Tạp chí Sông Hương - Số 150 (tháng 8)
Làng nghề đan lát Bao La
11:18 | 27/05/2008
Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột. Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi. Tạm tiền mua lấy vài đôi. Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào.
Làng nghề đan lát Bao La

Tôi theo câu ca tìm đến làng nghề đan lát truyền thống mây tre thôn Bao La, xã Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.
Làng Bao La hướng ra biển đông, gồm xóm Chùa, Đình, Hóp, Đông, Cầu và xóm Chợ. Đầu làng xóm Chùa cuối làng xóm Chợ. Mặc dù người dân trong làng đều biết đan giần, sàng, mủng, nia, rổ, rá nhưng theo ý các cụ tổ tiên mỗi xóm vẫn giữ nghề gia truyền của xóm mình để tránh cạnh tranh với láng giềng sinh mất hoà khí. Nên xóm Chùa chuyên đan rá, xóm Đình chuyên đan mủng, trẹt, xóm Hóp rổ, xóm Đông và xóm Cầu nia và xóm chợ sàng, giần.
Tôi từ Huế, theo hướng Bắc, chạy xe ra cây số mười bảy, rẽ vào mấy nẻo đường quê và men theo dòng sông Bồ râm mát những lũy tre xanh, dắt xe qua đò ở bến đò Hạ Lan, chạy thêm một quãng qua cánh đồng bát ngát mới đến với làng nghề một thời nức tiếng gần xa, cho tới bây giờ còn bịn rịn câu ca. Nghe đâu vào thời phát đạt của thúng, mủng, những trai lực điền vâm váp muốn làm rể làng Bao La phải biết đan thúng, mủng, khi quăng mạnh thúng ra xa, thúng bung vành ra. Tôi thực sự ngạc nhiên cái tiêu chuẩn chọn rể ngược đời của người xưa có gì đó mâu thuẫn với câu ca. Thúng, mủng Bao La xưa nay nổi tiếng tốt, bền, mới làm nên câu ca chảy mải miết theo năm tháng, mới sánh với làng đan chiếu Bình Định và giường của người Lào đất nước triệu voi nhiều gỗ quý. Suốt dải đất miền Trung hầu như ai cũng biết thúng, mủng làng Bao La đựng được bột mịn không chảy.
Chúng tôi đi loanh quanh trong làng Bao La với hy vọng tìm được nhà còn biết đan thúng. Gặp một cô gái lưng áo đẫm mồ hôi, kĩu kịt gánh mạ đi qua, tôi gọi:
- Cô ơi, dừng lại cho tôi hỏi một chút. Cô biết ở đây, có nhà nào đan thúng không? Chỉ giúp tôi với.
Cô gái đặt gánh xuống, lấy tay vén mấy sợi tóc vương trán:
- Ở làng này không ai đan thúng hết. Các chú đi ra làng gần ngoài phá Tam Giang. Qua Sịa chừng hai cây số rưỡi hỏi thôn Thuỷ Lập. Thôn Thuỷ Lập là làng Bao La ngoài đó. Làng này là Bao La trong.
- Đây ra đó xa không cô?
- Gần hai mươi cây.
Chúng tôi đã đến làng Bao La nhưng lại phải đi tìm làng Bao La khác.

Hơn mười năm trước chúng tôi có dịp qua thị trấn Sịa, thủ phủ của huyện Quảng Điền bây giờ. Hồi ấy, bên ngoài chợ Sịa lèo tèo vài hàng quán, chợ đông không dậy không khí ồn ã, lao nhao tranh mua tranh bán của một khu chợ thị tứ vùng xa. Con đường tỉnh lộ 11A lổm ngổm đá và bến đò Cồn Tộc qua Vĩnh Tu vắng teo, hun hút gió Tam Giang. Lần này tôi trở lại, khu chợ rộn ràng, quán xá mọc lên san sát, người người về chợ đông vui. Sức sống một vùng quê đang nở nang, lớn dậy từng ngày.
Ở chợ Sịa, chúng tôi chạy xe gần 3km nữa là bắt đầu vào thôn Thuỷ Lập(còn gọi là làng Bao La ngoài) thuộc xã Quảng Lợi hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã Quảng Lợi trải dài theo phá Tam Giang 10km, là một dải đất cát bạch sa bạc màu. Cư dân sinh sống theo mô hình cát- nhà- ruộng - phá với 1511 hộ, 7459 nhân khẩu. Chia ra 10 thôn, trong đó 1 thôn đan đát mây tre truyền thống là làng Bao La ngoài, 2 thôn ngư nghiệp và 7 thôn nông nghiệp. Ở đây, nông nghiệp chủ yếu trồng cây lạc vì cây lúa cưỡng (lúa địa phương) chỉ một vụ, năng suất kém. Ngư nghiệp, chuyên nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, nuôi 68 lồng cá, thả 68 vạn con cá giống.
Làng Bao La ngoài có 1717 nhân khẩu trong 380 hộ. Cả 380 hộ đều gìn giữ nghề đan lát thúng, mủng truyền thống.
Hơn trăm năm trước, một số bà con trong làng Bao La gồng gánh gia đình theo đuôi con cá ra ngụ ven phá Tam Giang và đứng chân trên thôn Thuỷ Lập này, đến nay đã vào đời thứ năm. Vì hồi đó ở làng Bao La khe thấp, guồng nước lên đồng rất khó. Bà con sống trên đất mới tuy vẫn cày cấy trên đất cát bạch sa, nhưng vẫn tập tành thêm nghề đánh bắt cá, tôm, cua trong đầm phá và lưu giữ nghề đan đát mây tre truyền thống. Mới đầu, dân ngụ cư vẫn đan giần, sàng, rổ, rá như trong làng cũ, sau vì nhu cầu sinh sống ven đầm phá bà con chuyển sang đan thúng, mủng.
Bác Tạo chiêu một hớp trà ướp hoa sói rồi cất giọng ồm ồm:
- Muốn đan được một cái thúng phải qua các việc: Đầu tiên ra Phò Trạch, An Lỗ hay lên tận Cù Bi, Hiền Sĩ, mua lồ ô. Bình quân giá một cây về đến làng là 5.000 đồng. Cưa lấy đoạn gộc vót vành tròn lót trong, vót vành ngoài lép, đoạn giữa chẻ nan vót láng đan mên, khúc đọt chẻ mảnh hơn, nhỏ hơn để đát thành miệng thúng. Lận vành phải người lớn quen tay mới lận được. Nức vành thúng phải nức lật đôi, thúng nhỏ nức dày 90; nức lật, thúng lớn thì nức trăm hai, trăm ba; nức lật cái thúng mới chắc nụi. Sau cùng đốt lửa rơm hui cho cháy xơ tre, cho cái thúng bén lửa ngả màu vàng ruộm khói bếp để chống mọt. Một ngày sức tui đan được một cái thúng từ ra tre, vót, chẻ, lận, nức vành. Đem bán tại đây được 6.000 đồng, trừ chi phí tre pheo 1.000 đồng còn lãi công được 5.000 đồng. Dù ít ỏi là vậy, nhưng nghề đan đát vẫn giúp bà con làng tui bù chì cho những lúc mưa gió, lúc giáp hạt hoặc sắm sửa, may mặc vào những dịp lễ, tết.
Tôi đem thắc mắc của mình về lối chọn rể của người xưa. Bác Tạo cười xoà nói:
- Nết nông dân tụi tui không ưa làm dối. Các cụ muốn đánh giá ở độ khít khao của tấm mên khi chàng rể quăng mạnh ra xa, vành bung nhưng tấm mên vẫn sít rịt với nhau.
O Hường trước ở xóm Chợ làng Bao La trong góp chuyện:
- Tôi cũng có nghe mấy thím trạo miệng như vậy. Nói thiệt với các anh, đan được một cái thúng đôi bung vành mà mên còn nguyên cũng phải giỏi tay nghề mới đan được. Các anh biết không. Đan rổ sưa phải dùng tre cật đan lòng mốt, trệt đan lòng ba, lòng bốn. Bốn góc đan lòng năm, phía đát để lận vành đan lòng ba. Xưa người ta chỉ nức lác mây, bây chừ có người nức gấc. Nức chi thì chi cũng phải nức chặt, sít, đều thúng mới lâu bung vành. Còn chuyện chọn rể tôi cũng có nghe mệ tôi nói. Một cái thúng sáu bảy sợi lật, chàng rể phải dấu các múi chắp khi nối hai sợi lật với nhau trên miệng thúng thật lỏng, nhưng không thấy các múi chắp và nức sưa. Khi quăng, phải lén giữ một múi lật và rút mạnh thì vành thúng bung ra nhưng mên vẫn chặt chịa không bung. Các anh biết không, đan áo len thì bắt đầu đan dưới bo áo đan lên cổ áo, khi tháo thì tháo trên cổ áo tháo xuống, kéo qua, kéo lại cuốn thành một cuộn len liền sợi. Chàng rể rút một múi chắp cũng vậy.
Tôi mới vỡ lẽ ra. Hoá ra các cụ chọn rể cho con gái làng Bao La không chỉ khéo đan đát mà thôi, còn phải khéo ứng xử, khéo thực hiện ý chỉ của các cụ một cách khôn khéo, thông minh hòng sau này đủ tài trí nuôi vợ đợ con.
Tôi còn được xem o Hường đan mên thúng. Đan xong o trải mên ra, dùng mấy ngón chân dằn mên lại rồi lấy một cật tre gộc, lép, chấn vào các mắt mên, dùng dùi cui tre gõ nhẹ lóc cóc, thúc những ô vuông nan tre sít chặt với nhau. Hèn chi bột không lọt qua được! Và ngày xưa bà con còn dùng thúng gánh nước dưới sông lên được...
Thúng, mủng Bao La không chỉ đứng trước nguy cơ xâm lấn thị trường của các mặt hàng nhôm nhựa hoa hoè, mà còn bị xâm lấn bởi cái độ tốt, bền, lâu hư và giá thành quá rẻ của mỗi cái thúng. Tưởng như nghịch lý, nhưng rõ ràng tốt quá người ta ít mua thay, giá rẻ không kinh tế! Tình trạng này kéo dài liệu câu ca có thành cổ tích hay không?
Ông Phó Chủ tịch xã Quảng Lợi tâm sự:
- Thu nhập của người đan đát rất thấp, nhưng tận dụng được lực lượng nhàn rỗi. Giữ gìn nghề truyền thống này chúng tôi có dự án ban đầu với gần 76 triệu đồng cho vay quay vòng

để mua nguyên vật liệu trả vốn và lãi từng tháng một.
Vâng, đó là điều kiện ban đầu để bà con có vốn hành nghề. Theo tôi, muốn làng nghề lưu truyền mãi thì nên tìm được đầu ra, như trước đây các mặt hàng của hai làng Bao La xuất khẩu sang Liên Xô chẳng hạn. Và còn kịp thời thay đổi mẫu mã, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người nông thôn lẫn thành thị. Ví dụ đan giỏ xách, các kiểu lẵng hoa...
Chúng tôi từ giã làng Bao La ngoài. Tôi tin tưởng rằng dù có vật đổi sao dời thì nghề đan lát mây tre của hai làng Bao La vẫn mãi được gìn giữ, lưu truyền bởi tính cần cù, nhẫn nại của bà con nông thôn. Đó là lòng son sắt với đất đai, quê hương, với họ mạc, tổ tông. Thúng, mủng Bao La sẽ tiếp tục chảy mải miết vào ngày tháng, lòng dân bằng câu ca.
Trại viết Quảng Điền, tháng 6 năm 2001

NGUYỄN VĂN VINH
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)

Các bài mới
Quê ơi! (30/05/2008)
Cúc biển (30/05/2008)
Con khướu ấy (30/05/2008)
Chị tôi (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)
Các bài đã đăng
Dứa dại (27/05/2008)