Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Thư Sài Gòn
17:33 | 22/05/2008
Dường như có dòng sông Hương vẫn chảy âm thầm ở bên ngoài Tổ quốc. Đấy là khi tôi đọc được những trang viết đầy ắp phong vị, nồng ấm hương đất quê nhà của những người Huế đang định cư ở nước ngoài. Họ đã tìm thấy tín hiệu giao cảm với xứ Huế thông qua “chiếc cầu nối” của Tủ sách Nhớ Huế.

Người Huế đang sống khắp các châu lục và luôn hướng về quê hương. Chỉ có trang viết mới bộc lộ chân thành nỗi nhớ quê, cội nguồn của họ. Chỉ với thơ, văn, âm nhạc, hội họa... mới thể hiện được nỗi niềm đau đáu, quay quắt, da diết, hồn hậu với quê hương.
Ban đầu thì chỉ có vài tên tuổi thân quen, sau này đã có nhiều cây bút thành danh thuộc nhiều thế hệ đang sống xa Huế... hợp thành một dòng văn học nghệ thuật ở bên ngoài biên giới. Thấp thoáng sau những trang viết của họ là bóng dáng của xứ Huế. Không chỉ là Huế - hoài - niệm mà còn là Huế - ngày - nay. Và nỗi niềm cũng có nhiều cung bậc, nhiều sắc màu và dáng vẻ. Họ chỉ có một mong ước giản dị: tồn tại mãi một xứ Huế trong lòng người xa quê và hội nhập với quê hương trên từng bước phát triển.
Từ Paris (Pháp), Cao Huy Thuần gởi về những trang viết nặng lòng với Huế. Anh mong ước và hy vọng Huế sẽ đứng ra tổ chức hội nghị cựu Kinh đô Á châu và sau đó là cựu kinh đô thế giới. Võ Quang Yến mong “Được gặp nhau” và anh nhắc nhở chuyện tên họ người Huế ở nước ngoài lẫn lộn “nếu sách vở mất đi, liệu các nhà ngữ học có giải thích dễ dàng được không?”. Ơ bên kia nửa vùng trái đất, những bút ký đầy ấn tượng của Trần Kiêm Đoàn như Màu quan san, Sen hồ Tịnh, Mưa nắng Nam Ai... có thể gợi thêm nỗi niềm và trách nhiệm với những người yêu Huế. Hồi ức của Thanh Tâm, Đặng Ngọc Ấn, Trần Hoài Thư, Tôn Nữ Tri Túc, Phương Thư (Mỹ), Thái Kim Lan (CHLB Đức), thơ của Tôn Thất Tài (Bỉ), Phong Vũ (Canada), Hoàng Hy (Mỹ), tạp văn của Hồng Lê Thọ (Nhật), nhạc của Võ Tá Hân (Singapore)... và nhiều tên tuổi khác đã làm nên từng “đợt sóng” nhớ quê da diết và ầm ào. Những đợt sóng “nhớ” như thế vẫn âm ỉ bền bỉ trong đời người xa xứ.
Thi thoảng Nhớ Huế đón nhận những trang viết về Huế của họ thật khiêm tốn. Nhưng dù tác phẩm của họ đang còn ở bên ngoài biên giới, ít có cơ hội đến với đông đảo bạn đọc ở quê hương, thì họ vẫn âm thầm sáng tác vì Huế, cho Huế yêu thương. Họ đã trải lòng trên từng trang viết.
Tôn Nữ Tri Túc viết tuỳ bút Huế của tôi: “Cám ơn Huế đã nuôi dưỡng trong tôi nhiều kỷ niệm thơ ấu thần tiên quá tuyệt vời!”. Tôn Thất Tài, dù chỉ là Một thoáng nhớ về cũng đã “hơn những gì nhung nhớ!”. Hồng Lê Thọ bộc bạch “Thật ra đi mô rồi cũng muốn quay về.” Mỗi lần thấy ở đâu có quán ăn của Huế kiều là thế nào mình cũng đâm bổ đến cho bằng được. Một tô bún bò Huế bốc khói, một lát ớt cay cay, một giọng nói quê hương trọ trẹ, răng mà nghe ấm lòng và như tiếp thêm sức cho mình trong những chuyến đi xa...”. Những người xa Huế đều có tâm trạng của người lưu lạc. Tình yêu Huế trong họ là nét đẹp không tàn phai. Vì vẻ đẹp “không bắt nguồn từ ánh mắt nhìn mà từ ánh sáng gợi hồn của viên ngọc ân tình đã chìm sâu trong ý niệm” (Trần Kiêm Đoàn).
Có một dòng văn học như thế đang luân lưu trong cộng đồng Huế sống tha hương ở bên ngoài biên giới Tổ quốc. Nó sẽ làm phong phú thêm đời sống văn học của đất nước.
Họ vẫn đi đi, về về với đất nước, nhưng đến lúc nào thì những trang viết của họ mới được như thế - hội nhập với quê hương trên từng bước phát triển.

TRẦN HỮU LỤC

(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Về A Lưới (22/05/2008)
Các bài đã đăng
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)
Biển đêm (22/05/2008)
Khúc ban mai (22/05/2008)