôi, đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên vành môi cong cong của nó:
- Không sao đâu mẹ.
Tôi vội quay đi vì sợ chính mình sẽ là người bật khóc.

Khi đã ngồi yên trên tàu tôi vẫn không tin mình đang đưa con trở về quê hương. Ngày tôi bỏ Huế ra đi... Chiều hôm trước tôi thơ thẩn như kẻ mất hồn. Cành khế sau vườn lấm tấm hoa rụng vào thành giếng. Tôi soi bóng mình vén tóc ngắm một mảng trời xanh và ngạc nhiên sao bầu trời có thể xanh đến vậy. Tôi gởi vào lòng giếng giọt nước mắt của tôi. Giọt nước mắt của người con gái sắp bỏ nhà bỏ xứ mà đi. Lâu lắm rồi không trở lại. Quê nhà ra sao? Thành phố của tôi ra sao? Tôi thèm được trở về, bình tĩnh trở về ngủ một đêm thật an lành trong căn phòng nhỏ có ô cửa mở ra mấy cây mãng cầu, cây khế. Nằm nghe Huế thấm vào da, vào thịt, vào hơi thở ấm nồng. "Thấy chim hồng nhạn bay đi…" Hơn hai mươi năm rồi đêm đêm tôi nằm kể con nghe về vùng đất ấy, thành phố ấy. Tiếng ru hời ngọt ngào da diết lắng vào trái tim non nẻo của con. Cho đến khi nó gặp... gặp... Đúng là giọng nói quê hương đã rót vào lòng nó. "Quê anh ở Truồi, em biết không, dâu Truồi ngọt có tiếng." Con bé đỏ mặt quay đi. Tội nghiệp con! Nhạn đã tập tành mơ ước trở thành một chùm dâu Truồi ngọt lành thơm thảo. Từ vết thương đầu đời đó tôi đau đớn không dám nhắc với con về thành phố đắm chìm trong nỗi nhớ của tôi. Tôi nhìn con gái... Mấy tháng sau đó tôi cứ lén lén nhìn con sợ một cái gì ập đến, sợ sức chịu đựng của con nửa chừng không kham nổi. Sự im lặng đầy nhẫn nại của con đáng sợ hơn những dòng nước mắt. Nước mắt thường làm người ta nguôi đi dễ dàng. Nhạn cứ đi về, lặng lẽ khô gầy dần như một cành giữa ngày đông tháng giá. Tôi ầm thầm lo sợ khi thỉnh thoảng bắt gặp những phút giây ngơ ngác trong đôi mắt con. Cái ngơ ngác đến tội nghiệp như vẫn chưa tin những gì xảy ra là có thật trên cõi đời này. Và từ đôi mắt ấy chảy ra những giọt nước mắt như những giọt ngọc trong veo lấp lánh khi con ôm chầm tôi nghẹn giọng: "Con đỗ rồi, mẹ ạ." Nó đã đỗ, và là một trong những sinh viên đỗ đầu của khóa. Nước mắt tôi cũng ràn rụa khi nhìn ngắm đến say sưa nụ cười như búp hoa đầu tiên báo tin xuân nở bừng trên khuôn mặt xanh gầy ấy.
Nhạn tì tay lên ô cửa toa tàu nhìn mung lung như suy nghĩ điều gì rồi bỗng nhiên quay lại nhích gần tôi hơn. Nó cúi đầu, khuôn mặt đỏ lên nhỏ giọng:
- Bữa trước ôm hồ sơ đi xin việc con gặp Nhân mẹ ạ.
Một cái gì đó đâm vào ngực làm tôi quay quắt người lại. Nhạn ngước lên nhìn vào mắt tôi:
- Tụi con đi uống nước.
Cái gì xảy ra đây? Con bé này điên mất rồi. Trắng đen đã rõ thế mà còn tiếp tục lao vào ư? Tôi chẳng biết phải nói với con thế nào. Nhạn lúng túng một chút, ngập ngừng một chút:
- Buồn cười thật mẹ ạ. Anh ấy đưa con vào đúng cái quán nước ngày xưa ngồi đúng cái ghế ngày xưa...
Giọng tôi run lên hằn học:
- Ngày xưa... ngày xưa... Con muốn nói ngày xưa nào? Ngày mẹ con mình cưu mang nó hay ngày nó dứt tình dứt nghĩa với con?
Nhạn im lặng. Cái im lặng nặng nề như đá tảng đè lên trái tim tôi. Đôi rèm mi cong cong khẽ chớp, con bé ngước nhìn tôi chậm rãi:
- Ngày xưa nào thì cũng đã là ngày xưa mẹ ạ.
- Thế thì hiện nay nó muốn gì?
- Anh ấy muốn xem con như một đứa em gái.
Tôi không tránh được một tiếng cười gằn khinh bỉ. À, ra thế! Tôi sinh con gái ra để khi thích thì người ta nói chuyện yêu đương thề hẹn, khi không thích thì chuyển sang tình cảm bè bạn anh em. Người ta có quyền lột bỏ đi nhãn hiệu này để dán lên nhãn hiệu khác tùy lúc tùy thời. Mọi chuyện sao đơn giản dễ dàng đến thế. Rồi mai mốt từ bức bình phong anh em ấy ai biết gã con trai kia tính toán những gì. Nhạn đặt tay lên đôi bàn tay khô gầy run rẩy của tôi. Làn da non nẻo mịn màng ấm áp của con làm tôi bình tĩnh lại:
- Anh ấy bây giờ vững vàng lắm, quen biết nhiều lắm. Anh ấy xem hồ sơ của con, đòi giữ lại để nộp cho một nơi mà anh hứa chắc là gởi gắm được.
Tôi nghe hơi thở mình dồn dập. Lòng cao thượng! Chua chát thật! Hắn ta cũng cao thượng đấy chứ. Sau khi thẳng tay đập vỡ tất cả ước mơ hoài bão của con tôi hắn quay lại bằng thái độ ban ơn kẻ cả. Mấy ngón tay Nhạn xiết lấy bàn tay tôi. Nó hất mái tóc từ tốn:
- Con bảo đâu cần phải thế.
Tất cả những dây thần kinh trong người tôi như cùng dãn ra một lượt. Tôi thở ra nhẹ nhàng chậm rãi sợ hao hụt một phần niềm sung sướng đang dâng ngập hồn tôi. Nhạn khẽ tựa đầu vào vai tôi. Tôi lùa tay mình vào mớ tóc xanh dày của con. Gần hai năm trời đối mặt với cuộc đời với bao bất trắc. Cầm tấm bằng đi xin việc trong thời buổi kinh tế khủng hoảng này. Chỗ này dăm tháng thì thay đổi nhân sự; chỗ kia ba tháng công ty giải thể vì thua lỗ. Các công ty lần lượt mọc lên rồi lần lượt biến đi. Chính cơn lốc việc làm này đã cuốn mất Nhân. Một đứa bạn của Nhạn đến nhà đã to nhỏ kể tôi nghe rằng Nhân được bố của Hồng đỡ đầu để nhận một chỗ làm đầy hứa hẹn. Hai đứa đã chính thức đính hôn. Thế là cây bút có hàng chữ lấp lánh năm xưa lại trở về nghiễm nhiên ngự trên túi áo gã con trai như chứng tích một tình yêu chân chính. Tôi ngao ngán. Chẳng lẽ lớp trẻ bây giờ học hỏi hai chữ tình đời sớm đến vậy sao? Và cả Nhạn của tôi. Nó băng mình vào thế giới xa lạ mà tôi không thể nào với tới. Tôi có cảm tưởng mình chẳng hơn gì bà mẹ quê mùa hai sương một nắng ngày ngày nhìn con cắp sách đến trường không hiểu người ta dạy những gì, con mình học được những gì và bị ai bắt nạt hiếp đáp trong thế giới xa lạ kia. Tiếng Nhạn bên tôi thật gần gũi:
- Sách vở dạy con rằng đường thẳng là đường ngắn nhất. Bây giờ thì con hiểu với cuộc đời thì điều ấy không đúng đâu mẹ ạ. Đường thẳng không phải là đường ngắn nhất nhưng nó vẫn là con đường đẹp nhất.
Tôi xiết lấy con nhè nhẹ như nâng niu như mơn trớn. Trước khi nhận một việc làm mới Nhạn đòi tôi đưa nó về quê ăn Tết. Một chuyến đi tôi không hề nghĩ đến. Tôi nhìn con, Chẳng hiểu những gì xảy ra trong lòng Nhạn. Lòng vị tha, lòng kiêu hãnh hay chính niềm tin yêu vào tất cả những gì đẹp đẽ vẫn hiện hữu trên cõi đời này. Và phải chăng tiếng gọi huyền bí thăm thẳm của quê hương vẫn khôn nguôi giục giã con tôi.
Tiếng người xôn xao làm Nhạn bừng tỉnh. Con bé đưa tay vén tóc chợt nhớ ra chiếc cặp tóc đã để quên trong chiếc xách gác trên kệ. Tôi đứng dậy vói tay kéo dây kéo, thò vào trong lục lọi. Cách ba dãy ghế ngồi tôi bắt gặp một vóc dáng quen quen cũng đang lúi húi xoay xở gác chiếc xách bằng da đen bóng. Khổ người cao, vai rộng, chiếc áo sơ-mi xám nhạt kéo căng theo cánh tay với. Một đầu tóc hớt cao và cặp kính. Khi cặp kính quay lại hướng về tôi, bàn tay tôi tự buông rơi chiếc cặp tóc vào lòng Nhạn. Tôi quay ngoắt đi để thấy khuôn mặt sững sờ của con gái cũng đang hướng về phía anh ta. Tôi ngả người xuống ghế úp bàn tay lên khuôn mặt nóng bừng. Tiếng còi tàu thét lên. Toa tàu rung động nặng nề rồi chuyển bánh. Tôi nhìn ra ô cửa. Một bóng người vội vàng nhảy xuống, chiếc xách da đen nặng trĩu trên tay. Vấp phải cái gì đó anh ta chúi mình suýt té rồi cứ thế,đầu cúi thấp hấp tấp lầm lũi như người chạy trốn. Tôi nghe mắt mình cay sè. Vóc dáng ấy quá quen thuộc. Dáng ngồi ngay ngắn trước trang sách mở rộng, bàn tay đỡ lấy vừng trán thông minh. Cái dáng ngồi của những người quen viết ngay sổ thẳng. Tôi quay sang con gái. Nhạn tì tay lên thành tàu, mắt hoe hoe đỏ. Và trên rèm mi cong cong của nó ánh mặt trời mùa xuân chênh chếch chiếu vào lấp lánh, lấp lánh giọt sương mai thuần khiết.

NGÔ THỊ Ý NHI
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Về A Lưới (22/05/2008)
Thư Sài Gòn (22/05/2008)
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)
Các bài đã đăng
Con câm (22/05/2008)
Bụi Cây (22/05/2008)