Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Về A Lưới
18:09 | 22/05/2008
Từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi chưa một lần gặp lại Anh hùng Vai và Anh hùng Kan Lịch. Về Huế hoài nhưng lên A Lưới lại không đủ giờ và không dễ dàng gì. Những năm trước, đường về A Lưới còn chật hẹp, lổm chổm đất đá, lại hay sạt lở... đi về rất khó khăn và phải mất vài ngày. Đến Huế vào mùa khô thì lại ít thời giờ. Về Huế dịp mùa mưa thì đường về A Lưới luôn tắc nghẽn.
Về A Lưới

Tôi day dứt mãi về việc phải có dịp gặp được Vai và Kan Lịch ngay tại chiến trường cũ. Tôi vẫn gặp Vai và Kan Lịch trên truyền hình. Tháng 4/2000, tôi được mời đi đón đoàn đua xe đạp Cúp truyền hình từ Hà Nội về Huế, nhưng giữa những ngày mưa tầm tã, không ai nhận đưa tôi đi A Lưới. Rồi Thừa Thiên Huế ngập trong bão lũ, đường về A Lưới bị tắc nghẽn. Tôi chỉ lại gặp Vai và Kan Lịch trên Đài truyền hình VTV nhân hai người anh hùng về Huế dự kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác Hồ.
Tôi viết một kịch bản phim tài liệu về gia đình ba anh hùng : Vai và hai cháu ruột là Kan Lịch và A Nun (em ruột Kan Lịch). Trong kịch bản có một cảnh tôi gặp lại các người anh hùng. Thế rồi khi đoàn làm phim lên đường, tôi lại đang ở Hà Nội. Vì tôi không đi A Lưới nên phim tài liệu đó không có cảnh Vai, Kan Lịch gặp tôi. Để trọn vẹn ước mong gặp Vai và Kan Lịch, phim tài liệu này tôi không ghi bút hiệu Đinh Phong mà ký bút hiệu ngày xưa là Chiến Phong.
Tháng 3 năm nay, tôi quyết tâm phải tìm cách về A Lưới thăm Vai và Kan Lịch - bởi đã 34 năm, 36 năm rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau. Các đồng chí ở Đài Truyền hình Huế đã tổ chức chuyến đi này. Cô Thái Bình, Phó giám đốc Đài Huế, tin rằng cuộc gặp này khá lý thú, nên đã đi cùng và mang theo một tổ làm phim.
Chúng tôi rời Huế trong buổi sáng trời nắng đẹp, khô ráo nhưng khá lạnh.
Xe chúng tôi dừng trên bến phà Tuần. Dòng sông Hương xanh mát, có một con đường đất đỏ vắt qua tạo nên một cảnh quan với nhiều màu khá đẹp. Phía Tây là những dãy núi xanh lam đang phủ mây trắng. Đó là A Lưới quê hương của Vai, Kan Lịch... mà tôi chỉ mới nghe họ kể ở Đại hội Anh hùng.

... Sau Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng miền Nam (tháng 3-1965), tôi được điều sang Hội Văn nghệ giải phóng để đến Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam lần thứ 1. Sau khi tiễn các anh Giang , Lê Văn Thảo, Hoài Vũ đi mặt trận Đồng Xoài, đoàn viết truyện anh hùng lên đường. Đoàn có các anh : Anh Đức, Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã, Đinh Phong, Lê Anh Xuân, Nguyễn Hồ, Lý Minh Văn, Từ Sơn và hai cô gái Phan Thị Như Băng, Phan Châu Thủy... sau khi làm việc với Cục Chính trị Quân giải phóng, anh Nguyễn Thi phân công người viết truyện anh hùng. Nguyễn Thi nhận viết truyện Út Tịch, Anh Đức viết truyện Pinăng Tắc, Lê Anh Xuân viết truyện Nguyễn Văn Tư, Lý Minh Văn viết truyện Trần Dưỡng... Ai cũng nhận người đã quen biết hoặc "đồng hương". Cuối cùng còn một người dự kiến được phong anh hùng tên là Cu Thời, người PaKôh. Cu Thời là tên mới đặt cho Cu Vai hay A Vai. Chữ Cu và A có thể gọi là thằng, là anh... như cách gọi có chữ Đinh của Tây Nguyên vậy. Vai không rành tiếng Kinh, thỉnh thoảng nói được vài chữ lại pha giọng Thừa Thiên nên rất khó nghe.
Không ai dám nhận viết truyện của Vai. Cuối cùng anh Nguyễn Thi nói với tôi:
- Đinh Phong là dân Huế, có thể nghe câu được câu mất của Vai. Cậu chịu khó đeo theo anh ta để khai thác và viết.
Tôi nhận lời và đem võng xuống nằm chung với Vai gần hai chục ngày. Tôi nghe được tiếng Thừa Thiên, nhưng không biết tiếng PaKôh nên cũng không hơn gì các anh khác. Vì vậy, nghe Vai nói tôi phải hỏi đi, hỏi lại, rồi vẽ, ra hiệu để hiểu. Có lúc, Vai phải bẻ cây rừng làm mẫu cung tên, chông, lao... Anh mới biết viết chữ nên có thể ghép vần, viết câu ngắn. Những tên người, tên đất... tôi đều nhờ anh viết cho chính xác.
Hôm họp ở hội trường, Vai báo cáo thành tích. Nhưng khi anh nói câu đầu tiên cả hội trường cười ồ lên. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ yêu cầu anh nói lại. Vai nói cũng không ai hiểu. Cuối cùng Ban tổ chức đề nghị tôi "phiên dịch". Tôi làm nhiệm vụ: khi Vai kể về đoạn nào, tôi biết anh định nói gì, thì dùng kiến thức mà tôi đã tiếp thu từ Vai kể lại. Giờ giải lao, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gọi tôi ra góc rừng hỏi thăm về quê hương. Anh tưởng tôi là "phiên dịch" cùng với Vai đến Đại hội. Sau Đại hội tôi chia tay Vai và đoàn khu Năm với lời hẹn: gặp nhau tại vùng giải phóng miền Tây Thừa Thiên trong một ngày gần đây.
Sau đó tôi theo anh Nguyễn Thi về trại viết bên bờ suối chúng tôi đặt tên là Lãng Bạc. Hơn một tháng sau tôi nộp tập truyện "Rừng núi diệt thù" - tức truyện Anh hùng Vai. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí lãnh đạo Cục Chính trị Quân giải phóng xem xong cho xuất bản ngay. Tháng 8-1965 khi đang ở Cần Thơ, tôi nhận được cuốn truyện Anh hùng Vai từ miền Đông gửi đến đồng bằng sông Cửu Long. Sau này được tin anh ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tôi rất vui. Tháng 8-1975 tôi đến thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ. Trên bàn ở phòng ngoài, trong số các sách Bác đọc trước lúc đi xa có cuốn "Anh hùng Vai" tôi viết năm 1965.
Năm 1967, tôi được gọi đến Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam lần thứ 2, cùng các anh Anh Đức, Giang Nam, Viễn Phương, Nguyễn Thi, Minh Khoa, Hoài Vũ, Nguyễn Hồ, Anh Tuấn... Đại hội họp tại khu rừng Bà Rá đầy muỗi độc nên không một ai đến đây mà thoát khỏi sốt rét. Giữa một buổi sáng mọi người đang run rẩy, tôi được tin có khách đến thăm. Bước ra khỏi lán tôi thấy một cô gái dân tộc còn rất trẻ, cười hồn nhiên. Cô đi cùng các anh Tô Văn Đực, Trần Văn Lư đến thăm các nhà văn, nhà báo.
- Tôi muốn gặp anh Đinh Phong.
- Tôi là Đinh Phong.
- Kan Lịch đây ! Chú Vai nói vô miền phải tìm gặp anh trước.
Tôi nắm chặt tay cô gái. Kan Lịch đây, người con gái PaKôh được Vai nhắc nhiều lần. Kan Lịch chiến đấu rất dũng cảm, xông vào đồn địch lấy cơm cho anh em ăn, gọi địch đang ngủ đứng dậy để bắn cho dễ dàng.
Khi kể về Kan Lịch, Vai nói với tôi: "Lịch rất xứng đáng được phong anh hùng lần này với mình. Lịch cũng là chiến sĩ thi đua toàn khu Năm. Nhưng các thủ trưởng nói: Anh hùng phải là đảng viên, Lịch chưa được vào Đảng nên chưa được làm anh hùng".
Lịch ở chơi với chúng tôi khá lâu. Cô kể thêm cho tôi nghe nhiều chuyện mà Vai chưa kịp kể. Tôi ghi chép rất đầy đủ để viết. Kan Lịch nói tiếng Kinh sõi hơn nên tôi nghe được khá tốt. Chị Ba Định rất thương Lịch, chăm sóc cô rất chu đáo, kể cả cung cấp thuốc rê để hút hàng ngày. Một hôm các đồng chí "anh nuôi, chị nuôi" báo cáo với chị Ba Định là Kan Lịch đi lượm cơm rơi ở ngoài rừng, gần chỗ rửa chén, soong nồi. Chị Ba gọi Lịch đến. Cô gái vừa khóc vừa nói :
- Cô Ba ơi, ở ngoài cháu bộ đội ăn toàn sắn không có một hột cơm, thèm lắm. Vậy mà ở đây các em đổ cơm trắng ra rừng, tiếc quá!
Chị Ba giải thích mãi Lịch mới thôi không đi lượm cơm rơi. Lịch kể với tôi:
- Lúc chú Vai đi rồi, em thay chú Vai chỉ huy đội du kích. Anh em ăn sắn mãi thèm cơm nên nói với em: nếu được ăn một chén cơm anh em đánh giặc giỏi gấp ba, gấp năm lần. Em thương anh em quá, bò vào đồn A Lưới tìm cách lấy được nồi cơm và nồi thịt. Đội du kích ăn hết ngay trước giờ đánh giặc.
Trước khi Lịch rời Đại hội, tôi hỏi cô thích gì? Lịch cười nói tỉnh bơ: "Ai cho chi em cũng đem về hết cho anh em, mỗi người hưởng một chút... Nhưng anh Phong phải mua thuốc hút cho em". Tôi nhờ anh em tiếp phẩm mua hai kilôgram thuốc rê cho Lịch nhét vào balô. Thế là từ cuối năm 1967 đến nay, tôi chưa gặp lại Kan Lịch...

Có lẽ chưa có con đường nào "nguy hiểm" như đường về A Lưới. Tôi đã biết đường về Đà Lạt, Hải Vân, Ba Vì, Tam Đảo...nhưng rõ ràng đó là các đường dễ đi rất nhiều so với đường chúng tôi về A Lưới. Đồng chí lái xe của Đài Truyền hình Huế còn khá trẻ, nhưng lái xe rất thành thạo đã khoe với tôi:
- Các cô chú quý chú lắm mới cho xe "Lăng Cru-dơ" đưa chú đi. Đi xe U-oát - loại xe thích hợp với đường núi - có lúc cháu còn run. Phanh (thắng) phải thật tốt và trời đừng mưa...
Tôi đã thấy rõ điều người lái xe trẻ nói. Hơn 60 cây số từ Huế về A Lưới, phải có đến gần 50 cây số dốc cao, đường hẹp, đặc biệt đoạn từ Bình Điền về A Lưới thì thật là đặc biệt: liên tục là những đoạn đường chữ S hay đúng hơn là đường "rắn bò". Đường hẹp lại uốn khúc nên rất nguy hiểm. Đường đang đổ nhựa, nhưng nhìn những đoạn sạt lở đang tu  bổ mới thấy hết sự "cô đơn" của A Lưới. Trong mùa mưa lũ một tảng đá rơi, một cơn lũ quét tràn qua thì không còn chiếc xe hơi nào lên được A Lưới.
Cách đây 24 năm tôi đã theo đồng chí Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy Huế ngày ấy leo lên núi thăm dân ở khu kinh tế mới Bình Điền. Ngày ấy đậu xe bên này sông, qua đò đi bộ đến trưa mới đến "chỉ huy sở" khu kinh tế mới. Bây giờ xe hơi dừng lại ở một quán cơm duy nhất của khu kinh tế mới. Bà con chỉ mức nước phía trên cửa sổ:
- Hôm rồi lũ đi qua đây, cả khu phố này ngập chìm. May sao nó đi qua không ở lại.
Từ Bình Điền về A Lưới thỉnh thoảng xe phải dừng, chờ công nhân đổ nhựa rải đá dăm. Cũng có lúc chiếc xe bò từng chút qua bãi đá cục mà xe hủ lô chưa kịp cán. A Lưới là một huyện nằm trên Trường Sơn nên đường cheo leo giữa lưng núi. Ngồi trên xe nhìn núi tím chìm trong mây trắng hoặc thấy đường đi "bám" vào khe núi, vừa thấy đất nước hùng vĩ, vừa thấy cuộc chiến đấu đã đi qua cực kỳ vất vả mà cuộc xây dựng hôm nay cũng chẳng dễ dàng gì. Xe chúng tôi chạy men theo vách núi, phía tay phải là vực sâu hoắm. "Lạy trời" phù hộ cho người lái xe lạc quan và dũng cảm... Gần đến A Lưới hai bên đường chỉ toàn rừng và đá. anh em chỉ cho tôi những cây cao chót vót trên núi:
- Bây giờ nhiều cây được sống sót. Trước đây bà con hái trái để bán qua biên giới phía Bắc. Muốn lấy trái thì phải chặt cả cây. Đó là cây lười ươi trái khô ngâm nước cho nở ra rồi pha đường uống như rau câu. Bây giờ hết bán rồi, cây lại xanh tốt.
Xe thả dốc và lọt vào một cao nguyên có nhiều vạt đất tương đối bằng phẳng. A Lưới hiện ra trước mặt. Hai bên đường đã có một số trụ sở cơ quan, một số nhà dân đã xây bằng gạch, có quán hàng, có chợ, đặc biệt A Lưới đã có điện, có điện thoại đến các nhà.
Kan Lịch ở trong một ngôi nhà gạch mới xây khá đẹp gần đường đi vào thị trấn. Chúng tôi gõ cửa. Người hàng xóm cho biết chị ở trên rẫy và cho người đi tìm. Tôi đã chuẩn bị phút gặp gỡ rất xúc động này sau 34 năm xa cách nên rất nóng ruột, nhờ cả xóm đi kiếm Kan Lịch. Chúng tôi lại chạy xe đến nhà Vai. Một ngôi nhà gạch nhỏ ở chân núi. Nhà vắng ngắt nhưng ngoài sân có phơi quần áo khá đẹp. Một đứa cháu gái (Vai chỉ có hai con trai) đón chúng tôi rồi ra rừng gọi Vai. Tôi không đủ sức đứng chờ, bươn theo cháu gái. Từ sau các cây xanh, một người chân đi cà nhắc, đầu đội mũ vải, áo quần lao động... đang lách vào. Anh nhìn tôi cười. Vai đây rồi. Cô Thái Bình hỏi Vai:
- Chú nhớ ai đây không ?
Lưỡng lự một chút rồi Vai nhào tới ôm chầm lấy tôi. Tôi vui mà vẫn trào nước mắt. Người anh hùng nằm cạnh tôi cách đây 36 năm đã đứng bên cạnh. Tóc cả hai chúng tôi đều đã bạc. Vậy mà với tấm lòng chân thực của người Pakôh, Vai la lớn:
- Hồi đó anh trẻ lắm mà !
Chúng tôi dắt nhau vào phòng. Vai đi tắm, mặc quần áo nghiêm túc để đón tôi. Anh khoe các huân chương, các bằng khen. Nhưng khi nghe tôi hỏi về ảnh anh ở Đại hội anh hùng năm 1965, ảnh chụp với Bác Hồ, thì anh buồn :
- Đoàn viết báo, làm phim nào đi qua cũng mượn ảnh của mình. Rồi họ không trả. Mất nhiều ảnh quý lắm.
Tôi trao cho anh cuốn Truyện anh hùng Vai (giống như cuốn đặt trên bàn của Bác Hồ) với chữ ký tặng của tôi và tấm ảnh anh chụp tại chiến khu Tây Ninh tháng 5-1965. Vợ anh chạy xe gắn máy về nhà. Đó là chị Kan Ngâm cũng người Pakôh, là dân công tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ. Anh chị thương nhau sau khi Vai từ miền Bắc trở về năm 1969. Hai đứa con Vai, một đứa tốt nghiệp trường công an đã ra làm việc và một đứa đang đi học ở Hà Nội.
Bỗng có tiếng la lớn. Chúng tôi chạy ra sân. Kan Lịch trong bộ đồ bà ba đen bươn bả chạy đến ôm chặt tôi. Chị đã nghe nói tôi đang ở nhà Vai. Kan Lịch líu lo kể lại những ngày ở Đại hội anh hùng, những ngày sống vui và bổ ích. Chị kể cả chuyện lượm cơm rồi chuyện mang một ba lô đường sữa, bánh kẹo rất nặng về cho đội du kích. Tôi đã trao tận tay cho Vai và Kan Lịch quà của gia đình tôi, của các chị đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng, khi nghe chị phải nuôi nhiều con cháu.
Tôi mời Vai và Kan Lịch trở lại đồn A Lưới, nay đã thành phố xá. Bây giờ tôi mới được Vai chỉ cho đâu là núi Tơ-lang-ai, cây nào là cây Ti-o, vùng nào là A Ninh, Lê Lốc. Đứng ngay trên nền đất A Lưới, Lịch kể cho chúng tôi nghe trận đánh mà chị và đồng đội đứng ngay trên đầu giường bọn Mỹ kêu chúng dậy để bắn.
Chị kể lại một chuyện "bí mật" mà trong dịp gặp năm 1967 chị chưa nói:
- Đáng lẽ tôi cũng được phong anh hùng với chú Vai nhưng vì tôi bị phê bình là "yêu đương linh tinh" nên chưa được kết nạp Đảng, chưa được phong anh hùng.
Chị giải thích "yêu đương linh tinh" như sau: Hồi đó chị mới 17, 18 tuổi người khá đẹp nên bao thanh niên đi theo, nhưng chị không chịu ai. Chị có "khuyết điểm" là không nhận lời ai, nhưng lại không nỡ từ chối ai. Bọn lính cũng đòi yêu chị. Chúng phao tin: Kan Lịch là người Kinh cách mạng trà trộn với người Pakôh. Lịch sợ quá phải cà răng như người Pakôh. Những việc "linh tinh" ấy làm chị mang tai tiếng, chậm được kết nạp Đảng...
Thế rồi, tôi bỗng nhớ đến các bài hát, bài thơ mà Vai dạy cho tôi lúc ở Đại hội anh hùng. Có một "bài hát" - theo kiểu đặt vè của người Kinh - do Vai đặt khi người du kích A Vâu bị địch giết trên rẫy vì không chỉ nơi đồng bào đang trốn. Bài hát kêu gọi thanh niên Pakôh :
Aem achai ơi (anh em ơi) Mỹ Diệm đi càn đừng sợ.
Aem achai ơi, Mỹ Diệm đi càn đừng chạy....
Vai, Kan Lịch và tôi cùng vỗ tay hát bài của đội du kích Pakôh đã từng nhắc nhở anh em du kích Pakôh kiên cường đánh giặc, giữ làng.
Tôi hỏi về những người trong đội du kích mà Vai và Kan Lịch đã kể cho tôi
như Kan Trao, Kan Xiết, Cu Xết...Vai buồn khi kể rằng, có người đã hy sinh, có người đang sống bình thường tại quê nhà. Riêng A Nun em trai Kan Lịch làm công tác vận tải cũng được phong anh hùng hiện sống mạnh khoẻ.
Vai khoe, cuốn phim tài liệu "Bước ra từ huyền thoại" do tôi viết kịch bản và HTV sản xuất được anh giữ gìn cẩn thận và cho bà con mượn xem như một kỷ niệm quý giá.
Thái Bình, Phó giám đốc Đài truyền hình Huế rất vui mừng báo tin: đoàn làm phim của chị đã ghi được đầy đủ về cuộc gặp gỡ hôm nay và tin rằng sẽ là một cuốn phim phóng sự về cuộc gặp gỡ của những người bạn chiến đấu...
Chúng tôi rời A Lưới vào buổi chiều se lạnh. Mây đã phủ trắng đỉnh Tơ-lang-ai. Đường trở về Huế vắng tanh, hầu như không gặp một chiếc xe đi ngược chiều. Tôi bỗng nhớ đến tên của dân tộc Pakôh có nghĩa là người ở trên cao. Vai, Kan Lịch cùng bà con dân tộc là "Người ở trên cao" nhưng đang gần gũi với đồng bằng, biển khơi, thành phố.Con đường nhựa ven theo núi đang hình thành, những vùng núi dễ sạt lở đang bê tông hoá để ngăn chặn sự giận dữ của thiên nhiên. Chúng tôi tin rằng A Lưới không còn xa cách như xưa mà đang gần lại, gần lại...
Tháng 3-2001

ĐINH PHONG
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài đã đăng
Thư Sài Gòn (22/05/2008)
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)