Nam thổi và nồm đẩy ngược lênh đênh một nỗi niềm hoài hương, những câu thơ của Thành như những lần chợt thức giấc bởi những vọng động từ “nơi tôi sinh ra đời, ngày mưa, tháng mưa, năm mưa”. Nơi chốn đó gợi nhớ rằng đau đáu nguồn cội mỗi người là bà mẹ quê nghèo thầm lặng trôi một đời sông quê mà năm tháng như “phù sa kể chuyện mặn mòi”. Phù sa mẹ và sông quê đã đắp bồi cho mặn mòi thơ Phan Trung Thành, vốn thật ít gặp ở nhiều nhà thơ trẻ bây giờ. Trong những hoài tưởng quê nhà, Phan Trung Thành đã dành những câu thơ đầy nặng yêu thương cho Mẹ, “người vì quá mừng mà khóc vì tôi” trong ngày “khai sinh” nơi xứ mưa: Bà mụ quê hút mũi Mầm nhau so đũa vá ngang trời. Từ buổi ấy, Phan Trung Thành lớn lên trong “lời mẹ ru xanh tàu chuối mảng”, những lời ru cho dẫu “xanh ngày đồng quê” nhưng vẫn nghe “đứt quãng giữa chiều hạ rơi” u uẩn những nỗi niềm. Lời ru gập ghềnh quanh tao nôi ngày ấy theo chân Thành lang bạt xứ xa, cái cảm giác rượi mát ngả lưng xuống tre trúc quê nhà còn đâu, anh lại cồn cào nhớ mẹ: “Ngày mẹ sinh tôi ủ rơm lót khói/ Cữ so tròn căng sương/ Tao nôi chín vàng tre đọt nối/ No bóng người đói ngã... quê hương” (Lưng Quê) Hình bóng người mẹ trong thơ Phan Trung Thành quanh quẩn bụi chuối bờ tre và lời ru quê Việt một hôm nào bỗng lớn thành một cảm thức: “Xứ sở tôi xanh mộng trời Âu Cơ” ở đó Phan Trung Thành đã trân trọng bao nhiêu vẻ đẹp huyền diệu của người phụ nữ Việt Nam. Một vẻ đẹp bình dị: “Chị như ngọn gió thổi từ đầu làng đến cuối làng/ Qua bãi bồi đầu sông/ Chị như hoa huệ trong sương/ Đóng đinh những chàng trai ra đồng” (Son-nê chị cả) Một vẻ đẹp nhẫn nhục: “Tỉa không cho người món nợ/ Mười hai mùa hoa cải thác ghềnh/ Chị dìu không qua phận lênh đênh đành thôi” (Của chị) Một vẻ đẹp của sử thi: “Nơi công chúa Huyền Trân đi qua/ Mắc cạn trên ngực dòng sông tím” (Khai sinh) Và một vẻ đẹp tang tình huyền ảo: “Tôi yêu em như yêu người tình trong thơ Tử/ Sợ trăng đau nên thức suốt mùa vàng” (Vọng sông quê) Những vẻ đẹp ấy lấp lánh như những “mảnh vụn trăng quê” trên dòng sông quê - dòng tâm thức thi ca của Phan Trung Thành. Sông ấy xuôi một dòng hoài hương: Sau những lần cay xé mắt Tôi chạy về gục mặt dòng sông Sông quê đã đem lại cho Phan Trung Thành vị phù sa mặn mòi của đời và thơ. Vọng sông quê, anh cảm nhận thăm thẳm đáy sông đời mẹ: “Mẹ ta duyên nở dòng sâu phận người”. Vọng sông quê đã thành sông thơ từ bao giờ, anh “ngụp lặn trong niềm đam mê thơ dòng sông kiêu hãnh”. “Lớn lên từ sông úp mặt từ sông/ Nước khát khao tìm về biển cả/ Tôi khát khao oằn con sóng lúa/ Thơ dâng người hái mảnh vụn trăng quê” Mẹ và sông quê, bóng dáng quê nhà in đậm trong thơ Phan Trung Thành, như là vẻ đẹp chân lấm tay bùn còn bết dính bên cạnh mảng thơ bứt lên đòi mới của chính anh. Phan Trung Thành thuộc về số hiếm những nhà thơ trẻ có trách nhiệm với chữ nghĩa, âm thầm lập ngôn và chấp nhận trả giá. Đó là mầm mống của một đời thơ đích thực. Trên chặng dài gian khó theo thơ, Vọng sông quê là một khởi điểm được mong đợi. Huế, tháng 5 hai ngàn lẻ một
PHẠM NGUYÊN TƯỜNG (nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)
------------------------------------ (*): Nhân đọc Vọng Sông Quê (thơ Phan Trung Thành - NXB Trẻ - 2001 |