Ấn tượng về một giọng thơ trẻ trung, ngay thẳng, dứt khoát. Ấn tượng về một cách diễn đạt mạch lạc với những ngẫm trải đột khởi. Ấn tượng về cách kiến trúc từng bài thơ với tiến độ nhanh, thoáng, giàu khơi gợi. Ấn tượng về một phong cách thơ đã khá định hình. Điều thú vị là sự vắng bóng thơ văn xuôi trong cả hai tập. Trong lúc các tác giả khác cho in những bài, những câu dài dặc thì với Đặng Huy Giang, từng câu, từng ý được tung ra một cách trực diện, gọn nhẹ, mang nặng những ý tưởng anh thiết kế. Anh không ngại khẳng định lại một quan niệm xa xưa, nhiều người thường nói. Thí dụ, cái ý tưởng hạnh phúc mong manh đau khổ muôn thuở ngỡ như thiên hạ đã bàn xong rồi. Nhưng anh chủ động đặt lại: Gom bao khổ đau/ Thì thành hạnh phúc. Rõ ràng vấn đề trở nên mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Đặng Huy Giang có lối dụng từ ngữ mạnh bạo, sát ván, bóc ra từng vóc người, từng thân phận điển hình. Những ý tưởng liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên những hình khối riêng biệt, gộc gạc. Ý tưởng có lúc vụt lên khái quát cho một thế hệ, cho nhiều thế hệ: Những người đàn ông trẻ mãi không già Những người đàn bà già mãi không trẻ (Thời cổ tích) Những phân cực trong cuộc sống không cần rào đón, che chắn: Một bên: Tận gốc bị hắt hủi và bị xua đuổi/ Một bên: Tận ngọn được nuông chiều và được nâng niu... (Bờ rào). Từng cặp hai câu một xiết ngược chiều nhau, gây được ấn tượng mạnh: Đầu bạc trắng đến nỗi/ Tóc quên mình vốn đen (Đến nỗi). Ý thơ được triển khai nhiều hướng quanh trục Đến nỗi, xoắn xiết, đẩy hơi thơ đi gấp gáp, hối thúc, như những con sóng lặn khỏi mặt nước, hăm hở lao về đầu thác, để rồi bất chợt đổ ào xuống một vịnh xanh yên ả: Nhắm mắt và lặng im Anh yêu em đến nỗi Anh nói với người mình yêu hay vỗ vào lòng anh đang yêu đầy ắp? Tôi ngồi ngắm nghía câu thơ: Rồi cũng phải về nhà ta con ạ, mà cứ mủm mỉm hình dung ra người viết nó - một ông bố thi sĩ và đầy trách nhiệm. Người bố thấy tư chất của mình, bóng dáng của mình đang lớn dần trong con mình: Một phần tôi trong con đang lớn Một phần tôi trong con đang đi Một phần tôi trong con đứng thẳng (Một phần tôi) Một kỷ luật sống trong gia đình được thiết lập: Ăn theo con/ Ngủ theo con/ Đi đứng theo con/ ... Hát theo con/ Cười theo con/ Nghĩ theo con... và ông bố phải thốt lên láu lỉnh. Bốn tư tuổi đuổi theo bảy tuổi. Bên cạnh những tứ thơ có phần khô khan đôi lúc ta cũng bắt gặp những suy cảm mướt mọng. Ấy là khi Mùa đông vời vợi trăng/ Người đàn ông cô độc. Ấy là khi trong không gian của miên man suy tưởng, cà phê Thạch Thảo nhỏ xuống từng giọt, hoa thiên lý chợt thơm đến khác thường, và lá vườn chợt ánh lên từng ngấn trăng. Ai biết ý nghĩ hoa như thế nào mà tâm trạng cứ bị vấn vít? Có phải vì cánh tay bị thương của lan cẩm cù/ xù xì và nâu như tâm trạng/ Ấy là khi câu thơ khoác áo ca từ bay theo nét nhạc nhân ái nhân hòa: Rồi mưa đã rơi đầy Lời mưa rất dông dài Bàn tay nắm tay nào Người ơi! (Người ơi) Viết về họ nhà rùa - một giống loài cụ thể mà khai quát được một vấn đề trừu tượng, mang tính hình tượng đặc sắc. Rõ ràng chất liệu đời sống đã được thăng hoa lên thi tứ, mà cảm xúc toàn bài vẫn thật đầy đặn căng mọng. Thành công của bài thơ cũng là thành công của một phong cách độc đáo. Qua cửa rõ ràng nặng ký hơn Trên mặt đất. Nói thế không có nghĩa Trên mặt đất không có những thành công, những đóng góp. Chùm thơ: Hỏi, Lan cẩm cù, Dây cháy chậm, Mọc và lặn, Một trăm phần trăm v.V... là vệt thơ trúng đích. Song nhìn chung, độ nén của Trên mặt đất không cao và điều đặc biệt, không "đời" bằng Qua cửa. 5-2001
TRẦN QUỐC THỰC (nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001) |