Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Hậu sự
10:55 | 22/05/2008
Ông Biểu đột ngột nằm xuống. Tưởng như mọi cái đâu vào đấy. Như linh cảm trước, cuối năm con hổ, ông Biểu đã sắm cỗ áo quan dạ hương thơm nức. Xe cộ cần bao nhiêu chẳng có. Mọi thứ nếu muốn, chỉ sau một tiếng “alô” là tha hồ.
Hậu sự

Thì ra, điều mà ta nghĩ giản đơn hóa ra lòng thòng rắc rối.
Liệu bề thua, cụ Lượng con bác ông Biểu biện lễ qua nhờ phó mộc Tam sửa lại hậu sự. Bác Tam ốm. Người con cả ông Biểu nóng lòng “Thưa bác, cả làng thợ ai sửa cũng được, miễn là bác Tam đã đóng. Cụ Lượng trừng mắt “Không được, một lần sinh, một lần tử, rồi còn hậu thế nữa...”
Làng Triền, cả làng thợ, xưa nay nổi tiếng khắp vùng. Đặc biệt, việc đóng áo quan thì ông già, bà cả, những người chức sắc xã bên, huyện dưới nhất nhất phải qua tay thợ làng Triền mới yên. Phó Tam không phải là thợ mộc chính cống. Bác nguyên là thầy giáo chữ nghĩa cũng khá. Chỉ vì đồng lương kẹt nên thầy chúp chắp cầm cưa bào. Ngọn gió định biên năm chín hai xô hẳn thầy về phía làng thợ. Ai ngờ thầy Tam văn hay chữ tốt mà tay thợ cũng chẳng vừa. Riêng món đóng quan tài thì như tay thầy có thần. Ai cũng tin rằng được yên nghỉ trong áo quan thầy Tam đóng thì y như mộ phát không chức tước thì sang giàu. Phó Tam vui vẻ khuyên mọi người đừng mê tín nhưng người ta tin thì cứ tin. Ngay cả những bậc kỳ cựu trong làng thợ cũng thọ phép.
Chọn được ngày tốt, ông Biểu đích thân đánh xe đến nhà bác Tam. Ông tỏ ra cung kính “Tôi cũng ở cái hạn năm ba rồi, kiếm được mấy tấm gỗ đẹp, nhờ thầy giúp cho cái hậu sự”. Bác Tam ngần ngừ rồi nhận lời. Mấy tấm gỗ đặc như dồi, vàng óng, thơm phức trải ra trên nền gạch hoa, mới nhìn đã thèm. Bác Tam chống thước đứng nhìn, vẻ phân vân “Làm mộc ở đây sao được? Nền gạch hoa tường ốp lát đục đẽo làm sao, cưa bào làm sao" Cụ Lượng để vội chén rượu, lưỡng lự “Hay là ta làm nhờ nhà bà Thân nền đất, phên bừng trống trải mát mẻ, để cho bà lấy dăm bào đun nấu”. “Nếu được thì hay”. Bác Tam nói rồi dè dặt ngồi xuống sa lông, ngắm nghía ngôi nhà. May có dịp, thầy phó mộc mới được lọt vào đây. Trông đến hoa mắt, bác Tam nghĩ bụng “Ừ, mới được cử lên chức chưa đầy hai năm mà ông Biểu vun vén cũng khá. Với con mắt nghề nghiệp bác ước tính: dinh cơ này dễ đến dăm bảy trăm triệu, chưa kể nội thất. Thôi thì, thời buổi này “trâu mạnh trâu được...”. Nhấp tí rượu, bác Tam nhủ con chuyền đồ nghề qua nhà bà Thân.
Nhà bà Thân ở sát vách tường phía dưới nhà ông Biểu. Nói là nhà nhưng là một túp lều tranh tre, gió phía nào cũng mát. Đây là túp lều xơ xác còn sót lại ở cái xóm dịch vụ ngày một rực rỡ, huyên náo được mang cái tên Liên Giang của thị trấn Liên Hương. Thị trấn này ra đời sau ngày chia tỉnh. Hẳn ai đó chủ xướng đặt tên cho thị trấn này quả có máu thi sĩ. Nếu lấy tâm điểm giữa ngã ba sông thì thị trấn nằm trong vòng tròn bán kính khoảng ba trăm mét. Cái tên Liên Hương khá hợp bởi nó cắt làng Thượng một phần, làng Xuân một đội, làng Triền một góc, làng Phan một xéo mà thành. Gọi là thị trấn nhưng ai làm ruộng cứ cày cấy, ai đánh cá cứ thả lưới buông câu. Ai làm thợ thì cưa, rìu, bay, búa trên vai rong ruổi. Cái chợ bên sông ngàn đời nay cứ bán, buôn, đổi chác. Khác chăng, có hai chiếc cầu mới bắc qua sông. Một đoạn đường nối hai chiếc cầu ấy khoảng vài trăm mét. Đoạn đường này băng qua xóm chài mới hội tụ từ ngày giải phóng. Dân chài cũng chỉ nương náu ở đây qua ngày đông tháng giá. Có chủ trương lập thị trấn, làm đường, họ nhẹ nhàng xuống thuyền với sông dài bãi rộng. Đất hai bên đường được chia thành ô, thành suất cấp cho những người có trách nhiệm ở huyện, ở thị. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, người nhiều thì được tám mét theo mặt đường, người ít thì sáu mét. Duy chỉ có bà Thân, một thân một mình, tuổi già nên chẳng biết đi đâu. Người ta cũng định “giải phóng” luôn túp lều của bà để tạo cho xóm mới Liên Giang vẻ hiện đại hoàn mỹ, văn minh nhưng còn do dự. Một phần vì bà đã trên tuổi bảy mươi như ngọn đèn trước gió, cũng chỉ một sớm một chiều. Một phần bà có người cháu họ, anh Đính, hiện làm chủ tịch thị.
Những ngày ấm trời, bà Thân mót khoai mót lúa, thả lưới buông câu. Ngày mưa lạnh, bà giữ trẻ, giúp các bạn chài. Bà nép mình sống dật dờ trong cảnh sôi động ầm ào của xóm dưới. Những đêm khuya khoắt, khi xóm dưới lịm đi sau những cơn say, từ túp lều bà Thân tỉ tê tiếng ru tha thiết.
Đã giàu rồi lại thêm sang,
Đã đi thuyền vàng lại có hai mui.
Đã nghèo bùi xủi, bùi xui
Thuyền câu rách nát, không mui, không giường.
Cầu vừa bắc xong, những nhà, những quán mọc lên nhanh chóng. Quán nhậu, quán bia ôm, quán hát... tưng bừng, nhộn nhạo. Ông Biểu bán vườn nhà cũ ở làng, dựng nhà mới trên phần đất được cấp phía đầu cầu. Cầu đường cắt băng thông xe tháng trước thì tháng sau khánh thành nhà ông. Khách bạn xa gần nối đuôi nhau qua cầu mới đến chúc mừng. Xe to, xe nhỏ đậu kín cả mặt đường. Vốn là dân thủy lợi, ông lấy mức nước lụt lớn nhất để xây móng nền nhà. Vì vậy, dù là nhà trệt mà đứng chỗ nào trong thị trấn cũng nhìn thấy ngôi nhà của ông ngất ngưởng, đồ sộ. Yên bề nhà cửa, ông Biểu theo lớp chuyên tu ở thành phố Hồ Chí Minh. Hai tháng sau ông ra. Phía bên kia đường đối mặt, ngôi nhà lầu sừng sững che chắn cả tiền đường nhà ông. Ông Biểu nghiêng mắt nhìn ngôi lầu, chân dậm dựt. Láo nhất là nóc tứ giác tầng trên đâm thẳng vào tim nhà ông như mũi kiếm. Ông dí mũi giày xuống nền sân lẩm bẩm “Hắn chơi trội, chơi xỏ, rồi xem”. Ông nói qua kẽ răng, nhếch mép cười thách thức. Ông nhún vai, rùn người làm cho cái lưng gù càng gù hơn. Kẻ xun xoe khen ông có cái lưng hổ, đến thời nhảy cao, vươn dài. Thuở lận đận, người ta chế ông tuổi mão, sinh tháng mười, cái lưng mèo chỉ có ăn vụng, nằm bếp. Tướng số thế nào đều ở mồm thiên hạ. Chỉ biết rằng đã qua thời “nông lâm bỏ xó, vào những năm chín mươi sự nghiệp của ông cũng như con người của ông phình lên nhanh như người ta bơm quả bóng, như xe tăng ga, mới nhấn số này đã lên số khác. Ông khéo léo giữ chặt tay lái, nghiêng đôi mắt hiếng lách, luồn. Đố kẻ nào vượt qua mặt ông. Ngay chỗ đất dựng nhà cũng là nơi đắc địa. Ây thế mà có kẻ muốn yểm, rắp tâm kình địch. Ông quyết định đập nhà, xây lầu mới cho chúng nó biết.
Cô đồng, thầy địa danh tiếng các nơi được mời đến trừ tà, xem đất, định hướng. Mười thầy nói vào một quẻ “Thế đất đầu rồng vượng lắm. Phía bên kia lên càng cao, xây càng dày càng làm phên dậu. Đáng tiếc, bề ngang của đất trúng vào trực tử, mở được trực sinh hoặc trực lão thì hoàn hảo”. Ông Biểu giao trách nhiệm cho chủ tịch thị điều đình với bà Thân “Chú giúp tôi, giỏi lắm cho bà ta hai cây. Được việc, chú có thưởng”.
Nhân ngày giỗ, anh Đính cho mời bà Thân lên nhà anh ướm lời “Vườn mợ rộng cũng chẳng để làm gì nhiều cho cỏ mọc. Mợ nhường lại cho ông Biểu vài mét, xóm giềng với nhau. Bà Thân hỏi “Vài mét là mấy?”. “Dạ, khoảng độ sải tay thôi”. “Ua, nhiều nhặn gì chứ, chừng ấy bõ bèn gì, miễn là đừng đụng đến bụi tre là được. Cháu còn nhớ, bụi tre ấy cậu trồng từ năm cắm nhà. Năm đánh đồn Mũi Nò cậu hy sinh. Từ đó, mở mắt ra chứ nhắm mắt lại là mợ thấy cậu về ngồi ở bụi tre đó”. Mồm vui không ngờ, Đính cướp lời “Dạ, khoảng sải tay thôi, mợ cho ông ta liệu mấy?”. Bà Thân thật bụng “Đất đai của nước, của dân, ông ấy làm việc cho dân, cho nước, tiền của kể mà làm gì?” Không phải mợ đòi hỏi nhưng cháu nói giúp với ông ấy chạy giấy tờ, công nhận liệt sĩ cho cậu cháu mát vong linh thì mợ nhắm mắt cũng đành”. “Việc của cậu chỉ cần thêm người làm chứng, cháu đang lo, mợ yên tâm”. Bà Thân lau nước mắt “Thì cả làng ai cũng biết. Mợ mong sao trước khi nhắm mắt được thấy cái bằng của chính phủ chứ không đòi hỏi chế độ gì”. Đính mừng rơn, nói vội “Chiều nay, cháu xem đất rồi cắm cọc cho người ta làm". "Ừ, khi nào cũng được, nhớ đừng đụng đến bụi tre". Bà Thân ra về.
Ngay trưa hôm đó, thợ nề đã được huy động đến mở đất, đào hào, xây tường, dựng nhà. Bà Thân ngước nhìn ngôi lầu ông Biểu cao lên vòi vọi, nhanh như trong mơ mà lòng vui vui. Bà con bạn chài biết chuyện, kẻ thương, người chê bà Thân “Mỗi mét mặt đường dễ đến mươi triệu. Các lô đất khác, người ta chuyển nhượng thành xe máy, nhà tầng, sao bà thật thà quá vậy?”. Bà Thân món mém cười “Của cha của ông gì đó mà bán với mua?’
Bà Thân quét dọn sân nhà sạch sẽ, vui vẻ đón cha con bác Tam. Bà vội ra đường mua bó chè xanh vào nấu nước. Bạn thợ làng Triền hay tin kéo đến chơi, có ý “đánh cắp” nghề. Vui có người đông, bà Thân xung xăng đun nấu. Rửa sạch mấy cái gáo dừa, bà đem ra mời nước. Một phó mộc giơ cao ấm cho nước chè sủi bọt, tu một hơi rồi chép miệng “bầu thợ giác, nác thợ mộc, thế mới đã”. Bác Tam bảo con đo, lấy thanh thủ. Mấy người thợ giúp lật gỗ, kéo dây mực. Ai cũng tấm tắc. Một người đứng tuổi khen “Xưa nay không có cấp gỗ nào tuyệt thế này, đầy đặn, chính nòi dạ hương, vô hữu tì tích”. Cụ Lượng khoái chí “Ngày xưa cụ Thượng làng bên có một cấp, đưa từ Huế ra. Phòng lâm nghiệp chuyển từ Ba Rền về đó. Rừng ta thắp đuốc tìm đâu ra”. Phó Tam nhắc con “Dài vẫn vậy bốn sáu, lấy ra bốn tám, cao chín tấc. Thủ trong lòng thước hai. Nắp với đáy theo đó, lấy lơi ra, đừng chẹn”. Cụ Viên được xem là sành sỏi trong làng thợ nhấc kính “Sao rộng vậy chú? Thành tấc rưỡi vị chi phủ bì thước năm”. Bác Tam lễ phép “Thưa cụ, ý của chủ là vậy. Bề dài thì thừa thải nhưng bề ngang thì biết đâu”. Cánh mộc nhìn nhau cười. Cụ Viên vẫn thật tình “Xe tang làng đóng theo kích thước xưa nay, rộng lắm cũng thước ba”. Người nào đó chen vào “Bây giờ đổi mới, ô tô thiếu gì mà lo cụ”. Cánh thợ chăm chú xem bác Tam đo, kẻ từng chi tiết rồi lần lượt ra về.
Mấy bữa nay, bà Thân không đi đâu. Có bao nhiêu tiền bà bỏ ra mua chè xanh, cau trầu, tiếp thuốc nước cho thợ với hàng xóm đến chơi. Công việc sắp hoàn thành, chờ lúc thợ nghỉ tay, bà khúm núm “ Mấy hôm nay định thưa nhưng ngại thầy quá, thôi thì đánh liều”.
- Có gì, bà cứ bảo, tôi như con bà.
- Không dám, là thế này, nhân thể thầy giúp cho tôi cái hậu sự. Hiềm vì săng gỗ chẳng ra gì nên tôi đắn đo mãi.
- Gỗ gì cũng là gỗ chứ, ở đâu, bà chỉ tôi xem.
- Vâng, cám ơn thầy, đợi cho một loáng.
Bà Thân khấp khởi chạy ra cửa. Lúc sau, hai người khuân gỗ đến. Cũng là học trò của thầy Tam nên họ rụt rè “Bọn em giúp cho bà, cất đặt đã lâu, gỗ bất cập phân thôi” Bà Thân chen vào “Thầy thương cảm, gỗ ăn xin cả mà”. Bác Tam gõ gõ từng tấm “Gỗ có tên cả đấy. Cha con tôi giúp bà luôn thể”. Bà Thân xuýt xoa “May phúc, gặp dịp, nhờ thầy”.
Hai cỗ áo quan làm xong, ai cũng đến xem, trầm trồ. Cụ Viên ghé tai bác Tam “Chú bảo cấp nào đi trước?”. Bác Tam ý tứ đặt ngón chân cái dè dặt vào cấp dạ hương, nói nhỏ với cụ “Nhưng mà ông ấy không nằm được cấp này, có nằm cũng không yên. “Đúng”. Cụ Viên khẳng định. Có lẽ linh cảm hay kinh nghiệm nghề nghiệp mà khi đóng quan tài, người phó mộc lành nghề có thể biết được chủ nhân sẽ “đi” sớm hay muộn.
Ao quan ông Biểu làm xong còn gửi nhờ nhà bà Thân bởi mùi thơm gỗ dạ độc lắm. Ông Biểu đột ngột ngã xuống bên bàn tiệc. Danh y các bệnh viện lập tức được mời đến. Người vòng trong, vòng ngoài. Xe cộ ken nhau, choán hết lối đi. Mỗi người đoán một cách tùy theo thiện ý hay ác ý. Mấy vị võ vẽ chút tướng số nói như sách “Đàn ông năm ba, đàn bà bốn chín” đại hạn rồi. Các bác sĩ trổ hết tài năng “còn nước, còn tát” nhưng rồi đành lắc đầu.
Bà Biểu lộn ra, lộn vào thút thít “Thưa bác, áo quan mới đóng, có cần gì phải sửa?”. Tôi biết cụ Lượng nhắc lại. Tôi biết, nhưng mà không được. Ao quan đóng quá cỡ, đặt không lọt xe tang làng”. Người con cả ông Biểu khúm núm “Dạ thưa, xe ô tô của cơ quan thiếu gì”. Cụ Lượng gắt “Có phải cát sạn gì mà bỏ vào ô tô, đem đổ đi cho mau? Sống đã xa làng xa nước, nằm xuống phải có làng, có xóm chứ, vả chăng...
- Thưa bác, sao ạ?
- Vả chăng, không thể để chú trong quan tài ấy được. Bác đã can từ đầu mà bố cháu không chịu nghe. Bây giờ ai cũng đặt miệng, pháp sư cũng bảo. Gỗ dạ hương quí thật. Trước đây, cụ thượng thư họ Hoàng có một cấp nhưng làm quách, không ai làm quan. Chất độc của gỗ ngấm vào cốt tủy, có hại đến con cháu. Người ta thương mình mới góp ý, tùy thím với cháu”. Bà Biểu hiểu ra “Dạ thưa, nước đã đến chân, vạn sự nhờ bác”. Cụ Lượng vén áo đi ra. Hồi lâu, trở vào, cụ gọi vợ con ông Biểu với những người ruột rà lại “Tôi đã liệu, xin hỏi ý kiến thím với các cháu”. Bà Biểu thổn thức “Xin bác lo lắng cho, mẹ con tôi nhờ”. Cụ Lượng hạ giọng “Ta mướn cấp gỗ của bà Thân. Cấp ấy đóng một lúc với cấp của chú, xem ra, không được như ý nhưng vẫn tốt. Bây giờ gọi một tiếng, có ngay hàng chục cấp nhưng không phải tay bác Tam đóng mà gỗ lạt cũng đến thế thôi”. Bà Thân mếu máo “Bác dạy sao, mẹ con em nghe vậy”.
Người qua cửa soạn nhắc áo quan, bà Thân dặn “Sau này đóng lại, săng que sao cũng được, tôi chỉ nhắc một điều là phải nhờ thầy Tam đóng giúp”.
Ông Biểu được đưa từ bệnh viện về còn nằm ở trên xe. Vì tử ngoại gia nên không được đưa vào nhà mà phải dựng rạp, quàn ở ngoài. Bà Biểu tức tưởi “Ông ơi! nhà cao cửa rộng mà ông phải nằm ở đây. Quan chức, của nả mà làm gì, ông ơi...!” Cụ Lượng an ủi “Tục lệ là vậy, thím an tâm. Rồi hết khó, lập đàn, đưa chú vào nhà”. Người lái xe biến đâu mất. Xe cộ, quan khách cũng phút chốc vắng vẻ. Chỉ còn mấy người hàng xóm thậm thụt. Cụ Lượng thừ người. Cuối cùng, cụ bảo mấy người cháu xắn tay làm rạp. Con ông Biểu gọi điện cho đội xây dựng mướn ít gỗ làm cột, kèo. Điện réo mãi, chẳng ai trả lời. Bí kế, cụ Lượng lại đánh liều qua bà Thân hỏi mua bụi tre làm tạm, nhân thể mướn chỗ đất của bà chứ không thể đào sân gạch hoa lên mà dựng được. Bà Thân với cụ Lượng ý chừng thời son trẻ có duyên nợ với nhau khiến bà cũng dễ dãi “Tre pheo tôi chẳng bán chác gì. Việc xóm giềng như việc nhà, ông cho chặt số cây già mà làm, nhớ nhắc các cháu giữ gìn số cây non”. Bà Thân đưa cho cụ Lượng miếng trầu rồi tất tả vào bàn thờ thắp hương khấn khứa. Bà dành ba cây cắm vào bát hương đặt ở bụi tre. Bà con lối xóm xúm vào, kẻ chặt, người đào lỗ. Phút chốc, rạp được dựng lên, một phía kê vào tường nhà ông Biểu.
Bà Biểu níu áo cụ Lượng “Xin bác thưa với pháp sư cho gửi theo ông ít của cải”. “Thím định gửi theo vàng?”. “Dạ”. Cụ Lượng hỏi pháp sư rồi bảo “Không được thím ạ. Một là kẻ xấu sẽ làm bậy. Hai là âm ty xưa nay chỉ dùng đồng tiền bạc mà phải bạc thời xưa, ít nhất cũng thời Khải Định". Bà Biểu lại nức nở “Ông ơi, vàng lá, vàng cây để làm gì, đồng bạc tìm đâu ra, ông ơi!”. Có người bảo “Bây giờ vào Huế may tìm ra”. Điện gọi vào Huế, trong ấy trả lời “Có thể tìm ra nhưng không kịp giờ nhập quan”. Bà Thân mách “Ở bà Lang cuối làng có đồng bạc, bà thường dùng để đánh gió”. Người con cả phóng xe đi ngay. Anh hỏi mua, bao nhiêu bà cũng không bán. Anh năn nỉ “Cháu xin đổi cho bà một chỉ vàng làm vốn”. Bà nói “Vàng thì quí thật nhưng không cứu sống được người. Đồng bạc này, mẹ tôi để lại. Tôi dùng để làm phúc”. Anh lại khẩn khoản “Bà làm phúc cho bố cháu, bao nhiêu, cháu cũng thuận”. Bà Lang vẫn nhỏ nhẹ “Làm phúc cho ông nhà cũng tốt nhưng quê mình trên nắng, dưới nước, bao nhiêu người sống cần cứu giúp khi phải gió, cảm hàn”.
Thế là đến giờ nhập quan. Pháp sư thúc kiểng. Người ta phải dùng đũa bếp để ép cho thân hình to phệ của ông Biểu lọt vào hậu sự của bà Thân. Tội nghiệp!!

QUẢNG TẤN
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Về A Lưới (22/05/2008)
Thư Sài Gòn (22/05/2008)
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)
Các bài đã đăng
Đường chim bay (22/05/2008)
Con câm (22/05/2008)
Bụi Cây (22/05/2008)