Một anh bạn đồng nghiệp cùng phòng nhận trực thay cho Hảo hai ngày, thêm hai ngày nghỉ cuối tuần thành bốn. Đủ cho anh có đủ một chuyến về
. Vợ Hảo - một người đàn bà tốt bụng, biết chồng có ý muốn đi về vùng đất gắn bó nhiều kỷ niệm, không cản. Vào buổi chiều trước lúc lên tàu, chị lặng lẽ đưa cho chồng nửa tháng lương. Bảo rằng: "để anh mua nhang đèn, hương hoa cho đám bạn cũ". Thành phố rực rỡ màu cờ hoa mừng 25 năm ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Trên sông Hương nhiều con thuyền chăng đèn kết hoa. Nghe bảo đêm nay thành phố còn tổ chức bắn pháo bông. Ở một khoảng sân rộng trước cửa Ngọ Môn mấy anh truyền hình đang tìm chỗ đặt máy. Học sinh, sinh viên ăn mặc đẹp đẽ. Con trai áo trắng quần xanh; con gái áo dài đủ màu sắc đi dự lễ mít tinh. Chỉ có điều Hảo đã đánh mất đi cái cảm giác nôn nao đến khó tả, của cái ngày tháng 3 năm ấy. Lần đầu tiên anh đặt chân vào thành phố bất chợt được nhìn thấy những tà áo dài của con gái Huế bay phấp phới trên cầu Tràng Tiền, cầu sông Hương, dọc đường Lê Lợi... Ở quê Hảo và những người lính giải phóng chưa ai được thấy con gái đi học ăn mặc đẹp như vậy bao giờ. "Lạy trời còn tìm thấy khóm dứa dại. Dứa dại"... Cô bé bán xe trái cây, nhìn Hảo như một anh lẩn thẩn mắng. "Ngu chi mà ngu rứa. Thơm của người ta ngon rứa mà kêu dứa dại". Hảo cười đỏ mặt. Anh nào dám chê những miếng thơm cùng với đám ổi, cóc đã được gọt vỏ ngâm nước đường của cô bé đang cắm trên đầu những cây que. Để cho cô bán trái cây hết xui, Hảo chìa ra cho cô bé một ngàn để đổi lấy một miếng dứa đã được cô rắc vào chút muối ớt. Chuyến tàu thống nhất vào đến ga Huế chưa đến 8 giờ sáng. Hảo không muốn ở lại đây lâu. Anh chỉ mất thêm 17 ngàn đã được người lái xe ôm chở anh ra tới quận lị Hương Trà. Dường như cái căn cứ chi khu với hàng chục lớp rào kẽm gai, tháp canh, lô cốt... đã bị xóa sạch, thay vào đó là một thị trấn của thời mở cửa. Cũng phố xá hàng quán đủ loại, cũng nhà hai ba tầng xây theo lối mới và một số cơ sở sản xuất của huyện. Phải mất một lúc, Hảo mới tìm ra căn nhà của vợ chồng kỹ sư Thoa. "Chú ở mô đến đây, tìm tui có việc chi?". Hảo tần ngần trong giây lát. Hay anh lầm! Cô kỹ sư mới ngoài 30 tuổi, nhưng trông lam lũ tất bật. "Có phải chị là người đã gửi thông báo này trong mục "nhắn tìm đồng đội". Hảo lặng lẽ chìa ra cho chị kỹ sư mảnh giấy anh ghi vội trong một lần ngồi coi truyền hình. Hảo bảo cô gái - "Tình cờ tôi nghe được về đây gặp cô hỏi cho rõ ngọn ngành". Thoa như reo lên - "Chú biết mạ Bê của cháu thiệt sao? Mời chú vô nhà, cháu vô ý quá! Chồng cháu bữa ni lại lên thành phố dự lễ, nhưng không sao, chú cứ vô đây". Pha xong cho Hảo chén trà, Thoa vào bàn thờ thắp nhang. Hảo bước theo cô, nhìn ký tấm ảnh người đàn bà trong khung kính. Anh lặng lẽ đặt lên bàn thờ mấy phong bánh đậu xanh, bánh cốm mang từ Hà Nội vào. Anh thấy cay cay nơi khóe mắt. Nàng đấy. Thấp thoáng trong màn khói hương, như thể Bê đang bước ra gặp người quen cũ lâu ngày. "Dứa dại...Dứa dại!". "Chú nói chi con không hiểu". Thoa ngơ ngác nhìn người khách đường xa, chưa biết rõ tên tuổi, tung tích. "Con à... Con là con Xíu phải không?". “Dạ phải! Cô kỹ sư gật đầu. Chừ con tên Thoa, chồng con tên Hỉ. Răng chú biết tên con hồi nhỏ?". Hảo cười và xoa đầu cô gái. "Giờ con đi nấu cơm cho chú ăn đi. Cả đêm qua ngồi tàu, cho đến sáng nay chú chưa có hột cơm mô vô bụng".
Nhiều năm sau, Hảo vẫn thầm cám ơn cái duyên kỳ ngộ cho anh được gặp Phước. Anh là tù binh ngụy bị đại đội của Hảo bắt được trong một trận đánh ở gần Khe Trái, sông Bồ. Gã tù binh ngụy bị thương gãy chân. Vết thương không có thuốc sát trùng, sinh dòi bọ... Tổ trinh sát tiểu đoàn đã thả gã ra trên đường 12. Phước đã không chết vì vết thương mất nhiều máu, cũng không bị nhiễm trùng sài uốn ván như Hảo đã nghĩ. Phước được đoàn công binh ngụy đi tuần đường cứu thoát và đưa về bệnh viện Trung ương Huế. Sau nửa năm điều trị, Phước giải ngũ về làng. Anh chàng Phước trở thành thương phế binh. Để rồi đúng 5 năm sau, khi Hảo và tổ điều nghiên bị kẹt lại ở chi khu Hương Cần, anh đã gặp lại cả gia đình Phước. Mạ đẻ Phước là mụ Mến, em gái Phước là Bê. Cả Phước nữa đều là cơ sở cách mạng của một xã vùng sâu Hương Trà. Bốn mươi tám giờ nằm bẹp như một con dán trong căn hầm xây nổi, ngay dưới căn hầm nhà Bê, Hảo chưa có dịp hỏi được vì sao Phước lại là cơ sở cách mạng bí mật của xã? Hai đêm liền tổ điều nghiên tìm cách đột vào chi khu H để lên sa bàn và phương án đánh địch. Đêm thứ hai, vào tới hàng rào thứ ba bị lộ. Một trinh sát viên hy sinh còn Hảo bị thương nhẹ ở tay. Tổ dẫn đường của huyện quyết định giấu các anh vào các cơ sở bí mật của xã. Đường lên căn cứ đã bị kẹt. Trong các làng, lính bảo an lùng sục. Phía Tây đường quốc lộ, ở Văn Xá Trung, An Đôn, Phú Ổ địch càn. Lính E54 ngụy rải kín con đường chiến lược cắt lên xanh. Đêm qua lúc đưa Hảo về nhà, anh được giải thích ngắn gọn: đây là những cơ sở tin cậy của thành phố. Lúc nhận ra Hảo, Phước mừng phát khóc. Anh ta chỉ kịp dặn dò cô em phải lo chu toàn cho "ân nhân cứu mạng", rồi Phước đi lo thu xếp chỗ ở cho một người khác. Qua cái lỗ tò vò thoát khí của hầm chứa thóc Hảo quan sát được con đường làng. Trước cổng nhà Bê còn có một quán bán hàng tạp hóa. Ban ngày Bê ngồi đấy, vừa giả đò bán hàng, vừa canh chừng địch. Lâu lâu, một cô bé chừng 4 tuổi gầy gò, tóc túm đuôi gà từ khoảng sân nhà mụ Mến chạy sang với mẹ. Thấy mụ Mến kêu nó là con Xíu. Bê là vợ của một anh lính truyền tin ngụy, người cùng làng đóng quân ở Đà Nẵng. Nghe bảo anh ta có vợ bé. Sau một trận cãi lộn với chồng, Bê bỏ đất La Chữ về quê sống với mẹ, nuôi con... Buổi trưa lúc mụ Mến sang quán canh chừng, Bê vào nhà lo cơm nước, nấu cháo và tiêm thuốc cho Hảo, cô gái đã kể cho anh nghe hết sự tình. "Đời em khổ lắm anh à...!". Bê nói. Hảo nghe câu được câu chăng, nhưng anh đoán hiểu cả. Rồi cô bảo "Mấy anh khỏi lo, ngày mai tụi em sẽ giao bản đồ bố phòng chi khu H cho các anh. Nhà mẹ em tuy ở gần đình, tụi lính qua lại luôn nhưng chồng em là lính ngụy chúng ít nghi ngờ". Căn hầm chứa thóc, nơi Hảo trú ẩn chỉ cao hơn một mét. Phía trên được dùng làm bàn thờ, xây kín chứa thóc lúa, đồ đạc. Hầm chật, anh chỉ có thể nằm ẹp xuống sàn, hoặc ngồi thu lu. Cửa ra ngoài bằng gỗ đã được Bê khóa chặt. Mọi việc ăn uống, đi tiểu tiện đều diễn ra trong một góc tối. Lúc tiêm cho Hảo mũi kháng sinh, Bê bảo - "Ráng chịu ghen anh. Tối êm, em đưa anh ra ngoài nằm cho thoáng". Có một lần con Xíu chạy vào nhà, như thể nghe được Hảo cựa mình trong hầm thóc, nó bảo mẹ “Mạ ạ, trong hầm thóc nhà mình có chuột!” Bê bảo con gái: "Chuột đó... Đi ra ngoài chơi với ngoại, để má dọn nhà". Con Xíu nghe lời mẹ chạy ra sân. Buổi chiều, Hảo lên cơn sốt. Cơn sốt kéo đến bất thần. Đầu anh như muốn vỡ ra làm đôi. Tấm chăn chiên trở nên mỏng manh. Hảo phải cuốn cả tấm dù hoa vẫn mang theo bên mình và tấm chiếu, đắp thêm cả cái bao gai mà vẫn rét run cầm cập. Hai hàm răng đánh vào nhau, tê cứng. Rồi một lúc sau lại nóng. Gian hầm thóc trở thành một lò than. Anh quằn quại bung bức có lúc chỉ muốn phá tung mảng tường để thoát ra ngoài... Hảo thiếp đi mê mệt. Anh thấy mình đang chạy trên những cánh rừng đang bốc lửa. "Tụi Mỹ ném bom xăng tụi bây ơi!". Có tiếng ai gọi to - "Chạy cho mau". Những thân cây đang cháy xém than rơi từng cục đỏ hồng, bỏng rát nơi bàn chân. "Đây là đâu thủ trưởng". Hảo hỏi anh tiểu đội trưởng đang chạy phía trước". "Quảng Trị" Chả nhẽ chúng đốt cả cánh rừng dài hàng chục cây số? Anh tự hỏi và chạy trên con đường giao liên, đất đã cháy đen thành từng vạt. Mệt đến rã rời chân tay. Chiếc ba lô nặng, khẩu súng và chiếc ruột tượng gạo 7 kí như một khối đá đè trên vai. Đến một lúc, Hảo thấy mình ngã vào một vũng nước, nằm xen kẽ giữa những tảng đá. Khát quá. Anh vục đầu vào một tảng đá uống nước. Anh nhìn rõ từng đàn nòng nọc châu đầu đen đặc, đọng thành vũng dưới hố nước xanh rêu. Mặc. Ở một vũng nước khác, thằng Thắng, thằng Tùng, Nghi Phở, thằng Sơn, thằng Thịnh, thằng Tí bẹp, thằng Chiến, thằng Hiển cả một đám lính trần như nhộng đang ngụp lặn dưới làn nước trong vắt. "Sông gì đây tụi bây ơi!". "Nghe bảo đây là sông Xê Băng Hiêng, đất Lào rồi đấy! Vài trạm nữa sẽ đến rừng thông". Hảo có cảm giác ai đó đang lay nhẹ anh. Một tiếng nói nhẹ như từ cõi âm vọng về. "Đồng chí bộ đội sốt cao lắm, anh Hai ơi". "Đưa đồng chí ấy ra ngoài cho đỡ ngột..."."Bữa nay địch chốt ở mô?”. "Bên xóm chùa, bên Thanh Lương đều có cả...". "Kẹt đường à? Chà nặng khiếp, anh Hai giúp em một tay...". Hảo tỉnh dậy lúc đêm đã về khuya. Không gian im ắng. Ngôi nhà tối om. Chỉ có ngọn đèn dầu le lói như hạt đậu để trên bàn thờ Phật. Người Hảo sực nức mùi dầu gió. Ai đã xoa dầu cho anh? Ai cũng đã cởi bỏ hộ anh bộ quần áo giải phóng để mặc vào người bộ đồ pi za ma? Bê, Phước và cả mụ Mến nữa, họ đi đâu mà không thấy một ai? Họ ở đâu cả rồi? Anh cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng như một kẻ lạc đường sau trận đánh không tìm thấy đồng đội giữa rừng già. Vết thương ở bả vai Hảo đau tức. Anh cố nhỏm dậy và sờ được can nước. Hảo tu một hơi dài. Nước đắng chát. A ha, chè xanh. Lâu quá rồi anh không còn được thưởng thức hương vị của bát nước chè xanh có chút gừng giải nhiệt. Anh còn sờ thấy được cả hộp sữa "Ông Thọ" uống dở. Hảo tu một hớp... Tỉnh cả người. Sau cơn sốt, đầu nhẹ bẫng. Anh muốn có một ai đó ở bên cạnh lúc này để hỏi nhưng chẳng có ai cả. Vẳng lên ba phát súng bắn cầm canh của tụi lính bảo an gác đêm ở ngoài đình, nhìn thấy rõ cả viên đạn đỏ lừ vạch lên nền trời. Lát sau một quả pháo sáng bắn lên tỏa ra thứ ánh sáng vàng vọt ma quái soi rõ bụi tre, cây dừa đổ bóng xuống khoảng sân rộng. Anh còn nhìn thấy cả phía bên kia con đường đất là cánh đồng lúa và những vạt tre làng đen thẫm... Súng lại rộ lên từng loạt, đâu như ở ngoài ngả đường Một... Quãng 3 giờ sáng, Bê mới trở về. Cô luồn vào nhà, nhẹ như một con mèo. Hảo nằm im, giả vờ ngủ. Bàn tay cô mát lạnh sờ lên trán anh. "Sao quần áo Bê ướt nước thế này?". "Em vừa đi bám đường trở về mai đưa các anh đi. Anh bớt sốt rồi, em mừng quá. Anh nằm im chờ em mang cháo lên anh ăn". Bê đút cho anh từng thìa cháo gà nấu nhuyễn. Ăn hết một tô cháo, người Hảo ướt đẫm mồ hôi. Bê đã thay bộ đồ đen bằng bộ đồ hoa mặc trong nhà. Trời tối, bóng cô trắng nhờ. Bàn tay Hảo ấm dần trong hai bàn tay cô. Chỉ nghe Bê nói mỗi câu. "Các anh bộ đội thiệt tội!"...
Chồng Thoa là cán bộ huyện. Anh hơn cô dễ có đến cả chục tuổi nhưng một điều, hai điều gọi Hảo bằng chú, xưng cháu. "Cháu nghe Thoa bảo chú là bạn chiến đấu của mạ cháu, từ Hà Nội vô đây tìm mộ cho gia đình cháu. Thật cám ơn chú". "Cậu đừng nói tới chuyện ân huệ ở đây, tủi lòng người đã mất. Từ bữa nhận được tin Thoa nhắn trên đài, tôi không lúc nào ngủ yên. Nghĩa tình với chị Bê tôi đâu có quên. Chỉ phải tội nghèo. Nhiều lần tôi muốn vô Huế một chuyến chơi mà chưa đi được". Chợt Hảo chỉ tay về hướng núi xa xanh. "Cậu có biết dãy núi kia tên chi không?... Không rành à. Kia là dãy Một Mái, Hòn Vượn. Còn dãy núi nằm như người đàn bà ngửa bụng lên trời là Hòn Dài. Qua bên kia sông Bồ là dãy núi 140, 165... Hồi là lính trung đoàn 4 tôi đã chốt mấy năm trời ở đó. Ngồi nói chuyện "hòa hợp" với tụi lính dù, lính thủy quân lục chiến ngụy hoài à". "Chú biết rành rẽ vậy ư?". "Thì cậu bảo...có vậy tôi mới quen được bà Bê, cậu Phước". Phước cũng mất rồi. Sau đêm tổ trinh sát rời làng, có điệp báo cơ sở của mụ Mến bị lộ. Phước bị tụi bên an ninh của quận về bắt, chúng đánh dữ quá, nhưng anh kiên quyết không khai báo gì các cơ sở mật của ta ở vùng sâu. Phước được địch thả về ít ngày sau thổ ra huyết, chết. Mụ Mến bị tù cho đến ngày Lao Thừa Phủ được bộ đội vào đánh chiếm. Mụ cũng chỉ sống được ít năm nuôi con Xíu khôn lớn lên chút nữa rồi ra đi. Hảo đã hỏi Thoa. "Sao cháu không đi theo ba?". "Đi làm chi chú! Thoa hỏi lại anh - Sau ngày giải phóng, có lần ổng về đưa cháu vô Đà Nẵng nuôi ăn học. Ông nhủ cháu đi di tản. Lúc xuống tàu cháu bỏ trốn, trở về làng. Ở đây còn mồ mả ngoại cháu, cậu Phước và cả mạ cháu nữa. Bả không biết nằm ở nơi nào. Bao năm nay, lòng cháu đâu có yên hả chú. Thật là trời cho phước để cháu được gặp chú bữa ni". Buổi sáng ngày thứ hai Hảo và vợ chồng Thoa ra đồng tìm mộ. Từ chiều hôm trước Thoa đã làm một mâm cơm cúng mẹ, cầu khẩn bà ngoại, cậu Phước sống khôn chết thiêng chỉ đường cho chú Hảo tìm ra nơi chôn cất mạ...Hảo chỉ đứng lặng trước bàn thờ và nhìn chăm chăm vào đôi mắt của người đàn bà trong tấm ảnh. Đã 25 năm rồi vẫn đôi mắt ấy và nụ cười ấy. Anh như thấy cả ánh chớp lóe lên của trái mìn clay mo phát nổ và những viên bi bay rào rào chém vào không khí. Toán vượt đường bị vấp phục kích đâu như quãng xóm Mới, Bầu Tháp. Cả tổ đã vượt qua đoạn đường rầy xe lửa. Bê bị trúng đạn ngay loạt đầu tiên. Lúc cõng Bê trên vai, anh còn kịp nhìn thấy cây gạo đầu làng trong ánh sáng của ngọn đèn dù. Tại đấy địch đặt một khẩu cối 61ly, chúng thả không tiếc đạn. Còn mấy ổ đạn đại liên bắn như xé vải trên cánh đồng trống trải. Chồng Thoa định chở Hảo trên chiếc xe hon đa số 7. Nhưng anh kiên quyết từ chối. "Cậu cứ để tôi đi bộ. Chân tôi dính bùn đất, tôi mới nhận ra đường". Thoa đành phải cho chồng chở đồ cúng tế, cuốc xẻng chạy ra đường lộ đứng chờ. Nhiều tháng sau khi đã trở về Hà Nội, ngồi tĩnh tại ở nhà Hảo cũng không sao giải thích được hành động của mình trong buổi sáng ở làng Dương đi tìm mộ cho Bê. Vợ Hảo bảo - "Oan hồn chị Bê linh thiêng dẫn đường cho anh". Từ mảnh sân của nhà mụ Mến, Hảo không đi theo trục đường làng nay đã trải nhựa mà anh lại lội qua con hói, cắt băng giữa đồng lúa, vượt qua những bãi mồ mả để tiến thẳng về xóm mới Bàu Tháp. Hảo linh cảm rất rõ rằng, đấy chính là con đường mà các đồng chí du kích xã ngày trước đã đưa tổ trinh sát vào làng. Anh còn nhận ra được cả một vòm cống bi dẫn nước qua hai cánh ruộng, nay đã nằm sâu dưới nền đường nhựa. Nước vẫn rỉ rách chảy qua cống. Thoa lầm lũi đi sau tay anh cầm một bó nhang. Thỉnh thoảng gặp một ngôi mộ, có bia cô dừng lại nhòm ngó. Hảo vẫy tay, gọi Thoa. "Làm gì có bia, có mộ mà con tìm!". Cho đến 10 giờ sáng, Hảo đã vượt qua con lộ và đoạn đường xe lửa. Trận phục kích xảy ra ở chỗ này đây! Anh gặp lại con đường đất dẫn vào làng Phú Ổ, Liễu Thượng... Trời ơi cây đa đầu làng vẫn còn. Nơi ấy, khi xưa mỗi lần đại đội 3 đánh về đồng bằng quanh các làng phía Tây đường quốc lộ, cây đa đầu làng Phú Ổ được chọn làm điểm tập kết. "Dứa dại...dứa dại nơi góc ruộng". Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại như một lời cầu khấn của Hảo. Thoa bám theo sau anh cần mẫn như một cái đuôi. Cô đã thắp mấy tuần nhang mà vẫn chưa tìm ra được tung tích nơi chôn cất mẹ. Phía xa trên con đường làng, chồng Thoa bám sát bằng xe máy. Lâu lâu, anh ta dừng lại để định hướng đi theo. "Dứa dại...dứa dại...Anh lạy em, chỉ đường cho anh, để con em được gặp mặt mẹ!". Mặt Hảo nóng bừng, mồ hôi ướt lưng áo. Nàng đã nói gì với anh nhỉ? Lúc ấy, Hảo cõng Bê thoát ra được khỏi tầm đại liên của tụi ngụy nằm phục kích ở đường sắt. Pháo địch ở Tứ Hạ nã như giã giò vào phía cửa rừng. "Em chết mất, anh ơi...!". "Gắng chịu chút nữa Bê. Lát nữa anh sẽ băng lại cho em". Hảo bảo vậy và đặt cô vào một ngôi mộ, có tường gạch vây tròn xung quanh. Ngồi đây sẽ tránh được đạn thẳng và mảnh pháo. "Anh cho em hớp nước. Khát..." Được uống chút nước như thể Bê tỉnh ra. Đầu cô gối lên đùi Hảo. Bầu trời rực sáng trong ánh đèn hỏa châu từ những chiếc máy bay thả xuống. Anh nhìn rõ gương mặt Bê trắng nhợt. Máu thấm đẫm vạt áo ngực. "Đừng đưa em đi nữa...các anh chạy đi...vào trong núi...Ban ngày chúng nó càn bắt hết...". Đầu óc Hảo rối tung. Từ lúc gặp phục kích, đội hình, mỗi người đi một phương. Điểm hẹn tập kết cuối cùng là đầu làng Văn Xá Thượng. Bằng mọi giá, Hảo cũng không bỏ Bê. Chợt cô bảo anh "Anh cầm lấy tay em đi". Hảo cúi xuống nhìn vào đôi mắt Bê đang mở to, giọng cô yếu hẳn. "Hãy hôn em đi...Em sắp đi đây, anh ơi!”. Đôi môi cô mềm, lạnh. Anh có cảm giác rất rõ lúc chạm vào, đôi môi của nàng hơi rung động. "Hãy tha lỗi cho em...Anh ơi!". Đôi tay cô níu chặt lấy cánh tay anh. Gương mặt Bê đẫm nước mắt. Hảo ôm chặt cô vào trong vòng tay anh. Bê có lỗi gì? Anh chỉ tiếc không có một cơ may để được gặp nàng. Đến một lúc anh thấy người Bê giật nhẹ. Linh hồn bé bỏng của nàng đã đi rồi...Tiếng súng đã ắng lặng. Chỉ còn bầu trời sao tháng bẩy đang bị cắt vụn ra bởi ánh đèn dù ma quái. Thấp thoáng trong màn ánh sáng mờ ảo, Hảo nhìn thấy bóng một người lính trinh sát đang chạy cắt băng trên đồng. Anh giả tiếng tắc kè gọi bạn... "Dứa dại... dứa dại! ". Hảo đi như một kẻ lên đồng. Anh lội qua một đám ruộng lúa, vượt qua một vạt ruộng trồng kiệu, dãy trồng nưa... Hiển hiện trước mắt anh là một khóm dứa dại đứng ngay góc ruộng. Ở đấy còn có một khóm cúc dại, hoa nở vàng rực. Nghe tiếng chân người bước tới, ba bốn con bướm vàng và những con ong rừng đang hút nhụy hoa vội vã bay lên.
Như thể Hảo nhìn thấy nàng đang lấp ló sau cây dứa dại. Đôi chân Hảo khuỵu xuống. Thoa thảng thốt. "Ở đây làm gì có mồ mả nào hả chú? " Ngồi bệt trên nền đất ruộng ẩm mát, Hảo nhìn cô kỹ sư canh nông lúc này trông nhem nhuốc, bơ phờ hơn cả người đi cấy. Áo quần cô gái bê bết bùn đất. "Các chú có chôn mẹ con thế này thì mới không bị tụi ngụy sáng hôm sau đi lục soát trên đồng đào bới lên. Con ra mau lấy cuốc xẻng lại đây..." Mới chỉ đào hơn một thước, dưới nền đất cát ẩm Hảo đã nhìn thấy mảnh dù hoa của anh cuốn quanh xác nàng... Trong lúc Thoa ngồi khóc mẹ, Hảo thẫn thờ như một kẻ mất hồn. Mắt anh lại chạm phải những dãy núi xa mờ. Cỏ cây chưa mọc xanh trên đỉnh Hòn Vượn, Chóp Nón, Một Mái...Giữa hai dãy núi là đỉnh dốc Tranh. Từ các căn cứ của bộ đội, du kích ở vùng giáp ranh, con đường về đồng bằng qua ngả dốc Đu, dốc Cát đi qua đó. Hình như vẫn còn lại một cây khô bị bom ném cháy tự dạo Mậu Thân đứng trơ trọi giơ lên trời hai nhánh cháy như hai cánh tay trên lưng triền dốc Hòn Ngang. Ầm ì vọng lại tiếng máy cày trên đồng vắng. Hà Nội - đêm 19/2/2001
ĐỖ KIM CUÔNG (nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001) |